Lấy về từ / captured from: www.vnexpress.net 
 



Thứ năm, 16/12/2004, 08:58 GMT+7

Đằng sau cuộc 'mặc cả' dệt may VN - EU

Ngay khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam sẽ phải mở cửa rộng hơn cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm, bưu chính viễn thông và bảo hiểm. Đây được xem như những điều kiện kèm theo khi EU bãi bỏ hạn ngạch dệt may cho Hà Nội kể từ đầu năm tới.

Thông tin trên đã được Bloomberg trích đăng từ bản thông báo của một cơ quan châu Âu tại Hà Nội.

Đầu tháng này, 2 bên đã đặt bút ký tắt vào bản thoả thuận quan trọng cho phép các lô hàng dệt may của Việt Nam được nhập khẩu tự do vào 25 nước thành viên EU. Đổi lại, Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa các cam kết đạt được hồi tháng 10, khi mà 2 bên ký hiệp định kết thúc quá trình đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Theo lịch trình, tất cả các thoả thuận đó sẽ có hiệu lực thực thi ngay khi Việt Nam là thành viên WTO, nhiều khả năng sẽ là cuối năm sau.

"Còn một số lĩnh vực mà lẽ ra chúng tôi muốn có được nhượng bộ lớn hơn từ phía Việt Nam, nhưng xét trong hoàn cảnh hiện nay chúng tôi hài lòng với những gì đạt được. Ít ra chúng tôi cũng biết rõ mình sẽ được gì trong năm tới và những gì có trong tay hiện này cũng đã lớn hơn trước đây", Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), trao đổi với Bloomberg.

Theo bản thông báo kể trên, Việt Nam cam kết sẽ giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn nữa đối với các mặt hàng bia, dệt đến từ EU. Đồng thời, sẽ phải mở cửa trong các lĩnh vực quan trọng như dược phẩm, xoá bỏ rào cản trong việc nhập khẩu hàng hoá và cho phép doanh nghiệp châu Âu tham gia vào một số dự án sản xuất tại Việt Nam. Các loại scooter made-in-Europe cũng sẽ được nhập khẩu với mức thuế ưu đãi.

Trên lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp EU cũng sẽ được tham gia rộng hơn vào nhiều ngành nghề mới như dịch vụ xây dựng, kiến trúc, dịch vụ bảo hiểm, môi trường, đặt chỗ qua máy tính và phân phối hàng hoá... Khi các cam kết có hiệu lực, sẽ có thêm một số nhà phân phối EU được cấp phép mở cửa hàng ở Việt Nam.

Một số chuyên gia có ý rằng, để có thể đi đến đích của thoả thuận, Việt Nam phải hy sinh một số lĩnh vực để kim ngạch dệt may, một mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ 2 của mình tiếp tục tăng trưởng. Năm ngoái, EU chỉ đứng sau Mỹ trong việc nhập khẩu dệt may của Việt Nam, với kim ngạch khoảng 550 triệu USD. Việc EU bãi bỏ hạn ngạch đang được hy vọng sẽ mang lại kim ngạch xuất khẩu dệt may 650 triệu USD sang thị trường này năm nay. Thậm chí có người lo ngại, với những nhượng bộ này, Việt Nam có thể sẽ bị các đối tác khác o ép bên bàn đàm phán gia nhập WTO.

Trao đổi với VnExpress, một quan chức trong đoàn đàm phán Hiệp định Dệt may của Việt Nam từ chối đề cập chi tiết đến nội dung thoả thuận song phương với lý do 2 bên đã cam kết sẽ không công bố rộng rãi chuyện này, nếu không sẽ bất lợi cho cả Việt Nam - EU. Tuy nhiên, ông khẳng định hoàn toàn không có chuyện Hà Nội chịu phần thiệt thòi hơn so với Brussels bên bàn đàm phán. "Nếu Việt Nam chịu nhượng bộ nhiều thì việc đàm phán không bị kéo dài và căng thẳng đến thế. Không thể nói là 2 bên hoàn toàn hài lòng với những gì mình đạt được nhưng cũng không có chuyện Việt Nam chịu thiệt thòi sau đàm phán", vị quan chức này khẳng định.

Ông cho biết, vòng đàm phán Hiệp định Dệt may song phương Việt Nam - EU được tiến hành và cho kết quả sau khi Việt Nam đã kết thúc đàm phán với EU về việc gia nhập WTO. "Đây là 2 cuộc đàm phán độc lập với nhau, chỉ là quan hệ song phương chứ không liên quan tới những cam kết đa phương trong WTO. Và những gì 2 bên đạt được cũng không nghiễm nhiên áp dụng cho các thành viên WTO khi Việt Nam là thành viên của tổ chức này", ông khẳng định.

Trên thực tế, khả năng thương thuyết cũng như thái độ cương quyết của đoàn đàm phán Việt Nam thời gian qua đã được các đối tác song phương ghi nhận và nể phục. Kết thúc cuộc đàm phán căng thẳng hồi tháng 10 vừa qua, cựu Cao ủy Thương mại châu Âu Pascal Lamy cũng thừa nhận điều này. Và ngay cả động thái 2 bên hứa hẹn với nhau sẽ không công khai các cam kết trong Hiệp định Dệt may song phương cũng được những người am hiểu nhìn nhận rằng có lẽ EU đã phải xuống thang trước quan điểm cứng rắn của đối tác Việt Nam.

Song Linh



© 
®