|
Hồ
tiêu, một mặt hàng xuất khẩu
|
Nhận định về quan hệ thương mại
Việt Nam - EU, ông Phạm Văn Minh, Tham tán thương mại
Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - nước đặt trụ sở
của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, mối quan hệ này
đang phát triển tích cực và sâu rộng. Việt Nam
tiếp tục xem EU là một trong những thị trường quan
trọng và đang nỗ lực để thúc đẩy cho quan hệ thương
mại EU-Việt Nam phát triển một cách toàn diện.
Chính sách của EU đối
với Việt Nam nằm trong chính sách chung của EU đối
với khu vực châu Á. Chính sách này nhằm tăng cường
sự có mặt kinh tế của EU tại khu vực châu Á bằng
việc góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh
tế của các nước trong khu vực này. Ủy ban châu Âu
cho rằng EU cần ưu tiên hơn nữa cho các mối quan hệ
với châu Á bởi sức nặng về kinh tế và chính trị
của khu vực này đang ngày càng tăng mạnh trên thế
giới. Để có một vai trò quan trọng trong khu vực, EU
cần tăng cường các mối quan hệ song phương với
từng nước và từng khu vực của châu Á. Chiến lược
của EU trong lĩnh vực thương mại và hợp tác đối
với châu Á xuất phát từ sự tăng trưởng kinh tế
mạnh, nhanh và bền vững của châu Á, đồng thời cũng
do ảnh hưởng của Mỹ, Nhật và Trung Quốc đang ngày
càng gia tăng trong khu vực này.
|
Gạo
xuất khẩu
|
Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu
Âu (Eurostat), năm 2003, kim ngạch thương mại Việt Nam -
EU đạt 5,93 tỷ euro. Kim ngạch xuất khẩu của Việt
Nam sang EU đạt 4,76 tỷ euro, tăng 9,1% và kim ngạch
nhập khẩu của Việt Nam đạt 1,17 tỷ euro. Những
mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU
gồm giầy dép (chiếm 17,2% thị phần ở EU), dệt may,
thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng (chủ yếu là đồ
gia dụng ngoài trời và gốm sứ), nông sản, rau quả
(cà phê, chè, hạt điều, hồ tiêu, lạc, vừng, rau
quả và gạo đặc sản), thủy sản (tôm đông lạnh và
chế phẩm) ... Cùng với nhiều loại hàng xuất khẩu
khác của Việt Nam vào EU, thủy sản của Việt Nam đã
được EU công nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào
thị trường rộng lớn này. Năm 2003, Việt Nam nhập
khẩu chủ yếu thiết bị thi công công trình, phương
tiện vận tải, máy móc và phụ tùng, hóa chất, nguyên
liệu công nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, vật
liệu xây dựng, đồ diện - điện tử, hàng tiêu dùng
cao cấp
Theo
dự báo, kinh tế của EU năm 2004 sẽ tăng khoảng 2%, thương
mại của EU tăng 6-8% và xuất khẩu của Việt Nam vào
EU dự kiến sẽ tăng khoảng 14%. Với hơn 450 triệu dân
(sau khi kết nạp thêm 10 nước thành viên mới vào ngày
01.05 tới), EU sẽ là một thị trường mở, đồng
thời là khu vực kinh tế phát triển cao, có khả năng
cung cấp thiết bị, công nghiệp cho Việt Nam và nhiều
quốc gia khác trên thế giới.
|
Thủy
sản xuất khẩu
|
Ông Phạm Văn Minh cho biết xuất khẩu
của Việt Nam vào EU có nhiều thuận lợi vì EU là
một thị trường lớn, với mức thu nhập bình quân đầu
người cao, sức mua và nhu cầu nhập khẩu, cũng như
nhu cầu tiêu dùng rất lớn. EU tiếp tục dành ưu đãi
cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đại bộ phận hàng
xuất khẩu của Việt Nam được hưởng chế độ GSP
đến ngày 31.12.2005. Trong khi đó, hệ thống luật pháp,
chính sách thương mại của Việt Nam ngày càng tiếp
cận sâu vào thương mại quốc tế, trong đó có EU.
Khả năng tiếp thị và khả năng cạnh tranh của Việt
Nam ngày càng tăng.
Tuy
nhiên, bên cạnh những thuận lợi kể trên, xuất
khẩu của Việt Nam vào EU cũng sẽ gặp nhiều khó khăn
vì EU là một thị trường đã được phân chia với
sức ép cạnh tranh ngày càng lớn do sản xuất nội địa
của EU đã phát triển ở trình độ cao, hàng hóa dư
thừa cộng với một khối lượng hàng hóa nhập khẩu
từ nước ngoài rất rẻ và có khả năng cạnh tranh
cao. Điều này ảnh hưởng rất mạnh đến vị thế và
khả năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trên
thị trường này. Việc mở rộng EU sắp tới sẽ gây
khó khăn đối với thương mại của Việt Nam không
chỉ với 10 nước thành viên mới mà ngay cả với 15 nước
thành viên cũ. Bởi việc mở rộng EU lần này sẽ làm
thay đổi thương mại truyền thống giữa Việt Nam
với các nước nói trên. Do Việt Nam chưa phải thành
viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nên không
thể buộc EU có các biện pháp bù đắp cho những
thiệt hại này. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh của hàng
hóa Việt Nam và khả năng tiếp thị của các doanh
nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp. Yêu cầu cao của
EU đối với chất lượng hàng hóa, vệ sinh môi trường,
tiêu chuẩn lao động, nhãn mác, bao bì đóng gói và
những rào cản thương mại khác sẽ là những trở
ngại lớn đối với tăng trưởng xuất khẩu của
Việt Nam vào thị trường này...
|
Mẫu
đồ gỗ xuất khẩu
|
Ông Phạm Văn Minh nhấn mạnh để tăng
xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong năm 2004, Việt Nam
cần tăng cường khả năng cạnh tranh hàng hóa và khả
năng tiếp thị của các doanh nghiệp Việt Nam, quản lý
và sử dụng tối đa hạn ngạch dệt may năm 2004; đề
nghị EU sớm có biện pháp hỗ trợ trong việc khắc
phục các tác động tiêu cực do việc mở rộng EU
sắp tới để buôn bán giữa Việt Nam với 10 nước thành
viên mới của EU không bị rối loạn; quản lý chặt
chẽ chất lượng thủy sản xuất khẩu để đáp ứng
yêu cầu của EU.
Ông
Phạm Văn Minh cho biết xuất khẩu của Việt Nam vào
thị trường EU có triển vọng tốt bởi quan hệ thương
mại Việt Nam-EU trong thời gian gần đây phát triển
mạnh và sâu rộng. Việt Nam phát triển khá nhanh trong
thời gian qua, khả năng hội nhập của hệ thống
luật pháp, chính sách và hàng hóa cũng như khả năng
tiếp thị và cạnh tranh của Việt Nam cũng ngày càng tăng.
Điều này đã được rất nhiều chuyên gia kinh tế và
các tổ chức quốc tế công nhận. Việt Nam tiếp tục
xem EU là một trong những thị trường quan trọng và đang
nỗ lực để thúc đẩy cho quan hệ thương mại
EU-Việt Nam phát triển một cách toàn diện.
(TTXVN)
|