captured from: www.nguoivienxu.vietnamnet.vn

 
HỘI NGHỊ GIỮA KỲ NHÓM TƯ VẤN CÁC NHÀ TÀI TRỢ CHO VIỆT NAM
"Hỗ trợ thời hậu gia nhập WTO"
10:23' 19/06/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/06/162373/ 

Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng

Như tin chúng tôi đã đưa, tại Geneva ngày 09.06, Việt Nam tiến hàng vòng đàm phán thứ 8 về gia nhập WTO. Nội dung phiên họp lần này tiếp tục xoay quanh các vấn đề mở cửa các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông... và lộ trình cắt giảm các dòng thuế của nhiều mặt hàng hóa khác nhau. Tín hiệu tốt từ vòng đàm phán này đã tác động Chính phủ Việt Nam bắt đầu nghĩ đến việc kêu gọi trợ giúp quốc tế trong vấn đề hậu gia nhập WTO.

Phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2004 (Hội nghị CG) tại thành phố Vinh mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết: tại vòng đàm phán, Việt Nam đã nhận sự ủng hộ cụ thể của các đối tác trong đàm phán, đặc biệt là những tiến triển mới về EU và Mỹ. Những hỗ trợ này nên tập trung vào làm sao để các doanh nghiệp thực hiện những cam kết và giữ sức cạnh tranh sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Phó thủ tướng tiếp tục khẳng định quyết tâm gia nhập WTO của Việt Nam vào năm 2005 "nhưng còn phụ thuộc vào các đối tác". Nhân dịp này, ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ và trợ giúp Việt Nam trong quá trình đàm phán để gia nhập WTO.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Cũng tại Hội nghị CG, đại diện của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ cùng nhau trao đổi ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, bàn các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân các dự án ODA với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo ở Việt Nam.

Ông Vũ Khoan đề nghị các nhà tài trợ chia sẻ kinh nghiệm và gợi ý cách xử lý vấn đề về tăng giá hiện nay. Ông cũng tán thành gợi ý của Đại sứ quán Pháp giúp đào tạo cán bộ hình thành những loại thị trường Việt Nam chưa có hoặc còn rất yếu như thị trường lao động, khoa học - công nghệ, tài chính tiền tệ, bất động sản. Ông đề nghị quốc tế trợ giúp trong việc hướng dẫn người nghèo sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Các nhà phân tích quốc tế nhận định tỉ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I năm nay là 7%, thấp hơn so với mục tiêu 8% của Chính phủ. Theo báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố tại hội nghị, giá trị xuất khẩu tăng cao hơn dự kiến, đạt 17% năm tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã nhường vị trí là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam cho EU, chưa tính đến các nước EU mở rộng.

Sản xuất công nghiệp dẫn đầu tăng trưởng, tăng 15%. Lạm phát tăng do giá nhập khẩu và lương thực tăng, nhưng WB cho rằng có những yếu tố kinh tế sâu sắc hơn. Đó là giá cả ở Việt Nam vẫn còn rất rẻ theo tiêu chuẩn quốc tế và giá cả có xu hướng tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Đại diện UNICEF, ông Anthony Bloomberg cho rằng: để tiếp tục giữ vững kỷ lục giảm nghèo đầy ấn tượng. Việt Nam cần tập trung vào chất lượng của quá trình phát triển hơn là số lượng. Ông Mitsurs Kitano - Tham tán công sứ Nhật Bản: "Nhật Bản cũng rất sẵn sàng tham gia vào những phiên thảo luận trước Hội nghị CG tháng 12 ở hai cấp ngành - địa phương. Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Klaus Rohland cho biết: Các nhà tài trợ sẵn sàng làm việc với Chính phủ để chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm 2006-2010. Các nhà tài trợ cũng mong muốn Chính phủ quan tâm hơn đến vấn đề bất bình đẳng ngày một tăng cao giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo và các vùng miền. "Làm thế nào để ngăn được sự mất kiểm soát đối với bất bình đẳng, mà nếu không làm được, sẽ nhanh chóng trở thành gánh nặng cho tất cả và không tha cho những người có hoàn cảnh thiệt thòi", ông Antoine Pouillieute, Đại sứ Pháp tại Việt Nam nói.

Klaus Rohland

Tại hội nghị này, các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam đã thống nhất kế hoạch hành động về hài hoà thủ tục ODA để thúc đẩy việc giải ngân ODA trong năm 2004. Để thực hiện kế hoạch này, Nhật Bản, WB và các nhà tài trợ đồng chính kiến sẽ tài trợ cho Việt Nam 4 triệu USD. Lượng vốn ODA giải ngân năm ngoái là 1,1 tỉ USD, so với 1,5 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói, hiệu quả của tiền vốn vay ODA là thấy rõ. Không chỉ cung cấp vốn cho các dự án đường sá, bệnh viện, các nhà tài trợ còn là nguồn cung cấp thông tin, kinh nghiệm và tư vấn chính sách chính cho Chính phủ Việt Nam.

NHƯ NGUYỄN (Tổng hợp)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



WTO TẠI GENEVA - THỤY SỸ:
Phiên họp thứ 8 về gia nhập WTO của VN
10:18' 09/06/2004 (GMT+7)

Trụ sở chính WTO tại Geneva

Theo Bộ Thương Mại Việt Nam, ngày 08.06, đoàn đàm phán về gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam (VN) do Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự làm trưởng đoàn đã lên đường sang Geneva (Thụy Sĩ) tham dự phiên họp thứ 8 về gia nhập WTO của VN.

Chiều nay 09.06, sẽ chính thức diễn ra phiên song phương đầu tiên giữa VN và Uruguay. Những ngày sau đó sẽ diễn ra các phiên song phương giữa VN và các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ... kéo dài đến hết ngày 19.06. Riêng phiên đa phương dự kiến sẽ diễn ra duy nhất vào ngày 15.06 giữa VN với đại diện của trên 20 nước.

Bản đồ thành viên WTO trên thế giới

Một quan chức tham gia đoàn đàm phán này cho biết: nội dung phiên họp lần này sẽ tiếp tục xoay quanh các vấn đề mở cửa các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông... và lộ trình cắt giảm các dòng thuế của nhiều mặt hàng hóa khác nhau. Vị quan chức này cho biết: “Mục tiêu của VN đặt ra là sẽ kết thúc đàm phán song phương với một số nước ngay trong năm nay. Và điều này phụ thuộc rất lớn vào kết quả phiên 8 này”.

Quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, bắt đầu từ năm 1995 khi Việt Nam lần đầu nộp đơn xin gia nhập. Trải qua chín năm đàm phán, Việt Nam đã trả lời hơn hai nghìn câu hỏi về chính sách thương mại của mình và đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán song và đa phương. Những cuộc đàm phán mang tính xây dựng, những bản chào với mức cắt giảm thuế và tự do hoá thương mại ngày càng hợp lý hơn đã được các bên đàm phán đánh giá cao, nhất là sau phiên đàm phán thứ 7 (diễn ra trong 2 ngày 10 và 11.12.2003 tại trụ sở WTO ở Geneva - Thụy Sỹ)

Ngay sau Phiên họp đa phương lần thứ 7 đã diễn ra Phiên họp nhiều bên về nông nghiệp. Đoàn đàm phán Việt nam đã trình bày tình hình hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu nông sản trong những năm gần đây. Một số nước thành viên đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt nam duy trì mức trợ cấp xuất khẩu nông sản hiện tại ở thời điểm gia nhập WTO và tiến tới loại bỏ. Nhiều nước thành viên thuộc nhóm Cairn lại yêu cầu Việt nam loại bỏ hoàn toàn trợ cấp xuất khẩu nông sản ngay tại thời điểm gia nhập. Trước và sau Phiên họp đa phương đã diễn ra nhiều cuộc đàm phán song phương về mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ. Phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 7 của Trưởng đoàn đàm phán Việt nam, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự, đã bày tỏ quyết tâm gia nhập WTO vào năm 2005 với cam kết: "thực hiện hầu hết các Hiệp định của WTO tại thời điểm gia nhập, trừ một vài lĩnh vực có nhu cầu thiết yếu về thời gian quá độ do trình độ phát triển còn thấp, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, thiếu nguồn lực,... Trong một số lĩnh vực mà các quy định của WTO còn chưa rõ ràng như quy định về yêu cầu tỷ lệ xuất khẩu đối với dự án FDI, chúng tôi cũng đã cố gắng đưa ra cam kết nhằm thể hiện quyết tâm mở cửa với thế giới, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài theo hướng tiến bộ của yêu cầu đàm phán gia nhập WTO".

NHƯ NGUYỄN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

Bản quyền Báo điện tử VietNamNet, được hỗ trợ bởi phần mềm VASC Orient Soft.
Công ty phần mềm và truyền thông VASC - 99 Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Tel: +844 9420798 ; Fax: +844 9420796 ; webmaster@vasc.com.vn