xuong cuoitrang

32
Thứ bảy, 18/11/2006, 13:20 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F0898/

Phó chủ tịch Citigroup quét vôi tường

Gọn gàng trong bộ đồ áo phông, quần kaki, giày thể thao, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Citigroup William Rhodes cùng các quan chức cao cấp của tập đoàn rất vui vẻ cầm chổi quét vôi tường, sơn cửa tại Trung tâm Dạy nghề và dịch vụ việc làm Thanh Niên Hà Nội.

Các doanh nhân Mỹ quét vôi, sơn cửa. Ảnh: V.P.

Sáng nay, đoàn doanh nhân Citigroup sang VN tham dự Hội nghị cấp cao APEC tham gia "Ngày hoạt động vì cộng đồng". Cũng xắn tay áo lao động như các học viên của Trung tâm Dạy nghề và dịch vụ việc làm Thanh Niên Hà Nội, ông William Rhodes vã mồ hôi, vôi bắn cả lên quần áo, giày. Cùng sơn cửa, quét vôi như ông còn có Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư và hợp tác châu Á - Thái Bình Dương Robert Morse, Chủ tịch Ngân hàng đầu tư và hợp tác khu vực Đông Nam Á Catherine Weir, Tổng giám đốc Citigroup VN Charly Madan.

Các doanh nhân cũng dành thời gian nói chuyện cởi mở với các em học sinh. William Rhodes cho hay thông qua hoạt động này, ông muốn gửi thông điệp tới các bạn trẻ VN là cần cù siêng năng học tập, lao động rồi sẽ thành công.

"Ngày hoạt động vì cộng đồng" là một trong những hoạt động xã hội thường niên của Citigroup trên toàn thế giới với sự tham gia của hơn 40.000 nhân viên ở trên 100 nước trên thế giới.

Việt Phong

  len dau trang
31
Thứ bảy, 18/11/2006, 16:11 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F08B0/

Ngoại trưởng Mỹ giao lưu với CEO APEC

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice. Ảnh: AP.

“Tôi có mặt tại Hà Nội 3 thập kỷ sau cuộc chiến tranh đáng buồn giữa hai đất nước. 30 năm trước, ai nghĩ rằng người Mỹ có thể tham gia một sự kiện quan trọng nhường này ở Việt Nam, để phát biểu về tự do thương mại và hợp tác phát triển”, bà Condoleezza Rice phát biểu tại CEO Summit chiều nay.
> Hà Nội chật cứng chuyên cơ của các CEO quốc tế

Việt Nam là một câu chuyện kỳ diệu, một đất nước tươi đẹp. Vị nữ ngoại trưởng da màu duyên dáng nhấn mạnh điều này, coi đó như minh chứng về nỗ lực xử lý khác biệt trong quá khứ để hướng tới tương lai. Theo bà, câu chuyện này cần được phổ biến trong khu vực. Bà cũng kêu gọi các doanh nhân Mỹ gốc Việt tham gia CEO Summit lần này nên truyền thông điệp đó tới cộng đồng doanh nghiệp tại Mỹ.

Theo bà, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có quyết định đúng khi chọn con đường đổi mới, mở cửa với bên ngoài, tìm kiếm bạn bè để hợp tác, cùng phát triển. “Trường hợp của Việt Nam cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể hàn gắn vết thương trong quá khứ để hướng tới tương lai. Không có gì tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp bằng việc lãnh đạo nước đó quyết định hội nhập với kinh tế thế giới”. Bà cho biết thêm trong thời gian ngắn sắp tới, Mỹ sẽ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam.

Sự xuất hiện của vị nữ ngoại trưởng da màu là một trong những sự kiện được giới doanh nhân APEC trông đợi nhất. Với nhan đề “Tầm nhìn của Mỹ về APEC: Hợp tác để hướng tới một cộng đồng”, bài phát biểu của bà Rice phát đi thông điệp Mỹ muốn tham gia sâu rộng vào thương mại toàn cầu và kêu gọi xóa bỏ rào cản để cộng đồng doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường hơn. Bà cho biết Mỹ cam kết hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực vượt qua khó khăn, đồng thời muốn tăng cường hỗ trợ tài chính để giúp đỡ các nền kinh tế trong khu vực giảm thiểu rủi ro.

Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các nền kinh tế trong khu vực thúc đẩy xã hội được quản trị công tốt hơn. Bởi theo bà, không ai dám kinh doanh ở một nơi chính trị không ổn định, thiếu nhà nước pháp quyền, hay nơi có tệ nạn tham nhũng, sản phẩm trí tuệ không được bảo hộ.

Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC 2006 bước sang ngày làm việc thứ hai và cũng là ngày làm việc cuối cùng. Trong buổi sáng, Phó tổng thống thứ nhất Peru Luis Giampietri, Thủ tướng Australia John Howard, Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi đã tới dự và phát biểu tại diễn đàn. Như vậy, đã có tất cả 7 lãnh đạo APEC đến trao đổi với các doanh nhân tại hội nghị lần này.

Tối nay, tiệc chia tay các đại biểu dự CEO Summit 2006 sẽ diễn ra tại khách sạn Melia Hà Nội. Trước khi lên đường về nước, các doanh nhân sẽ có dịp tranh tài trong giải golf ở Đồng Mô sáng mai.

Song Linh

  len dau trang
30
Thứ bảy, 18/11/2006, 09:59 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2006/11/3B9F0860/

Đêm di sản tôn vinh văn hoá cổ truyền Việt Nam

VN kỷ niệm Ngày di sản văn hoá 23/11 khi tuần lễ APEC đang diễn ra. “Đêm di sản” hội tụ những tinh hoa văn hoá cổ truyền tổ chức hôm qua tại Triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) không chỉ toả sáng để khơi dậy ý thức của 80 triệu dân về gia sản truyền thống mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh VN với bạn bè quốc tế.

Là một trong những hoạt động chính của Triển lãm Hình ảnh APEC và di sản văn hoá Việt Nam, Đêm di sản tạo điểm nhấn về một nước chủ nhà giàu có những giá trị văn hoá truyền thống nhưng năng động và cởi mở trong quá trình giao lưu với thế giới. Đến dự sự kiện này có Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Lê Doãn Hợp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Đỗ Quý Doãn.

Bằng âm nhạc, thời trang, ẩm thực - những phương diện thiết thân với đời sống tinh thần và vật chất của cả nhân loại, Việt Nam đã giới thiệu nét đặc trưng văn hoá của một quốc gia xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Đêm di sản tự tin tiếp đón những thính giả đến từ đất nước của Tchaikovski, Beethoven, Mozart... bằng nhã nhạc, ca trù và đờn ca tài tử; mời gọi những vị khách đến từ các quốc gia quen ăn vận comple hay kimono... thưởng ngoạn chương trình thời trang áo dài, áo yếm và y phục cung đình Huế; chiêu đãi những thực khách đến từ đất nước của lúa mỳ, bơ, sữa... bằng bún bò, chè khoai, bánh lá được chưng cất từ hạt lúa, củ khoai...

Thời trang áo yếm. Ảnh: H.H.

Ấn tượng của đêm là ba sắc màu thời trang khác biệt nhưng thống nhất bởi lối phục sức mang đậm hồn Việt của một quốc gia phương Đông trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Lan Hương. Nếu như trang phục cung đình Huế bộc lộ rõ vẻ đẹp uy nghi, trang trọng mang không khí các vương triều phong kiến Việt Nam thì áo dài tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng, nền nã của người phụ nữ trong cuộc sống thường nhật, còn thời trang áo yếm phô diễn những đường cong cơ thể thiếu nữ bằng lối ăn vận “yếm em không che được gió”.

Dẫu chỉ được giới thiệu bằng những hình ảnh tinh tế, chắt lọc nhưng nhờ một không gian văn hoá Trà Việt dựng ngay tại lối vào của khu triển lãm, người xem đã phần nào hình dung được thú chơi tao nhã của người Việt Nam. Không gian Trà Việt với các công đoạn “nhất thuỷ, nhị trà, tam pha, tứ ẩm” là nghệ thuật thưởng trà kết hợp với ngâm thơ, ngắm trăng, chơi cờ và biểu diễn thư pháp... Chén trà nhỏ như là nơi để soi trăng, để đưa vị, đưa hương giữa những nước cờ.

Guốc
Guốc "khổng lồ" và nón Việt trang trí tại triển lãm. Ảnh: H.H.

Đêm qua, bên ngoài sân khấu rực rỡ đèn hoa, còn trong các khu triển lãm, người xem vẫn tranh thủ theo dõi thông tin về cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo Việt Nam trong khuôn khổ tuần lễ APEC và say sưa thưởng ngoạn 9 khu trưng bày Hình ảnh APEC và di sản văn hoá Việt Nam. Tinh hoa Hà Nội, Dấu ấn Văn hoá Huế và Sài Gòn - TP HCM là ba khu triển lãm lớn nhất, giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc của ba miền Bắc - Trung - Nam. Hà Nội khai thác tinh hoa văn hoá nghìn năm và những di sản kiến trúc cổ, Huế tập trung vào văn hoá cung đình, còn TP HCM gây ấn tượng bằng tính năng động, linh hoạt của một vùng văn hoá cởi mở trong các cuộc giao lưu quốc tế.

Ngành du lịch được dành hẳn một khu rộng lớn để quảng bá những giá trị vật thể và phi vật thể của văn hoá Việt Nam như thánh địa Mỹ sơn, cổ vật Sa Huỳnh, Óc Eo, trống đồng Đông Sơn... Bên cạnh những chiếc chiêng đủ kích thước, âm sắc trong Không gian văn hoá cồng chiêng - di sản phi vật thể thế giới - người xem có mặt tại triển lãm đã rất thích thú trước cây đàn P’Rông do các nghệ sĩ Tây Nguyên sáng tạo. Nhạc sĩ Thái Sơn giới thiệu, P’Rông là khái niệm kết hợp giữa piano và nhà rông nhằm thể hiện rõ cấu trúc và chức năng của chiếc đàn. Phỏng theo mô hình của nhà rông Tây Nguyên, những phím piano tre nứa tuy không sang trọng và có âm sắc phong phú như piano hiện đại nhưng lại biểu hiện một cách khoáng đạt hơi thở của núi rừng Tây Nguyên.

Mô hình phố cổ Hội An.
Mô hình phố cổ Hội An. Ảnh: H.H.

Giữa phong phú những di sản văn hoá Việt Nam, khu triển lãm giới thiệu Hình ảnh APEC đem lại cho người xem cái nhìn vừa thân thuộc vừa lạ lẫm về các nền kinh tế thành viên qua những bức ảnh lớn: Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, sông Mátxcơva, búp bê Matryoshka của Nga, núi Phú Sĩ của Nhật, thung lũng Monument (Arizona) của Mỹ...

Hơn 10h tối, khu triển lãm Vân Hồ đã bớt nhộn nhịp, nhưng bàn thư pháp của cụ Lê Văn Kinh (người Huế) vẫn đông đúc. “Tâm, An, Phúc là những chữ tôi cho nhiều nhất hôm nay. Nhiều lắm, không đếm xuể”, cụ cho biết.

David Ambrose, người Canada, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hớn hở ra mặt sau khi xin được chữ Phúc. Khi được hỏi sẽ làm gì với "chiến tích" này, bằng vốn tiếng Việt bập bõm, David cho biết: “Chưa biết, có thể tôi sẽ cho vào bộ sưu tập 'góc Việt Nam' và mang về nước”.

Đêm di sản cũng chính là một góc Việt Nam trong tâm hồn và ký ức của những bạn bè quốc tế đến Việt Nam trong những ngày cuối thu này.

Lưu Hà

  len dau trang
29
Thứ bảy, 18/11/2006, 14:40 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F08A3/

Doanh nhân Mỹ muốn gắn bó lâu dài với VN

Cơ hội làm ăn kinh doanh ngày càng rộng mở là lý do nhiều nhà đầu tư Mỹ quyết học tiếng Việt, gắn bó lâu dài với VN. Trả lời phỏng vấn VnExpress sáng nay, Phó chủ tịch Citigroup, William Rhodes, cho hay tập đoàn này đang nhắm đến các dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại VN.

Ông William Rhodes. Ảnh: V.P. 
- Mới đến Hà Nội hôm qua, ông cảm nhận về VN thế nào so với những gì đã tưởng tượng?
 

- Khi tôi đi vòng quanh châu Á, mọi người đều nói đến VN, nhắc nhiều đến VN đặc biệt khi các bạn trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Dạo quanh Hà Nội một vòng, tôi thấy rất ấn tượng về lịch sử lâu đời cũng như sức phát triển của một thủ đô. Rất tiếc là chiều tối nay tôi đã bay về Mỹ, hy vọng một ngày nào đó tôi có cơ hội trở lại, vào miền Nam để hiểu VN nhiều hơn.

- Tham dự Hội nghị Tổng giám đốc (CEO Summit) hôm qua, thông điệp ông muốn gửi tới VN là gì?

- Qua những cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo cũng như doanh nghiệp VN tại CEO Summit, tôi thấy toát lên niềm lạc quan vào tương lai phát triển của đất nước.

Chiều qua, tại các cuộc gặp, hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao của VN, tổng thống của chúng tôi đã nói quan hệ giữa Mỹ và VN sẽ ngày càng tốt đẹp. Bản thân giới doanh nhân Mỹ rất tin tưởng vào điều đó. Cá nhân tôi nghĩ rằng Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với VN (PNTR) sẽ sớm được Quốc hội Mỹ thông qua, đem lại thuận lợi cho cả doanh nghiệp Mỹ và VN. Nhất định hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ mở rộng hơn nữa.

- Citigroup là một trong những nhà đầu tư có mặt tại VN rất sớm. Tới đây, các ông sẽ tăng cường đầu tư vào VN như thế nào?

- Chúng tôi không chỉ phục vụ doanh nghiệp và chính phủ mà còn hướng tới các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, hướng tới phục vụ người dân, đầu tư cho cơ sở hạ tầng với mục đích góp phần tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của VN. Citigroup cũng như các nhà đầu tư Mỹ đang đầu tư tại VN đều muốn gắn bó lâu dài với đất nước này, chẳng hạn như anh Charly Madan (Tổng giám đốc Citigroup VN) đang có kế hoạch đi học tiếng Việt.

Tập đoàn cũng có những kế hoạch hợp tác với VN trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Chị Catherine Weir (Chủ tịch Ngân hàng đầu tư và hợp tác khu vực Đông Nam Á của Citigroup) đang phụ trách một dự án phối hợp với Phòng Thương mại công nghiệp VN tổ chức các khóa học nâng cao kiến thức tài chính ngân hàng.

- Doanh nghiệp VN nói nhiều đến thách thức khi VN gia nhập WTO. Vậy ông có lời khuyên gì đối với họ?

- Doanh nghiệp VN nên tận dụng lợi thế nhân công rẻ, cần cù, song cũng cần chú ý đào tạo công nhân thật lành nghề. Nhìn ở góc độ nào chăng nữa, giáo dục đào tạo cũng đóng vai trò quan trọng đặc biệt. Khi trò chuyện với các bạn trẻ tại Trung tâm Dạy nghề và dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội, tôi nói các bạn cần làm việc, học tập chăm chỉ để nắm bắt cơ hội có một tương lai tốt đẹp hơn.

Điều tôi muốn nhấn mạnh nữa là cần chú ý phát triển cân bằng giữa tăng trưởng xuất khẩu với tiêu thụ nội địa. Thị trường nội địa VN trẻ, tiềm năng và đầy sức phát triển.

- Với các nhà tạo lập chính sách, đâu là kinh nghiệm cần chú ý?

- Tôi thấy kinh nghiệm đối phó với những thách thức khi gia nhập WTO của Trung Quốc rất thành công, VN có thể tham khảo. Trong giai đoạn này không chỉ việc gia nhập WTO đem đến cho các bạn cơ hội phát triển kinh tế mà còn có nhiều cơ hội đến từ hội nhập và các quan hệ song phương,

Cũng như các nhà đầu tư muốn gắn bó lâu dài với VN, chúng tôi mong chờ Chính phủ VN có những chính sách điều hành nhất quán và ổn định.

Việt Phong thực hiện

  len dau trang
28
Thứ bảy, 18/11/2006, 09:06 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F0771/

'Việt Nam đừng ngại sự thay đổi'

Đến VN trong tuần lễ cấp cao APEC, cảm nhận con người và môi trường kinh doanh đầy năng động, các tổng giám đốc doanh nghiệp APEC đều tin tưởng vào khả năng phát triển nhanh mạnh của nền kinh tế. VnExpress ghi nhận một số suy nghĩ của các doanh nhân.

Ông Supachai Panitchpakdi.
Tiến sĩ Supachai Panitchpakdi, cựu tổng giám đốc WTO:
 

Khi vào WTO, VN phải hoàn thành những cam kết WTO. VN sẽ phải cải thiện một số khu vực về thương mại, bản quyền để chứng minh rằng hệ thống thương mại của VN phù hợp với các qui định WTO, tương tự các nền kinh tế thành viên.

VN sẽ phải mở cửa nền kinh tế nhiều hơn, đặc biệt là các ngành như hàng hóa tiêu dùng, do đó VN cần cải thiện năng suất trong các khu vực đó, nếu không sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty nước ngoài.

Ông Martin J.Sullivan.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn AIG Martin J.Sullivan:
 

Chúng tôi mong muốn được mở rộng hoạt động tại VN. Ở thời điểm này, tôi nghĩ không khó lắm cho bất kỳ công ty nào khi phải cân nhắc ra quyết định làm ăn ở Việt Nam. Cái họ cần là tạo một sân chơi bình đẳng. Cũng đừng lo nghĩ quá về chuyện các công ty nước ngoài vào đây thâu tóm thị trường. Đừng ngại sự thay đổi mà phải chào đón nó. Chúng ta sẽ lớn lên từ sự thay đổi này.

Ông Scott Price.
Tổng giám đốc điều hành DHL Express khu vực châu Á Thái Bình Dương Scott Price:


Tôi muốn gửi một thông điệp đến các nhà tạo lập chính sách là khi thiết kế một quy chế hay chính sách nào đó cần nghiên cứu kỹ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới, dịch vụ mới phát triển. Chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ VN nhằm cải cách thủ tục hải quan và tổ chức những cuộc gặp cấp cao trong những ngành mũi nhọn như dệt may và vải sợi, giày da và đồ gỗ cũng như lĩnh vực dịch vụ tài chính và xuất khẩu công nghệ. 

Bà Catherine Weir.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Doanh nghiệp và Đầu tư Citigroup tại các nước ASEAN Catherine Weir: 
 

Nhiều người nói Citigroup mạnh về tài chính và công nghệ, nhưng tôi muốn nói chính con người mới là lợi thế chủ yếu của chúng tôi. Khách hành đánh giá chúng tôi dựa trên kinh nghiệm làm việc với toàn bộ tập đoàn, bất kể là với các chuyên gia tài chính ngân hàng, hoặc với các chuyên gia thiết kế sản phẩm, hay với nhân viên chăm sóc khách hàng. Nếu muốn nói một câu với với những người đứng đầu các doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm này tôi sẽ nói thách thức đối với các bạn không hẳn là khai thác triệt để những cơ hội kinh doanh mang đến nhờ toàn cầu hoá, mà là tìm cách giải phóng những tiềm năng phía trước.

Ông Craig Mundie.
Tổng giám đốc chiến lược Tập đoàn Microsoft Craig Mundie:
 

Theo nhìn nhận của tôi, trong các quốc gia đang phát triển, dù ở cấp độ khác nhau nhưng đều đang diễn ra một quá trình đột phá về công nghệ. Nhiều nước đang trải qua giai đoạn phát triển từ nền công nghiệp sản xuất sang nền kinh tế tri thức, ở khu vực châu Á chẳng hạn đang tập trung phát triển mạnh kinh tế tri thức trong đó điển hành là các quốc gia lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, kế đến là các quốc gia như Malaysia và Việt Nam. Tôi tin tưởng trong tương lai Việt Nam cũng sẽ xây dựng được nhiều trung tâm công nghệ cao. Tuy nhiên các bạn còn một điểm hạn chế là khả năng nghiên cứu và sáng tạo tại các trường đại học còn thấp.

V.P. - T.T.

  len dau trang
27
Thứ bảy, 18/11/2006, 12:20 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F08A4/ 

300 doanh nhân APEC tranh tài trên sân golf

Sáng mai, giải đấu giao hữu dành riêng cho các CEO APEC 2006 sẽ diễn ra tại sân golf quốc tế Đồng Mô, với sự tham gia của hơn 300 vận động viên. Đây là dịp để các doanh nhân xả hơi sau 7 ngày liên tục bận rộn và được kỳ vọng sẽ ươm mầm cho những thương vụ hợp tác trong tương lai.

Đa phần vận động viên là các lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức cao cấp quốc tế đến tham dự tuần lễ cấp cao APEC. CEO Summit 2006 Golf Tournament được tổ chức theo thể thức giao hữu, không tính điểm, với hai giờ phát bóng, mỗi giờ có 150 người xuất phát. Các CEO cùng tranh tài trên 1 sân golf 18 hố. Dự kiến sẽ có 2 giải vận động viên nam, nữ đoạt vô địch và 12 giải kỹ thuật cùng nhiều giải thưởng khác.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc điều hành CEO Summit 2006, tổ chức các golf giao hữu sau mỗi kỳ họp quốc tế quan trọng đã thành xu hướng chung trên thế giới thời gian gần đây. Với giải golf dành cho các CEO APEC 2006 lần này, ban tổ chức hy vọng sẽ tạo cơ hội tăng cường thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa các lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong suốt những ngày vừa qua, lịch họp dày đặc, các doanh nhân chủ yếu dành thời gian bàn bạc về những vấn đề quan tâm hiện nay trong khu vực, hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi và trò chuyện nhiều với nhau. 4-5 tiếng đồng hồ trên sân golf ngày mai là cơ hội quý để họ giao lưu và trao đổi thêm về các kế hoạch hợp tác.

“Sân golf là nơi tốt nhất để khơi mào cho các thương vụ hợp tác, kinh doanh. Không loại trừ khả năng sẽ có những thỏa thuận, thậm chí những hợp đồng sẽ được các doanh nhân chốt lại ngay trong thời gian thi đấu ngày mai”, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO của tập đoàn King’s Valley, đơn vị quản lý sân golf quốc tế Đồng Mô, trao đổi với VnExpress sáng nay.

Bà Nga cho biết thêm Đồng Mô đã chuẩn bị sẵn 5 phòng hạng sang với sức chứa hàng trăm người để các lãnh đạo doanh nghiệp có thể tiến hành lễ ký kết thỏa thuận, hợp đồng.

Giải golf dành cho CEO APEC chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất, song King’s Valley đã chuẩn bị từ một năm nay. Đặc biệt trong 2 tháng gần đây, nhân viên sân golf liên tục phải làm việc đến 11-12h đêm, thậm chí 1-2h sáng. Toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp đặc biệt. 40 xe hạng golf vừa được mua thêm, nâng tổng số xe lên 110. Mọi khâu an ninh, điện thoại, ăn uống đều được kiểm duyệt kỹ càng. Quà cho vận động viên cũng được mua từ Singapore.

“Chúng tôi phải đóng cửa cả 2 sân, trong suốt hai ngày cuối tuần này. Kinh phí đầu tư mới và nâng cấp đặc biệt cũng rất lớn. Song đổi lại, đây là cơ hội quý để chúng tôi quảng bá hình ảnh và góp phần đóng góp vào sự thành công của CEO Summit 2006”, bà Nga nói thêm.

Một tuần thiếu ngủ của các CEO APEC

Lịch làm việc của các doanh nhân kín mít suốt tuần. 3 ngày tham dự cuộc họp của Hội đồng tư vấn kinh doanh ABAC, 2 ngày tham gia CEO Summit, chuẩn bị cho buổi đối thoại trực tiếp với các lãnh đạo APEC. Hôm nào các CEO cũng làm việc suốt từ 8h sáng cho đến tận 10-11h khuya.

Cứ hết họp hành, gặp đối tác, các CEO lại bị báo chí bao vây. Trong vòng vây của phóng viên quốc tế và Việt Nam nhân giờ giải lao CEO Summit hôm 17/11, ông Peter Landsiedel, Giám đốc điều hành DHL Forwarding khu vực châu Á Thái Bình dương thậm chí không thể tự thấm mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt. Để giải vây cho sếp, nhân viên giao tế của hãng, ngày thường vốn rất nhã nhặn với báo chí, cũng đành chen ngang giữa chừng xin hủy cuộc phỏng vấn.

Tổng giám đốc điều hành HSBC khu vực châu Á Thái Bình Dương Michael Smith tham dự CEO Summit 2006 với tư cách diễn giả chính của diễn đàn. Công việc của ông bên lề còn bận rộn hơn nhiều. Tiếp xúc với Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, gặp gỡ báo chí. Ông luôn mỉm cười rạng rỡ, tỏ ra hài lòng về những kết quả đạt được trong dịp APEC 2006.

Là doanh nhân nữ, song bà Nguyễn Thị Nga cũng làm việc với cường độ chẳng kém các quý ông. Suốt tuần vừa rồi, mỗi ngày bà chỉ chợp mắt 3-4 tiếng. Vừa tham gia APEC, vừa lo công việc kinh doanh ở công ty. Dịp APEC này bà đã gặp lại nhiều bạn quý, đang là đối tác làm ăn, và cũng gặp cả những CEO quốc tế mà trước đây bà chỉ biết qua sách báo.

Là một trong những doanh nhân bận rộn nhất dịp APEC này, Giám đốc điều hành CEO Summit 2006 Nguyễn Văn Thảo né tránh nói về mình. Ông cho biết ngoài những sự kiện chính thức, ban tổ chức đã sắp xếp được 39 cuộc gặp song phương bên lề cho các doanh nghiệp. Có những cuộc gặp chỉ là tiếp xúc ban đầu, cũng có cuộc chốt lại những nội dung đã tranh thủ bàn thảo. Hơn 10 phòng họp chức năng mà ban tổ chức dành cho các cuộc gặp song phương bên lề, giờ nào cũng có khách vào làm việc.

Song Linh

  len dau trang
26
Thứ bảy, 18/11/2006, 11:05 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/11/3B9F088C/

Mỹ, Nhật, Hàn bàn về Bình Nhưỡng bên lề APEC

Sáng nay, bên lề Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14 tại Hà Nội, tổng thống Mỹ có cuộc gặp với tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Nhật nhằm gia tăng sức ép đối với CHDCND Triều Tiên xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.

Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun (trái) và Tổng thống Mỹ George Bush gặp nhau bên lề hội nghị APEC-14. Ảnh: AP.

Trước khi tiếp xúc với nhà lãnh đạo Seoul, trưa qua, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Tôi sẽ nói với tổng thống Hàn Quốc về việc thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng ta có cơ hội để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình và ngoại giao, điều quan trọng đối với thế giới là thấy nghị quyết đó được thực thi".

Sáng nay, ông Bush đã gặp người đồng cấp Hàn Quốc Roh Moo-hyun trước khi khai mạc Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14. Nhưng Tổng thống Mỹ không thành công trong việc thuyết phục Seoul ủng hộ sáng kiến PSI, tức chương trình quốc tế mang tính tự nguyện giữa các nước trong việc kiểm tra tàu thuyền tình nghi chở thiết bị liên quan đến vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun khẳng định trong cuộc gặp bên lề với lãnh đạo Mỹ rằng, nước ông sẽ "không tham gia đầy đủ" vào sáng kiến an ninh nói trên. Tuy nhiên, Seoul tuyên bố sẽ "ủng hộ các nguyên tắc và mục tiêu của PSI".

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc gặp song phương tương tự với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Sau đó các nhà lãnh đạo sẽ có cuộc họp 3 bên hiếm hoi gồm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chủ đề chính được bàn thảo sẽ vẫn là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều tiên.

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Nhà Trắng gặp trực tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kể từ khi nhậm chức thủ tướng Nhật Bản cuối tháng 9. Các cuộc gặp bên lề giữa lãnh đạo Mỹ và các nước Đông Á diễn ra khi một số quan chức Washington bày tỏ, Hàn Quốc đã không thực thi đầy đủ nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng, do Liên Hợp Quốc thông qua sau vụ thử hạt nhân hôm 9/10.

Theo lịch trình, ngày mai, tổng thống Mỹ sẽ gặp song phương bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đình Chính (theo AFP, AP)

  len dau trang
25
Thứ bảy, 18/11/2006, 14:21 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/11/3B9F08AB/

Ảnh khai mạc Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14

Chiều nay, sự kiện được coi là quan trọng nhất trong tuần lễ cấp cao APEC là Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14 đã khai mạc. Dưới đây là những hình ảnh về phiên làm việc thứ nhất trong cuộc họp kéo dài hai ngày này.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vẫy chào khi tới Trung tâm hội nghị quốc gia. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Minh Triết đón chào Tổng thống Mỹ George Bush tại Trung tâm hội nghị quốc gia, trước khi khai mạc Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14, chiều nay. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung tâm hội nghị quốc gia. Ông là một trong những nhà lãnh đạo đến Việt Nam muộn nhất, chỉ ít giờ trước lễ khai mạc Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫy chào khi tiến vào Trung tâm hội nghị. Sau khi dự họp APEC, ông sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mỉm cười trong cuộc họp hẹp giữa những người đứng đầu 21 nền kinh tế. Đây là cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14, kéo dài khoảng 2 tiếng. Ảnh: Reuters.
Vẻ mặt vui vẻ của Tổng thống Mỹ George Bush (hàng đầu bên phải) trong khi chờ khai mạc phiên họp hẹp giữa các nhà lãnh đạo. Ảnh: Reuters.
Trước khi diễn ra Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14, Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN có một cuộc họp bên lề và chụp ảnh lưu niệm. Từ trái qua: Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Tổng thống Mỹ George Bush, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Philippine Gloria Macapagal Arroyo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont. Ảnh: Reuters.

Đình Chính (st)

  len dau trang
24
Thứ bảy, 18/11/2006, 08:29 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F0852/

Đệ nhất phu nhân Mỹ thưởng thức nem cuốn, cà phê VN

ảnh
Phu nhân Laura Bush thăm nơi dạy nấu ăn. Ảnh: TTXVN.

Sáng 17/11, từ sân bay Nội Bài, bà Laura Bush - phu nhân Tổng thống George W. Bush - cùng đoàn tháp tùng đến thẳng nhà hàng của trung tâm dạy nghề nhân đạo Koto thăm (61 Văn Miếu) và dùng bữa trưa tại đây.

Đặt chân vào nhà hàng, bà Laura xuống thẳng nhà bếp, nơi các học viên của trung tâm đang chuẩn bị bữa trưa. Bà Laura bắt tay, hỏi chuyện từng người rất thân thiện và cởi mở, sau đó dùng bữa với một số em đang theo học tại đây.

Bữa trưa của bà Laura được chuẩn bị theo hình thức tự chọn. Tất cả thực đơn cho bữa ăn này đều do các học viên của trung tâm tự chế biến. Sau khi đề nghị nhân viên Koto giới thiệu cho bà một món ăn VN, bà Laura đã chọn món nem cuốn cá.

Nhân viên nhà hàng Koto đều ngạc nhiên khi thấy bà Laura dùng đũa gắp bún, rau thìa là, rau mùi, cá... đặt vào bánh tráng rồi dùng hai tay cuốn rất thành thạo, chấm vào nước sốt và thưởng thức. Khi thấy hai người cùng đi chọn món nem Huế, bà ngỏ ý muốn ăn thử và gắp của mỗi đĩa vài món, sau đó bà lại hào hứng “mời” hai người này thử lại món nem cuốn cá mà bà đang dùng.

Sau bữa ăn, bà lại ngỏ ý được dùng đồ uống của VN. Khi người thư ký nói với bà cà phê VN rất ngon, bà liền yêu cầu một ly cà phê sữa nóng và ngay sau khi thưởng thức, bà nhận xét ngay, cà phê VN ngon, vị đậm đà.

(Theo Tuổi Trẻ)

  len dau trang
23
Thứ bảy, 18/11/2006, 08:11 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F084B/

Con gái người anh hùng Chile gặp người anh hùng VN

ảnh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Tổng thống M.Bachelet tại nhà riêng. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Chiều 17/11, Tổng thống Chile - bà Michelle Bachelet - đã có cuộc gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng đại tướng. Trong suốt cuộc gặp, tổng thống Chile nhiều lần gọi đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh hùng vĩ đại của nhân dân VN.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Tôi đã từng nói với McNamara: anh hùng nhất là nhân dân VN, còn bản thân tôi chỉ là một phần thôi”.

Tổng thống Chile khẳng định cuộc gặp với đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vinh dự lớn lao, bởi ông là một nhân vật lịch sử, một nhà lãnh đạo chính trị - quân sự của Việt Nam và thế giới. Bà cho biết đã đọc những cuốn sách mà đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong thời kỳ lãnh đạo Quân đội nhân dân VN.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng bà Bachelet câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và chúc cho sự lãnh đạo của nữ tổng thống đầu tiên của Chile ngày càng tốt đẹp.

Cuối buổi gặp gỡ, phu nhân đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng hai cuốn sách của đại tướng cho tổng thống Chile. Một cuốn đã được dịch sang tiếng Tây Ban Nha có tên Những năm tháng không thể nào quên. Cuốn sách thứ hai được in tiếng Việt: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng, và một sản phẩm bằng lụa VN.

Tại Chile, bà Bachelet chính là con gái của một vị tướng không quân, cũng là một người anh hùng của đất nước này.

(Theo Tuổi Trẻ)

  len dau trang
22
Thứ bảy, 18/11/2006, 09:15 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F085A/

Tổng thống Bush chụp ảnh với nhân viên Phủ chủ tịch

Từ lúc 13h ngày 17/11, các nhân viên và một số quan chức đại diện cho phía Việt Nam và Mỹ cùng hàng chục phóng viên trong nước và quốc tế đã có mặt tại Phủ Chủ tịch chuẩn bị cho lễ đón Tổng thống Mỹ lúc 14h.

Ai cũng cố chen vai thích cánh để chọn cho được góc máy đẹp. Hai phóng viên chuyên trách của Tổng thống Bush loay hoay đặt máy ảnh tự động đối diện lễ đài để ghi lại hình ảnh lễ đón. Nhưng sau khi được các cán bộ Việt Nam cho biết vị trí đặt máy sẽ chỉ chụp được... lưng đội tiêu binh sẽ đứng chắn ở trước vị trí đó, không còn cách nào khác, các phóng viên này vội vàng chạy đi tìm chỗ đặt máy khác.

ảnh
Tổng thống Bush chụp ảnh lưu niệm với các nhân viên của Phủ Chủ tịch. Ảnh: Thanh Niên

Đúng 14h20, đoàn xe phái đoàn cấp cao Mỹ tiến vào cổng Phủ Chủ tịch. Sau đoàn xe dẫn đường và mô tô hộ tống của Việt Nam là hai chiếc Cadillac One ba khoang đen bóng giống hệt nhau kể cả biển số. Chỉ khi cánh cửa một chiếc xe mở ra người ta mới biết Tổng thống Mỹ và phu nhân ở trên đó.

Sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Bush dẫn đầu hai đoàn vào hội đàm, các phóng viên nhanh chóng di chuyển sang Văn phòng Chính phủ để chuẩn bị cho cuộc hội kiến của Tổng thống Bush với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Do chỉ có các phóng viên có thẻ sự kiện mới được chụp ảnh và ghi hình trong 5 phút tại Phủ Chủ tịch và Văn phòng Chính phủ nên một số người không có thẻ phải chờ bên ngoài. Trong thời gian này các phóng viên được dịp chụp ảnh các nhân viên an ninh Mỹ và... hai chiếc Cadillac One. Khi thời gian hội đàm sắp kết thúc hai chiếc Cadillac One nổ máy sẵn sàng, một chiếc chờ ở cửa chính và một chiếc chờ ở cửa sau Phủ Chủ tịch.

Trong khi các phóng viên có thẻ đã chuẩn bị máy móc sẵn sàng cho cuộc gặp tại Văn phòng Chính phủ thì các phóng viên không có thẻ phải chờ bên ngoài. Nhưng không ngờ đây lại là những người may mắn. Cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc, ông Bush và phái đoàn Mỹ bất ngờ đi bộ sang Văn phòng Chính phủ mà không đi xe như dự kiến.

Khi nhìn thấy các nhân viên của Phủ chủ tịch đang đứng từ xa ngắm mình, Tổng thống Bush bất ngờ vẫy tay chào và mời các nhân viên lại chụp ảnh. Tổng thống Mỹ tỏ ra khá vui vẻ, niềm nở bắt tay từng người.

Các phóng viên không có thẻ sự kiện lại trở thành người gặp may khi có thể tiếp cận ông Bush. Nhà báo Giản Thanh Sơn của Báo Công an TP HCM đã ghi lại được một số bức hình Tổng thống Bush ở vị trí mà phóng viên ảnh nào cũng phải mơ ước. Nhà báo Giản Thanh Sơn cho biết, ông đã có kinh nghiệm từ lần chụp ảnh Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam nên đã dự đoán trước được điều này.

(Theo Thanh Niên)

  len dau trang
21
Thứ bảy, 18/11/2006, 10:35 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F0882/

Tổng thống Chile kêu gọi phụ nữ tự tin  

Tổng thống Chile viết lưu niệm trong buổi giao lưu. Ảnh: Minh Châu.
Tổng thống Chile viết lưu niệm trong buổi giao lưu. Ảnh: Minh Châu.

“Chúng ta không thể chỉ mặc một cái váy. Phụ nữ còn cần tham gia vào những vai trò khác”, nữ tổng thống đầu tiên của Chile, Michelle Bachelet, nhận xét hóm hỉnh trong buổi giao lưu với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hôm nay ở Hà Nội.

Tuy là người từng qua các cương vị như bộ trưởng Y tế, bộ trưởng Quốc phòng và sau đó là nắm vị trí cao nhất của đất nước 16 triệu dân, bà Bachelet thừa nhận rằng Chile vẫn là một nước tồn tại nhiều quan niệm nam quyền và bà hy vọng trong nhiệm kỳ ngắn ngủi 4 năm của mình có thể góp phần thay đổi điều này: “Trong nội các của tôi, một nửa là phụ nữ. Không chỉ có bộ trưởng, có nhiều thứ trưởng cũng là nữ. Tôi nỗ lực để phụ nữ có được những gì chưa ai trao cho chúng ta. Hy vọng, sau khi tôi không còn làm tổng thống nữa, đây vẫn sẽ là một quá trình không thể đảo ngược”.

Bà cho biết Chile hiện có đạo luật về đạo đức, theo đó phụ nữ được tạo điều kiện phát triển và khi xin việc, không phải khai nơi sinh, nơi ở để tránh bị phân biệt đối xử về xuất thân của họ.

Theo bà, cần mở ra cơ hội để phụ nữ có thể được tham gia vào những công việc và được đánh giá như nam giới: “Nhưng điều này không có nghĩa là dồn hết trách nhiệm cho phụ nữ. Nam giới cũng cần chia sẻ công việc gia đình. Bình đẳng giới có nghĩa là sự chia sẻ trách nhiệm”.

Bà bình luận: “Phụ nữ chúng ta cần có lòng tin vào mình, vì chúng ta không chỉ là những người chăm sóc gia đình mà còn phải tham gia vào những quyết sách để đóng góp cho đất nước”. Và bà kết luận: “Chúc tất cả phụ nữ và nam giới Việt Nam cùng đạt được ước mơ cho một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Minh Châu

  len dau trang
20
Thứ bảy, 18/11/2006, 14:01 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F08A9/

Khai mạc Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC

Chiều nay, lãnh đạo các thành viên Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bắt đầu cuộc họp hai ngày nhằm thảo luận về thúc đẩy thương mại và các chủ đề khác. Đây được coi là sự kiện quan trọng nhất trong cả tuần lễ cấp cao APEC 14.

Vào lúc 13h30, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đón và chụp ảnh với các nhà lãnh đạo APEC. Mỗi xe chở lãnh đạo có một xe tháp tùng theo sau, tới trước sảnh lớn của Trung tâm hội nghị quốc gia. Hầu hết các nhà lãnh đạo đến hội nghị bằng xe Mercedes màu đen mang biển APEC. Từng vị lãnh đạo bước trên tấm thảm đỏ tới nơi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đứng chờ đón. Phía sau điểm đón tiếp là bức tranh khổng lồ mô tả phong cảnh Vịnh Hạ Long. Cuộc họp hẹp dự kiến diễn ra trong hai giờ đồng hồ, giữa những người đứng đầu 21 nền kinh tế, khai mạc.

Tiếp đó, các nhà lãnh đạo sẽ có cuộc đối thoại với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), xoay quanh các đề xuất để thuận lợi hóa và tự do hóa hơn nữa thương mại và đầu tư.

Phiên họp thứ hai của các nhà lãnh đạo dự kiến diễn ra ngày mai, trước khi Tuyên bố của lãnh đạo kinh tế APEC 14 được công bố.

Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC là đỉnh cao của các hoạt động trong cả năm APEC Việt Nam, với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”.

Ngoài các cuộc họp bàn, các vị khách sẽ dự chiêu đãi và biểu diễn văn nghệ (Gala Dinner) tối nay, do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân mời. Đây là một trong các hoạt động thông lệ diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC.

Cùng ngày, các phu nhân và phu quân của lãnh đạo APEC có kế hoạch đi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đại học đầu tiên của Việt Nam.

Thanh Huyền

  len dau trang
19
Thứ bảy, 18/11/2006, 10:06 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F0868/

Tổng thống Putin đến Hà Nội

Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫy chào tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: AFP.

Nguyên thủ cuối cùng trong 5 nguyên thủ thăm chính thức VN dịp APEC, Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã đến Hà Nội trưa nay. Tháp tùng ông có khoảng 400 người. Trong lịch trình 3 ngày của đoàn, Nga và Việt Nam sẽ ký một số văn kiện quan trọng. 
> Putin muốn tăng vị thế Nga ở APEC / Nhiều thương vụ lịch sử chờ ký kết trong APEC

Đoàn cấp cao khoảng 400 người đi trên 7 chuyên cơ, trong đó có chuyên cơ dùng riêng để chở xe đặc chủng của Tổng thống Putin.

Ngay trong chiều nay, Tổng thống Nga sẽ tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC 14. Ngày 19/11, ông sẽ đến khai trương Ngân hàng Việt - Nga.

Lễ đón chính thức Tổng thống Nga sẽ diễn ra vào sáng 20/11 tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau đó, ông Putin sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác kinh tế, năng lượng, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật...

Trong chuyến đi này, Nga và Việt Nam sẽ ký một số văn kiện hợp tác, trong đó có hiệp định về liên doanh giữa hai ngân hàng nhà nước.

Trưa 20/11, ông Putin sẽ có cuộc gặp gỡ báo chí. Chiều cùng ngày, Tổng thống sẽ hội kiến với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Trong lịch làm việc khá dày đặc tại Việt Nam, Tổng thống Nga sẽ có cuộc gặp song phương với lãnh đạo một số nước thành viên APEC. Trong đó, đáng chú ý là cuộc gặp Nga - Mỹ ngày 19/11 mà theo nhận định của báo chí quốc tế sẽ bàn thảo về vấn đề gia nhập WTO của Nga.

Đây là lần thứ hai Tổng thống Putin đến thăm Việt Nam.

5 nguyên thủ thăm chính thức VN dịp APEC là Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Việt Anh

  len dau trang
18
Tổng thống Bush thăm chính thức Việt Nam

17/11/2006 -- 8:38 PM
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnagency.com.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/171953/Default.aspx

111720_BushTriet.jpgHà Nội (TTXVN) - Ngày 17/11, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và Phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam 4 ngày và dự Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14.

Đây là chuyến thăm chính thức lần thứ hai của quan chức cao cấp nhất Nhà Trắng đến Việt Nam, sau chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton tháng 11/2000.

Chiều 17/11, lễ đón chính thức Tổng thống Bush và Phu nhân đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức dành cho Nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mời Tổng thống Bush duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại buổi tiếp ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chào mừng Tổng thống Bush và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị APEC lần thứ 14. Đây là dịp để Tổng thống và Phu nhân chứng kiến tình cảm nồng hậu của nhân dân Việt Nam dành cho các vị khách Hoa Kỳ, chứng kiến những thành tựu mà Việt Nam giành được trong công cuộc Đổi mới. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tin tưởng chuyến thăm sẽ đánh dấu mốc mới quan trọng, tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tổng thống Bush cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của nhân dân Việt Nam và cho biết ông và Phu nhân có ấn tượng rất tốt đẹp trước mối thiện tình của hàng ngàn người dân Hà Nội chào đón đoàn với nụ cười rất tươi trên gương mặt, rất cảm kích trước tình cảm đó. Tổng thống nói rằng ông đã đọc nhiều tài liệu về Việt Nam, cảm nhận Việt Nam giống như “một con Hổ trẻ”.

Tổng thống Bush khẳng định ông sẽ cố gắng hết mình để tiếp tục củng cố quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển sâu đậm hơn; đồng thời cảm ơn Việt Nam đã đứng ra đăng cai Hội nghị APEC lần thứ 14.

Tổng thống Bush đã mời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân sang thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào năm tới. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã vui vẻ nhận lời.

Sau buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Bush đã tiến hành hội đàm, trao đổi về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hai nước về kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, nhân đạo… và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Chuyến thăm của Tổng thống Bush diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang bước sang giai đoạn mới. Mặc dù có những phức tạp trên các vấn đề hai bên còn khác biệt, song quan hệ tiếp tục có những chuyển biến tích cực theo hướng ổn định, lâu dài được mở ra sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải hồi tháng 6/2005. Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển với nhiều dấu hiệu tích cực, đã tăng từ 1,5 tỉ USD năm 2001 lên 7,8 tỉ USD năm 2005. Việt Nam và Hoa Kỳ còn mở rộng hợp tác ở nhiều lĩnh vực như y tế, đặc biệt là nỗ lực phòng chống HIV/AIDS và dịch cúm gia cầm, hợp tác chống khủng bố, hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh./.

  len dau trang
17
Thứ sáu, 17/11/2006, 20:32 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F0826/

'Đất nước Việt Nam giống một con hổ trẻ'

"Từ sân bay về đây, tôi và Laura có ấn tượng rất tốt đẹp với nhân dân Việt Nam. Tôi đã đọc nhiều tài liệu về Việt Nam và thấy rằng, đây là một đất nước sôi động giống như một con hổ trẻ", Tổng thống George W. Bush phát biểu tại buổi hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chiều 17/11.
> Tổng thống Bush đến Việt Nam với lịch làm việc dày đặc / Ảnh tổng thống Mỹ tại Việt Nam

14h30, chiếc Cadilac One ba khoang, đen bóng dẫn đầu đoàn xe sang trọng của đoàn cấp cao Mỹ tiến vào Phủ Chủ tịch. Cửa xe mở, Tổng thống Bush bước xuống tươi cười bắt tay Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Tổng thống Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: AP.

Lễ đón chính thức Tổng thống Bush và phu nhân đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí trong và ngoài nước. Máy ảnh, máy quay tối tân của các hãng thông tấn, truyền hình danh tiếng tràn ngập Phủ Chủ tịch.

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Bush đã thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nhân đạo, viện trợ phát triển... Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ với sự phát triển của mỗi nước.

Nụ cười của ông Bush tại hội đàm Việt - Mỹ. Ảnh: AP.

Tổng thống Bush tái khẳng định việc hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào kinh tế thế giới, mở cửa thị trường Mỹ. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ việc thông qua Quy chế PNTR với Việt Nam.

Cũng trong chiều nay, Tổng thống Bush cũng đã có cuộc hội kiến với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Lịch trình làm việc 4 ngày của ông Bush tại VN khá dày đặc. Ngoài việc tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị APEC 14, ông Bush còn có hàng loạt cuộc gặp song phương với Thủ tướng Australia John Howard, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun...

Sáng mai, Tổng thống Bush sẽ có cuộc gặp lãnh đạo các nước Đông Nam Á thành viên APEC.

Việt Anh

  len dau trang
16
Thứ sáu, 17/11/2006, 18:42 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F0819/

Chủ tịch nước, Thủ tướng tiếp lãnh đạo các nền kinh tế

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Thủ tướng Australia John Howard. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào; Thủ tướng Canada Stephen Harper.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng sự có mặt của các vị lãnh đạo đến dự Hội nghị Lãnh đạo kinh tế APEC-14, góp phần quan trọng vào thành công của hội nghị.

Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc sẽ hơn 15 tỷ USD

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào. Ảnh: Website Chính phủ.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào chúc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới. Ông mong muốn Trung Quốc - Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, trong đó chú trọng vấn đề quy hoạch hợp tác kinh tế thương mại cho 5-10 năm tới.

Ông cho rằng cần chú trọng tới cân bằng cán cân thương mại giữa hai nền kinh tế, giảm dần nhập siêu của Việt Nam. Ông khẳng định, Trung Quốc sẽ ưu tiên nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong điều kiện ngang bằng nhau và tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm với Việt Nam khi đã trở thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào về những vấn đề trọng tâm trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam tin tưởng đến năm 2010, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc sẽ lên hơn 15 tỷ USD.

Thủ tướng cũngđề nghị ông Hồ Cẩm Đào quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng của Trung Quốc phối hợp với Việt Nam triển khai ngay, có hiệu quả các văn kiện, dự án đã được ký kết. Trong đó chú trọng đến dự án kinh tế "Hai hành lang - một vành đai".

Canada mong muốn thúc đẩy hợp tác lao động với Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Canada Stephen Harper. Ảnh: Website Chính phủ.

Thủ tướng Canada Stephen Harper chúc mừng Việt Nam chính thức gia nhập WTO, cảm ơn sự hiếu khách của nhân dân Việt Nam, sự chuẩn bị chu đáo vì sự thành công của Hội nghị APEC. Thủ tướng Canada đã hoan nghênh những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Canada vào việc xây dựng Canada.

Phía Canada chia sẻ tiềm năng hợp tác về lao động giữa hai nước và mong muốn thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực này trong thời gian tới; hoan nghênh đề nghị của Việt Nam tăng cường tiếp xúc, trao đổi song phương ở các cấp, kể cả cấp cao để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng tốt đẹp. 

Việt Nam và Australia tăng cường đối thoại chính trị cấp cao

Thủ tướng Australia John Howard. Ảnh: TTXVN.

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp thân mật Thủ tướng John Howard, lãnh đạo nền kinh tế Australia. Chủ tịch nước khẳng định chính sách của Việt Nam luôn coi Australia là đối tác quan trọng, mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Australia trên cơ sở song phương cũng như trong khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương; đánh giá cao vai trò của Australia trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Nguyễn Minh Triết cảm ơn chính phủ Australia đã dành viện trợ ODA cho Việt Nam. Các dự án ODA của Australia đã hỗ trợ tích cực cho việc phát triển ngành nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Ông khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, hiệu quả hơn để hình ảnh Việt Nam hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm ơn Chính phủ Australia đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam hội nhập tích cực và ổn định đời sống tại Australia.

Thủ tướng John Howard chúc mừng Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); tổ chức thành công Hội nghị APEC 14. Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Australia; khẳng định cộng đồng người Việt Nam là cầu nối tốt đẹp tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nền kinh tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng John Howard cùng nhất trí Việt Nam và Australia cần tăng cường hơn nữa các cuộc đối thoại chính trị cấp cao.

(Tổng hợp từ Website chính phủ - TTXVN)

  len dau trang
15
Thứ sáu, 17/11/2006, 16:13 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F0809/

APEC nghĩ tới khu vực mậu dịch tự do

Rất nỗ lực để góp phần cứu vãn vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha, song các nền kinh tế thành viên APEC cũng bắt đầu nghĩ tới việc thiết lập một khu vực mậu dịch tự do. Vấn đề này được đặt lên bàn nghị sự của APEC CEO Summit diễn ra trong hai ngày 17-18/11.

Hôm nay, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC lần thứ 10 (APEC CEO Summit 10) bước vào ngày làm việc đầu tiên, với sự tham dự và phát biểu của lãnh đạo 7 nền kinh tế trong khu vực.

CEO Summit 10 khai mạc. Ảnh: T.T.
CEO Summit 10 khai mạc. Ảnh: T.T.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhận định, kinh tế khu vực APEC không những đã vượt qua được cuộc khủng hoảng hồi cuối thế kỷ trước, lấy lại phong độ vốn có của mình mà còn tăng trưởng rất khả quan. Theo Chủ tịch, một trong những nhân tố tạo nên sự năng động ấy là hợp tác ngày càng gia tăng trong APEC với vai trò trung tâm của các nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ tịch cũng tỏ rõ quan ngại về những thách thức mà các nền kinh tế khu vực đang đối mặt, như sự thất thường của giá cả nguyên nhiên liệu trên thị trường quốc tế, bất ổn trong hệ thống tài chính tiền tệ, dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng về an ninh xã hội ở một số khu vực, phân hóa giàu nghèo và đặc biệt là sự đổ vỡ của vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha … Chủ tịch kêu gọi các doanh nhân cùng bày tỏ quan điểm về nhu cầu nối lại vòng đàm phán này nhằm thúc đẩy cơ chế thương mại đa phương trên phạm vi toàn cầu.

Cũng trong sáng nay, Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có diễn văn trước hơn 1.000 doanh nhân APEC về chủ đề thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực. Ghi nhận sự thành công của các nền kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập khu vực, ông cũng chỉ ra sự phát triển không đồng đều trong một số lĩnh vực trọng yếu. “Do sự non yếu về kinh tế và kỹ thuật, thiếu các phương tiện cũng như tài chính để nắm bắt cơ hội phát triển và đẩy lùi rủi ro từ bên ngoài, một số nền kinh tế kém phát triển vẫn chưa thể được hưởng những lợi ích từ quá trình toàn cầu hóa một cách công bằng và bình đẳng như các thành viên APEC khác. Đó là chưa kể tới những nguy cơ mới như khủng bố, thiên tai và bệnh dịch. Thu hẹp khoảng cách để cùng nhau phát triển vẫn là những thách thức lớn đối với chúng ta”, ông nói.

Theo vị lãnh đạo Trung Quốc, cần thiết phải tăng cường hơn nữa các hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà không đi kèm bất cứ điều kiện nào cho các nước đang phát triển, đặc biệt là hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật trong hàng loạt các lĩnh vực.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chia sẻ những kinh nghiệm phát triển trong quá trình đổi mới gần 30 năm qua của Trung Quốc. Nếu như năm 1978, GDP của Trung Quốc mới đạt 216,5 tỷ USD thì đến 2005, con số này là hơn 2.230 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 9,6%.

Trong 2 ngày làm việc của CEO Summit 2006, sẽ có tất cả 15 phiên thảo luận với hàng loạt chủ đề quan trọng như thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển khu vực APEC, những cơ hội và thách thức đến từ nền kinh tế thế giới ngày nay, thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và về kế hoạch thành lập khu mậu dịch tự do APEC (FTAAP)… Diễn giả chính của các phiên thảo luận là lãnh đạo một số tập đoàn nổi tiếng thế giới như ông William Rhodes, Phó chủ tịch cao cấp tập đoàn Citigroup kiêm Giám đốc điều hành Citibank; ông Michael Ducker, Chủ tịch tập đoàn FedEx; Phó chủ tịch cao cấp kiêm Giám đốc Nghiên cứu và Hoạch định chiến lược của Microsoft Craig Mundie…

CEO Summit là một sự kiện thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, bên cạnh hội nghị cấp cao các lãnh đạo APEC. Đây là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, doanh nhân, các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu chia sẻ những kinh nghiệm, kiến nghị và đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp trong khu vực và giữa khu vực APEC với toàn thế giới.

T.T.

  len dau trang


bosung: 17.01.2007 23:03