Lấy về từ / captured from:  www.nguoivienxu.vietnamnet.vn  
 

 
Trở về đầu trang

NGƯỜI VIỆT Ở SYDNEY
Nghề cá tuy cực mà... "vui"!
12:09' 30/12/2004 (GMT+7)
 http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/nguoivietbonphuong/2004/12/360913/ 

B.T

Một bài dân ca VN có câu: "Thẻ mực tuy cực mà vui...", với người Việt định cư tại Úc, làm nghề cá ở Sydney Fish Market - hay thường gọi là chợ cá Pyrmont - thì... cũng vậy, thu nhập khá cao nhưng cũng khá vất vả...

Sydney Fish Market - chợ cá Pyrmont

Sydney - Úc là thành phố có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Darling Harbour hay Nhà Hát Con Sò, thành phố này còn là nơi có đông đúc người Việt sinh sống. Ở Sydney còn có Sydney Fish Market (chợ cá Pyrmont) rất độc đáo với nhiều người Việt sinh hoạt ở đây.

Sydney Fish Market nằm ven bờ vịnh Black Wattle cách trung tâm Sydney hơn 1km về hướng Nam. Ngư dân khắp nước Úc đem tôm cá về đây bán cho các nhà buôn, các tiệm bán sỉ. Suốt ngày đêm Sydney Fish Market luôn tấp nập xe cộ ra vào cổng chợ, ở đây không biết ngủ là gì!

Tại Sydney Fish Market, cá được bán đấu giá!

Trong nhà đấu giá cá, khá đông các nhà buôn ngồi trên một khán đài giống như những khán giả xem thi đấu thể thao. Một màn ảnh lớn trước mặt họ ghi tên các loại cá, trọng lượng cá, tên người bán. Tại Sydney Fish Market, cá được bán đấu giá! Khác với đấu giá thông thường, cá ở đây được đấu giá từ mức cao nhất rồi giảm dần cho đến khi có người mua. Tên người mua hiện lên màn hình, người mua kẻ bán sẽ gặp nhau để trả tiền và lấy cá.

Trên khán đài, có một người đàn ông tên là Lưu. Anh đến Úc vào tháng 9.1978. Lưu đã từng làm đủ nghề để sinh sống, trước khi làm chủ một tiệm cá trong Sydney Fish Market vào năm 1998. Anh Lưu cho biết ở Sydney hiện nay có nhiều người VN làm chủ tiệm cá nên một số đông người Việt cũng tới Sydney Fish Market để mua cá miễn họ có giấy phép kinh doanh là được. Thậm chí, không ít nhà hàng cũng tới đây trực tiếp mua cá. Tại Úc có một thông lệ: người tiêu dùng có quyền trả lại món hàng cho người bán nếu không thích hay mua lầm, với điều kiện là món hàng đó chưa bị hư hỏng! Sydney Fish Market cũng áp dụng nguyên tắc này. Vì vậy, anh Lưu cho biết thêm: Sau khi đồng ý mua, trong vòng 20 giây sau đó, mình có quyền trả lại số cá đã mua.

Một góc chợ nhộn nhịp

Anh Lưu đi dự đấu giá cá suốt 5 ngày một tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Theo thông lệ ở Úc, cuối năm là thời điểm cá bán chạy nhất trong năm vì vậy cá thường lên giá. Cá trở nên đắt hơn vào dịp Giáng sinh, bắt đầu từ tháng 10, 11, 12. Ngược lại, giá cá thường rẻ nhất vào giữa mùa xuân và mùa hè. Bởi vì đây là thời điểm cá đánh bắt được nhiều hơn.

Theo anh Lưu, làm chủ tiệm cá tại Sydney Fish Market ở Pyrmont không phải là chuyện dễ dàng. Anh phải theo dõi giá cá trên toàn nước Úc, và để ý xem từng loại cá được đánh bắt tại mỗi tiểu bang. Tiệm cá của Lưu hàng ngày phân phối một lượng cá rất lớn cho TP Sydney và những vùng lân cận. Mỗi ngày tiệm của anh phải mua vào khoảng 100 thùng cá. Ngoài ra anh còn mua thẳng một số lượng tôm cá của người khác. Trung bình, mỗi ngày cửa hàng của anh Lưu tiêu thụ đến 5 tấn tôm cá!

Đây cũng là nơi tuyệt vời cho thực khách thích hải sản

Sau khi mua cá về, ông chủ Lưu sẽ thông báo giá cá cho khách hàng, lột da và lọc thịt ra, cân lại, cho xe chở cá giao đến khách hàng. Những việc này đòi hỏi rất nhiều nhân lực nên anh phải thuê đến hơn 40 người làm việc full-time và mười mấy người part-time. Anh Lưu cho biết: Sau khi tới Úc được mấy tháng, anh đã làm việc liên tục đến hôm nay. Nhờ vậy, cuộc sống khá vững vàng, anh cảm thấy yên tâm làm việc.

Ở khu chợ cá sầm uất này, một số tiệm cá, quán ăn... có khá đông người tóc đen làm việc. Trước đây, Sydney Fish Market là nơi làm ăn của người Ý, nhưng nay thì người Á Châu, nhất là người Việt, làm thuê ở đây rất đông. Trong cửa hàng cá của anh Lưu cũng có một số người Việt làm việc. Trong số đó, có một cô gái Việt trẻ khoảng trên 20 tuổi qua Úc để học, sau đó cô được phép ở lại nước này và vào làm cho anh Lưu đã 5 năm nay. Cuộc sống của cô xem ra đã ổn định. Thế nhưng, cô tâm sự: Ba mẹ ở hết VN, vì không có người thân nên đôi khi cũng cảm thấy buồn!

Những người Việt ở Sydney Fish Market

Một người đàn ông khác khoảng 40 tuổi quê ở Huế, đến Úc được 2 năm theo diện du học sinh và tới làm thuê cho anh Lưu được 6 tháng. Trước đó anh đã đi làm nhiều nơi: hãng tôm ở Freemental (Tây Úc), siêu thị... Vì thích ăn cá nên anh lân la tới Sydney Fish Market, cũng là để tìm hiểu thị trường Úc như thế nào. Anh cho rằng: ở Úc, mỗi nơi có cái hay riêng,  anh muốn đi làm mỗi nơi một ít để biết thị trường như thế nào. Là một chuyên viên điện toán, anh qua Úc tu nghiệp thêm về lãnh vực này. Học xong, anh sẽ về nước. Nhưng nếu tốt nghiệp với một số điểm nhất định nào đó, anh cũng có thể xin làm việc ở Úc.

Chị Lưu, vợ anh Lưu thì phụ trách khâu đánh vẩy, mổ ruột cá trước khi lạng lấy thịt, cân, vào thùng và giao cho khách hàng. Có hai người đàn ông VN đang cắm cúi cạo vẩy cá bên một vòi nước ngay giữa nhà. Một trong hai người, khoảng 50 tuổi, tới Úc 1993 sau khi tạm cư Philippines suốt 6 năm ròng. Tới Úc được 1 năm, anh thấy ở đây có mở lớp đào tạo làm nghề cá, anh đăng ký thông qua chương trình của ban xã hội Centrelink, và làm việc ở đây từ đó đến bây giờ. Làm 6 ngày một tuần, tuy khá vất vả nhưng anh thấy hài lòng vì đồng lương khá cao: mỗi tuần, trừ thuế và các chi phí khác, anh còn được hơn 1000 đô Úc, tức là khoảng 4000 đô Úc một tháng!

Dù có thu nhập cao nhưng anh vẫn không dám mơ ước sở hữu một mái nhà riêng, vì nhà đất tại Sydney tăng đến chóng mặt! Nếu mua nhà, anh sẽ phải mang một số nợ quá lớn. Vì vậy, anh không muốn phải lo lắng quá nhiều vì căn nhà đó!

B.T (tổng hợp theo ABC, VietPress, Sydneyfishmarket.com...)

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

VÒNG TAY NHÂN ÁI
CÔ GÁI ÚC TRISH FRANKLIN
Cuộc đời dành cho trẻ Việt Nam bất hạnh
14:38' 21/11/2004 (GMT+7)

HỒ DUYÊN

So?n: AM 198703 g?i d?n 996 d? nh?n ?nh này qua MMS

Trish (phía sau bên phải) với các em khuyết tật

Ngoài 40 tuổi, Trish Franklin, cô gái đến từ nước Úc đã có 10 năm sống với những đứa trẻ  kém may mắn ở Việt Nam. Những đứa trẻ tại các trường khuyết tật, mồ côi đã thân thuộc và gắn bó với Trish như người mẹ. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2004, Trish là một trong hai người nước ngoài vinh dự nhận Huân chương “Vì sự nghiệp giáo dục” do Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM trao tặng.

Tấm lòng của cô giáo trẻ

Các đây gần 30 năm, Trish tốt nghịêp Đại học Sư phạm tại Úc. Cô tiếp tục học thêm chuyên ngành Công tác xã hội để hiểu thêm về những thân phận bất hạnh nhất là những đứa trẻ kém may mắn, mồ côi. Qua tài liệu và các phương tiện thông tin, cô quan tâm nhiều đến các nước đang phát triển nhất là khu vựa Đông Nam Á nên cô quyết định đến Thái Lan để làm công tác xã hội theo ước vọng của mình. Tại đây, Trish có dịp chăm sóc các đứa bé mồ côi trong các trại tị nạn. Những đứa bé Việt Nam mà cô có dịp trò chuyện làm Trish tò mò, muốn tìm hiểu nhiều hơn. Thế là Trish quyết định đến Việt Nam để tìm hiểu cuộc sống của các em từ chính nơi các em sinh ra và lớn lên. Đó là năm 1995, cuộc sống và đất nước hoàn toàn xa lạ như một mãnh lực hút hồn cô gái trẻ. Cô đến các trường mồ côi để tìm hiểu cuộc sống của các em trước khi bắt tay vào công việc của mình một cách bài bản.

Trong thời gian này, cô bắt đầu dạy tiếng Anh cho những trẻ em nghèo ở quận 4. Năm 1997, Tổ chức từ thiện Loreto Việt nam ra đời do chính Trish làm đại diện và một phụ tá là chị Huỳnh Thị Mỹ Lệ. Văn phòng của Loreto ngày ấy là góc bếp nhà chị Lệ nhưng cả hai đã bắt tay vào làm việc, lên kế hoạch vận động, xin tài trợ từ các tổ chức từ thiện nước ngoài. Trish đảm nhận việc viết đề án xin tiền tài trợ, chị Lệ tư vấn trong mọi việc. Thời gian còn lại, Trish và chị Lệ đến các trường, trung tâm để dạy tiếng Anh, dạy nhạc, nói chuyện và chơi đùa với trẻ mồ côi. Một giáo viên của trường mù Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Trước đây các em không thích học tiếng Anh vì phải đọc bằng chữ nổi trong khi tiếng Anh có nhiều từ dài, khó nhớ. Từ khi cô Trish với phương pháp học nhẹ nhàng, sinh động, học mà chơi, chơi mà học, các em đã tự tin và học tốt không chỉ môn tiếng Anh mà các môn khác nữa”.

So?n: AM 201110 g?i d?n 996 d? nh?n ?nh này qua MMS

Trish trong vòng tay của trẻ em kém may mắn Việt Nam

Đến nay, Trish đã vận động xây dựng được 6 ngôi trường cho trẻ khuyết tật, hơn 500 triệu đồng gây quỹ học bổng trợ giúp học sinh nghèo. Riêng trường mù Nguyễn Đình Chiểu đã được Trish vận động trang bị nhiều trang thiết bị, máy móc học tập trị giá hàng trăm triệu đồng.

Muốn trở thành một người Việt Nam

Gần 10 năm gắn bó, tình cảm của Trish và những đứa trẻ bất hạnh như tình mẫu tử. Mỗi khi Trish đến thăm các em đều dành cho Trish những tình cảm vô tư, hồn nhiên đến đáng yêu. Bao nhiêu người đến tìm hiểu, Trish đều từ chối để toàn tâm toàn ý lo cho các em. Trish cho biết: “Nếu lập gia đình, tôi chỉ có thể giúp được cho ít trẻ em. Như vậy, ước nguyện của tôi không thể đạt 100%. Công vịêc từ thịên đã “cho” tôi rất nhiều: sự thanh thản trong tâm hồn, tình cảm thân thương của những đứa trẻ, sự cảm mến của nhiều người trong xã hội. Tôi hạnh phúc vì được chăm sóc cho các em. Nói về tấm Huân chương sắp nhận được, Trish tâm sự: “Tôi làm không phải để được tuyên dương nhưng sự công nhận này là món quà đầy ý nghĩa, là động lực tinh thần rất lớn giúp tôi có thể đóng góp nhiều hơn sức mình cho công tác từ thiện ở thành phố. Trish cho biết thêm: “Tổ chức Lotero chính đặt trụ sở tại Úc. Loreto tiếng ý có nghĩa là “ngôi nhà an toàn”. Những người sáng lập ra hiệp hội Loreto mong muốn được đem lại hạnh phúc cho trẻ em, người già bất hạnh trên toàn thế giới”.

Soạn: AM 198713 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Lễ khởi công xây dựng trường mẫu giáo tại Củ Chi, một trong những chương trình do Loreto Việt Nam tài trợ

Trish đang tất bật với công việc cuối năm: vận động hiệp hội doanh nhân Úc tại TP.HCM tài trợ xây dựng nhà trẻ tại Củ Chi trong năm 2005. Vận động tài trợ máy móc, trang thiết bị cho trường mù Nguyễn Đình Chiểu và mở rộng hoạt động của Loreto Việt Nam tại các tỉnh thành khác trong cả nước để giúp trẻ kém may mắn trong cả nước nhiều hơn...

Ước mơ hiện nay của Trish là được nhập quốc tịch Việt Nam. “Tôi tự nhủ sẽ cống hiến trọn đời cho trẻ bất hạnh tại Việt Nam” Trish tâm sự. Với những gì Trish đã làm suốt 10 năm qua đối với trẻ bất hạnh, tôi nghĩ cuộc đời, trái tim Trish đã hòa cùng nhịp đập Việt Nam. Xin cám ơn Trish, một trái tim Việt Nam!

H.D

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

BANG VICTORIA ÚC:
ĐH RMIT được xếp hạng hàng đầu về xuất khẩu giáo dục
07:02' 19/11/2004 (GMT+7)

Tin, ảnh: MINH DIỆU

So?n: AM 198631 g?i d?n 996 d? nh?n ?nh này qua MMS

Cơ sở Đại học RMIT tại Việt Nam

Với những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực dịch vụ giáo dục, trang thiết bị giáo dục, chuyên môn và chương trình đào tạo, Đại học Công Nghệ Hoàng Gia Melbourne (RMIT) đã được xếp hạng hàng đầu về xuất khẩu giáo dục trong Giải thưởng dành cho xuất khẩu của bang Victoria.

Được biết Đại học RMIT đã liên tiếp nhận được giải thưởng giáo dục từ năm 1998 đến năm 2001 và tiếp tục nhân được bằng khen năm 2003. RMIT cũng là đại học đầu tiên của Úc nhận được Giải thưởng về xuất khẩu giáo dục từ năm 1998. Trong năm 2004, Đại học RMIT đã cung cấp các dịch vụ xuất khẩu trong các lĩnh vực: Dịch vụ giáo dục cho hơn 7.500 sinh viên quốc tế học tại Úc và 7.200 sinh viên quốc tế học ở nước ngoài; Các chương trình đào tạo tiếng Anh và sau đại học tại Đại học quốc tế RMIT VIệt Nam; Chương trình đào tạo bằng hình thức điện tử, quản trị, học trực tuyến cung cấp cho sinh viên trên toàn thế giới; Các dịch vụ tư vấn, giáo dục và đào tạo quốc tế trong nhiều lĩnh vực bao gồm hàng không,Tư vấn về kinh doanh, năng lượng và y tế tại Úc, khu vực Thái Bình Dương, châu Á, Trung Đông và châu Phi; Chương trình đào tạo được thiết kế đặc biệt cho các ngành công nghiệp và chính phủ; Năng lực quản lý và cung cấp các dự án quốc tế chuyên sâu…

Hiện nay, 10 thị trường xuất khẩu giáo dục hàng đầu của RMIT gồm có  Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc.

Đại học RMIT Việt Nam mới hoạt động từ năm 2001 nhưng đã thu hút  hơn 1.200 sinh viên theo học.

M.D 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

NHIP SỐNG THỜI ĐAI
TRUNG TÂM TƯ VẤN DU HỌC IDP VIỆT NAM:
Nhận giải thưởng "Đơn vị tư vấn du học xuất sắc nhất"
10:15' 19/09/2004 (GMT+7)
 http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/nhipsongthoidai/2004/09/260694/ 

Ông Richard Martin, tham tán giáo dục Úc trao bằng khen cho Trung tâm tư vấn du học IDP Việt Nam

Trung tâm tư vấn du hôc IDP (Việt Nam) vừa được trao tặng giải thưởng “Đơn vị tư vấn du học xuất sắc nhất toàn quốc năm 2003 – 2004” của Tổ chức Giáo dục Quốc tế Úc (AEI) thuộc Đại sứ quán Úc trao tặng. Đây là lần đầu tiên Tổ chức Giáo dục Quốc tế Úc (AEI) trao tặng giải thưởng này cho một đơn vị tư vấn du học tại Việt Nam.

Được thành lập từ năm 1969, IDP là tổ chức đại diện cho hơn 1.000 cơ sở giáo dục và đào tạo của Úc ở tất cả các cấp bậc học. IDP chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn giáo dục Úc miễn phí cho học sinh Việt Nam và các hoạt động hỗ trợ phát triển giáo dục khác bao gồm: tổ chức thi IELTS; tổ chức các khóa học ngắn hạn cho các công ty; tổ chức các chương trình du học Anh ngữ hè tại Úc cho học sinh trung học; tổ chức Triển lãm và Hội thảo về Du học Úc; xuất bản các ấn phẩm giáo dục Úc… IDP Việt Nam còn là một trong các tổ chức hoạt động tích cực nhất trong việc điều phối và quản lý các chương trình học bổng cho học sinh và sinh viên Việt Nam. Kể từ năm 1999 đến nay, IDP đã thành công trong việc quảng bá, quản lý và điều phối hơn 200 chương trình học bổng do các trường học Úc trao tặng cho học sinh Việt Nam với tổng trị giá trên 1.5 triệu đô-la Úc.

Giải thưởng này nhằm ghi nhận những thành tích xuất sắc mà IDP Việt Nam liên tục đạt được về các mặt: tỷ lệ thành công của các hồ sơ xin visa cao; hồ sơ xin xét cấp visa có chất lượng tốt; số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học Úc qua sự giúp đỡ của IDP cao và tăng đều qua các năm; có nhiều hoạt động xuất sắc nhằm quảng bá và khuếch trương cho nền giáo dục Úc tại Việt Nam.

Với 35 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và phát triển quốc tế và một đội ngũ nhân viên tư vấn chuyên nghiệp và nhiều kinh nghiệm, giải thưởng “Đơn vị tư vấn du học xuất sắc nhất toàn quốc Năm 2003 – 2004” mà IDP vừa được trao tặng đã tiếp tục khẳng định uy tín và chất lượng hàng đầu của các dịch vụ mà Công ty đang cung cấp tại Việt Nam.

Tin: MINH DIỆU
Ảnh: THANH NGA

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

SỞ NGOẠI VỤ TỈNH BR-VT & HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP VIỆT KIỀU TP.HCM
Ký kết hợp tác xúc tiến đầu tư – thương mại
www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongquenha/2004/08/227663/ 
13:27' 17/08/2004 (GMT+7)

Ngày 14.8.2004, tại thành phố Vũng Tàu, Sở Ngoại Vụ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu  và Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM (Hiệp hội Việt kiều) đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác xúc tiến đầu tư – thương mại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Bà Nguyễn Thị Hồng Sinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh; Ông Phạm Xuân Mạnh, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ông Nguyễn Việt Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM và đại diện các ban ngành liên quan của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã đến tham dự.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng (trai) và ông Phan Thành đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác

Ông Phan Thành, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Việt kiều TP HCM đã báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của Hiệp Hội. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh đã thông qua nội dung cơ bản của bản thỏa thuận hợp tác. Ông cho biết: "Nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị đã khẳng định vị trí vai trò của ngưới Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đưa ra những lộ trình rất cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương nhằm tạo điều kiện giúp bà con kiều bào nhanh chóng hòa nhập và phát huy năng lực khi trở vế quê nhà.  Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Sở Ngoại vụ Bà Rịa Vũng Tàu đã cùng Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM  thảo luận, bàn bạc đi đến nhất trí phối hợp để xúc tiến thương mại đầu tư trên địa bàn tỉnh".

Theo đó, trách nhiệm của Sở Ngoại Vụ là: Cung cấp cho Hiệp Hội các thông tin hợp pháp về tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các dự án kêu gọi đầu tư, khuyến khích đầu tư, các chính sách ưu đãi đối với kiều bào. Cung cấp thông tin về thương mại du lịch, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu như may mặc, hải sản nông sản, thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm du lịch. Chuẩn bị các nội dung về Hội thảo theo chuyên đề: đầu tư – thương mại – du lịch – truyền thống… nhằm kêu gọi kiều bào hướng về quê hương Bà Rịa Vũng Tàu, tham gia góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trách nhiệm của Hiệp hội là: Giới thiệu cho người Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp Việt kiều về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, những đổi thay phát triển kinh tế - xã hội của  tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sau 10 năm đổi mới. Quảng bá các dự án đầu tư của tỉnh và kêu gọi kiều bào về đầu tư vào các khu công nghiệp, các dự án đầu tư về thương mại, du lịch, dầu khí, nuôi trồng thủy hải sản… Tìm hiểu các thị trường nước ngoài để giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh như hàng công nghiệp, hàng nông sản, hải sản, thủ công mỹ nghệ… và có thể tổ chức xuất khẩu các mặt hàng ấy cho kiều bào ở nước ngoài. Phối hợp cùng Sở Ngoại vụ tổ chức Hội thảo về kinh tế - xã hội của tỉnh, vận động các doanh nghiệp Việt kiều và kiều bào tham gia các hội thào này...

Bà Nguyễn Thị Hồng Sinh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần năng động sáng tạo của đôi bên,

Bà Nguyễn Thị Hồng Sinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh đã hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần năng động sáng tạo của đôi bên, bà nhấn mạnh: “Đây là lễ ký kết đầu tiên trong cả nước nhằm thực hiện theo Nghi quyết 36 và Chương trình hành động của Chính phủ nên mang ý nghĩa lớn lao và là điểm nhấn - tạo một nhịp cầu quan trọng nối kết giữa kiều bào và đất nước. Chúng tôi mong rằng sau khi ký kết sẽ có những bước triển khai với những họat động cụ thể. Tỉnh hứa sẽ hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện nội dung ký kết. Những năm gần đây, đất nước đang chuẩn bị gia nhập WTO và hội nhập thế giới. Để luật pháp Việt Nam phù hợp với tiến trình đổi mới và và phù hợp với việc hòa nhập quốc tế, bên cạnh các chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực này, chúng tôi mong các kiều bào mạnh dạn góp ý kiến với Sở ngoại vụ, để chúng tôi nắm được và báo cáo trong các kỳ họp Quốc Hội sắp tới….”

Ông Nguyễn Ngọc Hùng và ông Phan Thành đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với sự chứng kiến của các đại biểu và 20 doanh nhân là Hội viên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở TP.HCM.

       Q.L   

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

VIỆT KIỀU NGUYỄN NGỌC MỸ
Sáng lập viên Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều
http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/06/169246/ 
09:12' 24/06/2004 (GMT+7)

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ

Quê ở Hà Tĩnh, di cư vào Nam từ năm 1954, Nguyễn Ngọc Mỹ là lính hải quân thời chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, ông được chính quyền mới mời đi “cải tạo” trong thời gian 10 tháng. Vượt biển năm 1978, sau 7 ngày 8 đêm lênh đênh trên biển, ông đến Malaysia tị nạn 2 tháng và định cư tại Úc.

“Để kiếm sống và có điều kiện học tập, tôi xin đi xúc than cho một công ty. Vì trong thời gian ở hải quân, tôi là lính hải quân được đào tạo chuyên ngành xây dựng, nên khi sang Úc tôi tiếp tục học thêm để cập nhật kiến thức. Một thời gian sau, tôi xin vào làm việc tại công ty xây dựng để học hỏi thêm kinh nghiệm và mở rộng kiến thức. Năm 1981, tôi thành lập công ty xây dựng”. Ông Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết như vậy khi trò chuyện với phóng viên Người Viễn Xứ.

PV: Ông về thăm Việt Nam khi nào? 

Ô. Nguyễn Ngọc Mỹ: tôi có cơ may về Việt Nam từ năm 1992, trong một dịp cùng với Bộ trưởng Úc sang thăm Việt Nam. Lúc ấy tôi thấy nhu cầu của đất nước cần phát triển kinh tế nhất là trong ngành xây dựng, là lĩnh vực thuộc về sở trường của tôi. Sau một thời gian rất ngắn tôi về Việt Nam tham gia Bộ luật xây dựng, đồng thời tôi tham gia một số công trình xây dựng ở TP.HCM, thủ đô Hà Nội. Điều đó đã tạo cho tôi có được niềm tin là sẽ có khả năng phát triển chuyên môn ở Việt Nam.

PV: Vì sao ông quyết định về nước đầu tư?

Ô. Nguyễn Ngọc Mỹ: là người Việt Nam đi đâu tôi cũng nhớ quê hương. Hơn một nửa cuộc đời tôi đã từng gắn bó với Việt Nam. Vì vậy khi tuổi chồng thêm tuổi tôi muốn quay trở về Việt Nam như “lá rụng về cội”. Như tôi đã nói ở trên, cơ may về thăm lại Việt Nam là điều may mắn thứ nhất dành cho tôi. Điều may mắn thứ hai, khi về nước tôi đã được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Tôi tự nhủ, với một người có “lý lịch như tôi” sẽ khó được chính quyền chấp nhận và sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, điều đó thực sự không diễn ra như tôi nghĩ.

Đất nước trong thời kỳ đổi mới mở cửa, Chính phủ Việt Nam đã có Chính sách mời gọi Việt kiều về nước đầu tư. Vì vậy, theo Luật đầu tư trong nước, tôi xin cấp phép thành lập Công ty VABIS - Công ty có chức năng đầu tư chuyển giao kỹ thuật công nghệ xây dựng. Sau đó là Tập đoàn VABIS tập hợp nhiều công ty xây dựng và tư vấn hàng đầu của Úc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng quốc tế.

PV: Được biết ông là một trong những sáng lập viên đầu tiên của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều tại TP.HCM, vì sao ông nảy ra ý tưởng đó?

Ô. Nguyễn Ngọc Mỹ: vì tôi muốn có tiếng nói chung của Việt kiều khi về nước đầu tư làm ăn. Hoàn cảnh Việt kiều chúng tôi gần như tương tự giống nhau. Do vậy, chúng tôi có ý tưởng thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều nhằm tạo điều kiện để hỗ trợ những người mới về nước đầu tư còn chưa quen, bỡ ngỡ lúc ban đầu. Được sự hỗ trợ của Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt thời đó (cựu Thủ tướng hiện nay), tôi cùng vài anh em khác xin phép thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều. Nhưng trước khi thành lập Hiệp hội, tôi đã thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều (năm 1997). Mặc dù biết là sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng vì chúng tôi hiểu rằng nếu vượt qua được, thì cái lợi đem lại cho doanh nhân Việt kiều là không nhỏ nên năm 1998 Hiệp hội ra đời và họat động cho đến nay.

PV: Ông là một trong số ít doanh nhân Việt kiều thành đạt khi đầu tư ở Việt Nam được chính quyền thành phố khen thưởng, có phải ông có bí quyết riêng?

Ô. Nguyễn Ngọc Mỹ: tôi tự thấy rằng tôi làm việc có ích cho đất nước. Và Nhà nước cũng thấy rất rõ việc tôi đã góp phần xây dựng phát triển đất nước nên tôi đã được khen thưởng, mặc dù tôi có một lý lịch như thế rồi ra nước ngoài theo con đường như tôi đã nói ở trên. Tôi nghĩ, một người có hồ sơ như tôi chắc chắn Bộ Công an biết rất rõ, nhưng mình không làm điều gì có hại cho đất nước cũng như có hại cho người Việt Nam thì đâu có vấn đề gì. Vì vậy, tuy ở Việt Nam đã 10 năm nay rồi với quốc tịch Úc nhưng tôi không gặp rắc rối lẫn phiền phức. Qua đó, có thể thấy rằng nhà nước Việt Nam rất tốt.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ là Việt kiều có quốc tịch Úc. Ngoài việc ông là một trong những sáng lập viên Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, ít có người biết ông còn có nhiều cương vị khác khi thì giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc của nhiều doanh nghiệp và công ty khác nhau. Được biết, ông hiện đang điều hành Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều (O.V.Club) tại TP.HCM, Công ty Dịch vụ Đầu tư và Giải trí Việt Hải Đăng, Công ty Swinburne Vabis Indochina, Low Pressure gas industrial park, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hồng Lam, Công ty TNHH Phần mềm tiếp thị thể Thể thao, SES - Công ty Dịch vụ Thể thao thi đấu giải trí và VABIS Khu Công nghiệp Đông Xuyên. 

Còn bí quyết đầu tư ở Việt Nam? Tôi nghĩ rằng: anh em Việt kiều khi về nước phải xác định cho rõ mình về nước nhằm mục đích gì, nếu có sự đóng góp cho đất nước thì không có vấn đề rắc rối gì xảy ra cả. Bản thân tôi chỉ làm nhà kinh tế không liên quan đến chính trị. Nếu có niềm tin rằng ta sẽ thành công khi về đầu tư ở quê hương xứ sở của mình thì có ai lừa dối ta. Mặc dù có những khó khăn nhất định, vì ở đâu cũng thế, mỗi quốc gia có những luật lệ riêng, nên trước khi về đầu tư ở Việt Nam nếu ta biết trước điều đó thì sẽ vượt qua được nhiều khó khăn. Nhiều người cho rằng về Việt Nam làm ăn luôn gặp phiền phức về thủ tục và rất nhiêu khê. Vâng, có thể đúng, nhưng tôi thấy không có vấn đề gì vì tôi hiểu khó khăn trước mắt để giải quyết nó. Nếu tôi không làm được thì tôi giao cho trợ lý của tôi hoặc nhờ những người ở trong nước am hiểu luật lệ giải quyết.

Việt kiều sống ở các nước phát triển khu vực châu Âu, châu Á đã quen có suy nghĩ: Nhà nước phải lo các thủ tục cho doanh nghiệp khi họ về nước đầu tư phát triển kinh tế. Ngược lại, Nhà nước nghĩ rằng đó là việc của doanh nghiệp phải tự lo cho mình khi về Việt Nam làm ăn, giống như “hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau” ở một điểm chung vậy. Để về nước đầu tư, nếu Việt kiều “có tâm” thì sẽ không gặp khó khăn gì.

PV: Chân thành cảm ơn ông.

NGUYỆT QUẾ    

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

NHÀ CUNG CẤP LÚA MÌ THẾ GIỚI AWB:
Thành lập trung tâm phát triển nghiệp vụ tại Việt Nam
www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/05/154552/ 
11:16' 26/05/2004 (GMT+7)

Cơ sở 2 Đại học RMIT tại TP.HCM

Đại Học Quốc tế RMIT Việt Nam và tập đoàn AWB (trước là Australian Wheat Board) vừa ký kết một bản thỏa thuận khởi đầu cho việc thành lập “Trung Tâm Phát Triển Nghiệp Vụ AWB” nhằm huấn luyện đội ngũ kinh doanh mặt hàng lúa mì khắp Châu Á.

AWB là một trong những nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới và còn là nhà điều phối ngũ cốc chủ yếu tại Úc. RMIT Việt Nam lại là trường đại học 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam giảng dạy các chương trình đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu ở cả thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Theo thỏa thuận này, AWB sẽ thiết kế và cùng RMIT Việt Nam thành lập một trung tâm huấn luyện với trang thiết bị đa chức năng hiện đại ngay tại khuôn viên Đại Học Quốc Tế RMIT Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh để giảng dạy các lớp huấn luyện nhằm phát triển và xúc tiến các sản phẩm làm từ lúa mì Úc. Trung tâm này cho phép bạn hàng và khách hàng của AWB sử dụng những trang thiết bị này để kiểm nghiệm, đánh giá và phát triển sản phẩm.

Đây là lần đầu tiên một liên kết dạng này xuất hiện trong khu vực. AWB sẽ cung cấp máy móc, thiết bị, chuyên gia và sản phẩm còn RMIT sẽ cung cấp chỗ học và giảng viên huấn luyện nhằm giảng dạy khóa học và trao bằng cho chương trình.

Bản thỏa thuận này cũng là tiền đề cho hàng loạt dự án hợp tác có thể sẽ được ký kết bởi hai phía. Bên cạnh mục tiêu giảng dạy những lớp huấn luyện và cấp bằng chứng nhận chuyên môn trong lĩnh vực liên quan đến sản phẩm từ lúa mì, trung tâm còn xúc tiến lúa mì Úc và các sản phẩm làm từ ngũ cốc Úc không chỉ ở Việt Nam mà cả vùng Châu Á.

Học sinh của trường RMIT

Trung tâm sẽ được đưa vào hoạt động giữa năm 2004. Ông Michael Mann, Tổng giám đốc RMIT Việt Nam cho biết: “Đây là một đề án sáng tạo, chuyên gia từ hai tổ chức danh tiếng của Úc sẽ cùng nhau làm việc nhằm tạo ra một môi trường đào tạo, phát triển sản phẩm mới chất lượng cao tại thị trường Châu Á”.

Ông Andrew Lindberg, Giám Đốc Điều Hành AWB cho biết thêm: "Châu Á là một phần trong toàn bộ chương trình xuất khẩu lúa mì của AWB trong suốt hơn năm mươi năm qua và luôn là phần quan trọng cho tương lai của AWB. Chúng tôi đã xây dựng những mối liên hệ thương mại nhằm cung cấp một sản phẩm đáp ứng chính xác nhu cầu đa dạng của khách hàng Châu Á. AWB đảm bảo rằng với các sản phẩm mới và những loại lúa mì mới, chúng tôi vẫn tiếp tục đáp ứng được nhu cầu hay thay đổi của khách hàng cũng như đảm bảo khách hàng của chúng tôi (nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật và huấn luyện) có thể tinh lọc những gì tốt nhất từ sản phẩm mà AWB cung cấp. Chúng tôi nhận thấy sự đầu tư với RMIT là một bước tối quan trọng trong việc thực hiện cam kết này”.

Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ Cô Suzanne Ardagh, Giám đốc Tiếp thị và Quan hệ Cộng đồng, Đại Học Quốc Tế RMIT Việt Nam, email: Suzanne-ardagh@rmit.edu.vn hoặc điện thoại (+84 4) 822 4992 hay Ông Ryan McKinley, Giám đốc Quan hệ báo chí của AWB, email: rmckinley@awb.com.au

MINH DIỆU

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

VIỆT KIỀU NGUYỄN NGỌC MỸ
Ước vọng chuyển giao công nghệ hiện đại cho đất nước
10:32' 19/05/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/nguoivietbonphuong/2004/05/135845/  
  • Thành công từ nước Úc

Ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng

Năm 1978, rời thành phố Đà Lạt - nơi ông sinh ra và lớn lên, ông Nguyễn Ngọc Mỹ sang định cư tại thành phố Wollongong - Úc. Vừa đặt chân đến nước bạn, ông không khỏi ngạc nhiên bởi lối sống hiện đại và phong cách ở đây rất khác biệt Việt Nam.

Ông tâm sự: ”Những ngày đầu còn “chân ướt chân ráo” đến Úc, tôi bị choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy của một thành phố rất phát triển. Ý định muốn nỗ lực để cố gắng cống hiến cho quê hương, cho Tổ quốc trong thân tâm tôi bỗng dưng trở nên mạnh mẽ. Càng thấy vẻ hiện đại của nước người chừng nào, tôi lại thấy yêu đồng bào của mình hơn”.

Với mong muốn học hỏi và tích lũy thêm nhiều kiến thức, ông đã dồn hết tinh thần và thời gian vào công việc. Do được huấn luyện, có bằng cấp cùng chuyên môn cơ bản trong lãnh vực xây dựng, chỉ sau thời gian ngắn, ông đã thành lập nên công ty Nguyen’s Brothers. Thoạt đầu, công ty chỉ là một nhóm nhỏ gồm các anh em chung tay nghề và sở thích. Cơ chế hoạt động của Nguyen’s Brother là thi công trang trí các cửa hàng, sửa chữa, lắp đặt các tiện ích trong nhà dân. Với sự phục vụ tận tụy, chất lượng của công việc và “bí quyết” kinh doanh quan trọng nhất là giữ chữ tín, công ty đã dễ dàng thu phục lòng tin cậy của khách hàng.

Hoạt động tại thị trường xây dựng Úc một thời gian, ông mạnh dạn mở rộng quy mô làm việc hơn bởi ông thấy được tiềm năng phát triển của lĩnh vực này lúc bấy giờ. Công ty Keira Construction nhanh chóng ra đời với quy mô hoạt động lớn hơn, năng lực mạnh hơn. Điều này khẳng định phần nào khả năng kinh doanh tài ba của ông nơi nước bạn. Nhờ uy tín sẵn có và mối quan hệ tốt đẹp, Keira Construction dễ dàng ký hợp đồng với chính phủ Úc về việc bảo hành 20.000 căn nhà trong khu vực. Công ty cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 300 công nhân Úc.

  • Cơ hội trở về Việt Nam

Câu lạc bộ Việt kiều tại TP.HCM

Năm 1986, khi biết nước nhà có chính sách đổi mới và mở cửa kêu gọi đầu tư, ông rất vui vì biết rằng đây chính là cơ hội được trở về Việt Nam đóng góp công sức của mình. Ông Nguyễn Ngọc Mỹ tâm sự: “Niềm ao ước bấy lâu được trở về nhà thôi thúc tôi từng ngày”. Chuyển giao công nghệ xây dựng và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Úc là mục tiêu chính trong suy nghĩ của ông.

Lần về thăm quê hương đầu tiên của ông là chuyến thăm chính thức của Đoàn thương mại Úc đến Việt Nam do Bộ trưởng thương mại Úc John Keiran dẫn đầu. Ông được đề cử tham gia chuyến đi với tư cách là thành viên thường trực của hội đồng thương mại Úc.

Sau lần về nước khảo sát và tìm hiểu thị trường xây dựng tại Việt Nam năm 1992, trở về  Úc, ông kêu gọi một số công ty Úc cùng hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Nỗ lực của ông được đền đáp bằng sự ra đời của công ty Dịch Vụ Kỹ Thuật xây dựng Viet Nam-Australia, tên viết tắt là Vabis Group vào tháng 3 năm 1993. Đây là công ty đầu tư 100% vốn nước ngoài đầu tiên về lãnh vực xây dựng tại Việt Nam do chính ông làm Tổng giám đốc. Vabis Group bao gồm các thành viên như Keira Construction (chuyên về mộc, cơ khí, điện,…), Mant Glass (chuyên về kiếng xây dựng công nghiệp, dân dụng), C-Lite (chuyên về khung nhôm)…

Cũng trong thời gian này, thực hiện đề tài do Cục phát triển quốc tế Úc và kết hợp với nhiều tổ chức khác tại Úc như Coffey MPW, Australian Construction Service, Phillip Fox, với tư cách của Vabis Group ông đã trợ giúp trong việc Thiết lập quy trình quy phạm cho Bộ luật xây dựng Việt Nam. Công trình này lấy ý tưởng của bộ luật xây dựng Úc phối hợp với các điều kiện về địa lý, khí hậu cùng con người Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn tổ chức hàng chục chuyến đi cho các phái đoàn chính phủ Việt Nam sang tìm hiểu thị trường và gặp gỡ một số quan chức tại Úc. Trong số này, có nhiều chuyến đi là do ông tài trợ hoàn toàn chi phí và trên dưới 25 chuyến khác do sự kết hợp của các bên.

Thấu hiểu sự thiếu thốn về thiết bị học tập và nghiên cứu trong trường Kỹ thuật xây dựng số 7 của Việt Nam, năm 1995, được sự cho phép của Bộ xây dựng và Bộ giáo dục, ông Nguyễn Ngọc Mỹ đã đào tạo, chuyển giao công nghệ cùng kỹ thuật tiên tiến cho nhiều học viên của trường. Ngoài ra, Vabis Group còn huấn luyện thành công một đội ngũ với trình độ tay nghề tiến tiến đạt tiêu chuẩn quốc tế, thi công được các công trình xây dựng cao cấp như khách sạn 4 sao, 5 sao. Nói đến các tòa nhà lớn ở Thành Phố Hồ Chí Minh lẫn Hà Nội như cao ốc văn phòng Landmark ở số 5B Tôn Đức Thắng, Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Anh, tòa nhà Regency Chancellor Couurt, building Sai Gon Center, tòa nhà Metropolitan, trung tâm thương mại Tràng tiền Plaza và mới đây nhất là khách sạn Sheraton Hà Nội…không thể không kể đến công lao to lớn của Vabis Group.

Đầu tư xây dựng sân golf

Không chỉ dừng lại ở các công trình xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Mỹ còn mở rộng đầu tư về mảng vui chơi giải trí. Vabis Group đã tham gia tái thiết, nâng cấp sân vận động Lam Sơn tại Vũng Tàu, từ một sân vận động bỏ hoang phế, tràn ngập cỏ dại và sình lầy nước đọng thành một sân vận động khang trang, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2000, một lần nữa công ty Dịch vụ thể thao và thi đấu SES ra đời dưới sự lãnh đạo của ông, đã đưa vào Việt Nam một kỹ nghệ vui chơi giải trí lành mạnh. Với việc đầu tư này, công ty SES thu hút thêm một khối lượng lớn khách du lịch đến với Việt Nam, đặc biệt là thành phố Vũng Tàu, đưa ngành kinh doanh du lịch trong nước thêm một bước tiến mới.

Bên cạnh đó, ông còn lê kế hoạch xây dựng khu sân golf ở Hà Tĩnh, rộng 10 ha để phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài, khách du lịch đến từ Lào và các nước Đông Bắc Á.

Ngoài ra, ông còn dự định tiến hành kế hoạch xây dựng khu công nghiệp khai thác, sử dụng khí gas vào công nghệ nung đốt tạo ra những sản phẩm như gạch, xi măng hoặc sấy khô trái cây, thực phẩm…Khu công nghiệp này rộng khoảng 30ha trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao lại đầu tư trên nhiều lĩnh vực như vậy, ông Nguyễn Ngọc Mỹ tâm sự: “Thực ra tiềm năng về chất xám lẫn tài lực của bà con Việt kiều là rất rộng lớn nhưng do những nguyên nhân, hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan tác động, họ chưa đóng góp, cống hiến nhiều cho đất nước. Sỡ dĩ đầu tư trên nhiều lĩnh vực là vì tôi muốn tạo nên một hình ảnh mẫu, người tiên phong để chứng minh cho sự đổi mới, mở cửa, chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài của chính phủ Việt Nam. Tôi hy vọng việc triển khai cũng sự thành công từ những dự án của mình tại Việt Nam sẽ tạo động lực cho nhiều bà con Việt kiều hướng về Tổ quốc ”

Hiểu được tâm tư nguyện vọng của đa số kiều bào, ông còn ấp ủ, lập kế hoạch  lên phương án nghiên cứu khả thi nhằm tổ chức một địa điểm giao lưu, hội họp của anh chị em Việt kiều. Đây là một trong những ước vọng mong muốn góp sức cho quê hương của ông Nguyễn Ngọc Mỹ. Tháng 3 năm 2001, ông thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều như là một cầu nối giữa anh chị em Việt Kiều Hải Ngoại với doanh nghiệp trong nước, các cấp chính quyền điạ phương và lãnh đạo Trung Ương để hình thành một guồng máy chuyển tải cho chiến lược tổng thể. Tại Việt Nam, hệ thống câu lạc bộ được đặt tại 6 điểm và hoạt động tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Vũng Tàu, Đà Nẵng. Hiện tại, câu lạc bộ đang dần khẳng định ưu thế của mình với số lượng các doanh nghiệp gia nhập hội ngày càng tăng.


Trong chiến lược dự định phát triển vào năm 2004 – 2005, ông dự định sẽ thiết lập các câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều tại nhiều thành phố lớn như Melboune, Sydney (Úc), Los Angeles, San Francisco (Mỹ), Montreal, Toronto (Canada), Pháp. Trong thời gian vừa qua, ông cũng đã tổ chức trên 50 cuộc tọa đàm, hội thảo về lĩnh vực đầu tư và thương mại với sự tham dự của các quan chức cấp Bộ trưởng Chính phủ cùng Chủ tịch tỉnh. Các buổi giao lưu trên được đánh giá khá tốt bởi lẽ đây chính là nhịp cầu kết nối thiết thực nhằm giúp anh em trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ cũng như trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu về kinh doanh, thương mại. Do có nhiều đóng góp trong lãnh vực xây dựng, hỗ trợ, liên kết các hoạt động xây dựng giữa Việt Nam và Úc, công ty Vabis Group được Bộ xây dựng tặng bằng khen vào năm 1998.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ

Suy nghĩ về chính sách vận động, mời gọi Việt kiều về đầu tư trong nước, ông Nguyễn Ngọc Mỹ còn nhiều vấn đề tâm tư: “Nhìn chung chủ trương, chính sách là đúng nhưng đối tượng và việc thực hiện chủ trương, chính sách còn nhiều điều bất cập. Điển hình như chính sách về mua nhà và đất còn nhiều điều chưa hợp lý. Hoặc việc thực hiện các chính sách đó chưa có quy trình rõ ràng, chưa được hệ thống hóa. Theo tôi nghĩ, Chính phủ nên lắng nghe thêm nhiều ý kiến đóng góp của bà con Việt kiều khi xây dựng và thực hiện các chính sách này. Trong các hướng đầu tư, trước mắt, các doanh nghiệp Việt kiều nên phối hợp với các doanh nghiệp trong nước hỗ trợ xuất khẩu là đúng với nhu cầu của thị trường kinh doanh hiện nay”

Công lao đóng góp của ông dành cho nước bạn lẫn nước nhà là điều không ai có thể phủ nhận. Với những thành công đã đạt như huy chương vì sự nghiệp xây dựng hay huy chương vì sự nghiệp khuyến học (2001), ông không nghĩ là mình sẽ dừng bước bởi trong ông vẫn còn nhiều ước mơ muốn đóng góp cho xã hội, cho quê hương.

NGỌC VÂN

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồ

 
Trở về đầu trang

Du học hè tại xứ sở Kangaroo (Úc)
14:40' 25/03/2004 (GMT+7)
 http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/cuavaotuonglai/2004/03/56454/ 

Chuẩn bị cho chương trình hè 2004, IDP-Nhà tư vấn giáo dục quốc tế của Úc tại Việt Nam đã tổ chức chương trình du học hè dành cho học sinh bậc Trung học (từ lớp 6 đến lớp 11) tại xứ sở Kangaroo-Úc.

Chương trình gồm các tour như sau:
•Tour Adelaide: Tour 4 tuần từ 03/06 đến 01/07. Tour 5 tuần từ 03/06 đến 08/07.
Tour Sydney: Tour 4 tần từ 15/06 đến 11/07. Tour 6 tuần từ 15/06 đến 24/07.
Tour Melbourne: 5 tuần từ 19/06 đến 24/07.

Điều đặc biệt của chương trình du học này là học sinh sẽ có thời gian từ 3 đến 4 tuần ăn,ở, sinh hoạt và học tập với một gia đình bản xứ có con cùng độ tuổi, lớp học với du sinh Việt Nam. Tuần kế tiếp học sinh Việt Nam sẽ học thực tế tại trường phổ thông cùng với học sinh của gia đình đã được ở chung trước đó. Tuần lễ cuối cùng, du sinh sẽ được du lịch tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Úc. Tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí...

Điều kiện tham gia: Học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 17  đang là học sinh theo học tại các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học tại Việt Nam, có học lực khá trở lên, trình độ tiếng Anh đủ giao tiếp.

Lúc 9 giờ ngày 27/03, Nhà tư vấn giáo dục quốc tế của Úc IDP sẽ tổ chức hội thảo chương trình du học hè này cho phụ huynh và học sinh tại 12 Bis Phan Kế Bính, quận 1 TP.HCM. Điện thoại: 08.9104205. E-mail: info@hcmc.idp.com.

MINH DIỆU

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang

Cộng đồng người Việt ở Úc
10:10' 19/02/2004 (GMT+7)
 http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/noiket/2004/02/50719/ 

Thế hệ thứ nhất

Melbourne

Người có sinh quán tại Việt Nam đang sinh sống tại Úc (gọi tắt Người Việt tại Úc) là một trong những nhóm người di dân mới nhất đến định cư tại xứ này. Đến cuối tháng Sáu năm 2000, số người có sinh quán tại Việt Nam lên đến 175.000 người . Nếu cộng thêm gần 70.000  em bé sinh tại Úc có cha, mẹ hoặt cả cha lẫn mẹ là người Việt thì số người "gốc" Việt lên đến 245.000 người.
Trước năm 1975, hầu hết người Việt tại Úc là du học sinh Việt Nam qua chương trình học bổng Colombo. Một số các học sinh nầy trở về nước sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra còn có “thê tử” của những người Úc đến Việt Nam làm việc và lập gia đình với người Việt Nam. 
Người Việt cùng với dân nhập cư khác sống tại Sydney 

Vào giữa Thập niên 70 có khoảng 500 người Việt đang ở tại Úc trong số đó có khoảng 20 gia đình. Đứa bé đầu tiên được ghi nhận có cả cha lẫn mẹ là người Việt sanh tại Sydney năm 1970 đang định cư tại Melbourne.

Trong khoảng thời gian 1975-76, Chính phủ Lao Động do  Thủ tướng Whitlam lãnh đạo giới hạn số người Việt vào Úc. Chỉ có gia đình cựu sinh viên Việt Nam du học tại Úc và nhân viên Việt Nam làm việc với Sứ quán Úc tại Sài Gòn đã ra khỏi Việt Nam mới được định cư tại Úc.

Sau khi thắng cử, Chính phủ Tự Do do Thủ tướng Fraser lãnh đạo mở cửa cho phép nhiều ngừơi Việt vào định cư tại Úc. Đợt đầu từ năm 1978 với đại đa số đến từ những trại tỵ nạn (cao điểm năm 1980 với 12.915 người nhập cư). Đợt thứ hai từ năm 1989 với phần đông đi thẳng từ Việt Nam qua Chương trình Đoàn tụ Gia đình (cao điểm năm 1991 với 13.248 người nhập cư). Sau năm 1997, số người Việt đến định cư tại Úc giảm xuống dưới 3.000 người mỗi năm và trong thời gian 1999-2000, con số giảm xuống chỉ còn 1.500 người

Đến cuối tháng 6 năm 2000, tại Úc có tổng cộng 4,52 triệu người có sinh quán ngoài nước Úc trong đó có 1,68 triệu người đến từ những nước nói tiếng Anh (Anh, Mỹ, Canada và New Zealand). Trong số di dân đến từ những nước không nói tiếng Anh, người Việt đứng hàng thứ nhì sau Italy.

Cộng đồng Việt Nam tại Úc là một cộng đồng trẻ với 50% dưới 35 tuổi.

Thế hệ thứ hai
 
Trong trung tâm của Phố Tàu, Melbourne
 
Trên phương diện chủng tộc, cộng đồng Việt Nam tại Úc còn khá thuần nhất. Năm 1998-99 có tất cả 2.282 đám cưới liên hệ đến những người có nguyên quán tại Việt Nam trong đó 1.602 (70%) đám cưới có cả cô dâu và chú rể đều là người Việt. Phụ nữ Việt Nam có khuynh hướng dễ kết hôn với người ngoại quốc (20.8%) so với nam giới (13.9%).

Cấu tạo hôn nhân trên được phản ảnh rõ ràng qua thành phần các trẻ em có giòng máu Việt nam được sinh ra tại Úc. Năm 1998-99 trong số tổng cộng 4,339 em bé chào đời có mẹ Việt nam thì 3,470 (80%) em có cha cũng là người Việt. Trái lại, trong số 3,928 em bé có cha là người Việt thì đến 88.3% số em có mẹ cũng là người Việt.

Trong hơn hai thập niên qua, có trên 60.000  em bé có giòng máu Việt Nam được sinh ra tại Úc. Trong mấy năm gần đây, số trẻ em sinh hằng năm có giòng máu Việt có vẻ không tăng. Lý do là một số trẻ em trong gia đình Việt Nam sinh tại Úc trong thập niên 1970 đã có gia đình và có con. Những đứa bé nầy thuộc thế hệ thứ ba nên không được thống kê nầy ghi nhận.

Người Việt tại Úc sống tập trung tại các thành phố lớn. Vì lý do ngôn ngữ, liên hệ gia đình, bè bạn, việc làm và nhất là do tình đồng hương, đa số người Việt sống quây quần với nhau dù trong các thành phố lớn hoặc tại các vùng quê hẻo lánh.

Theo thống kê năm 1996, toàn nước Úc có 150.956 người có sinh quán tại Việt Nam và sự phân bố nhiều nhất ở New South Wales (40.4%), tiếp theo đó là Victoria (36.5%), Queensland (7.3%).

Tại các Tiểu bang, người Việt sống tập trung tại các thành phố lớn. Riêng Sydney và Melbourne thu hút đến 114 ngàn người (hay 77% tổng số người Việt tại Úc)

Những địa phương đông người Việt nhất là Cabramatta (một số báo chí Úc còn gọi là Saigonmatta, 35 cây số về hướng Tây Nam trung tâm thành phố Sydney), Kingspark (20 cây số về hướng Tây Bắc trung tâm thành phố Melbourne), Springvale (25 cây số về hướng Nam trung tâm thành phố Melbourne).

(Theo TT.Du hoc Australia)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

Bản quyền Báo điện tử VietNamNet, được hỗ trợ bởi phần mềm VASC Orient Soft.
Công ty phần mềm và truyền thông VASC - 99 Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Tel: +844 9420798 ; Fax: +844 9420796 ; webmaster@vasc.com.vn