xuong cuoitrang

14
Thứ sáu, 17/11/2006, 16:11 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/11/3B9F07E1/

Ngoại trưởng Mỹ: 'Việt Nam năng động'

Ngoại trưởng Mỹ C. Rice trong cuộc phỏng vấn ngày 17/11 tại Hà Nội. Ảnh do BNG Mỹ cung cấp.
Ngoại trưởng Mỹ C. Rice trong cuộc phỏng vấn ngày 17/11 tại Hà Nội. Ảnh do BNG Mỹ cung cấp.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Condoleezza Rice hôm nay đã có một cuộc trả lời phỏng vấn 5 tờ báo của Việt Nam, trong đó có VnExpress. Bà khẳng định Việt Nam là bạn và đối tác quan trọng của Mỹ.

- Bà tưởng tượng về Việt Nam thế nào trước khi đến đây?

- Việt Nam có điều giống và cũng có điều khác với tưởng tượng của tôi. Đất nước của các bạn thật xinh đẹp và đáng yêu. Tôi ngạc nhiên trước sự sôi động của thành phố, dường như việc buôn bán và phát triển kinh tế đang diễn ra khắp nơi. Tôi cũng bất ngờ về sự hiện đại của nền kinh tế ở đây nữa.

Tôi rất thích thú được gặp mọi người, rất thân thiện. Giá mà có thể ở đây lâu hơn nữa.

- Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam là như thế nào?

- Việt Nam quan trọng đối với chúng tôi cả về khía cạnh song phương lẫn khu vực, bởi đây là một nước rộng lớn ở Đông Nam Á, đồng thời có tiềm năng lớn về kinh tế. Mỹ mong muốn mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam.

Việt Nam là một đối tác và người bạn quan trọng của Mỹ. Tôi hy vọng và tin tưởng mạnh mẽ rằng PNTR sẽ được nhanh chóng thông qua, cùng với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Chúng tôi nhận thấy những tiến triển ở Việt Nam và vui mừng được đưa Việt Nam khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo.

- Tổng thống Mỹ George Bush đến thăm Việt Nam hôm nay. Bà đánh giá thế nào về chuyến thăm này?

- Tôi biết là tổng thống rất mong muốn đến Việt Nam. Chuyến thăm này cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia đã phát triển một cách đáng chú ý như thế nào trong một khoảng thời gian ngắn.

Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam từng có một giai đoạn khó khăn do chiến tranh. Và 30 năm sau, một tổng thống Mỹ đang đến dự hội nghị lãnh đạo APEC ở đây, ở Việt Nam. Và tôi xin nói thêm rằng các bạn đã đảm nhiệm rất tốt việc tổ chức một hội nghị quốc tế lớn và phức tạp với rất nhiều đoàn khách. Tôi rất ấn tượng với Trung tâm hội nghị quốc tế mới của các bạn.

Cuối ngày hôm nay, Tổng thống Mỹ sẽ gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam và dự tiệc tối. Như vậy chúng tôi sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn của Việt Nam. Có thể các bạn chưa biết, nhưng ở Mỹ, món ăn Việt Nam rất được ưa chuộng.

- Bà nhận xét thế nào về thanh niên Việt Nam?

- Tôi gặp nhiều bạn trẻ đáng mến làm việc ở Trung tâm hội nghị APEC hôm qua. Tôi nghĩ được làm một người trẻ ở đất nước các bạn thật là thú vị, bởi dân số Việt Nam cũng rất trẻ.

- Bà có lời khuyên gì cho họ?

- Nếu được đưa ra một lời khuyên với thanh niên, tôi nghĩ các bạn nên ra nước ngoài học tập nếu có cơ hội. Lời khuyên thứ hai là nên học ngoại ngữ, bởi ngoại ngữ rất quan trọng. Tôi thấy các bạn trẻ ở đây nói tiếng Anh thành thạo. Tôi có gặp một cô gái trẻ làm việc ở Bộ Ngoại giao và rất ấn tượng về tiếng Anh của cô. Vì thế tôi tin rằng các bạn nữ đang làm việc rất tốt ở đó. Chẳng có lý do nào để nghĩ rằng chân trời của các bạn nữ hạn hẹp hơn của nam giới cả.

- Bà thường được nhìn nhận là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà nghĩ như thế nào về điều đó?

- Ồ không, tôi không nghĩ nhiều về điều đó đâu, và mọi người đừng nên cho tôi danh hiệu đó nhé. Thực ra tôi là một người rất may mắn vì tôi được học những điều mình yêu thích, được học chuyên môn mình yêu thích.

Tôi có thể nói gì với phụ nữ và đặc biệt là các bạn nữ trẻ của Việt Nam ư? Điều đầu tiên, bạn hãy thích những gì mình làm. Có một số người chọn nghề này nghề khác vì nghề đó có thể mang đến tiền bạc hoặc việc làm tốt. Còn tôi, khi vào đại học, tôi định trở thành một nhạc sĩ, chơi piano, nhưng sau đó thì tôi nhận ra rằng mình chơi nhạc cũng khá, nhưng không đủ khá để thành một nhạc sĩ danh tiếng. Và thế là tôi chuyển qua học một khóa về chính trị quốc tế, chủ đề của khóa đó là về Liên Xô. Thực ra thì không có một lý do cụ thể nào để một cô gái Mỹ gốc Phi ở bang Alabama đặc biệt quan tâm đến Liên Xô khi đó. Nhưng mà tôi thực sự yêu thích chủ đề này.

Điều quan trọng thứ hai, là không nên để ai đó quyết định hộ bạn rằng bạn nên làm gì hay không nên làm gì. Bạn hãy nghe theo mách bảo của bản thân mình, đừng bao giờ sợ hãi. Bản thân tôi không giỏi lắm trong việc đặt kế hoạch cho cuộc đời mình. Nhiều người có các kế hoạch 1 năm, 5 năm hay 10 năm chẳng hạn, nhưng tôi thì nghĩ bạn hãy nên theo đuổi những gì mình có hứng thú. Sẽ thật tuyệt khi theo đuổi những gì mà ta quan tâm, không sợ thách thức, đón nhận sự thay đổi, bạn sẽ thấy nhiều cơ hội mở ra hơn.

- Bà nhận xét như thế nào về người Việt ở Mỹ?

- Đó là một cộng đồng đầy sức sống. Tôi biết có những người Việt làm việc trong chính phủ hoặc làm bác sĩ, chuyên gia hoặc là sinh viên đại học, có cả sinh viên Việt ở Standford nơi tôi từng giảng dạy.

Một kỷ niệm tôi muốn kể cho các bạn là khi cơn bão Katrina xảy ra hồi năm ngoái ở miền nam nước Mỹ, thì cộng đồng người Việt ở bang Alabama quê hương tôi - những người làm nghề thủy sản và gánh chịu thiệt hại đáng kể - đã nỗ lực giúp đỡ nhau vượt qua.

Người Việt ở Mỹ, những người thuộc nhiều ngành nghề từ bác sĩ tới giáo sư hay các nhà chuyên môn, cho đến những người lao động bình thường, tạo thành một cộng đồng rộng rãi. Ngoài California, ở bang Alabama cũng có số lượng đáng kể người Việt. Dì của tôi là giáo viên trung học ở Birmingham, và bà có nhiều học sinh người Việt. Có thể nói cộng đồng người Việt ở Mỹ rất sống động.

- Khi kể về một Việt Nam mà bà đang thấy, bà sẽ nói gì?

- Người Mỹ sẽ ngạc nhiên trước một Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Người Mỹ nên đến đây, đi dạo ở trung tâm Hà Nội, để nhìn các cửa hàng, nhìn những người trẻ tuổi. Tôi có thể nói rằng đây là một nơi năng động nhất mà tôi từng đến và mọi thứ đang thay đổi rất, rất nhanh chóng. Tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy nhiều xe máy như vậy.

Sẽ là tốt khi đến đây. Mọi người sẽ ngạc nhiên vì đất nước các bạn.

T. Huyền (ghi)

  len dau trang
13
Thứ sáu, 17/11/2006, 11:02 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/11/3B9F07B6/

Báo nước ngoài viết về chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ George Bush và phu nhân bước từ chuyên cơ xuống sân bay Nội Bài. Ảnh: AP.

Các phương tiện truyền thông quốc tế hôm nay đều nhấn mạnh chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ George Bush. Nhưng nhiều tờ báo cũng tỏ ra tiếc nuối vì ông đến Hà Nội mà không có PNTR cho Việt Nam.

Reuters khẳng định ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của một tổng thống Mỹ sau chiến tranh. Họ khẳng định thay vì quan tâm đến các vấn đề trong quá khứ, Tổng thống Bush sẽ tập trung vào Việt Nam như một câu chuyện thành công mới về kinh tế.

AP thì nhận định, với việc được đánh giá cao trong cuộc chiến đẩy lùi cúm gia cầm và các nỗ lực chống lại đại dịch AIDS, Việt Nam sẽ gây ấn tượng với Tổng thống Mỹ George Bush vì những gì đã làm được trong các lĩnh vực này.

Theo lịch trình làm việc tại Việt Nam, sau khi dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14 tại Hà Nội, ông Bush sẽ tới thăm Viện Pasteur ở TP HCM, một trong những trung tâm nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam về các căn bệnh truyền nhiễm.

Hãng tin trên tiếp tục nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong cuộc chiến chống cúm gia cầm, trong khi virus H5N1 vẫn đang hoành hành trong khu vực. Việt Nam không phát hiện bất cứ ổ dịch nào trong năm nay và không có người bị nhiễm loại virus này kể từ tháng 11/2005.

Tổng thống George Bush cũng sẽ tìm hiểu về cuộc chiến của Việt Nam trước đại dịch AIDS. Đây là lĩnh vực được Washington quan tâm vì Mỹ đã chọn Việt Nam là một trong 15 nước nhận hỗ trợ khẩn cấp về HIV/AIDS, vào tháng 6/2004.

FOX News cũng nhấn mạnh chuyến thăm lần đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ và nhận định, trọng tâm của sự kiện này là dự hội nghị APEC và bàn thảo về các lĩnh vực thương mại, chủ nghĩa khủng bố và cúm gia cầm. Kênh truyền hình này khẳng định chuyến thăm cho thấy mối quan hệ Việt - Mỹ đang được củng cố nhanh chóng.

Los Angeles Times cho rằng chuyến công du châu Á của ông Bush, trong đó có Việt Nam, tập trung vào hai lĩnh vực chủ yếu là thương mại và chống khủng bố. Tờ báo cũng dành một phần quan trọng để mô tả sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.

Nhật báo rất có uy tín tại Mỹ này đánh giá cao con số tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam trong năm ngoái là 8,4 %. Theo họ điều này thể hiện bộ máy kinh tế đầy sức mạnh mà Việt Nam có được sau khi thực hiện đổi mới và cải cách thị trường. 

Financial Times giật tít lớn "Việt Nam trải thảm đỏ đón ông Bush". Nhưng tờ báo cũng không quên nhắc lại sự kiện vừa diễn ra khi Quốc hội Mỹ chưa thể thông quy chế bình thường hóa thương mại vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR). Tờ báo dẫn lời một quan chức Mỹ khẳng định, ông Bush hy vọng "sẽ mở ra một chương mới trong mối quan hệ Việt - Mỹ" qua chuyến thăm lần này.

Christian Science Monitor thì thích thú mô tả về hình ảnh ấn tượng sẽ diễn ra vào cuối tuần này, khi Tổng thống Mỹ George Bush cùng các nhà lãnh đạo khác diện bộ áo dài truyền thống của Việt Nam may bằng lụa trong lễ bế mạng hội nghị APEC. Tờ báo cho rằng, sự có mặt của ông Bush tại Hà Nội là "chiến thắng cho cả Việt Nam và Mỹ".

NPR cũng có bài viết về hội nghị APEC đang diễn ra tại Hà Nội với mục tiêu chính là tăng cường hợp tác về an ninh và kinh tế giữa các thành viên, đồng thời đề cập tới chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Bush tới Việt Nam nhân dịp này.

Hãng tin cho rằng, việc Việt Nam làm chủ nhà đón tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo khác sẽ đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn với nền chính trị thế giới. Hơn nữa, sự kiện Việt Nam được kết nạp vào WTO chứng tỏ sự phát triển kinh tế và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực của Việt Nam.

Đình Chính tổng hợp

  len dau trang
12
Thứ sáu, 17/11/2006, 10:24 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F07BF/

Bếp núc ở APEC

Trung tâm hội nghị quốc gia có nhiều bếp. Bếp báo chí, do hai đầu bếp thuê ở ngoài, còn khâu nấu nướng bày bàn tất tật đều sử dụng lực lượng tại chỗ. Từ người phụ trách đến nhân viên tài vụ đánh máy, quản trị đều phải tham gia nhặt rửa rau hoặc chế biến kèm theo sự hướng dẫn của hai đầu bếp.

Cánh nhà báo xuống bếp ăn. Ảnh: Tiền Phong.

Thực đơn chủ yếu dành cho các nhà báo gồm súp gà hay lươn và rau; salat bắp cải dưa chuột; tôm nướng; gà hấp lá chanh; bò sốt rượu vang; mỳ xào hải sản; philê cá chiên bơ; su su luộc; bánh mỳ bơ thịt nguội với phomat; cơm trắng và hoa quả; ước uống đóng chai. Bên hành lang tầng 3 dành cho báo chí hai, phiên sáng và chiều đều bày không chuối thì mít khô, nho hoặc bánh ngọt cùng cà phê.

Thực phẩm nấu cho phòng báo chí này đều lấy từ siêu thị Metro, sau đó phải qua khâu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do chuyên gia của Trung tâm đảm nhận.

Bữa đầu mới có 800 người ăn, sau cứ tăng thêm. Trưa 15/11 có hơn nghìn nhà báo. Mấy bữa sau cùng với nhiều sự kiện khác, báo chí có mặt càng nhiều, tròm trèm 2.000 người.

Ngoài bếp báo chí ra, tại Trung tâm còn có bếp chuyên phục vụ các nhân vật quan trọng dự Hội nghị, bình quân mỗi bữa 800-900 suất ăn. Thường ăn thực đơn Âu (kèm một số món Việt Nam) và ăn bàn nên các món không nhiều. Đảm trách việc nấu nướng là đầu bếp trứ danh của các khách sạn lớn như Horison, Sofitel.

(Theo Tiền Phong)

  len dau trang
11
Thứ sáu, 17/11/2006, 02:03 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F0782/

Hà Nội chật cứng chuyên cơ của các CEO quốc tế

Cạnh những dãy chuyên cơ san sát nhau của các nhà lãnh đạo APEC tại sân bay Nội Bài là máy bay riêng của hơn mười ông chủ tập đoàn cỡ bự thế giới. Họ cùng hơn 1.100 CEO danh tiếng khác sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các giám đốc doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) trong hai ngày 17-18/11.

Đoàn doanh nghiệp DHL gặp gỡ đối tác VNPT. Ảnh: T.T.
Đoàn doanh nghiệp DHL gặp gỡ đối tác VNPT. Ảnh: T.T.

CEO Summit 2006 được xem là dịp hội tụ nhiều kỷ lục nhất. Ít nhất sẽ có 10 lãnh đạo các nền kinh tế APEC tham gia diễn đàn, nhiều hơn tất cả các kỳ hội nghị từ trước tới nay. CEO Summit 2006 thu hút sự tham gia của gần 1.200 doanh nhân, vượt 200 người so với kỷ lục đạt được trước đây tại CEO Summit 2004 ở Chile. Đáng chú ý, trong số hơn 600 CEO quốc tế dự hội nghị lần này, có rất nhiều doanh nhân không nằm trong khu vực APEC cũng đăng ký tham gia.

Ban tổ chức CEO Summit 2006 cũng vất vả không ít để thu xếp chỗ đậu chuyên cơ của 12 tập đoàn lớn tại sân bay Nội Bài, khi mà cùng lúc đó đã có hàng chục chuyên cơ của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. Đoàn máy bay riêng của các doanh nghiệp Mỹ tỏ ra hùng hậu nhất, có tới gần 10 chiếc, trong đó có chuyên cơ của các ông chủ tập đoàn FedEx, Qualcomm, AIG...

Việt Nam là ngôi sao đang lên của khu vực. Điểm đến Việt Nam ngày một hấp dẫn, nhất là khi đã trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này lý giải tại sao tuần lễ cấp cao APEC 2006 lại thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nhân quốc tế đến vậy.

Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn bảo hiểm Mỹ ACE, ông Edward Clancy không giấu nỗi vui mừng khi cầm trên tay giấy phép kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. ACE mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ 1996. 9 năm sau, nhân chuyến thăm lịch sử của thủ tướng đương nhiệm Phan Văn Khải tới Mỹ, tập đoàn này đã nhận giấy phép kinh doanh bảo hiểm đầu tiên trong lĩnh vực nhân thọ.

"Chúng tôi rất lạc quan và nhìn thấy rất nhiều cơ hội cung cấp sản phẩm và dịch vụ đến với người tiêu dùng Việt Nam. Việc Việt Nam gia nhập WTO cũng sẽ tạo cơ hội ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường", ông Clancy trao đổi với VnExpress. Ông cho biết thêm, ngoài việc bảo hiểm về vật chất cho các công ty lớn, ACE cũng sẽ không bỏ qua cơ hội cung cấp dịch vụ cho các công ty cỡ trung và các sản phẩm bảo hiểm tai nạn, sức khoẻ cho khách hàng cá nhân.

Hợp đồng hợp tác phát triển cổng thông tin quốc gia MSN được ký kết giữa Microsoft và Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC cùng Công ty VIP Wireless sáng 16/11 là sự kiện đáng ghi nhớ với ngành công nghệ thông tin trong nước. Còn với chính Microsoft, đây là dấu mốc quan trọng giúp đại gia này mở rộng cung cấp dịch vụ trực tuyến tại thị trường Việt Nam. Ngay sau lễ ký, ông David Heeley, Giám đốc kinh doanh phụ trách khu vực các thị trường mới nổi của Microsoft cho biết hãng đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch làm ăn tại mảnh đất hứa Việt Nam.

"Việt Nam trở thành thành viên WTO. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Đó là lý do chúng tôi đến đây và ký kết thoả thuận hợp tác với VDC, Wireless VIP. Hơn 13 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Con số này đang gia tăng cực nhanh. Đây là những con số vô cùng ấn tượng, mang lại cơ hội to lớn cho chúng tôi", ông tâm sự.

Mỹ chưa thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Song theo ông Heeley, Microsoft không hề nản lòng vì điều đó. Ông cũng cho rằng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam không vì thế mà giảm bớt sức hấp dẫn.

Đặt chân tới Hà Nội đầu giờ chiều 16/11, phái đoàn của tập đoàn không vận DHL Express, gồm hơn 10 người do Tổng giám đốc điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương Scott Price dẫn đầu, góp phần điểm tô thêm cho đại tiệc của cộng đồng doanh nhân APEC. Ngày mai tại CEO Summit, ông Scott Price sẽ có bài phát biểu về cơ hội phát triển của DHL trong nền kinh tế VN. Nhân dịp này, DHL công bố đầu tư 14 triệu USD nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng và mở rộng dịch vụ của chi nhánh tại VN. Hãng sẽ mở rộng dịch vụ tới các khu công nghiệp, tăng cường đầu tư nhằm đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế VN sau khi gia nhập WTO.

Song Linh - Phong Lan

  len dau trang
10
Thứ sáu, 17/11/2006, 10:26 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F07B5/

Hơn 100 doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Nhật đến VN

Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: AFP.

Chiều nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến Hà Nội bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 4 ngày. Bên cạnh cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Shinzo Abe sẽ tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nhật và thăm khu công nghiệp Thăng Long.

Lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản sẽ diễn ra vào chiều 19/11 tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau đó, ông Shinzo Abe sẽ có cuộc Hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các vấn đề hai bên quan tâm. Thủ tướng Nhật Bản cũng sẽ hội kiến Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Sáng 20/11, ông Shinzo Abe sẽ dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nhật và ăn trưa với cộng đồng doanh nghiệp. Chiều cùng ngày, ông sẽ thăm khu công nghiệp Thăng Long.

Trả lời báo chí trước chuyến đi, ông Shinzo Abe khẳng định, trong chuyến thăm này, ông mong muốn trao đổi với Thủ tướng Việt Nam các biện pháp để nâng quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược như hai bên đã nhất trí trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

“Chuyến thăm Việt Nam lần này sẽ có một phái đoàn gồm hơn 100 doanh nghiệp do Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) dẫn đầu. Chắc chắn phái đoàn doanh nghiệp đó sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước”, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định.

Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 10 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe đã ký Tuyên bố chung Nhật - Việt với 6 nội dung về đối ngoại cấp cao, hợp tác kinh tế, thúc đẩy đầu tư, hợp tác khoa học kỹ thuật, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trong hợp tác quốc tế. Tuyên bố chung nhấn mạnh việc hướng tới xây dựng một đối tác chiến lược vì hòa bình, ổn định tại châu Á.
 

Việt Anh

  len dau trang
9
Thứ sáu, 17/11/2006, 12:51 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/Tu-lieu/2006/11/3B9F07DE/

Ảnh chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc

Sáng qua, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cùng phu nhân đã đến Hà Nội thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14 vào cuối tuần này. Trước đó ông đã đến Đà Nẵng và thăm phố cổ Hội An.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vẫy chào sau khi bước xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đây là điểm đến đầu tiên của ông trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Ảnh: AFP.
Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Hà Nội thăm chính Việt Nam và dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14. Trong ảnh, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng phu nhân đang vẫy chào tại sân bay Nội Bài sáng 16/11. Ảnh: AP.
Vẫy chào nhà lãnh đạo Trung Quốc cùng phu nhân tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: AP.
Chiếc xe đưa nhà lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiến vào Phủ chủ tịch, nơi diễn ra lễ đón chính thức theo nghi thức trang trọng nhất. Ảnh: AFP.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh ôm hôn chào đón Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Phủ chủ tịch. Ảnh: AP.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào duyệt đội danh dự trong lễ đón tại Phủ chủ tịch. Ảnh: AP.
Các thiếu nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống vẫy cờ hai nước chào đón Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Hà Nội. Ảnh: AP.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Trung Quốc bước ra phía ngoài Phủ chủ tịch để vẫy chào người dân. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: AP
Từ phải qua: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cùng các quan chức Trung Quốc chứng kiến lễ ký các văn kiện song phương tại Hà Nội. Ảnh: AFP.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nâng cốc chúc mừng cùng các quan chức khác sau kễ ký một số văn kiện quan trọng với Việt Nam. Ảnh: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng nay. Ảnh: Reuters.

Đình Chính (st)

  len dau trang
8
Thứ sáu, 17/11/2006, 09:35 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F07A8/

Tổng thống Bush đến Việt Nam với lịch làm việc dày đặc

Tổng thống Bush và Phu nhân đến VN. Ảnh: AP.

Sáng nay, Tổng thống Mỹ George W. Bush và phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm VN và dự Hội nghị APEC 14. Trong lịch trình 4 ngày, ông Bush sẽ hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo VN và có cuộc gặp song phương với lãnh đạo của Trung Quốc, Nga, Australia, Nhật...
> 'Mỹ sẽ sớm thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam'

Lễ đón Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra chiều nay tại Phủ Chủ tịch. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Bush sẽ tiến hành hội đàm, thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nhân đạo, viện trợ phát triển... Cũng trong chiều nay, Tổng thống Bush sẽ hội kiến với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Lịch trình làm việc 4 ngày của ông Bush tại VN khá dày đặc. Ngoài việc tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị APEC 14, ông Bush còn có hàng loạt cuộc gặp song phương với Thủ tướng Australia John Howard, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun...

Chiều 19/11, Tổng thống Mỹ sẽ vào TP HCM. Tại đây, ông sẽ thăm sàn giao dịch chứng khoán thành phố, gặp gỡ bàn tròn với doanh nghiệp thành phố, thăm Viện Pasteur và Bảo tàng lịch sử.

Ảnh: AP.

Trong chuyến đi này, Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, bà Laura Bush, cũng tham dự các hoạt động dành cho phu nhân của lãnh đạo các nền kinh tế, bao gồm chuyến viếng thăm Văn Miếu, Bảo tàng Dân tộc học và xem biểu diễn rối nước.

Dự kiến, chiều 20/11, Tổng thống Bush và phu nhân sẽ rời Việt Nam.

Đây là chuyến thăm thứ hai của một tổng thống Mỹ tới VN kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Chuyến đi lần này của Tổng thống Bush được Ngoại trưởng Condoleezza Rice nhận định là sẽ đưa quan hệ Việt - Mỹ trở thành một mối quan hệ rất rộng lớn và chứng tỏ rằng Việt Nam có thể là một đối tác rất quan trọng đối với Mỹ. Hiện, Mỹ đứng thứ 6 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Năm 2006, thương mại hai chiều đạt 9 tỷ USD.

Hôm qua, 16/11, bà Rice cũng đã gặp gỡ Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thảo luận một số vấn đề, trong đó có việc chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức VN của Tổng thống Bush.

Lịch trình dự kiến của Tổng thống Bush tại Việt Nam

Ngày 17/11
Hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo VN
Hội đàm với Thủ tướng Australia

Ngày 18/11
Tiệc trưa với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tiệc tối với Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun.
Tham dự hội nghị APEC 14, g
ặp lãnh đạo các nước Đông Nam Á thành viên APEC.

Ngày 19/11
Hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và mời tiệc trưa Tổng thống Nga Vladimir Putin. Buổi chiều, ông Bush rời Hà Nội đi TP HCM

Ngày 20/11
Thăm sàn giao dịch chứng khoán và gặp gỡ bàn tròn với doanh nghiệp ở TP HCM, thăm Viện Pasteur và tới Bảo tàng lịch sử.

Việt Anh - Đoàn Loan

  len dau trang
7
Thứ sáu, 17/11/2006, 11:40 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/11/3B9F07AE/

Ảnh tổng thống Mỹ tại Việt Nam

Sáng nay, Tổng thống Mỹ George Bush và phu nhân đặt chân tới sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14. Dưới đây là những hình ảnh về chuyến thăm đầu tiên của ông tới Việt Nam

Tổng thống Mỹ George Bush và phu nhân Laura bước ra từ cửa chiếc chuyên cơ Air Force One tại sân bay Nội Bài. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông và là chuyến thăm thứ hai của một tổng thống Mỹ tới Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ George Bush và phu nhân tươi cười nhận hoa từ các thiếu nữ Việt Nam trong bộ áo dài truyền thống và chụp ảnh kỷ niệm tại sân bay. Ảnh: AP.
Tổng thống Bush vẫy tay chào trước khi lên chiếc xe đặc chủng về trung tâm Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14. Ảnh: AP.
Chiếc xe đặc chủng chở Tổng thống Bush rời khỏi khách sạn Sheraton, nơi ông và phái đoàn Mỹ nghỉ trong thời gian ở Hà Nội. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ George Bush (trái) và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong lễ đón chính thức tại Phủ chủ tịch. Ảnh: AP.
Hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ duyệt đội danh dự. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ George Bush hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Bush và Thủ tướng John Howard phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp trưa nay tại khách sạn Sheraton, bên lề APEC tại Hà Nội. Ảnh: AP.

Đình Chính (st)

  len dau trang
 6
Thứ năm, 16/11/2006, 20:21 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F0781/

'Mỹ sẽ sớm thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam'

Ảnh: Wikimedia.
Ảnh: Wikimedia.

Sáng 16/11, tại buổi tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại và các tập đoàn lớn của Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hy vọng Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam trong những năm tới. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến từ quốc gia này.
> Thúc đẩy thương mại là trọng tâm quan hệ Việt - Mỹ

“Trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam luôn nhất quán và mong muốn hướng tới tương lai. Việt Nam đã và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng rằng sự có mặt của các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thương mại đầu tư giữa hai nước. Ông cũng lạc quan về khả năng đạt kim ngạch đầu tư 15 tỷ USD vào năm 2010.

Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp Mỹ và Phòng Thương mại Mỹ trong việc thúc đẩy ký kết và thực hiện Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ và ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Người đứng đầu Chính phủ VN lấy làm tiếc rằng, Hạ viện Mỹ chưa thông qua dự luật về Quy chế bình thường hóa thương mại vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam trước chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống G. Bush, 17-20/11. Thủ tướng tin rằng PNTR sẽ được thông qua vì sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO.

Phòng Thương mại Mỹ là hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất thế giới đại diện cho 3 triệu công ty, hiệp hội, phòng thương mại địa phương và 100 phòng thương mại Mỹ tại 91 nước trên thế giới.

Ông Thomas J. Donohue, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ khẳng định, các doanh nghiệp Mỹ rất ấn tượng trước sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Các công ty của Mỹ mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác, đầu tư tại đây. Giới doanh nghiệp Mỹ cũng cam kết sẽ thúc đẩy Hạ viện Mỹ sớm thông qua PNTR với Việt Nam.

Ngày mai, 17/11, Tổng thống Mỹ George W.Bush sẽ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam và dự Hội nghị APEC 14. Chuyến thăm này, theo đánh giá của Ngoại trưởng Rice, sẽ đưa quan hệ Việt - Mỹ trở thành một mối quan hệ rất rộng lớn và chứng tỏ rằng Việt Nam có thể là một đối tác rất quan trọng đối với Mỹ.

Hiện, Mỹ đứng thứ 6 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Năm 2006, thương mại hai chiều đạt 9 tỷ USD.

Việt Anh

  len dau trang
 5
Thứ năm, 16/11/2006, 20:08 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F077B/

Ký kết hơn 10 văn kiện hợp tác Việt - Trung

Lễ đón chính thức Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào diễn ra chiều nay tại Hà Nội. Ngay sau đó, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cùng vị lãnh tụ Trung Quốc chứng kiến việc ký kết hàng loạt văn kiện và khai trương website hợp tác kinh tế thương mại Việt Trung.

3 nhà lãnh đạo tại lễ đón chính thức chiều nay ở Phủ Chủ tịch. Ảnh: Reuters.
3 nhà lãnh đạo tại lễ đón chính thức chiều nay ở Phủ Chủ tịch. Ảnh: Reuters.

Chuyên cơ chở Tổng bí thư - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài trưa nay, sau khi ông tới thăm thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An chiều qua.

Tại lễ đón chính thức chiều nay, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng bí thư - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không những thể hiện sự coi trọng và quan tâm đặc biệt của Trung Quốc đối với việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai bên, mà còn là sự ủng hộ mạnh mẽ với Hội nghị cấp cao APEC mà Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức. Tổng bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng và luôn luôn coi việc phát triển quan hệ hợp tác toàn diện và bền vững với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Ngay sau đó, 3 nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 11 văn kiện hợp tác song phương. Trong đó có Hiệp định phát triển hợp tác sâu rộng kinh tế thương mại giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc;
Hành lang kinh tế thứ nhất là Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Hành lang kinh tế thứ hai là Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Dự án này mở ra triển vọng hợp tác kinh tế rất lớn và cơ hội tốt đẹp để phát triển kinh tế của mỗi nước.
Biên bản ghi nhớ về triển khai hợp tác “Hai hành lang một vành đai” kinh tế Việt - Trung; Công hàm trao đổi về lao động và nguồn nhân lực giữa hai chính phủ; Bản ghi nhớ về công tác kiểm dịch y tế biên giới; Bản ghi nhớ về xây dựng nhà máy nhiệt điện than miền Nam giai đoạn 2; Thoả thuận thăm dò dầu khí chung trong khu vực; Thoả thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ; Thoả thuận khung về hợp tác đầu tư các dự án thuộc hai hành lang một vành đai và các dự án liên quan; Dự án sản xuất phân đạm từ than cám Ninh Bình...

3 nhà lãnh đạo
3 nhà lãnh đạo nhấn nút khai trương website hợp tác kinh tế và thương mại Việt - Trung. Ảnh: Thanh Thuỷ.

Tại lễ công bố website hợp tác kinh tế và thương mại Việt Trung, đích thân Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Tổng bí thư - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng nhấn nút kích hoạt trang thông tin điện tử quan trọng này.

Tối nay, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết mở tiệc chiêu đãi Tổng bí thư - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Sáng 11/11, tại Hà Nội, đại diện Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung. Chủ tịch Ủy ban phía Việt Nam là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, các ủy viên gồm lãnh đạo Ban đối ngoại Trung ương cùng các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại và Tài chính. Chủ tịch Ủy ban phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ viện Đường Gia Triền, các ủy viên gồm lãnh đạo Ban Liên lạc Đối ngoại, các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, An ninh, Thương mại và Tài chính, cùng Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc.

Quan hệ kinh tế thương mại Việt Trung đang có những bước đột phá quan trọng. Kim ngạch buôn bán hai chiều tăng từ 32,23 triệu USD năm 1991 lên 8,739 tỷ USD năm 2005. Tính riêng 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt 7,2 tỷ USD và với đà này cả năm 2006, hai nước hy vọng con số trên sẽ lên tới 10 tỷ USD, bằng mức kim ngạch dự kiến vào năm 2010.

Trung Quốc hiện là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Từ năm 1991 đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 mặt hàng như dầu thô, cao su, thủy sản, rau quả, than đá…Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 200 loại mặt hàng, phần lớn là các sản phẩm công nghiệp chế tạo như máy móc, thiết bị, phụ tùng, xăng dầu, phân bón, sắt thép…và sản phẩm công nghiệp chế biến.

Về đầu tư, tính đến trung tuần tháng 10, Trung Quốc đứng thứ 15 trong tổng số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với 399 dự án còn hiệu lực có tổng số vốn đăng ký là 834,7 triệu USD. Trung Quốc có dự án đầu tư tại 42/64 tỉnh thành của Việt Nam.

Song Linh

  len dau trang
 4
Thứ năm, 16/11/2006, 12:25 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2006/11/3B9F072C/

Gần 2 tỷ USD được ký kết trong một buổi sáng

Hàng loạt thương vụ trong các lĩnh vực năng lượng, du lịch, giải trí, khách sạn, kho vận và công nghệ thông tin đã được ký trong khuôn khổ Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư với Việt Nam sáng nay tại HN. 2 giấy phép bảo hiểm phi nhân thọ cũng được trao cho các doanh nghiệp Mỹ nhân sự kiện này.
> Nhiều thương vụ lịch sử chờ ký kết trong APEC

Trong số 8 văn bản ký kết sáng nay, có 6 hợp đồng hợp tác kinh doanh trị giá 1,99 tỷ USD. Lớn nhất là Dự án BOT đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, trị giá 1,4 tỷ USD, giữa tập đoàn AES Transpower của Mỹ và tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam. Kế đó là dự án thành lập công ty liên doanh giữa tập đoàn Saigon Invest và Công ty V.S. Industry Berhad, trị giá 200 triệu USD. Dự án hợp tác phát triển khu du lịch và sân golf giữa Công ty TNHH Thung lũng Vua (King’s Valley) của Việt Nam và tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc trị giá 150 triệu USD. Thỏa thuận nguyên tắc về thành lập công ty liên doanh cảng container quốc tế Cái Lân (Quảng Ninh) giữa Công ty Vinalines và tập đoàn SSA Marine trị giá 100 triệu USD. Hai đơn vị này cũng ký thỏa thuận nguyên tắc về việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực logistics.

Công ty TNHH Trường Thịnh hôm nay giành được 2 hợp đồng quan trọng. Một là hợp đồng phân phối độc quyền các sản phẩm dầu dùng cho động cơ motor với tập đoàn NRG (Mỹ) trị giá 125 triệu USD. Hai bên còn ký một hợp đồng nữa liên quan tới tài trợ vốn phát triển khu du lịch sinh thái Sun Spa Resort trị giá 15 triệu USD.

2 văn bản còn lại là các thỏa thuận hợp tác, trong đó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại Mỹ về việc tăng cường, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và phát triển quan hệ thương mại Việt Mỹ. Công ty điện toán và truyền số liệu VDC cùng Công ty cổ phần vô tuyến VIP Việt Nam và đại gia Microsoft của Mỹ ký thỏa thuận hợp tác phát triển cổng thông tin điện tử MSN Việt Nam.

Toàn bộ số hợp đồng trên được ký kết trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số bộ trưởng của Việt Nam. Ngay tại lễ ký này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao giấy phép hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ cho tập đoàn bảo hiểm Mỹ là Ace và Liberty Mutual.

Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư với Việt Nam (Doing Business with Vietnam) đã khai mạc sáng nay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một số bộ trưởng và quan chức Việt Nam cùng hơn 1.000 đại biểu trong và ngoài nước, đa phần là các chủ tịch, phó chủ tịch, giám đốc điều hành doanh nghiệp tầm cỡ trong khu vực. Trong số 1.000 đại biểu doanh nghiệp, 70% đến từ các doanh nghệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ tài chính. 41% đại biểu đã và đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Với chủ đề “Những cơ hội kinh doanh khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới”, Doing Business with Vietnam là một sự kiện quan trọng trong Tuần lễ cấp cao APEC 2006, nhằm tăng cường hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Việt Nam với các nền kinh tế.

Song Linh

  len dau trang
 3
Thứ năm, 16/11/2006, 11:50 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F070D/

Tổng thống Chile sẽ gặp các nữ lãnh đạo VN

Chiều nay, Tổng thống Chile Michelle Bachelet sẽ đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị VN. Bà Michelle Bachelet sẽ có cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Đảng, nhà nước VN.

Trong chuyến thăm 4 ngày tại VN, bà Michelle Bachelet sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm trao đổi các phương hướng lớn tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác, đặc biệt là kinh tế - thương mại. Nữ tổng thống Chile sẽ tham dự Hội nghị APEC 14.

Theo lịch trình dự kiến, lễ đón chính thức Tổng thống Michelle Bachelet diễn ra sáng mai (17/11) tại Phủ Chủ tịch. Chiều cùng ngày, bà sẽ có cuộc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng và gặp các lãnh đạo nữ VN vào sáng 18/11.

Bà Michelle Bachelet cũng sẽ thăm Văn Miếu và có kế hoạch ghé thăm một số cửa hàng tơ lụa, tranh thêu tại khu phố cổ Hà Nội.

Michelle Bachelet trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Chile vào đầu năm nay, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Trước đó, bà từng là bộ trưởng Quốc phòng.

Việt Anh

  len dau trang
 2
Thứ năm, 16/11/2006, 16:12 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F074A/

Thúc đẩy thương mại là trọng tâm quan hệ Việt - Mỹ

Ngoại trưởng Rice tại Trung tân Hội nghị Quốc tế sáng nay. Ảnh: AFP.

Ngay sau khi đến Hà Nội, sáng nay, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã dự phiên họp toàn thể Hội nghị liên Bộ trưởng (AMM) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Nữ ngoại trưởng Mỹ cũng có cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm.

Tại cuộc hội đàm, bà Rice và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã thảo luận các vấn đề song phương, trong đó có việc chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Bush (17-20/11), cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hai bên hài lòng về sự phát triển của quan hệ hai nước trong thời gian qua và nhất trí rằng việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại cũng như hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ là những trọng tâm trong quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới. Hai bên cũng xác định việc cần tiếp tục duy trì đối thoại về các vấn đề hai bên còn khác biệt.

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo (CPC). Phía Việt Nam đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục thúc đẩy để Quốc hội Mỹ sớm thông qua quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam.

Lịch trình của Ngoại trưởng Mỹ tới VN đã phải lùi lại 1 ngày so với kế hoạch dự kiến do bà phải tham dự các cuộc họp quan trọng tại Mỹ. Trong buổi họp báo trước khi lên đường, bà Rice cho biết, rất háo hức trước chuyến đi đầu tiên tới VN và lần dừng chân ở Hà Nội là điều khiến bà phấn khích nhất trong chuyến công du.

Trước đó, trả lời TTXVN, Ngoại trưởng Rice khẳng định, quan hệ Việt - Mỹ sẽ trở thành một mối quan hệ rất rộng lớn. Chuyến thăm của Tổng thống Bush tới Việt Nam chứng tỏ rằng Việt Nam có thể là một đối tác rất quan trọng đối với Mỹ.

Việt Anh

  len dau trang
 1
Thứ năm, 16/11/2006, 10:45 GMT+7
tại địa chỉ, trong Internet : www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2006/11/3B9F06DA/

Lá cờ lớn nhất thế giới đón APEC

Hơn 13.000 m2 vải được sử dụng để may cờ. Khi hoàn thành, lá cờ nặng gần 1 tấn và phải “nhờ” đến 5 khinh khí cầu để nâng lên. Dự kiến sau ngày 20/11, lá cờ “khổng lồ” sẽ tung bay trên bầu trời nhằm chào mừng thành công của Hội nghị APEC Việt Nam 2006.

Lá cờ khổng lồ tại sân nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: H.H.
Lá cờ khổng lồ tại sân nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: H.H..

Theo ông Hoàng Ngọc Nam, Phó giám đốc Công ty Chiến Thắng (quận 1, TP HCM), đơn vị làm lá cờ khổng lồ, việc làm lá cờ chào mừng Hội nghị APEC được bắt đầu từ sau khi đơn vị này sản xuất thành công lá cờ rộng tới 400 m2 nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương và lá cờ khổng lồ lớn nhất Việt Nam khác để chào mừng ngày giải phóng miền Nam.

“Có thể nói đây là lá cờ lớn nhất và có một không hai trên thế giới được làm để chào đón sự kiện Hội nghị APEC 2006”, ông Nam tự hào.

Lá cờ được thiết kế trên nền vải nilon trắng có hình logo APEC Việt Nam với hình chiếc nón lá khổng lồ 50m chiều đứng (tương đương tòa nhà cao 10 tầng) và 55 m chiều ngang. Công ty phải huy động 50 nhân công làm liên tục trong vòng 15 ngày để thiết kế, cắt, may lá cờ, tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng.

Cũng theo ông Nam, lá cờ đang giữ kỷ lục thế giới hiện nay là lá cờ của Brazil, lập năm 1998, với kích thước 70 m chiều ngang và 100 m chiều dài. Nếu so với lá cờ do Công ty Chiến Thắng sản xuất (80 m chiều ngang và 125 m chiều dài) thì lá cờ giữ kỷ lục thế giới hiện nay còn nhỏ hơn 3.000 m2.

Để tránh cho lá cờ bị rách do tác động của gió khi cho bay lên trời, các cán bộ đã phải nghiên cứu và tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm về mặt khí động học trong phòng thí nghiệm. Những người làm lá cờ đã bố trí tổng cộng 10 khe gió, được thiết kế như những tấm buồm nằm lệch nhau và song song với hướng gió ở 15 độ để tránh gió làm rách hoặc kéo dịch lá cờ khỏi vị trí.

Dự kiến sau ngày 21/11, được phép của Chính phủ, lá cờ lớn nhất thế giới sẽ được 5 quả khinh khí cầu loại lớn có sức nâng khoảng 3 tấn nâng lên và tung bay ở độ cao 100 m tại khu vực cánh đồng ngã ba Mỹ Đình - Láng Hòa Lạc để chào mừng thành công Hội nghị APEC.

Trước đó, ngày 17/11, trong buổi lễ “Chào APEC” lá cờ khổng lồ sẽ được 3.000 học sinh, sinh viên thủ đô căng ra tại sân đá bóng của nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội). Tối cùng ngày, lá cờ sẽ được Công ty Chiến Thắng trao tặng cho Ủy ban Quốc gia về APEC 2006.

Công ty Chiến Thắng cũng đã liên hệ để lá cờ khổng lồ tại APEC 2006 này được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guinness.

(Theo Tiền Phong)

  len dau trang

bosung: 17.01.2007 22:48