Nới rộng quyền sở hữu nhà của Việt kiều
"Nếu chúng ta coi 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời thì không nên phân biệt, hạn chế quyền lợi của họ khi sở hữu nhà ở", đại biểu Nguyễn Ngọc Đào phát biểu tại Quốc hội, sáng nay.
Sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về việc sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật nhà ở vừa điều 121 luật Đất đai. Theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện sở hữu nhà hoặc căn hộ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là phải được phép cư trú từ 6 tháng trở lên. Nhưng nay theo dự thảo sửa đổi, thời hạn được rút ngắn xuống còn một nửa (3 tháng).
Các khu đô thi tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Diện được mua cũng mở rộng, thêm cả người quốc tịch Việt Nam sống ở nước ngoài, người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng, bên cạnh quy định là trường hợp về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam.
Trước quy định "thoáng" về điều kiện mua nhà ở trong dự thảo, nhiều đại biểu lo ngại và tỏ ý không đồng tình. Ông Ngô Văn Minh cho rằng: "Luật đã mở rộng quá nhiều, điều kiện không chặt chẽ... Chúng ta nên cân nhắc xem đã nên sửa những quy định này hay chưa, trong khi nhiều bất cập về Luật đất đai đang gây bức xúc trong dân thì chưa được sửa".
"Luật sửa đổi dường như quan tâm đến vấn đề kinh tế và không lường trước những thay đổi về quản lý bất động sản, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội", đại biểu Trần Thị Dung băn khoăn. Đại biểu này tán thành chủ trương mở rộng quy định quyền được mua nhà của người Việt Nam ở nước ngoài vì góp phần khuyến khích sự đóng góp của họ với đất nước, song cũng đề nghị: "Cần cân nhắc kỹ, nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của đất nước".
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương của dự thảo. "Lần này sửa luật là thực hiện nhất quán chính sách, tạo điều kiện cho bà con về nước làm ăn sinh sống. Đây chính là sợi dây gắn kết bà con làm ăn ở nước ngoài", ông Ngô Đức Mạnh ủng hộ.
Theo phân tích của ông Mạnh, diện được mua nhà theo quy định là "người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu" thì hầu hết là những trường hợp có điều kiện và khả năng kinh tế, không cho mua nhà ở Việt Nam, họ mua ở nước khác. Khi quyết định về nước làm việc họ cũng phải cân nhắc đắn đo, vì có thể gây xáo trộn lớn về cuộc sống gia đình, tình cảm.
Do vậy, ông lạc quan rằng: "Không nên quan ngại việc cho những người này mua nhà sẽ gây nạn đầu cơ. Luật pháp không cho phép việc đó diễn ra".
Với quan điểm của một chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch cho biết khi bàn thảo về dự án này, các nhà kinh tế cũng lo ngại là "mở quá rộng", nhưng sau khi phân tích thấy không phải như vậy. Chúng ta đã quy định rõ là mua nhà để ở, nên loại hoàn toàn mục đích kinh doanh.
Theo ông Lịch, TP HCM khi bàn về vấn đề này từng mời những nhà kinh doanh bất động sản tham gia cho ý kiến. "Họ bảo "mở" thế này cũng không mấy người mua đâu. Mỗi năm họ về nước có ít ngày, nếu không được cho thuê trong lúc không sử dụng thì chi phí quá lớn", ông cho biết.
Đại biểu Lịch cho rằng, nếu siết chặt quy định quá, Việt kiều sẽ về nước mua nhà "chui", khi đó nhà nước quản lý sẽ càng khó hơn. Theo ông, nhiều đại gia ở trong nước bây giờ cũng đã ra nước ngoài mua nhà, mà chúng ta chưa có con số thống kê. Ông Lịch kiến nghị: "Chúng ta nên "mở", không nên "khóa" kỹ quá".
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN |
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Đào phát biểu: "Nếu thừa nhận 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận thì không nên có sự phân biệt, không được hạn chế quyền lợi của họ".
Ông lo ngại, nếu hạn chế thì sẽ vi phạm quy định của luật dân sự. "Sao chúng ta không lo lắng trước việc các tập đoàn nước ngoài đang kinh doanh, bán đất của chúng ta để kiếm lời mà lại đi lo những người có tư tưởng ái quốc về nước mua nhà để làm ăn, sinh sống".
Luật sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật nhà ở vừa điều 121 luật Đất đai sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/6.
So sánh quy định hiện hành và điểm mới của dự thảo bổ sung điều 126 Luật nhà ở. Dự thảo: 1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam: a) Người có quốc tịch Việt Nam; b) Người gốc Việt Nam thuộc diện: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng. 2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam". Quy định hiện hành: 1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. 2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ. |
Hoàng Khuê