Hợp tác kinh tế là động lực phát
triển chính của ASEAN
|
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển phát
biểu tại diễn đàn. Ảnh: Anh
Tuấn |
Trao đổi với VnExpress bên lề
Diễn đàn kinh doanh ASEAN sáng nay, Bộ trưởng Thương
mại Trương Đình Tuyển cho biết, lãnh đạo các nước
đang tiến tới mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN
với 3 cột trụ chính trị an ninh, kinh tế và văn hoá,
trong đó hợp tác kinh tế sẽ là động lực chính.
"Tất nhiên các bộ trưởng không nói
lĩnh vực nào quan trọng hơn, nhưng theo tôi, khi hợp tác
kinh tế phát triển mạnh mẽ thì sẽ thúc đẩy hợp tác
trong các lĩnh vực khác", ông nói thêm.
Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, 11
lĩnh vực được coi là trọng tâm của hợp tác kinh
tế nội khối đó là ôtô, gỗ, cao su, dệt may, nông
sản, thuỷ sản, điện tử, hàng không, du lịch, y tế
và e-ASEAN. Để có thể đẩy nhanh tiến trình hợp tác
thì việc hội nhập trong các lĩnh vực này phải được
chú trọng. Trong số 11 mặt hàng kể trên, VN cũng có
thế mạnh đối với một số ngành như gỗ, thuỷ
sản, du lịch.... Vì vậy, theo ông Tuyển, đây cũng là
cơ hội để doanh nghiệp VN mở rộng thị trường
với các nước trong khu vực.
Về vấn đề này, trao đổi với VnExpress,
Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Prasidh cho rằng,
mỗi nước đều có những thế mạnh riêng, vì vậy các
nhà lãnh đạo cũng nên xem xét lựa chọn giao cho mỗi
nước điều phối và phụ trách từng lĩnh vực.
Chẳng hạn, Thái Lan có lợi thế về hàng không và du
lịch thì nên để nước này giữ vai trò thúc đẩy
hai ngành này phát triển. Tương tự, Indonesia có lợi
thế về gỗ, Singapore có thế mạnh về y tế và
e-ASEAN... "Theo tôi, đó là cách phân công hợp lý
bởi nếu là sở trường thì làm sẽ tốt hơn", ông
Prasidh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo
ông Prasidh, năng lực cạnh tranh của khu vực ASEAN còn
chưa cao. "Có rất nhiều cuộc họp,
hội nghị được tổ chức hằng năm. Không ít kế
hoạch, thoả thuận được đưa ra, song thực tế thực
hiện các chương trình đó còn yếu. ASEAN vẫn đang có
nguy cơ tụt hậu so với thế giới", ông nói.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng
Trương Đình Tuyển cho rằng, thực trạng đó xuất phát
từ 3 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, mức độ chênh
lệch khá lớn về trình độ phát triển, năng lực
cạnh tranh và thể chế của các nước thành viên.
Tiếp theo là mức độ liên kết giữa cộng đồng
doanh nghiệp các nước trong khối còn yếu, khả năng
thống nhất phân công lao động trong phạm vi khu vực
rất hạn chế. Một nguyên nhân khác nữa là tính ràng
buộc trong cơ chế hoạt động của ASEAN chưa thực
sự chặt chẽ.
Bản thân năng lực cạnh tranh của doanh
nghiệp trong nước, Bộ trưởng Tuyển cũng cho rằng cũng
chưa cao. Ông nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng một thị
trường cạnh tranh ở quy mô khu vực và thế giới sẽ
không thể đạt được nếu thiếu vai trò chủ động
của các doanh nghiệp. "Có thể nói, chính phủ là
người mở đường, còn doanh nghiệp là động lực đi
trên con đường đó", ông nói.
Dưới góc độ
một nhà doanh nghiệp, trao đổi với VnExpress,
Giám đốc Công ty Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cho
rằng, hiện nay mối liên kết giữa giữa các cơ quan
chức năng và doanh nghiệp trong nước còn yếu,
khiến sự phối hợp giữa các bên chưa thống nhất.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, doanh nghiệp cũng không nên chỉ
đổ lỗi cho chính sách, mà phải nỗ lực hết sức để
phát hiện và tìm kiếm cơ hội kinh doanh với nhiều đối
tác. "Trong bối cảnh chấn hưng nền kinh tế nước
ta hiện nay, doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan
trọng. Nếu doanh nghiệp phát triển mạnh có thể kéo
theo sự hưng thịnh của đất nước trong mọi lĩnh
vực. Vị thế quốc gia nhờ đó mà cũng được nâng lên",
ông nhấn mạnh.
Diễn ra cùng thời gian với Hội nghị
cấp cao Á - Âu ASEM 5, Diễn đàn Kinh doanh ASEAN (một
hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại
ASEAN 2004) lần này được đánh giá là có sức thu hút
lớn. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho VnExpress biết,
trong hội nghị cấp cao ASEM 5 tới, các nhà lãnh đạo
sẽ bàn cách làm thế nào để quan hệ kinh tế giữa
châu Á và châu Âu mật thiết hơn, và làm sống động
hơn nữa "con đường tơ lụa" xuyên Á - Âu
từ trước đến nay. Chính vì vậy, điểm đặc biệt
của ASEM 5 năm nay là, ngoài tuyên bố của cả hội
nghị, sẽ có một tuyên bố về quan hệ kinh tế mật
thiết hơn giữa châu Á và châu Âu.
Kiều Giang
|