Kỷ niệm tuổi hai mươi bằng một công trình mang tính
quốc gia, ít ai có thể ngờ chàng trai mảnh khảnh có
nụ cười rất hiền kia lại là người trực tiếp xây
dựng website chính thức của APEC 2006 (www.apec2006.vn).
"Kiến trúc sư trưởng" của
hệ thống thông tin đồ sộ này chính là Phạm Trung
Dũng, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công ty phần mềm và
truyền thông OTC.
Khiêm tốn và chững chạc hơn nhiều so
với bạn cùng trang lứa, niềm đam mê phần mềm web
đã được Dũng "hiện thực hóa" bằng một
website về game từ năm 15 tuổi. Chỉ một năm sau,
cậu học trò lớp 11 ấy đã biết cách kiếm tiền
từ sản phẩm của mình bằng việc thiết kế website
cho một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tử và
một số trường PTTH tại Hà Nội. Đó chính là dấu
mốc quan trọng cho định hướng tương lai của Dũng:
ngành công nghệ thông tin.
Website APEC
Trang web chính thức của APEC VN 2006
"đón" người xem không phải bằng những hình
ảnh rối mắt mà bằng tông màu khá lạ: chữ cam và
đồng rêu rất ấn tượng. Điểm nhấn của giao
diện là tập ảnh lần lượt "trình diễn"
để giới thiệu về VN...
Ngày
25-1, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về APEC
2006 và trang web chính thức của APEC Việt Nam
2006 tại địa chỉ www.apec2006.vn đã
ra mắt trước sự chứng kiến của các cơ
quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc
tế, đại diện các nền kinh tế APEC đang có
mặt tại Việt Nam.
"Lõi" của website APEC 2006 là
một cổng thông tin đồ sộ được Dũng phát triển
từ nhiều tháng trước khi Công ty OTC được chỉ định
là đơn vị xây dựng website này. "Tính ổn định,
đa chức năng tương tự như một tòa soạn điện
tử cỡ lớn, phân quyền quản trị chặt chẽ,
thiết kế hài hòa và nghiêm túc là những nét khái
quát nhất về website của APEC 2006", Dũng cho
biết.
"Nhận thức được đây là một
sản phẩm hết sức đặc biệt, nên nhóm tụi mình làm
việc hăng say lắm, nhiều hôm đến 4-5 giờ sáng,
nhất là giai đoạn trước khi bàn giao", chàng
"kiến trúc sư trưởng" này nói thêm.
Ngoài trang web APEC 2006, tính đến nay, Dũng
đã trực tiếp và tham gia xây dựng cả trăm website,
tuy nhiên, chàng trai trẻ này không hề nghĩ mình là
người thành công. "Riêng về công nghệ thông
tin, cái quan trọng nhất là đam mê. Ngay cả khi không
có năng khiếu, thì niềm đam mê cộng với kiên trì
giúp ích rất nhiều. Chính đam mê thúc giục người
ta tự học, tự vươn lên; giúp người ta trau dồi
kiến thức và làm việc 16 - 20 tiếng một ngày, mà
không cần trường lớp nào buộc người ta phải như
thế", Dũng bộc bạch.
Mong muốn của Dũng là lập một hệ
thống thông tin điện tử kết hợp cung ứng dịch
vụ, tiện ích qua web như: quảng cáo, tải nhạc chuông,
hình ảnh... nhưng theo một phương hướng mới.
"Rất nhiều lợi ích từ phần mềm web mà ngày
nay chưa hề được triển khai, hoặc chưa được khai
thác tốt tại Việt Nam. Mình đã ấp ủ mong muốn đó,
đang thực hiện, và hy vọng có thể giới thiệu
sản phẩm ấy trong năm nay", Dũng "bật mí".
“Ngày hội SV chào mừng APEC 14”
tại TP.HCM: ĐH Ngân hàng đoạt giải nhất
TT - Chiều 19-11, tại vòng chung kết
cuộc thi “Ngày hội SV VN chào mừng hội nghị cao
cấp APEC VN 2006” do Hội SV TP.HCM tổ chức, ĐH Ngân
hàng đã giành giải nhất, đội ĐH Giao thông vận
tải giải nhì và Cao đẳng Kinh tế đối ngoại
giải ba.
Các đội đã tranh tài qua bốn phần
thi về các kiến thức xoay quanh hoạt động hợp tác
thương mại, dịch vụ đa phương và song phương,
tiềm lực kinh tế, các ngành nghề truyền thống và
mũi nhọn của các nền kinh tế APEC...
Cuộc thi bắt đầu từ ngày 1-11 với
tổng số chín trận đấu, thu hút 18 trường ĐH, cao
đẳng trên địa bàn TP.HCM tham gia.
6 bánh lốp của chiếc máy bay Air
Force One chở Tổng thống Mỹ George Bush công du châu
Á đã xì hết hơi, sau khi hạ cánh xuống thành
phố Hồ Chí Minh đêm 19/11.
> Chuyên
cơ của Tổng thống Mỹ
Chiếc máy bay Air Force One của
Tổng thống Mỹ George Bush. Ảnh: Boeing.com.
Giới chức Nhà Trắng hôm nay cho
biết trục trặc tại hệ thống phanh tự động
đã sinh ra một nhiệt độ đủ để kích hoạt
chức năng an toàn là thổi bay các van của chiếc
lốp máy bay. Chức năng đặc biệt trên được
thiết kế để tự động ứng dụng trong trường
hợp khẩn cấp nhằm tránh tình trạng lốp bị
nổ tung. Trong sự cố đêm 19/9 có tổng cộng sáu
chiếc lốp tự động thổi bay van và bị xịt.
"Mọi việc đã trở lại bình
thường", phát ngôn viên Nhà Trắng Tony Fratto
cho hay. "Chiếc phi cơ gặp rắc rối với mấy
chiếc lốp. Họ (kỹ thuật viên) đã tìm được
lốp thay thế và sửa chữa được trục trặc này".
Khi ông Bush công cán nước ngoài,
luôn có hai chiếc phản lực đi theo, một chiếc là
Boeing 747 nổi tiếng khắp thế giới qua truyền hình
và phim của Hollywood và một chiếc phi cơ dự bị
Boeing 757. Chiếc nào được ông sử dụng sẽ được
mệnh danh là Air Force One.
Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến công
du châu Á kéo dài một tuần với chặng dừng chân
cuối cùng là Indonesia. Ông đã bay tới quốc gia
đông dân Hồi giáo lớn nhất thế giới trên
chiếc Boeing 747.
Air Force One - biểu tượng quyền lực
của tổng thống Mỹ
Chiếc Air Force One.
Cho đến thời Franklin D. Roosevelt, chưa
tổng thống Mỹ nào công du bằng đường hàng không
trong khi nắm quyền. Thế chiến II đã thổi một
luồng gió mới và làm thay đổi điều này. Kể từ đó,
dùng máy bay để chu du thiên hạ là một phần không
thể thiếu trong những năm tại vị của các đời
tổng thống Mỹ.
Điều đặt ra là phải bảo vệ tổng
thống khỏi những kẻ âm mưu ám sát, hay để ông điều
hành chính phủ cũng như quân lực ở mọi nơi mọi lúc
với sự hỗ trợ của một đội ngũ an ninh hùng hậu.
Và một pháo đài bay không khác gì một Phòng Bầu
dục trên không với đúng nghĩa của nó đã ra đời,
đáp ứng tất cả những yêu cầu đó.
Khi đời tổng thống này nối tiếp đời tổng thống
kia, chiếc Air Force One, hay Pháo đài bay trên không của
tổng thống Mỹ như người ta thường gọi, cũng vì
thế mà có những thay đổi đáng kể. Chiếc chuyên cơ
dành riêng cho tổng thống Mỹ ngày càng to, đẹp, nhanh
hơn và đặc biệt là đã trở thành biểu tượng
quyền lực về chính trị cũng như ngoại giao, nơi ra
những quyết định về chính sách ở tận 11 km trên không
trung.
Được trang bị những thiết bị công
nghệ quân sự tuyệt mật, gồm hệ thống chống tên
lửa và trao đổi thông tin mã hóa, Air Force One vẫn còn
mang trong mình những bí mật mà chỉ có người trong
cuộc mới hiểu được.
Một phóng sự tài liệu hiếm hoi, được
kênh truyền hình National Geographic phát sóng trên toàn nước
Mỹ ngày 11/7 năm ngoái, cho người xem có được cái nhìn
khái quát về trang thiết bị trên phiên bản chiếc máy
bay Boeing 747 được đặt hàng riêng này và những người
đang ngày đêm đem lại cho nó sức sống để cùng
tổng thống Mỹ chu du bốn phương.
“Cũng như hình dung của mọi người,
an ninh cho chiếc Air Force One luôn được tăng cường
ở mức tối đa. Chúng tôi may mắn là được phép quan
sát mọi thứ mà trước đây chưa ai từng chứng
kiến, quay phim mọi thứ mà trước đây chưa ai từng
quay. Và trong những trường hợp như vậy, mọi thứ
vẫn phải được giữ bí mật tuyệt đối”, Peter
Schnall, nhà sản xuất, đạo diễn phim tài liệu Air
Force One kể lại.
Phòng dành riêng cho tổng thống.
Bộ phim đã ghi lại những cảnh quay
hiếm hoi trong lòng chiếc Air Force One, từ buồng lái,
phòng trao đổi thông tin, phòng dành riêng cho tổng
thống cũng như một loạt các phòng họp khác. Điều
đặc biệt là bộ phim theo sát bước chân của cựu
tổng thống Bill Clinton trong chuyến đi thực tế của
ông tới một số thành phố trên đất Mỹ.
Một loạt biện pháp an ninh đã được
tiến hành cho mỗi chuyến đi như vậy. Mật vụ phải
cử các nhóm đến thử nghiệm độ an toàn của nhiên
liệu cho máy bay, kiểm tra đường băng xem có chướng
ngại gì không hay công bố lệnh "được phép
bắn" trong trường hợp máy bay bị đe dọa khi
cất và hạ cánh. Ngoài ra, mật vụ cũng phải cử các
đội tiền trạm bay trên một chiếc phi cơ khác để
vận chuyển chiếc limousine chống đạn cũng như vũ khí
loại nhỏ tới trước địa điểm mà tổng thống sẽ
tới.
Người ta chuẩn bị bữa ăn cho các thượng
khách sành điệu ngay trong hai phòng bếp trên chiếc Air
Force One. Nói chung một ngày của Tổng thống Mỹ trên
Pháo đài bay diễn ra bình thường như khi ở trên mặt
đất. Tổng thống ngủ trên một chiếc giường rộng
rãi và thư giãn trên một chiếc ghế sofa. Một phòng
trao đổi thông tin cho phép tổng thống và các quan
chức khác có thể tiến hành những cuộc điện đàm (được
mã hóa) tới bất kỳ nơi nào trên trái đất.
Các cựu tổng thống Jimmy Carter, George
Bush (cha) và Bill Clinton đều có những kỷ niệm đáng
nhớ về Pháo đài bay của mình. “Điều tôi nhớ
nhất về Air Force One là tôi chẳng bao giờ bị mất hành
lý”, cựu tổng thống George H. W. Bush hài hước.
“Khi bước lên máy bay, tôi phấn khích đến nỗi quên
mất cả mẹ mình”, Jimmy Carter thổ lộ. “Trên đó,
chúng tôi là một gia đình lớn”, cựu tổng thống
Bill Clinton nói.
“Họ thấy thoải mái có lẽ chính
bởi họ đã tìm được một nơi để có thể nghỉ ngơi,
tĩnh tâm sau những ngày căng thẳng ở Nhà Trắng cũng
như Phòng Bầu Dục. Bush cha đôi lúc đến căn cứ không
quân Andrews đêm trước khi công du. Ông nghỉ qua đêm
ở đó rồi thức dậy giữa không trung”, Schnall nói.
Không chỉ mang tính vận tải đơn
thuần, Air Force One là một phương tiện chính trị và
ngoại giao hữu hiệu mà các tổng thống muốn tạo
ấn tượng mạnh đối với các đồng minh cũng như
“kẻ thù” của nước Mỹ. Nó để lại nhiều
luyến tiếc cho các đời tổng thống mỗi khi họ hết
nhiệm kỳ công tác.
Vài nét về Pháo đài bay
Air Force One là một chiếc máy bay quân
sự do Không lực Mỹ quản lý. Mỗi khi phi cơ cất cánh
là một lần họ được coi là thực thi nhiệm vụ quân
sự. Nó là chiếc chuyên cơ được đặt hàng, có khả
năng phòng thủ cao nhờ các thiết bị chống tên lửa.
Trên máy bay có 87 đường điện thoại khác nhau, trong
đó có 28 đường tuyệt mật và được mã hóa.
John F. Kennedy là tổng thống Mỹ đầu
tiên sử dụng Air Force One với một phiên bản của
Boeing 707. Hai chiếc hiện nay là phiên bản lớn hơn
của Boeing 747. Trên mỗi chiếc máy bay đều có cờ
Mỹ sơn ở phần đuôi và chữ United States of America
(Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) ở phần thân.
Chiều dài: 70,4 m
Chiều cao: Cao 19,4 m, hơn tòa nhà 5
tầng
Diện tích: 371,6 m2
Khối lượng: 400 tấn
Tốc độ: 1.014 km/giờ
Phi hành đoàn: Để trở thành
phi công trên Air Force One, các ứng cử viên phải từng
điều khiển trong buồng lái hơn 2.000 giờ bay, có kinh
nghiệm bay toàn thế giới và có hồ sơ hoàn toàn
“sạch”.
An toàn: Air Force One có một lịch
sử bay hoàn hảo và được coi là chiếc máy bay an toàn
nhất trên thế giới.
Chỗ ngồi: Phóng viên ngồi phía
sau còn trợ lý và các nhân vật VIP ngồi phía trước.
Pháo đài bay sinh đôi: Có hai
chiếc Air Force One giống hệt nhau: SAM-28.000 và
SAM-29.000.
“Bến đậu”: Air Force One
“nghỉ dưỡng” ở Maryland, tại căn cứ không quân
Andrews, cách Nhà Trắng 16 km.
Hàng chục lãnh đạo các nền kinh tế, hàng
nghìn CEO quốc tế có mặt tại Tuần lễ cấp cao APEC.
Với các doanh nghiệp, tổ chức sự kiện gắn vào
dịp này là chiêu tốt nhất để quảng bá hình ảnh.
Song cái gì cũng có giá của nó, tìm đỏ mắt vẫn không
thuê được địa điểm, chọn MC và phiên dịch cũng vô
cùng khó khăn.
Các khách sạn 5 sao trong Tuần lễ cấp
cao APEC đều trống nhiều phòng hội thảo, phòng họp,
nhưng khách ra vào đều phải có thẻ APEC, kiểm tra an
ninh gắt gao.
Lễ ký kết hợp đồng giữa Bill Express
Việt Nam và tập đoàn ON Q của Australia diễn ra tại
khách sạn Hilton ngày 16/11 có sự tham gia của Bộ trưởng
Thương mại Australia và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam. Buổi lễ không có nguyên thủ tới
dự, song vì Hilton sẽ là nơi ở của một vị khách
cực kỳ VIP trong 2-3 ngày sau đó, nên khách tham dự
phải gửi xe bên ngoài, cách khách sạn cả nửa cây
số. Rồi lại phải qua khâu kiểm tra an ninh nghiêm
ngặt, chẳng kém gì ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia
thời gian diễn ra APEC. Đặc biệt, muốn vào toà nhà,
khách mời phải có thẻ APEC.
Lễ ký hợp đồng giữa Bill Express
và ON Q Group tại Hilton hôm 16/11. Ảnh: S.L.
Nhiều công ty khác không có quan hệ, đành
ngậm ngùi tổ chức sự kiện ở những nơi bình dân hơn.
Nhân viên đối ngoại một liên doanh hoạt động trong
lĩnh vực kho vận kể: "Mình xin thẻ cho chính mình
còn khó. Tổ chức sự kiện trong khách sạn cao cấp,
khách tham dự lấy đâu thẻ để vào". Bàn tới
lui, liên doanh này đành chọn tổ chức gặp gỡ đối
tác tại một nhà hàng sang trọng trên đường Nguyễn
Du. Phòng họp bé tẻo teo, kê được hai hàng ghế đã
chật, nên chỉ có 2-3 vị quan chức cao nhất tập đoàn
được ngồi. Còn lại hơn chục người trong đoàn
hoặc đứng hoặc tản ra xa mới có ghế.
Với những sự kiện lớn có hàng trăm
quan khách tham dự thì khâu tìm địa điểm thật phức
tạp. Lễ đón dòng khí sản phẩm đầu tiên từ mỏ
Rồng Đôi của Tổng công ty Dầu khí quốc gia Hàn
Quốc vào 17/11 diễn ra ở nhà A6, Trung tâm triển lãm
Giảng Võ. Doanh nghiệp rất cầu kỳ, thuê hẳn đầu
bếp của khách sạn Daewoo đến phục vụ tiệc với
những món như súp vây cá mập cua biển, cơm hải
sản... Nhưng không gian của buổi lễ chật chội
khiến quan khách ra vào rất khó khăn. Người ngồi phía
cuối còn bất đắc dĩ thưởng thức cả mùi thức ăn
đằng sau lẫn tiếng ồn ào, khiến họ dù đã căng
tai ra nghe mà phát biểu của quan chức bên trên cứ trôi
tuột đi mất.
Nhiều doanh nghiệp lớn như HSBC,
Microsoft, Tập đoàn than Việt Nam... chọn giải pháp
tổ chức luôn sự kiện tại Trung tâm Hội nghị Quốc
gia. Tiện ở chỗ trong trung tâm có tới hàng nghìn nhà
báo trong và ngoài nước. Song lại có một hạn chế là
nhiều khách hàng thân thiết không đến tham dự được,
vì không có thẻ APEC. Bản thân một số lãnh đạo
doanh nghiệp được phép tổ chức sự kiện trong Trung
tâm cũng than thầm an ninh khắt khe quá.
Hơn nữa, chẳng phải ai muốn tổ chức
cũng được. Hơn 10 khán phòng mà Trung tâm Hội nghị
Quốc gia dành riêng cho các doanh nghiệp tổ chức sự
kiện không lúc nào rỗi. Tổng cộng có 39 cuộc gặp
song phương giữa các doanh nghiệp được tổ chức
tại đây trong suốt 8 ngày diễn ra APEC. Các phòng họp
báo nhỏ, vốn chỉ ưu tiên cho một số đoàn cấp cao
họp báo, cũng được doanh nghiệp tận dụng triệt để
mỗi khi trống.
MC, phiên dịch thiếu trầm trọng
Anh Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc một công
ty tổ chức sự kiện cho hay do tuần qua các doanh
nghiệp có hàng trăm cuộc gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi
song phương nên chưa bao giờ Hà Nội lại cần nhiều
phiên dịch đến thế. Thông thường họ có thể nhờ
đến cánh phiên dịch làm việc tại Bộ Ngoại giao
hoặc một số nhân viên của các tổ chức quốc tế.
Nhưng trong tuần lễ APEC, những phiên dịch như vậy đều
được trưng dụng cho việc công, hầu như không có
thời gian chạy bên ngoài.
Chị Liên, một phiên dịch kỳ cựu cho
các tổ chức quốc tế kể, tuần vừa rồi chị bận
ngập đầu. Chỗ nào quen thân lắm chị mới đến
dịch được 1-2 tiếng. Bên tổ chức phải báo trước
chính xác giờ nào kết thúc, không thể "cao
su" như mọi khi. Thế mới có chuyện, tại một
buổi họp trong lĩnh vực y tế, bình thường anh chàng
phiên dịch vẫn tắt điện thoại cho tập trung, nhưng
do tuần này đắt sô nên chút chút điện thoại trong túi
quần lại réo, anh ta vừa dịch, vừa móc ra nghe khiến
cả chủ và khách đều khó chịu.
Tập đoàn DHL kiếm mãi không được ai,
đành chọn luôn MC là một nhân viên trong công ty. Cô này
người Singapore, vừa không lo ngoại ngữ tồi vừa am
hiểu chuyên môn.
Thủ tướng Australia ấn tượng mạnh
về phát triển của VN
Sáng 20/11, tại khu công nghiệp Phú Mỹ I,
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Australia John
Howard đã cắt băng khánh thành Nhà máy BlueScope Steel
VN, dự án đầu tư lớn nhất của nước này tại VN
từ trước đến nay.
Tổng vốn đầu tư nhà máy là 130
triệu AUD (tương đương 101 triệu USD). Công suất cung
cấp 125.000 tấn thép phẳng mạ kim loại, 50.000 tấn thép
phẳng mạ màu cho thị trường Việt Nam mỗi năm. Dự
án là một phần quan trọng trong kế hoạch đầu tư 2
tỷ USD cho khu vực châu Á - Bắc Mỹ của tập đoàn
BlueScope Steel. Ngoài nhà máy thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu,
tập đoàn còn đầu tư hai dự án khác tại VN ở Đồng
Nai và Hà Tây.
Thủ tướng John HOward trao bằng
khen cho sinh viên xuất sắc Nguyễn Hữu Trí.
Ảnh: RMIT.
Chiều cùng ngày, trong cuộc hội đàm
với chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân, Thủ tướng
John Howard cho rằng: "Sự phát triển trong 10 năm
tới của thế giới sẽ dần chuyển từ khu vực Âu -
Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương". Thủ tướng
nhắc lại cộng đồng hơn 200.000 người Australia gốc
Việt và 5.700 lưu học sinh VN đang học tập tại
Australia như là một bằng chứng cho mối quan hệ gắn
bó giữa hai nước.
Sau đó, ông John Howard đến tham dự
buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên ĐH RMIT Việt Nam.
Trong bài diễn văn hơn hai mươi phút tại đây, ông cho
biết rất ấn tượng với sự phát triển của Việt
Nam, đồng thời nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác
giáo dục để thúc đẩy mối quan hệ bền vững, lâu
dài giữa hai nước.
Ngụ tại tầng 18 của khách sạn Sheraton
2 đêm, vợ chồng Tổng thống Mỹ hoàn toàn di chuyển
bằng lối cửa sau, đi xuyên qua nhà bếp. Ngược lại,
Tổng thống Nga luôn ra vào qua cửa chính của khách
sạn Hilton, nhưng đi rất nhanh và hầu như không ai
kịp tiếp cận.
8 khách sạn 5 sao của Hà Nội đã được
huy động hết công suất để đón lãnh đạo 20 đoàn
tham dự APEC 2006. Suốt tuần qua, những nơi này liên
tục được đặt trong tình trạng giới nghiêm. Vấn đề
an ninh được triển khai cực kỳ nghiêm ngặt.
Khách sạn Sheraton bên bờ hồ Tây là nơi
vinh dự đón Tổng thống Mỹ George W. Bush trong chuyến
thăm đầu tiên tới Việt Nam. Từ một năm trước đây,
việc sắp xếp nơi ở cho ông Bush đã được rất quan
tâm. Hai tuần trước khi đoàn Mỹ có mặt tại Việt
Nam, an ninh bắt đầu được thắt chặt. Bảo vệ chia
thành nhiều vòng. Tầng 12 - Tổng hành dinh của đoàn
Mỹ, tầng 15 - nơi ở của Ngoại trưởng và tầng 18 -
nơi ở của vợ chồng Tổng thống là những khu vực
hoàn toàn do người Mỹ kiểm soát.
Phòng Đế vương của khách sạn
Sheraton. Ảnh: Sheraton.
Nhân viên khách sạn Sheraton có thể
biết Ngoại trưởng Mỹ, Condoleezza Rice,
nghỉ ở phòng nào trên tầng 15. Nhưng không
một ai hay trong hai đêm 17 và 18/11, vợ chồng Tổng
thống Bush ngụ ở đâu trong 3 căn phòng được yêu
cầu (1 phòng Đế vương, 2 phòng Tổng thống) trên
tầng 18, tầng cao nhất. Ngoại trừ các bữa ăn nhẹ
tiếp Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Australia
tại nhà hàng Hemispheres dưới tầng 1, các bữa ăn khác
của ông Bush (chủ yếu ăn sáng) đều được đầu
bếp phục vụ riêng ngay trong phòng. Toàn bộ đồ ăn,
thậm chí cả nước lọc cũng được mang từ Mỹ sang.
Ông Bush không ra vào bằng lối sảnh mà
hoàn toàn di chuyển bằng cửa sau, đi xuyên qua nhà
bếp. Lối đi này phải hoàn toàn thông thoáng khoảng
nửa tiếng trước khi ông Bush đi qua. Người dọn phòng
đã qua vòng kiểm soát rất kỹ lưỡng, có phù hiệu
riêng, mới được lên nơi Tổng thống ở, và tất nhiên
họ chỉ được phép lên đó khi không có những vị khách
đặc biệt ở trong phòng. Bà Laura, phu nhân Tổng
thống, cũng có vệ sĩ riêng. Người theo sát bà nhất
cũng là phụ nữ, đã ngoài 40 tuổi và rất to cao.
Chỉ ban Giám đốc khách sạn Sheraton
mới được vinh dự trò chuyện trực tiếp vài phút
với ông Bush. Ngày đầu tiên, vị Tổng thống này khá
lạnh lùng và dè chừng. Nhưng sau đó, ông hoàn toàn là
một người khác, thân thiện, cởi mở, luôn tươi cười.
Ông không bao giờ vội vã mà lúc nào cũng thảnh thơi,
tay đút túi quần, thậm chí vẫn còn có thời gian để
ngắm nghía cảnh vật xung quanh.
Phòng khách nhìn từ khu bàn ăn.
Ảnh: Hilton.
Khác với Tổng thống Mỹ, tất cả các
nhân viên trong khách sạn Hilton Opera từ trước khi APEC
diễn ra đều biết Tổng thống Nga, Vladimir Putin,
sẽ nghỉ ngơi tại căn phòng tổng thống duy nhất
nằm trên tầng 10, tầng áp chót, có diện tích hơn 100
m2. Đây là một căn phòng khá ấm cúng, như một căn
hộ khép kín, rất hiện đại, nhưng vẫn phảng phất
nét truyền thống của người Việt, thể hiện ở các
chụp đèn trang trí, đồ nội thất màu nâu dân dã, tường,
trần và sàn đều có gam vàng ấm áp, thân thiện. Kế
bên là hai căn phòng của vệ sĩ, có cửa thông.
Khoảng 10 tấn thiết bị rà soát bom mìn... đã được
mang đến khách sạn chừng 2-3 ngày trước khi Tổng
thống có mặt.
Ông Putin luôn ra vào bằng lối cửa chính,
nhưng đi rất nhanh và hầu như không hề có ai kịp
tiếp cận, và cũng không có khả năng tiếp cận bởi
lúc nào xung quanh ông cũng được các vệ sĩ rất cao
to bao bọc. "Ông Putin có vẻ là một người lạnh
lùng và hiếm khi thấy ông cười. Nhưng nhìn ông, có
thể thấy ngay đây là một người cực kỳ thông
minh", một nhân viên khách sạn kể lại.
Ngay ngày đầu tiên đến Hilton, ông
Putin đã dùng bữa tối trong nhà hàng Ba Miền, cùng
với một nhóm gồm 14 người là các cố vấn, chuyên
viên... tháp tùng ông trong chuyến đi này. Ông chủ
của điện Kremlin đặc biệt khoái ăn đồ hải sản,
nhất là tôm hùm được chế biến theo khẩu vị người
Việt. Ngoài bữa ăn duy nhất ăn tại nhà hàng, các
bữa còn lại của ông Putin đều được nhân viên khách
sạn phục vụ trực tiếp trên phòng. Nhưng để có
một bữa ăn được dọn lên cho Tổng thống Nga, bác sĩ
riêng của ông trước đó đã phải có mặt trong bếp,
kiểm tra nguyên vật liệu, gia vị, nhiệt độ nấu...
và tất nhiên không quên nếm thử.
Chụp đèn trang trí. Ảnh: Hilton.
Khách sạn Daewoo trên đường Kim Mã là
nơi đón tiếp hai lãnh đạo đến từ Trung Quốc và Hàn
Quốc cùng các phu nhân. Ông Hồ Cẩm
Đào, Chủ tịch nước CHND
Trung Hoa ngụ tại phòng Presidential Suites trong 4 đêm,
từ 16 đến 19/11. Còn ông Roh Moo Hyun, Tổng thống Hàn
Quốc, ở phòng Royal Suites trong hai đêm 17 và 18/11. Hai
căn phòng đều nằm trên tầng 17, tầng cao nhất của
khách sạn, mỗi phòng có diện tích hơn 200 m2, với hai
phòng ngủ, phòng tiếp khách chứa được khoảng 15 người,
được bố trí nội thất theo phong cách Phương Đông.
Phòng ăn với đèn treo lớn, bếp và tủ đựng thức
ăn "hoành tráng". Từ đây, có thể quan sát
được khắp Hà Nội. Vì kết hợp dự hội nghị APEC
và thăm chính thức Việt Nam nên đoàn Trung Quốc ở hơn
100 phòng trên tổng số 411 phòng của khách sạn.
Cả hai nhà lãnh đạo cấp cao này đều
không có nhiều thời gian ở khách sạn, nhưng an ninh lúc
nào cũng được thắt chặt. Một lượng lớn nhân viên
an ninh, của cả nước bạn và Việt Nam, luôn phối
hợp bảo vệ, chia nhau canh gác ở hành lang, cầu thang,
sảnh, thậm chí cả ngoài đường. Khác với những
lần đón tiếp các nhân vật VIP khác, lần này ở
mỗi tầng đều có người theo dõi mọi qua các màn hình
thu tín hiệu camera. Chỉ có hai nhân viên của Daewoo,
sau khi được chọn lựa kỹ càng, có thẻ đặc biệt
mới được ra vào nơi này để phục vụ hai đoàn.
Trong ngày cuối cùng của tuần lễ APEC, khi Tổng
thống Mỹ, George W. Bush, gặp ông Hồ Cẩm Đào tại khách
sạn, vấn đề an ninh còn được thắt chặt hơn.
Cuộc gặp chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng hàng chục
cảnh sát Mỹ đã sang tiền trạm ở Daewoo trước đó
1 ngày. Họ yêu cầu được che phủ toàn bộ mặt
tiền khách sạn, cấm mọi hoạt động, hạn chế tối
đa số lượng người ra vào...
Căn phòng Royal ở khách sạn Daewoo.
Ảnh: Daewoo.
Phòng Presidential ở khách sạn
Daewoo. Ảnh: Daewoo.
Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang
Yudhoyono, nghỉ tại căn phòng sang trọng nhất trên
tầng 12 của khách sạn Horison ở phố Cát Linh trong hai
đêm 17 và 18/11. Phòng có diện tích gần 200 m2 được
kiến trúc sư người Indonesia thiết kế, với 4 không
gian sinh hoạt gồm khách, làm việc, ngủ, bếp ăn và sân
trời. Có một phòng nhỏ liền kề dành cho những người
phục vụ. Toàn bộ thức ăn của ông Yudhoyono do nhà
bếp của khách sạn Horison cung cấp, nhưng những người
phục vụ ông trực tiếp đều mang quốc tịch
Indonesia. Nhân viên an ninh chia thành nhiều lớp để
bảo vệ ông. Cứ 3 tiếng, một tốp bảo vệ mới được
thay đổi để đảm bảo lúc nào cũng tỉnh táo nhất.
Ông cũng như Thủ tướng Malaysia và trưởng đoàn Đài
Loan, ở cùng khách sạn, được dành cho một lối đi
riêng, có trải thảm đỏ, để dễ dàng cho công tác
bảo vệ.
Giường ngủ trong căn phòng Tổng
thống của khách sạn Horison. Ảnh: Hoàng Hà.
Tổng thống Bush thích ăn thịt bò, cá
hồi nướng trong bữa chính, bánh ngọt nướng nhân hoa
quả trong bữa sáng. Hầu hết món ăn đều do đầu
bếp khách sạn Sheraton thực hiện. Đặc biệt, món nước
sốt để ăn kèm thịt bò được chế biến trong 3 ngày.
Các món ăn của Tổng thống Bush đều
được lên thực đơn theo ý của chủ nhân. Sau đó,
cần vụ đặt thực đơn để đầu bếp khách sạn
Sheraton chế biến, có sự hỗ trợ từ đầu bếp của
Tổng thống.
Theo anh Nguyễn Hữu Phước, Phó tổng
bếp trưởng khách sạn Sheraton, trong 2 bữa ăn chính
tại khách sạn, Tổng thống Bush chọn món khai vị là
tôm hùm Nha Trang, bữa chính gồm thịt bò nướng, cá
hồi bọc nấm nướng. Tráng miệng bằng món kem cháy
trang trí dâu tây.
Tổng thống Bush chụp ảnh chung
với các nhân viên phục vụ bữa tiệc Gala
Dinner. Ảnh: PV.
Buổi sáng, Tổng thống ăn bánh ngọt nướng
nhân hoa quả, ăn ngũ cốc và uống sữa. Bà Laura Bush,
phu nhân của Tổng thống cũng chọn cùng thực đơn
với chồng.
Ấn tượng với những người phục vụ
bữa ăn cho Tổng thống Mỹ là thái độ cởi mở, thân
thiện của người lãnh đạo. Ông Bush khen món thịt bò
nướng rất ngon và hỏi nguồn gốc của thịt bò. Người
đầu bếp cho biết đó là thịt bò của Mỹ. Tổng
thống còn hỏi lại có đúng thịt bò từ bang Texas hay
không. Ông cũng khen món nước sốt do những đầu bếp
khách sạn chế biến.
Khi chia tay, ông Bush còn chụp ảnh chung
với nhân viên phục vụ khách sạn và cảm ơn họ đã
chuẩn bị những bữa ăn ngon.
Với các đầu bếp khách sạn Sheraton,
tiếc nuối duy nhất là không có dịp giới thiệu các
món ăn Việt Nam tới Tổng thống Mỹ. Anh Phước cho
biết, khách sạn đã chuẩn bị nhiều món như phở,
nem cuốn, chả giò... nhưng cần vụ của ông Bush lại
đặt trước các món ăn theo ý Tổng thống.
Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah thích
món cá hồi, thịt cừu nướng. Bữa ăn cho Quốc vương
hầu hết do đầu bếp riêng chế biến tại khu bếp dành
riêng cho người Hồi giáo tại khách sạn Melia. Các
nguyên liệu như gà, cari cũng do các đầu bếp Brunei
mang sang, tự tay người theo đạo Hồi chế biến.
Khi chia tay, đầu bếp khách sạn Melia còn
chuẩn bị nhiều món ăn cho Quốc vương và đoàn khách
Brunei trên máy bay, nên được phía bạn cảm kích.
Món phở Việt
Nam được ưa chuộng
Khác với Quốc vương Brunei, Thủ tướng
Thái Lan Surayud Chulanont thích ăn phở Việt Nam. Ông cùng
đoàn tùy tùng luôn gọi món phở trong các bữa ăn, bên
cạnh các món Thái như súp tôm, cari Thái, hải sản,
mỳ xào kiểu Thái... Theo anh Đỗ Văn Minh, Bếp phó khách
sạn Melia, vị Thủ tướng rất vui vẻ khi ăn uống, ông
cũng không quên khen ngợi món ăn ngon, hợp khẩu vị.
Nữ tổng thống Chile Michelle Bachelet cũng
rất thích món phở Việt Nam do các đầu bếp khách
sạn Sofitel Metropole chế biến.
Ấn tượng của nhân viên khách sạn
Sofitel Metropole về Phó tổng thống Peru - ông Luis
Giampietri - là người nhân hậu, quần chúng, món khoái
khẩu của ông là gà hầm rượu vang. Trước khi ra sân
bay về nước, ông Luis Giampietri quyến luyến chia tay và
nhiệt tình chụp ảnh lưu niệm với nhân viên khách
sạn trước nhà hàng Le Beaulieu.
Bà Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Du
lịch Peru hay lựa chọn món kem chanh hoa quả và mứt
gừng vì đậm hương vị Việt Nam. Bà viết trong sổ lưu
niệm: "Tôi đánh giá cao phong cách phục vụ tinh
tế và thân thiện mà các bạn đã dành cho tôi. Mỗi
chi tiết nhỏ nhặt nhất, mỗi nụ cười của các
bạn đều rất dịu dàng và duyên dáng, khiến cho tôi
rất cảm động về tấm lòng hiếu khách của người
Việt Nam".
Ông Robert Quintin, người lái chiếc xe hộ tống
Tổng thống Mỹ George Bush tại APEC 14. Ảnh: Tuổi trẻ.
Mỹ đưa sang Việt Nam 30 cận vệ tháp tùng Tổng
thống George Bush. Khi hoạt động, họ đều đeo kính đen, gương mặt rất
“ngầu” và nổi tiếng là nóng nảy. Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với
những người bảo vệ cho ông chủ Nhà Trắng.
Người Mỹ có nguyên tắc riêng là khi xe chở tổng thống
dừng, lập tức hai cận vệ nhảy từ xe đi cạnh bước tới mở cửa. Việc mở
cửa ở đâu cũng chỉ do cận vệ của chính người Mỹ chứ người nước khác
không được đụng vào.
>
Tổng thống Mỹ được bảo vệ như thế nào?
Lãnh đạo các nền kinh tế sang VN dự hội nghị APEC
đều được tổ chức, đưa đón rất trọng thị bằng hệ thống xe, điều hành
chính xác đến từng giây. Riêng đoàn Mỹ có ngoại lệ của họ và ngoại lệ
này sau khi thỏa thuận với nước chủ nhà đã được chấp thuận một phần.
Hai chiếc Cadillac One giống nhau
Trước khi diễn ra hội nghị APEC, nhiều đoàn tiền
trạm của Mỹ đã sang Việt Nam thương thảo. Điều này cũng giống như Mỹ
từng làm với các nước mỗi khi có tổng thống viếng thăm và phần lớn họ
được chấp nhận trong chừng mực nhất định.
Có nơi, khi tổng thống Mỹ đến còn kèm theo vài chiếc
trực thăng quần thảo nơi tổng thống ở và làm việc, dưới đặt đạn pháo,
xe thiết giáp yểm trợ. Trước đây, khi tổng thống Mỹ Clinton sang Việt
Nam, các đoàn tiền trạm của họ cũng tất tưởi sang trước hằng tháng,
thậm chí tới nửa năm.
Dạo đó, Clinton là vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến
thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao nên an
ninh Mỹ không hiểu sự thể ở Việt Nam thế nào, thậm chí cuộc viếng thăm
có lúc suýt bị hoãn vì an ninh Mỹ cho rằng Việt Nam không đáp ứng yêu
cầu của họ, sẽ khó đảm bảo an toàn cho tổng thống.
Phía Mỹ còn đòi đưa sang Việt Nam máy bay trực thăng
chiến đấu, muốn bay lòng vòng trên bầu trời khi tháp tùng tổng thống,
đưa vũ khí, xe dã chiến và đội quân thiện xạ, cảnh sát dã chiến của Mỹ
tới Hà Nội. Tuy nhiên, những đề nghị này không được chấp thuận, Việt
Nam cam kết đảm bảo an ninh cho phía Mỹ và chỉ chấp thuận một số đề
xuất phù hợp. Sau cuộc viếng thăm của tổng thống Clinton dạo đó, phía
Mỹ đã thật sự ngạc nhiên về an ninh Việt Nam.
Lần này, phía Mỹ không quá lo ngại như trước nhưng
họ vẫn giữ những nguyên tắc riêng biệt. Ban đầu phía Mỹ đề xuất được
đưa sang Việt Nam một số loại vũ khí bảo vệ đặc biệt, xe chuyên dụng,
lực lượng hộ tống rầm rộ và cả máy bay trực thăng. Tuy nhiên, sau khi
thỏa thuận với chủ nhà Việt Nam, phía Mỹ đồng ý chỉ đưa sang một số
loại xe chuyên dụng, trong đó có hai xe Cadillac One đều gắn biển kiểm
soát 800-002 để chở Tổng thống George W. Bush.
Ngoài khả năng chống đạn đặc biệt, loại xe này còn
có thể vẫn “y nguyên” ngay cả khi bị va đụng lúc đang vận hành ở tốc
độ trên 100km/giờ, đảm bảo an toàn cho người ngồi trong. Ngoài xe chở
tổng thống, Mỹ còn đưa sang xe hộ tống cho lực lượng cảnh vệ. Theo
nguyên tắc, khi có sự cố có thể đe dọa xe tổng thống, những chiếc xe
cảnh vệ này sẽ làm “tường thành” bảo an.
Theo ông John Edwards, cận vệ thuộc loại bậc nhất
của Tổng thống Bush, để được tuyển vào lực lượng cận vệ bảo vệ nguyên
thủ ở Mỹ phải qua những lớp “thử lửa” cực kỳ khắt khe, có thể “hạ gục”
nhanh đối phương bằng tay không. Nhưng quan trọng nhất là sự cảm tử,
vì đã xác định cận vệ thì mọi tình huống có khả năng nguy hại họ đều
sẵn sàng che chắn ngay lập tức. Những cận vệ to cao lừng lững, ước
từng người cũng nặng trên 100kg, cao trên dưới 2m.
Mỹ đưa sang trên 30 cận vệ tháp tùng Tổng thống
Bush, trong đó có bốn cận vệ ngồi xe thùng chạy áp sát xe Cadillac
One. Trên đường phố Hà Nội, trong khi các đoàn khác sử dụng xe APEC
thì đoàn Mỹ vẫn thể hiện sự “nổi trội” bằng cách riêng: hai chiếc
Cadillac One đều gắn biển 800-002 Washington D.C giống hệt nhau và hai
xe này có thể đảo vị trí khi cần thiết, áp sát phía sau là xe 33R 453
đặc chủng có thể chống được cả súng trường. Chiếc xe này có thành dày
trên 10cm, cao gần 3m, trên mỗi xe có bốn cảnh vệ thường trực. Khi lưu
thông trên đường, xe cảnh vệ thường chạy ở vị trí thứ tư, thứ năm
nhưng có thể bất ngờ tăng tốc chạy song song xe tổng thống. Tổng thống
Mỹ có thể ngồi bất kỳ xe nào trong số hai xe Cadillac One.
Luật giới nghiêm
Tất thảy số xe của Tổng thống Bush và đoàn tùy tùng
được đỗ phía bên trái Trung tâm Hội nghị quốc gia, trong khi các xe
APEC khác đỗ ở khu vực hầm ngầm.
Người Mỹ có nguyên tắc rất riêng và nguyên tắc này
cũng được áp dụng tại APEC lần này. Đó là khi xe chở tổng thống dừng,
lập tức hai cận vệ nhảy từ xe đi cạnh bước tới mở cửa. Việc mở cửa ở
đâu cũng chỉ do cận vệ của chính người Mỹ chứ người nước khác không
được đụng vào. Sự khác biệt này đã dẫn tới “sự cố” ngoại lệ khi một
chiến sĩ công an Việt Nam đã mở cửa xe của Tổng thống Bush khiến hú
còi báo động (cửa xe này không thể mở được do đã có sự điều chỉnh tự
động từ xe cận vệ phía sau). Điều đáng tiếc là trước đó phía Mỹ không
đề cập điều này với nước chủ nhà để có phương án xử lý.
Người lái chiếc xe hộ tống Tổng thống Bush là ông
Robert Quintin, có vóc dáng to cao hơn cả cận vệ John Edwards. Theo
ông Robert Quintin, tất cả những chiếc xe chở tổng thống hay tháp tùng
tổng thống thì chỉ lực lượng đi cùng của Mỹ mới có thể “sờ” tới. Bất
luận trong trường hợp nào, người khác không được “đụng tay”, dù chỉ
để... chụp ảnh. Biết có sự khắt khe này, nhiều người có ý chụp ảnh
cạnh xe tổng thống cũng chỉ dám đứng cách mép xe gang tay, tránh...
đụng vào!
“Bảo vệ tổng thống Mỹ ra nước ngoài là tuân thủ luật
giới nghiêm”, ông John Edwards nói. Giờ giấc hoạt động đối với đội cận
vệ Mỹ cũng hết sức khắt khe. Tuy nhiên, khi sang Việt Nam, số này đã
luân phiên nhau nên thường chỉ có gần 10 cận vệ hoạt động trong cùng
thời điểm, số còn lại vẫn nghỉ ngơi ở khách sạn Sheraton. Nom vóc dáng
to cao lừng lững nhưng khẩu phần xem ra đơn giản, họ cũng chỉ nếm
những thức ăn được mang từ Mỹ sang bằng máy bay mà không hề “đụng
hàng” với bất kỳ ai.
Khi hoạt động, hầu như cận vệ Mỹ đều đeo kính đen,
gương mặt rất “ngầu” và nổi tiếng là nóng nảy. Điều này đủ hiểu vì sao
khi một nhân viên an ninh của Việt Nam mới chỉ mở cửa xe tổng thống mà
lập tức cận vệ Mỹ đã bóp còi báo động inh ỏi ngay trước tòa nhà Trung
tâm Hội nghị quốc gia.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ví
Việt Nam như con rồng đang bay lên - đúng như tên gọi
của Hà Nội - Thăng Long trước đây. Ông cũng khẳng
định sẽ sớm xuất hiện làn sóng đầu tư thứ hai
từ Nhật vào Việt Nam.
Khán phòng của Diễn đàn doanh nghiệp
Việt Nam - Nhật Bản sáng nay tại Hà Nội trở nên quá
chật chội khi có tới 400 doanh nhân hai nước, trong đó
có 130 doanh nhân Nhật tháp tùng Thủ tướng Abe. Với
nụ cười thân thiện, ông Shinzo Abe cho biết, Nhật
Bản dự kiến đến năm 2010, tổng vốn đầu tư vào
Việt Nam sẽ đạt 15 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và
Thủ tướng Nhật Bản Abe tại diễn đàn sáng
nay. Ảnh: Ngọc Châu.
Hiện Nhật đứng thứ ba về đầu tư
tại Việt Nam với số vốn đăng ký 6,5 tỷ USD, sau Đài
Loan và Singapore. Trong 4 năm từ 2002 đến 2005, số dự
án của các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam đã tăng
gấp 4 lần.
Ông Shinzo Abe cam kết sẽ
hợp tác chặt chẽ với người đồng cấp Nguyễn
Tấn Dũng để phát triển mối quan hệ hợp tác kinh
tế giữa hai nước. Ông khẳng định hai bên sẽ nỗ
lực để thúc đẩy hiệp định hợp tác kinh tế và
phát huy sáng kiến hợp tác song phương mà Việt Nam đề
xuất.
Tháng 1/2007, Việt Nam và
Nhật Bản sẽ đàm phán về hợp tác song phương.
"Tôi hy vọng nội dung cuộc đàm phán này sẽ mang
lại hiệu quả cao. Chúng tôi sẽ tập trung mọi trí
tuệ để hiệp định song phương có chất lượng",
ông Abe khẳng định.
Ông Abe cũng cho biết, trước
chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân Tuần lễ cấp
cao APEC, ông đã mời 7 sinh viên Việt Nam đang học
tập tại Nhật đến văn phòng của ông. "Họ đã
tạo cho tôi ấn tượng rất tốt về thế hệ trẻ
Việt Nam", ông nhận xét. Sau chuyến thăm Việt Nam
của ông Abe, Nhật sẽ triển khai dự án hỗ trợ
Việt Nam về giáo dục tại TP HCM.
Thủ tướng Nhật cũng khẳng
định giới doanh nhân nước này quan tâm đặc biệt đến
môi trường đầu tư và thương mại tại Việt Nam. Ông
Abe cho biết, trong thời gian tới, công nghệ thông tin,
năng lượng, hạ tầng cơ sở, đặc biệt tuyến đường
cao tốc Bắc - Nam, sẽ là ưu tiên của Nhật trong hợp
tác với Việt Nam.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt
Nam Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Công nghiệp, Thương
mại, và Năng lượng Hàn Quốc Chung Sye Kynn cùng đề
xuất thành lập khu công nghiệp Hàn Quốc tại Việt
Nam. Khu công nghiệp này có thể được thành lập trước
năm 2010.
Theo một quan chức của Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, hiện vẫn chưa xác định địa điểm cụ
thể, song khu công nghiệp này phải phù hợp với phát
triển và quy hoạch của công nghiệp cả nước cũng như
quy hoạch về đất đai.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc có 1.211 dự án đầu tư
còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 6 tỷ USD,
đứng thứ 4 trong số 75 nước và vùng lãnh thổ có đầu
tư vào Việt Nam.
Nhiều người cho rằng con đường duy nhất dẫn đến thành
công nhất định phải là học vấn. Tuy nhiên rất nhiều tỷ phú, những
người được coi là thành công nhất trên thế giới hiện nay, lại không hề
có bằng cấp gì. Bù lại, họ có trí tuệ, sự bền bỉ, gan lì và sự nhạy
cảm hiếm thấy với kinh doanh.
Richard Branson
Richard Branson.Ảnh:
richard-branson.com.
Năm 1970,
Richard Branson mở một công ty thu âm đặt hàng qua bưu điện mang
tên Virgin. Ít lâu sau, ông mở thêm một cửa hàng ở London. Hai năm sau
đó, ca sĩ đầu tiên của Virgin, Mike Oldfield, đến đây thu âm "Tubular
Bells". Sự nghiệp của ông cũng bắt đầu nở rộ từ đây khi hàng loạt tên
tuổi lớn như Ben Harper, Fatboy Slim, Perry Farrell, Gorillaz, Lenny
Kravitz, Janet Jackson và The Rolling Stones cũng tìm đến ông. Virgin
Music trở thành một trong những công ty thu âm hàng đầu thế giới.
Năm 1992, Branson bán lại tổ hợp Virgin Music Group
(gồm bộ phận thu âm, làm bìa và xuất bản) với giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên,
sau thương vụ ấy, ông vẫn tiếp tục ở lại Virgin Group với tư cách Chủ
tịch. Hiện Virgin Group đã trở thành một tập đoàn kinh doanh nhiều
lĩnh vực: sách, giải trí (nhạc, phim, cafe), khách sạn...
Barry Diller
Ông Barry Diller. Ảnh:forbes.com.
Sau khi thi trượt học kỳ tại trường đại học,
Barry Diller bắt đầu sự nghiệp ở bộ phận mail tại đại lý của
William Morris. Năm 1996, ông vào làm cho ABC. Cũng tại nơi này, ông
đã tạo ra chương trình ABC Movie và trở thành người tiên phong sáng
tạo ra khái niệm sản xuất phim truyền hình.
Ở tuổi 32, ông trở thành Giám đốc điều hành
Paramount Pictures, nơi sản xuất hàng loạt show truyền hình rất thành
công (Laverne and Shirley, Taxi, Cheers) cũng như những tập phim nổi
tiếng (Saturday Night Fever, Raiders of the Lost Ark, Beverly Hills
Cop). Từ 1984 đến 1992, Barry Diller tiếp tục giữ những cương vị quan
trọng nhất tại Fox Studio đồng thời chịu trách nhiệm gây dựng Tập đoàn
truyền thông Fox. Hiện nay Diller đang là Chủ tịch của Expedia đồng
thời là CEO của InterActiveCorp.
Matt Drudge
Matt Drudge.
Ảnh: radcity.net.
Nhà phê bình, blogger... đó là hai trong rất nhiều
danh xưng mà người ta dùng để gọi Matt Drudge - ông chủ độc quyền của
trang web Drudge Report Web. Nói về "sự nghiệp học hành" của mình,
Drudge vẫn thường nói vui: "thành tích tốt nhất tôi đạt được ở trường
là ở môn... thể dục". Chính vì vậy, Drudge sớm rời trường học và bắt
đầu sự nghiệp bằng những công việc vặt như bán sách, bán hàng lưu
niệm, bán rau quả...
Bước ngoặt của cuộc đời ông đến vào năm 1989, khi
ông chuyển đến Los Angeles và đảm nhận công việc ở cửa hàng bán quà
tặng của CBS. Một thời gian sau, ông được thăng chức quản lý. Chính
những thứ nhặt nhạnh thu thập được trong thời gian ông ở vị trí này đã
giúp ông tạo nên The Drudge Report.
Vụ đình đám nhất mà The Drudge Report
đã phanh phui và làm cho nó trở thành nổi tiếng như hiện nay chính là
những thông tin đầu tiên hé lộ về mối quan hệ của Tống thống Mỹ lúc đó
Bill Clinton và cô nàng Monica Lewinsky năm 1998.