Lấy về từ / captured from: www.vnexpress.net 
Thứ ba, 21/6/2005, 21:00 GMT+7
 www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2005/06/3B9DF608/ 

Thủ tướng Phan Văn Khải gặp Tổng thống Mỹ Bush

Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bush tại Nhà Trắng.

Lúc 20h tối 21/6 giờ Hà Nội (9h Washington), Thủ tướng Phan Văn Khải có cuộc gặp lịch sử tại Nhà Trắng với Tổng thống nước chủ nhà George Bush, đánh dấu một thập kỷ hai nước bình thường hoá quan hệ.
* Tuyên bố chung / Ảnh cuộc gặp / Bình luận của báo Mỹ 

Sau cuộc hội đàm kéo dài hơn dự kiến gần nửa giờ, hai nhà lãnh đạo bước vào cuộc họp báo chung. Tại đây Tổng thống Mỹ khẳng định với Thủ tướng Phan Văn Khải về sự ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

"Tôi muốn cám ơn Thủ tướng về thiện chí của chính phủ ngài trong việc tiếp tục tìm kiếm hài cốt những người Mỹ thiệt mạng tại Việt Nam. Đó là điều an ủi rất lớn đối với nhiều gia đình Mỹ khi họ hiểu rằng, chính phủ đang cung cấp thông tin để giúp đóng lại một chương buồn trong cuộc đời họ", Tổng thống Bush bày tỏ.

Ông Bush cho biết thêm: "Thủ tướng đã rất ân cần mời tôi sang thăm Việt Nam và tôi sẽ thực hiện chuyến đi này vào năm 2006. Tôi hân hoan mong đợi chuyến thăm của tôi và Hội nghị thượng đỉnh APEC mà Việt Nam sẽ là nước chủ nhà".

Đáp lại, Thủ tướng Phan Văn Khải coi chuyến thăm là minh chứng của việc mối quan hệ Việt - Mỹ đã thực sự bước vào giai đoạn phát triển mới. Theo Thủ tướng, hiện vẫn tồn tại những khác biệt giữa hai nước về điều kiện, lịch sử và văn hóa nhưng hai bên thống nhất sẽ thông qua đối thoại mang tính xây dựng và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau để giảm thiểu những khác biệt đó, thắt chặt quan hệ song phương.

Thứ tư, 22/6/2005, 08:16 GMT+7

Tuyên bố chung Việt - Mỹ

Sau cuộc hội đàm ngày 21/6, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George W. Bush đã ra tuyên bố chung. Dưới đây là toàn văn tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo.

Hôm nay, Tổng thống George W. Bush đã nghênh tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải tới Nhà Trắng để thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ song phương, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam. Tổng thống và Thủ tướng bày tỏ sự hài lòng trước những tiến trển đã đạt được đến nay và khẳng định, nét đặc trưng của quan hệ Mỹ-Việt Nam là tôn trọng lẫn nhau, gia tăng quan hệ kinh tế và thương mại, cùng chia sẻ mối quan tâm về hòa bình, sự phồn vinh và an ninh ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, gia tăng hợp tác trên hàng loạt vấn đề hai bên cùng quan tâm. Cả hai nhà lãnh đạo tái khẳng định ý định tiếp tục đối thoại về những vấn đề còn có sự khác nhau.

Tổng thống và Thủ tướng nhấn mạnh, hai nước có lợi ích chung trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong khuôn khổ một mối quan hệ đối tác ổn định và bền vững. Để đạt được điều đó, Tổng thống và Thủ tướng khẳng định chủ trương đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới thông qua việc phát triển mối quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi. Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí khuyến khích các ngành hành pháp, lập pháp, giới khoa học, doanh nhân, quân nhân và công dân hai nước gia tăng tiếp xúc, và thúc đẩy hơn nữa sự trao đổi về văn hóa và giáo dục, đặc biệt thông qua Quỹ Giáo dục Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác song phương và đa phương về các vấn đề xuyên quốc gia, bao gồm cuộc đấu tranh trên toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, nạn buôn người, và hợp tác sâu hơn trên các vấn đề y tế và nhân đạo, bao gồm cả việc ngăn ngừa dịch bệnh, đặc biệt đối với bệnh HIV/AIDS và cúm gia cầm.

Tổng thống và Thủ tướng hoan nghênh thành công của Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) trong việc đẩy nhanh thương mại hai chiều và tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ hai nước trong việc thực thi đầy đủ các cam kết trong hiệp định này. Tổng thống Bush bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc Việt Nam gia nhập Tổ thức Thương mại Thế giới. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những tiến triển thực chất trên tất cả các vấn đề đạt được tại vòng đàm phán song phương mới đây về các cam kết của nước thành viên và nhất trí tăng cường nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề còn lại. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi để gia tăng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

Tổng thống Bush đánh giá cao việc Việt Nam đã và đang hợp tác trong những nỗ lực nhân đạo chung của hai nước nhằm xác định, ở mức cao nhất có thể, hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là việc nhận dạng và hồi hương hài cốt của hơn 520 lính Mỹ thông qua các Hoạt động Tìm kiếm Hỗn hợp. Thủ tướng tái khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong vấn đề này thông qua việc xúc tiến các biện pháp mà hai bên vừa nhất trí thực hiện. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục hợp tác nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề do chiến tranh để lại.

Thủ tướng thông báo với Tổng thống quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy mạnh hơn nữa sự đổi mới về kinh tế, xã hội và luật pháp. Tổng thống và Thủ tướng đồng ý về tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề cùng quan tâm, kể cả việc thực hiện các quyền con người, điều kiện cho các tín đồ và dân tộc ít người. Tổng thống hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam cho tới nay và mong muốn có sự tiến triển tiếp theo.

Tổng thống và Thủ tướng coi trọng nỗ lực của người Mỹ gốc Việt và người Việt Nam sinh sống ở Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng hoan nghênh những đóng góp của họ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, và đề cập về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư và về thăm đất nước. Tổng thống hoan nghênh những nỗ lực đó và một lần nữa tuyên bố sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Tổng thống và Thủ tướng chia sẻ mục tiêu về một khu vực Đông Nam Á, và châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, phồn vinh và an ninh, và thoả thuận hợp tác trên cơ sở song phương và đa phương nhằm thúc đẩy các mục tiêu này. Tổng thống nhấn mạnh, Chính phủ Mỹ ủng hộ hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam là một thành viên tích cực. Hai nhà Lãnh đạo khẳng định vai trò trung tâm của Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong việc ủng hộ quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư và trong việc thúc đẩy các nỗ lực hợp tác nhằm củng cố an ninh khu vực. Tổng thống chúc mừng việc Việt Nam quyết định đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2006 và cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nền kinh tế thành viên để Hội nghị cấp cao APEC 2006 thành công rực rỡ. Thủ tướng Phan Văn Khải hoan nghênh sự ủng hộ của Tổng thống Bush và mời Tổng thống thăm chính thức Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2006.

(TTXVN)

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng cho rằng, Mỹ có thể tìm thấy ở Việt Nam một đối tác đầy tiềm năng. "Chúng tôi có dân số 80 triệu người, điều đó có nghĩa Việt Nam là một thị trường khổng lồ đối với các doanh nghiệp Mỹ", Thủ tướng khẳng định.

Trước cuộc gặp lịch sử tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Scott McClellan tuyên bố với báo giới: "Mỹ ủng hộ mạnh mẽ sự hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng kinh tế thế giới và nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới".

B? tru?ng Qu?c phòng M? t?i khách s?n di?n ki?n Th? tu?ng Phan Van Kh?i.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rumsfeld diện kiến Thủ tướng Phan Văn Khải tại Washington.

Sau cuộc thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld. Mối quan hệ quân sự giữa hai nước bao gồm việc chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác trong các hoạt động chống khủng bố.

Cũng trong ngày hôm nay, các quan chức Việt Nam và Mỹ ký một hiệp định về con nuôi.

Trong 10 năm qua kể từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao, Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm ngoái, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 6,4 tỷ USD.

Đình Chính (theo CNN, Whitehouse.org, AP)

Theo dòng sự kiện:
Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ (21/06)
Thủ tướng Phan Văn Khải thăm ĐH Harvard và Viện MIT (25/06)
'Bush đi bước quyết định chôn vùi bóng ma quá khứ' (24/06)
Thủ tướng Phan Văn Khải rung chuông mở cửa thị trường chứng khoán New York (23/06)
Thương mại đưa Việt Nam xích lại gần Mỹ (23/06)
Thủ tướng Phan Văn Khải: 'VN sẽ là điểm đến của doanh nghiệp Mỹ' (23/06)



Thứ tư, 22/6/2005, 08:32 GMT+7

Chùm ảnh Thủ tướng Phan Văn Khải tại Nhà Trắng

Ngày 21/6, Thủ tướng Phan Văn Khải tới Nhà Trắng và có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ George Bush. Đây là hoạt động quan trọng nhất trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ kéo dài một tuần của nhà lãnh đạo Việt Nam.

Tổng thống Mỹ George Bush đón chào Thủ tướng Phan Văn Khải tại Nhà Trắng. Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo, đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ song phương sau 10 năm bình thường hoá. 

Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bush bắt đầu cuộc hội đàm. Một trong những nội dung chính là nỗ lực của Việt Nam gia nhập WTO. Tổng thống Mỹ George Bush lắng nghe lời phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải trong phòng Bầu dục.

Tổng thống Mỹ Bush đang bày tỏ quan điểm với vị khách cấp cao đến từ Việt Nam. Cuộc hội đàm lịch sử tại Nhà Trắng thu hút sự theo dõi của đông đảo báo chí quốc tế.

Sau cuộc gặp trong phòng Bầu dục, ông Bush hướng dẫn Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu Việt Nam thăm Vườn Hồng của Nhà Trắng.  Tổng thống Mỹ George Bush bắt tay tiễn Thủ tướng Phan Văn Khải rời Nhà Trắng, kết thúc cuộc hội kiến lịch sử. 

Đ.Chính (theo Whitehouse.org, AP, Reuters)

Theo dòng sự kiện:
Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ (21/06)



Thứ ba, 21/6/2005, 11:12 GMT+7
 www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2005/06/3B9DF5E8/ 

'Thời của nỗi tức giận đã qua rồi'

Th? tu?ng VN Phan Van Kh?i t?i tham tr? s? c?a Microsoft.
Thủ tướng VN Phan Văn Khải tới thăm trụ sở của Microsoft.

Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng nước Việt Nam thống nhất đến Mỹ được giới truyền thông hai nước và thế giới đặc biệt chú ý. Các báo Mỹ đều cho rằng, quan hệ 2 nước cần hướng tới tương lai. 

Một bà mẹ Mỹ tên là Georgie Carter Krell, có con trai từng được thưởng Huân chương Danh dự của chính phủ Mỹ vì tham chiến ở Quảng Trị năm 1969, bình luận trên tờ Washington Times rằng, thời của nỗi tức giận đã qua rồi. 

"Tôi đã đi một quãng đường dài qua quá khứ đó. Tôi không thể sống nếu cứ giữ mãi nỗi tức bực trong lòng", bà nói. "Mỗi người cần đạt được sự yên bình trong chính bản thân mình. Tôi đã đạt đến một giai đoạn khác trong cuộc sống".

"Không thể tin được. Không thể tưởng được", tạp chí Forbes bắt đầu bài bình luận về cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng VN Phan Văn Khải và chủ tịch tập đoàn Microsoft hôm qua, và kết luận "đây là sự thực, là một phần của lịch sử thế kỷ 21".

Xã luận của Seattle Times viết rằng thành phố "nên cảm thấy tự hào là điểm dừng chân đầu tiên của Thủ tướng VN Phan Văn Khải trên đất Mỹ. Đã 30 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc và 10 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Không có lý do gì để không có quan hệ và thương mại bình thường giữa Mỹ và VN".

Tờ Los Angeles Times đăng ý kiến của ông Jordan Ryan, đại diện UNDP tại Việt Nam, đề nghị chính phủ Mỹ ủng hộ tiến trình gia nhập WTO của VN.

"Quan hệ Mỹ - Việt là rất mạnh mẽ. Hiệp định thương mại song phương ký cách đây 5 năm là một con tàu tốc hành về kinh tế mà Việt Nam đã không bỏ lỡ", Ryan viết.

Theo ông Ryan, chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải là cơ hội để đẩy nhanh tiến trình đó. "Việt Nam cần có một cơ hội công bằng để cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Sau 10 năm đàm phán, VN đang chuẩn bị gia nhập WTO. Một số người Mỹ đòi hỏi một cách thiếu thực tế việc thực thi nhanh chóng các cải cách mở cửa thị trường, trong khi lại muốn duy trì thuế quan trừng phạt sản phẩm xuất khẩu của VN, như tôm và cá da trơn".  

Ông Ryan cho rằng chính quyền Bush cần chống lại những sức ép đó, nhanh chóng kết thúc đàm phán thương mại và ủng hộ VN gia nhập WTO sẽ giúp xây dựng một nước VN giàu có và cởi mở.

"Mỹ mạnh mẽ ủng hộ VN hội nhập vào cộng đồng kinh tế quốc tế và việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới", tờ Washington Post trích lời phát ngôn viên Nhà Trắng Scott McClellan cho biết hôm qua.

Dưới tiêu đề "Không còn là kẻ thù", hãng tin CBS nhận xét rằng chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Nhà Trắng diễn ra trong lúc hợp tác về an ninh đang bắt rễ, bên cạnh những mối liên kết về thương mại và kinh tế giữa hai nước.

CBS cũng điểm lại các khía cạnh trong hợp tác quân sự song phương, gồm "những chuyến thăm của các tàu chiến Mỹ và kế hoạch huấn luyện dành cho sĩ quan VN. Chia sẻ thông tin và hợp tác chống khủng bố cũng là những nội dung hợp tác".

Theo Washington Times, cựu chiến binh Mỹ - những người còn lưu giữ ký ức về cuộc chiến tranh từng khiến 58.000 binh sĩ Mỹ bỏ mạng - có những cảm xúc trái ngược trước sự kiện này. Tuy nhiên, Tổng thống Bush và Thủ tướng Khải đều sẵn sàng khép lại chiến tranh và mở ra một chương mới trong thương mại và hợp tác. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam kể từ sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao cách đây 10 năm. 

"Sự hiện diện của tôi ở Mỹ cho thấy chúng tôi đã để quá khứ lại đằng sau", ông Khải nói trong cuộc phỏng vấn với AP trước khi rời Hà Nội. "Chiến tranh và thù địch giờ đã biến thành đối tác trong nhiều lĩnh vực. Điều đó chứng tỏ quá khứ đã lùi lại phía sau chúng ta".

Đối với nhiều người Mỹ, việc đề cập đến Việt Nam gợi lại hình ảnh những đứa trẻ bị cháy bom napalm, những quân nhân Mỹ với cái nhìn trống rỗng và đợt di tản bằng trực thăng trên nóc toà đại sứ ở Sài Gòn. Cựu binh Marine Barry Halley, nhập ngũ từ năm 16 tuổi, phát biểu: "Tôi có cảm xúc lẫn lộn", đồng thời nhấn mạnh cần hàn gắn những vết chia cắt giữa hai quốc gia. 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, trong chuyến thăm Hà Nội đầu tháng 5, đã nhấn mạnh thành công của mối quan hệ Việt - Mỹ, đặc biệt là về kinh tế. Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong các lĩnh vực và đang nỗ lực để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ gặp Tổng thống Bush, một số thành viên Quốc hội Mỹ, đại diện giới doanh thương, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Paul Wolfowitz và đại diện cộng đồng người Việt, sứ quán Việt Nam tại Washington cho hay.

T. Huyền tổng hợp



Thứ sáu, 24/6/2005, 15:11 GMT+7
 www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/Phan-tich/2005/06/3B9DF7B5/ 

'Bush đi bước quyết định chôn vùi bóng ma quá khứ'

Nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải, xã luận của báo Houston Chronicle số ra 23/6 cho rằng Tổng thống Mỹ Bush cần tranh thủ chuyến đi tới Việt Nam để khuyến khích người Mỹ để lại phía sau những mối thù hận và nghĩ đến tương lai.  

"Tổng thống Mỹ G. Bush đã có một bước đi quyết định nhằm chôn vùi bóng ma của cuộc chiến trong quá khứ khi tuyên bố sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào năm sau. Đứng bên cạnh Thủ tướng Phan Văn Khải của VN trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, Bush nói ông đang trông đợi chuyến đi này.

Đó là sẽ cuộc thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai của một tổng thống Mỹ. Cựu tổng thống Bill Clinton đã tới Việt Nam năm 2000. Chuyến đi của Bush sẽ trùng với thời điểm Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái bình dương (APEC) diễn ra ở Hà Nội.

Mỹ và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ được 10 năm, thương mại giữa hai nước tăng trưởng theo cấp số nhân. Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Nhưng có những người Việt bỏ tổ quốc ra đi năm 1975 vẫn phản đối tiến trình bình thường hoá, và một vài nhóm cựu chiến binh còn đòi hỏi phía Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa đối với số phận các quân nhân Mỹ mất tích.

Đáp lại những hành động phản đối chuyến thăm, ông Bush đã công bố thoả thuận mà theo đó Việt Nam mở rộng tự do tôn giáo và cho thấy những nỗ lực của nước này trong việc tìm hài cốt các quân nhân Mỹ chết trong chiến tranh.

Trong thời chiến tranh ở Việt Nam, Bush thuộc biên chế của đơn vị phòng không Texas và không phục vụ ở nước ngoài. Cả ông và người tiền nhiệm Clinton đều bị một số người chỉ trích vì đã tránh cuộc chiến đẫm máu khiến hơn 50.000 người Mỹ và hàng triệu người Việt bỏ mạng. Hàng nghìn thanh niên Mỹ thời đó đã trốn quân dịch bằng cách kiếm cớ hoãn, chống lệnh nhập ngũ hoặc trốn sang Canada và các nước khác.

Nếu Tổng thống Bush thực sự muốn xoá đi những bóng ma của cuộc chiến - vốn là nguyên nhân gây chia rẽ người Mỹ ở trong nước, ông nên đưa theo đoàn tới Hà Nội của mình những người sau đây: thượng nghị sĩ John McCain - cựu tù binh chiến tranh; thượng nghị sĩ John Kerry - cựu binh chiến tranh từng được tặng huy chương và sau trở thành người phản chiến; cựu tổng thống Clinton - người từng cân nhắc việc tham gia quân đội nhưng chưa bao giờ được gọi đi chiến trường.

Sau 3 thập kỷ, đã đến lúc tất cả người Mỹ thể hiện lòng hoà giải với các cựu thù của mình, kể cả trong cũng như ngoài nước".

(Theo Houston Chronicle)

Theo dòng sự kiện:
Thủ tướng Phan Văn Khải rung chuông mở cửa thị trường chứng khoán New York (23/06)
Thương mại đưa Việt Nam xích lại gần Mỹ (23/06)
Thủ tướng Phan Văn Khải: 'VN sẽ là điểm đến của doanh nghiệp Mỹ' (23/06)
Thủ tướng Phan Văn Khải gặp chính giới, doanh nghiệp Mỹ (22/06)
Thủ tướng Phan Văn Khải viết bài cho Washington Times (22/06)



Thứ năm, 23/6/2005, 21:20 GMT+7
 http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2005/06/3B9DF743/ 

Thủ tướng Phan Văn Khải rung chuông mở cửa thị trường chứng khoán New York

Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó thủ tướng Vũ Khoan tại sàn giao dịch chứng khoán New York.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã rung hồi chuông dài khai mạc phiên giao dịch chứng khoán lúc 9h30 (20h30 Hà Nội) ngày 23/6 tại thị trường chứng khoán (TTCK) New York (NYSE), nơi mệnh danh là “Trái tim kinh tế thế giới".

Trước đó, Thủ tướng làm việc với John Thain, Giám đốc điều hành NYSE và Giám đốc điều hành Công ty AIG M.Sullivan về những vấn đề mà các bên có thể hỗ trợ nhằm giúp phát triển thị trường tài chính Việt Nam. Christian Brakanan, Giám đốc truyền thông của NYSE, cho biết NYSE sẽ khảo sát hoạt động, tìm hiểu TTCK Việt Nam để có thể tác động, hỗ trợ phát triển. 

Trong một diễn biến khác, Hãng vận tải biển America President Lines có con tàu mang tên Việt Nam sẽ cập cảng New York vào sáng 24/6 để đón Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm.

Giám d?c di?u hành NYSE John Thain và Th? tu?ng Phan Van Kh?i.
Giám đốc điều hành NYSE John Thain và Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trước đó, chiều 22/6 (giờ địa phương), Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm Nhóm nghị sĩ vì quan hệ Mỹ - Việt (Caucus) tại Hạ viện Mỹ, một tổ chức hỗ trợ Việt Nam phát triển quan hệ với Mỹ, thúc đẩy du lịch Việt Nam và góp phần vào việc hợp tác tìm kiếm thi hài quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam.

Các đồng Chủ tịch nhóm nghị sĩ, đại diện nghị sĩ lãnh đạo đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ tại Hạ viện, đã đón tiếp Thủ tướng và đoàn Việt Nam bằng tình cảm chân thành, nhiều ý kiến bày tỏ sự vui mừng vì bước phát triển mới trong quan hệ hai nước vừa được tạo dựng nên. Trao đổi ý kiến với Nhóm các nghị sĩ vì quan hệ Mỹ - Việt, Thủ tướng Phan Văn Khải cảm ơn tình cảm và sự giúp đỡ của họ trong thời gian qua và đề nghị một số biện pháp nhằm tăng cường sự hiểu biết sâu rộng về nhau, hỗ trợ Việt Nam vượt qua một số trở ngại. Cụ thể là các hạ nghị sĩ sẽ tăng cường giao lưu với Quốc hội Việt Nam, xem xét và có ý kiến ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, xem xét và thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, ủng hộ Quy chế Thương mại bình thường và xem xét Quy chế ưu đãi thương mại đối với Việt Nam.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có các cuộc hội đàm với lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện Mỹ, gặp một số thượng nghị sĩ hàng đầu tại Mỹ và làm việc với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Tại các cuộc gặp này, các thượng nghị sĩ Mỹ đã ngỏ lời chúc mừng việc hai nước đã đạt được một bước tiến mới trong quan hệ song phương sâu sắc và toàn diện, đồng thời đặt ra một số vấn đề mà hai bên cần tiếp tục gặp gỡ, thảo luận một cách toàn diện để có thể tăng cường hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong những năm qua về nhiều mặt, trong đó, ngoài ấn tượng về phát triển kinh tế, công cuộc mở rộng dân chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp đã có những hiệu quả tốt đẹp. Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường sự tiếp xúc trao đổi giữa lãnh đạo Quốc hội và đại biểu Quốc hội hai nước để có thể thấu hiểu tình hình của nhau, nâng cao mối quan hệ hợp tác một cách thiết thực và có hiệu quả.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng dự buổi gặp mặt chào mừng do các thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain đồng tổ chức. Sau đó, Thủ tướng đã có cuộc nói chuyện với tập thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, tiếp xúc thân mật với đại diện kiều bào và các sinh viên Việt Nam đang học tập ở Washington DC.

* Ngày 22/6, tại thủ đô Washington, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam Đặng Vũ Minh và Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Mỹ B.Albert đã ký bản tuyên bố về hợp tác khoa học và công nghệ. Viện Hàn lâm khoa học Mỹ là một tổ chức tập hợp các nhà khoa học lớn, có nhiệm vụ tư vấn những vấn đề quan trọng về khoa học, công nghệ cho Chính phủ Mỹ. Trong thời gian tới, theo tinh thần thỏa thuận, hai bên sẽ đẩy mạnh việc trao đổi, giao lưu giữa các nhà khoa học nhằm phối hợp thực hiện các đề án nghiên cứu.

* Trước đó, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó thủ tướng Vũ Khoan và lãnh đạo bộ ngành liên quan, ngày 19/6, tại thành phố Seattle, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ký bản ghi nhớ với Tập đoàn SRRD (một tập đoàn kinh tế lớn của người Mỹ và người Mỹ gốc Việt tại San Fransisco). Theo đó, với vốn đầu tư 25 triệu USD, trên diện tích 25 hecta thuộc xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam, một khách sạn tiêu chuẩn 5 sao cùng với các khu nghỉ dưỡng cao cấp sẽ được xây dựng trong 6 tháng tới. Tập đoàn SRRD đã hoàn tất việc khảo sát cho dự án này.

Từ khi thị trường chứng khoán New York (NYSE) mở cửa (5/1792) đến nay, thị trường chứng khoán lớn thứ hai trên thế giới này đã chứng kiến nhiều nguyên thủ quốc gia, chủ tịch tập đoàn kinh doanh đến rung chuông mở cửa và đóng cửa phiên giao dịch mỗi ngày.

Trong số những người đã rung chuông trong những dịp đặc biệt có các chính khách cao cấp như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dea Jung, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, Thủ tướng Thuỵ Điển Goran Persson... thậm chí người máy Asimo của hãng Honda cũng được chọn.

Rung chuông tại NYSE đầu tiên là một phần công việc của nhân viên tại đây nhưng trong nhiều thập kỷ qua nó đã trở thành một hành động biểu trưng cho tinh thần doanh nghiệp và tinh thần hợp tác kinh tế. Hiện nay, đa số các ngày giao dịch đều có "người ngoài" đến rung chuông. "Lịch rung chuông" thậm chí còn phải được đặt chỗ trước, còn cái chuông lắc bằng tay từng được thay bằng một cái cồng kiểu Trung Quốc và sau đó là chuông điện thoại (người rung chỉ cần nhấn nút).

(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ)



Thứ tư, 22/6/2005, 08:43 GMT+7
 http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2005/06/3B9DF62F/ 

Thủ tướng Phan Văn Khải viết bài cho Washington Times

Ngày 21/6, trang Xã luận tờ Washington Times đăng tải bài viết "Việt Nam trên đường đổi mới" của Thủ tướng Phan Văn Khải. Bài viết nêu rõ:

Việt Nam đã đạt được tiến bộ to lớn kể từ khi bắt tay vào công cuộc Đổi Mới, quá trình cải cách kinh tế của chúng tôi trong 10 năm qua. Đất nước chúng tôi đã dần thoát khỏi danh sách 50 quốc gia nghèo nhất, duy trì được sự ổn định chính trị, xã hội và hiện nằm trong số các nền kinh tế năng động và phát triển nhanh nhất thế giới. Những thành tựu ấn tượng này là kết quả của chính sách cải cách đúng đắn, mở cửa với thế giới bên ngoài, nỗ lực hội nhập với cộng đồng quốc tế, bình thường hóa và tăng cường quan hệ với Mỹ.

Chúng tôi không thỏa mãn với sự phát triển này, mà phải tiếp tục đẩy nhanh tốc độ cải cách, bảo đảm sự hòa nhập hơn nữa giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội mà nó tạo ra. Cải cách kinh tế có thể đi trước một bước, nhưng phải được gắn kết với cải cách chính trị.

Trong khuôn khổ cải cách chính trị, thiết lập một nhà nước quản lý bằng pháp luật là điều cốt yếu để tăng cường sự tham gia của người dân vào bộ máy quản lý. Chúng tôi vẫn và sẽ tiếp tục tập trung vào các cuộc cải cách nhằm gia tăng hiệu lực của Quốc hội, từ đó củng cố vai trò và quyền lực của các cơ quan do nhân dân bầu ra. Chúng tôi cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng các thể chế của một nền kinh tế thị trường loại bỏ chủ nghĩa thiên vị, phấn đấu cho sự vững chắc, minh bạch và tự do hóa hơn nữa, đây là tất cả những yếu tố quan trọng để đáp ứng đòi hỏi của sự hội nhập kinh tế.

Các doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng tạo ra sự tăng trưởng và việc làm. Thành công trong việc mở rộng quan hệ với các nước khác, trong đó có Mỹ, châu Âu và châu Á càng làm sâu đậm thêm sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi coi việc học hỏi thành công của các nước khác là rất quan trọng, đặc biệt là từ các nước láng giềng của chúng tôi ở Đông Á. Chúng tôi hiểu rằng chỉ bằng cách mở cửa mọi ngành kinh tế và đầu tư vào y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác, Việt Nam mới có thể thành công trong việc giảm nghèo và đạt được sự phát triển kinh tế bền vững và hợp lý. Trong nỗ lực này, chúng tôi coi Mỹ là một sức mạnh to lớn cùng với nền kinh tế vô song và khả năng về công nghệ và khoa học - một đối tác cần thiết.

Báo chí đã bổ sung cho chiến lược cải cách của chúng tôi và là một vũ khí không thể thiếu được trong cuộc chiến chống tham nhũng và tệ quan liêu. Báo chí Việt Nam đã tích cực vạch trần những bất công, giành được sự ngưỡng mộ của người dân. Những nỗ lực quả cảm được chính phủ khuyến khích và bảo vệ. Các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là Internet, gần đây đã tạo cơ hội cho người Công giáo Việt Nam, bất chấp khoảng cách về địa lý, được chứng kiến và chia sẻ với nhau nỗi đau của họ và với thế giới trước tin Giáo hoàng John Paul II qua đời; và để nghe diễn văn của vị tân Giáo hoàng, trong đó ông bày tỏ hy vọng sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và tòa thánh Vaticăng đã được cải thiện đáng kể, mở đường cho sự phát triển hơn nữa.

Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo. Các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Công giáo và Tin Lành đều có sự hiện diện tại Việt Nam. Các tôn giáo này tồn tại hòa thuận với các đức tin truyền thống và tín ngưỡng bản xứ. Thực vậy, sùng đạo là đặc tính trung tâm của rất nhiều đồng bào tôi. Chính sách nhất quán của chúng tôi là coi đức tin và tôn giáo là một nhu cầu tinh thần cơ bản của người dân. Quyền tự do theo đạo và không theo đạo được tôn trọng và bảo vệ. Chúng tôi đang hợp tác với các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam nhằm củng cố xã hội. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự tham gia của các tổ chức tôn giáo vào việc xây dựng đất nước, bảo vệ quốc gia và những cố gắng nhằm cải thiện cuộc sống của nhân dân.

Ngọn gió toàn cầu hóa mang đến cho Việt Nam cả những cơ hội thuận lợi, lẫn những thách thức và điều xấu xa không lường trước được. HIV/AIDS và hậu quả khủng khiếp của dịch cúm gia cầm là hai trong số những thách thức lớn nhất. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết khả năng có thể để ngăn chặn sự lây lan của các nạn dịch này, nhưng chỉ mình Việt Nam không thể đánh thắng các mối hiểm họa này. Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, nhằm đương đầu với những hiểm họa này. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác hiện có giữa hai chính phủ và nhân dân chúng ta trong lĩnh vực này và mong đợi kết quả và sự phát triển liên tục của nó. Nỗ lực không ngừng củng cố xã hội, kết hợp với sự phát triển kinh tế nội địa giúp chúng tôi có thể dần nâng cao năng lực hợp tác với cộng đồng quốc tế vì lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới.

Khủng bố đã trở thành mối đe dọa toàn cầu. Những mất mát khủng khiếp của người dân Mỹ trong ngày 11/9 và người dân ở nhiều nơi khác trên thế giới là lời nhắc nhở ảm đạm về hiểm họa nghiêm trọng của khủng bố. Loại trừ khủng bố khỏi đời sống nhân loại và ngăn ngừa những thảm họa mà nó có thể gây ra đối với người dân vô tội là điều cấp bách. Tại họa này không chừa châu Á và Việt Nam, chúng tôi cam kết cùng kề vai sát cánh với các nước láng giềng và Mỹ trong nỗ lực chống khủng bố.

Nhân dân Việt Nam nhận thức rất rõ rằng chấm dứt xung đột là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển. Việt Nam đang tham gia và có nhiều đóng góp vào các hoạt động của LHQ, và sẽ chia sẻ trách nhiệm với LHQ trong việc bảo vệ an ninh quốc tế và gìn giữ hòa bình. Đất nước chúng tôi sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình phù hợp với khả năng hiện nay của chúng tôi như gửi các nhóm rà phá mìn và các bệnh viện dã chiến. Quân đội Việt Nam, tự hào được phục vụ dưới lá cờ Đỏ sao Vàng, sẽ đứng dưới lá cờ Xanh của LHQ với tư cách là những người bảo vệ hòa bình. Chúng tôi hiểu rõ rằng quân đội Việt Nam sẽ thực hiện sứ mệnh của mình với kỷ luật và phẩm chất chuyên môn phục vụ lợi ích của hòa bình và sự phồn thịnh toàn cầu.

TTXVN



Thứ năm, 23/6/2005, 08:20 GMT+7
 www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2005/06/3B9DF6C0/ 

Thủ tướng Phan Văn Khải: 'VN sẽ là điểm đến của doanh nghiệp Mỹ'

Thu?ng ngh? si M? John McCain và Th? tu?ng Phan Van Kh?i.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Thủ tướng Phan Văn Khải.

Tối 21/6 giờ Washington (tức 9h30 sáng 22/6 giờ Hà Nội), Thủ tướng Phan Văn Khải có cuộc gặp hàng trăm doanh nhân Việt Nam và Mỹ. Diễn văn của Thủ tướng nhiều lần phải tạm ngừng vì những tràng vỗ tay vang dội.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Cuộc gặp của tôi và Tổng thống G.Bush tại Nhà Trắng sáng nay chứng tỏ quan hệ của hai nước chúng ta đã bước sang tầm cao mới, cùng nhau xua tan bóng đêm của quá khứ, đón nhận ánh sáng của tương lai.

Đó là tương lai của mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của Hội đồng thương mại Việt - Mỹ, Hội đồng Mỹ - ASEAN, Hội đồng thương mại Mỹ cùng nhiều nhà tài trợ để doanh nghiệp hai nước có cuộc gặp gỡ tại thủ đô Washington. Một cuộc gặp mà theo Thủ tướng, 10 năm trước đây ông khó hình dung nổi.

Hiệp định thương mại VN - Mỹ được ký kết đưa Mỹ lên các nước hàng đầu về kim ngạch buôn bán hai chiều với VN (tăng lên 20 lần so với năm 1995). Thủ tướng nói: “Hôm nay tại thủ đô Washington diễn ra hàng loạt hợp đồng lớn. Có được như vậy một phần không nhỏ là nhờ những đóng góp của quí vị với tầm nhìn xa, trông rộng đã rất tích cực cho sự hợp tác giữa Mỹ với VN. Mục đích chủ yếu của tôi đến Mỹ lần này là chuyển đến nhân dân Mỹ thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ rằng Chính phủ và nhân dân VN mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị đối tác xây dựng hợp tác nhiều mặt ổn định lâu dài với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi”.

Có mặt trong buổi tiệc, thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố với mọi người rằng ông cùng John Kerry là những người đầu tiên khởi xướng quá trình giải quyết vấn đề MIA, là những người kiến tạo thúc đẩy mối quan hệ để từng bước quan hệ Việt - Mỹ có được như hôm nay.

Ông nói: “Sự hiện diện của ngài là một minh chứng cho thấy khả năng của con người có thể xóa tan khoảng cách chia rẽ giữa hai nước... Hiện Mỹ là đối tác thương mại số một của VN trên thế giới trong cả mặt hàng “catfish” còn gọi là “ba sa”. Trong thời gian tôi ở Thượng viện, tôi đã phải khá vất vả để tranh luận về “ba sa” hay “catfish”. Nói ra điều này để thấy rằng không chỉ quan hệ hai nước đã có những thay đổi mà bản thân VN đã trở thành một nền kinh tế khác. Cùng với những cải cách thị trường, VN đã thu hút được hàng chục tỷ USD đầu tư nước ngoài, tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn một nửa chỉ trong vòng 10 năm. Đây chính là dấu hiệu cho thấy nước CHXHCN VN đã tiến xa như thế nào trong việc chiếm lĩnh thị trường. Cuối tuần này, đích thân ngài Thủ tướng sẽ rung chuông khai mạc phiên giao dịch tại thị trường chứng khoán New York”.

Trước đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld. Thủ tướng và Bộ trưởng Rumsfeld cùng thỏa thuận sẽ có sự hợp tác như cử người VN qua Mỹ học tiếng Anh; đào tạo nghiệp vụ quân y, nghiệp vụ kỹ thuật. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick (người tham gia đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ), Bộ trưởng Giao thông vận tải Norman Mineta, đại diện thương mại Rob Portman... cũng đã đến khách sạn chào Thủ tướng.

(Theo Tuổi Trẻ)



 Thứ năm, 23/6/2005, 15:29 GMT+7
 www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/Phan-tich/2005/06/3B9DF713/ 

Thương mại đưa Việt Nam xích lại gần Mỹ

Th? tu?ng Phan Van Kh?i và T?ng th?ng Bush.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bush.

Rõ ràng, quan hệ Việt - Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới. Thời thế đã khác. Ngày nay, chính những chuyển biến trong quan hệ kinh tế đã đưa hai quốc gia lại bên nhau.

Trên đây là bình luận của tờ Christian Science Monitor ra ngày 22/6 về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải. Tờ báo viết:

Trong chuyến công du tuần này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chứng kiến việc mua 4 chiếc Boeing, bắt tay Bill Gates, trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và quan trọng hơn cả, gặp Tổng thống Bush.

30 năm sau khi Washington chấm dứt can thiệp ở Việt Nam, cuộc xung đột từ thuở ấy vẫn là nhân tố gây chia rẽ trong nền chính trị Mỹ. Một số người Mỹ gốc Việt còn phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Nhưng hợp tác trên nhiều mặt đang đưa hai cựu thù xích lại gần nhau. Nền kinh tế non trẻ của Việt Nam cần sự đóng góp của Mỹ. Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã được phục hồi năm 1995 dưới thời tổng thống Clinton. Kể từ khi đó, thương mại hai chiều đạt mức 6,4 tỷ USD/năm. Với Mỹ, như vậy chưa phải là nhiều. Nhưng với Việt Nam, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của họ.

“Chúng tôi có dân số 80 triệu người, đó là một thị trường lớn đối với các doanh nghiệp Mỹ”, ông Khải bình luận.

Tại Nhà Trắng, ông Khải và ông Bush bàn đến sự ủng hộ của Mỹ đối với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng thống Mỹ ca ngợi những bước đi của Việt Nam giúp đạt tiến bộ kinh tế và những tuyên bố về bảo đảm tự do tín ngưỡng. Ông cũng cảm ơn Việt Nam về sự hợp tác trong việc tìm kiếm hài cốt những quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh.

“Đối với nhiều gia đình ở nước Mỹ, họ cảm thấy được an ủi rất nhiều khi họ hiểu rằng chính phủ đang cung cấp thông tin giúp khép lại một chương đau buồn trong cuộc đời của họ”, ông Bush tuyên bố.

Ông cũng thông báo sẽ đến Việt Nam vào năm tới, để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. “Tôi mong đợi chuyến đi và cuộc họp thượng đỉnh APEC mà Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ nhà”, Tổng thống bình luận.

Rõ ràng, quan hệ Việt - Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới. Thời thế đã khác. Ngày nay, chính những chuyển biến trong quan hệ kinh tế đã đưa hai quốc gia lại bên nhau. Việt Nam đã từ bỏ nền kinh tế quan liêu bao cấp, thay vào đó bằng các chính sách kinh tế thị trường và những biện pháp khích lệ các nhà đầu tư nước ngoài. Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như tôm và giày dép đã trở nên thông dụng ở nước Mỹ.

Tại một số điểm dừng chân của Thủ tướng Phan Văn Khải, một số nhóm người gốc Việt biểu tình phản đối ông. Tuy nhiên, Ronald Pham - một luật sư ở vùng Dorchester của Boston, sống ở Mỹ kể từ khi 11 tuổi – cho rằng nên hoan nghênh chuyến thăm của ông Khải. "Tôi ủng hộ dân chủ và cải cách ở Việt Nam. Cô lập sẽ không giúp được gì. Tại sao người ta lại nghĩ rằng có thể sử dụng cách cô lập để buộc Việt Nam thay đổi chính sách?”

Phu Nguyen, đến Mỹ từ năm lên 3 tuổi, nhận xét: “Trong thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt, có những người ủng hộ mở cửa Việt Nam. Nhưng có những người khác thì vẫn mang tư tưởng cố hữu của cha mẹ họ. Tôi thuộc loại ở giữa. Giúp Việt Nam phát triển thương mại, và ủng hộ công khai hoá”.

 M.C. (trích dịch)

 



Thứ bảy, 25/6/2005, 06:35 GMT+7
 www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2005/06/3B9DF7DE/ 

Thủ tướng Phan Văn Khải thăm ĐH Harvard và Viện MIT

Th? tu?ng Phan Van Kh?i ch?p ?nh luu ni?m t?i Havard.
Thủ tướng Phan Văn Khải chụp ảnh lưu niệm tại Harvard.

10h sáng 24/6 (tối 24/6 Việt Nam), Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm Đại học Harvard, một trong những trường lớn nhất thế giới.

Chủ tịch Harvard Lawrence H. Summers và Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao đổi về chương trình giảng dạy cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đến tượng đài John Harvard chụp hình lưu niệm, đặt tay lên chân tượng John Harvard như một cách để chúc may mắn cho sinh viên trong trường.

Harvard là trường đại học có mối quan hệ gắn bó với Việt Nam từ nhiều năm qua. Chỉ từ năm 1996-2003, với sự tài trợ của Quỹ Fulbright, Trường quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard đã thực hiện dự án giảng dạy kinh tế Fulbright giai đoạn 1 với khoản kinh phí từ 1 đến 1,2 triệu USD/năm. Dự án này vào giai đoạn 2 (2004-2008) cũng vừa được ký kết với khoản viện trợ không hoàn lại là 7,5 triệu USD.

Rời Harvard, Thủ tướng đến thăm Viện Công nghệ Massachussetts (MIT), một trong những trường nổi tiếng về đào tạo sinh viên trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. MIT hiện có khoảng 10.000 sinh viên đại học và cao học.

Buổi chiều, Thủ tướng tham dự hội thảo có chủ đề “Làm thế nào để tăng cường khả năng cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hiện nay”; gặp gỡ bàn tròn với đại diện Đại học Harvard, Viện MIT, Quỹ giáo dục VN, Viện Yenching, Quỹ Hanry Luce, Viện Open Society Institute, Tổ chức tài trợ Atlantic Philanthropies, Ngân hàng Thế giới... để bàn về xây dựng trường đại học tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam.

Trước đó, chiều 23/6, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam, sinh viên đang học tại các trường đại học của Mỹ, đồng bào người Việt định cư tại New York.

Trò chuyện với bà con Việt kiều, Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định đồng bào Việt định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng Việt Nam. Chính phủ và nhân dân trong nước đánh giá cao những đóng góp của người Việt định cư ở nước ngoài vào công cuộc phát triển của đất nước.

Cũng trong chiều 23/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại Mỹ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Mỹ. Tại diễn đàn, Thủ tướng phát biểu: "Hãy nhìn Việt Nam không phải qua lăng kính của quá khứ mà nhìn Việt Nam như một đối tác thân thiện của các doanh nghiệp Mỹ cả trước mắt và trong tương lai". Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn Citi Group, General Electrics.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng sẽ thăm chính thức Canada từ ngày 26 đến 29/6 theo lời mời của người đồng nhiệm Paul Martin.

(Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên)



Thứ ba, 21/6/2005, 07:03 GMT+7

Thủ tướng Phan Văn Khải gặp Bill Gates

Th? tu?ng Phan Van Kh?i và Bill Gates.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Bill Gates.

Thủ tướng Phan Văn Khải có cuộc trao đổi với Chủ tịch hãng Microsoft Bill Gates hôm qua tại trụ sở hãng ở Redmond, Washington.

Tại đây, ông cũng được giới thiệu tham quan “ngôi nhà của tương lai” của Microsoft - triển lãm công nghệ tiêu dùng - và trung tâm nghiên cứu của công ty.

Chính phủ Việt Nam và Microsoft đã ký hai bản ghi nhớ thoả thuận về việc đào tạo và phát triển các công ty công nghệ thông tin Việt Nam và đào tạo hơn 50.000 giáo viên Việt Nam trong lĩnh vực máy tính và phần mềm.

Thủ tướng bình luận: “Chúng tôi có thể sẽ đạt những đỉnh cao mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển phần mềm. Thành công của chúng tôi sẽ có phần công sức của ông, Bill Gates”.

Thủ tướng mời ông Gates tới thăm Việt Nam. Chủ tịch Microsoft cho biết hồi tháng 3, hãng đã bắt đầu giới thiệu bản Windows tiếng Việt và kể từ lúc đó, chương trình này đã được download hơn 18.000 lần. “Điều đó khiến chúng tôi càng tái khẳng định cam kết với Việt Nam”, ông bình luận.

Hôm nay (khoảng 20h Hà Nội) Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ gặp Tổng thống Bush tại phòng Bầu dục Nhà Trắng. Dự kiến cuộc thảo luận kéo dài chừng 30 phút, sau đó hai nhà lãnh đạo có cuộc họp báo chung. Đoàn Việt Nam sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ D. Rumsfeld để thảo luận về tăng cường hợp tác quân sự. Thủ tướng Việt Nam cũng sẽ tới New York, gặp đại diện giới kinh doanh sở tại. Sau đó, ông có chương trình tới thành phố Boston gặp chủ tịch các đại học Havard và Học viện Công nghệ Massachussett.

Cũng trong chuyến thăm này, tại Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm nay đại diện hai nước sẽ chính thức ký hiệp định về cho nhận con nuôi.

M.C. tổng hợp



Thứ ba, 21/6/2005, 09:21 GMT+7
 www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2005/06/3B9DF5D1/ 

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lạc quan về quan hệ song phương

Trả lời phỏng vấn của báo Đầu tư, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W. Marine khẳng định rất lạc quan trước triển vọng của mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.

- Ông nhìn nhận như thế nào về quan hệ Việt - Mỹ? 

- Năm 2005 là một năm có ý nghĩa quan trọng và cũng là mốc thời gian đáng nhớ trong quan hệ của hai nước. Không chỉ kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, mà năm nay còn kỷ niệm 30 năm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1995, chúng ta đã thiết lập được nhiều mối quan hệ quan trọng trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, văn hoá, cũng như an ninh. Mối quan hệ giữa hai nước được thiết lập trong thời gian không phải là dài, vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, song tôi rất lạc quan trước triển vọng của mối quan hệ nhiều mặt này. 

- Ông dự định sẽ làm gì để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ nhiều mặt này?

- Sứ mệnh của tôi cũng như các đồng nghiệp khác của tôi tại Việt Nam là góp phần gắn kết hai nước chúng ta bằng cách tăng tối đa các cuộc tiếp xúc, đối thoại, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ nhằm xây dựng quan hệ giữa hai nước.

- Ông có dự đoán gì về mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới?

- Là một đối tác kinh tế tương đối mới, Việt Nam mang đến những triển vọng đầy hứa hẹn cho sự hợp tác ngày càng rộng mở với Mỹ. Dân số của Việt Nam đông, trẻ, khá năng động, đồng thời có nền tảng giáo dục khá tốt. Được khích lệ bởi những thành công mà Hiệp định Thương mại đã đạt được, Mỹ đang tích cực tăng cường hỗ trợ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm nay. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, thương mại hai chiều giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng có nhiều nhà đầu tư của Mỹ muốn khai phá những cơ hội làm ăn tại Việt Nam.

- Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam hiện còn khiêm tốn so với tiềm năng và thế mạnh của hai nước. Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để tăng cường thu hút đầu tư từ Mỹ?

- Để thu hút được đầu tư từ Mỹ thì chính phủ Việt Nam phải giảm thiểu chi phí đầu tư. Khi xem xét các khả năng đầu tư, các công ty Mỹ luôn cân nhắc tới những chi phí mà họ phải chi trả cho tệ quan liêu, các khoản thuế và phí không thể dự tính trước, những thủ tục, luật lệ phiền hà khi xin cấp giấy phép và tệ tham nhũng. Việt Nam vẫn bị coi là một địa điểm đầu tư tương đối đắt và có nhiều rủi ro hơn so với các nước khác trong khu vực do những tiêu cực nói trên vẫn tồn tại phổ biến hơn. Hiện nay, Việt Nam đang cố gắng giải quyết những vấn đề này, song chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ và cố gắng nhiều hơn nữa.

Hiện tại, các công ty của Mỹ có mặt tại Việt Nam hoạt động sôi nổi nhất trong các dự án liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng như sản xuất dầu khí, khí đốt và lĩnh vực hàng không. Chúng tôi mong muốn các công ty của Mỹ sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực thương mại hơn nữa như dịch vụ tài chính, viễn thông và các hoạt động phân phối.

- Ông dự định thực hiện những mục tiêu gì trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam và xin ông cho biết những thành tựu mà ông đã đạt được trong thời gian qua?

- Trước hết, mục tiêu của tôi trong cương vị đại sứ là thúc đẩy các mối quan hệ song phương thông qua tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và mở rộng quy mô hợp tác giữa hai nước. Tôi cho rằng, chỉ có thông qua sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau thì chính phủ và nhân dân hai nước mới có thể khai thác triệt để những tiềm năng phát triển.

Trong thời gian công tác tại Việt Nam, tôi mong muốn tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả nhằm khuyến khích hai chính phủ tiếp tục thực hiện những mong muốn của nhân dân Việt Nam đối với công cuộc cải cách. Tôi tin rằng, những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề về tham nhũng, lãng phí và tệ nạn xã hội được nhiều người hoan nghênh. Mặt khác, đó cũng là điều hết sức cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam muốn thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. 

Về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất lớn. Đây là vấn đề Mỹ sẽ còn tiếp tục thảo luận cùng Việt Nam và tôi tin tưởng rằng thông qua các cuộc đối thoại và trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chúng ta sẽ đưa vấn đề đó sang mặt tích cực trong mối quan hệ hai nước.

Một lĩnh vực hợp tác rất đáng tự hào giữa hai nước là lĩnh vực chăm sóc, chữa trị và phòng chống HIV/AIDS. Chủ tịch Chương trình hỗ trợ khẩn cấp bệnh nhân AIDS của Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách 15 nước được ưu tiên và chúng tôi dự định sẽ hỗ trợ cho phía Việt Nam khoảng 25 triệu USD trong năm nay. 

Trong 10 năm qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ, bên cạnh một số vấn đề cho đến nay vẫn được coi là nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn rất nhiều điều phải làm và chúng ta không thể tự thỏa mãn với những gì đã đạt được.

(TTXVN)



Thứ sáu, 26/11/2004, 15:35 GMT+7

Mỹ bỏ dự luật nhân quyền Việt Nam

Những điều khoản bổ sung liên quan đến "Luật Nhân quyền Việt Nam 2004" đã được loại khỏi văn bản cuối cùng của Luật phân bổ ngân sách tổng hợp tài khóa 2005 cho các cơ quan chính quyền Mỹ, mang mã số HR-4818.

Trước ngày luật này được đưa ra Quốc hội thông qua, một số điều khoản của "Luật Nhân quyền Việt Nam 2004" đã được chuyển thành "Mục X" trong "Luật phân bổ ngân sách tài khóa 2005 cho các bộ Thương mại, Tư pháp, Ngoại giao, Tòa án và các cơ quan liên quan", mang mã số HR.4754. HR.4754 sau đó trở thành "Phần B" của HR-4818, mà vẫn thường được gọi là Luật Omnibus.

Tuy nhiên, trong văn bản được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 20/11 (vừa được công bố chiều 23/11), toàn bộ "Mục X - Luật Nhân quyền Việt Nam 2004" đã được loại bỏ. Mục này nằm từ trang 206 đến 215 trong "Phần B" của Luật phân bổ ngân sách tổng hợp tài khóa 2005.

Nếu "Luật Nhân quyền Việt Nam" được các nghị sĩ Mỹ đăng ký lại ở Quốc hội khóa tới, thì nó phải bắt đầu tiến trình pháp lý lại từ đầu.

(Theo TTXVN)



Thứ tư, 22/10/2003, 17:50 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2003/10/3B9CC8F0/ 

Xoài, bưởi Việt Nam có nhiều cơ hội vào Mỹ

Bưởi 5 roi - một loại bưởi nổi tiếng của Việt Nam.
Bưởi 5 roi - một loại bưởi nổi tiếng của Việt Nam.

Thái Lan và Mexico hiện là hai nước xuất khẩu xoài lớn nhất vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi trong tương lai với sự cạnh tranh của VN - Đó là nhận định của ông Edward Chi, Tổng Giám đốc công ty Luật Edwards, Wynn & Associates.

Phát biểu sáng nay tại hội thảo “Xuất khẩu trái cây và nông sản thực phẩm vào thị trường Mỹ”, diễn ra tại TP HCM, ông Edward Chi cho rằng, nhu cầu tiêu thụ xoài, bưởi của thị trường Mỹ hiện đang rất cao. Xoài Việt Nam cũng đã có mặt tại nước này nhưng không nhiều và chưa tạo được thương hiệu riêng, mặc dù chất lượng, hình dáng không thua kém xoài Thái Lan. Hơn thế, "chưa hề có trái cây tươi của Việt Nam xuất trực tiếp vào Mỹ. Có chăng đều phải thông qua nước thứ ba như Canada, Mexico..." - ông Edward Chi nói.

Ông Edward Chi cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu hai loại quả này, hai nước cần sớm có một hiệp ước chính thức về hàng nông sản. Ngoài ra, để tăng nhanh lượng hàng nông sản xuất khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu rõ các điều kiện, đạo luật về nông sản thực phẩm của Mỹ. Ngoài ra, nhà xuất khẩu nên đăng ký ngay nhãn hiệu và thương hiệu cho sản phẩm, tốt nhất là thông qua một văn phòng luật sư Mỹ để giảm thiểu thời gian và chi phí đăng ký.

Luật sư Edward Chi cũng giới thiệu về các quy chế nhập khẩu nông sản và thực phẩm của Mỹ cùng các quy định và yêu cầu khác như quy trình sản xuất đạt chất lượng, đạo luật về các loại nông sản dễ hư hỏng, đạo luật bảo vệ quyền sở hữu giống cây trồng, quy định về thực phẩm đóng hộp có lượng axít thấp…

Mỹ đang được xem là một thị trường lớn đối với Việt Nam. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà gần đây, các hội thảo về thị trường Mỹ cùng với vấn đề xuất khẩu hàng hóa được tổ chức thường xuyên. Ngày mai (23/10), Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) cũng tổ chức hội thảo về lĩnh vực này tại khách sạn New World (quận 1, TP HCM).

Bùi Đương



Thứ hai, 20/9/2004, 19:14 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2004/09/3B9D6A7C/ 

Thống đốc bang Washington tiếp thị táo tại Việt Nam

Ngài Thống đốc Washington đang hỏi thăm khách hàng tại siêu thị Metro - Bình Phú, quận 2.

Hôm nay, Thống đốc bang Washington đã đến siêu thị Metro & Carry An Khánh - An Phú, quận 2, TP HCM, để tiếp thị món táo tươi. Trong 2 giờ ông có mặt tại siêu thị, giá táo giảm còn 25.000 đồng, thay vì 35.000 đồng/kg như ngày thường.

Chiêu tiếp thị độc đáo này của Thống đốc Gary Locke đã thu hút rất đông khách hàng. Họ mua táo phần vì giá rẻ, phần vì tò mò muốn biết ông thống đốc chào hàng ra sao.

Loại táo tiếp thị được Hiệp hội táo Bang Washington chuyển thẳng tới Việt Nam bằng đường hàng không. Theo Thống đốc Gary Locke, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và mục đích của chuyến đi này là xúc tiến thương mại.

Còn bà Valoria Lovelarnd, Giám đốc Sở nông nghiệp của Mỹ thì cho rằng, hệ thống siêu thị của Việt Nam có nhiều cơ hội để phía Mỹ gia nhập vào thị trường. Vì số lượng trái cây ở siêu thị Việt Nam còn thấp so với các siêu thị ở Mỹ. Qua chuyến đi thực tế này, phía Mỹ mong muốn sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác làm ăn giữa hai quốc gia.

Thùy Vinh



Thứ sáu, 17/9/2004, 17:06 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2004/09/3B9D695E/ 

Thống đốc bang Washington vào vai bồi bàn tại VN

2h chiều ngày 20/9, Thống đốc bang Washington sẽ mặc tạp dề phục vụ món gà rán và khoai tây chiên tại một nhà hàng trên đường Hai Bà Trưng (TP HCM) nhằm quảng bá cho sản phẩm này.

Đó là một hoạt động của phái đoàn thương mại gồm 25 doanh nhân và các thành viên cấp cao của tiểu bang Washington, Tây Bắc Mỹ, trong chuyến thăm 4 ngày tại TP HCM và Hà Nội. “Việt Nam là một thị trường mới đầy hứa hẹn. Chúng tôi hy vọng sẽ cải thiện và tăng cường hơn nữa quan hệ giao thương với Việt Nam", ngài Locke, Thống đốc bang Washington cho hay.

Đoàn thương mại Mỹ sẽ có các cuộc họp với Thủ tướng Phan Văn Khải, các quan chức chính phủ và các doanh nhân Việt Nam với mục đích mở thêm cánh cửa hợp tác kinh tế cho các công ty và nông dân của hai nước.

Trong 4 ngày thăm VN, thống đốc Locke và thành viên của phái đoàn sẽ tham dự hai hoạt động khuyến mãi cho khoai tây và táo của tiểu bang Washington tại Metro Cash & Carry An Phú và tại nhà hàng gà rán Kentucky Hai Bà Trưng.

Phong Lan



© 
®