www.mpi.gov.vn/showtinvan.aspx?lang=4&ma_tinvan=5233
Đây là nhận định của hầu hết các đại biểu
tham gia phiên đàm phán thứ 7 Việt Nam gia nhập WTO diễn ra
trong các ngày 10 - 11/12 tại Thụy Sỹ.
Biểu tượng của
WTO
Bước nhảy vọt bắt đầu
Giờ đây, sau phiên đàm phán thứ 7 gia nhập WTO, với
khối lượng thông tin cung cấp khổng lồ, với việc đưa
ra các bản chào mới về hàng hóa và dịch vụ, Việt Nam đã
bắt đầu bước nhảy vọt.
Theo một số quan chức Bộ Thương mại, nếu tại những
phiên trước, Việt Nam chủ yếu cung cấp tài liệu làm minh
bạch các vấn đề, thì lần này, phía đối tác đã bắt
đầu thảo luận về các bản chào.
Tiến triển còn thể hiện ở cam kết giảm mức thuế
trung bình 4,5% (đạt mức 22%) mà trưởng đoàn đàm phán gia
nhập WTO của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương
Văn Tự đã đưa ra trong phiên họp. Đồng thời, Việt Nam cũng
khẳng định sẽ mở rộng mức độ tiếp cận thị trường
trong lĩnh vực dịch vụ, cụ thể là trong 10 ngành và 92
tiểu ngành. So với bản chào lần trước, bản chào lần này
rõ ràng đã có những điểm điều chỉnh và sửa đổi tích
cực.
Đề cập đến các cuộc thương lượng song phương, Thứ
trưởng Lương Văn Tự cho biết các cuộc đàm phán "đang
tiến gần đến giai đoạn kết thúc".
Kết quả lớn nhất mà phiên họp đạt được chính là
bản "những yếu tố ban đầu của dự thảo báo cáo
Việt Nam gia nhập WTO" do nhóm công tác đưa ra. Bản dự
thảo báo cáo này là tài liệu biên soạn đầu tiên bao
gồm các thông tin do Việt Nam cung cấp và những phản hồi
đối với các yêu cầu của đối tác đàm phán. Đây cũng
là nỗ lực chính thức đầu tiên nhằm xác định một số
điều khoản liên quan đến sự gia nhập của Việt Nam. Nói
cách khác: "Trên cơ sở bản dự thảo này, các đối tác
song phương đã bước đầu thể hiện đàm phán thực chất
với Việt Nam và nếu thành công thì có thể đi tới ký
kết thúc đàm phán. Hoàn thành việc đàm phán với các đối
tác song phương cũng có nghĩa rằng WTO sẽ tiến hành các
thủ tục tiếp theo để kết nạp Việt Nam" (Đại sứ
Việt Nam tại WTO Ngô Quang Xuân trả lời phỏng vấn báo
Tuổi Trẻ ngày 14/12).
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Đây là ý kiến của hầu hết các đại biểu tham dự
phiên họp. Theo lời một quan chức Bộ Thương mại, tài
liệu "Những yếu tố ban đầu của Dự thảo Báo cáo"
chỉ là bước đi đầu tiên, vì để đến được một
Nghị định thư, trong đó có bản báo cáo và cam kết thị
trường (market process commitments) còn phải qua được khâu
thảo luận "dự thảo báo cáo" và "báo cáo
cuối cùng".
Hai vấn đề trung tâm của phiên thảo luận bao gồm:
mặc dù Việt Nam đã đưa ra một số lượng lớn văn bản,
song liệu đã cung cấp đầy đủ thông tin về quy chế thương
mại hiện tại và các kế hoạch của mình hay chưa? Các đại
biểu cũng quan tâm đến vấn đề liệu những thông tin này
có chứng tỏ được Việt Nam sẽ tuân thủ đầy đủ mọi
quy định của WTO? Một số đại biểu cho biết họ cần thông
tin nhiều hơn và rõ ràng hơn.
Vấn đề thứ hai thu hút sự chú ý của nhiều đối tác
là vị trí kinh tế của Việt Nam. Liệu những cam kết
cuối cùng của Việt Nam có phản ánh vị trí "một nước
thu nhập thấp và nợ nước ngoài lớn" (đánh giá của
IMF và WB) không hay là nên tính tới những tiềm năng của
Việt Nam như một nền kinh tế đang phát triển có cơ hội
lớn để phát triển nhanh?
Việt Nam, được sự ủng hộ của một số nước đang
phát triển, giữ lập trường đầu tiên. Điều đó cũng có
nghĩa nên xét trong diện được áp dụng linh hoạt hơn, có
giai đoạn quá độ dài hơn và được phép trợ cấp hàng
xuất khẩu phi nông nghiệp theo những điều khoản đặc
biệt của Hiệp định Trợ cấp (bình thường bị cấm).
Một số khác bày tỏ sự cảm thông với nhiệm vụ
nặng nề của Việt Nam song lập luận rằng những cam kết
của Việt Nam cũng cần phản ánh khả năng cạnh tranh và
tiềm năng của mình.
Nói cách khác, mặc dù thống nhất rằng Việt Nam đã
bắt đầu bước nhảy vọt song như nhiều đại biểu
khuyến cáo, Việt Nam cần phải tăng tốc nhanh hơn. "Đánh
giá của chúng tôi là Việt Nam vẫn chưa đến được nơi
cần đến". Một số đối tác đàm phán kêu gọi
những cải thiện nhiều hơn nữa trong các bản chào hàng hóa
và dịch vụ mới sẽ được đưa ra trước phiên họp vào
đầu năm 2004.
Bên cạnh hai chủ đề nổi cộm trên, phiên họp cũng đề
cập đến một số vấn đề khác.
Về nông nghiệp, Việt Nam mong muốn giữ nguyên mức trợ
cấp xuất khẩu như hiện nay và dần dần giảm xuống phù
hợp với các điều khoản của WTO. Theo quan điểm của
Việt Nam, điều này là cần thiết để bảo vệ nền kinh
tế và mức trợ cấp này sẽ không lớn. Tuy thế, một số
thành viên phát triển và đang phát triển muốn Việt Nam cam
kết không thực hiện trợ cấp xuất khẩu kể từ ngày gia
nhập WTO.
Về định giá hải quan, chúng ta yêu cầu có một giai đoạn
quá độ để áp dụng hiệp định này, nhưng một số thành
viên yêu cầu Việt Nam không nên phân biệt đối xử, bởi
Việt Nam đã có một hiệp định song phương với "một
thành viên" mà trong đó hiệp định đã được thực
thi nhanh chóng.
Đối với vấn đề luật pháp, Việt Nam đã đệ trình
một bản kế hoạch hành động, trong đó có một số luật
sẽ được trình lên Quốc hội chậm nhất là năm 2007. Nhưng
một vài nước thành viên đặt vấn đề liệu các luật này
sẽ có hiệu lực không nếu Việt Nam gia nhập WTO vào năm
2005 và liệu Việt Nam có yêu cầu một giai đoạn quá độ
không. Đáp lại, Việt Nam đảm bảo sẽ tuân thủ các cam
kết của mình ngay sau khi gia nhập WTO cho dù các cam kết này
có thể mâu thuẫn với luật pháp hiện hành.
Một số khúc mắc khác xung quanh vấn đề doanh nghiệp thương
mại nhà nước, thuế trong nước, quyền sở hữu trí tuệ,
các biện pháp vệ sinh và rào cản kỹ thuật cũng được
nhiều đại biểu nêu ra.
Với khối lượng công việc khổng lồ như trên, nói như
nhiều đại diện của Việt Nam, năm 2004 sẽ là một năm
hết sức bận rộn. Tuy nhiên, con đường đã mở và chúng
ta không còn cách nào khác là tiến lên phía trước. |