captured from: www.vov.org.vn | vov.org.vn(English) | ||
58 QuanSu - Hanoi Tel: (84-4) 9344231 Fax: (84-4) 9344230 Email: vovnews@hn.vnn.vn |
|
|
|
|
"Anh hùng châu Á" giữa đời thường
Lần này đến Hải Phòng, tôi nôn nóng được gặp Huệ. Bởi đây là lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc với một người dám công khai mình bị nhiễm HIV. Đón chúng tôi trong một ngôi nhà nhỏ nằm giữa phố Hạ Lý (Hải Phòng), nụ cười hiền hậu của Huệ đã xua tan mọi mệt mỏi trong tôi sau chặng đường dài tìm đến nhà Huệ. Mời chúng tôi ngồi, chồng Huệ dỗ đứa con trai 3 tuổi chơi ngoan rồi đon đả đi pha nước giúp vợ. Mẹ chồng Huệ từ trên gác bước xuống chào khách rồi cũng ý tứ ra ngoài trông cháu để con dâu được thoải mái nói chuyện… Huệ bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng hồi ức về những tháng ngày cơ cực, buồn tủi. Đó là một ngày tháng 2/2001, giây phút hai vợ chồng Huệ hân hoan đón chờ đứa con đầu lòng chào đời, cũng là lúc Huệ nhận được “giấy báo tử”: Nhiễm HIV. Các bác sĩ cho biết, Huệ bị lây từ chồng, vì trước đây chồng Huệ nghiện hút và bị HIV. Huệ tâm sự: “Lúc đó, em đã nghĩ ngay đến cái chết. Nhưng nhìn đứa con đỏ hỏn trên tay, em lại không đành lòng". Biết tin dữ, hai bên gia đình nội, ngoại ai cũng sợ rồi dần xa lánh vợ chồng Huệ. Chính Huệ cũng không dám gần mọi người vì nghĩ sẽ lây HIV cho người thân của mình. Ở viện về, gia đình nhà chồng thuê ngay cho vợ chồng Huệ một phòng trọ nhỏ để ở. Ngay sau đó, cái tin Huệ bị HIV/AIDS nhanh chóng lan khắp phố. Chồng Huệ đang làm bếp trưởng ở khách sạn Cây Đa (Hải Phòng) cũng bị ông chủ từ chối khéo. Cùng đứa con mới vài ngày tuổi, vợ chồng Huệ lâm vào cảnh khốn khó, không việc làm, sống cách ly tất cả mọi người. Cuộc sống của gia đình Huệ hoàn toàn phải dựa vào số tiền chu cấp ít ỏi hàng tháng của hai bên gia đình… Một thời gian sau, nhờ có việc tuyên truyền về HIV/AIDS ngày càng rộng rãi trên các phương tiện như đài, báo… gia đình Huệ mới hiểu rõ được các phương thức lây truyền của HIV và đón con, cháu về nhà. Nhưng cũng bắt đầu từ đây, nguồn sống chính của cả đại gia đình họ lại có nguy cơ mất dần. Quán cơm phở trước kia đông khách là thế, trở nên vắng dần, đến lúc không còn một ai dám vào ăn. Hai mẹ con Huệ bàn nhau chuyển sang bán hàng giải khát, được vài tháng, đành phải dẹp cửa hàng. Nhiều hôm, hai mẹ con Huệ ngồi nhìn nhau, nước mắt lăn dài trên má, không biết rồi đây cả gia đình sẽ sống ra sao? Hết cách, mẹ chồng Huệ phải quay lại nghề cũ là may áo bà ba. Một dạo tiệm may cũng có tiếng trong thành phố nên khách hàng đến may ngày càng đông. Phần lớn khách đến cửa hàng vẫn còn e ngại, sợ Huệ "sờ" tay vào, nhiều người đã nói thẳng là không được để Huệ làm… Cuộc sống buồn tẻ của Huệ cứ thế trôi đi. Như con chim bị nhốt lâu trong lồng, Huệ ngày càng nhận ra rằng mình không thể làm một người sống mà như đã chết, sống chỉ ngồi chờ chết mãi được. Hàng ngày, hàng giờ trong tâm can Huệ có sự đấu tranh, giằng xé quyết liệt: phải tự vượt lên số phận khắc nghiệt. Huệ tâm sự: "Là một người bị HIV, em mới hiểu ra rằng, không có gì nguy hiểm bằng sự kỳ thị của mọi người. Bệnh nhân HIV có khi chưa chết vì bệnh mà đã chết bởi sự kỳ thị. Em muốn được làm việc, được chia sẻ, giúp đỡ những người HIV vượt qua được sự kỳ thị, xa lánh, đồng thời cũng để mọi người trong xã hội hiểu rõ việc lây truyền, phòng chống AIDS. Từ đó, họ mới có thể giúp bệnh nhân HIV có cuộc sống hoà đồng, bình thường như mọi người khác".
cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS Năm 2002, Huệ tham gia và hoạt động tích cực trong Câu lạc bộ Hải Âu của thành phố Hải Phòng, chuyên tư vấn và giúp các bệnh nhân HIV về điều trị, phòng chống lây nhiễm AIDS. Năm 2003, Huệ lập ra nhóm nhỏ hơn, lấy tên là "Hoa Phượng đỏ". Hiện giờ, nhóm "Hoa Phượng đỏ” có 9 người tham gia và nhà Huệ ở số 68, Hạ Lý được dùng làm địa điểm tư vấn cho bệnh nhân HIV/AIDS. Những người cần tư vấn về AIDS hoặc an táng người chết vì HIV/AIDS chỉ cần gọi điện thoại đến nhóm theo số 031.842.747 sẽ nhận được sự giúp đỡ của chính những người bị AIDS khác như Huệ. Theo Huệ, các bệnh nhân HIV cần nhất là sự an ủi, động viên của những người cùng hoàn cảnh. Mỗi ngày có đến hàng chục cuộc điện thoại gọi đến mong được tư vấn, có khi tới 1, 2 giờ sáng. Ban ngày, Huệ hầu như không mấy khi có mặt ở nhà, lúc thì ở Hà Nội, Quảng Ninh… có khi vào tận Sài Gòn tham gia các buổi hội thảo, buổi nói chuyện về phòng chống HIV/AIDS. Các hoạt động của Huệ và nhóm "Hoa Phượng đỏ" ngày một đổi mới để đạt hiệu quả cao hơn, như: tổ chức nói chuyện tại nhiều nơi làm việc, các khu dân cư; hỗ trợ chăm sóc người bị HIV/AIDS gặp hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ con các bệnh nhân HIV góc học tập; hỗ trợ tang lễ cho người HIV/AIDS chết không có điều kiện chôn cất... Bên cạnh đó, Huệ tham gia vào các dự án về tuyên truyền HIV/AIDS trong và ngoài nước như Dự án Smartworld, tuyên truyền cho tổ chức Care… Huệ cho rằng, để việc tuyên truyền một cách thiết thực, đạt hiệu quả, không gì bằng tiếng nói của chính bản thân người bị nhiễm HIV/AIDS. Qua cuộc sống của mình, Huệ muốn mọi người hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của những người nhiễm HIV. Họ rất cần sự thương yêu, chia sẻ của cộng đồng. Sự kỳ thị không phải là thuốc chữa bệnh. Chính kỳ thị là nguyên nhân làm đại dịch AIDS bùng nổ, bởi khi người bệnh không dám công khai thì nguy cơ lan bệnh càng mạnh. Cũng từ lẽ đó, vợ chồng Huệ không ngần ngại tham gia bất kỳ hoạt động trong việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Nhìn ảnh người mẹ trẻ với khuôn mặt xinh đẹp, rạng ngời hạnh phúc cùng cậu con trai 3 tuổi đẹp đẽ, khôi ngô trên các số lịch, tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, ít ai có thể ngờ được người mẹ trong ảnh là một bệnh nhân HIV…
Nhờ sự hoạt động tích cực và hiệu quả trong công tác tuyên truyền HIV/AIDS, tháng 7 vừa qua, Huệ vinh dự được tạp chí Time bầu chọn là một trong số 20 người được nhận danh hiệu “Anh hùng châu Á” năm 2004. Vào tháng 11 tới, Huệ sẽ sang Hàn Quốc nhận danh hiệu này. Đối với Huệ, đây là một phần thưởng quá lớn, quá bất ngờ. Huệ nói: “Chưa bao giờ em nghĩ một người bị nhiễm HIV lại nhận được một danh hiệu cao quý như vậy. Đó là một nguồn động viên rất lớn đối với em nhưng em lại thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn. Em làm công việc này không phải để nhận một danh hiệu nào đó. Em chỉ mong được chia sẻ, giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh như mình sống có ý nghĩa hơn. Hơn nữa, làm việc cũng là cách tốt nhất để em quên đi bệnh tật. Mỗi khi xong việc, trở về nhà em thấy tinh thần phấn chấn và khoẻ hẳn lên. Em không nghĩ đến bệnh của mình nữa, chỉ nghĩ đến ngày mai phải làm gì, sắp xếp như thế nào để làm hết công việc mình dự định". Hiện nay, con trai Hà Minh Hiếu của vợ chồng Huệ đã lên 4 và qua các lần xét nghiệm, cháu hoàn toàn âm tính với virus HIV/AIDS. Đúng hôm chúng tôi đến Hải Phòng, cũng là ngày Huệ lên Hà Nội nhận tin vui: Liên Hiệp Quốc sẽ hỗ trợ trực tiếp cho gia đình Huệ nuôi dạy cháu Hiếu đến khi cháu trưởng thành… Giúp Huệ yên tâm trong công việc của mình, đầu tiên phải kể đến người chồng luôn kề vai sát cánh cùng cô. Ngoài việc là một thành viên tích cực trong nhóm "Hoa Phượng đỏ", anh Thảo còn là một người quán xuyến, giúp đỡ Huệ rất nhiều trong công việc gia đình. Cả năm nay, Huệ thường xuyên vắng nhà, khi ở Hà Nội, Quảng Ninh, Sài Gòn… Anh Thảo thay vợ chăm lo mọi việc từ tư vấn, tham gia các hoạt động của nhóm như giúp đỡ, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS lúc ốm đau; chôn cất các bệnh nhân chết không nơi nương tựa… đến dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Anh Thảo cho biết: “Bệnh nhân HIV có rất nhiều thiệt thòi, nhưng khi đã dám công khai trước mọi người thì lại cảm thấy rất nhẹ nhõm. Em chia sẻ với bệnh nhân HIV khác, giúp họ sẵn sàng đối đầu với bệnh tật để được sống thanh, có ích. Vợ chồng em luôn giúp nhau trong công việc gia đình, Huệ bận thì em làm việc gia đình và ngược lại. Tuy bận rộn nhưng em lại thấy rất vui, em thường động viên và tạo điều kiện để Huệ làm tốt công việc của mình". Không chỉ được chồng quan tâm, Huệ còn nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ phía gia đình nhà chồng. Giờ đây, bố mẹ chồng đã hiểu việc làm của Huệ và tạo mọi thuận lợi cho cô. Trời se lạnh, đêm đã dần về khuya, chúng tôi chia tay vợ chồng Huệ bằng một câu hát còn ngọng nghịu của bé Hiếu trong bài hát về phòng chống HIV/AIDS. Câu hát, nụ cười hồn nhiên của mẹ con Huệ làm chúng tôi cảm thấy ấm áp lạ thường. Phía trước, ánh điện thành phố bừng sáng như báo hiệu nhiều điều tốt đẹp đang tới./. Hà Minh- Bích Ngọc |