Lấy về từ / captured from: http://vnexpress.net/ 
 http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2004/10/3B9D7504/ 

Thứ bảy, 9/10/2004, 15:26 GMT+7

Thương mại Á - Âu phải lớn hơn Á - Mỹ

Cuộc họp báo chung của các điều phối viên

Tại cuộc họp báo chung của các điều phối viên ASEM 5 sau lễ bế mạc, Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, các nhà lãnh đạo ASEM đã nhận định như vậy. Do đó, trao đổi thương mại giữa hai châu lục Á - Âu thời gian tới sẽ có quy mô lớn hơn nhiều.

- Với việc kết nạp thêm các thành viên mới, tầm vóc của ASEM hiện nay được nhìn nhận như thế nào?

Chúng ta mong muốn
ASEM ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong giải quyết các vấn đề chính trị ở khu vực và thế giới, phát huy vai trò của hai lục địa có tiềm năng rất lớn. ASEM chiếm hơn 50% GDP, 44% thương mại thế giới, nhưng như vậy vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Các nhà lãnh đạo nói rằng đáng lý quan hệ thương mại châu Á với châu Âu phải lớn hơn với Mỹ. Tôi nghĩ rằng trao đổi thương mại có thể sẽ có quy mô lớn hơn trong thời gian tới.

- Các kiến nghị của giới doanh nghiệp đưa ra tại cuộc tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo ASEM sẽ được giải quyết như thế nào?

Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức bên lề ASEM5, đã đạt được kết quả tốt đẹp. Các doanh nghiệp mong muốn chính phủ các nước quan tâm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho họ phát triển, muốn các nhà lãnh đạo coi việc phát triển doanh nghiệp là động lực phát triển đất nước. Sáng kiến của Nhóm đặc trách và của lãnh đạo Diễn dàn doanh nghiệp được giao cho các bộ trưởng kinh tế nghiên cứu và tìm những biện pháp đáp ứng, sau đó sẽ báo cáo tại ASEM 6.

- Vai trò của Việt Nam tại ASEM 5 được đánh giá ra sao ?

Việc chuẩn bị và tổ chức của Việt Nam được các bạn đánh giá cao, ai cũng hết sức khen ngợi. Việc điều hành kỳ họp cũng được đánh giá cao. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ.

Q.Hà - V.Anh ghi



Thứ bảy, 9/10/2004, 11:16 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/10/3B9D74E0/ 

Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu kết thúc thành công

Lễ bế mạc ASEM 5. Ảnh: Anh Tuấn

Sau một ngày rưỡi thảo luận, thống nhất đưa ra 3 bản tuyên bố về hợp tác kinh tế, chính trị và văn hóa, 11h15 trưa nay ASEM 5 khép lại với những thành công vượt bậc, tạo đà cho quan hệ đối tác toàn diện Á-Âu.

"Hội nghị ASEM 5 đã thành công tốt đẹp" - Thủ tướng Phan Văn Khải đã khẳng định trong buổi lễ bế mạc đầy trang trọng. Thủ tướng chân thành cảm ơn các đại biểu đã có đóng góp to lớn vào thành công của hội nghị và tin tưởng ASEM 5 sẽ được nhớ đến như một hội nghị cấp cao đầu tiên mở rộng với tầm nhìn của quyết tâm đổi mới, nhằm đưa quan hệ Á - Âu vào giai đoạn hợp tác thực chất hiệu quả hơn, nhất là về kinh tế, văn hóa.

Thủ tướng cho biết qua các phiên thảo luận sôi nổi, các nguyên thủ và trưởng đoàn đã trao đổi ý kiến sâu rộng, nêu ra nhiều ý tưởng nhằm xây dựng ASEM. Kết quả thảo luận đã thể hiện trách nhiệm cao và quyết tâm đối với tương lai ASEM cũng như đóng góp quan trọng của ASEM vào việc đảm bảo hòa bình thế giới.

Thủ tướng Phan Văn Khải đọc diễn văn bế mạc.

Lần đầu tiên sau 8 năm kể từ khi ra đời, ASEM đã mở rộng ra thêm 13 thành viên mới. Điều này biến ASEM trở thành một tiến trình bao gồm 2,3 tỷ người, chiếm 40% dân số thế giới, 50% sản lượng toàn cầu. Đây là sự kiện mang dấu ấn lịch sử của cấp cao Hà Nội.

"Lần đầu tiên cấp cao ASEM đã thông qua một văn kiện chuyên đề về kinh tế, cho thấy các thành viên mong muốn thắt chặt hơn quan hệ đối tác giữa hai châu lục" - Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh - "Việc các nhà lãnh đạo tiếp xúc với đại diện giới doanh nghiệp hai châu lục đã cho thấy cấp cao ASEM rất coi trọng vai trò của giới doanh nghiệp đối với tiến trình hợp tác châu lục".

Ngoài 3 văn kiện chính là Tuyên bố của Chủ tịch, Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác kinh tế Á - Âu chặt chẽ hơn và Tuyên bố ASEM về đối thoại giữa các nền văn hoá và văn minh, Hội nghị thượng đỉnh còn thông qua 9 sáng kiến hợp tác về các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, văn hoá xã hội, giáo dục và đào tạo.

Trong khuôn khổ ASEM đã diễn ra rất nhiều cuộc tiếp xúc song phương. Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết Việt Nam đã đi đến được nhiều thoả thuận song phương cụ thể, thể hiện trên thực tế quan hệ đối tác sống động Á - Âu.

Các vị lãnh đạo cho rằng, hai châu lục cần thiết phải phối hợp chặt chẽ để giải quyết những thách thức toàn cầu mới như mất ổn định, chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, các dịch bệnh, suy thoái môi trường... Các nước cần có cách tiếp cận chung thông qua đối thoại sâu rộng cả về văn hóa và hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế và theo tinh thần hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Trên phương diện kinh tế, các nhà hoạch định chính sách nhất trí tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư Á - Âu, xem xét thành lập thị trường trái phiếu và quỹ trái phiếu ASEM nhằm thúc đẩy liên kết tài chính, tạo thuận lợi cho các ngành năng lượng, dịch vụ du lịch, viễn thông, giao thông phát triển. Lần đầu tiên trong lịch sử ASEM, việc thông qua tuyên bố Hà Nội về kinh tế thể hiện quan hệ đối tác Á - Âu sẽ chặt chẽ hơn. Các nguyên thủ sẽ giao cho các bộ trưởng và quan chức kinh tế sớm thực hiện với những biện pháp, hướng đi cụ thể mà ASEM đã thông qua.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại văn hóa, tính đa dạng, phong phú của các nền văn hóa ASEM, nhất là bảo tồn văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và toàn cầu hóa.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Phan Văn Khải chúc mừng Phần Lan là nước chủ nhà ASEM 6 vào năm 2006.

Thay mặt các vị khách quốc tế, Thủ tướng Phần Lan Vanhanen Matti Taneli chúc mừng và cảm ơn VN đã tổ chức một hội nghị thật tuyệt vời. Với tư cách nước chủ nhà tiếp theo, Thủ tướng Phần Lan hy vọng hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ sáu được tổ chức ở nơi cách xa VN 10.000 km sẽ thành công, với mong muốn biến ASEM thành một tiến trình có hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu hóa.

ASEM 5 kết thúc tốt đẹp mang đến một vị thế mới của nước chủ nhà VN trên trường quốc tế. Thế giới tin tưởng, VN không chỉ là điểm đến an toàn của du khách và các nhà đầu tư mà còn là một trung tâm lý tưởng cho các sự kiện ngoại giao lớn với lòng hiếu khách, đón tiếp nồng hậu của người dân.

Nhóm phóng viên



Thứ sáu, 8/10/2004, 21:57 GMT+7
  http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/10/3B9D7496

Các lãnh đạo đề xuất 10 sáng kiến hợp tác Á - Âu

Các nhà lãnh đạo thảo luận tại phiên họp.

Tối nay, ông Nguyễn Thành Châu, người phát ngôn của Việt Nam về hội nghị ASEM 5, cho biết, những sáng kiến tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế, văn hóa giữa 2 châu lục. Các vị lãnh đạo Á - Âu tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam và Lào sớm gia nhập WTO.
* Toàn cảnh sự kiện ASEM 5.

Những sáng kiến đáng chú ý là: Trong tương lai tự do thương mại liên khu vực cần được tuyên bố như là một mục tiêu chính của ASEM; Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEM, Thành lập Ban thư ký ASEM; Thành lập thị trường trái phiếu và Quỹ trái phiếu "YES" ASEM...

Trong số 10 sáng kiến trên, Việt Nam có 4-5 sáng kiến và đồng bảo trợ một số sáng kiến với các nước khác. Những sáng kiến này thể hiện quyết tâm chính trị, kinh tế của các nhà lãnh đạo nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác Á - Âu.
Ông Nguyễn Thành Châu, phát ngôn viên hội nghị ASEM 5.

Trả lời câu hỏi của VnExpress về đề xuất thành lập Ban thư ký ASEM, ông Châu cho biết, đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia. Tổ thư ký ASEM có chức năng điều phối, giám sát và liên kết các hoạt động của ASEM trong tương lai. Các nhà lãnh đạo ASEM đã ghi nhận và sẽ xem xét đề xuất này.

"ASEM 5 đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Á - Âu, chuyển từ đối thoại chính trị sang đối tác kinh tế, văn hóa. Nhiều văn bản hợp tác song phương đã được ký kết bên lề Hội nghị cấp cao ASEM", ông Châu nói.

Trong phiên họp kín đầu tiên sáng nay với chủ đề “Tình hình quốc tế và những thách thức toàn cầu mới”, các vị lãnh đạo đã bày tỏ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới sau ASEM 4, đặc biệt là vấn đề khủng bố quốc tế. Các nhà lãnh đạo Á - Âu nhất trí tăng cường hợp tác trong ASEM trong cuộc đấu tranh chống khủng bố.

Buổi chiều cùng ngày có buổi họp kín thứ hai với chủ đề "Thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế Á - Âu". Các nhà lãnh đạo có chung nhận định tiềm năng hợp tác giữa hai khu vực là rất lớn nhưng chưa được tận dụng tốt. Đồng thời nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực cùng quan tâm như: công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế tri thức, năng lương, giao thông, du lịch...

Vấn đề giá dầu leo thang cũng được bàn thảo sôi nổi tại diễn đàn. Các nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại giá dầu tăng cao có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở hai khu vực. Họ cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam và Lào sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Việt Anh



Thứ sáu, 8/10/2004, 16:44 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/10/3B9D7477/ 

Doanh nghiệp Á - Âu đệ trình khuyến nghị lên ASEM

 

Chiều nay, 3 vị chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu trình bày bản khuyến nghị gồm 7 điểm trước các trưởng đoàn ASEM. Qua đó nêu bật quan ngại của doanh nhân trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động về tiền tệ, giá cả hàng hóa và ảnh hưởng của tấn công khủng bố.

Nhìn chung, doanh nghiệp mong muốn các chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để họ tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và những thói quen tập tục kinh doanh của mỗi nước. Cả 7 nhóm làm việc của diễn đàn doanh nghiệp bao gồm thương mại, đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng, tài chính, thực phẩm, du lịch, công nghệ thông tin, doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đề nghị các nhà hoạch định chính sách hướng tới việc đơn giản hoá và minh bạch các thủ tục liên quan đến giao thương, đầu tư giữa hai châu lục. Đặc biệt, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường quốc tế, ASEM cần thiết lập cơ chế chung để giải quyết các tranh chấp thương mại trong khối một cách thỏa đáng công bằng.

Trao đổi với báo giới, Chủ tịch diễn đàn Ngô Văn Thoan cho biết khi trình bày trực tiếp trước các nhà lãnh đạo, ông và các đồng nghiệp sẽ cố gắng cung cấp nhiều thông tin để đảm bảo rằng các vị lãnh đạo đều chú ý và có những xem xét cụ thể sau này.

Làm sao để các khuyến nghị đi vào thực tế khi các nhà hoạch định chính sách của ASEM có bao mối quan tâm trong thế giới đầy biến động là câu hỏi giới doanh nghiệp Á - Âu rất trăn trở. Theo Phó chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại Trung Quốc Yu Jianlong, doanh nghiệp cần phát huy những kênh chuyển tải khác nhau lên các vị lãnh đạo đất nước. Mỗi đại biểu khi về nước nên tiếp cận với những trợ lý, chuyên gia tư vấn trực tiếp cho các nhà lãnh đạo, khi những người này thấu hiểu họ sẽ đưa mong ước của doanh nghiệp vào các bản dự thảo chính sách của các nước và toàn khu vực.

Ông Gert Vogt, Trưởng đoàn doanh nghiệp Đức, thành viên Nhóm đặc nhiệm về quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn của ASEM cho rằng doanh nghiệp cần đưa ra nhiều khuyến nghị mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa. Báo cáo của Nhóm đặc nhiệm trước các trưởng đoàn ASEM trong chiều nay cũng sẽ phản ánh rất nhiều vấn đề nảy sinh từ nền kinh tế các nước, trên cơ sở thu thập ý kiến của các doanh nghiệp.

Sau các phiên thảo luận xoay quanh trụ cột kinh tế vào chiều nay, các nguyên thủ và đại diện doanh nghiệp Á - Âu sẽ tham dự buổi tiệc giao lưu kéo dài 45 phút. Đây là cơ hội gia tăng tương tác giữa các chính phủ và giới doanh nghiệp.

Phong Lan



Thứ sáu, 8/10/2004, 20:39 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2004/10/3B9D7497/ 

Tây Ban Nha đang chờ ký 3 hiệp định với Việt Nam

Bà Maria Teresa Fernande tại buổi họp báo.

Trả lời báo chí ngày 8/10, Phó thủ tướng thứ nhất Tây Ban Nha Maria Teresa Fernande khẳng định: “Chính sách của chính phủ Tây Ban Nha hiện nay là tăng cường quan hệ với châu Á. Tại ASEM 5, chúng tôi đã tiếp xúc với Chủ tịch nước Việt Nam, Tổng thống Philippines, các đoàn Malaysia, Thái Lan, Nhật, Indonesia, Trung Quốc”.

Bà Teresa còn cho biết: “Chúng tôi sẽ có cuộc tiếp xúc với Phó thủ tướng phụ trách kinh tế của Việt Nam, ông Vũ Khoan. Đến giờ này, chúng tôi đã đạt được những kết quả đáng mừng trong quan hệ song phương về kinh tế xã hội, văn hoá. Về kinh tế, chúng tôi nhấn mạnh đến lĩnh vực hàng hải”.

- Tuy nhiên, hàng hải là một trong những vấn đề vướng mắc trong đàm phán song phương EU - Việt Nam. Xin bà cho biết cụ thể việc đề cập vấn đề này tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Vũ Khoan sắp tới?

- Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đức Lương, chúng tôi đã nói trước mối quan tâm về thương mại cũng như mong muốn của các doanh nghiệp Tây Ban Nha trong việc tham gia vào các dự án tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng ký kết các Hiệp định về tránh đánh thuế 2 lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác văn hoá. Những nội dung này chắc chắn sẽ là chủ đề chính trong cuộc đối thoại của chúng tôi với Phó thủ tướng.

- Bà có khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam để đẩy nhanh tiến trình gia nhập WTO?

- Tôi chắc chắn Việt Nam sẽ gia nhập WTO. Về phần mình, Tây Ban Nha sẽ cố gắng hết sức để Việt Nam được vào tổ chức này. Vì vậy, những hợp tác về kinh tế, theo tôi, sẽ là đóng góp giúp Việt Nam vượt qua những rào cản cuối cùng. Về khuyến nghị, tôi cho rằng cần phải tăng cường tự do hoá hơn nữa. Tôi biết Việt Nam đã và đang tư nhân hoá một số doanh nghiệp. Việc này sẽ nâng cao tính cạnh tranh, làm nền kinh tế trong sạch, an toàn hơn, là điều kiện để các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam một cách chắc chắn hơn nữa. Chúng tôi sẽ cùng làm việc với Việt Nam để tìm những biện pháp phù hợp cho quá trình này.

- Xin bà cho biết vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Tây Ban Nha?

- Đường lối chính trị của Tây Ban Nha hiện nay là tăng cường sự hiện diện ở châu Á, một bằng chứng là sự có mặt của tôi tại Hội nghị thượng đỉnh này. Chúng tôi đã có "Kế hoạch châu Á" và bổ sung một kế hoạch hành động với những mốc thời gian và mục tiêu rất cụ thể. Tây Ban Nha sẽ tăng cường các quan hệ kinh tế, thương mại, văn hoá và chính trị. Tuy chính phủ chỉ mới nhậm chức 4 tháng, nhưng chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch tương đối tốt. Việt Nam chiếm vị trí ưu tiên trong đường lối hợp tác của Tây Ban Nha. Việt Nam đã được nhận 255 triệu USD cho hợp tác phát triển trong 3 năm tài chính. Chúng tôi cũng đã dành 2,5 triệu euro viện trợ không hoàn lại và 135 triệu euro vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.

Q. Hà ghi



Thứ sáu, 8/10/2004, 09:29 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/10/3B9D742E/ 

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu 5

Hội trường Ba Đình, Hà Nội, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu 5. Ảnh: Anh Tuấn

9h30 sáng nay, 39 đoàn đại biểu thành viên đã có mặt tại Hội trường Ba Đình để tham dự lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5. Với chủ đề "Tiến tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động và thực chất hơn", ASEM 5 được các nguyên thủ kỳ vọng sẽ đưa mối quan hệ 2 châu lục lên một bước phát triển mới.

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhấn mạnh, liên kết Á - Âu là tất yếu khách quan, là sự lựa chọn chiến lược của 2 châu lục. ASEM gắn kết hơn 2,3 tỷ người từ các nền văn hóa khác nhau qua 2 nôi văn hóa của nhân loại, vượt qua khác biệt để vươn tới thống nhất trong đa dạng. ASEM 5 kết nối 2/3 trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị lớn trên thế giới với gần 40% dân số và 45% GDP.

Chủ tịch Trần Đức Lương.

"Đối thoại và hợp tác ngày càng phong phú, tăng hiểu biết lẫn nhau nhằm tạo ra hợp tác sâu rộng hơn, tuy nhiên hợp tác đó vẫn chưa tương xứng với 2 châu lục. Hội nghị ASEM 5 có nhiệm vụ quan trọng đề ra mục tiêu hành động trong thời gian tới. Hà Nội cần truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tầm nhìn và quyết tâm hành động của các vị lãnh đạo", Chủ tịch nói.

Bộ trưởng Hợp tác phát triển Bỉ Arman De Decker đã chúc mừng Việt Nam về công tác chuẩn bị và sự đón tiếp nồng hậu. Ông khẳng định, 2004 là năm đặc biệt của ASEM với 13 thành viên mới cho thấy đối thoại ngày càng phát triển về chiều sâu, chiều rộng.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Romano Prodi hy vọng các đại biểu sẽ thống nhất được các công thức hành động chung để nâng cao vai trò của ASEM và LHQ. Châu Âu sẵn sàng tham gia quá trình đối thoại hợp tác đa phương trong các lĩnh vực ASEM đang quan tâm để đạt thành công và thực hiện các mục tiêu đã thống nhất đề ra. Bên cạnh đó, các vấn đề như khí hậu, khí thải, năng lượng cũng được châu Âu quan tâm và muốn thảo luận. Ông Prodi nhấn mạnh, hội nghị sẽ thành công góp phần xây dựng một thế giới văn minh tốt đẹp hơn.

"Văn hoá sẽ là cầu nối giữa nhân dân các nước ASEM, tạo ra cơ sở để tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Đây cũng là minh chứng rằng ASEM là một thực thể rất đa dạng, phức tạp nhưng phong phú. Phát huy thế mạnh đó sẽ là nền tảng cho các dự định và ước mơ của ASEM thành hiện thực", Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi cũng chia sẻ những tình cảm của mình trong phiên khai mạc ASEM 5.

Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Per Stig Moller cho rằng ASEM sẽ góp phần trong việc cải tổ củng cố LHQ. Đan Mạch sẽ tuân thủ các cam kết của ASEM và góp phần phát triển quan hệ hai châu lục thông qua tài trợ các chương trình cho giới học giả, tham gia quỹ Á - Âu bởi vai trò quan trọng của nó. "Thương mại tự do công bằng đóng vai trò cốt yếu giúp thế giới thoát khỏi đói nghèo và phồn vinh", ông Per Stig Moller phát biểu.

Sau lễ khai mạc các đại biểu tiến hành phiên họp kín đầu tiên với chủ đề: "Tình hình quốc tế hiện nay và những thách thức toàn cầu mới".

Trong 2 ngày 8-9, các nhà lãnh đạo Á - Âu sẽ nhóm họp và thảo luận các đề mục chính bao quát mang tính chiến lược và có tính thời sự cao xoay quanh 3 trụ cột chính trị, hợp tác kinh tế và văn hóa. Các thành viên sẽ bàn về tương lai ASEM nhằm vạch ra những định hướng lớn cho sự củng cố và phát triển của ASEM trong thập kỷ tới.

Trước thềm phiên khai mạc, lễ kết nạp 13 thành viên mới của ASEM đã được tổ chức trọng thể. Theo đánh giá của giới ngoại giao, với sự kiện mở rộng khối, hội nghị tại Hà Nội sẽ đánh dấu bước phát triển mới cả về chất và lượng của diễn đàn ASEM, nâng cao tính hấp dẫn và khả năng đóng vai trò quan trọng của ASEM trong một thế giới toàn cầu hóa.

Đây là lần đầu tiên ASEM có một Tuyên bố kinh tế ở cấp cao hoàn chỉnh với những biện pháp cụ thể tăng cường giao thương giữa hai châu lục. Bên cạnh đó, Tuyên bố ASEM về đối thoại văn hóa văn minh với những phương hướng lớn và các bước triển khai cụ thể về tăng cường giao lưu văn hóa liên châu lục trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và toàn cầu hóa. Ngoài 3 trụ cột chính, các nước sẽ thông qua nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể. Việt Nam sẽ đưa ra hoặc đồng tác giả các sáng kiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sạch, phòng chống HIV/AIDS.  

Danh sách các vị Trưởng đoàn tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 5.

Nhóm phóng viên



Thứ sáu, 8/10/2004, 09:29 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/10/3B9D742E/page_1.asp 

1. Thủ tướng VN Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEM 5;
2. Quốc vương Brunei Sultan and Yang Di-Pertuan Hassanal Bolkiah;
3. Tổng thống Pháp Jacques Chirac;
4. Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun;
5. Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo;
6. Thủ tướng Lào Bounnhang Vorachit;
7. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo;
8. Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi;
9. Thủ tướng Campuchia Hun Sen;
10. Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra;
11. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long;
12. Thủ tướng Malaysia Doto Seri Abdullah Bin Haji Ahmad Badawi;
13. Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder;
14. Thủ tướng Ba Lan Marek Belka;
15. Thủ tướng Thụy Điển Goran Persson;
16. Thủ tướng Luxembourg Lean-Claude Juncker;
17. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Romano Prodi;
18. Thủ tướng Áo Wolgang Schussel;
19. Thủ tướng Estonia Juhan Parts;
20. Thủ tướng Phần Lan Vanhanen Matti Taneli;
21. Thủ tướng Ailen Bertie Ahern;
22. Thủ tướng Latvia Indulis Emsis;
23. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Malta Tonio Borg;
24. Phó Thủ tướng Italy Gianfranco Fini;
25. Phó Thủ tướng Thứ nhất Tây Ban Nha Maria Teresa Fernandez De La Vega;
26. Phó Thủ tướng Anh John Prescott;
27. Bộ trưởng Hợp tác phát triển Bỉ Arman De Decker;
28. Bộ trưởng Ngoại giao CH Síp George Iacovou;
29. Bộ trưởng Ngoại giao CH Séc Cyril Svoboda;
30. Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Per Stig Moller;
31. Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Petros Molyviatis;
32. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia N. Hassan Wirajuda;
33. Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Antanas Valionis;
34. Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Lao động Myanmar U Tin Winn;
35. Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bernard Rudold Bot;
36. Bộ trưởng Kinh tế Bồ Đào Nha Alvaro Barreto;
37. Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Eduard Kukan;
38. Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu Slovenia Milan Martin Cvikl;
39. Quốc vụ khanh Chính trị Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Hungary Barsony Andras.



Thứ sáu, 8/10/2004, 10:00 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/10/3B9D7414/ 

Báo chí nước ngoài viết về ASEM 5  

Các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài những ngày qua đưa nhiều tin về sự kiện Hà Nội tổ chức Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 5. Công tác chuẩn bị của nước chủ nhà và ý nghĩa của hội nghị là những chủ đề được nói đến nhiều nhất.

Dưới tiêu đề Thái Lan muốn "hội nghị là diễn đàn hợp tác kinh tế", tờ Bangkok Post hôm nay nhấn mạnh việc các nhà lãnh đạo châu Á sẽ kêu gọi đưa ASEM tập trung hơn vào hợp tác kinh tế, chứ không chỉ là diễn đàn chính trị.

Nhận xét về tầm quan trọng của ASEM 5, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc dẫn lời ông Wu Yikang, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Trung tâm châu Âu đóng tại Thượng Hải. Ông Wu nói rằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của kinh tế châu Á, hai châu lục sẽ có cơ sở rộng lớn hơn để nối gần các mối quan hệ kinh tế.

Phóng viên của hãng tin EBU có trụ sở ở Hong Kong đưa không khí lễ hội ở Hà Nội. Anh nói chỉ có thể dùng một từ để nói về việc chuẩn bị cho ASEM 5, là "hoàn hảo".

Tờ Manila Times nhận xét rằng ASEM thực sự là cuộc đối thoại khách quan nhằm củng cố quan hệ Á - Âu. "ASEM 5 mở cửa để tăng cường hợp tác tư nhân và các chính phủ nhằm khuyến khích hành động tích cực từ phía các chủ doanh nghiệp", nhật báo viết.

Hãng tin Pháp AFP nhận xét, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị các nước Pháp ngữ và sau đó là hội nghị cấp cao ASEAN, nhưng công việc chuẩn bị cho ASEM 5 còn tỏ ra vượt trội. Hãng trích lời Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam của Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng cộng đồng quốc tế trông đợi Việt Nam là một chủ nhà và nhà tổ chức chuyên nghiệp.

Đài phát thanh Voice of America cho hay Việt Nam đã hoàn tất các công việc chuẩn bị, để ASEM 5 thành công toàn diện.

Tờ China Daily hôm thứ năm đăng bài ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc chuẩn bị cho một sự kiện lớn với sự tham gia của 39 đoàn đến từ hai châu lục.

Tờ Khaleej Times dẫn nguồn AFP bình luận rằng các đoàn tham dự hội nghị đều khẳng định mối quan tâm phát triển quan hệ kinh tế và văn hoá giữa hai châu lục. Hội nghị cũng là diễn đàn để trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế.

T.H. tổng hợp



sáu, 8/10/2004, 00:06 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2004/10/3B9D73F4/ 

Phu nhân Tổng thống Pháp thăm Bệnh viện Đống Đa

Bà Chirac đến thăm BV Đống Đa.

17h25' chiều 7/10, bà Bernadette Chodron de Courcel, phu nhân Tổng thống Pháp J. Chirac đã tới thăm Bệnh viện Đống Đa - cơ sở điều trị HIV/AIDS lớn nhất ở Hà Nội. Sau giây phút chào hỏi, bà đã tỏ ý muốn đến thăm khu điều trị HIV, ân cần hỏi han những người đang chữa bệnh tại đây.

Tại khu điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, bà Chirac tỏ ra rất quan tâm đến những người đang được điều trị miễn phí bằng sự tài trợ của tổ chức Esther Toulouse Pháp trong khuôn khổ dự án "Tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS". Dự án này được thực hiện tại Hà Nội từ tháng 6/2003 với sự tham gia của 2 bệnh viện Đống Đa và Xanh Pôn. Trong đó, Esther Toulouse tài trợ để điều trị miễn phí cho hơn 100 bệnh nhân AIDS, cung cấp các thiết bị để chẩn đoán, xác định giai đoạn bệnh của người nhiễm HIV. Tổ chức này cũng giúp đào tạo về kỹ năng điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS cho y bác sĩ 2 bệnh viện trên tại Việt Nam và Pháp. Đã có 60 bệnh nhân ở Bệnh viện Đống Đa được điều trị trong khuôn khổ dự án này, bước đầu cho kết quả khả quan.

Bà Chirac bày tỏ sự thông cảm với những khó khăn của Việt Nam trong việc phòng chống AIDS và hứa sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho công tác này ở Việt Nam. "Tôi rất hài lòng khi nhận thấy các thiết bị trong phòng chống AIDS đều thuộc loại tối tân, bệnh nhân cũng được chăm sóc rất tốt. Sự hợp tác giữa Esther Toulouse và các bệnh viện Việt Nam đã góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa 2 nước. Tôi hy vọng một ngày không xa căn bệnh AIDS sẽ được chữa khỏi".

Cũng tại Bệnh viện Đống Đa, Phu nhân tổng thống Pháp đã chứng kiến 2 lễ ký kết quan trọng về y tế giữa Việt Nam và Pháp. Đầu tiên là lễ ký thỏa thuận giữa Esther Toulouse và Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng. Tổ chức này sẽ giúp đỡ Việt Tiệp điều trị miễn phí cho 100 bệnh nhân HIV/AIDS trong vòng 3 năm. Ngoài việc cung cấp thuốc và các thiết bị hiện đại nhất, Esther Toulouse cũng giúp đào tạo y bác sĩ cho bệnh viện này.

Tiếp đó, Hội Chữ thập đỏ hai nước ký kết dự án về an toàn giao thông đường bộ. Dự án do phía Pháp tài trợ này có tổng trị giá hơn 162.000 euro, được thực hiện trong 2 năm kể từ tháng 10 này. Mục tiêu là giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ bằng các biện pháp giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn. Cụ thể là thiết lập mạng lưới sơ cấp cứu rộng lớn với 160 tình nguyện viên là lái xe taxi, tập huấn về giao thông đường bộ cho người dân ở những khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn...

Trước khi chia tay, đại diện UBND thành phố Hà Nội và Bệnh viện Đống Đa đã tặng bà Chirac một bức tranh sơn mài về phong cảnh đền Ngọc Sơn và giới thiệu về thắng cảnh này cũng như vị trí của nó trong đời sống văn hóa của Hà Nội. Phu nhân Tổng thống Pháp tỏ ra rất thích món quà này.

Thanh Nhàn



Thứ sáu, 8/10/2004, 06:00 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2004/10/3B9D73B1/ 

Chàng thợ hàn và tập đoàn Vietz

Ông Eginhard Vietz.

Có mặt trong đoàn doanh nghiệp Đức tháp tùng Thủ tướng Gerhard Schoerder sang Việt Nam tham dự ASEM lần này, Eginhard Vietz đạo mạo trong vai trò Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ hàn Vietz. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ông đã khởi nghiệp bằng chính nghề thợ hàn của mình.

Eginhard Vietz sinh ngày 27/1/1941 tại Pommerzig, huyện Crosen, tỉnh Brandenburg (sau chiến tranh thuộc Ba Lan ). Hè năm 1945, ông cùng cha mẹ từ Ba Lan về Đức. Học hết lớp 9 vào năm 1956, ông bắt tay ngay vào chương trình học thợ hàn ở nhà máy tàu hỏa Babelsberg. Ông lập gia đình năm 20 tuổi và cuối năm đó quyết định chuyển hẳn đến Hannover hành nghề thợ hàn. Những năm sau này, Vietz vừa đi làm,vừa tham gia giảng dạy về chuyên môn. Tới 1969, ông kết thúc một khóa học nâng cao và trở thành kỹ thuật viên hàn của viện Holler Frankfurk. Đây cũng là lúc ông gặt hái những thành công đầu tiên.

Eginhard Vietz (bên phải, ngoài cùng) và các đồng nghiệp.

Năm 1976, Công ty TNHH công nghệ hàn E. VIETZ của chính ông ra đời. 8 năm sau, công ty bắt đầu sản xuất các dụng cụ về hàn. Đến năm 1990, ông quyết định mở thêm công ty tại Leipzig và chi nhánh ở Potsdam. Cùng năm này, Vietz đã thành lập văn phòng đại diện tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Liên tiếp các năm sau đó là mở rộng chi nhánh và lập các văn phòng đại diện tại Thổ Nhĩ Kỹ, Iran và Iraq. Những chuyến công du của Eginhard Vietz tới Iraq, Angeri và Nigeria đều có mục đích là được nhìn những gì khác với Đức. Và cũng sau những chuyến đi như vậy, ông đã mở rộng thêm công ty tại đây, với các hoạt động chủ yếu là chế tạo các cấu kiện cho đường ống dẫn dầu. Hiện công ty của ông đã có văn phòng giao dịch tại 34 thành phố trên khắp thế giới.

Sự thành công của Vietz bắt nguồn từ việc ông biết cách tận dụng tất cả các vật liệu phế thải để sản xuất các chi tiết chuyên dụng cấu tạo trong đường ống dẫn dầu. Chính ông là người đã tạo nên một “Chợ khổng lồ” về đường ống dẫn dầu. Thành công đó đã mang lại cơ hội hợp tác của ông tại các nước trên thế giới, và ngay tại quê nhà ông là một doanh nghiệp thành viên trong đoàn đại biểu kinh tế của tiểu bang và liên bang Đức.

Quan hệ rất rộng, song Vietz lại không có hứng thú nhiều khi nói về chính trị. Bản thân ông luôn nói những lời chân thành và mộc mạc. Vấn đề ông rất quan tâm hiện nay là mở ra các nơi đào tạo, điều chỉnh thời gian làm việc, chính sách về thang lương, các mô hình khuyến khích người lao động, và tạo ra sự cân bằng trong khối EU. Đó là tất cả lĩnh vực mà hiện nay ở cộng hòa liên bang Đức mà ông nhìn thấy còn nhiều bất cập cần phải giải quyết. Ở độ tuổi 63, ông vẫn có thể làm việc với cường độ cao và tin tưởng vào sự minh mẫn, tráng kiện của mình.

Có mặt trong đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Gerhard Schoerder tới Hà Nội lần này, Vietz hy vọng sẽ thiết lập quan hệ chặt chẽ với các công ty xây dựng dầu khí của Việt Nam, mảnh đất ông đã nhiều lần tới thăm và có một tình cảm sâu đậm. Một quyết tâm mới của ông chính là sẽ chiếm lĩnh thị trường công nghệ dầu khí tại Việt Nam trong tương lai rất gần.

Song Linh



Kết nạp 13 thành viên mới ASEM
Đúng 18h chiều nay, lễ kết nạp 3 nước ASEAN và 10 nước vừa gia nhập Liên minh châu Âu (EU) chính thức diễn ra tại khách sạn Daewoo, Hà Nội. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử ASEM.
Xã hội:
Tổng thống Pháp: 'Tôi mãi lưu giữ hình ảnh các bạn trẻ VN'
9h30' sáng nay, Tổng thống Pháp J. Chirac đã có buổi nói chuyện với sinh viên Việt Nam tại Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace). Văn hóa, cơ hội du học Pháp và quan hệ Việt - Pháp trong tiến trình hợp tác Á - Âu, là những chủ đề chính được các bạn trẻ VN đặt ra.
Các tin Xã hội khác



Kinh doanh:
Doanh nghiệp mong muốn ASEM đơn giản hóa xuất nhập cảnh
Sau các cuộc thảo luận nhóm chiều nay, thông điệp chung doanh nghiệp Á - Âu muốn chuyển đến lãnh đạo ASEM là minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để các công dân ASEM đi lại trong khối thuận tiện, dễ dàng.
Các tin Kinh doanh khác



Thứ năm, 7/10/2004, 19:03 GMT+7
   http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/10/3B9D73F1/ 

28 đoàn quốc tế tham dự ASEM đã có mặt tại Việt Nam

Đến 15h30' chiều nay, đã có 28 trong số 39 đoàn đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 5 có mặt tại Hà Nội. Dự kiến, tối nay, sẽ có 7 đoàn khách ASEM 5 xuống sân bay Nội Bài. Hai đoàn Manta và Bỉ sẽ đến Hà Nội vào sáng mai.

Hôm nay, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tiếp thân mật Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo. Chủ tịch đã bày tỏ vui mừng được gặp lại tổng thống kể từ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của bà tháng 11/2002. Chủ tịch chúc mừng bà Arroyo đã tái đắc cử Tổng thống Philippines. Hai bên nhất trí cần tích cực thực hiện những cam kết nêu trong Khuôn khổ hợp tác song phương 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo mà Chính phủ hai nước đã ký kết tháng 11/2002. Về diễn biến liên quan đến Trường Sa gần đây, Chủ tịch Trần Đức Lương mong rằng hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông, không làm bất cứ việc gì gây phức tạp thêm vấn đề.

Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sáng nay, hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển theo phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Thủ tướng Ôn Gia Bảo bày tỏ, Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam, và khẳng định Việt Nam giữ vị trí rất quan trọng trong chính sách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. 

Quan hệ buôn bán song phương đang duy trì được đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm, có nhiều khả năng ngay trong năm 2004 sẽ hoàn thành mục tiêu 5 tỷ USD đề ra cho năm 2005. Hai bên bày tỏ tin tưởng sẽ hoàn thành sớm hơn dự kiến mục tiêu nâng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2010. Hai bên thoả thuận sẽ thành lập Nhóm công tác để cụ thể hoá ý tưởng xây dựng “hai hành lang, một vành đai kinh tế”.

Ngoài các vấn đề kinh tế, hai bên cũng đánh giá cao ý nghĩa việc ký kết các Hiệp định biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các Hiệp định trên cũng như các thoả thuận hữu quan khác nhằm xây dựng biên giới Việt – Trung thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, cùng phát triển. Hai bên khẳng định triệt để tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Trung Quốc cũng khẳng định sẽ sớm kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ký kết 8 văn kiện.

Cùng ngày, Thủ tướng Phan Văn Khải còn tiếp thân mật Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, hai bên cùng có lợi với Thái Lan trên cơ sở song phương cũng như ASEAN, ASEM, khu vực và quốc tế. Tiếp thân mật với Thủ tướng Cộng hoà Ireland Bertie Ahern, Thủ tướng Phan Văn Khải đề nghị Chính phủ Ireland tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Viêt Nam và tiếp tục ủng hộ việc tăng cường thương mại Việt Nam - EU, ủng hộ Việt Nam sớm kết thúc vòng đàm phán WTO và ứng cử ghế Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khoá 2008-2009. Thủ tướng Bertie Ahern cũng thông báo Ireland đang có kế hoạch lập Văn phòng điều phối viện trợ phát triển tại Hà Nội, sẽ cố gắng thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại, văn hoá hơn nữa.

 

Tại Trung tâm hội nghị quốc tế, chiều 7/10, Phó thủ tướng Vũ Khoan, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia ASEM 5 của Việt Nam đã tiếp thân mật Phó thủ tướng Anh John Prescott. Phó Thủ tướng Vũ Khoan cảm ơn Chính phủ Anh đã tăng mạnh viện trợ phát triển cho Việt Nam từ mức 40 triệu USD/năm hiện nay lên trên 100 triệu USD/năm từ năm 2005 với các hình thức linh hoạt và có hiệu quả cao. Phó thủ tướng tin rằng Anh sẽ tăng cường hơn nữa vị trí của mình ở Việt Nam, và đề nghị Chính phủ Anh thiết thực ủng hộ Việt Nam sớm kết thúc đàm phán song phương với EU để gia nhập WTO, ủng hộ Việt Nam ứng cử ghế Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chiều 7/10 tại Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã thân mật tiếp Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và nhập cư Đại công quốc Luxembourg Jean Asselborn.

 

Đến thời điểm này, có 17 văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực quan trọng được ký kết giữa Việt Nam và các nước (8 với Trung Quốc, 8 với Pháp và 1 văn kiện với Indonesia). 

Q. Hà - V. Anh - P. Vũ



Thứ năm, 7/10/2004, 08:58 GMT+7

13 đoàn khách ASEM 5 đã đến Việt Nam

Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun cùng phu nhân. Ảnh:T.T

Tính đến 24h hôm qua, 13 đoàn quốc tế đã có mặt tại Hà Nội. Cùng ngày, cuộc họp trù bị quan chức cấp cao Á - Âu tham dự ASEM 5 đã nhóm họp phiên cuối cùng tại Hà Nội bàn về chương trình nghị sự và công tác chuẩn bị của Việt Nam.

Tất cả các quan chức nhất trí cao nội dung chính sẽ được bàn thảo cũng như những văn kiện sẽ được thông qua tại hội nghị. Đại diện các nước tham dự đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam cả về nội dung và công tác chuẩn bị vật chất, lễ tân, hậu cần để đảm bảo cho hội nghị thành công tốt đẹp.

Nhân dịp sang tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 5, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia và Việt Nam cũng đã có cuộc trao đổi. Sau cuộc tiếp xúc, hai Bộ trưởng đã ký bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hợp tác và tham khảo song phương.

Dưới sự chứng kiến của Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Chủ tịch nước Trần Đức Lương, các thành viên trong phái đoàn hai nước đã ký kết tám văn kiện trong tổng số khoảng 20 văn kiện đã thống nhất được.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cũng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Per Stig Moller. Bộ trưởng Per Stig Moller đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam đối với hội nghị cấp cao lần này và bày tỏ những ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu phát triển của Việt Nam.

Chiều nay (7/10) sẽ diễn ra lễ kết nạp 13 nước thành viên mới của ASEM, trong đó có 3 nước Đông Nam Á là Campuchia, Lào và Myanmar.

8 văn kiện Việt - Pháp ký kết chiều 6/10

1/ Hiệp định khung ba bên VN - Pháp - Burkina Faso về trao đổi công nghệ và năng lượng.
2/ Hiệp định khung ba bên VN - Pháp - Burkina Faso về thực phẩm dành cho trẻ em.
3/ Hiệp thương hợp tác về việc thành lập Trung tâm đại học Pháp tại Hà Nội.
4/ Thỏa thuận hành chính giữa Vụ Giáo dục và đào tạo giữa hai nước về việc công nhận quá trình đào tạo và văn bằng.
5/ Thỏa thuận về việc miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao đi công tác ngắn hạn.
6/ Hiệp định tài trợ xây dựng tuyến xe điện tại Hà Nội (được biết trị giá khoảng 165 triệu euro).
7/ Thỏa thuận về việc cho mượn các cổ vật để triển lãm tại Paris về văn hóa Champa.
8/ Bản ghi nhớ về việc mua 10 máy bay Airbus A-321.

 (Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên



Thứ ba, 5/10/2004, 11:09 GMT+7

Báo chí nước ngoài chạy đua đưa tin ASEM 5

Anh Ganesal Muniady tại Trung tâm báo chí ASEM 5.

Hôm qua, 3 phóng viên của Radio TV Malaysia mang theo các thiết bị hiện đại đã có mặt tại Trung tâm báo chí ASEM 5. Ngoài chương trình truyền hình trực tiếp về Hội nghị cấp cao Á - Âu, hãng truyền hình này sẽ có những phóng sự đặc biệt về đất nước, con người Việt Nam.

Gõ thoăn thoắt trên bàn phím, anh Ganesal Muniady tâm sự anh và các đồng nghiệp khá khó khăn khi giao tiếp do người dân Hà Nội ít nói tiếng Anh. Mang theo tới 3 máy dịch cá nhân nhưng không sử dụng được ngoài trời, nhóm phóng viên đang tìm một phiên dịch giỏi để giúp họ trong mấy ngày tại VN. Radio TV Malaysia thuê hẳn một boot tại Trung tâm báo chí để lắp đặt hàng trăm cân thiết bị.

Ngay sau buổi họp báo quốc tế chiều qua, Minh Long, phóng viên Tân Hoa Xã tại VN vội vã phóng xe về tòa soạn để viết ngay 3 tin phản ánh những nét mới của ASEM và mong đợi của VN về hội nghị này. Anh cho biết "sếp" yêu cầu không được chậm chân hơn các báo khác. Để tăng cường lực lượng đưa tin về sự kiện quan trọng này, Tân Hoa Xã cử thêm 2 phóng viên Trung Quốc tới VN hỗ trợ cho 3 phóng viên thường trú tại Hà Nội.

Những hãng thông tấn nổi tiếng như AP, Reuters, NHK, FEER đều có phóng viên nằm vùng tại VN. Họ thông thạo đường đi nước bước ở Hà Nội nên chuyện tác nghiệp tại hội nghị không quá khó khăn. Song phần đông phóng viên nước ngoài đều mới tới lần đầu, họ đem theo máy tính xách tay chứ không sử dụng máy tại trung tâm báo chí vì ngại đường truyền chậm.

Đạo diễn Nellie Faith V. Bombase.

Chị Nellie Faith V. Bombase, đạo diễn của hãng phát thanh truyền hình RTVM, Philippines cùng 2 đồng nghiệp xách lỉnh kỉnh một đống máy móc. Chị cho biết phải đặt phòng tại khách sạn Guoman cả tháng trước để chắc chân có chỗ ở gần các trung tâm tổ chức sự kiện. Tổng thống Arroyo sẽ tham dự ASEM5 nên Phillipines có tới 8 hãng thông tấn tới VN để đưa tin các hoạt động của bà, trong đó có cả những hãng tin tư nhân. Chị V. Bombase cho rằng các nhà báo Philippines sẽ cạnh tranh quyết liệt với nhau.

Potapov Andrey.

Không có nguyên thủ tham dự ASEM 5, Potapov Andrey - phóng viên hãng thông tấn Itar-Tass (Nga) vẫn chăm chú ghi chép thông tin về Hội nghị cấp cao Á - Âu để chuyển về hãng. "Tuy Nga chưa gia nhập ASEM, chúng tôi vẫn làm những chương trình lớn về sự kiện này, qua đó phản ánh sự chuẩn bị chu đáo của VN", Andrey kể. Trong dịp ASEM 5, anh Andrey sẽ ăn nghỉ tại một khách sạn tư nhân ở quận Thanh Xuân.

Paul Andrew.

Ngoài các nhà báo đang khẩn trương đưa tin bài về VN và ASEM 5, Bộ Ngoại giao thuê hẳn một đội kỹ thuật viên của các hãng thông tấn lớn trên thế giới nhằm đảm bảo không để trục trặc nào xảy ra tại Trung tâm báo chí quốc tế. Paul Andrew của hãng EBU đến từ Hong Kong nhận xét không khí tại Hà Nội trong mấy ngày này thật náo nhiệt. "Nếu được nói 1 từ về công tác chuẩn bị của VN cho ASEM 5 với đồng nghiệp quê nhà, tôi sẽ dùng perfect (hoàn hảo)", Andrew nói.

Trung tâm báo chí quốc tế có diện tích hơn 8.000 m2 nhưng xem ra vẫn nhỏ bé khi hơn 1.000 phóng viên trong và ngoài nước tập trung tại đây. Bộ Ngoại giao cho biết khoảng 800 phóng viên nước ngoài đã đăng ký và làm thẻ đưa tin về ASEM 5, gấp 3 số lượng nhà báo VN.

Phong Lan - Việt Anh



Thứ hai, 4/10/2004, 19:05 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/10/3B9D71F4/ 

Các nguyên thủ sẽ giao lưu với doanh nghiệp tại ASEM 5

Họp báo quốc tế trước thềm ASEM5.

Chiều nay, tại buổi họp báo quốc tế trước Hội nghị cấp cao ASEM 5, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Trung Thành, cho biết, Việt Nam sẽ bố trí một chương trình giao lưu trực tiếp giữa các nguyên thủ và đại diện doanh nghiệp Á - Âu.

Đây là cơ hội gia tăng tương tác giữa các chính phủ và giới doanh nghiệp.

Trao đổi với VnExpress, ông Thành cho biết, kiến nghị của các doanh nghiệp hai châu lục Á - Âu sẽ được các nguyên thủ giao cho bộ trưởng và các quan chức kinh tế nghiên cứu và có điều chỉnh thích hợp. Vì thời gian hội nghị ngắn, nên cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp và các nguyên thủ sẽ là cơ hội vàng để doanh nghiệp gặp gỡ, bày tỏ mong muốn với những người đứng đầu quốc gia.

Ông Thành cũng cho biết, lần đầu tiên ASEM sẽ có một Tuyên bố kinh tế hoàn chỉnh ở cấp cao với những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai châu lục và thực hiện các chính sách. Các hội nghị ASEM trước nghiêng về đối thoại, chính sách.

Hội nghị cấp cao Á- Âu lần thứ 5 sẽ là Hội nghị cấp cao mở rộng đầu tiên của ASEM, đánh dấu một bước phát triển mới của diễn đàn. Lần đầu tiên cấp cao ASEM sẽ thông qua "Tuyên bố ASEM về đối thoại văn hóa - văn minh", nhằm tăng cường giao lưu văn hóa liên châu lục. Hội nghị cũng bàn về "Tương lai ASEM", nhằm vạch ra những định hướng lớn cho sự củng cố và phát triển của ASEM trong thập kỷ tới.

Tại ASEM 5, EU có 25 thành viên tham gia. EU và Việt Nam sẽ nhìn lại các quan hệ trong thời gian qua để tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Việt Nam cũng sẽ đề cập đến những nội dung mà phía EU có thể tạo điều kiện giúp đỡ như chính sách ưu đãi khi tiếp cận thị trường, vấn đề hạn ngạch, xuất khẩu dệt may, da giày, hàng nông sản... Các buổi làm việc với EU sẽ rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng hoàn tất đàm phán song phương gia nhập WTO với EU.

Trung tâm báo chí quốc tế ASEM 5.

Cũng trong chiều 4/10, đã diễn ra lễ khai trương Trung tâm báo chí quốc tế ASEM 5 tại 19 Hoàng Diệu, Hà Nội. Phó thủ tướng Vũ Khoan đã tới dự và kiểm tra cơ sở vật chất của Trung tâm. Với diện tích 8.300 m2 và hệ thống máy tính, thiết bị hiện đại, Trung tâm báo chí quốc tế ASEM 5 sẽ là nơi tác nghiệp của hơn 1.000 nhà báo trong và ngoài nước.

ASEM 5 diễn ra trong 2 ngày 8-9/10 tại Hà Nội.

Phong Lan - Việt Anh



Thứ tư, 22/9/2004, 11:19 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2004/09/3B9D6B92/ 

AEBF 9 hướng tới hợp tác thực chất

Thứ trưởng Trần Đức Minh.

Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 7 và 8/10 tới được xem là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEM 5. Trả lời phỏng vấn VnExpress sáng nay, Thứ trưởng Thương mại Trần Đức Minh cho biết, kiến nghị của diễn đàn sẽ được trình lên các nguyên thủ quốc gia xem xét.

- Thông điệp chính của diễn đàn là gì, thưa thứ trưởng?

- AEBF xoay quanh chủ đề "Xây dựng đối tác kinh tế ASEM mật thiết hơn". Diễn đàn sẽ vạch ra định hướng cho các hoạt động kinh tế sắp tới của ASEM như tăng cường đầu tư, thương mại giữa hai châu lục Á - Âu, ủng hộ tiến trình đàm phán thương mại đa biên của WTO và sự giao lưu đối tác giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và chính phủ.

- Vậy diễn đàn sẽ tập trung vào các nội dung quan trọng nào?

- AEBF 9 là nơi các doanh nghiệp Á - Âu gặp gỡ trao đổi về những khó khăn vướng mắc trong thời gian qua và xây dựng cơ hội làm ăn trong khuôn khổ chung của hợp tác kinh tế Á - Âu nhằm biến cam kết đối thoại thành đối tác. Các doanh nghiệp sẽ chia thành 7 nhóm làm việc, thảo luận theo chủ đề riêng về thương mại đầu tư, cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông, thực phẩm, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, du lịch.

Doanh nghiệp cũng được gặp nguyên thủ của các nước ASEM để bày tỏ nguyện vọng của mình.

- Theo ông, các doanh nghiệp VN nên làm gì để có các kiến nghị thực tế, sâu sắc?

- Chúng tôi mời chủ yếu doanh nghiệp lớn như ôtô, hóa dầu, du lịch nhưng hiện vẫn chưa có nhiều ý kiến gửi đến. Thường doanh nghiệp VN làm tốt nhưng khi tổng hợp rút ra kiến nghị thì lại chưa mang tính tổng quát và thuyết phục, vì thế cần học hỏi nhiều hơn nữa để hiểu rõ quy định của thương trường quốc tế và bạn hàng. Trong khi đó, khuyến nghị của các nước rất cụ thể, đặc biệt là các thành viên WTO. Họ nắm rất chắc những rào cản trong thương mại, dịch vụ, đầu tư...

- Một số ý kiến cho rằng các AEBF trước chưa đi vào thực chất, vậy VN sẽ làm gì để khắc phục vấn đề này?

- Doanh nghiệp có thể tìm được nhiều cơ hội kinh doanh, cũng như chính sách thuận lợi thông qua những khuyến nghị với các nhà lãnh đạo của ASEM. Song song với thời gian đó chúng tôi cũng tổ chức triển lãm ASEAN tại Giảng Võ, Hà Nội. Tại đây, doanh nghiệp sẽ trưng bày, quảng bá hàng hóa và ký kết hợp đồng, hợp tác... Cái lợi lớn nhất là thông qua diễn đàn, các công ty nước ngoài hiểu thêm môi trường đầu tư vào VN, thói quen buôn bán với VN.

- VN sẽ đưa ra những sáng kiến nào tại diễn đàn lần này để tăng cường kim ngạch thương mại Á - Âu?

- Một số sáng kiến đã được VN và các đối tác đưa ra như tiến hành tổ chức các hội chợ hằng năm của ASEM, thành lập trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư ảo Á-Âu, thành lập hội đồng thương mại Á-Âu...

Phong Lan thực hiện



Thứ sáu, 27/8/2004, 14:57 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2004/08/3B9D5E23/ 

ASEM mang nhiều cơ hội hợp tác kinh tế cho VN

Xuất khẩu sang EU có thể tăng mạnh. Ảnh: Anh Tuấn.

Còn hơn một tháng nữa, Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu 5 (ASEM 5) sẽ khai mạc tại Hà Nội. Trong cuộc gặp gỡ của gần 40 nguyên thủ quốc gia này, hợp tác kinh tế trao đổi thương mại là lĩnh vực được dự báo sẽ đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Giáo sư Bùi Huy Khoát, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu, cho biết, tiến trình hợp tác Á - Âu được xác định trên 3 lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá - xã hội. Trong đó, các nước thành viên được hưởng lợi từ kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại. Cụ thể, các nước cam kết sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan và kiến tạo nhiều cơ hội thương mại cho hai khu vực Á - Âu.

Tham gia ASEM, VN đứng trước các thị trường khổng lồ. Chỉ tính riêng 10 nước ASEAN, tổng GDP năm ngoái ước đạt gần 2.000 tỷ USD, 3 nước Đông Á sức mua tương đương 10.000 tỷ USD, còn EU chiếm tới 40% thương mại và gần 50% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa VN và EU đang phát triển rất nhanh, năm 1990 mới ở mức khiêm tốn gần 300 triệu USD, năm 1995 vượt hơn 2 tỷ USD và năm 2002 đạt gần 5 tỷ USD. Đầu tư của các nước EU vào VN từ 1998 đến 2002 đã có 315 dự án với tổng vốn đăng ký trên 5,9 tỷ USD, trong đó đã thực hiện 3,1 tỷ USD, chiếm gần 10% vốn FDI ở VN. 

Những con số trên so với tiềm năng của EU còn rất nhỏ, vì thế các chuyên gia kinh tế cho rằng, VN cần chớp cơ hội tìm các đối tác tiềm năng tại diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu được tổ chức bên lề hội nghị ASEM. Một vấn đề các doanh nghiệp VN cần chú ý theo ông Christoph Wiesner - Bí thư thứ nhất phái đoàn Ủy ban châu Âu tại VN - là thị trường EU cạnh tranh ngày càng gay gắt, do đó các yêu cầu về phẩm chất hàng rất khắt khe. Các mặt hàng như may mặc, giày dép, đồ gỗ sản xuất theo tiêu chuẩn và có sự giám sát chất lượng của các công ty nước ngoài đều được hoan nghênh và tăng kim ngạch đáng kể tại EU, song các sản phẩm VN tự sản xuất thì chưa có chỗ đứng.

Bà Đỗ Lan Phương, chuyên gia của Viện Nghiên cứu châu Âu, lưu ý về tình trạng phân biệt đối xử ở các nước Bắc Âu, giữa nhóm các nước đã là thành viên WTO, nhóm các nước WTO đã ký thỏa thuận song phương với EU về xóa bỏ hạn ngạch và thuế quan, nhóm các nước đang phát triển và không phải là thành viên của WTO và nhóm 48 nước chậm phát triển nhất thế giới. Sự phân biệt đối xử này có thể đặt VN vào vị trí bất lợi khi xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu thỏa thuận song phương về bỏ hạn ngạch và miễn giảm thuế vừa được EU ký đối với các nước thành viên WTO ở Đông Nam Á để tìm ra điểm mạnh của mình so với các đối thủ trong khu vực khi tiếp cận khách hàng châu Âu.

Theo bà Phương, chính sách cấp tín dụng của EU đối với VN cũng có những điểm đáng chú ý. Đó là tín dụng chỉ được cấp cho từng dự án cụ thể và căn cứ vào nhu cầu tín dụng của các công ty Bắc Âu khi tham gia dự án, phần ưu đãi chỉ ở mức tương đương với đối tác cạnh tranh khác.

Phong Lan



© 
®