Lấy về từ / captured from:   http://giaidieuxanh.vietnamnet.vn

           NHẠC VIỆT
Saxophonist Trần Mạnh Tuấn: “Vẫn còn những ngộ nhận về jazz”
00:23' 19/11/2003 (GMT+7)
 http://giaidieuxanh.vietnamnet.vn/nhacviet/2004/01/42913/ 

Liên hoan nhạc Jazz châu Âu lần 3 tại Hà Nội và Tp.HCM vừa khép lại sau một tuần vừa biểu diễn vừa giao lưu và “truyền nghề” giữa các nghệ sĩ từ nhiều quốc gia. Và vẫn như hai liên hoan trước, đêm nhạc Việt Nam luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của cả khán giả Tây, ta cũng như các nghệ sĩ bạn bè. Không chỉ để xem ngón nghề của nhau, không dừng lại để nghe những âm thanh đầy tính thử nghiệm và còn cả một sự mong chờ những bước tiến của ngôn ngữ jazz Việt ít nhất là sau mỗi lần “hội nhập” ngắn ngủi trên sân nhà.

Giai Điệu Xanh có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn (anh vừa tham gia liên hoan cùng ban nhạc Hanoi Jazz Band của mình - với Vũ Hà, Quốc Hưng, Alfred Simm-Protz) về những gì rút ra được sau Liên hoan, về con đường đang đi và sẽ đến của jazz Việt.

Anh đã “thấm” được gì từ liên hoan lần này?

Nhiều lắm. Họ đã gửi đến đây nhiều nghệ sĩ hay hơn, xuất sắc hơn và đặc biệt là rất sáng tạo. Có những sự sáng tạo đến mức tôi cảm thấy hình như hơi “cực đoan”, quá mới, quá lạ ngày cả với những người chơi jazz và quá xa vời với khán giả. Như nhóm Schorn-Puntin đấy, họ rất tài năng và sáng tạo, nhưng âm nhạc của họ quá khó thẩm thấu, có lẽ vì thế mà nhiều khán giả đã phải bỏ về. Các nhóm khác đều có tính sáng tạo cực kỳ cao và lối chơi phóng khoáng cao độ. Tôi thích nhóm Urban Connection của Na Uy. Họ trẻ mà có những tác phẩm tự sáng tác rất hay, độc đáo.

Anh vừa nhấn mạnh đến tính sáng tạo. Quê hương của jazz không phải ở châu Âu, vì vậy ắt hẳn các nghệ sĩ châu Âu khi chơi jazz cũng phải tìm cách Âu hoá nó phần nào, cũng là một trong những yêu cầu sáng tạo. Vậy từ những gì mắt thấy tai nghe, anh có thể cho biết những yếu tố âm nhạc bản địa có thể tham gia vào jazz với tư thế nào?

Tôi hay nghe người này người kia nói chuyện pha trộn dân ca với jazz với rock như thể là một trào lưu cách tân nghệ thuật, theo tôi thì chẳng có trào lưu nào ở đây cả, mà đó là điều bình thường đương nhiên anh phải làm. Bản thân tôi cũng đang sử dụng dân ca Việt trong jazz  và tôi làm một cách tự nhiên. Người ta đã nghe mãi jazz “nguyên bản” rồi thì cũng có nhu cầu nghe thêm những cái mới, cái lạ. Nhưng không phải vì thế mà mình trưng ngay ra cái dân ca thuần gốc của mình với bao nhiêu nhạc cụ dân tộc được. Tôi muốn đưa ra ngôn ngữ âm nhạc chứ không phải là tranh-sáo-bầu. Mình đưa cái nguyên gốc của mình ra họ sẽ không hiểu gì cả, và đương nhiên không nghe, đó là thất bại.

Âm nhạc bản địa Việt Nam không đặc sắc nổi bật bằng của Ấn Độ, Trung Quốc hay Trung Đông. Tôi muốn dùng chính cái đương đại của họ để thể hiện ngôn ngữ âm nhạc của mình. Theo tôi, chỉ như thế mới hy vọng đứng cùng jazz thế giới, chứ để chơi jazz như người Mỹ thì còn lâu và khó khăn lắm. Có lần tôi đi tham dự một liên hoan jazz ở Singapore, phần biểu diễn của Việt Nam (có tôi và Hồng Nhung) rất được thích và đánh giá tốt, vì họ thấy có gì đó rất Việt Nam. Gây bất ngờ và được hoan nghênh nhất là các nghệ sĩ jazz đến từ Mông Cổ. Họ thật sự xuất sắc trong việc đưa dân nhạc vào jazz. Trong khi đại diện của Indonesia thì chơi cực hay, diễn rất tốt nhưng không được một lời khen nào cả, đơn giản là họ copy y nguyên jazz Mỹ.

Theo anh nhận thấy, hiện đang có những phương cách nào để đưa dân ca vào jazz mà các nghệ sĩ Việt đang áp dụng?

Mỗi người có một cách, cách của tôi thì tôi đã nói rồi. Nhưng đang có một sự ngộ nhận ở một số người. Họ đưa dân ca vào jazz như một sự cải biên dân ca. Không có một sự cải biên nào cả bởi không thể sử dụng nguyên một bài dân ca mà nhào nặn nó thành jazz. Không phải loại hình dân ca nào của Việt Nam cũng có thể đưa vào jazz được, phải có sự thông suốt từ tác phẩm “nền” đến sự ứng tác của nghệ sĩ, cũng chính là sự thông suốt của ngôn ngữ âm nhạc. Không thể nào tự nhiên hát một bài dân ca rồi "phiêu", rồi ngẫu hứng lung tung không còn liên quan gì đến “bản gốc” nữa mà  bảo đấy là jazz.

Bây giờ nhắc đến chuyện đưa dân ca vào jazz nhiều người thích nhắc đến ngũ cung như thể đó là đặc sản của nhạc Việt. Ngũ cung thì trên thế giới này ở đâu cũng có. Ngũ cung châu Phi còn rất gần với thang âm của blues-jazz nữa kia, chỉ khác 1 nốt thôi. Như vậy, theo tôi, điều cần thiết vẫn phải là chọn được ngôn ngữ âm nhạc phù hợp trong dân ca rồi chơi bằng những tiết tấu jazz, hiện đại. Hiện nay tôi tìm thấy “mỏ” của mình ở dân ca đồng bằng Bắc Bộ và dân ca Mông.

Đó là về phía những người chơi nhạc jazz, còn khán giả thì sao? Anh nhận thấy có những thói quen thưởng thức nào trong những khán giả Việt của nhạc jazz?

Người Việt nói riêng và Á Đông nói chung thường thích những gì đẹp, nhẹ nhàng và có phần uỷ mị, họ không muốn bị sốc khi xem hay nghe nhạc, dù với jazz hay nhạc nào cũng vậy. Nhiều người ngạc nhiên sau khi nghe những album hoà tấu của tôi rồi xem tôi biểu diễn sân khấu. Họ thắc mắc là sao trong đĩa thì nhẹ nhàng dễ nghe mà sao lên sân khấu thì lại chói gắt như thế với cùng một bản nhạc. Đó cũng là một thói quen dễ thông cảm. Bởi giữa album và sân khấu luôn có sự khác biệt, không thể như ca sĩ hát lip-sync được. Sân khấu đòi hỏi nhiều tính tiết tấu cả trong âm nhạc và tác phong biểu diễn cũng như khả năng ứng tác. Dần dần có lẽ khán giả cũng quen với điều đó, quen tức là sẽ chấp nhận được những cái mới, lạ và sáng tạo.

Với một công chúng như thế, với những phương cách sáng tạo như anh vừa nói, jazz Việt hiện có diện mạo ra sao?

Trước hết phải khẳng định hiện đã có một “trường phái jazz Việt”, dù còn non nớt thì cũng đã có, nhưng vẫn còn rất manh mún, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Tôi cũng rất mệt mỏi mỗi khi cần tìm người chơi cùng, có những ban nhạc jazz lập ra mà cả năm có khi chẳng diễn chung với nhau được buổi nào. Buồn nhất là ở Sài Gòn, rất nhiều người chơi nhạc jazz tốt, rất mê jazz nhưng đi theo jazz thì không. Cũng vì cuộc sống cả thôi, không thể trách họ được.

Tôi thấy có một số nhóm trẻ rất triển vọng như Bốn Anh Em ngoài Hà Nội. Nhưng có lẽ vì các em còn trẻ, có ít nhiều bốc đồng nên thích những gì gây sốc, gây ấn tượng, thích phô diễn kỹ thuật, tính âm nhạc còn rất ít. Đó cũng là điều bình thường thôi. Rồi các em cũng sẽ lớn lên và chững chạc hơn, khi ấy sẽ hướng lối chơi đến sự tinh tế. Ngoài ta, tôi còn nhận thấy có hơi nhiều ảo tưởng về jazz. Dễ thấy nhất là chuyện kết hợp dân ca mà chúng ta đã nói hồi nãy. Tiếp nữa là có những người hát bài jazz nhưng không ra chất, hoặc hát bài pop, "phiêu" đi một chút rồi bảo là hát jazz.

Việt Nam đang thiếu người hát jazz. Tôi thấy Trần Thu Hà rất có tố chất jazz và cũng muốn mời cô ấy hát cùng mình, không phải hát những bài Mỹ mà là bài Việt Nam. Nhưng có lẽ cô ấy quá bận rồi. Về chuyện pha trộn các yếu tố âm nhạc, nếu không biết cách làm thì sẽ ra một thứ world music vô tội vạ chứ không phải là jazz. Jazz luôn đòi hỏi sự ứng tác, mỗi lần biểu diễn phải cho thấy một lần sáng tạo mới. Tôi hơi buồn khi thấy hình như nghệ sĩ mình ít người chịu xem, chịu nghe. Nhiều buổi biểu diễn jazz đẳng cấp cao của các nghệ sĩ nước ngoài, tôi thấy vắng bóng nghệ sĩ Việt dưới ghế khán giả. Họ bận quá chăng?

Chắc là như vậy đấy, "bận" là lý do để giải thích cho mọi chuyện. Anh có thấy cũng vì "bận" mà nhiều người còn không biết rõ về sự xuất hiện của jazz ở Việt Nam, chẳng hạn cho rằng Quyền Văn Minh là người đầu tiên dưa jazz vào Việt Nam, dẫn đến những hiểu lầm không hay, bỏ quên những bậc tiền bối?

Như tôi đã nói đấy, jazz với nhiều người Việt mình vẫn còn xa lạ vì thế những hiểu lầm, ngộ nhận này nọ là dễ hiểu thôi. Jazz đã đến Việt Nam từ lâu lắm rồi, từ thời Pháp. Ngày ấy đã có những người Việt chơi jazz. Vì lý do lịch sử mà jazz bị lắng xuống một thời gian. Ngày tôi đi học, thầy dạy tôi là ông Hiếu chơi kèn và trống ở Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, thời ấy chúng tôi nghe ông chơi jazz ở Câu lạc bộ Quốc tế (Hà Nội) mà không hề biết đấy là jazz. Tôi, Quyền Văn Minh, Lương Bình... dã bắt đầu chơi nhạc jazz theo yêu cầu của một khách sạn ở Hà Nội. Sau rất nhiều tìm tòi, gặp gỡ những nghệ sĩ nước ngoài, chúng tôi mới trở thành những người chơi jazz thực thụ. Tôi cho rằng mỗi người, mỗi thế hệ chơi jazz đều là kế thừa từ những người đi trước, cũng như jazz khắp thế giới vẫn nhìn về jazz Mỹ đấy thôi.

Vậy trong khi vẫn nhìn về jazz Mỹ để chơi jazz cho ra jazz, và vẫn phải tìm cách bản địa hoá jazz để có bản sắc riêng. Theo anh, những người chơi jazz muốn lên đẳng cấp cao cần phải có tố chất và điều kiện gì?

Nếy muốn duy trì và nâng cao tay nghề, muốn thành công với jazz thì phải dành thời gian cho jazz. Chơi jazz đòi hỏi sự hoàn thiện cao trong kỹ thuật và cảm xúc, vì thế nhạc công jazz lành nghề có thể chơi tốt các phong cách, thể loại âm nhạc khác nhau. Những nhạc công chơi cho Whitney Houston, Sting... theo tôi biết, đều là những cao thủ jazz bên Mỹ, nhưng vì cuộc sống họ vẫn chơi pop thôi, mà còn chơi tuyệt hay nữa. Vì thế, quan  trọng nhất vẫn là ý thức với nghề. Có yêu nghề thì mới làm được!

Anh có thể hình dung một tương lai gần cho jazz Việt không?

Jazz Việt phải do người Việt chơi và đầu tiên là phải chơi cho người Việt nghe được đã. Kinh nghiệm của bản thân tôi cho thấy cần phải tạo ra được những khán giả cho jazz Việt bằng cách làm cho họ yêu jazz một cách từ từ, từ những gì dễ nghe và gẫn gũi với họ. Gây sốc không tạo được hiệu quả bền bỉ bằng những gì được thẩm thấu dần dần. Tôi đã rất ngạc nhiên khi những album độc tấu saxophone của tôi bán khá chạy so với những đĩa nhạc thời thượng khác, đơn cử Về quê bán được 10.000 bản trong tuần đầu tiên, đĩa Hạ trắng đã bán được 27.000 bản trong năm 2002, chỉ thua đĩa Mỹ Tâm. Đó cũng là jazz ở một mức nào đó đấy chứ?

Tôi chưa thể nói trước được gì về tương lai gần hay xa cho nhạc jazz, nhưng với lực lượng khán giả biết thưởng thức jazz từ dễ đến khó như vậy, jazz Việt sẽ phát triển. Điều cần thiết cho các nghệ sĩ là bớt đi những ngộ nhận để làm việc một cách thực tế với tinh thần cầu tiến thực sự!

  • Nguyễn Minh thực hiện

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi




           NHẠC QUỐC TẾ
Liên hoan nhạc jazz châu Âu lần thứ III tại Việt Nam
06:13' 29/10/2003 (GMT+7)
 http://giaidieuxanh.vietnamnet.vn/nhacquocte/2004/01/43314/ 

Schorn-Puntin

Từ 5/11 đến 17/11, phái đoàn Wallonie- Bruxelle phối hợp với Ban tổ chức biểu diễn (thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn) và 10 đại sứ quán các nước châu Âu tại Việt Nam sẽ tổ chức Liên hoan nhạc jazz quốc tế lần thứ III tại VN. Với hơn 30 nghệ sĩ nổi tiếng thế giới của 7 nước tham gia gồm: Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Italia, Na Uy, Séc, Thuỵ Điển và lần đầu có sự góp mặt của Thuỵ Sĩ, đây được coi là Liên hoan nhạc jazz quốc tế lớn nhất Đông Nam Á.

Hà Nội sẽ diễn ra 6 đêm nhạc tại rạp Công Nhân, 42 Tràng Tiền.  Tại Tp.HCM5 đêm diễn trong Nhạc viện Tp.HCM, 112 Nguyễn Du, Q1. Trung bình 2 ban nhạc biểu diễn/đêm. Cùng tham gia biểu diễn với các nghệ sỹ nhạc jazz nổi tiếng của quốc tế là các ban nhạc VN: ban nhạc Sông Hồng với hai cha con nghệ sỹ Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc, ban nhạc Hanoi Jazz với cây kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn, nghệ sỹ guitar bass Vũ Ngọc Hà và nghệ sỹ trống Lê Quốc Hưng.

Alex Riel

Chương trình của Liên hoan năm nay được đánh giá sớm là rất đặc sắc vì sự có mặt của những nghệ sĩ không những xuất sắc nhất châu Âu mà còn nổi tiếng thế giới. Đặc biệt đêm bế mạc sẽ xuất hiện dàn tứ tấu Eurostar # 2 gồm 4 nghệ sĩ hàng đầu thế giới: Fulvio Albano (Italia) là ging viên dạy saxophone tại Học viện Civico  G. Verdi và đã từng là thành viên của dàn lục tấu Sax and Rhythm do Giani Basso đứng đầu; Dag Arnesen (Na Uy) được xem là nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc hàng đầu Na Uy bởi lối chơi nhạc vô cùng thông minh không những đã ghi dấu ấn vào âm nhạc của Mỹ những năm 60 mà còn gây ra một làn sóng nh hưởng lớn như nhạc fusion hay tango; Jean- Louis Rasinfosse (Bỉ) ging viên của Nhạc viện Hoàng gia Bruxelle, là một trong những nghệ sĩ năng nổ nhất trên sàn diễn của Bỉ và người cuối cùng là Alex Riel (Đan Mạch) - tay trống nhạc jazz quan trọng và cónh hưởng nhất ở châu Âu, chơi trống hiện đại theo phong cách của Elvin Jones, Roy Haynes và Tony Williams.

Riêng đêm 11/11 tại Hà Nội sẽ là đêm tưởng niệm 25 năm ngày mất của Jacques Brel - một trong những nghệ sĩ  người Bỉ vĩ đại nhất, rất quen thuộc với bạn yêu nhạc Việt Nam qua bài hát Ne me quittes pas - Đừng bỏ anh ra đi. Tam tấu L'Âmes des Poètes (Tâm hồn nhà thơ) của Bỉ (gồm Pierre Vaiana, Fabien Degryse và Fean- Louis Rassinfosse) sẽ chơi lại các bản nhạc của Brel theo phong cách jazz.

Sweet Jazz Trio

Trong khuôn khổ Liên hoan, sẽ có Đêm nhạc Việt Nam tại Hà Nội tối 9/11 với sự tham gia của ban nhạc Sông Hồng, ban nhạc Crossroads chơi nhạc blues và cuộc giao lưu âm nhạc Âu - Việt giới thiệu nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc. Đêm nhạc Việt Nam tại Tp.HCM tối 13/11 là sự xuất hiện của ban nhạc Le Vu Voeten Xp, ban nhạc Hanoi Jazz và các nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, Alfred Simm-Protz.

Lịch biểu diễn lần lượt của các nhóm: 

- Tam tấu Sweet Jazz Trio (Thuỵ Điển) và tam tấu Dr. Jazz (Séc) trình diễn tối 8/11 tại Hà Nội và 10/11 tại Tp.HCM.

- Song tấu Schorn- Puntin (Đức/Thuỵ Sĩ) và tam tấu L'Âmes des Poètes (Bỉ) diễn tối 11/11 tại Hà Nội và 12/11 tại TP.HCM.

- Ban nhạc Urban Connection (Na Uy) và tứ tấu Sigurd Ulveseth (gồm Sigurd Ulveseth chơi double bass - người Na Uy, Dag Arnesen chơi piano - người Na Uy, Gustavo Bergalli chơi trumpet - người Argentina và Adam Nussbaum chơi trống - người Mỹ)  sẽ trình diễn tối 13/11 tại Hà Nội và tối 11/11 tại Tp.HCM.

Vé bán tại địa điểm biểu diễn. Tại Hà Nội: 30.000- 50.000đ/vé, tại Tp.HCM: 50.000- 70.000đ/vé.

  • B.H.

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi




Bản quyền © của Báo điện tử VietNamNet :: Hỗ trợ bởi phần mềm VASC-Orient
Công ty Phần mềm & Truyền thông VASC, 99 Triệu Việt Vương, Hà Nội. Tel: (04) 9420798.
webmaster@vasc.com.vn