xuong cuoitrang

75
Chủ nhật, 3/12/2006, 01:02 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/12/3B9F0FFD/ 

Xe phục vụ lãnh đạo APEC có thể đấu giá riêng

Sáng 2/12, Tiểu ban vật chất hậu cần APEC đã bàn giao 328 xe phục vụ tuần lễ APEC cho Cục Công sản, Bộ Tài chính. Trong số này có hơn 40 xe Mercedes E280, chuyên chở lãnh đạo và quan chức cấp cao các nền kinh tế thành viên. Dự kiến, tuần tới Thủ tướng sẽ phê duyệt lượng xe và hình thức thức đấu giá.
>Bộ Tài chính sẽ đấu giá xe phục vụ APEC

328 xe kể trên gồm nhiều chủng loại, sang nhất là Mercedes E280, kế đó là Mercedes E200K, Ford Modeo, Ford Transit. Hơn 40 chiếc E280 chuyên phục vụ các VIP từ cấp bộ trưởng trở lên, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc hay Ngoại trưởng Mỹ... Theo ban tổ chức, đây là những chiếc Mercedes phiên bản 2007 chưa từng xuất hiện trên thị trường VN, giá nhà sản xuất công bố là 137.000 USD/chiếc. Hơn 70 chiếc E200K vẫn còn cáu cạnh, giá mỗi chiếc 94.000 USD.

Đoàn Trung Quốc
Số xe chở VIP có thể được đấu giá riêng. Ảnh: T.T.

Theo quan sát của VnExpress, toàn bộ xe phục vụ APEC vẫn còn mới nguyên, những chiếc Mercedes chở lãnh đạo các nền kinh tế APEC vẫn còn nguyên bảng hiệu, vận hành vỏn vẹn 100-400 km. Kể cả 50 xe Ford Transit hộ tống, chưa có chiếc nào chạy đến 5.000 km. Chiếc xe chở Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, bình xăng vẫn đầy ắp như vừa đổ. Trong thời gian diễn ra APEC, Tiểu ban vật chất hậu cần đã khóa hết hệ thống tự động trên xe, lái xe chỉ dùng hệ thống cơ nên những hệ thống này vẫn mới nguyên.

Theo đề án đã đuợc Bộ Tài chính trình Thủ tướng, một phần nhỏ số xe sang trọng sẽ để lại phục vụ công tác lễ tân, ngoại giao và phân bổ một hai chiếc cho bộ, ngành, địa phương có nhu cầu, còn lại đều đem đấu giá.

Trong số những doanh nghiệp, cá nhân quan tâm tới lô xe trên, Mercedes VN đã xin mua lại toàn bộ số xe mang nhãn hiệu của hãng với giá bằng 80% giá ban đầu mà hãng cung cấp cho hội nghị. Ngay tại lễ bàn giao xe sáng 2/12, Công ty Ford Thăng Long cũng đã đánh tiếng xin tham gia đấu giá nhưng cho biết nếu giá sàn lên tới 90% giá mua mới thì đơn vị này sẽ rút lui. Bộ Tài chính cho biết các đề nghị này sẽ được chuyển lên xin ý kiến Chính phủ, song chủ trương chung là để giá càng cao càng tốt để có lợi cho Nhà nước.

"Với đề xuất của Mercedes, quan điểm của Bộ Tài chính là không đồng ý", ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản Bộ Tài chính cho hay.

Ông Cường cho biết thêm Cục cố gắng tổ chức đấu giá trước Tết. Hiện bộ còn chờ ý kiến Thủ tướng mới quyết định sẽ tổ chức đấu giá cả lô hay chia nhỏ ra từng phần. Do những chiếc xe phục vụ nhân vật quan trọng như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, Tổng thống Hàn QuốcRoh Moo-hyun có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử nên Bộ Tài chính đang xem xét tách riêng lô 42 xe E280 để đấu giá riêng. Bộ hy vọng giá trúng thầu có thể cao hơn giá trị ban đầu của xe.

Hiện toàn bộ 328 xe được Bộ Tài chính gửi lại tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với chi phí an ninh, kho bãi tổng cộng là 3 triệu đồng/ngày. Ngay trong sáng 2/12, Cục Quản lý công sản đã bàn giao chiếc Ford Transit đầu tiên cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, theo quyết định của Thủ tướng.

Việt Phong - Song Linh

 
  len dau trang
74
Thứ ba, 28/11/2006, 09:34 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Vi-tinh/2006/11/3B9F0D24/

An ninh mạng cho APEC - nhiệm vụ khó mà dễ

Một tuần sau khi Hội nghị APEC kết thúc, các chuyên viên Trung tâm BKIS, đơn vị trực tiếp tư vấn và giám sát an ninh mạng cho sự kiện, mới thở phào nhẹ nhõm và yên tâm kể về những ngày trực chiến căng thẳng. Theo họ, áp lực tâm lý là điều nặng nề nhất chứ không phải vấn đề chuyên môn.

Trung tâm An ninh mạng Đại học Bách khoa Hà Nội (BKIS) chính thức nhận quyết định từ Văn phòng Chính phủ về nhiệm vụ ở Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương từ hôm 25/10. Nhưng phải chờ đến 6/11, khi tiểu ban Hậu cần chuẩn bị xong hạ tầng, BKIS mới có thể có mặt để khảo sát hiện trường. Ngay lập tức, các chuyên gia an ninh mạng nhận ra rằng không có sẵn đường cáp để lắp thiết bị giám sát. Vì tình thế lúc đó đã rất gấp nên giải pháp được đề ra là sử dụng luôn đường cáp quang dự phòng của Cục Bưu điện trung ương làm đường giám sát. Chủ nhật (12/11) là ngày bắt đầu Tuần lễ cấp cao APEC thì đến chiều tối thứ bảy, việc kéo cáp và lắp đặt thiết bị giám sát kiểm soát của BKIS mới xong xuôi.

Nhóm chuyên gia an ninh mạng hoạt động tại APEC.
Ảnh: BKIS.

Theo ông Trần Quốc Chính, Trợ lý giám đốc BKIS và là người trực tiếp chỉ đạo nhóm chuyên gia 5 người trực chiến tại Trung tâm hội nghị quốc gia (NCC), mô hình mạng kiểm soát khá đơn giản. Toàn bộ NCC được chia thành 6 khu vực chính và tất cả đều kết nối thông qua một cửa ngõ (gateway) đến đường truyền 1 GB để ra mạng Internet. BKIS đã sử dụng một thiết bị giám sát chuyên dụng, đặt tại cửa ngõ này. Từ đó, nhân viên an ninh có thể "nhìn rõ" và "chỉ đích danh" máy tính nào, trong số 500 PC và gần 400 laptop hoạt động tại NCC, tải thông tin nhiều hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống mạng.

"Ngay khi hoàn thành việc lắp đặt, chúng tôi đã phát hiện một số thiết bị gửi gói tin broadcast (quảng bá) lên hệ thống mạng. Tuy nhiên, một nửa số thiết bị này là máy in mạng, không gây ảnh hưởng gì, các máy còn lại đều được xử lý ngay", ông Chính kể lại. "Buổi sáng hoạt động hội nghị đầu tiên, cũng xuất hiện việc tải xuống và trao đổi thông tin rất lớn. Một số người xem phim hoặc làm gì không liên quan đến tác nghiệp, chúng tôi đề nghị họ dừng lại để đảm bảo an ninh và chất lượng đường truyền. Còn phóng viên load phần mềm làm tin hay phục vụ công việc thì để họ tiếp tục”.

Tất cả máy tính chuẩn bị sẵn tại NCC đều chỉ dùng hệ điều hành, phần mềm có bản quyền do Microsoft và các công ty phần mềm khác tài trợ. Ban đầu, Ban tổ chức đảm bảo cho "sự sạch sẽ" của các PC bằng phần mềm AOL và Deep Freeze (với chương trình này mỗi khi khởi động lại, PC sẽ trở về nguyên trạng lúc đầu).

"Sử dụng 'chiêu' này, việc đảm bảo an toàn tương đối nhẹ nhàng nhưng lại có một số nhược điểm nhất định", chuyên gia BKIS Chính nhận định. "Song thời gian đã quá gấp, không kịp thay thế giải pháp này, nên chỉ còn cách là chuẩn bị sẵn sàng Bkav cho các máy, đặc biệt là máy mang từ ngoài vào. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị đơn vị cung cấp máy tính phục vụ hội nghị bật chế độ tường lửa có sẵn, cài đặt bản vá lỗi cho hệ điều hành và phần mềm kèm theo".

Những người làm nhiệm vụ an ninh cho biết một trong những vấn đề phức tạp là thống nhất được sự phối hợp của các bên: cung cấp máy tính, đường truyền và an ninh mạng khi có sự cố xảy ra. Ban tổ chức quy định máy tính trong phòng họp Hội nghị liên Bộ trưởng ngoại giao kinh tế chỉ được "ngắt mạng" tối đa 1 phút, ở phòng họp Ban thư ký là 3 phút. Còn phòng họp báo được phép lâu hơn.

Trong một tuần diễn ra sự kiện trọng đại đó, có tới 40 mẫu virus mới được BKIS phát hiện, chủ yếu xuất hiện trong 5 ngày đầu tiên, đều được xử lý ngay lập tức nên không thể lây trên diện rộng. Giám đốc BKIS Nguyễn Tử Quảng cho biết, tất cả các sâu và mã độc đều từ USB hoặc máy tính xách tay của phóng viên mang vào. Đặc biệt là các phóng viên không phải ai cũng có thói quen "làm sạch" thiết bị của mình trước khi cắm chúng vào mạng chung. Có máy cài đến 3 chương trình diệt virus nhưng không được cập nhật. Một số máy cài phần mềm Norton hết hạn đến mức không thể remove bằng cách thông thường. Có người còn rút đại đường mạng của PC có sẵn để cắm laptop của mình mà 'lờ đi' việc hỏi han nhân viên hướng dẫn nên đã gây một vài sự cố nho nhỏ. Thậm chí, khi máy tính gặp trục trặc, một người đã khởi động lại bằng cách... bấm nhầm nút restart của máy khác.

"Sự thật là chúng tôi đã rất căng thẳng và chịu một áp lực về tâm lý lớn khi nhận nhiệm vụ này trước tầm quan trọng của APEC. Một tuần đã trôi qua mà không có sự cố đáng kể nào. Thành công mỹ mãn đó là kết quả của những chuẩn bị chu đáo về con người, phương tiện kỹ thuật đồng bộ và nhiều sự hỗ trợ tốt nhất từ các đơn vị phối hợp khác", người đứng đầu BKIS tâm sự. "Tất cả các đề nghị về hạ tầng mạng cho việc giám sát đều được đáp ứng ngay, BKIS còn được ưu ái khi mà nhóm có 5 người thì nhận tới 4 bộ đàm trong khi các đơn vị khác 'dàn quân' 15-20 người chỉ được 5-6 máy".

Trưởng nhóm chuyên gia BKIS có mặt tại NCC Trần Quốc Chính cũng chia sẻ: "Thậm chí, cha mẹ tôi cũng lo lắng không biết con mình có hoàn thành nhiệm vụ không. Nhưng rõ ràng là chúng tôi từng làm việc với những quy mô hàng trăm nghìn máy tính mà mọi chuyện vẫn tốt đẹp. Tầm quan trọng của APEC chính là áp lực nặng nề nhất, chứ mọi việc ở đó cũng chính là những gì chúng tôi đã quá quen khi phải đương đầu hằng ngày”.

Trực chiến từ 7h đến 23h trong suốt những ngày APEC, nhân viên an ninh mạng cùng một số cán bộ của bộ phận khác ăn cơm hộp tại NCC. Những lúc rảnh, họ thường xuyên giúp các phóng viên xử lý trục trặc máy tính cá nhân, lấy ảnh từ laptop vì thiết bị nhiễm virus, ẩn đi các tệp tin mà chủ nhân không biết...

Nguyễn Hằng

 
  len dau trang
73
Thứ bảy, 25/11/2006, 11:30 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F0C44/ 

Cậu bé khiếm thị tặng tranh phu nhân Thủ tướng Nhật

Khi phu nhân Thủ tướng Nhật Bản đến thăm trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) dịp APEC, bà đã được một em học sinh khiếm thị tặng bức tranh đặc biệt. Bức tranh giản dị được vẽ bằng sáp màu trên nền giấy trắng đã khiến bà vô cùng xúc động.

Trong tranh là cảnh hai em bé đang dắt tay nhau. Bé trai mặc chiếc áo sơ mi màu đỏ, trên ngực có hình sao vàng - tượng trưng cho Việt Nam. Bé gái mặc chiếc áo màu trắng, bên ngực có hình tròn màu đỏ - tượng trưng cho Nhật Bản. Bức tranh đơn giản, nhưng rất có hồn. Tác giả bức vẽ là cậu học sinh khiếm thị Đào Thanh Tuyền.

Tuyền mới nhập trường được 3 năm, trong đó mất một năm học dự bị. Năm học dự bị đó, em được trang bị đầy đủ các kiến thức giúp người khiếm thị có thể “tự thân vận động” mà không cần tới sự trợ giúp của ai, chẳng hạn như học cách định hướng, biết được khi nào đi tới chỗ trống, cửa lớp…

Tuyền kể, em bị cận bẩm sinh và vẫn có thể đi học bình thường với các bạn khác. Tới năm em 8 tuổi thì bị bong võng mạc và không thể nhìn thấy vĩnh viễn. Sau khi chạy chữa các nơi không được, gia đình rất tuyệt vọng. Từ khi biết có trường dành cho người khiếm thị, gia đình đã tới đây xin cho Tuyền được đi học. Đến bây giờ, Tuyền đã tự tin rất nhiều và em rất thích tham gia các hoạt động nghệ thuật như vẽ, đàn, hát…

Năm 2005, Tuyền là một trong bảy học sinh của trường được chọn đi giao lưu hội họa tại Thụy Điển. Tại đó, các em đã có 3 cuộc triển lãm tranh và có vinh dự được tiếp kiến và tặng tranh Hoàng hậu Thụy Điển. Hoàng hậu đã ân cần hỏi chuyện các em đã làm thế nào có thể vẽ được những bức tranh đó khi không trông thấy gì. Nghe xong câu chuyện vẽ tranh của các em, Hoàng hậu rất thán phục và cảm động.

Chuyến đi đó đã để lại cho Tuyền và các thành viên trong đoàn những kỷ niệm khó quên vì được giao lưu với các anh chị học sinh trung học của Thụy Điển, được các anh chị dắt đi chơi phố, ra bãi biển nghe sóng vỗ rì rào…

Tuyền nhớ lại: “Em không bao giờ dám mơ rằng một người mù như em lại có thể được chu du ở xứ xở Bắc Âu xa xôi đến vậy. Mặc dù không nhìn thấy gì, nhưng em có thể cảm nhận được qua âm thanh và những lời mô tả của các anh chị”.

Có một câu chuyện vui mà các thầy cô vẫn còn nhớ khi nói về Tuyền. Đó là em rất thích vẽ trâu và vẽ rất nhiều. Các chú trâu mà Tuyền vẽ khá giống, nhưng chú trâu nào cũng…gầy. Mọi người cứ nói vui rằng, trâu của Tuyền trông giống như con chó mọc sừng. Mỗi khi nhận được lời nhận xét đó, Tuyền cười cười và bảo lần sau sẽ rút kinh nghiệm, nhưng lần sau, trâu vẫn… không thể béo được.

Ngoài việc tham gia các lớp học vẽ năng khiếu vào các buổi chiều thứ 6 hàng tuần, Tuyền cũng tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức như các liên hoan ca múa nhạc hay các ngày hội. Tại các ngày hội đó, bao giờ các bạn cũng có tranh vẽ để triển lãm và bán. Tranh của Tuyền và các bạn cũng bán được kha khá, phần vì người ta muốn ủng hộ các em, phần vì thấy là lạ. Có bức tranh bán được 5 triệu đồng.

(Theo Tiền Phong)

  len dau trang
 72
Thứ sáu, 24/11/2006, 00:10 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/11/3B9F0A1F/ 

Thế giới vệ sĩ của tổng thống Nga

Tổng thống Nga Putin. Ảnh:
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AP.

Bảo vệ tổng thống Nga là nhiệm của PSB tức Cục An ninh Tổng thống. Hoạt động của PSB lâu nay được bao phủ bởi vầng hào quang của nhiều huyền thoại, khiến cho tổ chức này mang một vẻ hấp dẫn, lãng mạn và có sức thu hút quần chúng

Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên được bảo vệ bởi 12 người có vũ trang. Các chuyến đi của ông có hàng trăm nhân viên bảo vệ canh phòng trong suốt cuộc hành trình. Những khi ấy, đoàn tùy tùng của tổng thống thường bao gồm khoảng 5 - 7 ô tô đặc chủng, được 3 - 4 ô tô của đội tuần tra công lộ hộ tống.

Người mang kính đen

Nhân vật đứng đầu tổ chức bảo vệ Putin là Victor Zolotov, từng là vệ sĩ của Anatoly Sobchak, thị trưởng thành phố St. Petersburg trước đây. Năm 1999, Putin mời Zolotov về phụ trách việc bảo vệ ông.

Zolotov không được lòng một số chính khách vì không thích giới này. Zolotov thường được người ta so sánh với Korzhakov, cựu vệ sĩ của ông Yeltsin kèm theo lời nhận xét: "chuyên nghiệp hơn Korzhakov". Zolotov vốn là một công nhân cơ khí.

Zolotov thường mang kính đen. Nói chung, kính đen là một trong những đồ phụ tùng không thể thiếu trong phục trang của vệ sĩ. Đeo kính đen không có nghĩa là muốn chưng diện một món đồ hợp thời trang. Kính đen nằm trên khuôn mặt của vệ sĩ nhằm che giấu hướng nhìn của họ trước ánh mắt của người khác, khiến người ta không biết chính xác vệ sĩ đang tập trung ánh mắt vào đâu. Thêm vào đó, cặp kính đen còn giúp họ phát hiện được ánh phản chiếu của vũ khí.

Khi Zolotov hộ tống Putin và theo sát từng bước chân của người đứng đầu điện Kremlin, ông ta trông giống như một khối đá lặng câm không cảm xúc. Tuy vậy, có một lần người ta thấy Zolotov dự khán một trận đấu bóng, ngồi sau lưng Putin và tích cực reo hò cổ vũ cho đội bóng mà ông yêu thích.

Những người mặc đồ đen

Putin từng mấy lần bị âm mưu ám sát, nhưng tất cả những lần mưu sát đó đều bị cơ quan an ninh loại trừ thành công. Lần đầu xảy ra vào tháng 2/2000, tại đám tang của Sobchak. Lần thứ hai vào tháng 8/2000, trong thời gian diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Cộng đồng Các quốc gia độc lập ở Yalta. Lần mưu sát thứ ba xảy ra vào năm 2002 trong khi ông thăm Baku.

Đội vệ sĩ của Putin được trang bị loại súng 9 mm “Gyurza”. Khi chưa được lắp đạn, “Gyurza” nặng 995 g, có thể chứa 18 viên đạn. Một trong những ưu thế chính của loại súng này là khả năng bắn xuyên thủng bất cứ loại áo chống đạn nào trong vòng 50 m. Kích thước khá gọn gàng của “Gyurza” cho phép nhóm vệ sĩ dễ dàng sử dụng chúng.

Những người bảo vệ Putin được mệnh danh là “Men in black” (Những người mặc đồ đen). Họ thường đi trên chiếc xe jeep được trang bị những khẩu súng máy AK-74, AKS-74U, cũng như súng bắn tỉa Dragunov. Họ còn được trang bị súng máy RPK, mìn chống tăng tự động, lựu đạn, tên lửa xách tay Osa. Nói chung, với súng ống và đạn dược như thế, họ có khả năng tiêu diệt cả một trung đội.

Người ta đồn rằng đối với các vệ sĩ, Putin là một người dễ lắng nghe. Bất cứ khi nào đội vệ sĩ cảnh báo với ông những mối nguy hiểm có thể xảy ra, ông đều chịu khó nghe theo. Bản thân Putin từng là một sĩ quan tình báo, nên hoàn toàn hiểu được vấn đề. Tình huống mà tất cả vệ sĩ của Putin đều lo ngại nhất là khi ông bắt tay những người tình cờ ông gặp trên đường phố.

Putin có mối quan hệ tốt đẹp với các vệ sĩ của ông. Ông thân mật gọi từng người bằng tên và hiếm khi ra lệnh cho họ phải làm chuyện này chuyện nọ. Đặc điểm này, không phải nhà lãnh đạo Nga nào cũng có.

Ai được làm vệ sĩ cho tổng thống?

Igor S., một nhân viên của PSB, cho biết trở thành vệ sĩ của tổng thống là chuyện không dễ. Có cả một danh sách dài những tiêu chí cần thiết. Chỉ cần không đáp ứng một tiêu chí thôi anh đã bị loại rồi. Anh phải khai báo đầy đủ những nơi anh đã làm việc trước đây, phải có một hình thể hoàn hảo và có những thông số về thể chất nhất định. Ví dụ, không được quá tuổi 35, chiều cao 175 - 190 cm, cân nặng 75 - 90 kg. Kinh nghiệm trong quân ngũ là một điểm quan trọng trong xét chọn. Thế nhưng, điều đó không phải là điều quyết định.

Đội bảo vệ tổng thống không nhận các cựu nhân viên cảnh sát. “Lý do là họ vẫn còn có thói quen bắn chỉ thiên để cảnh cáo và có suy nghĩ bắt giữ tội phạm. Những người làm công việc bảo vệ tổng thống như chúng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện bắt giữ một ai. Chúng tôi cũng không hề làm cái việc bắn chỉ thiên để cảnh cáo. Công việc chính của chúng tôi là bảo vệ tổng thống”, Igor nói.

Ngoài những tiêu chí chung bắt buộc, vệ sĩ của tổng thống cần phải có những đặc điểm chuyên biệt nào hay không? Igor S. cho biết, trước hết, đó là có khả năng tư duy. Về chuyện ăn mặc của các vệ sĩ, PSB có hẳn một xưởng may đặc biệt phục vụ cho việc may trang phục cho vệ sĩ và cho tổng thống.

Dân chúng Nga thường ngưỡng mộ các vệ sĩ bởi họ cho rằng các chàng trai này không hề ngán ngại cái lạnh cắt da và họ cũng chẳng bao giờ đổ mồ hôi. Khi nhiệt độ hạ xuống đến dưới mức không độ, họ vẫn tiếp tục mặc chiếc áo jacket mỏng (để di chuyển thoải mái). Ngoài ra, họ cũng không bao giờ nhỏ một giọt mồ hôi nào trong cái nóng gay gắt.

Theo một số nguồn tin, các chàng vệ sĩ tổng thống có khả năng duy trì được sự ổn định của cơ thể là nhờ được bổ sung những chất đặc biệt. Những chất này làm tăng khả năng về thị giác, thính giác và khứu giác của họ. Một điều thú vị ít ai ngờ là các vệ sĩ được phép hút thuốc. Đơn giản là nó làm giảm căng thẳng. Công tác bảo vệ tổng thống là một nghề hao tâm tổn trí, nhanh chóng làm họ kiệt sức. Đó là lý do vì sao các vệ sĩ của tổng thống Nga thường “gác kiếm” ở tuổi 35.

(Theo Người Lao Động)

  len dau trang
 71
Thứ sáu, 24/11/2006, 09:33 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F0B85/

'Vành đai thép' bảo vệ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào

ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và các nhân viên an ninh. Ảnh: CAND.

Nhân viên an ninh Trung Quốc tháp tùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào khoảng 40 người. Họ hay nói, cười nhưng tác phong rất chuyên nghiệp. Xung quanh ông Hồ Cẩm Đào luôn có một khoảng cách cố định với những người xung quanh.

Nhân viên an ninh Trung Quốc rà soát toàn bộ khách sạn để chuẩn bị chu đáo cho việc đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Họ chú ý từng điểm dừng xe, từng hành lang dành cho vị khách đặc biệt, từng điểm cao xung quanh khách sạn. Nhà bếp, thang máy, giường đệm, lọ hoa, tủ... cũng được cơ quan an ninh Trung Quốc xem xét tỷ mỉ.

Hơn 1/3 quân số của Đội an ninh Trung Quốc nói tiếng Việt như người Việt Nam. Họ chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu nhanh chóng, chính xác. Xung quanh "vị khách đặc biệt" này lúc nào cũng có một khoảng cách cố định với những người khác. Với gần 20 lần đi về khách sạn trong dịp APEC, các hành lang an toàn luôn được thiết lập ít nhất trước 20 phút khi vị lãnh đạo Trung Quốc đi qua.

Không như các vị lãnh đạo khác hay đi lại theo lộ trình rất bất ngờ, lộ trình của ông Hồ Cẩm Đào không thay đổi. Nhân viên an ninh tháp tùng người đứng đầu đất nước Trung Hoa này từ đại sảnh qua thang máy lên tầng 17 vào phòng của ông Hồ Cầm Đào trong các lần đi về.

Những lúc này, Trưởng phòng An ninh khách sạn Nguyễn Khắc Lợi cùng các nhân viên khác của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và nhân viên an ninh Trung Quốc đi sát ông Hồ Cẩm Đào. Ông Lợi vừa phân công các vị trí cho nhân viên dưới quyền vừa quan sát xem có hành vi bất thường nào của những người xung quanh.

Việc nấu ăn cho ông Hồ Cẩm Đào và những người trong đoàn cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Thực phẩm, đầu bếp, xoong, nồi... đều được mang từ Trung Quốc. Các công tác hóa nghiệm cũng được cơ quan an ninh Việt Nam, Trung Quốc và các chuyên gia của Bộ Y tế kiểm tra tỷ mỉ. Nhà bếp của ông Hồ Cẩm Đào được thiết lập trong nhà hàng Trung Quốc của khách sạn.

Từ tối 16 đến ngày 19/11, trên tầng 17 của khách sạn, cơ quan an ninh Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc đã phối hợp với nhau hết sức nhuần nhuyễn. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, cách bảo vệ lãnh đạo của an ninh Trung Quốc hết sức thanh lịch, nhẹ nhàng, không phô trương nhưng tinh tế, tỷ mỉ, khoa học và hiệu quả.

Trong quá trình Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở tại Daewoo, nhiều vị lãnh đạo khác như Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật... đã đến hội đàm. Lực lượng an ninh các đoàn lại phải "hội quân" khi cùng bảo vệ. Những lúc các vị lãnh đạo hội đàm, an ninh các nước "vòng trong vòng ngoài" lập những bức tường thép bất khả xâm phạm.

(Theo Công An Nhân Dân)

  len dau trang
70
Thứ năm, 23/11/2006, 15:14 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F0B47/ 

Thủ tướng Singapore đi máy bay giá rẻ

Máy bay đón Thủ tướng Singapore tại Nội Bài. Ảnh: V.T.

Sang VN tham dự APEC bằng Singapore Airlines, khi trở về Thủ tướng Lý Hiển Long chọn hãng Tiger Airways. Chi phí cho chuyến bay về đảo quốc sư tử của ông và 10 tùy tùng khác chỉ vỏn vẹn 12 triệu đồng.

Trưởng đại diện Tiger Airways tại VN Tạ Việt Tiến cho hay, ông Lý đi chuyến bay Hà Nội - Singapore lúc 20h40 ngày 19/11. Giá vé là 108,25 đôla Singapore (gần 1,1 triệu đồng). Chuyến bay có 91 khách và mọi người không được thông báo có VIP đi cùng, ai lên trước nhận chỗ trước như thường lệ. Phụ tá của ông Lý lên trước và nhận luôn cả chỗ cho ông, khi tất cả mọi người ổn định chỗ ngồi, máy bay được di chuyển ra nhà khách VIP A để đón ông Lý.

Ông Lý rất cởi mở, lên máy bay ông chụp ảnh chung với phi hành đoàn và các tiếp viên. Đoàn của ông không ồn ào nên khách ngồi xa không để ý, cũng không ai biết trên chuyến bay có Thủ tướng Singapore. Tuy là nguyên thủ của một nước, ông Lý và phụ tá muốn ăn uống đều phải mua đồ như hành khách khác trên chuyến bay.

Chính phủ Singapore không có chuyên cơ riêng, thành viên nội các đi lại đều sử dụng máy bay thương mại. Tiger Airways là hãng hàng không giá rẻ còn Singapore Airlines được xếp hạng 5 sao trên thế giới, giá vé cao gấp 5-6 lần so với hàng không giá rẻ trên cùng hành trình bay.

V.P.

  len dau trang
 69
Thứ tư, 22/11/2006, 16:15 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Oto-Xe-may/2006/11/3B9F0ABC/ 

Bên lề chuyện xe cộ của lãnh đạo APEC

Đoàn xe chở tổng thống Mỹ đi đâu cũng có tới hai chiếc xe chuyên dụng Cadillac One khiến người ta không biết ông Bush ngồi trong xe nào, còn khách sạn Hilton phải làm đường riêng để có thể đưa xe của thổng thống Nga vào trong hầm.

Chuyện đi lại của tổng thống George Bush đương nhiên là được quan tâm nhất bởi vì ngoài một đoàn xe hộ tống nhập từ Mỹ còn có cả một chiếc trực thăng Marine One sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp. Tính từ lúc đặt chân xuống sân bay Nội Bài, mỗi khi tổng thống Bush di chuyển luôn có hai chiếc xe Cadillac One, vốn được chế tạo riêng phục vụ cho nguyên thủ Mỹ, giống hệt nhau và cùng đeo biển 800-002 Washington D.C cùng chạy trong đoàn. Vì vậy, người ngoài không thể biết ông Bush đang ngồi trong chiếc xe nào.

Chiếc Cadillac One chở tổng thống Mỹ rời khách sạn Sheraton.
Chiếc Cadillac One chở tổng thống Mỹ rời khách sạn Sheraton. Ảnh: AP.

Ngoài xe môtô cảnh sát đi mở đường và xe hộ tống của nước chủ nhà APEC, phía trước hai chiếc xe Cadillac One kể trên luôn hiện diện một chiếc Chevrolet Suburban, dạng xe SUV cỡ lớn, còn đằng sau luôn có một chiếc xe pick-up hiệu Ford đóng thùng đen xì, được cho chuyên chở theo các trang thiết bị hiện đại nhằm giữ liên lạc với nước Mỹ.

*Kiểm tra an ninh xe APEC
*Ford Expedition - xe cho APEC 2006
*E-class - xe cho lãnh đạo APEC
Ngoài những tính năng bảo vệ cao cấp mà người ta đã được nghe nhiều, Cadillac One có một đặc điểm bên ngoài rất thú vị mà ít người để ý là tay nắm cửa. Với các xe hiện đại, tay nắm được thiết kế âm vào cửa xe nhưng pháo đài di động này lại có tay nắm dạng quai cầm, nhằm giúp các vệ sĩ có thể bám vào đó và chạy theo xe trong một vài tình huống khẩn cấp.

Thông thường, khi dừng lại, quan sát thấy an toàn, chiếc xe thùng hộ tống phía sau mới điều khiển để mở cửa xe Cadillac One và phải đích thân vệ sĩ ra mở cho tổng thống. Do không có sự thống nhất giữa nhóm bảo vệ tổng thống Mỹ với phía đón tiếp nên đã xảy ra sự cố nhỏ: Khi ông Bush đến dự hội nghị cấp cao APEC, một nhân viên lễ tân chạy ra định mở cửa, khiến còi báo động của xe hú ầm ĩ khu trung tâm hội nghị quốc tế.

Lần tham dự hội nghị cấp cao cũng là dịp duy nhất mà người ta chỉ thấy xuất hiện một chiếc Cadillac One. Cũng như xe của tất cả lãnh đạo các nền kinh tế khác tới dự hội nghị cấp cao, nó được dẫn đường bởi một chiếc Ford Mondeo 2.5 sản xuất trong nước và đi kèm bên cạnh là một chiếc Ford Expedition nhập khẩu.

Ảnh người thương binh với chiếc xe 3 bánh chở các tấm sắt làm đường cho xe của tổng thống Nga.
Ảnh người thương binh với chiếc xe 3 bánh chở các tấm sắt làm đường cho xe của tổng thống Nga. Ảnh: S.K.

Hầu hết lãnh đạo các nền kinh tế khác đi lại bằng xe E280 do Mercedes-Benz Việt Nam sản xuất. Riêng chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và tổng thống Nga Putin cũng đi xe Mercedes nhưng là loại S-class 3 khoang. Do thân xe dài và gầm thấp, chiếc xe của ông Putin sẽ chạm vào phần cản giảm tốc độ ngay ở lối vào hầm xe khách sạn Hilton. Vì thế khách sạn đã thiết kế thêm một đường bằng sắt dài 4,5 m và rộng 3,5 m để làm phẳng đoạn đường này, giúp cho chiếc xe có thể đi vào một cách dễ dàng.

Người ta đã sử dụng 4 thanh ray bằng sắt đặt trên mặt đường hầm, cách nhau 80 cm, bên trên đó đặt 4 tấm sắt chồng lên nhau, mỗi tấm dày 12 mm, để có thể chịu được trọng lượng nặng 4 tấn. Điều thú vị ở chỗ người chở các tấm sắt này là một thương binh với chiếc xe 3 bánh cũ kỹ. Một người mang trên mình những vết thương do bom đạn của chiến tranh góp phần xây dựng một hình ảnh Việt Nam hiếu khách và chu đáo, có lẽ đó là một hình ảnh đẹp cho APEC 14.

Thế Phong - Hoàng Linh

  len dau trang
68
Thứ tư, 22/11/2006, 03:09 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F0A1B/

An ninh sân bay kỳ APEC kín như bưng

Hiếm khi sân bay Nội Bài tràn ngập máy bay của các nhân vật thuộc hàng yếu nhân như trong thời gian diễn ra APEC. An ninh được thắt chặt tối đa. Để đảm bảo không "làm mất lòng" quan khách, nước chủ nhà Việt Nam điều phối máy bay và vị trí đỗ theo vần A, B, C theo đúng nguyên tắc của APEC.
> Phòng ở của lãnh đạo APEC 2006 / Chuyện ăn uống của lãnh đạo APEC

Theo thống kê của Cụm cảng Hàng không miền Bắc, có tất cả 14 chuyên cơ của lãnh đạo các nền kinh tế APEC đến Hà Nội trong tuần lễ diễn ra Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14. Thêm 6 chuyên khoang khác, tức máy bay thương mại có khoang dành cho khách VIP, đậu tại sân bay Nội Bài bên cạnh hàng loạt máy bay riêng của các ông chủ tập đoàn kinh tế trong khu vực.

Phái đoàn của Tổng thống Bush đến VN mang theo nhiều máy bay nhất với 4 chiếc. Trong đó, 1 chuyên cơ B747-200B chở vợ chồng Tổng thống, 4 chiếc kia dành cho tùy tùng, dự bị và chuyên chở phóng viên đi theo đoàn. Đông thứ hai là Nga với 3 chiếc chuyên cơ, trong đó 1 dành riêng cho Tổng thống Vladimir Putin. Nhật Bản cũng đến Hà Nội với 3 chiếc máy bay dành cho lãnh đạo và các nhà doanh nghiệp.

Chiếc Air Force One đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất luôn có đội ngũ nhân viên an ninh canh giữ, không cho người lạ đến gần. Ảnh: P.A. 

Ngày 17/11 được coi là ngày sân bay Nội Bài làm việc bận rộn nhất với sự có mặt của 17 máy bay gồm 8 chuyên cơ, 2 chiếc hỗ trợ và 7 chiếc chở theo đặc phái viên, tùy tùng, nhân viên an ninh và các phóng viên nước ngoài đến Hà Nội đưa tin về APEC.

Mỹ bao giờ cũng là nước có đòi hỏi số 1 về vị trí đỗ, vấn đề an ninh, số lượng nhân viên tiếp cận đoàn. Thậm chí khi đặt chân đến sân bay hôm 17/11, đoàn tùy tùng còn yêu cầu sơ tán 3 máy bay VN đã đậu ở gần đó trước khi hạ cánh xuống nhằm đảm bảo an toàn cho Tổng thống và phu nhân.

Tất cả các chuyên cơ đều được bố trí đậu ở trước cửa nhà khách VIP (nhà A) của sân bay Nội Bài. Để tránh chồng chéo nhau, các chuyên cơ được bố trí chỗ đậu theo giờ cất, hạ cánh. Nếu các chuyến bay đến cùng một giờ thì vị trí đậu được bố trí theo vần A, B, C theo đúng quy định của APEC.

Tại đây, Cụm cảng hàng không thiết kế 3 vị trí đỗ trang trọng đón các nhà lãnh đạo. Sau nghi lễ đón tiếp tại sân bay, các nhà lãnh đạo cấp cao của 20 nền kinh tế APEC lên ôtô về thẳng Hà Nội, đoàn tùy tùng ở lại làm thủ tục xuất nhập cảnh, hành lý, hàng hóa.

Dùng cảnh khuyển kiểm bom

Suốt 2 tuần liên tiếp, an ninh sân bay Nội Bài được "lên dây cót" với hàng rào khép kín, các hào nước, cống ngầm được gia cố chống đột nhập từ bên ngoài. Lực lượng tuần tra quanh hàng rào và các khu vực trọng yếu trực 24/24h. 500 nhân viên đã được huy động có nhiệm vụ bảo vệ ở các vị trí trọng yếu, ra vào sân bay, tháp tùng các đoàn đến và đi.

Lúc Tổng thống Bush tham quan Trung tâm chứng khoán TP HCM, 2 nhân viên an ninh trúc trực trên mái nhà ôm những ống nhòm to quan sát các hướng. Ảnh: P.A.

Để được vào đón Tổng thống Bush tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, tối 19/11, các phóng viên phải trải qua 5 vòng kiểm tra an ninh gắt gao. Mặc dù trước đó mấy ngày, mỗi phóng viên có nhiệm vụ đi đón đoàn tổng thống đều đã được Cục Tư lệnh cảnh vệ thành phố cấp thẻ đặc biệt với ký hiệu riêng để vào sân bay, nhưng khi qua cửa an ninh sảnh sân bay đều được phát thêm một thẻ khác có biểu tượng của Nhà Trắng (White House). Có thẻ Nhà Trắng cấp, các nhân viên an ninh Mỹ mới cho phép vào khu vực đường băng.

Thế nhưng người Mỹ vẫn chưa thực sự an tâm. Tại khu vực tập kết của phóng viên trên đường băng, cách vị trí mà chiếc Air Force One của Tổng thống Bush sẽ hạ cánh 45 m, an ninh Mỹ yêu cầu tập trung tất cả túi xách lại một chỗ. Trong khi mỗi người có mặt phải trải qua máy kiểm tra người bởi hai nhân viên an ninh của Mỹ, thì những chiếc túi xách được mở ra. Hai cảnh khuyển xuất hiện dí mõm vào từng chiếc túi để đánh hơi chất nổ.

Vẫn chưa xong, các phóng viên được yêu cầu giơ máy ảnh, máy quay phim ra cho nhân viên an ninh Mỹ kiểm tra cẩn thận xem có đúng là những dụng cụ hành nghề không. Tuyệt đối cấm chụp hình cảnh đang kiểm tra, nếu không phóng viên sẽ bị tịch thu máy ảnh. Sau tất cả các công đoạn, phóng viên mới được tiếp cận đường dây piste đã chăng sẵn để chĩa ống kính về nơi chuyên cơ tổng thống sẽ đậu.  

Trong khi người Mỹ kiểm soát an ninh gắt gao thì khâu kiểm tra để chuẩn bị đón Thủ tướng Australia John Howard lại dễ chịu hơn một chút. Cũng trải qua các khâu an ninh cần thiết, nhưng ít nhất khi các phóng viên ra đường băng đón Thủ tướng không phải trải qua những cuộc kiểm tra khác, trong đó có "cửa" của các chú khuyển.

Cẩn trọng là thế, các nhân viên an ninh nước ngoài khuôn mặt lạnh tanh nhưng luôn miệng cám ơn, xin lỗi. Thậm chí lúc gặp lại phóng viên VnExpress ở Trung tâm chứng khoán TP HCM khi Tổng thống Bush thăm nơi này, nhân viên an ninh tên là Jack của Mỹ còn gật đầu chào hỏi vui vẻ.  

Ấn tượng bởi các hoạt động kiểm tra an ninh, nhiều nhân viên phục vụ ở sân bay càng ngạc nhiên trước thái độ cởi mở của các vị lãnh đạo APEC khi đặt chân xuống Nội Bài. "Tôi thực sự rất ấn tượng với cử chỉ vẫy tay chào VN của các vị lãnh đạo, đặc biệt là Tổng thống Bush, bởi các quan chức do vấn đề an ninh đều đến và đi rất vội vã", anh Trần Đức Trung, người có nhiệm vụ điều phối máy bay của Cụm cảng Hàng không miền Bắc, cho biết.

Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ có tên là Air Force One. Đây là loại máy bay được nâng cấp đặc biệt về nội thất trên cơ sở Boeing 747-200B. Máy bay có 3 tầng gồm tầng dưới đựng hành lý, vật tư, thiết bị, hàng hóa; tầng giữa chở khách; tầng trên cùng là khoang lái của các phi công. Air Force One có mặt bằng nội thất rộng 371,6 m2 có cửa tiếp nhận xăng dầu trên không và có thể tự điều chỉnh để thích nghi với tất cả các loại sân bay thông thường trên thế giới.

Trong khoang máy bay bố trí nhiều phòng như hội nghị, phòng ăn, phòng ở cho Tổng thống và Đệ nhất phu nhân, khu vực phòng ở và làm việc dành cho các quan chức cao cấp tháp tùng. Chuyên cơ còn có khu vực dành riêng cho các phụ tá, các phóng viên đi theo đoàn và thành viên phi hành đoàn.

Phan Anh - Minh Khuyên

  len dau trang
@@
Chủ nhật, 26/11/2006, 10:36 GMT+7
 www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F0C63/ 

Năm 2006 'được mùa' trong lĩnh vực đối ngoại

Đó là nhận định của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 25 khai mạc ngày 25/11 tại Hà Nội. Tổng bí thư đánh giá cao ngành ngoại giao vì những đóng góp vào thành tựu đổi mới và hội nhập chung của đất nước; và yêu cầu cần “năng động và sáng tạo hơn nữa trong hoạt động đối ngoại”.

Ông Nông Đức Mạnh chỉ đạo Bộ Ngoại giao nâng cao tính chủ động, tham mưu giải quyết các vấn đề đối ngoại cụ thể, đề xuất các chủ trương trong chính sách đối ngoại của VN. Cơ quan này phải phân tích toàn diện và sâu sắc hơn tình hình quốc tế và nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đánh giá: "Chưa bao giờ quan hệ quốc tế của nước ta được mở rộng như ngày nay”. Đó là điều kiện quốc tế thuận lợi để tập trung mọi nguồn lực vào chấn hưng đất nước.

Những năm qua, ngoại giao phục vụ kinh tế đã trở thành một trong những công tác trọng tâm, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng thu hút đầu tư (FDI), viện trợ phát triển (ODA), thúc đẩy du lịch, xuất khẩu lao động. Việc này giúp VN chủ động và tích cực hội nhập vào kinh tế thế giới và khu vực. Sau khi gia nhập WTO, các hoạt động phục vụ kinh tế của ngành ngoại giao sẽ càng được chú trọng, phát huy.

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đề ra 7 nhiệm vụ lớn của ngành ngoại giao. Trong đó có việc tiếp tục củng cố xây dựng khuôn khổ quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước, nhất là láng giềng khu vực, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác; chú trọng hơn nữa công tác ngoại giao phục vụ kinh tế. Ngành ngoại giao cần đẩy mạnh hoàn thành việc phân giới, cắm mốc với Trung Quốc và Campuchia theo mục tiêu đã đề ra (2008). Tăng cường vai trò của VN trên các diễn đàn đa phương ở khu vực và trên thế giới. Tích cực hướng tới mục tiêu ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khóa 2008-2009, nâng cao hơn nữa vai trò của VN trong ASEAN.

Hội nghị ngoại giao lần 25 có sự góp mặt của hơn 400 đại biểu gồm các đại sứ, tổng lãnh sự, đại biện các cơ quan đại diện VN tại nước ngoài... Hội nghị diễn ra đến 28/11.

(Theo Tuổi Trẻ)

  len dau trang
@@
Thứ bảy, 2/12/2006, 08:19 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : http://vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/12/3B9F0B19/ 

Bill Clinton sẽ đến Việt Nam 

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, Chủ tịch Quỹ nhân đạo mang tên ông, sẽ thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 6/12 nhằm tăng cường hợp tác theo chương trình Sáng kiến Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS (CHAI).

Tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt tay những người dân Việt Nam, trên một tòa nhà ở con phố đối diện Văn Miếu, ngày 17/11/2000. Ảnh: AP.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong thời gian ở thăm Việt Nam, ông Clinton sẽ được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp.

Ông Clinton sẽ cùng Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến ký Thư Thỏa thuận giữa Quỹ Clinton về Sáng kiến Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS và Bộ Y tế Việt Nam về việc cung cấp bổ sung thuốc với mục tiêu đáp ứng nhu cầu điều trị cho tất cả trẻ em Việt Nam đang bị nhiễm HIV/AIDS

Ông Clinton cũng sẽ tọa đàm với sinh viên Việt Nam về vấn đề phòng chống HIV/AIDS.

Cựu tổng thống Clinton trong chuyến thăm Ấn Độ, ngày 1/12.
Cựu tổng thống Clinton trong chuyến thăm Ấn Độ, ngày 1/12.

Theo Văn phòng đại diện CHAI tại Hà Nội, Cựu Tổng thống Clinton rất vui mừng được thăm lại Việt Nam. Ông có ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam năm 2000 và trông đợi được chứng kiến những phát triển tích cực tại Việt Nam. 

Quỹ Clinton đã đặt quan hệ với Việt Nam vào tháng 12/2005 bằng việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Quỹ với Bộ Y tế Việt Nam trong việc trợ giúp Việt Nam kiểm soát HIV/AIDS. Từ tháng 7, quỹ đã chính thức mở Văn phòng dự án tại Việt Nam.

Bill Clinton đang có chuyến thăm một loạt các nước châu Á. Ông đã ký thỏa thuận hỗ trợ điều trị HIV/AIDS cho trẻ em tại Ấn Độ. Dự kiến ông cũng sẽ tới Campuchia vì mục đích này.

(Theo TTXVN, AFP)

    CLINTON 2006 TAI VN
  len dau trang
@@
Thứ năm, 23/11/2006, 11:40 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F0AC4/ 

Sẽ chất vấn 3 tân bộ trưởng về quyết sách mới

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: P.V.

"Sau sự kiện gia nhập WTO và thành công của APEC, vị thế đất nước đang lên, nhưng cuộc sống đời thường vẫn còn nhiều vấn đề. Tại kỳ họp này, tôi sẽ chất vấn 3 tân bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Tài chính về quản lý vốn và nhà công vụ", đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Ngoạn trao đổi với VnExpress.
Danh sách dự kiến trả lời chất vấn tại Quốc hội

- Trong danh sách trả lời chất vấn tại kỳ họp này, ông quan tâm đến vị bộ trưởng nào?

- Theo văn bản của Ủy ban Thường vụ gửi các đại biểu thì tại kỳ họp này Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao và 6 bộ trưởng sẽ đăng đàn. Trong đó, tôi quan tâm đặc biệt đến 3 vị tân bộ trưởng là Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng.

Nhiều năm nay, những bộ trên có nhiều bất cập gây bức xúc dư luận, tôi muốn hỏi xem những vị "tư lệnh" mới có quyết sách gì để giải quyết những vấn đề mà người tiền nhiệm để lại. Người dân kỳ vọng tân quan sẽ có những quyết sách mới.

- Vậy ông dự kiến dành những câu hỏi nào cho các vị tân bộ trưởng?

- Tôi đã chuẩn bị sẵn một số câu hỏi. Nếu có cơ hội, tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Giao thông là có biện pháp gì để giảm số vụ tai nạn giao thông. Cơ quan chức năng không thể quy kết toàn bộ do ý thức của người dân khi mà chất lượng đường còn kém, biển báo còn bất cập. Tân bộ trưởng phải đưa ra biện pháp, lộ trình cụ thể và nêu rõ, nếu không giảm được tai nạn giao thông thì bộ trưởng chịu trách nhiệm trước dân như thế nào.

Riêng Bộ trưởng Tài chính, tôi sẽ chất vấn về vấn đề quản lý vốn, đặc biệt là vốn ODA. Tại những kỳ họp trước, cả Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư và Bộ trưởng Tài chính đều đổ trách nhiệm cho nhau, sau đó đều thừa nhận là không quản lý được. Tôi đã tiếp xúc với cử tri và người ta yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm. Rồi vấn đề quản lý nhà công đang gây bức xúc dư luận, bộ trưởng có biện pháp gì để giải quyết.  

Vừa qua, tôi không hài lòng lắm với buổi thảo luận về chất lượng giáo viên tại Quốc hội. Tôi cho rằng giáo viên hiện nay chỉ có một bộ phận tiêu cực. Vấn đề người dân quan tâm hiện nay là quan điểm chính sách, tổ chức giáo dục như thế nào để nâng chất lượng giáo dục và hạn chế những tiêu cực. Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về vấn đề này.

- Ba vị bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ được vài tháng. Ông nghĩ gì nếu người ta cho rằng, không nên đòi hỏi họ phải cam kết giải quyết ngay những vấn đề tồn tại lâu năm trong ngành?

- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã từng nhiều năm làm trong ngành Tài chính. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng từng là lãnh đạo một đại học danh tiếng ở TP HCM. Còn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng từng là lãnh đạo cao nhất của một tỉnh. Họ đều có chuyên môn về lĩnh vực mà mình đang đảm nhiệm. Cử tri muốn biết họ có những quyết sách gì để giải quyết những bất cập trong ngành.

- Là đại biểu thường xuyên có những câu chất vấn hóc búa tại nghị trường, ông đánh giá thế nào về cách trả lời chất vấn của các bộ trưởng trong những kỳ họp gần đây?

- Có một điều tôi thấy không hài lòng lắm về cơ chế trả lời chất vấn. Đã đến lúc không thể trả lời "vo", trả lời theo kiểu chung chung mà phải đi vào trách nhiệm cá nhân. Tôi đề nghị Quốc hội ra một quy chế về trả lời chất vấn để đảm bảo trả lời phải có giải pháp, hướng giải quyết cụ thể. Bộ trưởng có giải quyết được hay không cũng phải trả lờ rõ cho cử tri biết. Nếu không ai cũng nói là sẽ xem xét, giải quyết nhưng không biết đến bao giờ.

- Nhưng thưa ông, cũng có ý kiến ngược lại rằng việc các bộ trưởng né tránh, không đưa ra cam kết là do đại biểu đặt câu hỏi chưa "trúng" và chưa truy vấn đến cùng?

- Người chất vấn nên hỏi câu thứ hai rằng bộ trưởng có đồng tình với vấn đề này không, có làm được không. Nếu bộ trưởng trả lời công khai quan điểm, dân biết và ghi lại. Quốc hội cũng có trách nhiệm giám sát cam kết của bộ trưởng. Giữa nhiệm kỳ hoặc những tháng sau đó, bộ trưởng phải trả lời Quốc hội. Như thế thì mới có áp lực. Người chất vấn, Quốc hội và dân là một.

Đại biểu Lê Văn Cuông: Các bộ trưởng trả lời chất vấn đừng để cho cử tri hẫng hụt khi cứ nói này kia nhưng kết thúc thì chẳng đi đến đâu. Tôi đã từng đề nghị, sau mỗi kỳ chất vấn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cho đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm đối với những thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Nếu không là "hoà cả làng", người trả lời tốt cũng không được động viên và người trả lời thiếu trách nhiệm cũng không bị ảnh hưởng.

Trên cơ sở kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, Bộ Chính trị, Chính phủ cũng biết được mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên của Chính phủ.

Việt Anh thực hiện

  len dau trang
@@
Thứ ba, 21/11/2006, 16:30 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F09DA/ 

Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn tại Quốc hội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Theo danh sách dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này. 6 bộ trưởng và Chánh án TAND tối cao cũng sẽ đăng đàn Quốc hội.

Danh sách dự kiến trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này gồm: 
 - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 
 - Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực,
 - Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, 
 - Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân
 - Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh
 - Bộ trưởng NN& PTNT Cao Đức Phát, 
 - Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng
 - Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện.

Trong danh sách trên, có 3 vị bộ trưởng vừa được Quốc hội phê chuẩn tháng 6 vừa qua là các ông Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh, Hồ Nghĩa Dũng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành 3 ngày cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn là 24, 25 và 27/11. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn vào ngày 27/11.

Tại phiên họp trù bị trước kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trước phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ phải có báo cáo về kết quả thực hiện trả lời chất vấn lần trước. Người trả lời cần đi thẳng vào vấn đề và có hướng tiếp thu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thời gian qua từng bước được cải thiện. Nhiều đại biểu đã tích cực tham gia chất vấn, một số cán bộ trả lời đi thẳng vào vấn đề, nhận trách nhiệm.

Việt Anh

  len dau trang
@@
Thứ bảy, 25/11/2006, 11:32 GMT+7
 www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2006/11/3B9F0C43/ 

'Ông bà Smith' ghé thăm Trại mồ côi Tam Bình

Lúc 11h ngày 24/11, cặp "sao" Brad Pitt và Angelina Jolie bất ngờ tới thăm trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi Tam Bình (273 Quốc lộ 1, Bình Chiểu, Thủ Đức, TP HCM). Họ đến bằng ôtô của khách sạn Park Hyatt.
> 'Một ngày tuyệt vời' của Brangelina/ Ảnh Brad Pitt và Angelina Jolie tại VN

"Ông bà Smith" ăn mặc giản dị, vào thăm trung tâm như những vị khách bình thường. Không một nhân viên nào nhận ra họ là các siêu sao Hollywood.

Brad Pitt và Angelina Jolie rất thân thiện thăm hỏi các trẻ em bị dị tật. Trên gương mặt họ biểu lộ sự xúc động, thương cảm trước hoàn cảnh bất hạnh của các em. Sau đó, cặp minh tinh, tài tử trao quà, bánh kẹo mang theo cho trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây.

Brad Pitt và Angelina Jolie trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Reuters.
Brad Pitt và Angelina Jolie trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Reuters.

Lúc Brad và Angelina đến, tại trung tâm Tam Bình đang diễn ra Lễ tổng kết hội thi tay nghề, mọi người chuẩn bị ăn cơm trưa. Với lòng hiếu khách, ông giám đốc Nguyễn Văn Trung mời hai vị khách ở lại dùng bữa. Đôi tình nhân vui vẻ nhận lời, và cùng toàn bộ nhân viên ở đây thưởng thức các món bình dân ngay tại nhà ăn.

Trong khi ăn trưa, Brangelina tâm sự rằng do chuyến đi đột xuất, họ không chuẩn bị được nhiều quà và hứa sẽ ghé thăm lần nữa. Đúng 13h, hai người rời trung tâm.

Một nhân viên ở đây cho biết, sau khi đoàn khách rời đi, người ở trung tâm đọc báo mới biết mình vừa được tiếp đón Brad Pitt và Angelina Jolie - hai ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới, cặp tình nhân quyến rũ nhất Hollywood - trong chuyến thăm Việt Nam 3 ngày của họ.

Đỗ Duy

  len dau trang


bosung: 17.01.2007 23:15