xuong cuoitrang

47
Chủ nhật, 19/11/2006, 17:00 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/11/3B9F08DB/

Lãnh đạo APEC thông qua Tuyên bố Hà Nội

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14 kết thúc sau phiên họp kín thứ hai hôm nay với Tuyên bố Hà Nội, trong đó ủng hộ thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư cũng như các biện pháp chống khủng bố và dịch bệnh.
> Lãnh đạo APEC diện trang phục truyền thống Việt Nam

Chủ đề của hai ngày thảo luận là: “Đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong một thế giới đang thay đổi", và "Những nhân tố đảm bảo tính năng động và sự phát triển bền vững trong APEC”.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, với ba nội dung chính gồm: thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư; tăng cường an ninh con người; và xây dựng các xã hội vững mạnh hơn và một cộng đồng năng động, hài hòa hơn.

Các nhà lãnh đạo APEC trong trang phục áo dài, phía trước là Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đọc Tuyên bố Hà Nội. Ảnh: AFP.
Các nhà lãnh đạo APEC trong trang phục áo dài, phía trước là Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đọc Tuyên bố Hà Nội. Ảnh: AFP.

Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế đã có dịp chụp ảnh lưu niệm chung, trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam. Đây là nghi thức thông lệ của các kỳ hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC.

Nhận xét về năm APEC Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết hôm nay nói: “Đây là dịp để bạn bè quốc tế đến và tận mắt chứng kiến những thành công về phát triển kinh tế xã hội, chứng kiến sự thân thiện của người dân Việt Nam”.

Việt Nam đã quảng bá thành công hình ảnh của quốc gia nhân sự kiện APEC, và vai trò của nền kinh tế chủ nhà và chủ tịch Hội nghị của Việt Nam được các đoàn khách đánh giá cao, chủ tịch cho biết.

Các nhà lãnh đạo còn ra tuyên bố riêng về Vòng đàm phán Doha, trong đó khẳng định quyết tâm và một số biện pháp nhằm sớm khởi động lại vòng đàm phán.

Kế hoạch Hành động Hà Nội do chủ nhà khởi xướng cũng đã được thông qua. Đây là cơ sở định hướng cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong 15 năm tới.

Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thông qua khuyến nghị cải cách APEC với các biện pháp cụ thể nhằm làm cho Diễn đàn năng động và hiệu quả hơn.

Nhất trí rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh, lãnh đạo APEC cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác để giảm bớt và tiến tới loại trừ nguy cơ này; đồng thời thông qua các sáng kiến về chống khủng bố.

Các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường mở rộng hợp tác nhằm ngăn chặn dịch bệnh và thiên tai, biến động về năng lượng.

Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố của Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế APEC lần thứ 18, và tuyên bố của các hội nghị cấp bộ trưởng đã diễn ra trong năm.

Hội nghị Lãnh đạo kinh tế APEC 14 là sự kiện quan trọng nhất, kết thúc năm APEC 2006 tại Việt Nam với chủ đề "Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng".

Khoảng 10.000 người đã tham dự các hoạt động trong tuẫn lễ cấp cao APEC. Hơn 2.000 nhà báo trong và ngoài nước tham gia đưa tin về sự kiện này. Bên lề hội nghị, các diễn đàn đầu tư và kinh doanh với Việt Nam đã diễn ra, với tổng giá trị các hợp đồng đầu tư được ký kết nhân dịp này lên tới 2 tỷ USD.

Nền kinh tế đăng cai làm chủ nhà của các hội nghị APEC năm 2007 là Australia.

T. Huyền

  len dau trang
46
Chủ nhật, 19/11/2006, 16:58 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/11/3B9F08D6/

Lãnh đạo APEC diện trang phục truyền thống Việt Nam

Chiều nay, Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14 bế mạc với hình ảnh ấn tượng về bộ trang phục truyền thống của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo mặc bộ áo dài may bằng lụa tơ tằm với họa tiết hoa sen, khi chụp ảnh lưu niệm.

Chủ tịch nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Minh Triết đọc tuyên bố chung của Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14, kết thúc hai ngày nhóm họp tại Hà Nội. Ảnh: AFP.
Nữ thủ tướng New Zealand Helen Clark trò chuyện với người đồng cấp Nhật Bản.
Ảnh: Reuters.
Lãnh đạo và đại diện các nền kinh tế thành viên APEC vỗ tay hoan nghênh tuyên bố chung do Chủ tịch nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Minh Triết đọc. Từ trái qua: Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Donald Tsang, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi. Ảnh: Reuters.
Các nhà lãnh đạo đang trao đổi trước khi đưa ra tuyên bố chung Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14. Hàng trước từ trái qua: Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo , Chủ tịch nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Chile Michelle Bachelet. Hàng sau từ trái qua: Phó tổng thống Peru Luis Giampietri, Tổng thống Mỹ George Bush, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Thủ tướng Australia John Howard trên đường ra nơi chụp ảnh chung. Đi phía sau là Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Ảnh: Reuters.
Sau tuyên bố chung, lãnh đạo và đại diện các nền kinh tế thành viên APEC bước ra khuôn viên bên ngoài Trung tâm hội nghị quốc gia để chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ George Bush và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đứng chờ các nhà lãnh đạo khác vào vị trí để chụp ảnh. Ảnh: Reuters.
Hàng trên từ trái qua: Đại diện nền kinh tế Đài Bắc-Trung Quốc Morris Chang, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Hàng dưới từ trái qua: Thủ tướng Canada Stephen Harper, Quốc vương Brunei Haji Hossanal Bolkiah và Thủ tướng Australia John Howard. Ảnh: AP.
Hàng trên từ trái qua: Tổng thống Mỹ George Bush, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont. Hàng dưới từ trái qua: Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Chile Michelle Bachelet. Ảnh: Reuters.
Lãnh đạo và đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh kỷ niệm trước Trung tâm hội nghị quốc gia Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Đình Chính (st)

  len dau trang
45
Thứ bảy, 18/11/2006, 09:42 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F080E/

Chuyện bên lề tại Trung tâm hội nghị quốc gia

Quan khách, đại biểu tới những nhân viên phục vụ ra vào Trung tâm Hội nghị quốc gia đều phải qua 4 cửa kiểm tra an ninh. Trong đó, một cửa được trang bị hệ thống nhận diện thẻ ra vào. Giờ đến, giờ đi và hình ảnh của mỗi người đều được ghi vào máy tính.

Trên mỗi thẻ ra vào gắn chip để khớp với hệ thống nhận diện thẻ. Khi qua cửa, hệ thống này hiển thị tên và ảnh phóng to của mỗi người trên máy tính nên nhân viên an ninh nhận diện chính xác người ra vào.

Hệ thống thẻ chip kiểm soát ra vào lần đầu tiên xuất hiện ở VN nên gây sự chú ý của nhiều người, nhất là cánh phóng viên. Ai đi qua cửa cũng tò mò ghé mắt vào chiếc máy xem hình ảnh của mình ra sao. Theo một cán bộ an ninh ứng trực, từ khi máy hoạt động, chưa phát hiện trường hợp nào gian lận như đeo thẻ của người khác hoặc mang thẻ giả. Chỉ có một vài trường hợp mang 2 thẻ cùng lúc, những người này buộc phải để một chiếc bên ngoài.

Kiểm tra an ninh. Ảnh: Đoàn Loan

Bên trong Trung tâm Hội nghị quốc gia có hơn 50 cán bộ của Bộ Tư lệnh cảnh vệ ứng trực tại các cửa ra vào. Bao bọc phía ngoài Trung tâm là hơn 300 chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh cảnh vệ và Công an Hà Nội, họ luôn trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Để đảm bảo công tác bảo vệ, Bộ Tư lệnh cảnh vệ đã dựng doanh trại trên đường số 7, phía sau Trung tâm hội nghị.

500 máy tính được đảm bảo an ninh mạng

Toàn bộ máy tính hoạt động tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đều được các kỹ sư của Trung tâm an ninh mạng (BKAV), thuộc Đại học Bách khoa, kiểm soát. Máy chủ giám sát lưu lượng thông tin trao đổi trên mạng của mỗi máy tính. Theo anh Trần Quốc Chính, phụ trách nhóm an ninh mạng, nhóm BKAV đã phát hiện một số máy của phóng viên trao đổi quá nhiều thông tin, có thể gây ách tắc đường truyền. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì phát hiện những người sử dụng đó đang tải các phần mềm hoặc xem phim. Các trường hợp đó đều được nhắc nhở.

Nhóm an ninh mạng còn đảm trách diệt virus từ những máy tính xách tay do phóng viên mang theo. Anh Chính cho hay, trong 5 ngày qua đã phát hiện và ngăn chặn không để lây lan hơn 40 virus các loại. Những virus này cũng được phát hiện bằng máy chủ.

Họp báo tại Trung tâm báo chí
Họp báo tại Trung tâm báo chí. Ảnh: Đoàn Loan

5 cán bộ an ninh mạng luôn túc trực tại Trung tâm hội nghị từ 7h sáng đến 22h để giải quyết các sự cố về máy tính. Tuy nhiên, một số máy tính tại Trung tâm báo chí không được trang bị phần mềm xử lý ảnh nên gây khó khăn cho các phóng viên. Ngoài ra, máy tính tại đây được cài phần mềm deepfreeze, có thể làm mất các file tài liệu đã lưu khi tắt máy tính. Do vậy, các cán bộ kỹ thuật khuyến cáo phóng viên lưu tài liệu trên ổ USB.

Việc cung cấp kênh phát sóng cho hơn 40 hãng truyền hình đưa tin về APEC được Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) đảm trách. Các đài truyền hình phát sóng cả ngày và đêm, thậm chí có kênh truyền trực tiếp nên 30 cán bộ VTI phải ứng trực thường xuyên.

Xe đại biểu chạy đúng từng phút

Tại những hội nghị lớn với hàng trăm đại biểu. Sau khi kết thúc cuộc họp, các đại biểu được thu xếp vào một phòng chờ. Cán bộ điều hành sẽ gọi xe cho từng đoàn qua hệ thống bộ đàm, thời gian từng xe đón khách tại sảnh chỉ cách nhau trong 2 phút.

ảnh
Báo chí nước ngoài phỏng vấn sinh viên tình nguyện. Ảnh: Đoàn Loan

Ngoài số xe riêng phục vụ quan chức, Ban tổ chức còn bố trí 25 xe Shuttle 16 chỗ chuyên đưa đón đại biểu và phóng viên báo chí nước ngoài từ khách sạn đến Trung tâm hội nghị quốc gia. Với những xe Shuttle không có xe cảnh sát dẫn đường nên đi lại rất vất vả bởi thường gặp tắc đường. Do vậy, bộ phận điều hành phải tính toán xe đi từ các khách sạn đến Trung tâm Hội nghị quốc gia trong 1 giờ. Do vậy, cứ cách một giờ lại có xe khởi hành giữa hai địa điểm.

Trước khi diễn ra APEC, tất cả lái xe đều được bổ túc ngoại ngữ và nghi lễ ngoại giao, tập huấn kỹ thuật lái, việc ghép đoàn. Ngoài ra, lái xe còn phải nhớ sơ đồ của từng tuyến đường, điểm dừng, điểm đón. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Trung, lái xe 47 tuổi thuộc Bộ Tư lệnh biên phòng, việc học tiếng Anh chỉ như một cách giới thiệu môn ngoại ngữ này, chúng tôi học mà như không vì rất khó tiếp thu. Tuy nhiên, trên xe đã có sinh viên tình nguyện đi cùng để trao đổi với đại biểu, còn lái xe được tập trung vào chuyên môn.

Say xe vẫn đi làm tình nguyện

Phục vụ cho Hội nghị APEC có hơn 800 tình nguyện viên như những sứ giả ngoại giao thiện chí giới thiệu về đất nước VN. Tình nguyện viên trong vai trò lễ tân hoạt động khá năng động, thái độ cởi mở là cảm nhận của nhiều người khi tiếp chuyện.

Trên những xe trên 4 chỗ đều có sinh viên tình nguyện đi cùng đại biểu. Lê Thanh Thảo, sinh viên khoa Anh, ĐH Hà Nội, cho biết, đi làm tình nguyện phục vụ Hội nghị APEC khá vất vả, thời gian làm việc từ 7h đến 21h. Mỗi ngày, cô phải đi theo 4-5 chuyến xe đi lại khách sạn Nikko và Trung tâm hội nghị quốc gia. Song theo Thảo, được đến một Trung tâm hội nghị lớn là một vinh dự và giao tiếp với người nước ngoài sẽ cho cô thêm nhiều kinh nghiệm. Thế nên, mặc dù say xe nhưng vẫn cố đi làm tình nguyện.

Tuy nhiên, trở ngại của nhiều tình nguyện viên là vốn ngoại ngữ còn hạn chế, chưa được một số đại biểu, phóng viên quốc tế hài lòng. Trao đổi với VnExpress, chị Nuthatai Chotechuang, phóng viên kênh truyền hình Nation (Thái Lan), nhận xét: "Tiếng Anh của nhiều tình nguyên viên, cán bộ Việt Nam chưa thật tốt nên tôi rất khó giải quyết những vấn đề trở ngại khi tác nghiệp. Tuy nhiên, thái độ của họ rất niềm nở, thân thiện".

Đoàn Loan

  len dau trang
44
Chủ nhật, 19/11/2006, 11:41 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F08CB

Chủ tịch nước chiêu đãi các quan chức dự APEC

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chúc rượu các vị lãnh đạo APEC.
Ảnh: TTXVN.
Tối 18/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và phu nhân đã mở tiệc chiêu đãi các nhà lãnh đạo cùng phu nhân, phu quân và các quan chức tham dự APEC 14.
 

Dạ tiệc bắt đầu bằng bộ phim dài 21 phút giới thiệu các lễ hội văn hóa tiêu biểu của các nền kinh tế APEC. Tiếp đó, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã đọc diễn văn chào mừng gần 1.000 khách mời tham dự dạ tiệc.

Trong diễn văn chào mừng, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói: "Tôi hy vọng rằng, những ngày tham dự Hội nghị APEC 14 là dịp quý vị hiểu rõ hơn đất nước, con người Việt Nam; cảm nhận được tiềm năng phong phú, quyết tâm đổi mới và hội nhập của Việt Nam; tình cảm chân thành và lòng mến khách của người dân Việt Nam".

 

Tại dạ tiệc, các vị khách mời đã được mời thưởng thức các món ăn mang hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam và một chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

Các đại biểu cũng đã thưởng thức một số bản giao hưởng của các soạn giả nổi tiếng thế giới và Việt Nam.

(Theo TTXVN, Tuổi Trẻ)

  len dau trang
43
Chủ nhật, 19/11/2006, 11:27 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/11/3B9F08C7/

Tổng thống Bush đi nhà thờ Cửa Bắc

Tổng thống George W. Bush sáng nay tới cầu nguyện ở nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội, trong thời gian chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đoàn xe của ông theo kế hoạch tới nhà thờ lúc 7h40 .

Tổng thống Bush và phu nhân Laura trả lời các phóng viên sau khi cầu nguyện ở nhà thờ Cửa Bắc. Phía đằng sau ông bà là ca đoàn và giáo dân. Ảnh: AP.
Tổng thống Bush và phu nhân Laura trả lời các phóng viên sau khi cầu nguyện ở nhà thờ Cửa Bắc. Đằng sau ông bà là ca đoàn và giáo dân. Ảnh: AP.

Tổng thống Bush, và phu nhân Laura Bush đang ở Việt Nam, cũng tham dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC).

"Tôi muốn xem tổng thống Mỹ", một phụ nữ 63 tuổi đi tập thể dục buổi sáng bên hồ Trúc Bạch gần nhà thờ, nói. "Tôi là người theo đạo Phật, và tôi nghĩ quan hệ giữa các Phật tử và tín đồ Công giáo ở Việt Nam rất tốt".

Nhà thờ Cửa Bắc được xây dựng năm 1927, trong thời Pháp đô hộ Việt Nam.

Tuần vừa rồi, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách "các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo". Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố hoan nghênh quyết định này.

T. Huyền (theo AFP)

  len dau trang
42
Chủ nhật, 19/11/2006, 10:59 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F08C3/

Tâm sự của hai nữ sinh tặng hoa cho Tổng thống Bush

Nữ sinh Phan Thúy Hằng. Ảnh: Dân Trí.
Khi Tổng thống Mỹ cùng phu nhân bước xuống sân bay Nội Bài, có hai cô gái trong tà áo dài trắng và hồng nhạt tiến lên tặng hoa. Hai nữ sinh đó là Phan Thuý Hằng và Phạm Thị Tuyết Hoa, sinh viên CĐ Sư phạm Hà Nội.
 

“Nhóm chúng em có 5 người. Sau bữa sáng lúc 8 giờ ở sân bay Nội Bài, chúng em có gắp thăm để tặng hoa các vị lãnh đạo. Em và Hoa gắp trúng thăm tặng hoa cho Tổng thống G.Bush và phu nhân”, Phan Thuý Hằng, cô nữ sinh 19 tuổi Khoa tiểu học - Cao đẳng sư phạm Hà Nội hào hứng kể lại.

Cô sinh viên đoạt giải nhất cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch” tháng 3 vừa qua của Cao đẳng Sư phạm Hà Nội không giấu cảm xúc vui sướng, vinh dự khi được là một trong hai người lên tặng hoa cho vợ chồng Tổng thống Mỹ G.Bush. Đây là lần đầu tiên trong đời Hằng được gần một vị lãnh đạo cấp cao.

Cô thấy Tổng thống G.Bush và phu nhân thật thân thiện. Họ mỉm cười từ lúc vừa bước ra khỏi chuyên cơ. Sau khi nhận hoa, họ cảm ơn và đã kéo hai bạn vào chụp ảnh cùng. Vì run và bất ngờ quá nên Hằng thú nhận, thậm chí cô chưa kịp nhìn kỹ dung nhan của phu nhân ngài Tổng thống.

Tổng thống Bush và phu nhân cùng 2 nữ sinh Hằng, Hoa. Ảnh: AP
"Em quá bất ngờ", đó là tâm trạng của tân sinh viên Phạm Thị Tuyết Hoa, lớp trưởng lớp K13A. Tuy mới nhập học 3 tháng nhưng Hoa là một trong những gương mặt được thày cô chú ý trong Khoa tiểu học. Hoa có gương mặt xinh đẹp và khả năng tiếp thu nhanh nhạy. Nhà Hoa ở phố Khâm Thiên nhưng bố mẹ đều làm gốm bên Bát Tràng. Hoa là con thứ út trong gia đình có 2 anh em.

Đối với Hoa, APEC là sự kiện trọng đại và cô vui mừng được tham gia với vai trò người tặng hoa cho các vị lãnh đạo cấp cao tại sân bay. Chọn tà áo dài màu trắng thanh thoát, trang điểm thật đẹp, Hoa đã háo hức từ đêm hôm trước khi nghĩ đến “trọng trách” của mình vào ngày hôm sau.

“Em cảm thấy quá bất ngờ vì sự thân thiện của Tổng thống Bush và phu nhân. Em cứ nghĩ, tặng hoa xong chúng em sẽ phải lui ra ngoài, dành chỗ cho các vị cấp cao khác. Nhưng Tổng thống và phu nhân đã kéo chúng em lại chụp ảnh với thái độ khá thân mật”, Hoa nói. Thời gian tặng hoa chỉ kéo dài khoảng 2 phút nhưng đối với cô có ý nghĩa rất lớn. Cô và những người bạn của mình ý thức được niềm vinh dự này.

Hoa cũng cho biết thêm, ngày 16/11, cô cùng bạn Thanh trong nhóm với tư cách lễ tân đã tham gia đón tiếp, tặng hoa Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và phu nhân.

Sau khi Tổng thống G. Bush cùng phu nhân lên chiếc xe Cadilac Once đen bóng, Hoa cùng các bạn trở lại chỗ nhà chờ ở khu sân bay để nghỉ ngơi và đợi để đón tiếp đoàn nước khác. Trưa đó trên đường về nhà, Hoa có cảm giác lâng lâng khó tả. Hoa hãnh diện: “Bố mẹ em xem thời sự buổi trưa hôm qua, thấy con gái lên tặng hoa cho Tổng thống Bush, vui quá, khoe với hết hàng xóm".

(Theo Dân Trí)

  len dau trang
41
Chủ nhật, 19/11/2006, 10:51 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2006/11/3B9F08BA/

'Giai điệu hòa bình' nối liền những trái tim

Đêm nhạc diễn ra vào tối qua (18/11) tại Cung hữu nghị Hà Nội nhằm chào mừng hội nghị APEC. Trùng với tiệc chiêu đãi Gala Dinner do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân chủ trì, đêm diễn thiếu nhiều gương mặt đại biểu tham dự. Dù thế, "Giai điệu hòa bình" đã tấu lên những giai điệu ngọt ngào.

Mỗi nền văn hóa được tôn vinh qua từng lời ca tiếng hát, lấp đầy khoảng cách không gian, địa lý giữa các quốc gia... Sự góp mặt của nhạc trưởng người Anh Graham Sutcliffe với tài chỉ huy dàn nhạc tinh tế đã góp phần vào thành công của đêm diễn. Liên khúc dàn hợp xướng 40 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia đem đến cho người xem ấn tượng về một đêm nhạc hoàng tráng, độc đáo. Đó là khí thế hào hùng gắn liền hình ảnh người dân đất Hà thành anh dũng (Hà Nội niềm tin và hy vọng), là làng quê miền Bắc yên bình với cánh cò bay lả bay la qua Liên khúc 3 miền (Dòng sông một bờ - ca Huế; Vọng nguyệt - dân ca Bắc bộ; Múa mâm vàng - dân ca Nam bộ) được phối khí ướp đầy không khí tươi mới world music của nhạc sĩ Quốc Trung.
 

DaÌn hõòp xýpwngs
Cùng tấu lên những "Giai điệu hòa bình". Ảnh: T.H.

Nghệ sĩ Đường Bội Châu đến từ đất nước của kỳ quan Vạn lý trường thành góp mặt vào đêm diễn bằng hai ca khúc mang âm hưởng dân ca Trung Quốc: Đại địa phi ca và Chỉ có sơn ca tặng người thân (tác giả Từ Bội Đông). Vị khách mời Đàm Quốc Vĩ (Trung Quốc) lại mang tới không gian âm nhạc mới mẻ khi thể hiện tài năng độc tấu khèn. Không khí như được đốt nóng với màn biểu diễn sống động của Hồ Quỳnh Hương với Son môi hồng - một ca khúc đang hot trong giới trẻ ở xứ sở kim chi. Eleanor Clapham, cô sinh viên Đại học Khoa học xã hội Nhân văn có cái tên tiếng Việt rất đẹp - Hoàng Lan - khiến cả khán phòng ngạc nhiên thích thú khi trình bày mạch lạc và rất cảm xúc bài dân ca nổi tiếng của Việt Nam Qua cầu gió bay. Anh Khoa thổi lửa cho đêm diễn tối qua bằng chính ca khúc giúp anh ghi điểm và đoạt giải nhất cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn: Ra khơi.
 

Cô gái phương Tây hát bài dân ca Việt. Ảnh: T.H.

Hơn 2 tiếng, Giai điệu hòa bình kết thúc với tiếng vỗ tay tràn ngập tình hữu nghị, chìm đắm trong âm nhạc thân ái của We are the world. Sẽ là một đêm đại nhạc hội hoàn hảo nếu tối qua các ca sĩ tham gia chương trình không phải hát lip-sync (có lẽ vì để đảm bảo âm thanh khi truyền hình trực tiếp), khiến khán giả phải chứng kiến nhiều hình ảnh phản cảm vì "đớp" trật lời.

B.L.

  len dau trang
40
Chủ nhật, 19/11/2006, 09:34 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/11/3B9F08C0/ 

Ảnh Tổng thống Nga Putin tại Việt Nam

Trưa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt chân tới Hà Nội tham dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14 và thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai. Dưới đây là những hình ảnh về các hoạt động đầu tiên của ông tại Hà Nội.
> Tổng thống Putin thăm ngân hàng Việt - Nga 

Tổng thống Nga Vladimir Putin bước ra khỏi chiếc chuyên cơ tại sân bay Nội Bài vào trưa qua, chỉ ít giờ trước khi khai mạc Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14. Ảnh: AP.
Ông nhanh chóng ngồi vào chiếc limousine bọc thép để về trung tâm Hà Nội dự họp. Ảnh AP.
Tổng thống Nga vui vẻ vẫy chào mọi người khi tới Trung tâm hội nghị quốc gia, trước giờ khai mạc Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14. Ảnh: AP.
Chủ tịch nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Minh Triết đón Tổng thống Nga Putin tại sảnh hội nghị. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Putin trong phiên họp hẹp đầu tiên của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC. Ảnh: AP.
Bên lề hội nghị APEC, tổng thống Nga thực hiện một số cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên khác. Trong ảnh ông Putin đang bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ảnh: AP.
Nhà lãnh đạo Nga tiếp xúc song phương với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, bên lề hội nghị APEC. Ảnh: AP.
Tổng thống Nga Putin ký tặng một số người sau khi kết thúc phiên họp với các nhà lãnh đạo. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Putin (giữa) cùng Tổng thống Mỹ Bush (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong trang phục truyền thống của Việt Nam tiến ra khu vực chụp ảnh lưu niệm, bế mạc Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14. Ảnh: Reuters.

Đình Chính (st)

  len dau trang
39
Chủ nhật, 19/11/2006, 12:54 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F08CF/ 

Tổng thống Putin thăm Ngân hàng Việt - Nga

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC chiều nay, dự kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến thăm Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga(VRB), dấu mốc hợp tác song phương giữa hai quốc gia trong lĩnh vực ngân hàng.
> Những thương vụ lịch sử chờ ký kết

Ông Putin có mặt ở Hà Nội từ trưa qua để tham dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14 và thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai.

Đây là lần thứ hai ông Putin đến Việt Nam.
Ảnh: Phan Thông.

Sáng mai, Tổng thống Nga sẽ đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, lễ đón chính thức sẽ diễn ra tại Phủ chủ tịch. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiến hành hội đàm trong vòng 1 tiếng, trước khi chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước.

Chiều cùng ngày, ông Putin sẽ có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.

Lễ khai trương Ngân hàng liên doanh Việt - Nga sáng 19/11. ẢNh: Thanh Thuỷ
Lễ khai trương Ngân hàng liên doanh Việt - Nga sáng 19/11. Ảnh: Thanh Thuỷ.

Lần thăm lại Việt Nam của Tổng thống Putin được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga M.Phratcov hồi tháng 2 năm nay, hai bên đã nhất trí xúc tiến thành lập một ngân hàng liên doanh để thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.

Ngân hàng Việt - Nga VRB (liên doanh giữa Ngân hàng Ngoại thương Nga và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) được cấp phép hoạt động vài tuần trước và hôm nay chính thức khai trương nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin. VRB sẽ đáp đáp ứng nhu cầu giao thương, tạo kênh thanh toán thông suốt hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp 2 nước. Trong 10 năm trở lại đây, VRB là ngân hàng liên doanh duy nhất được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. VRB

Sau lễ đón chính thức sáng mai, ông Putin cũng sẽ chứng kiến lễ ký thoả thuận hợp tác giữa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Tiết kiệm Nga.

Ngoài việc tham dự APEC và thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Nga sẽ tiến hành các cuộc gặp song phương bên lề. Tại hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Bush, hai bên dự kiến ra tuyên bố chính thức về việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Ông Putin cũng đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, hội đàm lần đầu tiên với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và gặp Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun.

Song Linh

  len dau trang
38
Chủ nhật, 19/11/2006, 07:31 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F08AC/

Thị trường chứng khoán sẽ lên điểm nhờ Tổng thống Bush 

Theo lịch trình, 9h ngày 20/11, Tổng thống Mỹ sẽ tới thăm Trung tâm chứng khoán TP HCM và gặp gỡ bàn tròn với 5 doanh nghiệp VN. Sự kiện này được giới đầu tư trong nước đánh giá là tác nhân kích thích thị trường chứng khoán VN.

Năm vị lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tham dự cuộc gặp gỡ bàn tròn với ông Bush gồm: ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển đầu tư công nghệ FPT; ông Đặng Thành Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần khu công nghiệp Tân Tạo; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE; CEO Nguyễn Quốc Khanh của Công ty trang trí nội thất IA Collection và Tổng giám đốc Công ty Toàn Mỹ Lê Thị Phương Thuỷ. Tham dự còn có 6 viên chức Mỹ và một số doanh nghiệp nước này.

Nhiều nhà đầu tư trẻ đổ xô vào sàn giao dịch chứng khoán. Ảnh: tintuc.ethitruong.com.

Động thái chọn Trung tâm chứng khoán làm điểm ghé thăm của Tổng thống Mỹ được các doanh nghiệp cho là dấu hiệu giới đầu tư Mỹ đang nhắm đến lĩnh vực nhiều tiềm năng này của VN.

"Đây sẽ là cơ hội tiếp thị, gọi vốn thêm cho các công ty đã niêm yết và chuẩn bị niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán", ông Đặng Thành Tâm nhấn mạnh khi trao đổi với VnExpress. Ông Tâm cũng kỳ vọng rằng thị trường chứng khoán VN nói chung và TP HCM nói riêng sẽ phát triển mạnh sau chuyến thăm lịch sử này.

Ông Tâm cho biết sẽ đệ trình lên Tổng thống Bush băn khoăn của nhiều doanh nghiệp VN chứ không chỉ riêng ông, là liệu Mỹ sẽ làm cách nào để biến tuyên bố "VN là đối tác kinh tế chiến lược của Mỹ" thành hiện thực.

Trong khi đó, Tổng giám đốc IA Collection Nguyễn Quốc Khanh lại cho rằng, hơn hết vẫn là việc đề nghị Mỹ sớm thông qua PNTR với VN. "Hiện nay vì thiếu Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn nên các doanh nghiệp Việt - Mỹ phải làm việc, trao đổi kinh doanh thông qua những đối tác trung gian của nền kinh tế khác. Tình hình này khiến chúng tôi rất mất thời gian, tốn thêm chi phí, giảm hiệu quả đầu tư", ông Khanh nói.  

Theo lịch trình, Tổng thống Bush dành 15 phút để tham quan sàn giao dịch chứng khoán TP HCM. Sau đó, ông ngồi vào bàn tròn doanh nghiệp Việt - Mỹ để lắng nghe tâm tư của 11 nhà kinh doanh cả hai nước trong vòng 1 tiếng đồng hồ.

19h25 ngày 19/11, chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Bush sẽ đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bắt đầu một ngày rưỡi làm việc của ông tại TP HCM. Ngoại trưởng Condoleezza Rice cũng có mặt trong đoàn.

Phan Anh - Ánh Hồng

  len dau trang
37
Thứ bảy, 18/11/2006, 17:37 GMT+
www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F08B4/

Hợp tác kinh tế là ưu tiên hàng đầu của ASEAN và Mỹ

Tổng thống Bush gặp các nhà lãnh đạo ASEAN. Ảnh: AP.

Sáng nay, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc gặp giữa lãnh đạo các nước Đông Nam Á là thành viên APEC và Mỹ để bàn thảo về các vấn đề quan tâm như WTO, an ninh năng lượng, khủng bố và hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo cam kết, thời gian tới sẽ ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại.

Thời gian qua, quan hệ giữa các nước trong khu vực ASEAN và Mỹ đã có những tiến triển quan trọng, cả về song phương và đa phương. Các nhà lãnh đạo thống nhất trong thời gian tới, cần ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các nước trong khu vực và Mỹ, khuyến khích sự tham gia sâu rộng của giới doanh nghiệp và khu vực tư nhân.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc Mỹ sẽ dành cho các nước trong khu vực sự giúp đỡ thiết thực, nhất là về chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và xây dựng năng lực quốc gia, khu vực để đối phó có hiệu quả với những thách thức về thiên tai, dịch bệnh, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia...

Tại cuộc gặp hôm nay, Tổng thống Mỹ George Bush khẳng định, ủng hộ vai trò chủ đạo của các nước Đông Nam Á trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình và phát triển ở khu vực.

Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo chúc mừng Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cam kết Việt Nam sẽ đóng góp cho nỗ lực chung, sớm đưa vòng đàm phán Doha trở lại và kết thúc thành công. 

Bảy nhà lãnh đạo Đông Nam Á tham dự cuộc họp sáng nay gồm Quốc vương Brunei, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Philippines, Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch nước Việt Nam.

Việt Anh

  len dau trang
36
Thứ bảy, 18/11/2006, 08:45 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2006/11/3B9F0845/

Thày thuốc trực APEC

Một tình huống diễn tập y tế phục vụ APEC. Ảnh: T.T.

Đã 6 ngày nay, bác sĩ Vũ Đức Định không về nhà. Ông cùng 4 người nữa trong tổ y tế trường trực có mặt 24/24h tại khách sạn Sofitel, một trong những nơi ở của đại biểu APEC. Cũng như hàng trăm nhân viên y tế khác, thời gian diễn ra APEC đối với ông giống như một chuyến công tác xa.

Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Vụ phó vụ Điều trị, Bộ Y tế, cho biết 16 khách sạn có các đoàn đại biểu APEC đều có tổ y tế thường trực suốt trong những ngày hội nghị diễn ra, mỗi tổ khoảng 5-7 người, bao gồm ít nhất 2 bác sĩ và các y tá, điều dưỡng viên, lái xe. Họ mang theo xe cấp cứu chuyên dụng và đầy đủ thuốc men, dụng cụ, thiết bị y tế để sẵn sàng chăm sóc, cứu chữa khi có người đổ bệnh.

Bác sĩ Vũ Đức Định, công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện E (Hà Nội), cũng là một trong số đó. Ông là trưởng tổ y tế 5 người, thường trực ở khách sạn Sofitel từ chiều 11/11, khi những vị khách đầu tiên có mặt. Họ sẽ ở đó cho đến khi đại biểu cuối cùng đã đi.

Ông Định cho biết, từ hôm 11/11 đến nay, mỗi ngày tổ y tế của ông xử lý cấp cứu, điều trị cho khoảng 4-5 bệnh nhân, trong đó có một số đại biểu người nước ngoài, đến từ Nga, Mỹ. Đến nay chưa có ca bệnh nào trầm trọng, chủ yếu là các trường hợp tăng huyết áp do cường độ làm việc căng thẳng, sốt, ho, cảm cúm do không quen với thời tiết.

Khi được hỏi cảm tưởng về nhiệm vụ đặc biệt này, bác sĩ Định nói: “Vinh dự nhưng cũng khá căng thẳng. Đây là một sự kiện quan trọng, nên sức ép của trách nhiệm là rất cao, lúc nào cũng phải chú ý để không xảy ra sai sót”.

Cũng làm nhiệm vụ tương tự như ông Định là bác sĩ Vũ Mạnh Hồng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, nay thường trực tại khách sạn Melia cùng 6 người khác. Ông cho biết ngoài các đại biểu nước ngoài bị viêm phế quản, ông còn điều trị cho những người cảnh vệ bị cảm do quá mệt sau những ca trực đêm. “Bản thân chúng tôi cũng cố giữ sức kho ẻ. Tuy không nhiều việc nhưng cũng rất mệt vì các đại biểu APEC làm việc thông tầm, hầu như không nghỉ trưa như mình. Đội y tế thay nhau ăn uống, tối thay nhau trực. Những người không trực cũng khoảng 11h mới đi ngủ” - bác sĩ Hồng cho biết.

Thày thuốc có mặt mọi nơi

Không chỉ túc trực ở khách sạn, các nhân viên y tế còn có mặt thường xuyên tại các điểm diễn ra hội nghị, đặc biệt là ở Trung tâm hội nghị quốc gia. Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, người trực tiếp điều phối công tác y tế tại APEC, cho biết ông và các thày thuốc khác có mặt lúc 7h sáng, 1 tiếng trước khi hội nghị bắt đầu. Tuy nhiên, từ 6h sáng, điện thoại của ông đã reo bởi nhiều người muốn hỏi về công việc hoặc báo cáo tình hình. Khoảng 10 giờ đêm ông mới có mặt ở nhà nhưng chuông điện thoại thì vẫn reo sau đó.

Ngoài việc theo dõi chỉ đạo các tổ y tế ở khách sạn, bố trí y bác sĩ đón khách ở sân bay và chăm sóc cho những đại biểu có vấn đề sức khoẻ ngay khi họ đặt chân đến Việt Nam, Bộ Y tế còn có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho bữa ăn của các đại biểu. Thức ăn cho APEC được lưu mẫu từ khâu nguyên liệu cho đến thành phẩm, các công đoạn mua bán, chuyên chở, chế biến đều được giám sát chặt. Từng cái bát, đôi đũa, từng đôi găng tay, khẩu trang của nhân viên phục vụ đều được kiểm tra kỹ.

“Thức ăn chế biến xong, những người chỉ đạo như tôi và Giám đốc Sở Y tế Hà Nội còn đích thân nếm thử” – ông Khuê nói. Ông rất phấn khởi vì bữa tiệc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tổ chức trưa 16/11 tại Văn Miếu với lượng khách trên 800 người đã rất thành công.

Sau buổi tiệc đó, các nhân viên y tế lại chuẩn bị cho buổi tiệc ngày 18/11 tại Trung tâm hội nghị quốc gia, do Chủ tịch nước mời lãnh đạo các nền kinh tế và các đại biểu APEC. Để đảm bảo an toàn và ngon miệng cho hàng nghìn khách, y tế đã có khoảng 50 người tham gia công việc này, chẳng hạn như kiểm tra nguồn thực phẩm, điều đình với cảnh vệ để có thể làm thủ tục đưa thực phẩm vào một cách nhanh nhất nhằm giữ sự tươi ngon, giám sát khâu nấu nướng, bày biện… và sẵn sàng cấp cứu nếu có sự cố.

“An toàn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ nên tôi tin tất cả đại biểu APEC có sức khỏe tốt khi ở Việt Nam” – ông Khuê nói.

Hải Hà

  len dau trang
35
Thứ bảy, 18/11/2006, 11:11 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Oto-Xe-may/2006/11/3B9F0864/

General Motors quyết vượt Toyota ở châu Á

Nhân dịp tham dự Hội nghị các Tổng Giám đốc doanh nghiệp APEC tại Hà Nội ngày 17/11, General Motors công bố tham vọng chiếm 10% thị phần ôtô tại châu Á vào 2010 và vượt qua kình địch Toyota. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia là những thị trường chiến lược.

Tổng Giám đốc GM châu Á Thái Bình Dương, Nick Reilly, cho biết doanh số của hãng trong năm nay tại thị trường châu Á có thể đạt 1,3 triệu xe, chiếm 6,5% thị phần và hai phần ba số xe bán ra là ở Trung Quốc. Năm ngoái, lần đầu tiên GM vượt qua ngưỡng 1 triệu xe, chiếm 5,7% thị phần.

Nick Reilly (trái) cùng nguyên Tổng Giám đốc WTO. Ảnh: AP.
Nick Reilly (phải) cùng nguyên Tổng Giám đốc WTO Supachai Panitchpakdi điều khiển phiên họp ngày hôm qua. Ảnh: AP.

Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, GM còn tập trung vào Hàn Quốc và Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia và Indonesia. "Chúng tôi hy vọng có thể tăng thị phần của mình từ 6,5% và lên 10% trong 5 năm tới", Nick Reilly nói. Ngoài ra, ông còn dự đoán trong 10 năm tới, Trung Quốc có thể sẽ là thị trường ôtô lớn nhất thế giới, vượt cả Mỹ và để thắng thế ở châu Á Thái Bình Dương, GM phải thắng ở Trung Quốc.

*CEO các hãng xe lớn quy tụ ở Việt Nam 
*Kiểm tra an ninh xe APEC
*Xe Expedition cho APEC
*E-class - xe cho lãnh đạo APEC

Hiện tại, do những khó khăn về tài chính ở Mỹ mà GM đang cố gắng giảm bớt mức lỗ nhờ Trung Quốc, thị trường ôtô lớn thứ ba thế giới. Đồng thời, nhà sản xuất số một thế giới này còn tìm kiếm các đối tác khác ở châu Á để chuyển giao công nghệ.

Theo kế hoạch giai đoạn 2004-2007, GM đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào Trung Quốc. Nhờ đó, năm ngoái, hãng này chính thức vượt qua đại kình địch Volkswagen để trở thành nhà sản xuất nước ngoài số một ở đất nước đông dân nhất. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường lớn thứ hai của GM sau Mỹ. Reilly cho biết GM hiện có 6 nhà máy liên doanh ở Trung Quốc, đang mở rộng sản xuất và phát triển thương hiệu. Dự kiến, GM sẽ đưa các mẫu xe Chevrolet và nâng số lượng đại lý lên cao hơn.

Tại Ấn Độ, GM vẫn đóng vai trò rất yếu và Reilly hy vọng doanh số của hãng sẽ tăng nhanh hơn khi nhà máy mới đi vào hoạt động năm 2008. Khi ấy, sản lượng của GM có thể đạt 240.000 xe, gấp gần 4 lần so với mức 65.000 chiếc như hiện nay. GM không có kế hoạch mở thêm liên doanh và khá hài lòng khi xe hạng nhỏ rất được yêu thích. "Chúng tôi sẽ tập trung vào phân khúc xe hạng nhỏ bởi chúng rất thích hợp với thị trường này, ít nhất cho đến giờ", Reilly nói.

Tại Hàn Quốc, GM hoàn toàn hài lòng và hy vọng nâng thị phần lên 15% từ 11%. Hiện GM đang cố gắng xây dựng kế hoạch nâng doanh số tại Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia, nước có sức tiêu thụ xe 5 chỗ lớn nhất khu vực. Ngoài ra, Indonesia cũng nằm trong kế hoạch nhưng người đứng đầu GM khu vực này không đề cập tới Việt Nam.

Nick Reilly cho biết thị trường châu Á Thái Bình Dương hiện chiếm khoảng một phần năm doanh số hằng năm của GM và là nơi có tốc tộ tăng trưởng cao nhất thế giới. Khi nâng cao sức mạnh, GM có thể đối chọi được với các nhà sản xuất Nhật Bản như Toyota, hãng đang cố gắng chiếm ngôi vị số một từ tay GM

"Ở châu Á Thái Bình Dương, Toyota đang dẫn đầu do hãng này rất mạnh ở Nhật. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nâng gấp đôi thị phần vào 3 năm tới nhờ những kế hoạch hợp lý. Và như vậy, Toyota khó có thể giữ được vị thế của mình", Reilly tự tin tuyên bố.

Trọng Nghiệp (theo AP)

  len dau trang
34
Thứ bảy, 18/11/2006, 11:54 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Vi-tinh/2006/11/3B9F089B/

Microsoft chọn FPT là đối tác chiến lược đầu tiên ở ĐNÁ

Trong khuôn khổ thỏa thuận liên minh với thời hạn 3 năm được ký kết sáng nay tại Hà Nội, hãng phần mềm khồng lồ đến từ Mỹ và tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc cung cấp các giải pháp chất lượng cao cho doanh nghiệp nội địa và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng giám đốc Microsoft Đông Nam Á Chist Atkinson (trái) với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Đứng giữa là Tổng giám đốc chiến lược và công nghệ của Microsoft Craig Mundie. Ảnh: Minh Hồng.
Giám đốc Microsoft Đông Nam Á Chris Atkinson (trái) với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Đứng giữa là Tổng giám đốc chiến lược và công nghệ của Microsoft Craig Mundie.
Ảnh: Minh Hồng.

Một trong những điểm quan trọng trong sự hợp tác giữa Microsoft với FPT là việc tận dụng các cơ hội chuyển đổi từ hạ tầng doanh nghiệp độc quyền sang nền tảng Windows Server 2003. Đặc biệt, Microsoft sẽ hỗ trợ FPT xây dựng đội ngũ kỹ sư đáp ứng những công nghệ mới nhất của hãng này. Hai bên đã thành lập Trung tâm năng lực (MMC), tập trung vào các kỹ thuật nổi tiếng của Microsoft như .NET, Dynamics và các giải pháp cộng tác nhân lực thông tin IWCT (Information Worker Collaborative Technologies). Đã có 600 chuyên viên của FPT được đào tạo một cách bài bản bởi những chuyên gia hàng đầu của Microsoft và nhiều người trong số này đã đạt được những chứng chỉ được công nhận.

“Trong khu vực không có nhiều doanh nghiệp đủ lớn về quy mô và năng lực công nghệ”, Giám đốc Microsoft khu vực Đông Nam Á Chris Atkinson nói. “FPT là công ty công nghệ rất mạnh ở VN. Việc hợp tác với họ sẽ giúp cả hai bên mở rộng cung cấp các giá trị sáng tạo trong vùng”.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FPT, ông Trương Gia Bình, cho biết: “Chúng tôi đã tạo dựng được nguồn lực dồi dào để phục vụ cho các sản phẩm Microsoft Dynamics và hội đủ điều kiện để thúc đẩy ứng dụng quy hoạch nguồn lực doanh nghiệp ERP tại Việt Nam”.

Ngoài các hoạt động chuyển đổi giải pháp và hạ tầng, Microsoft sẽ cùng FPT xây dựng kỹ năng quản lý hạ tầng và liên thông chính phủ, tạo thêm cơ hội cho FPT mở rộng dịch vụ tại châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt hãng phần mềm hàng đầu của Mỹ sẽ hỗ trợ đối tác Việt Nam của mình xây dựng và đưa giáo trình công nghệ Microsoft vào giảng dạy tại Đại học FPT.

Có mặt tại Việt Nam để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các giám đốc doanh nghiệp APEC, Tổng giám đốc chiến lược và công nghệ của Microsoft Craig Mundie phát biểu: “FPT là một ví dụ điển hình cho tiềm năng phát triển và xuất khẩu các sản phẩm sở hữu trí tuệ của ngành công nghệ thông tin Việt Nam”. Cũng theo nhân vật quan trọng số 3 của Microsoft, Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và những sự hợp tác của Microsoft với các đối tác như FPT sẽ khuyến khích sáng tạo công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu và góp phần thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

P.K.

  len dau trang
33
Thứ bảy, 18/11/2006, 16:24 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2006/11/3B9F08AD/

Ảnh chuyến thăm Văn Miếu của phu nhân lãnh đạo APEC

Sáng nay, tại Hà Nội, phu nhân, phu quân của lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã tới thăm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đoàn gồm 11 người, do bà Trần Thị Kim Chi, phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, dẫn đầu.  

Bà Trần Thị Kim Chi, phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hướng dẫn các vị phu nhân, phu quân đi thăm di tích. Ảnh:
Bà Trần Thị Kim Chi (phải) mời các vị phu nhân, phu quân đi thăm di tích. Ảnh: Reuters.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Laura Bush (phải) và bà Akie, phu nhân của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) cùng vợ các vị lãnh đạo khác lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về khu di tích. Ảnh: AP.
Các vị phu nhân, phu quân chụp ảnh trước Khuê Văn Các. Ảnh: Reuters.
Các vị khách quý chiêm ngưỡng những đường nét kiến trúc và hiện vật trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: AP.
Janette Howard, phu nhân Thủ tướng Australia (phải) trao đổi với Laura Bush, phu nhân Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters.

Y.P. (st)

  len dau trang
@@
Thứ ba, 21/11/2006, 16:17 GMT+7
www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F0517/

Vietnam Airlines nâng chuẩn tiếp viên

Điểm yếu nhất của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, theo điều tra của Tổ chức nghiên cứu xếp hạng hàng không Skytrax (Anh) là khả năng ngôn ngữ, giao tiếp với khách chỉ đạt hạng 3 sao, tương đương với mức trung bình.
> Vietnam Airlines tai tiếng với việc tuyển tiếp viên

Nâng cao chất lượng phục vụ khách là một biện pháp cạnh tranh.
Ảnh: H.H.

Tuy kết quả xếp hạng của Skytrax cho thấy chất lượng phục vụ của đội tiếp viên VNA đã vượt năm trước 6 bậc, nhưng khả năng phục vụ khách hạng thương gia (C) chỉ đứng thứ 39, phục vụ khách hạng thường (Y) đứng thứ 38 trên tổng số 66 hãng được xếp hạng. Trong khi đó các đối thủ láng giềng như Thai Airways, Malaysia Airlines, Singapore Airlines, China Airlines đều lọt vào top 10.

Đội ngũ tiếp viên của VNA gồm 1.600 người và hơn 200 nhân viên mặt đất, phục vụ hơn 13 triệu lượt hành khách. Hãng dự định sẽ tăng thêm 200 người vào cuối năm nay.

Các hãng hàng không như Korean Air, Malaysia Airlines, China Airlines có trường đào tạo tiếp viên riêng, ứng viên có độ tuổi 20-21, tiếng Anh giao tiếp tốt, trình độ văn hóa từ cao đẳng trở lên.

Khả năng phục vụ chưa cao, theo bà Trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airlines Nguyễn Minh Hà, xuất phát một phần từ thực tế đầu vào của tiếp viên hàng không quá thấp. Thông thường, nam nữ chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học, 18 tuổi trở lên, trình độ ngoại ngữ 225 điểm Toeic, đảm bảo yêu cầu về chiều cao, sức khỏe, là đủ tiêu chuẩn. Sau 3 tháng đào tạo về an toàn bay và kỹ năng giao tiếp là các bạn trẻ bắt đầu tham gia phục vụ khách trên các chuyến bay.

Bà Hà thừa nhận phải đạt tối thiểu 450 điểm Toeic mới có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh, mức 225 điểm là quá thấp. Để khắc phục tình trạng tiếp viên yếu ngoại ngữ, VNA chấp nhận cả phương án tuyển tiếp viên vào sau đó tiếp tục đào tạo thêm. Tuy nhiên, thời gian vài ba tháng dường như không cải thiện được tình hình.

Nhiều tiếp viên cũng chịu khó tìm gia sư luyện thêm vào giờ rảnh rỗi nhưng kết quả rất hạn chế. Có gia sư hỏi: "Tiếng Anh thế này thì em làm sao giao tiếp được trên máy bay", cô học trò hồn nhiên trả lời: "Câu nào dễ em nói, câu nào khó nhờ đồng nghiệp nói giúp". Tiếp viên kém ngoại ngữ thường ngại giao tiếp với khách và đây là một lý do họ bị đánh giá là không thân thiện. Mới đây, Vietnam Airlines đã nâng yêu cầu tiếng Anh đầu vào khi tuyển tiếp viên lên 400 điểm Toeic.

Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines đang tính chuyện tăng độ tuổi tuyển dụng lên ít nhất 20 tuổi. Theo bà Hà, nhiều em mới tốt nghiệp phổ thông trung học còn quá non nớt trong giao tiếp, thiếu kiến thức, kinh nghiệm xã hội để có thể giao tiếp với hàng triệu khách hàng. Tuy có đào tạo nhưng 3 tháng không đủ để trang bị cho nhiều em sự tự tin. "Nụ cười tưởng dễ nhưng nếu không xuất phát từ trái tim, từ sự tự tin, hiểu biết thì nó lại trở thành vô cùng khó", một tiếp viên đã giải nghệ tâm sự.

Tiêu chuẩn về ngoại hình cũng được xem xét điều chỉnh. Trước đây chỉ cần nữ có chiều cao 1,58 m và nam 1,68 m, nhưng nay Vietnam Airlines đã thuê, mua nhiều máy bay mới cỡ lớn, chiều cao từ sàn tới hộc để hành lý cao hơn máy bay cũ rất nhiều.

"Để nâng cao chất lượng phục vụ khách, chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo hãng cho phép thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo thay vì tự làm như hiện nay", bà Hà cho hay.

Riêng về kỷ luật lao động, Vietnam Airlines tuyên bố sẽ sa thải bất cứ tiếp viên nào bị phát hiện buôn lậu trong quá trình tham gia các chuyến bay quốc tế. Gần đây nhất là trường hợp của tiếp viên Lưu Thị Liên bị hải quan Australia phạt do buôn lậu thuốc lá.

Bà Hà cho biết chế độ đãi ngộ với tiếp viên chưa hẳn là cao nhưng đã tốt hơn trước rất nhiều. Nếu một tiếp viên bay đủ định mức 80-90 giờ một tháng thì mỗi tháng họ thu nhập khoảng 12 triệu đồng.

Việt Phong

Ý kiến của bạn?
  len dau trang


bosung: 18.01.2007 00:06