captured from: www.nguoivienxu.vietnamnet.vn

 
 
 
QUAN HỆ SONG PHƯƠNG VIỆT NAM – CUBA
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo chủ yếu cho Cuba
09:21' 31/12/2004 (GMT+7)
 http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/12/361145/ 

TỐ PHƯƠNG

Soạn: AM 234249 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Tổng Lãnh sự Cuba tại TP.HCM, bà Hortensia Febles (thứ hai từ trái sang), cùng hát vang bài ca "La Habana tươi đẹp" với những người bạn VN

Cùng với việc đón chào năm mới 2005, ngày 01.01.2005, nhân dân Cuba tổ chức kỷ niệm 46 năm ngày Cách mạng thành công, kết thúc hơn một kỷ nguyên đấu tranh vì nền độc lập thực sự và chủ quyền quốc gia (01.01.1959 – 01.01.2005)

Sáng 30.12.2004, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh Cuba với sự hiện diện của Tổng lãnh sự Cuba tại TP.HCM và bạn bè Việt Nam.

Kết thúc năm 2004, Cuba đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội là 5%, với giá trị 36.453 triệu peso. Một trong những tiến bộ xã hội và thành tựu kinh tế nổi bật là Cuba đã giải quyết việc cung cấp lương thực thực phẩm cho nhân dân, nhờ vào việc tổ chức sắp xếp lại các hoạt động. Tăng trưởng của một số ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, nhập khẩu và xuất khẩu, du lịch trong năm qua đều hơn 7%. Bên cạnh đó, Cuba cũng đã loại bỏ hoàn toàn đồng đôla trong nội thương, lấy lại chủ quyền hoàn toàn và củng cố đồng tiền quốc gia. 10 trong 22 ngành công nghiệp của Cuba đạt mức tăng trưởng cao, nổi bật là ngành khai thác mỏ ngành luyện kim màu với 10,7%, công nghiệp điện tử và sản xuất nikel 7,5%.

Có thể nói Cuba là nước quan tâm hàng đầu đến các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục. 109 trong 444 phòng khám đa khoa trên toàn quốc đã được nâng cấp và thêm nhiều dịch vụ  mới gồm nhiều chuyên khoa. Cuba vừa đạt phổ cập hóa giáo dục cao đẳng, có 938 cơ sở đại học trên cả nước. Trong 5 năm qua, Cuba đã tạo ra 380.000 chỗ làm, chủ yếu dành cho thanh niên, điều đó làm giảm 1,9% tỷ lệ thất nghiệp trong nước.

Trong mối quan hệ quốc tế, Cuba là tấm gương về một dân tộc hào hiệp, sẵn sàng chia sẻ với các dân tộc anh em, trong đó có Việt Nam. Đến nay, Cuba đã gửi gần 22.500 cán bộ y tế giúp 67 nước chậm phát triển. Trong 40 năm qua, Cuba đào tạo miễn phí cho 17 ngàn sinh viên của 110 nước trên thế giới, nhiều cán bộ, chuyên gia của Việt Nam đã học tập, nghiên cứu ở Cuba.

Năm 2005 sẽ là năm hai nước Việt Nam – Cuba kỷ niệm 45 năm  ngày thiết lập quan hệ song phương, đoàn kết và hữu nghị. Đây là mối quan hệ đã được củng cố trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, quan hệ kinh tế thương mại được đẩy mạnh trong những năm gần đây, hiện Việt Nam là nhà cung cấp gạo chủ yếu cho Cuba; nhiều hoạt động quan trọng trong lĩnh vực hợp tác khoa học kỹ thuật, xây dựng và y tế cũng được Chính phủ hai nước ký kết.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã cùng đoàn chuyên gia Việt Nam sang thăm La Habana để trao đổi với Trung tâm Công nghệ Di truyền và Sinh học Cuba về việc Cuba sẽ giúp TP.HCM xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, các chuyên gia Cuab sẽ dần dần từng bước chuyển giao kỹ thuật cho chuyên gia TP.HCM.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng lãnh sự Cuba tại TP.HCM, bà Hortensia Febles, đã phát biểu: “Cho phép tôi cám ơn các nhà lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị vì sự ủng hộ dành cho nhân dân Cuba trong suốt những năm qua, đặc biệt là việc gửi máy tính, đồ dùng học tập mà các chi hội hữu nghị, các cơ quan và tổ chức đã gửi cho Cuba”

T.P

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
 
Đất nước của những anh hùng
15:47' 21/04/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/nguoivietbonphuong/2004/04/60548/ 

 

LTS: Ông Nguyễn Hoàng Kính từng học tập và công tác ngoại giao tại các nước Cuba, Chile, Argentina, Campuchia từ những năm 1960. Hiện nay, ông đã nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn tham gia hoạt động rất nhiệt tình tại Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Hồ  Chí Minh. Ông thường xuyên dịch các tin bài từ báo chí, sách vở, tài liệu của các nước châu Mỹ Latinh để cung cấp, cộng tác với một số tờ báo trong nước.

  • Mối đồng cảm đặc biệt

Thủ đô La Habana, Cuba

Năm 1961, tôi cùng một đoàn 22 người Việt Nam sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha với sinh viên các nước bạn: Trung quốc, Triều Tiên…Lúc đó người dân Cuba hầu như chưa biết gì về Việt Nam cũng như phong trào đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Thậm chí họ còn lầm tôi là người Trung Quốc.

Bên cạnh việc học, tôi còn thực hiện một nhiệm vụ là tuyên truyền, giới thiệu về Việt Nam cho người dân bản xứ. Hàng tháng tôi làm bản tin cung cấp thông tin về đất nước và phong trào cách mạng Việt Nam. Kết quả đạt được thật không ngờ. Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân địa phương đã có sự cảm thông thật sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam. Mỗi khi gặp tôi, họ đều vui vẻ chào hai tiếng “Việt Nam”. Tôi rất vui, phấn khởi vì điều này. Tôi không còn bị gọi lầm là người Trung Quốc hay Triều Tiên nữa.

Càng ngày, người dân Cuba càng nhiệt liệt hưởng ứng phong trào đấu tranh của Việt Nam. Họ giúp đỡ Việt Nam sôi nổi lắm, bằng tất cả tấm lòng. Và thật bất ngờ, bà con địa phương đã yêu cầu tôi chiếu phim tài liệu về Việt Nam. Họ nói muốn chứng kiến, hòa mình vào những sự kiện cụ thể ở Việt Nam. Bộ phim được trình chiếu trong sự theo dõi say mê và trầm trồ, tán thưởng của toàn thể khán giả. Tôi chỉ có việc thông dịch sang tiếng Tây Ban Nha còn những việc khác như: chuẩn bị máy móc, địa điểm… đều do một tay người dân Cuba làm. Thậm chí, sinh viên Cuba hăng hái đem xe chở máy chiếu phim đến thật sớm. Sau giây phút đáng nhớ ấy, tôi được Ủy ban bảo vệ khu phố mời đi tham quan nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Đi đến đâu, tôi cũng được người dân nơi đây chào mừng thân thiện.

Được sống trên đất nước Cuba, tôi càng có cơ hội hiểu rõ hơn về xứ sở diệu kỳ này. Giữa chúng tôi luôn có một sự đồng cảm đặc biệt. Sự đồng cảm có lẽ xuất phát từ mục đích đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do và hòa bình của nhân loại.

Học sinh Cuba

Đảo quốc Cuba nằm trong vùng biển Caribean, Trung Mỹ. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, Cuba bị Tây Ban Nha đô hộ và cũng trong thời gian này, nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân yêu nước Cuba liên tục nổ ra. Nổi bật là cuộc khởi nghĩa lần thứ hai (1895 -1898) do José Marti lãnh đạo đã buộc Tây Ban Nha phải từ bỏ hòn đảo này và công nhận nền độc lập của Cuba (1902). Tuy nhiên, nền độc lập chưa được khẳng định sau hai giai đoạn thống trị của Mỹ cùng chế độ độc tài thân Mỹ Batista. Năm 1926 Cuba giành lại độc lập dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng Fidel Castro. Cuba ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc dân chủ và tiến bộ trên khắp châu Mỹ Latinh và thế giới.

Mỗi năm, Chủ tịch Fidel Castro đặt cho quốc gia mình  một khẩu hiệu mới hướng về một đất nước đang đấu tranh giành độc lập.  Khẩu hiệu năm 1967 là năm “ Việt Nam anh hùng - Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình vì Việt Nam”

Năm 1970 tôi sang Chile. Cũng như Cuba nơi đây vẫn chưa hiểu rõ Việt Nam. Để đưa họ đến gần với cách mạng Việt Nam, tôi đã giới thiệu một số truyện ngắn về kháng chiến, văn hóa con người nước Việt. Thật ngạc nhiên, họ tiếp thu nhiệt tình lắm. Mỗi khi nghe tôi kể chuyện, họ chăm chú lắng nghe đến nỗi tôi có cảm giác như đó cũng chính là phong trào đấu tranh của dân tộc mình. Những tràng pháo tay vang lên nhiệt liệt, những cặp mắt chăm chú hướng về tôi làm tôi thấy mình thật tự hào khi là người Việt Nam.

Đấu tranh chống chế độ độc tài Pinochet

Đất nước Chile cũng có một lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc rất đỗi hào hùng. Sau nhiều thế kỷ bền bỉ đấu tranh chống lại ách thống trị của Tây Ban Nha, đến năm 1818 Chile giành lại độc lập dưới sự lãnh đạo của Bernardo O'Higgins. Tuy nhiên suốt từ năm 1973 đến 1989, chính thể dân chủ tại đây bị thủ tiêu, nhân dân Chile lại rên siết dưới chế độ độc tài thân Mỹ của Augusto Pinochet. Những cuộc đấu tranh phản kháng diễn ra không ngừng và liên tục bị dìm trong biển máu. Năm 1989, chính phủ độc tài Pinochet bị lật đổ. Chile tiếp tục con đường cải cách và dân chủ hóa.

Thông qua những cuộc tuyên truyền, tình cảm giữa các nước ngày càng thêm gắn bó. Thanh niên nước bạn ủng hộ cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam mỗi ngày một nhiều hơn. Qua những việc làm tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy, không chỉ bản thân tôi mà nước Việt Nam cùng phong trào chiến đấu của dân tộc đã đi sâu vào lòng của nhiều nước bạn.

  • Ấm áp tình người

Cảnh đẹp Chile

Điều đầu tiên gây ấn tượng cho tôi là con người Cuba. Tính tình của họ rất sôi nổi, nhiệt tình và thẳng thắn. Do ảnh hưởng bởi hai thứ nhạc Châu Phi và Tây Ban Nha nên những vũ điệu của họ thật uyển chuyển, mềm mại nhưng không kém phần cuồng nhiệt. Nền giáo dục và y tế nơi đây  miễn phí hoàn toàn mặc dù thu nhâp của họ vẫn còn thấp. Tôi rất bất ngờ và cảm phục về nét rất riêng này. Cộng đồng người Cuba đối xử với nhau rất bình đẳng, không phân biệt ngành nghề hay giai cấp. Nếu có dịp tiếp xúc, bạn sẽ cảm nhận nơi họ sự gần gũi và thân mật.

Tôi không sao quên được một kỷ niệm. Khi ấy, đang chạy trên đường bằng xe moto, tôi bị cảnh sát giao thông gọi lại kiểm tra giấy tờ. Khi giới thiệu là người Việt Nam, cảnh sát liền cho tôi đi mà không hỏi gì thêm. Thật vui sướng vì người Việt sống bên đó có thể đi đến bất cứ nơi đâu mình thích mà không cần một loại giấy tờ gì. Ngoài ra, sinh viên Việt Nam học tại đây còn được miễn phí hoàn toàn.

Tuy khó khăn nhưng nhân dân Cuba lúc nào cũng vững vàng đi theo con đường đã chọn. Bản thân tôi cho rằng đây là một tấm gương cho ý chí độc lập, tự do, tự cường và không riêng gì Việt Nam mà các nước khác trên thế giới cần phải học hỏi.

Người dân luôn sôi nổi với âm nhạc và vũ điệu châu Mỹ La tinh

Người dân Chile cũng nhiệt tình không kém gì người Cuba. Một lần, tôi được vinh dự đến gia đình một người Chile dự tiệc. Vào mùa Đông, người Chile có thói quen hâm nóng rượu nho bằng nồi đất và mời tất cả bạn bè trong và ngoài nước cùng thưởng thức. Tôi được tiếp đãi trịnh trọng nhưng rất thân mật với nhiều món ăn đặc sản của người Chile như: chà là, rượu nho hâm nóng và … ớt. Trong suốt bữa tiệc, họ kể cho nhau nghe những nét văn hóa rất riêng của nước mình. Dù ngoài trời lạnh giá nhưng tôi luôn cảm thấy thật ấm áp bởi cách cư xử giữa những người bạn quanh mình. Trông họ thật thân thương và gần gũi biết bao!

Vào tháng 7 hàng năm, họ tổ chức lễ hội Carnaval thật lớn. Tất cả người dân nơi đây đều tham dự và vui chơi hết mình. Dường như không biết mệt, họ nhảy múa suốt đêm trong cả một tuần lễ. Khi hòa mình vào cuộc vui này, chắc bạn cũng như tôi, cũng sẽ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.

Tình cảm giữa người và người ở các nước Châu Mỹ La tinh mà tôi đã từng sống và làm việc như: Cuba, Chile, Argentina… thật đẹp. Một tình cảm sâu nặng, thân thiết như anh em trong một gia đình, khó có thể tìm thấy được.

NGỌC VÂN- CẨM TÚ
(Theo lời kể của ông Nguyễn Hoàng Kính)

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



KỶ NIỆM 43 NĂM CHIẾN THẮNG HIRON CỦA NHÂN DÂN CUBA
Thành lập Chi hội Hữu nghị Thanh niên Việt Nam - Cuba
13:48' 19/04/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/04/59853/ 

Bí thư Thành Đoàn Võ Văn Thưởng tặng hoa chúc mừng bà Hortensia Tổng lãnh sự Cuba tại TP.HCM

Sáng 19.04.2004, tại hội trường 1 Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra buổi mittinh kỷ niệm 43 năm chiến thắng Hiron (19.04.1961-19.04.2004) và ra mắt chi hội hữu nghị thanh niên Việt Nam - Cuba ở thành phố Hồ Chí Minh.

Buổi mittinh có sự tham dự của bà Hortensia Febles, Tổng lãnh sự quán Cuba tại Việt Nam, bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thành phố, đại diện các ban ngành đoàn thể cùng sự góp mặt của đông đảo đại diện đoàn viên thanh niên cơ sở. Tại buổi lễ, bà Hortensia Febles ôn lại truyền thống giữ nước của chính phủ và nhân dân Cuba, đặc biệt là chiến thắng Hiron. Bà Hortensia cũng nhấn mạnh ý nghĩa của chiến thắng này đối với đất nước Cuba, qua đó tiếp tục khẳng định mối quan hệ đoàn kết anh em với nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Ra mắt Chi hội hữu nghị thanh niên Việt Nam - Cuba

Để ngày càng thắt chặt mối quan hệ hai nước và để thanh niên Việt Nam được giao lưu trực tiếp với thanh niên Cuba, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và hội hữu nghị Việt Nam - Cuba ký quyết định thành lập chi hội hữu nghị thanh niên Việt Nam - Cuba tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ban chấp hành chi hội gồm có 7 thành viên, ông Nguyễn Ngọc Hạnh được bầu làm chi hội trưởng và ông Vũ Anh Tuấn, chi hội phó. Ông Nguyễn Ngọc Hạnh phát biểu trước buổi lễ và đưa ra phương hướng hoạt động cho hội. Hoạt động tuyên truyền cho thanh niên Việt Nam về con người và đất nước Cuba, tăng cường phát triển cán bộ đoàn gia nhập chi hội là những hoạt động được nhấn mạnh và quan tâm triệt để. Cuối buổi mittinh, cả hội trường vang lên bài hát “Guantamera” sôi động, thắt chặt thêm tình hữu nghị, mối quan hệ bền vững trong tương lai giữa hai nước.

QUẾ LAM

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



Những nông dân Việt Nam trên đồng lúa Cuba
15:49' 01/03/2004 (GMT+7)
 http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/thegioihomnay/2004/03/53369/ 

Đón chúng tôi bên ruộng lúa xanh mơn mởn là bốn chuyên gia nông nghiệp Việt Nam và bà con nông dân huyện Bartolomé Masó, vùng trung du tỉnh Granma, miền Đông Cuba. Mới đầu tháng hai, nhưng ở xứ sở không có mùa đông này cái nắng đã rát mặt. Tiến sỹ Trần Thị Lợi và kỹ sư nông nghiệp Đậu Sỹ Kháng đang hướng dẫn nông dân làm cỏ sục bùn trên thửa ruộng lúa cấy theo kỹ thuật Việt Nam. Ở những ruộng bên cạnh, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Thiết và kỹ sư Việt kiều Lê Mạnh Thắng đang dạy cách làm đất bằng máy kéo Bông Sen và gieo sạ với máy gieo hạt kéo tay đem từ Việt Nam sang.

Sản phẩm nông nghiệp của Cuba

Theo tập quán nông thôn Cuba, việc cày cấy, gặt hái chỉ có đàn ông đảm đương, nhưng mấy hôm nay, các bà, các chị cũng kéo nhau ra đồng xem "những người con Việt Nam" hướng dẫn cách làm đất, ủ thóc giống, gieo mạ và chăm bón lúa. Người Cuba chưa quen thâm canh lúa nên chủ yếu là gieo xạ. Nhưng các chuyên gia ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy những nông dân Cuba cao to cấy lúa nhanh chẳng kém chị em phụ nữ Việt Nam. Họ cũng nhanh chóng làm quen và điều khiển thành thạo các loại máy nông cụ đến từ châu Á xa xôi. Nếu không có những nông dân Cuba đang cặm cụi chắc người ta sẽ nhầm với những ruộng lúa ở Việt Nam. Người Cuba cũng tận dụng thân cây chuối để làm bằng mặt ruộng trước khi gieo xạ hoặc gieo mạ. Cũng những bờ vùng, bờ thửa và kênh dẫn nước từ hồ nhân tạo trên núi. Chỉ khác là Cuba có nhiều đất đỏ, rất mầu mỡ và thích hợp cho hầu hết các loại cây. Như cách nói của các chuyên gia Việt Nam, chỉ cần gieo hạt, đủ nước và sạch cỏ là bảo đảm có thu hoạch.

Chuyên gia nông nghiệp Việt Nam với nông dân huyện Bartolome Maso (ảnh Lê Duy Truyền - TTXVN)

Các chuyên gia Việt Nam đến đây theo "Dự án Hợp tác Việt Nam - Cuba về phát triển sản xuất lúa quy mô hộ gia đình" do Chính phủ Việt Nam đài thọ với chi phí 200.000 USD. Phía Việt Nam cung cấp các loại máy nông cụ, từ máy làm đất, gieo xạ, đến máy bơm nước, máy cắt lúa rải hàng và máy tuốt lúa liên hoàn. Tất cả đều được sản xuất hoặc lắp ráp ở Việt Nam. Việt Nam cũng cấp học bổng đào tạo chuyên gia Cuba và cử một nhóm chuyên gia tới hướng dẫn thâm canh thí điểm 100 héc-ta lúa nước tại hai tỉnh Sancri Spiritus và Granma. Các chuyên gia còn hướng dẫn và phổ biến kinh nghiệm trồng lúa tại các tỉnh khác ở miền Trung và Đông Cuba. Dự án kéo dài từ năm 2002 đến 2004 và đã kết thúc thắng lợi tại tỉnh Sancti Spiritus với năng suất lúa đạt 6 tấn/ha/vụ, so với 1,5 - 3 tấn/ha/vụ theo tập quán trồng lúa của người Cuba.

Chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đang hướng dẫn nông dân Cuba sử dụng máy kéo Bông Sen Việt Nam (ảnh Lê Duy Truyền - TTXVN)

Với diện tích tự nhiên gần 115.000 km2 (phần lớn là đất có thể canh tác) và 11,2 triệu dân, mỗi năm Cuba tiêu thụ 600.000 tấn gạo, một tỷ lệ cao so với các nước Mỹ La-tinh khác, nhưng mới sản xuất được 200.000 tấn. Tuy có nhiều diện tích đất canh tác nhưng Cuba lại thiếu nước để phát triển sản xuất lúa và thiếu lao động nông nghiệp. Hàng trăm năm nay, trồng mía và sản xuất đường đã trở thành nghề truyền thống của dân tộc Cuba. Chuyển từ "văn hóa mía" sang "văn hóa lúa nước" không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Cách đây vài năm, Chính phủ Cuba đã phát động phong trào Nhân dân sản xuất lúa. Những người chưa có việc làm, cán bộ nghỉ hưu được chính quyền cho mượn đất để tự canh tác cải thiện cuộc sống. Phong trào này đã góp phần tăng sản lượng, hạ giá thành gạo và tạo nhiều việc làm cho khu vực nông thôn Cuba. Dự án hợp tác với Việt Nam cũng nằm trong chương trình tận dụng những điều kiện sẵn có để phát triển sản xuất lúa, góp phần giảm nhập khẩu nông phẩm hiện lên tới 1 tỷ USD mỗi năm.

Cảnh vùng quê ở Cuba

Các cán bộ huyện đưa chúng tôi thăm những gia đình nông dân gần cánh đồng lúa. Nông thôn Cuba đất rộng, người thưa, nhà cửa còn tuềnh toàng, nhiều nơi chỉ là nhà liếp gỗ lợp lá cọ, nhưng bao giờ cũng ngăn nắp, sạch sẽ và văn minh. So với thành thị, nơi sinh sống của 80% dân số Cuba, cuộc sống tinh thần ở nông thôn có thể thiếu vắng hơn, nhưng vật chất khá dồi dào. Ông bà N. Garcia dẫn tôi vào khoe kho thóc hơn 40 bao tải loại 50 kg xếp đầy một căn phòng. Số thóc vụ đông vừa thu hoạch quả là nhiều đối với một hộ có bốn nhân khẩu. Hàng năm, ông bà Garcia ký hợp đồng bán thóc cho Hợp tác xã Tín dụng và Dịch vụ (CCS) theo giá chuẩn của Nhà nước để đổi lấy tín dụng, phân bón, thuốc trừ sâu và các dịch vụ khuyến nông khác. Phần thóc còn lại, ông bà dành để tiêu dùng.

Xế trưa, hàng trăm nông dân, cán bộ địa phương và chuyên gia Việt Nam tập trung dưới bóng mát vườn xoài để sơ kết kinh nghiệm. Hiếm có một cuộc họp nào sôi nổi như vậy. Từng người một, các chủ hộ nông dân đều khen ngợi sự tận tình của các chuyên gia ta, đánh giá cao kỹ thuật thâm canh lúa và máy móc nông nghiệp Việt Nam. Họ tính toán, với năng suất lúa tăng gấp đôi, sử dụng máy móc của Việt Nam tiết kiệm khoảng 10 lần nhiên liệu so với những cỗ máy cồng kềnh thời trước. Không những người sản xuất được lợi mà giá gạo trên thị trường tự do cũng giảm mạnh.

Nông dân Cuba

Các chuyên gia Việt Nam cho biết, tuy có nhiều thuận lợi, được các cấp chính quyền và bà con hết sức giúp đỡ, nhưng thay đổi tập quán canh tác của nông dân Cuba là điều không dễ dàng. Các chuyên gia đã phải thuyết phục thay đổi giờ giấc làm đồng để tránh nắng cho lúa mỗi khi bón phân hoặc phun thuốc, áp dụng tối đa kỹ thuật gieo mạ, cấy lúa để có năng suất cao thay vì chỉ gieo xạ.

Nhân dịp Đại sứ Việt Nam tại Cuba Phạm Tiến Tư tới thăm, Sở Nông nghiệp tỉnh Granma đã trình dự án thành lập một nông trường Việt Nam - Cuba để phát triển trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ. Tỉnh cũng đề xuất hơn 10 lĩnh vực nông nghiệp khác có thể liên doanh, liên kết với Việt Nam. Thành công bước đầu ở Sancti Spiritus, Granma và một số tỉnh khác là bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của các dự án do Việt Nam tài trợ. Kinh nghiệm này hé mở những cơ hội hợp tác, làm ăn giữa hai nước, không chỉ trên tinh thần quan hệ chính trị, hữu nghị truyền thống tốt đẹp mà còn trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Rời Granma, tôi nhẩm tính, nếu tăng được năng suất, tận dụng thêm diện tích, nhất là đất đai thôi trồng mía trong chương trình cơ cấu lại ngành mía đường hiện nay, Cuba hoàn toàn có khả năng tự túc được lương thực, kể cả gạo. Và trong sự nghiệp này, những người anh em Việt Nam có thể đóng góp một phần nho nhỏ.

LÊ DUY TRUYỀN 
( TTXVN )

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba
Đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
13:43' 13/02/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/02/51685/ 

Hội HN Việt Nam-Cuba đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Với những đóng góp thiết thực và cụ thể vào việc củng cố và vun đắp tình hữu nghị anh em Việt Nam – Cuba sau 18 năm thành lập, sáng 12.2.2004, Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng.

Thành lập ngày 11.11.1986, là một trong 22 thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM, Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba đã thực sự là một tổ chức vì hòa bình, hữu nghị và đoàn kết giữa các dân tộc. Hội đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phong phú, đa dạng về Cuba như gặp gỡ, giao lưu, thi vẽ tranh, tìm hiểu về Cuba, dịch sách giới thiệu về những người con của đất nước Cuba anh hùng như cuốn “Che Ghevara”, cuốn “José Marti, người con vĩ đại của nhân dân Cuba”, cuốn “100 câu hỏi – trả lời về Cuba”. Bản tin của Hội thường xuyên cung cấp các thông tin về tình hình Cuba và phong trào nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ Cuba, bộ phim tài liệu “Cuba vẫn sống” do Hội kết hợp với Đài Truyền hình TP.HCM làm đã gây được tiếng vang lớn nhân dịp ông Fidel Castro thăm TP.HCM. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức quyên góp hàng trăm triệu đồng, đồ dùng học tập, quần áo, hàng tiêu dùng thiết yếu…gởi tặng nhân dân Cuba.

Quyên góp ủng hộ trẻ em Cuba

Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba còn thường xuyên giới thiệu về kết quả của công cuộc đổi mới của Việt nam và TP.HCM với nhân dân Cuba, để bạn hiểu thêm về công cuộc xây dựng và phát triển của nhân dân Việt Nam.

Cũng nhân dịp này, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt nam cũng trao tặng Bằng khen cho tập thể cán bộ của Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba TPHCM, và tặng Huy chương vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc cho 3 cán bộ trong ban chấp hàng của Hội vì những đóng góp tích cực cho mối quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc.

Bà Hortensai Feble ,Tổng lãnh sự CH Cuba, phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, bà Hortensia Feble, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Cuba tại TP.HCM, đã phát biểu chân thành: “Thay mặt Viện Cuba Hữu nghị với các dân tộc, Hội Hữu nghị Cuba – Việt Nam, và nhân dân Cuba, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Mặt trận Tổ quốc, Chính phủ Việt Nam và tất cả bạn bè của TPHCM vì những biểu hiện ủng hộ và đoàn kết thực sự cho sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Cuba, cũng như việc gửi tặng nhân dân Cuba những đồ dùng học tập, gạo, máy tính…như là những cử chỉ đoàn kết với đất nước chúng tôi. Tình đoàn kết vốn có giữa nhân dân Cuba và Việt Nam là tấm gương của sự trong sáng và tình anh em mà hàng ngày đang phát triển và củng cố trên tinh thần của cuộc đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn”.

TỐ PHƯƠNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

Bản quyền Báo điện tử VietNamNet, được hỗ trợ bởi phần mềm VASC Orient Soft.
Công ty phần mềm và truyền thông VASC - 99 Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Tel: +844 9420798 ; Fax: +844 9420796 ; webmaster@vasc.com.vn