Lấy về từ / captured from: www.vnn.vn 
 
Liên hoan nhạc Jazz Châu Âu lần 3:
Có một nhạc công là... Ngài Tổng lãnh sự!
11:45' 08/11/2003 (GMT+7)
 www.vnn.vn/vanhoa/vandekhac/2003/11/35884/ 
 
Nhà ngoại giao - nghệ sĩ  Alfred Simms-Protz.

(VietNamnet) - Sau thành công vang dội của Liên hoan nhạc Jazz châu Âu lần 2 với hơn 6.000 khán giả. Việt Nam lại vinh dự tổ chức Liên hoan nhạc Jazz quốc tế lớn nhất Đông Nam Á lần 3 (diễn ra từ ngày 8 – 15/11/2003). Đặc biệt, Ngài Alfred Simms – Protz, Tổng Lãnh sự Đức tại TP.HCM sẽ tham gia biểu diễn trong đêm nhạc Jazz tổ chức tại TP.HCM với tư cách một nghệ sĩ guitar...

 

Liên hoan nhạc Jazz lần này có sự tham gia đông đảo các nghệ sĩ tài hoa đến từ các nước: Bỉ, Cộng Hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Thời điểm quan trọng của Liên hoan là đêm nhạc Việt Nam diễn ra vào ngày 13/11 tại TP.HCM. Ngoài sự góp mặt của ban nhạc Jazz Hà Nội với nghệ sĩ saxophone nổi tiếng Trần Mạnh Tuấn, khán giả yêu nhạc Jazz còn chờ đợi sự xuất hiện của nghệ sĩ guitar Alfred Simms – Protz, Tổng Lãnh sự Đức tại TP.HCM. Có thể nói, sự góp mặt của nhà ngoại giao - nghệ sĩ tài ba này sẽ làm nóng không khí Liên hoan nhạc Jazz như mọi người mong đợi.

 

Đêm nay 8/11 Liên hoan sẽ khai mạc buổi đầu tiên với sự tham gia của hai nhóm tam tấu Vojtech Eckert và Alex Riel tại Rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền - Hà Nội). Đây là một trào lưu mới trong dòng nhạc Jazz thế giới. Các nhóm tứ tấu không còn tung hoành trên sàn diễn Jazz, thay vào đó là tam tấu. Đặc biệt vào tối 9/11 là chương trình Đêm nhạc Việt Nam với sự tham gia của hai cha con nghệ sĩ Jazz Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc.

 

Liên hoan nhạc Jazz châu Âu lần thứ 3 sẽ có sáu đêm diễn tại Hà Nội, 5 đêm diễn tại Nhạc Viện Thành phố  Hồ Chí Minh số 112 Nguyễn Du, quận 1 bắt đầu vào ngày mai 9.11. Như vậy Liên hoan nhạc Jazz năm nay tại TP.HCM sẽ phong phú so với năm trước.

 

  • Bích Đan  
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Tổng Lãnh sự Đức, nghệ sĩ guitar Alfred Simms – Protz:
Nghệ sĩ và chính trị gia ư ?- Chẳng có gì là mâu thuẫn!
11:24' 13/11/2003 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/vanhoa/vandekhac/2003/11/35884/ 

(VietNamnet) - Không khí của Liên hoan nhạc Jazz châu Âu lần III dường như sẽ "nóng" lên bởi sự góp mặt của Ngài Tổng Lãnh sự Đức – nghệ sĩ guitar Alfred Simms – Protz vào Đêm nhạc Việt Nam (13/11) tại TP.HCM. Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trò chuyện ngắn với nhà ngoại giao, nghệ sĩ Simms – Protz.   

TLS Alfred Simms-Prozt ( thứ 2 từ phải sang) cùng nhóm nhạc Jazz Trần Mạnh Tuấn 

* Thưa ngài Simms – Protz, ngài có nhận xét gì về nhạc Jazz ở Việt Nam?

- Nhạc Jazz rất hay nhưng hơi kén người nghe. Trên thế giới, kể cả ở Đức, số người thích nhạc Jazz không nhiều, đại đa số người ta thích nhạc Pop, Rock…. Ngoại trừ Hà Nội, đáng tiếc là ở Việt Nam Jazz vẫn chưa phát triển lắm, ngay như thành phố Hồ Chí Minh cũng vẫn chưa có một câu lạc bộ Jazz nào. Vì vậy, lần này Liên hoan nhạc Jazz tổ chức tại Việt Nam cũng nhằm mục đích chính là giới thiệu rộng rãi nhạc Jazz đến quần chúng. Chắc các bạn đã thấy vài nghệ sĩ ngoài Hà Nội vào tham dự. Không phải ở đây không có nhạc công Jazz, nhưng hầu như các nghệ sĩ chơi nhạc Jazz hay đều xuất phát từ Hà Nội. Nghệ sĩ Saxophone nổi tiếng Trần Mạnh Tuấn, tuy sống ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng anh vốn là người Hà Nội. 

* Trong làng nhạc Jazz, ngài yêu thích những nghệ sĩ nào nhất?

- Vì chuyên chơi guitare nên tôi chỉ ái mộ những nghệ sĩ chơi guitare. Tôi thường nghe họ chơi đàn để học hỏi kinh nghiệm. Theo ý kiến chủ quan của tôi thì Wes Montgomery là cha đẻ của Jazz mới. Ngoài ra Goerge Benson, Pat Martino, John Scofield, Larry Carlton cũng là những nghệ sĩ tài ba mà tôi vẫn thường học hỏi được nhiều điều hay.  

* Trường hợp nào đã đưa ngài đến với Jazz?

- Lúc còn học trung học tôi có học nhạc, nhưng không chuyên sâu, chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Năm 20 tuổi vào học đại, tôi mới bắt đầu làm quen với Jazz và Jazz đã thật sự cuốn hút tôi. Từ đó, tôi chơi chuyên nghiệp. Tôi đã đi nhiều nước và giao lưu với khá nhiều ban nhạc. Có một thời gian, tôi chơi với ban nhạc Ammas Jazz Band của Jordan. Và hiện nay thì tôi tham gia vào ban nhạc Jazz Hà Nội của anh Trần Mạnh Tuấn. Các bạn tôi trong ban nhạc Jazz Hà Nội đã soạn một số bản Jazz mới pha trộn giữa nhạc dân tộc của người dân tộc thiểu số và Jazz. Tôi thấy những ca khúc này thật tuyệt vời. Chúng tôi sẽ biểu diễn các tác phẩm này trong Liên hoan đêm 13/11 tới.  

* Như ngài đã nói, thông thường người ta thích nhạc Pop, Rock…. Vậy ngoài Jazz, ngài có thích Pop, Rock không?

- Vâng, tôi thích những bản nhạc Ballad nhẹ nhàng. Có thể nói Việt Nam có nhiều ca sĩ Pops rất giỏi. Ở Đức, chúng tôi không có ca sĩ Pops giỏi như các bạn. Tôi thích nhất là ca sĩ Lam Trường, anh hát rất nhiều bài hay, đặc biệt là các bài Ballad. Ngoài ra Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh, Trần Thu Hà…cũng hát rất hay. 

* Có gì mâu thuẫn khi một chính trị gia lại là một nghệ sĩ, thưa ông? 

- Không  thể có mâu thuẫn được, vì không ai cấm một người lãng mạn làm chính trị được. Trên thế giới có rất nhiều phụ nữ làm chính trị đấy thôi! 

* Ông bận như thế, lúc nào thì ông dành cho Jazz? 

- Quả là tôi không có nhiều thời gian chơi Jazz, thỉnh thoảng thôi. Mặt khác ban nhạc của chúng tôi mỗi người một nơi, rất khó tập hợp để cùng chơi. 

* Rời chính trường, ông có còn chơi Jazz? 

- Lúc đầu tôi nghĩ là có thể, nhưng bây giờ tôi biết là không thể được. Khi rời chính trường lúc đó tôi đã khoảng 65 tuổi rồi. Độ tuổi đó không hợp với Jazz. 

* Xin cám ơn ngài đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn ngắn này.  

  • Bích Đan

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Việt Nam - đất nước nhạc jazz lớn nhất Đông Nam Á?
08:32' 30/10/2003 (GMT+7)
 www.vnn.vn/vanhoa/vandekhac/2003/10/34750/ 
Jazzisso, tứ tấu jazz từng biểu diễn tại Việt Nam.

(VietNamNet) - Sau thành công vang dội của Liên hoan nhạc Jazz châu Âu lần thứ hai với sự tham gia của gần 6.000 khán giả, Việt Nam trở thành đất nước tổ chức Liên hoan nhạc jazz quốc tế lớn nhất Đông Nam Á. Liên hoan nhạc jazz châu Âu lần thứ 3 sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 15/11 với sự tham gia của nghệ sĩ các nước: Bỉ (Wallonie-Bruxelles), Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Italia, Na-Uy, CH Séc, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Việt Nam.

Trong khuôn khổ liên hoan năm nay, ngoài 6 đêm nhạc jazz tại Hà Nội (rạp Công Nhân, 42 Tràng Tiền), sẽ có 5 đêm nhạc khác được tổ chức tại TP.HCM (Nhạc Viện thành phố, 112 Nguyễn Du, Q.1). Ngoài đêm nhạc 12/11 tại TP.HCM, mỗi buổi diễn đều có 2 ban nhạc tham gia. Đáng chú ý nhất sẽ là các đêm nhạc 9/11 tại Hà Nội, 13/11 (TP.HCM) và đêm nhạc bế mạc liên hoan của Dàn Tứ tấu các ngôi sao châu Âu EUROSTARS #2. Sự thành công rực rỡ của EUROSTARS #1 tại liên hoan nhạc jazz năm ngoái đã khiến Giám đốc Liên hoan tiếp tục thành lập một dàn tứ tấu EUROSTARS # 2.

Tham dự bữa tiệc nhạc jazz lớn nhất Đông Nam Á năm nay, công chúng Việt Nam sẽ có dịp gặp gỡ bốn nghệ sĩ hàng đầu thế giới: Fulvio Albano (saxophone - Italia), Dag Aenesen (piano - Na-Uy), Jean Louis Rassinfosse (
contrabass
- Bỉ) và Alex RIEL (trống - Đan Mạch). Ngoài ra, Liên hoan còn là điểm hẹn của các ban nhạc: Red River Big Band, Crossroad (gồm hai nghệ sĩ guitar người Bỉ và Pháp), Jacques Brel, Le Vu VoetenXp, Hanoi Jazz Band và các nghệ sĩ: Alfred Simms-Protz (guitar - Đức), Jaap Voeten (trombone), Trần Mạnh Tuấn, Vũ Ngọc Hà, Lê Quốc Hưng...

Song song với liên hoan này, các lớp tập huấn về nhạc jazz sẽ được tổ chức tại Nhạc Viện Hà Nội. Ngoài ra, một cuộc triển lãm tranh về Liên hoan nhạc jazz lần thứ nhất và thứ hai cũng sẽ được tổ chức từ ngày 5/11 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24, Tràng Tiền, Hà Nội).

Liên hoan nhạc jazz châu Âu lần thứ 3 do Phái đoàn Wallonie-Bruxelles phối hợp với Ban tổ chức biểu diễn (Cục Nghệ thuật biểu diễn) và 10 đại sứ quán châu Âu tổ chức. Liên hoan cũng nhận được sự hỗ trợ của Phái đoàn ủy ban châu Âu và Đại sứ quán Italia, nước đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của liên minh châu Âu. Vé vào cửa được bán tại địa điểm tổ chức các đêm nhạc jazz ở Hà Nội và TP.HCM.

  • Bích Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Trần Mạnh Tuấn tiếp tục chơi jazz với "Về quê"
11:21' 07/08/2003 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/vanhoa/2003/8/24744/ 
Saxophone Trần Mạnh Tuấn.

Trong Về quê - album mói nhất của mình, Tuấn saxophone tiếp tục đi theo hướng mà anh đã chọn cách đây một năm với album Hạ trắng: Làm cho tiếng kèn của mình dễ nghe, dễ cảm, dễ đến được với số đông. Có người bảo cách làm này là một "sự chững lại" về mặt tay nghề. Không chỉ không nghĩ vậy, Trần Mạnh Tuấn còn tuyên bố có thể mỗi năm sẽ làm 2 album theo cách này thay vì 1 album như dự định.

-  Hình như "dân gian đương đại" giờ đang là mốt?...

- Không phải tôi đang chạy theo "mốt". Cũng như phần đông người phương đông khác, nhất là đến tuổi này, tôi cảm thấy mình hợp với những gì đẹp đẽ, nhẹ nhàng, thậm chí hơi uỷ mị. 

Về quê tập hợp những ca khúc phần lớn đã thành danh, giai điệu đều mang đậm nét dân ca, như Mẹ ru con của Nguyễn Văn Tý, Về quê của Phó Đức Phương, Chị tôi của Trọng Đài... Những cung bậc trầm bổng, những luyến láy vốn có trong các giai điệu được Tuấn tận dụng tối đa. Thậm chí bằng đặc thù của tiếng kèn saxo, anh còn cố tình làm cho chúng buồn hơn, "nức nở" hơn. Cũng ít thấy các xử lý kỹ thuật cầu kỳ, những đoạn ngẫu hứng phức tạp về mặt hoà âm mà trước kia Tuấn rất thích.

- Vậy là anh cũng chịu sức ép của thị trường?...

- Tôi đã từng có album Lời ru mắt em, với 11 bài hoà tấu theo kiểu jazz. Nhiều anh em bạn bè trong nghề tấm tắc khen, nhưng lay lắt suốt mấy năm trời chỉ bán được mấy ngàn bản, thất bại nặng nề. Còn Hạ trắng năm ngoái thì đã phá kỷ lục về doanh số một album hoà tấu nội địa với 25.000 bản. Là một người phải tự lo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của mình, tôi không thể không đếm xỉa đến nhu cầu của người nghe. Về mặt nghệ thuật, tôi hài lòng với Về quê. Dân trong nghề đều nhận thấy nó được làm trau chuốt, cẩn thận, lần đầu tiên chơi trống thật chứ không phải trống điện tử.

- Anh là một trong những người cổ vũ nhiệt thành cho cái gọi là "jazz VN". Bây giờ "những giấc mơ jazz" ấy đâu rồi? Đọc trong một bài báo gần đây, thấy viết "Tuấn kiếm sống bằng pop, jazz chỉ còn trong... tâm hồn thôi"...

- Đấy là họ viết chứ không phải tôi nói đâu nhé. Những khúc ngẫu hứng của tôi trong Về quê vẫn có jazz đấy chứ. Cái gì đam mê thì vẫn mãi là đam mê. Tôi vẫn tham gia các liên hoan jazz quốc tế, vẫn chơi jazz mỗi khi có dịp, vẫn học jazz. Có điều chỉ có thể đưa jazz đến với quảng đại người nghe một cách từ từ, kiểu "mưa dầm thấm lâu". 

(Theo Lao Động)
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi