Lấy về từ / captured from:  www.nguoivienxu.vietnamnet.vn
 

 Trở về đầu trang

CỰU DU HỌC SINH VIỆT NAM TẠI PHÁP
Họp mặt cuối năm
14:16' 14/12/2004 (GMT+7)

Tin&ảnh: THU THỦY

Soạn: AM 219815 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ngài Nikolas Warreny, Tổng Lãnh sự Pháp phát biểu tại buổi họp mặt

Tối 13.12, Tổng Lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi họp mặt thân mật các cựu học sinh đã từng du học tại Pháp. Đây là một hoạt động thường niên được Tổng lãnh sự Pháp duy trì từ nhiều năm nay.

Điểm mới trong buổi họp mặt lần này là thành phần tham gia được mở rộng ra nhiều đối tượng hơn chứ không chỉ gói gọn trong những sinh viên, học sinh được nhận học bổng của chính phủ Pháp như mọi năm. Hơn 400 cựu sinh viên, học sinh du học Pháp đã tham gia buổi họp mặt. Ngài Tổng lãnh sự Pháp Nicolas Warreny cùng các tùy viên văn hóa, khoa học kỹ thuật… cũng đã tới tham dự.

Soạn: AM 219811 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Cuộc hội ngộ của những người đồng môn

Tại buổi họp mặt, những người bạn cũ có dịp gặp gỡ, hàn huyên và điều thú vị hơn là buổi họp mặt được tổ chức chỉ ngày trước khi triển lãm du học tại Pháp khai mạc (14.12.2004) nên các cựu du học sinh có dịp gặp gỡ những người thầy của mình tại Pháp sang Việt Nam tham dự buổi triển lãm này. Các cuộc gặp gỡ giữa thầy và trò, giữa những người bạn đồng môn diễn ra thật cảm động. Chúng ta có thể gặp nơi đây nhiều bậc giáo sư lão thành của các trường đại học trong thành phố đã từng du học Pháp từ những năm 60 của thế kỷ trước đến các gương mặt rất trẻ vừa về nước sau những khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ. Trong những năm gần đây, trong những ngành nghề đào tạo tại Pháp, ngành Y – Dược là ngành thu hút được nhiều người Việt Nam sang Pháp du học nhất, điều này cho thấy thế mạnh của việc đào tạo các chuyên gia y tế hàng đầu của Pháp.

Tại buổi họp mặt, đại diện Tổng lãnh sự cũng đã dành thời gian giới thiệu trang Web niên giám điện tử: www.francevietnam.com, trang web này được thiết lập nhằm mục đích bảo đảm sự theo dõi các dữ liệu đầy đủ liên quan đến cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp trên phạm vi toàn quốc và tạo ra các đầu mối thông tin bổ ích liên quan đến các hoạt động văn hóa và hợp tác giữa Pháp và Việt Nam. Phụ trách trang Web là ông Sébastien Auligny, Phụ trách khoa học kỹ thuật – Điều phối viên chương trình đào tạo kỹ sư tài năng PFIEV (hợp tác với trường Đại học Bách khoa TP.HCM); email: sebastien.auligny@diplomatie.gouv.fr. Tất cả các cựu du học sinh tại Pháp đều có thể đăng ký tên của mình tại trang web này để nhận được nhiều thông tin bổ ích và tham gia nhiều hoạt động văn hóa phong phú khác…

T.T 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

DÁNG VIỆT
MỸ THUẬT
Triển lãm tranh của hoạ sĩ Pháp tại Sài Gòn
11:38' 16/10/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/dangviet/2004/10/335804/ 
Soạn: AM 172723 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Họa sĩ Gilles Rieu trước tác phẩm của ông

Chiều ngày 14.10.2004, Viện trao đổi, giao lưu văn hóa Pháp kết hợp với trung tâm IDECAF tổ chức khai mạc cuộc triển lãm của họa sĩ Pháp Gilles Rieu gồm 15 bức tranh mỹ thuật đương đại. Họa sĩ Gilles Rieu đã đôi lần đến thăm Việt Nam và cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và con người Việt.

Họa sĩ Gilles Rieu quan niệm: “Nghệ thuật là hình thức để mỗi người thể hiện cảm nhận của riêng mình”. Vì thế những tác phẩm của ông là thế giới của cảm xúc. Mỗi bức tranh là một câu chuyện kể về đất nước, con người và về chính tác giả. 15 tác phẩm là sự nổ lực làm việc không mệt mỏi trong vòng một tháng của họa sĩ Gilles Rieu. Người thưởng lãm dường như có thể cảm nhận tâm hồn, trái tim ông hòa trong từng nét vẽ. 15 không phải là con số chính xác về số tác phẩm trưng bày của ông, mà thực tế là có đến hơn 20 tác phẩm tại cuộc triển lãm này.

Soạn: AM 172725 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Một hoạ phẩm của họa sĩ Pháp Gilles Rieu tại cuộc triển lãm

Xem tranh của Gilles Rieu, điều thu hút nhiều người là những nét vẽ mạnh nhưng thể hiện nội dung rất đẹp, rất nhẹ của cuộc sống. Tranh của ông chủ yếu sử dụng mảng màu tối để làm nổi lên tâm trạng con người. Điều đặc biệt trong tranh của Gilles Rieu là những loại chữ viết. Ông xen kẽ vào tranh của mình những hàng chữ Pháp, Anh, Việt, Hoa… Mỗi loại chữ được sắp xếp theo thứ tự khác nhau và đều thể hiện những "ẩn ngữ" mà tác giả muốn nói.

Họa sĩ Gilles Rieu nói: “Tôi không cần phải nói gì thêm bởi những bức tranh đều là người lớn, trưởng thành và đã nói thay tôi”. Tổ chức triển lãm tuy nhiên đối với ông “chưa phải là thành công vì sự thành công thực sự tùy thuộc vào cảm nhận của người xem”.

Triển lãm của họa sĩ Gilles Rieu kéo dài đến hết ngày 30.10.2004.

Tin: QUẾ LAM
Ảnh: CẨM TÚ

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

THỜI SỰ

QUAN HỆ VIỆT - PHÁP
Diễn đàn xúc tiến kinh tế, văn hóa và du lịch
06:59' 06/10/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/10/313860/ 
Soạn: AM 162393 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Một góc thành phố Rouen - Pháp

Ngày 04.10, Diễn đàn quốc tế xúc tiến kinh tế, văn hoá và du lịch đã khai mạc tại thành phố Rouen thuộc vùng Normandie (Pháp) với sự tham gia của đại diện 55 cơ quan và tổ chức kinh tế, văn hoá và du lịch của Pháp và nhiều nước trên thế giới.

Đây là diễn đàn hàng năm dành riêng cho các nhà chuyên môn và năm nay được tổ chức trong hai ngày 04 và 05.10 với mục đích giới thiệu tiềm năng kinh tế to lớn của vùng Normandie cũng như khả năng của vùng này trong hợp tác phát triển và quan hệ đối tác đồng thời xúc tiến việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác và đối tác giữa các bên tham dự diễn đàn.

Trong hai ngày diễn đàn, các đại biểu sẽ được nghe các báo cáo và tham luận về ngoại thương, nông nghiệp - ngư nghiêp, y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch và di sản, tác động của các sự kiện lớn như Giải vô địch bóng đá thế giới, Đại hội Olympic... đối với kinh tế. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về nhiều chủ đề mang tính thời sự như thương mại quốc tế, phát triển bền vững, kinh tế xã hội, thương mại bình đẳng, hợp tác phi tập trung, các chuẩn mực quốc tế.

Năm nay là lần thứ 4, Việt Nam tham dự diễn đàn trên. Đại sứ quán nước ta tại Pháp đã giới thiệu với bạn bè Pháp và quốc tế về sự phát triển kinh tế và văn hoá cũng như những tiềm năng và triển vọng về du lịch của đất nước ta. Ngay trong ngày khai mạc, một số đối tác như Madagascar đã thăm dò khả năng chuyển giao công nghệ về sản xuất phân vi sinh và máy kéo nông nghiệp đa năng của Việt Nam.

TTXVN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



HỘI GẶP GỠ VIỆT NAM – RENCONTRES DU VIETNAM
Học bổng Odon Vallet 2004
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/thoisu/2004/08/231522/ 
10:21' 30/08/2004 (GMT+7)

GSTS Odon Vallet và GSTS Trần Thanh Vân cùng các em học sinh được nhận học bổng

Gần 400 học sinh, sinh viên (HSSV) xuất sắc, có hoàn cảnh khó khăn của TPHCM và các tỉnh miền Tây, đã tập trung về Nhà hát TPHCM vào buổi chiều chủ nhật 29.08.2004, vinh dự đón nhận học bổng mang tên một Giáo sư Tiến sĩ người Pháp: Odon Vallet

Đây là năm thứ 4, học bổng Odon Vallet của Hội Gặp gỡ Việt Nam, do Giáo sư Tiến sĩ Trần Thanh Vân làm Chủ tịch, tổ chức trao học bổng cho các học sinh, sinh viên ưu tú của Việt Nam với 1.600 suất trên cả nước, tổng trị giá lên đến hơn 4 tỷ đồng (PTTH: 2,3 triệu đồng/suất, ĐH và Cao học: 3,3 triệu đồng/suất).

Hội gặp gỡ Việt Nam do GSTS Trần Thanh Vân sáng lập từ năm 1993 và bắt đầu trao học bổng cho sinh viên lớp cử nhân tài năng (thuộc ĐH Quốc gia) vào năm 1997. Từ năm 2001, thông qua GSTS Trần Thanh Vân, GSTS Odon Vallet đã nhận tài trợ cho các HSSV Việt Nam, từ đó học bổng được mang tên “Học bổng Odon Vallet”.

Từ 300 học bổng năm 2001, số HSSV được nhận học bổng Odon Vallet cứ tăng dần lên: năm 2002: 800 suất, 2003: 1.300 suất và năm 2004 này là 1.600 suất (Hà Nội và các tỉnh lân cận: 469 suất, TPHCM và các tỉnh miền Tây: 374 suất, Đà Lạt và các tỉnh lân cận: 96 suất, Đà Nẵng: 129 suất, Đồng Hới: 225 suất, Huế: 173 suất, Vinh: 100 suất...). Bên cạnh những học bổng cho HSSV của các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thanh Hóa…, nhiều HSSV giỏi vùng sâu, vùng xa ở đồng bằng sông Cửu Long, các trường dân tộc nội trú Việt Bắc, Tây Bắc…cũng được nhận học bổng.

GSTS Odon Vallet

GSTS Odon Vallet đã tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành chánh của Pháp. Ông từng là bạn học với các Thủ tướng Pháp như ông Laurent Fabius. Nhưng sau đó ông lại chọn ngành khảo cứu về lịch sử tôn giáo và hiện nay là GS ở ĐH Paris. Khi cha ông, chủ một hãng bảo hiểm lớn, qua đời đã để lại cho ông một gia tài lớn. Odon Vallet đã dành toàn bộ số tài sản này để giúp đỡ các HSSV học giỏi, hoàn cảnh khó khăn ở Pháp, Việt Nam, Benin và Perou. Khi biết GSTS Trần Thanh Vân lập quỹ học bổng của Hội Gặp gỡ Việt Nam, GS Odon Vallet đã rất chân thành cho biết ông muốn đóng góp vào quỹ học bổng này.

TỐ PHƯƠNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



ĐỜI SỐNG QUÊ NHÀ
HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - PHÁP TP.HCM
Kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Pháp
09:40' 14/07/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/07/175859/ 

Giáo sư Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Pháp TPHCM, phát biểu tại buổi lễ

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 215 Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14.07.1789 - 14.07.2004), chiều 13.07.2004, Hội Hữu nghị Việt-Pháp TPHCM đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật với các cán bộ của Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM, các giáo sư Pháp đang giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng và phổ thông, các nhà doanh nghiệp Pháp đang đầu tư kinh doanh ở miền Nam, và nhiều bạn bè thân hữu với nước Cộng hòa Pháp.

Tại lễ kỷ niệm, bà Trần Tố Nga, nguyên hiệu trưởng trường THPT Marie Curie, TPHCM, đã vinh dự được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương  Bắc đẩu Bội tinh cấp Hiệp sĩ, vì đã thay mặt cho những cựu chiến binh Pháp từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam, đem những đồng tiền trợ cấp hoặc tiết kiệm của họ về xây dựng những ngôi trường ở nơi mà họ đã từng gây nên sự chết chóc, tang tóc như Điện Biên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Việt Trì.... Bà đã trở thành "gạch nối" góp phần xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Pháp.

Ông Jean Noel Poirier, Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM, trao bằng chứng nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cấp Hiệp sĩ của Chính phủ Pháp cho bà Trần Tố Nga

Nhân dịp này, Hội Hữu nghị Việt  Pháp cũng tổ chức tiệc chia tay với ông Jean Noel Poirier, Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM, vừa kết thúc nhiệm kỳ của mình để tiếp tục sang làm Tổng Lãnh sự Pháp tại New York.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Poirier đã vui mừng trước mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp ngày càng gắn bó, thân thiết hơn.

Ông cũng hứa, trong thời gian tới đây, người kế nhiệm ông tại TPHCM sẽ cố gắng duy trì hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp trên, và phía Pháp cũng sẽ ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào năm 2008 - 2009.

TỐ PHƯƠNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



HỘI HỮU NGHỊ VIỆT – PHÁP TPHCM
Tặng học bổng cho sinh viên nghèo giỏi tiếng Pháp
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/06/175136/ 
14:18' 22/06/2004 (GMT+7)

Ông Jean Noel Poirier, Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM, phát biểu tại lễ trao học bổng

Nhân Ngày Hội Âm nhạc nước Pháp (20.06), sáng nay, 21.06.2004, Hội Hữu nghị Việt – Pháp TPHCM đã tổ chức Lễ trao học bổng cho 14 sinh viên học giỏi tiếng Pháp của 7 trường đại học và cao đẳng tại TPHCM (trị giá 1 triệu đồng/học bổng).

Quỹ học bổng này được thành lập từ ý tưởng của Giáo sư tiến sĩ Trần Thế Thông, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Pháp, Giám đốc Nhà Pháp ngữ TPHCM, nhân dịp Hội và trường Đại học Hồng Bàng TPHCM tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ 20.03 vừa qua.

Niềm vui của các sinh viên được nhận học bổng

Hội đã đề nghị những người bạn Pháp và Việt Nam tặng số tiền tùy thuộc vào khả năng của họ thay vì tặng những lẵng hoa, để Hội lập Quỹ học bổng nhằm khuyến khích những sinh viên học giỏi tiếng Pháp và có hoàn cảnh khó khăn. Điều bất ngờ nhất là ngay trong buổi lễ đó, Hội đã nhận được 15.100.000đ của 25 mạnh thường quân ủng hộ cho Quỹ.

Ông Trần Thế Phong cho biết, bắt đầu từ buổi lễ này, Hội sẽ tiếp tục vận động những người bạn Pháp, Bỉ, Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ cho Quỹ, để hàng năm, vào ngày 20.03, sẽ có nhiều sinh viên nhận được niềm vui và động viên lớn cho sự cố gắng học tập của mình.

TỐ PHƯƠNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



VIỆT NAM
Trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho một hiệu trưởng Pháp
17:01' 26/03/2004 (GMT+7)
 http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/thegioihomnay/2004/03/56587/ 

Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta vừa quyết định trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục“ cho ông Yves Lancelin, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Jean de la Fontaine thuộc quận 16, thành phố Paris, vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đạo tạo của nước ta và góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực này.

Trường Jean de la Fontaine

Tại buổi lễ được tổ chức trọng thể ngày 24.03 tại trường trung học Jean de la Fontaine, Đại sứ nước ta tại Pháp, Nguyễn Đình Bin, thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta, đã trao Huy chương cho ông Yves Lancelin, với sự có mặt của đại diện chính quyền và Sở giáo dục thành phố Paris cùng đông đảo thành viên Hội đồng quản trị nhà trường.

Bắt đầu từ năm 1995, trường Jean de la Fontaine được Sở giáo dục Paris giao nhiệm vụ đưa môn tiếng Việt vào dạy thí điểm trong chương trình giảng dạy từ lớp 6 đến lớp 12 và sau đó vào kỳ thi trung học phổ thông. Số học sinh học tiếng Việt của trường ngày càng tăng. Hiện nay có khoảng 60 em học môn tiếng Việt như sinh ngữ một, ngoài ra còn có nhiều học sinh Việt Nam và người nước ngoài từ các nơi khác cũng đến học tiếng Việt. Trường Jean de la Fontaine cũng chú trọng mở rộng quan hệ giao lưu văn hóa và giáo dục với một số trường trung học ở Việt Nam, thiết lập mối quan hệ kết nghĩa với các trường phổ thông trung học Amsterdam ở Hà Nội và Marie Curie ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên đã tổ chức trao đổi giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh trong khuôn khổ hợp tác song phương. Với những cố gắng không mệt mỏi, ông Lancelin đã cùng giáo viên nhà trường đóng góp vào sự nghiệp hợp tác Việt-Pháp về giáo dục, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, giúp nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn và mở rộng mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước.

Trường Marie Curie tại TP.HCM

Đại sứ Nguyễn Đình Bin đánh giá cao những đóng góp của ông Hiệu trưởng Lancelin, xem đó là những biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp. Đại sứ cảm ơn các nhà chức trách Pháp, ông Hiệu trưởng Lancelin nói riêng, tập thể giáo viên trường Jean de la Fontaine nói chung, đã góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt-Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục; đồng thời tỏ ý tin tưởng nhà trường sẽ tìm được những hình thức hợp tác mới để củng cố những thành quả đạt được và mở rộng hợp tác theo hướng tiến tới giảng dạy văn hoá Việt Nam trong chương trình học tập.

Ông Lancelin đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển Pháp ngữ, duy trì và mở rộng việc giảng dạy tiếng Pháp trong nhà trường ở Việt Nam. Ông cho rằng 1.600 lớp song ngữ Việt-Pháp ở Việt Nam cùng với việc mở rộng giảng dạy môn tiếng Việt như ngoại ngữ một trong trường phổ thông ở Pháp sẽ giúp học sinh, sinh viên hai nước gắn bó với nhau hơn và hiểu rõ hơn về nền văn hóa của mỗi nước. Theo ông, đó là điều cần thiết, nhất là cộng đồng người Việt ở Paris rất đông, trong đó thế hệ người Pháp gốc Việt thứ ba rất muốn trở về với cội nguồn.

(TTXVN)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



Tiến sĩ Nguyễn Công Phú và ước vọng xuất khẩu tri thức Việt
13:24' 13/03/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/nguoivietbonphuong/2004/02/50920/ 

Tiến sĩ Nguyễn Công Phú là Tổng Giám đốc Apave, một trong 5 tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực thẩm định, giám sát chất lượng các công trình xây dựng, công nghiệp. Năm 1995, từ uy tín của tiến sĩ Phú,  Apave quyết định thiết lập chi nhánh ở Việt Nam, mở ra một giai đoạn đầu tư mới vào Việt Nam

  • Hai lần về Việt Nam
TS Nguyễn Công Phú (người đứng giữa)

Năm 1982, tiến sĩ Nguyễn Công Phú, người Việt sống tại Pháp, đã trở lại Việt Nam với tư cách là trưởng nhóm kỹ sư và chuyên gia cho những dự án công nghiệp lớn của tập đoàn Bureau Veritas để làm việc với Bộ Năng lượng về nội dung giải quyết sự cố nồi hơi cho nhà máy nhiệt điện Yên Phụ (Hà Nội) và Thủ Đức (TP.HCM). Tuy nhiên chuyến đi ngắn ngủi ấy chỉ khiến cho ông thêm  băn khoăn, trăn trở vì vốn kiến thức của mình chưa có nhiều điều kiện thi thố, ứng dụng.

Chất chứa trong lòng nỗi niềm ấy, mãi đến năm 1995, ông quyết định gia nhập ban lãnh đạo tập đoàn Apave với chức danh Tổng Giám đốc. Lý do lớn nhất mà ông về với tập đoàn Apave là ông đã nhìn thấy khả năng có thể thuyết phục được tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam. Để thực hiện ước nguyện của mình, ông nhận trọng trách thay mặt tập đoàn trực tiếp triển khai chiến lược phát triển dịch vụ giám định chất lượng và an toàn, hỗ trợ kỹ thuật tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một mình về nước, ông Phú dốc hết tâm huyết vào công việc trực tiếp tuyển dụng và đào tạo lại cho 200 kỹ sư, chuyên viên, kỹ thuật viên đạt đến trình độ hàng đầu cả nước trong lĩnh vực hoạt động của mình, đặc biệt là lĩnh vực thử nghiệm không phá hủy cho các công trình dầu khí trên bờ và trên biển cũng như trên lĩnh vực  tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000.

Hầu hết những cán bộ kỹ thuật của Apave do ông đào tạo đều có trình độ chuyên môn  quốc tế. Hàng chục cán bộ của công ty đã đi làm chuyên gia giám định ở khắp các nước trên thế giới. Nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy những công việc mà cán bộ của công ty thực hiện: giám sát các chuyên gia nước ngoài, trong đó có cả các kỹ sư Pháp, Mỹ..., với mức lương lên đến 10.000  USD/tháng. Có một số kỹ sư người Việt Nam do ông đào tạo trên lĩnh vực thử nghiệm không phá hủy đã được cấp chứng chỉ chuyên viên cấp 3 của ASTN ( Mỹ) -một trình độ hiếm người đạt được.

  • 30 năm khổ luyện

Năm 1972, chàng sinh viên Nguyễn Công Phú được học bổng của chính phủ Pháp và sang Pháp học. Năm 1975, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Grenoble, anh vừa đi làm cho Phòng thí nghiệm trung tâm về cầu đường ở Paris thuộc Bộ thiết  bị giao thông Pháp vừa học lấy bằng tiến sĩ cơ học đất và công trình ngầm tại Đại học Tổng hợp Paris. Đạt được tấm bằng tiến sĩ, anh tiếp tục học cao học về “An toàn trong xây lắp công nghiệp” ở London (Anh quốc).

Trong 30 năm sống ở nước ngoài, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đã tham gia nghiên cứu nhiều phương án kỹ thuật, tham gia thiết kế và xây lắp các nhà máy nhiệt điện, điện tử tại Pháp, Mỹ, Iran, Huy Lạp, Brasil...và các nhà máy khí hóa lỏng, lọc dầu tại Algeria, Mexico, Arab Saudi.... Từ năm 1982 anh làm việc cho tập đoàn Bureau Veritas với chức danh trưởng nhóm kỹ sư và chuyên gia cho những dự án công nghiệp lớn như: nhà máy lọc dầu, tổ hợp lọc dầu, nhà máy nhiệt điện, nguyên tử. Anh đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nam Phi để nghiên cứu và kiểm tra các tài liệu thiết kế nhà máy điện nguyên tử cho tập đoàn EDFF&GEC Alsthom; tham gia xác định và lập kế hoạch an toàn trong chế biến của tổ  hợp khí hóa lỏng tại Malaysia của tập đoàn ESSO; nghiên cứu về an toàn cho 12 công viên vui chơi giải trí thuộc hệ thống Euro Disneyland...

  • Bài toán xuất khẩu tri thức Việt

Tiến sĩ Nguyễn Công Phú sinh ra và lớn lên ở Huế. Khi còn là sinh viên ngồi trên ghế giảng đường, Nguyễn Công Phú đã là một trong những thủ lĩnh của phong trào sinh viên Huế và là thành viên của Đoàn chủ tịch Hội sinh viên Huế. Cho đến nay, dường như lửa nhiệt tình trong ông vẫn còn cháy bỏng. Trở về Việt Nam với nhiệm vụ đào tạo chuyên gia, cán bộ -chuyên viên kỹ thuật, tiến sĩ Nguyễn Công Phú còn ấp ủ ý định đẩy mạnh “xuất khẩu tri thức Việt”. Ông tâm sự: “Thử làm một phép tính đơn giản, một công ty như Apave đến năm 2005 sẽ xuất khẩu khoảng 100 chuyên gia đi thế giới. Vậy đến năm 2010, toàn Việt Nam (bao gồm nhiều đơn vị có cùng chức năng trên -LTS) dư sức xuất khẩu 500.000 chuyên gia được quốc tế công nhận trong tất cả các lĩnh vực từ quản lý dự án, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư nông nghiệp đến kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ thuật...Tính rẻ lương mỗi người khoảng 30.000 USD/năm thì chúng ta đã có 15 tỷ USD. Số tiền này lớn hơn nhiều so với việc chúng ta chỉ xuất khẩu gạo và lao động”.

Ước vọng lạc quan nhưng không hề quá đơn giản trong cách nghĩ, tiến sĩ Nguyễn Công Phú luôn rất nghiêm khắc trong những yêu cầu về mặt chuyên môn. Ông khẳng định: “Đừng xem chúng tôi-những người giám định- chỉ đơn thuần là những kẻ trông coi ciment, sắt thép...Chúng tôi phải đổ rất nhiều công sức để có được những kiến thức. Từ đó chúng tôi mới có thể trông coi những đống vật liệu ấy, sao cho chúng được sử dụng tối ưu nhất, tiết kiệm nhất và không bị thất thoát”.

LÊ VĂN
(Theo Đại đoàn kết)

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

Bản quyền Báo điện tử VietNamNet, được hỗ trợ bởi phần mềm VASC Orient Soft.
Công ty phần mềm và truyền thông VASC - 99 Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Tel: +844 9420798 ; Fax: +844 9420796 ; webmaster@vasc.com.vn