captured from: www.nguoivienxu.vietnamnet.vn

 
 

 
Trở về đầu trang

 

 
Trở về đầu trang

ĐẾN TỪ CHUYẾN BAY TRỰC TIẾP ĐẦU TIÊN MỸ - TPHCM
WFH tặng 48 xe lăn chuyên dùng cho vận động viên VN
11:41' 11/12/2004 (GMT+7)
 http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/12/355248/  

Tin, ảnh: TỐ PHƯƠNG

Soạn: AM 217483 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ông David Richard trao bảng tài trợ xe lăn cho Hội BTBNN TP.HCM

Hôm 10.12.2004, trên chuyến bay thương mại trực tiếp đầu tiên của Mỹ đến TP.HCM, phái đoàn của Hội xe lăn nhân đạo Mỹ (Wheels For Humanity USA) đã mang theo 48 chiếc xe lăn chuyên dùng dành tặng cho các vận động viên khuyết tật và trẻ em bại não của Việt Nam.

Sáng 11.12.2004, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo (BTBNN) TP.HCM đã làm lễ đón đoàn tại 12 Nguyễn Thị Diệu, quận 3. Ông David Richard, người sáng lập và là Giám đốc WFH, cho biết: “Hội BTBNN TP.HCM là đối tác đầu tiên của WFH tại TP.HCM. Trong đợt này, WFH trao 48 chiếc xe lăn đặc biệt trị giá 48.000USD cho 24 vận động viên khuyết tật và 24 trẻ bại não. WFH đã làm việc với VN trong 7 năm qua và đã trao tặng khoảng 5 ngàn xe lăn cho vận động viên khuyết tật, trẻ bại não VN ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. VN là nước nhận được nhiều xe lăn của WFH hơn các nước khác; và chúng tôi sẽ còn tiếp tục giúp đỡ cho VN nhiều hơn với sự giúp đỡ của Hội BTBNN TP.HCM. Chúng tôi mong rằng các vận động viên khuyết tật VN sẽ có điều kiện để tranh giải tại giải thể thao châu Á – Thái Bình Dương”

Chiều cùng ngày, lễ trao tặng xe lăn cho các vận động viên khuyết tật đã được xếp hạng sẽ diễn ra tại Khách sạn Sheraton, đường Đông Du, quận 1. Sáng thứ Hai, 13.12, buổi thi đấu giao hữu giữa các vận động viên khuyết tật VN và các vận động viên khuyết tật Danny Fik (môn xe lăn bóng rổ), Ranny Snow (môn quần vợt, đội Bình Minh Quickie) và Jacob Heilveil (môn chạy đua, đội Bình Minh Quickie) của phái đoàn WFH sẽ diễn ra tại Trung tâm Thể dục Thể thao Tân Bình. Trong các ngày 14,15,16.12.2004, các vận động viên khuyết tật Mỹ sẽ tập huấn những kỹ năng chơi bóng rổ, quần vợt, cầu lông, bóng bàn cho các vận động viên khuyết tật VN.

T.P

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

QUAN HỆ HỢP TÁC VIỆT - MỸ
Thành lập các trung tâm tài năng ở Việt Nam
08:00' 19/11/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/11/347581/ 
Soạn: AM 199517 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Một góc Washington

Ngày 17.11, tại Washington đã diễn ra lễ ký “Tuyên bố hợp tác” nhằm hình thành các trung tâm tài năng ở VN giữa Bộ Khoa học - công nghệ VN, Nhóm Sáng kiến khoa học (SIG) có trụ sở tại Mỹ và Quỹ Giáo dục VN (VEF).

Theo “Tuyên bố hợp tác”, Bộ Khoa học - công nghệ VN sẽ phối hợp với các bộ khác của VN xây dựng đề án hình thành các trung tâm tài năng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước khi chuyển cho Ngân hàng Thế giới (WB). VEF và SIG sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Khoa học - công nghệ trong việc xây dựng mô hình các trung tâm tài năng ở VN.

Ông Phạm Kiên, giám đốc điều hành VEF, hy vọng rằng việc hình thành các trung tâm tài năng sẽ tạo thêm một kênh nữa để thu hút các nhân tài của VN, hạn chế nạn chảy máu chất xám.

Vừa qua, Quỹ Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF) thông báo danh sách 71 người nhận học bổng và hỗ trợ cho các trung tâm xuất sắc tại Việt Nam. Hạ nghị sĩ George Miller, thành viên Hội đồng quản trị VEF đã có buổi gặp gỡ với Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho VEF sớm được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

Ông Miller cũng trình bày ý tưởng thành lập Trung tâm Tài năng trẻ cho Việt Nam để những người đã qua nghiên cứu ở Mỹ có điều kiện trở về phục vụ tốt hơn cho đất nước…

 

 

VEF đã hỗ trợ cuộc hội thảo về xây dựng khả năng khoa học và công nghệ của Việt Nam. Hội thảo do Viện Toán học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia) cùng Nhóm Sáng kiến Khoa học (SIG) - một tổ chức khoa học tại Hoa Kỳ chuyên về các trung tâm xuất sắc - phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm mục đích xây dựng mô hình “Trung tâm xuất sắc” phù hợp với Việt Nam. Mô hình này đang được thực hiện có hiệu quả tại các nước: Chile, Brazil, Mexico, v.v...

 

 

Tiến sĩ toán học Griffiths, chủ tịch SIG cho biết: “Các trung tâm xuất sắc này sẽ giúp Việt Nam thu hút những tài năng của mình, điển hình là các nghiên cứu sinh của chương trình VEF về nước. Điều này sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh có hiệu quả hơn trong môi trường WTO”.

 

 

71 nghiên cứu sinh đã được VEF tuyển chọn từ hơn 800 người dự tuyển của đợt tuyển năm 2004. Các thí sinh này đã làm bài thi tiêu chuẩn của hệ thống giáo dục sau ĐH của Hoa Kỳ và kết thúc bằng một cuộc phỏng vấn trực tiếp bởi các nhà khoa học Mỹ sang Việt Nam theo lời mời của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ. Phần lớn trong số này đã được các trường ĐH nổi tiếng của Mỹ chấp nhận nhập học.

 

 

Theo TTXVN - VietNamNet

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

UB HỖN HỢP VỀ HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VN-MỸ
Những dự án mới hợp tác khoa học công nghệ Việt-Mỹ
10:16' 21/11/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/11/348258/ 

 

 

Tại kỳ họp lần thứ tư, diễn ra ngày 18 và 19.11.2004 ở Washington (Mỹ), Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Mỹ đã thảo luận và thông qua một số đề xuất dự án mới và những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chuyên môn của các nhóm công tác.

 

Soạn: AM 201108 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Washington

Ủy ban hỗn hợp đã nhất trí thông qua để đưa vào thực hiện trong thời gian tới một số dự án hợp tác mới trong y tế, nông nghiệp, thuỷ sản, công nghệ thông tin, đo lường và giáo dục đào tạo, đã được các chuyên gia thảo luận chi tiết tại các Nhóm làm việc trước đó. Hai bên cũng đã thảo luận về các biện pháp tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho việc thực hiện các dự án và nâng cao hiệu quả hợp tác khoa học công nghệ trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí tăng cường sử dụng các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào phục vụ đời sống của nhân dân, gắn kết hơn nữa hợp tác khoa học công nghệ với hợp tác kinh tế, tăng cường hội nhập và khuyến khích hợp tác giữa các nhà khoa học trẻ.

Hai bên cũng đồng ý hợp tác xây dựng điều lệ, nhằm cụ thể hóa hơn nữa Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai chính phủ, được ký kết hồi tháng 11.2000. Tại phiên họp, phía Việt Nam cũng tỏ ý đánh giá cao hiệu quả một số dự án hợp tác với Mỹ trong ngành y tế, nông nghiệp, khí tượng thuỷ văn, nhất là dự báo lũ lụt cho một số con sông quan trọng ở miền Bắc Việt Nam và đào tạo đội ngũ cán bộ.

Trong khuôn khổ kỳ họp đã diễn ra các cuộc họp của 6 Nhóm công tác về các vấn đề như tiêu chuẩn và đo lường, y tế cộng đồng, công nghệ thông tin, khoa học biển và khí tượng thuỷ văn, nông nghiệp, công nghệ sinh học-đa dạng sinh học, và giáo dục khoa học-trao đổi nghiên cứu.

(Theo TTXVN)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

GIÁO SƯ TIẾN SĨ VÕ VĂN TỚI
Mong góp sức mình phát triển ngành Kỹ thuật Y sinh VN
07:34' 29/07/2004 (GMT+7)
 http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/nguoivietbonphuong/2004/07/221502/ 
 

GSTS Võ Văn Tới và 3 sinh viên VN được nhận học bổng VEF, những thành viên đầu tiên của mô hình Phân khoa ảo về Công nghệ Y sinh

Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Tới là người Mỹ gốc Việt, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Tufts (Hoa Kỳ), ông là người đã tạo ra chương trình Ứng dụng những giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề y tế (Biomedical Engineering - BE), ông cũng có công trong việc thành lập khoa BE của Đại học Tufts. Tại đây, GSTS Võ Văn Tới đang tiến hành việc thành lập một Phân khoa ảo về Kỹ thuật Y sinh, nhằm đào tạo cho sinh viên Việt Nam về một ngành học còn mới mẻ với trong nước, nhưng lại đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và có tầm quan trọng không nhỏ trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Mô hình “Phân khoa ảo - tự lực cánh sinh”:

Đầu tháng Giêng 2004, dưới sự hướng dẫn của GS Võ Văn Tới, một phái đoàn gồm các giáo sư, chuyên viên và khoa học gia Hoa Kỳ, được sự bảo trợ của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (National Science Foundation - NSF), đã đến thăm một số Viện nghiên cứu và trường đại học tại Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ. Mục đích của chuyến đi này là để thẩm định những nhu cầu căn bản của ngành Công nghệ Y sinh tại VN, từ đó đoàn sẽ đề nghị với VN những biện pháp thiết yếu nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ này, đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cộng đồng khoa học Hoa Kỳ và VN trong tương lai.

Công nghệ Y sinh (gọi tắt là VBME) là gì? Đó là một bộ môn đa ngành, nó nối liền các ngành khoa học tự nhiên và y tế với các ngành như kỹ thuật, lý hóa và toán học. Ngành này áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để phát triển các phương pháp nghiên cứu và chế tạo trang thiết bị nhằm phục vụ an sinh cho con người và cũng để tìm hiểu các quá trình sinh học của con người. VBME rất đa dạng với nhiều ngành khác nhau như ngành thiết bị y tế, chấn thương phục hồi, nghiên cứu về gen, ứng dụng công nghệ thông tin trong y khoa…Trên thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, trong những năm qua VBME đã phát triển vô cùng nhanh chóng. Còn ở VN thì sao? GSTS Võ Văn Tới cho biết: “Các nhà khoa học Hoa Kỳ  đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển VBME của VN. Chúng tôi đã đưa ra một kế hoạch 5 năm để giúp VN phát triển về ngành này. Hiện nay chúng tôi đang làm bản tường trình về chuyến đi khảo sát vừa qua. Mỗi cá nhân trong đoàn sẽ tìm cách để thực hiện dự án này, nhưng quan trọng nhất là phía VN phải có người đứng ra thực hành”.

Có thể thấy rằng đây là một cơ hội hợp tác quý báu cho cả hai nước trong việc đóng góp vào sự phát triển của ngành Công nghệ Y sinh tại VN, và cũng là cơ hội cho sự hợp tác hữu ích giữa các nhà giáo dục và nghiên cứu ở cả hai quốc gia. Bởi vì, hiện nay VN chưa có những công nghệ tiên tiến và tri thức ứng dụng rộng rãi, nhưng VN đã có những nhà nghiên cứu có khả năng chuyên môn cao. Trong bản “Đề nghị một số biện pháp để phát triển hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo Công nghệ Y sinh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”, GS Tới đã đề nghị một kế hoạch vừa và dài hạn. Theo kế hoạch này, việc đầu tiên GS Tới sẽ giúp trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức một Hội nghị quốc tế về Công nghệ Y sinh, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 07.2005.

Trong những ngày tháng 07.2004 này, GS Tới đã về nước cùng một số giáo sư hàng đầu của Hoa Kỳ và đã làm việc với ĐH Bách khoa TPHCM để lên chương trình Hội nghị, cũng như tìm kiếm nguồn tài trợ. GS Tới hy vọng sẽ có nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu trong nước cùng hợp tác để Hội nghị thành công.

Trong tư cách là thành viên Hội đồng Quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam 2000 (VEF) của Chính phủ Mỹ, GS Tới đã bắt đầu thực hiện kế hoạch lâu dài của mình cho việc phát triển Công nghệ Y sinh ở Việt Nam. Trong đợt tuyển chọn du học sinh VN của VEF trong tháng 4 vừa qua, đã có 3 sinh viên được nhận vào học tại Trường Đại học Tufts nơi GS Tới đang giảng dạy, và với sự giới thiệu của ông, ĐH Tufts cũng đã miễn học phí cho các sinh viên này. GS Tới hồ hởi cho biết, tháng 09.2004, với 3 sinh viên này, Phân khoa ảo về Kỹ thuật Y sinh (gọi tắt là BME) do ông sáng lập dành cho sinh viên VN sẽ bắt đầu hoạt động. Đây chính là nội dung quan trọng trong kế hoạch lâu dài mà GS Tới đưa ra trong việc phát triển Công nghệ Y sinh ở VN.

Là một chuyên gia lớn trong ngành VBME, GS Tới luôn trăn trở với việc làm thế nào để VBME có thể phát triển mạnh mẽ trên quê hương VN của mình. Bởi vì VN rất cần một đội ngũ các nhà giáo dục có năng lực và năng động trong ngành này. VBME là ngành không chỉ liên hệ đến vấn đề nghiên cứu cơ bản, hay thực dụng, mà nó còn liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, công nghiệp của đất nước. GS Tới đã đề nghị Chính phủ VN đưa các nhà giáo dục, các nghiên cứu sinh sang Mỹ để họ có thể làm việc trong một nhóm từ 5 - 10 người. Họ sẽ được đào tạo để trở thành một thế hệ các nhà giáo mới cho ngành VBME. Nghĩa là, họ sẽ không chỉ am tường về chuyên môn của mình, mà còn hiểu rõ mối quan hệ ràng buộc giữa ba lĩnh vực: giáo dục, nghiên cứu và kinh thương (biến chuyển những sản phẩm tinh thần thành sản phẩm có giá trị tiêu thụ trên thị trường), và họ sẽ có khả năng áp dụng chuyên môn của mình trong cả ba lĩnh vực này.

GS Tới tỏ ra rất tâm đắc với mô hình Phân khoa ảo của mình. Ông nhấn mạnh: Các sinh viên học tập tại Phân khoa ảo này sẽ không chỉ nghiên cứu khoa học hay chỉ sử dụng máy móc thuần túy, mà họ còn phải học cách để tự lực cánh sinh nữa. Có nghĩa là họ phải biến những sáng chế, phát minh của mình thành các sản phẩm bán được trên thị trường, tạo ra một nguồn lợi tức. Cũng có nghĩa họ tạo ra được công cụ. Họ là những hạt nhân có đủ điều kiện để phát triển ở quê nhà, vì tình hình đất nước ta còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, trong khi chúng ta có nhiều sinh viên giỏi, nhưng khi học tập ở nước ngoài về, họ lại không thể làm việc được vì thiếu điều kiện. Vậy thì Phân khoa ảo - Tự lực cánh sinh sẽ được “nuôi nấng” tại một viện nghiên cứu ở Hoa Kỳ (mà trước mắt là Đại học Tufts) cho đến khi nó trưởng thành và sẽ quay về VN với tri thức mới cùng với trang thiết bị mà họ đã quen sử dụng trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Mỹ. Những thành viên của phân khoa này sẽ được trang bị những kiến thức mũi nhọn của Hoa Kỳ để có thể đưa những kỹ thuật mới nhất của quốc tế vào môi trường nước mình một cách hữu hiệu nhất. Như vậy, mô hình này không những tạo nên những sinh viên có năng lực, thuần thục các trang thiết bị khoa học, mà còn giúp họ quen thuộc với một cơ sở hạ tầng vững chắc, để khi quay trở lại VN họ tiếp tục hoạt động hữu hiệu. Đây cũng là cách để giúp VN tránh khỏi tình trạng chảy máu chất xám.

GS Tới mong muốn mô hình do ông sáng lập sẽ thành công và có thể áp dụng cho nhiều ngành học khác, để các du học sinh VN có điều kiện học tập, nghiên cứu và ứng dụng chuyên môn của mình khi trở về quê nhà. Điều gì khiến cho GS Tới, một người Việt xa quê gần 40 năm nay luôn trăn trở với nỗi khao khát không chỉ của một nhà khoa học, mà còn là nỗi niềm của một đứa con đối với quê Cha đất Tổ như vậy?

“Hai tiếng “Quê hương” đã thấm vào xương, tim óc, máu thịt tôi!”

GSTS Võ Văn Tới, những ngày về thăm quê hương VN

Cuối năm 1968, chàng thanh niên Võ Văn Tới hăm hở đến đất nước Thụy Sĩ du học và lần lượt lấy bằng kỹ sư, tiến sĩ của ngành Công nghệ chuyên về các sản phẩm nhỏ (Micro Engineering). Với chuyên ngành là kỹ thuật Y sinh, chuyên môn về Nhãn khoa, anh đã  sáng chế ra những thiết bị dùng để nghiên cứu về mắt, giúp chữa các bệnh như thiên đầu thống, bệnh mắt khô. Trên đất người (Thụy Sĩ và Mỹ), TS Tới đã được cấp 3 bằng sáng chế về Máy đo độ nhạy của mắt với ánh sáng chớp tắt (Thụy Sĩ), Máy có thể tự nhỏ thuốc vào mắt  để chữa bệnh khô mắt, thiên đầu thống (Mỹ), Máy kiểm soát sự lưu thông của máu trong võng mạc (Mỹ) vào thời kỳ mà ngành Kỹ thuật Y sinh (BME) còn khá mới mẻ trên thế giới, chưa có một ngành BME cụ thể.

Với năng lực của mình, năm 1983, TS Tới được nhận học bổng của Chính phủ Thụy Sĩ trong chương trình hậu tiến sĩ, anh sang học tại đại học Harvard và Học viện Kỹ thuật Massachusettes (MIT) của Mỹ. Sau một năm rưỡi học tập, anh được nhận vào làm giáo sư tại trường Đại học Tufts và giảng dạy từ đó đến nay.

Có thể nói GSTS Võ Văn Tới là con người của sự sáng tạo. Anh không bao giờ chịu ngừng nghỉ trong tư duy, hoạt động. Ban đầu, khi mới dạy tại Tufts, do trường chưa có khoa Kỹ thuật Y sinh nên GS Tới giảng dạy về chế tạo những thiết bị cơ khí. Trong quá trình này, anh đã hướng dẫn cho sinh viên chế tạo ra chiếc xe hơi 2 chỗ ngồi chạy bằng năng lượng mặt trời, và tác phẩm này đã đoạt giải 3 tại cuộc thi xe chạy bằng năng lượng mặt trời toàn nước Mỹ, trong đó, giải nhất và nhì thuộc về hai công ty sản xuất xe hơi tư nhân.

Khi chuyển sang giảng dạy bộ môn điện tử và tin học, GS Tới đã đứng ra thành lập Chương trình đào tạo về Kỹ thuật Y sinh, đồng thời ông cũng làm Giám đốc Chương trình liên kết giữa Đại học Y khoa và Đại học Bách Khoa. Thông thường, chương trình đào tạo bác sĩ tại Mỹ phải trải qua 4 năm đầu ở một trường đại học nào đó, tiếp theo là 4 năm tại Đại học Y khoa thì mới được cấp bằng bác sĩ. Trong chương trình liên kết của GS Tới, sinh viên sẽ theo học 4 năm đầu tại ĐH Bách Khoa, một năm học thạc sĩ về Kỹ thuật Y sinh và học tiếp 4 năm về Y khoa để lấy bằng bác sĩ. GS Tới cho biết, mục đích của chương trình là đào tạo cho sinh viên có trình độ hiểu biết về chức năng kỹ thuật của ngành y khoa, vì ngành y ngày càng dựa vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, vì thế bác sĩ cũng phải hiểu rõ về kỹ thuật. Đây là chuyên khoa đào tạo những khoa học gia về lĩnh vực này. Song song đó, GS Tới còn đảm nhiệm vai trò Giám đốc của Chương trình liên kết giữa ĐH Bách khoa và Nha khoa, cũng đào tạo theo chu trình trên cho bằng Nha sĩ.

Những chương trình trên đều do GS Tới đề xuất và đã phát triển rất nhanh. Bắt đầu thực hiện từ năm 1998, đến nay đã có 50 sinh viên tốt nghiệp chương trình này, và ĐH Tufts đã phát triển chương trình thành một phân khoa vào năm 2002. Với những sáng kiến và đóng góp của mình, GSTS Võ Văn Tới đã được trao giải “Giáo sư giỏi nhất năm 2004” về giảng dạy và định hướng cho trường do ĐH Tufts trao tặng.

Trước đó, năm 1990, GS Tới đã có công sáng lập và là Phó Giám đốc của Viện nghiên cứu về Mắt tại Sion, Thụy Sĩ. Cho đến nay, ông vẫn tiếp tục có những nghiên cứu về Mắt. Hiện ông đang nghiên cứu những tác động của từ trường, điện trường trên những tế bào có thể biến chuyển thành những tế bào khác, về khả năng tạo thành tế bào ung thư của chúng hay không.

“Là một người Việt Nam từ trong máu thịt, tim óc”, GS Tới tự nhận như thế, ông cũng là người đồng sáng lập tổ chức gồm các giáo sư gốc Việt ở Mỹ và Canada, nhằm cùng nhau trao đổi, nối kết những thông tin khoa học hoặc bàn bạc về vấn đề giáo dục ở VN… Nói về việc tại sao mình lại mong được góp phần vào việc phát triển ngành Kỹ thuật Y sinh của Việt nam, GS Tới chân thành: “Tôi là một người Việt Nam - điều đó đã thấm sâu vào tận óc, tim, máu thịt tôi rồi”. Có lẽ chính vì điều đó mà sau lần đầu tiên về thăm quê hương năm 1990, thui thủi một mình vì gia đình, bà con và bạn bè thân thiết đều đã định cư ở nước ngoài; buồn và lạc lõng khi cảm thấy “mình là người ngoại quốc” ngay trên chính quê hương mình, lòng thầm tự nhủ “sẽ không bao giờ về VN nữa”, để rồi khi trở lại sống trên xứ người, ông lại trăn trở với bao ray rứt về bổn phận của một người dân Việt. Đôi lúc ông tự trách mình “Ngày xưa sao học môn Giáo dục công dân kỹ quá làm chi, để bây giờ, những gì là trách nhiệm, là bổn phận của một người công dân  cứ làm mình ray rứt mãi”! Vậy là ông lại tiếp tục trở về vì “không biết có cái gì đó cứ thúc đẩy tôi phải trở về, phải làm một điều gì đó góp phần xây dựng quê hương”.

Trở về với tư cách cá nhân, ông đến thăm và nói chuyện về nền giáo dục VN, về những suy tư, trăn trở của mình với đồng nghiệp và sinh viên ở các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TPHCM, ĐH Cần Thơ, và bây giờ là xúc tiến thực hiện kế hoạch phát triển ngành Kỹ thuật Y sinh của VN.

Giờ đây, mỗi khi trở về VN, GS Tới lại như thấy mình được trở về quê Cha đất Tổ, như được trở về gia đình mình, vì giờ đây ông đã có nhiều bè bạn chân thành và tin cậy, nhiệt tình, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ ông trong công việc, đưa ông đi thăm những phong cảnh quê hương mình. GS Tới lại được ăn lẩu mắm, cá kho, rau muống, canh chua…những món ăn bình dân thời nhỏ, nhưng với cuộc sống của một kiều bào nơi xứ người đã trở thành một nhu cầu, một nỗi nhớ. Bởi vì như ông nói, quê hương đã thấm sâu vào máu thịt ông rồi. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao mà dù xa quê gần 40 năm qua, ông vẫn giữ nguyên được âm sắc đặc trưng trong giọng nói của người dân Sài Thành thứ thiệt. Ông “khoe” hai con mình đều được đặt tên Việt Nam là Xuân Mai và Anh Tuấn. Vợ ông là người Thụy Sĩ nhưng có lẽ yêu chồng, chịu ảnh hưởng từ chồng mà bà rất yêu VN, thích đàn tranh và học tiếng Việt. Thỉnh thoảng, gia đình GS Tới lại tổ chức một buổi hòa nhạc mini, ông thổi sáo đệm cho tiếng đàn tranh thánh thót của vợ mình…

TỐ PHƯƠNG 

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

ĐỜI SỐNG QUÊ NHÀ
QUAN HỆ VIỆT - MỸ:
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tiếp GĐ điều hành Quỹ Clinton
08:46' 13/07/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/07/175458/ 

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm

Chiều 12.07, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tiếp ông W. Edward Wood - Giám đốc điều hành Quỹ Clinton trợ giúp về vấn đề HIV/AIDS, đang thăm và làm việc tại nước ta.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cảm ơn Quỹ về sự giúp đỡ đối với Việt Nam; nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam coi phòng chống HIV/AIDS là vấn đề ưu tiên và quyết tâm ngăn chặn đại dịch này như cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế. Việt Nam tích cực triển khai Pháp lệnh về phòng chống HIV/AIDS, thành lập Ủy ban quốc gia về phòng chống HIV/AIDS và tăng đầu tư cho việc phòng chống dịch bệnh. Phó Thủ tướng mong muốn Quỹ hỗ trợ để bệnh nhân Việt Nam được mua thuốc giá rẻ, tiến tới Việt Nam có thể sản xuất được thuốc đặc trị HIV/AIDS.

Ông Edward Wood cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn; đánh giá cao về chiến lược cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc phòng chống ngăn chặn hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS. Ông cho rằng, số người nhiễm HIV ở Việt Nam còn ít là một thuận lợi lớn cho việc phòng chống và Quỹ muốn giúp đỡ để hạn chế số người lây nhiễm. Chuyến thăm của đoàn lần này là giới thiệu hoạt động của Quỹ, tìm hiểu về công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam để tìm kiếm phương thức giúp đỡ có hiệu quả nhất.

Ông Edward Wood cho biết Quỹ Clinton được thành lập năm 2002; đến nay đã giúp đỡ 4 nước châu Phi và 7 nước vùng Caribe chống lại HIV/AIDS. Với hy vọng ngày càng có nhiều người bệnh có thể tiếp xúc với thuốc đặc trị và được điều trị bệnh AIDS, Quỹ Clinton đã vận động các nhà sản xuất thuốc và thiết bị y tế bán giá rẻ cho các nước nghèo.

(TTXVN) 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



ĐỜI SỐNG QUÊ NHÀ
LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TPHCM
Kỷ niệm lần thứ 228 ngày Độc lập của Hoa kỳ
08:48' 03/07/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/07/172480/ 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (phải) nâng ly chúc mừng bà Tổng lãnh sự Hoa kỳ tại TPHCM Emi Lynn Yamauchi

“Trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn, đến nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa kỳ đã có nhiều tiến bộ. Chúng tôi vui mừng và hy vọng trong thời gian tới, mối quan hệ ấy ngày càng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp” - Bà Tổng lãnh sự Hợp chủng quốc Hoa kỳ tại TPHCM, Emi Lynn Yamauchi, đã phát biểu như trên tại Lễ kỷ niệm lần thứ 228 ngày Độc lập của Hoa kỳ (04.07.1776 - 04.07.2004), do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM tổ chức vào sáng 02.07.2004.

Trong thời gian qua, từ khi Việt Nam và Hoa kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 12.07.1995, nhất là sau khi hiệp định thương mại song phương được ký kết, quan hệ giữa chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa kỳ ngày càng đạt được những bước phát triển có ý nghĩa, quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và nhân đạo được đẩy mạnh. Nhiều chuyến viếng thăm, trao đổi và làm việc ở nhiều cấp đã diễn ra nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như giải quyết những vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm. Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả ngày càng tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng nhân dân hai nước.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ TPHCM, đã khẳng định: “Hội Hữu nghị Việt - Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực góp phần của mình trong việc xây dựng quan hệ và mở rộng hợp tác vì lợi ích nhân dân hai nước. Chúng tôi tin rằng phía Hoa kỳ cũng sẽ tiếp tục cộng tác mật thiết với chúng tôi trong việc thực hiện mục đích này”.

TỐ PHƯƠNG 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

NGƯỜI VIỆT BỐN PHƯƠNG

CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT:
Chung sức góp phần vào sự phát triển của Việt Nam
18:25' 10/06/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/nguoivietbonphuong/2004/06/159737/ 

Suốt nhiều năm qua, các Tổ chức Phi Chính phủ người Mỹ gốc Việt (VA-NGO) đã hoạt động trong nhiều chương trình trợ giúp và phát triển về các mặt giáo dục, y tế và xã hội, cũng như các dự án giúp người dân nghèo Việt Nam cải thiện cuộc sống… Thành viên của các VA-NGO luôn cố gắng để có thể làm việc hữu hiệu trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại và có thể đóng góp trợ giúp quê nhà. Nhưng các VA-NGO và những hoạt động mang tính từ thiện ấy còn rời rạc và chưa gắn kết một cách đồng tâm hiệp lực.

VA-NGO họp mặt để tìm phương thức hiệu quả góp phần vào sự phát triển đất nước

Trong tháng 5 vừa qua, tại Asilomar - California, lần đầu tiên hơn 110 cá nhân đại diện cho 31 Tổ chức Phi Chính phủ người Mỹ gốc Việt từ khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ đã tổ chức họp mặt để tìm phương thức hiệu quả hơn nhằm góp phần vào sự phát triển lâu dài của Việt Nam

 

Ông Sony Le, thành viên của ban tổ chức hội nghị cho bịết: “Ý thức được vai trò đặc biệt của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong việc làm “nhịp cầu” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, chúng tôi đã đến và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cùng đề ra hướng làm việc chung. Chúng tôi cũng mong muốn tìm những phương cách hợp tác để nâng cao hiệu quả việc làm, củng cố tổ chức, và tăng cường hoạt động trong các cộng đồng khác ở Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam ”.

 

Hội nghị đã được đề xướng và tổ chức bởi Tổ chức Liên kết Thái Bình Dương (PALS), Chương trình Trợ giúp Xã hội cho VN (SAP-VN), Tổ chức Khuyến khích Tự lập (FESR) và Tổ chức Gặp gỡ Đông Tây. Hội nghị đã được sự trợ giúp tài chính từ Quỹ tài trợ Ford, Tổ chức châu Á, Tổ chức Wallace Alexander Gerbode, gia đình Trần, Vương và các cá nhân Việt kiều Mỹ.

 

Bà Vương Ngọc Diệp, đồng chủ tịch hội nghị khẳng định: “Người Mỹ gốc Việt luôn hướng về đất nước và muốn giúp đồng bào trong nước, điều này đòi hỏi các tổ chức phi chính phủ gặp gỡ và đi đến một kế hoạch hành động nhằm xây dựng và tạo hiệu quả nhiều hơn. Cuộc triệu tập này là một bước ngoặt quan trọng cho công việc của chúng tôi”.

 

Hội thảo sôi nổi trong tình thân hữu, cởi mở

Hội nghị đã tạo cơ hội nối kết, tạo một diễn đàn để các tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận – phi chính phủ (NGO) của hội Việt kiều và các tổ chức, cá nhân trình bày và thảo luận về các dự án phát triển đang tiến hành ở Việt Nam; nhằm mục đích chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, đưa ra các ý kiến mới và mời gọi sự cộng tác, tài trợ cho các chương trình nhân đạo và từ thiện nhằm giúp giảm thiểu nghèo nàn và đẩy mạnh phát triển ở Việt Nam.

 

Nâng cao khả năng tổ chức để thu hút sự tài trợ, khuếch trương tiếng nói của các tổ chức Việt kiều và cá nhân để phát triển và thực hiện các chương trình nhân đạo và từ thiện, xây dựng một hệ thống cộng đồng Việt kiều tập trung vào việc phát triển ở VN” – Mục đích của cuộc hội nghị bước đầu đã đạt kết quả theo  như mong muốn. Qua hơn hai ngày hội thảo sôi nổi trong tình thân hữu, tinh thần cộng tác và cởi mở, các hội đoàn tham dự cam kết cùng nhau thực hiện 4 mục tiêu và hoạt động sau:

 

           Khuyến khích trao đổi và chia sẻ thông tin tốt hơn giữa các Tổ chức Phi Chính phủ của người Mỹ gốc Việt để nâng cao kinh nghiệm, sáng kiến và sự hơp tác thuận lợi.

           Phối hợp nỗ lực tìm những nguồn tài trợ mới từ các cơ quan Chính phủ, các tổ chức và các công ty thương mại.

           Đẩy mạnh công tác thông tin và vận động ở Hoa Kỳ và khắp nơi về vai trò quan trọng của các VA-NGO trong các chương trình nhân đạo và phát triển ở Việt Nam

           Phát triển khả năng tổ chức của các hội đoàn VA-NGO để hoạt động hữu hiệu hơn.

 

Hội nghị đã tạo được niềm tin vững chắc giữa các hội đoàn. Bốn nhóm “bán chuyên trách” đã được thành lập để soạn thảo kế hoạch hoạt động cụ thể cho bốn lãnh vực nêu trên.

 

Sau hội nghị, Ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt và hội thảo chuyên đề..., chuẩn bị cho kỳ hội nghị VA-NGO lần thứ hai để đi vào triển khai những hoạt động cụ thể.

 

Những năm qua, những người Mỹ gốc Việt đã đóng góp vật chất đáng kể vào công tác nhân đạo và từ thiện giúp người dân nghèo ở Việt Nam , trong đó không chỉ có công sức mà còn có cả tâm nguyện. Với khả năng song ngữ và sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam, với tấm lòng yêu quê hương đất nước của các thành viên, nhất là với sự thành công của Hội nghị, chắn chắn hiệu quả của sự trợ giúp từ các VA NGO sẽ tăng lên gấp bội, góp phần quan trọng hơn cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

 

HOẠT ĐỘNG CỦA MỘT SỐ TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ CỦA NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT

  • Quỹ khuyến khích Tự lực (FEST)

  FEST được thành lập vào năm 1997 đã mang đến cho người nghèo những khoản vay nhỏ, giúp họ tạo những công việc kinh doanh để kiếm sống theo khả năng. Ngân hàng Grameen sớm cạnh tranh với mô hình này. Các nhóm 6 đến 10 gia đình tình nguyện sống cùng nhau để hình thành những đơn vị để hỗ trợ các gia đình khác. Trong các năm qua có khoảng 4.000 gia đình tham gia chương trình này  và đã hoàn trả được 98,8% vốn vay.   

  • Tổ chức Bảo tồn chữ Nôm của người Việt Nam

  Tổ chức này giữ gìn chữ Nôm qua nhiều dự án, như là phát hành Tự điển chữ Nôm và dịch thơ của Hồ Xuân Hương sang chữ Nôm, thêm vào đó là các nghiên cứu và hội nghị về học thuật…

  • Mạng lưới Trợ giúp Trẻ em Quốc tế (ICAN)

  Nhiệm vụ của ICAN là cải thiện cuộc sống của trẻ mồ côi và có hoàn cảnh khốn khổ khắp thế giới mà không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, dân tộc. Các dự án của ICAN là những nỗ lực cộng tác với Dự án Việt Nam (Chương 4, Học viện Nhi khoa Mỹ , California ) để cung cấp Vitamin K tiêm cho trẻ sơ sinh ở VN để ngăn ngừa tình trạng chảy máu bất thường vì thiếu hụt Vitamin K.

  • Các dự án về văn học, giáo dục và sức khỏe VN (VNHELP)

  Trên 10 năm VNHELP dẫn đầu trong việc mang đến cho người dân các viện trợ phát triển để khắc phục nghèo khó và kém phát triển với các chương trình được mở rộng từ việc thành lập học bổng Nguyễn Trường Tộ đến việc tạo nơi cư trú cho trẻ em lang thang, đường phố…  

  • Tổ chức giúp đỡ trẻ mồ côi (ACWP)

  ACWP được thành lập năm 1988 để đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn trẻ vị thành niên không có người bảo trợ lâm vào cảnh khó khăn, đang cư trú tại các trại ở Đông Nam Á. Hiện nay ACWP còn tạo việc làm và nơi ăn chốn ở cho trẻ mồ côi và các thiếu niên gặp rủi ro của VN.  

  • Tổ chức Trường học – Làng

  Được lập mới đây bởi nhóm ông, bà Tinh và Jody Mahoney, nhiệm vụ của VSF là tạo cơ hội giáo dục cho trẻ em nghèo ở Đông Nam Á qua việc xây dựng và sửa chữa trường học, cung cấp các đồ dùng cơ bản cho học tập và hỗ trợ một phần  học phí cao cho các em…

  • Quỹ học bổng Việt Kiều Mỹ (VASF)

  VASF được thành lập năm 1989. Trên 500 phần thưởng xuất sắc đã được trao tặng cho các học sinh giỏi ở VN và 200 ở Mỹ. Ủng hộ cho 50 trường cao đẳng và đại học để hỗ trợ một phần chi phí cho các sinh viên VN hoặc Mỹ. Trao những khoản học bổng nhỏ cho các tổ chức đoạt Giải giáo dục và văn hóa. Giúp phẫu thuật chỉnh hình cho hơn 400 trẻ em được ở VN và xây dựng 7 nhà trẻ…

 

LỆ MAI HÀ

 

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TIẾP ĐẠI SỨ HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ:
"Quan hệ giữa 2 nước tiếp tục tiến triển đáng khích lệ"
08:39' 04/06/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/06/157766/ 
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng

Chiều 03.06.2004, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ngài Raymond F.Burghardt - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, hai bên đều tỏ ý hài lòng thấy rằng thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục có nhiều tiến triển đáng khích lệ trên cơ sở cùng nhau xây dựng mối quan hệ ổn định và lâu dài, vì lợi ích to lớn của hai nước.

Đại sứ Raymond F.Burghardt

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi với Đại sứ Burghardt về nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm, tập trung vào việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại - vấn đề trọng tâm của quan hệ hai nước hiện nay. Phó Thủ tướng cũng thông báo cho Đại sứ Hoa Kỳ về tình hình kinh tế, xã hội cũng như những thành tựu quan trọng đạt được trong công cuộc đổi mới nói chung và quá trình cải cách kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định chính sách đúng đắn của Nhà nước Việt Nam về nhân quyền, tự do tôn giáo, cũng như những kết quả tốt đẹp của các chương trình ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với các vùng dân tộc ít người ở Việt Nam, trong đó có Tây Nguyên.

Một góc nước Mỹ

Đại sứ Burghardt tán thành việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước, nhất là quan hệ kinh tế - thương mại, cảm ơn Phó Thủ tướng về những thông tin bổ ích về tình hình Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến đi sắp tới của Đại sứ để vận động thúc đẩy tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Hoa Kỳ và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Ngài Đại sứ khẳng định lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ không chấp nhận các hành vi bạo lực, ly khai, khủng bố...

Buổi tiếp diễn ra trong không khí cởi mở và thẳng thắn.

(TTXVN)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
ĐỜI SỐNG QUÊ NHÀ
CHƯƠNG TRÌNH NHÂN ĐẠO LOTAGI (HOA KỲ):
Giúp phẫu thuật chỉnh hình cho 200 trẻ khuyết tật
15:53' 12/04/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/04/58831/ 

Thông qua sự vận động của ông John Nguyễn, một Việt kiều Mỹ, cuối tháng 04.2004, Chương trình nhân đạo Lotagi của Mỹ phối hợp với Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM giúp phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 200 trẻ em khuyết tật của TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Tiến sĩ bác sĩ Thanh Thái của Hội CTTETT khám bệnh cho trẻ khuyết tật

Trong hai ngày 10 và 11.04.2004, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM đã cùng các y bác sĩ thuộc Bệnh viện Vạn Xuân tổ chức khám cho gần 70 trẻ tàn tật vận động của tỉnh Sóc Trăng và  56 trẻ của tỉnh Vĩnh Long, đoàn cũng đã chọn ra được 50 trẻ có đủ điều kiện để phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng. Trong tuần tới, Hội sẽ tiếp tục tổ chức khám cho các trẻ tàn tật của hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước để chọn ra hơn 100 ca có khả năng chữa bệnh.

Cùng với 30 trẻ của TPHCM, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM sẽ hoàn tất hồ sơ để Chương trình nhân đạo Lotagi chuyển số tiền phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng sang cho phía Việt Nam (chi phí phẫu thuật cho một trẻ là 500USD).

TỐ PHƯƠNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

ĐỜI SỐNG QUÊ NHÀ
TỔ CHỨC REAP INTERNATIONAL, HOA KỲ:
Đến với Việt Nam bằng ngôn ngữ của tình yêu thương
15:11' 25/03/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/03/56459/ 

Tổ chức Reap International (REAP) đến Việt Nam vào năm 1993. Suốt 10 năm qua, bằng những nỗ lực đáng quý, REAP đã tạo nên cầu nối của tình hữu nghị với những dự án nhân đạo giúp đỡ trẻ em và người nghèo Việt Nam.

Ông Dave Roever, Chủ tịch REAP, phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm REAP hoạt động tại Việt Nam

Ông Dave Roever, Chủ tịch REAP, đã xúc động phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Việt Nam, được tổ chức vào sáng 25.3.2004 tại TPHCM: “Chúng ta cùng chia sẻ một ngôn ngữ. Đó là thứ ngôn ngữ vượt qua những khác biệt về lãnh thổ, chính trị và văn hóa. Ngôn ngữ đó không chỉ được hiểu bằng trí óc mà còn bằng trái tim. Ngôn ngữ đó là tình yêu thương”. Chính vì thế mà REAP đã thực hiện nhiều chương trình nhằm giúp đỡ những người Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, như Lắp đặt hệ thống Cath Lab, hệ thống monitor cho 36 giường bệnh cũng như đang tiếp tục chương trình huấn luyện và chuyển giao công nghệ cho khoa tim mạch bệnh viện Nguyễn Trãi, TPHCM; xây dựng trường học; tặng xe đạp cho người nghèo, xe lăn cho người khuyết tật; cấp học bổng cho hàng ngàn trẻ em nghèo; cung cấp ghe thuyền, mền và vật dụng khác cho người dân vùng  lũ lụt…

Điều đáng ghi nhận là mối quan hệ giữa REAP và Việt Nam được thiết lập trước quan hệ hiện hữu giữa chính phủ hai nước Mỹ và Việt Nam, trở thành một kiểu mẫu cho việc xây dựng quan hệ tình bạn trong những hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian tới, REAP sẽ tiếp tục thực hiện nhiều dự án nhân đạo mới dành cho trẻ em và người nghèo Việt Nam.

TỐ PHƯƠNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

TỔ CHỨC TRỢ GIÚP TRẺ EM CHÂU Á CỦA HOA KỲ:
Trao tặng máy trợ thính thứ 3.000 cho trẻ câm điếc Việt Nam
12:07' 25/03/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/03/56441/ 
Ông Bruce Johnson, Chủ tịch AHAC gắn máy trợ thính thứ 3.000 cho em Hồng Nguyên

Chương trình “Âm thanh và tiếng nói cho trẻ em câm điếc” được Tổ chức Trợ giúp trẻ em châu Á của Hoa Kỳ (AHAC)  cùng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM (SAPP) hợp tác thực hiện. Trong 6 năm qua, có 3000 trẻ thơ đã được giúp đỡ để tìm lại được âm thanh và giọng nói của mình. Tối 24.3.2004, tại TPHCM, AHAC và SAPP đã tổ chức buổi lễ trao máy trợ thính thứ 3.000 cho em Ôn Thị Hồng Nguyên, 7 tuổi, ở Củ Chi, TPHCM, bị điếc bẩm sinh.

AHAC đến với trẻ em Việt Nam từ năm 1992. Những chiếc máy trợ thính đầu tiên đã được AHAC trao cho trẻ câm điếc của trường nuôi dạy trẻ khiếm thính Đa Thiện, quận 7. Trong 12 năm qua, AHAC đã trao cho trẻ em Việt Nam tổng cộng 5.000 máy trợ thính (trong đó có 3.000 máy của chương trình “Âm thanh và tiếng nói cho trẻ câm điếc”). Có những em như Đoàn Nguyễn Ngân Hà, bị điếc từ nhỏ, nhờ được cấp máy trợ thính, em đã dần dần nghe và nói được. Ngoài học tập và giao tiếp, Hà còn biết đàn, vẽ và múa. Em hy vọng mình sẽ trở thành họa sỹ để nuôi sống bản thân và giúp đỡ những bạn khiếm thính khác. Hay như em Lưu Thị Hồng Yến, được nhận máy trợ thính đầu tiên của AHAC từ khi em 11 tuổi, nay em đã là một thiếu nữ và trở thành một thành viên tích cực trong gia đình…

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP HCM trao Huy hiệu TP HCM cho ông B.Johnson

Sáu năm cho một chương tình hợp tác nhân đạo, là cả một sự nỗ lực to lớn, thể hiện tinh thần nhân đạo rất cao giữa hai Hiệp hội SAPP và AHAC. Ông Bruce Johnson, Chủ tịch AHAC, đã xúc động nói: “Chúng ta cùng chia sẻ chung một mục tiêu là giúp đỡ trẻ khuyết tật, để trẻ có thể phát triển, tự tin hơn. Đó là lý do mà chúng tôi đến đây, trong chương trình này, để giúp đỡ các cháu khiếm thính. Chúng tôi có mặt ở đây để giúp SAPP thực hiện nhiều chương trình hữu ích hơn

Nhân dịp sang Việt Nam lần này, AHAC cũng đã tặng cho Sở Y tế TP HCM 1.000 dụng cụ xét nghiệm virus cúm gà.

Ghi nhận những đóng góp cho hoạt động từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo, khuyết tật Việt Nam của AHAC, Ủy ban Nhân dân TP HCM đã trao tặng ông Bruce Johnson, Chủ tịch AHAC, huy hiệu TP.HCM  và tặng Bằng khen cho tổ chức AHAC.

TỐ PHƯƠNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

Bản quyền Báo điện tử VietNamNet, được hỗ trợ bởi phần mềm VASC Orient Soft.
Công ty phần mềm và truyền thông VASC - 99 Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Tel: +844 9420798 ; Fax: +844 9420796 ; webmaster@vasc.com.vn