Lấy về từ / captured from: www.vnexpress.net 
 



Thứ sáu, 21/1/2005, 15:51 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2005/01/3B9DAD02/ 

Cáp treo sẽ hoạt động trong lễ hội chùa Hương 2005

Quan Âm kiều sắp hoàn thành.

Sáng nay, ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, cho biết, cáp treo chùa Hương sẽ khai trương đón khách du xuân vào ngày khai hội. Hiện nhà ga trên tuyến cáp treo tại động Hương Tích, Giải Oan, Thiên Trù đã hoàn thành 90% khối lượng. 

Các nhà thầu đang cố gắng lắp xong cáp và ca bin trước 30 Tết. Toàn tuyến cáp sẽ được chuyên gia nước ngoài nghiệm thu trước khi cho phép hoạt động, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.

Ngoài cáp treo, tỉnh Hà Tây đang khẩn trương nâng cấp nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng như mở rộng đường trước động Hương Tích, nơi thường bị ùn tắc vào những ngày cao điểm. Đoạn đường mới mang tên Quan Âm kiều dài 108 m, rộng 6 m. Tại đây, du khách có thể dừng chân để thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình xung quanh Nam Thiên Đệ Nhất Động.

Suối Yến đã nạo vét xong với chiều dài 3,1 km, kinh phí 8 tỷ đồng. Bến, bãi đỗ xe cũng được mở rộng, nhà vệ sinh công cộng đã xây mới tại khu vực soát vé để phục vụ du khách tham quan... Năm nay, giá vé vào tham quan thắng cảnh chùa Hương là 35.000 đồng/người, bao gồm cả tiền xuồng, đò.

Trong lễ khai hội (mùng 6 tháng giêng), Sở Văn hoá thông tin Hà Tây sẽ tổ chức chương trình văn nghệ mang tên "Mùa xuân khai hội chùa Hương" với đông đảo diễn viên các đoàn nghệ thuật chèo. Ngoài ra, có nhiều cuộc giao lưu văn hoá giữa các tăng ni, phật tử và đoàn nghệ thuật trong các đêm hội. Tại chùa Thiên Trù, phòng triển lãm "Di sản chùa Hương" với nhiều hiện vật cổ và tranh ảnh sẽ giới thiệu toàn cảnh danh lam tới du khách.

Theo ông Đặng Văn Tu, Giám đốc Sở Văn hoá thông tin Hà Tây, Sở đã tổ chức tập huấn cho gần 5.000 người dân xã Hương Sơn về ứng xử, giao tiếp văn minh với du khách trong mùa lễ hội. Để phục vụ khách quốc tế, tại các hang động sẽ bố trí hướng dẫn viên để giới thiệu. Ông Tu cho rằng, công tác tập huấn sẽ làm giảm phần nào tình trạng bắt chẹt du khách đã gây bức xúc tại chùa Hương mọi năm.

Ông Lê Văn Nguyên, Phó chủ tịch UBND huỵên Mỹ Đức - Trưởng ban tổ chức lễ hội - nhận xét, bởi địa bàn Hương Sơn rất rộng nên khó phát hiện và xử lý các trường hợp bán hàng gian dối, cao giá, bắt chẹt khách. Như các vụ bán rau sắng, thuốc nam giả, khi đoàn kiểm tra đến thì người bán giấu giếm, khi đi khỏi thì người dân lại mang ra bán. Ông Nguyên cho biết, năm nay sẽ không cho phép hàng kinh doanh trong động Hương Tích và hạn chế hàng quán trên đường lên động để mở rộng mặt đường. Ngoài ra, từng bước yêu cầu các hộ bán hàng niêm yết giá bán.

Đoàn Loan



KHÓA ĐÀO TẠO NGẮN HẠN VỀ DU LỊCH
"Marketing và xúc tiến du lịch bền vững ở Việt Nam"
12:46' 16/12/2004 (GMT+7)
 http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/12/357041/ 

LÊ NGUYỄN

Nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về Du lịch và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; Giúp người học có kỹ năng hướng dẫn khách du lịch tham quan các tuyến điểm du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; Bổ sung điều kiện về văn bằng, chứng chỉ cho học viên để được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch...

Tổng cục Du Lịch Việt Nam và Tổ chức Phát triển bền vững Tây Ban Nha (FUDESO), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Tây Ban Nha (AECI) đã tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về du lịch tại Hà Nội, với sự tham gia của 60 cán bộ quản lý du lịch ở Trung ương và 38 tỉnh, thành phố trong nước.

Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Gonzalo Ortiz Diez-Tortosa đánh giá cao việc tổ chức khóa đào tạo lần này nhằm giới thiệu cho các học viên Việt Nam những kiến thức cơ bản về xúc tiến du lịch, nhất là góp phần thiết thực tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa ngành du lịch hai nước trong thời gian tới, đặc biệt là triển khai Hiệp định hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Tây Ban Nha được ký kết ngày 04.03.2002.

Được biết, khóa đào tạo lần này là một phần của Dự án "Marketing và xúc tiến du lịch bền vững ở Việt Nam" được ký kết giữa Tổng cục Du Lịch Việt Nam và Tổ chức Phát triển bền vững Tây Ban Nha (FUDESO).

Đại diện của một công ty lữ hành, yêu cầu đối với một hướng dẫn viên du lịch không chỉ là ngoại ngữ, kiến thức về các điểm du lịch, văn hóa, mà còn phải có một số các nghiệp vụ du lịch khác. Chỉ xét riêng về trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp, Nhật, Đức số hướng dẫn viên thông thạo những thứ tiếng này chỉ chiếm khoảng từ 5 - 12% trong tổng số trên 5.000 hướng dẫn viên được cấp thẻ.

Nội dung của khóa đào tạo tập trung vào 4 chuyên đề chính, do các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và nước ngoài giới thiệu, là Marketing điểm đến; Xúc tiến du lịch thông qua sự kiện quốc tế; Tính bền vững trong hoạt động xúc tiến quảng bá; Nghiên cứu Marketing và xúc tiến du lịch đảo Cát Bà.

Đây là dịp tốt để các học viên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, trao đổi và tiếp thu kiến thức chuyên sâu về quản lý, khai thác tài nguyên du lịch và nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, quảng bá, cũng như phát triển du lịch bền vững ở nước ta.

Khóa học bắt đầu từ 15.12, sẽ kết thúc vào ngày 18.12.2004.

L.N 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi



OXFORD ANALYTIKA ĐÁNH GIÁ:
Ngành du lịch Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á
07:49' 09/12/2004 (GMT+7)
 http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/12/354383/ 

NHIÊN HƯƠNG

Soạn: AM 215497 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Việt Nam là điểm đến của gần 2,4 triệu khách từ khắp nơi trên thế giới, tăng trên 27% so với năm 2003.

Mạng phân tích tin Oxford Analytika (OA) ngày 07.12 đánh giá trong năm 2004, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong các hoạt động khôi phục hoạt động của ngành du lịch.

Theo OA, kết quả này là nhờ những thành công của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực tuyên bố khống chế được dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp (SARS); được thế giới đánh giá là một trong những điểm đến an toàn nhất ở châu Á... Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện một số sáng kiến để thu hút du khách như rút ngắn thời gian và chi phí trong việc cấp thị thực nhập cảnh; xóa bỏ cơ chế đánh thuế hai lần của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam; đầu tư mua máy bay mới để lập các đường bay trực tiếp đến các thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành du lịch địa phương trong cả nước cũng đã đầu tư xây dựng, trùng tu mới nhiều khu du lịch như:

* Dự án Du lịch sinh thái – văn hóa thượng nguồn sông Cu Đê - TP,Đà Nẵng. Đặc biệt, bằng việc khôi phục nhà Gươl, cùng với 2 nhà Gươl do chính quyền thành phố đầu tư - dự án cũng khôi phục các lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu và góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân địa phương... Tổng vốn đầu tư dự án Về Nguồn là trên dưới 14 tỷ đồng, do phải mua 100% đồ cổ và các vật liệu truyền thống. Dự kiến, đầu năm 2005 dự án du lịch sinh thái - văn hóa Về Nguồn sẽ bắt đầu đón khách.

Kiến trúc sư David L.Andersen, nhà quy hoạch du lịch sinh thái nổi tiếng thế giới, đã cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện quy hoạch những khu du lịch sinh thái để thu hút du khách quốc tế

* Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB đã tài trợ chương trình Dự án phát triển du lịch tiểu vùng sông Mekong bằng vốn vay không tính lãi trong thời hạn 50 năm. Tổng cục Du lịch đã chọn An Giang và Tiền Giang là hai tỉnh có dòng sông chảy ngang qua để đưa vào chương trình dự án này. Chương trình tài trợ gồm năm cấu phần. Trong đó gồm có hỗ trợ xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường để phục vụ phát triển du lịch; phát triển một số khu du lịch cộng đồng; đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về quản lý phát triển du lịch.

Hội An điểm du lịch thu hút nhiều du khách

* Dự án Khu du lịch Lương Sơn và làng nghề, với tổng vốn đầu tư 10,3 tỷ đồng, Sở Thương mại- Du lịch Hoà Bình đã khởi công xây dựng công trình cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch huyện Lương Sơn. Có tổng chiều dài cả tuyến 8,6 km, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2005. Lương Sơn là một trong 4 trọng điểm du lịch của Hòa Bình, nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2010. Có vị trí nằm gần Hà Nội và chuỗi đô thị Láng - Hòa Lạc, được thiên nhiên ưu đãi, thuận lợi, Lương Sơn sẽ phát triển du lịch sinh thái và nghỉ cuối tuần...Tại đây đã hình thành nhiều làng nghề truyền thống góp phần thu hút du khách.

* Hội đồng vùng Nord-Pas de Calais (Pháp) vừa ký kết tài trợ 100.000 euro (gần 2 tỷ đồng Việt Nam) để khôi phục thí điểm 20 ngôi nhà cổ tại thành phố Huế. Được biết, dự án khôi phục này sẽ được triển khai thực hiện vào đầu năm 2005. Đây được xem là bước khởi đầu thực hiện việc gìn giữ và khôi phục 237 nhà cổ ở thành phố Huế trong tổng số 867 nhà cổ trên địa bàn tỉnh được xếp vào danh sách những ngôi nhà cổ cần được khôi phục và bảo vệ.

* Theo Liên doanh Công ty Du lịch Lâm Đồng và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và vật liệu xây dựng Sài Gòn, Liên doanh sẽ đầu tư 1 nghìn tỷ đồng vào dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, còn gọi là Khu du lịch Sài Gòn-Đà Lạt, nằm dọc tuyến cáp treo Đà Lạt. Theo đó, trên diện tích đất 219 ha, quy mô của dự án sẽ đầu tư xây dựng một quần thể các hạng mục, các phân khu chức năng: Khu dịch vụ vui chơi giải trí và thương mại; Khu nghỉ dưỡng; Khu biệt thự và khu khách sạn 5 sao...

* UBND thành phố Đà Nẵng vừa đồng ý chủ trương cho công ty TNHH Silver Shores (Hoa Kỳ) được thuê diện tích đất 200.000 m2 nằm ở phía nam khách sạn Furama, thuộc phường Bắc Mỹ An (Ngũ Hành Sơn) để xây dựng dự án “Trung tâm Du lịch và Giải trí Quốc tế đặc biệt Silver Shores” với các nội dung: phát triển trung tâm du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt; xây dựng và kinh doanh một tổ hợp khách sạn 600 phòng; khu biệt thự (50 cái - 400 phòng) đều đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao và khu vui chơi giải trí có thưởng đặc biệt dành riêng cho người nước ngoài. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 86 triệu USD.

* Sở Công nghiệp Quảng Nam cho biết Quỹ OPEC (thuộc tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới) đã có văn bản đồng ý cho tỉnh Quảng Nam vay 10 triệu USD để triển khai dự án "Ổn định dân cư và khôi phục phát triển 3 làng nghề truyền thống". Các làng nghề trong phạm vi dự án là làng dệt Đông Sơn (huyện Điện Bàn), làng dệt chiếu cói Bàn Thạch (Duy Xuyên) và làng đan lát Tam Vinh (thị xã Tam Kỳ) v.v..

Ngành du lịch địa phương trong cả nước cũng đã đầu tư xây dựng, trùng tu mới nhiều khu du lịch

Những nỗ lực này đã tạo nên sự bùng nổ về số lượng khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay với kết quả trong 10 tháng đầu năm 2004, Việt Nam là điểm đến của gần 2,4 triệu khách từ khắp nơi trên thế giới, tăng trên 27% so với năm 2003. Trong đó, du khách tăng gần 40%, đạt 1,3 triệu người; kiều bào về quê thăm nhà tăng gần 24%, đạt 387.000 người, du khách, doanh nhân tăng trên 14%, đạt 427.000 người. Thời điểm này, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã trở thành thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam với số du khách tăng thứ tự trên 27%, 28%, 29%.

Năm nay, Việt Nam đề ra mục tiêu đón 2,8 triệu du khách, đưa doanh thu du lịch lên 25.000 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD). Năm 2005, con số này sẽ là 3-3,5 triệu du khách và doanh thu là 2 tỷ USD. Muốn đạt được mục tiêu đề ra, công tác du lịch phải tập trung nâng cao chất lượng phục vụ và dịch vụ ở mọi hoạt động, giảm mạnh phiền hà cho du khách đồng thời xúc tiến quảng bá du lịch ở trong và ngoài nước.

Theo dự báo của Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC) vừa mới công bố, mức tăng trưởng của du lịch Việt Nam sẽ đạt 8,3% trong 10 năm tới, xếp hàng thứ 4 thế giới, chỉ sau Montenegro, Trung Quốc, Ấn Độ.

N.H 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi



Thứ ba, 23/11/2004, 16:40 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/11/3B9D8D29/ 

Thiếu phòng nghỉ, hàng loạt tour du lịch bị hủy

Khách sạn Sheraton Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn

Mặc dù trả giá cao gấp đôi nhưng Công ty cổ phần du lịch Việt (Viettour JSC) cũng không thể thuê nổi phòng cho đoàn khách dự Tiger Cup. Cuối năm nay, tất cả khách sạn 3-5 sao ở Hà Nội và TP HCM đều đã kín phòng, do lượng khách du lịch, tham dự hội nghị, hội thảo tăng đột biến.

"Từ khi làm lữ hành, chưa bao giờ việc thuê phòng khách sạn ở Hà Nội, TP HCM lại khó như vậy", Giám đốc Viettour JSC Vũ Minh Trang than thở. Theo chị Trang, tất cả tour du lịch Hà Nội và TP HCM trong năm 2004 đã khóa sổ từ tháng 10 do không thuê được phòng. Thời điểm này, công ty chỉ đón những khách không lưu trú ở Hà Nội, TP HCM hoặc xây dựng tour cho những quan chức, doanh nhân nước ngoài đã có phòng nghỉ.

Vietravel, một trong những doanh nghiệp du lịch hàng đầu của Việt Nam, cũng đang phải từ chối khách do không đáp ứng được dịch vụ lưu trú. Trưởng phòng du lịch trong nước, Vietravel Hà Nội Hoàng Tuấn Tú, cho biết: "Công ty có nhiều mối quan hệ nhưng thời điểm này cũng đành bó tay. Tất cả các khách sạn 3-5 sao ở Hà Nội và TP HCM đều kín phòng đến đầu năm 2005. Thuê khách sạn tư nhân cũng rất khó khăn".

Trao đổi với VnExpress chiều nay, lãnh đạo các khách sạn lớn ở Hà Nội và TP HCM đều tỏ ý bất ngờ trước tình trạng quá tải của hệ thống lưu trú. Trưởng phòng đối ngoại Daewoo Dương Thúy Hồng cho biết, nửa tháng nay, chị luôn đau đầu vì phải từ chối đơn đặt hàng của các đối tác quen. Hơn 400 phòng của Daewoo đều đã kín chỗ đến tháng 1 năm 2005. Trong ngày hôm nay, có 14 đoàn khách Á - Âu nghỉ tại khách sạn.

Theo Giám đốc kinh doanh khách sạn Melia Hà Nội Nguyễn Đức Quỳnh, tình hình kinh doanh tháng 11 của đơn vị này còn tốt hơn cả tháng 10 (khi có ASEM 5). Khách du lịch, tham dự các hội nghị, hội thảo dồn dập. Mặc dù giá phòng đã tăng 25% so với năm ngoái nhưng 98% phòng nghỉ của Melia đã được đặt hết tháng 12. Anh Quỳnh khẳng định, 2004 sẽ là năm kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay.

Theo các doanh nghiệp khách sạn và lữ hành, việc thực hiện một số đường bay thẳng và dỡ bỏ visa cho một số thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật... đã khiến lượng khách tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Tăng trưởng kinh tế và sự ổn định chính trị cũng giúp Việt Nam trở thành địa điểm hợp tác đầu tư và tổ chức hội nghị quốc tế. Các doanh nghiệp dự đoán, việc quá tải của các khách sạn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 11.000 buồng, phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Quang Lân cho rằng, số khách sạn từ 3 sao trở lên phải gấp đôi hiện nay mới đáp ứng đủ nhu cầu. Thời gian tới, thành phố sẽ tạo điều kiện cấp phép nhanh cho các dự án xây dựng khách sạn (100% vốn nước ngoài, liên doanh, doanh nghiệp trong nước tự đầu tư...).

Việt Anh



Thứ năm, 9/9/2004, 11:26 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/09/3B9D641D/ 

Giảm giá tour du lịch: Bài toán khó

Khách du lịch trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn

Giá tour đến VN cao ngất so với các nước Đông Nam Á, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, khó có thể giảm giá vào thời điểm này. Nguyên nhân là cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn quá thiếu và 3 ngành khách sạn, hàng không, lữ hành vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Hiện nay, giá tour Việt Nam - Thái Lan (5 ngày, 4 đêm) đang được chào bán 250-265 USD/khách. Với điều kiện ăn nghỉ tương đương, nhưng giá tour Thái Lan - Việt Nam lên tới 300 USD/khách. Tương tự, giá tour đi Singapore, Malaysia cũng luôn thấp hơn tour đến Việt Nam từ 15 đến 30%.

Theo kết quả điều tra mới đây của Tổng cục Du lịch, trong giá tour, phí lưu trú (ăn, ở) chiếm tới 45-50%, phí vận chuyển (vé máy bay vào Việt Nam, ôtô) chiếm 25-30%. Phần còn lại là chi phí hướng dẫn, tham quan và mua sắm. Giám đốc công ty du lịch Việt Nam tại Hà Nội Lưu Nhân Vinh cho rằng: "Giá vé máy bay, thuê phòng khách sạn của chúng ta cao hơn các nước bạn. Chi phí tour do vậy cũng tăng cao".

Một nguyên nhân nữa khiến giá tour Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực là sự liên kết giữa các ngành khách sạn, lữ hành, hàng không, thương mại chưa chặt chẽ. Khi xây dựng giá tour một hãng lữ hành Thái Lan chấp nhận không có lãi. Tuy nhiên, khi thiết kế tour họ đưa vào các chương trình shopping, điểm vui chơi. Nếu khách mua hàng tại siêu thị đó, họ sẽ được chia phần trăm. "Giá tour du lịch Thái Lan chỉ khoảng 200-300 USD nhưng chi phí mua sắm, giải trí của khách thường gấp 2-3 lần", ông Vinh nói.

Thế nhưng, giảm giá vé máy bay, thuê phòng khách sạn được coi là bất khả thi trong thời điểm hiện nay. Theo Giám đốc kinh doanh khách sạn Melia Hà Nội Nguyễn Đức Quỳnh, các khách sạn cao cấp ở Hà Nội đều đang trong tình trạng "cung không đủ cầu". Mới đầu tháng 9, nhưng hơn 75% số phòng của Melia Hà Nội đã được đặt trước cho tháng 10 và 11. "Với mức giá hiện nay khách sạn cũng không có phòng cho khách. Do đó, khách sạn sẽ không đặt vấn đề giảm giá", anh Quỳnh nói.

Khách sạn ở Hà Nội đang kín phòng.

Theo bà Gomi Suppiah, Giám đốc khách sạn Hilton Hanoi Opera thì không nên so sánh giá thuê khách sạn ở Việt Nam với các nước trong khu vực, bởi số khách sạn của họ gấp nhiều lần chúng ta nên phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Nhiều khách sạn tại Thái Lan, Malaixia... được đưa vào sử dụng khá lâu, đã hoàn vốn đầu tư. Do vậy, họ có thể đưa ra mức giá thấp nhưng vẫn có lãi. "Tuy nhiên, chất lượng phục vụ của các khách sạn 5 sao ở Việt Nam lại tốt hơn", bà Gomi Suppiah nói.

Còn Vietnam Airline thì cho rằng mặt bằng giá vé của hàng không Việt Nam không cao hơn so với nhiều hãng hàng không nước ngoài bay tới các điểm đến lân cận. Ông Dương Trí Thành, Trưởng ban tiếp thị hành khách của Vietnam Airlines, giá vé hãng bán cho du khách từ Nhật, Hàn Quốc và Pháp đến Hà Nội/TP HCM là 40.000-50.000 yên, 20.000-33.000 won và 500-660 euro. Các hãng hàng không nước ngoài bán vé từ Nhật, Hàn Quốc và Pháp đến Singapore/Kuala Lumpur/Bangkok là 37.000-55.000 yen, 26.000-30.000 won và 600-650 euro...

Nhưng có một thực tế là các hãng hàng không nước ngoài thường xuyên có những chính sách khuyến mại và luôn giành giá ưu đãi cho các công ty du lịch. Do đó, giá vé thực tế mà các hãng hàng không nước ngoài bán cho lữ hành thấp hơn nhiều so với giá niêm yết trong mùa cao điểm. Mùa hè năm nay, dân châu Á đổ xô du lịch Singapore khi hàng không Quốc đảo sư tử có chính sách khuyến mãi đặc biệt.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc chi nhánh Công ty Dịch vụ du lịch Bến Thành tại Hà Nội cho rằng, trong khi khách vào đông, khách sạn 3-4 sao thiếu mà đặt vấn đề giảm giá phòng và vé máy bay là “bất hợp lý và luẩn quẩn”. Vấn đề quan trọng hiện nay không phải lập tức hạ giá tour cho “giống người ta” mà cần có chính sách điều tiết từ vĩ mô như tăng cường thu hút vốn đầu tư xây dựng thêm khách sạn 3-4 sao, sửa đổi chính sách thuế hợp lý, giảm giá điện - nước cho khách sạn, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch...

Giá tour chưa thể giảm nhưng ngành du lịch Việt Nam cũng không quá bi quan. Theo Giám đốc công ty du lịch Việt Nam tại Hà Nội Lưu Nhân Vinh, giá tour chỉ là một yếu tố hấp dẫn khách. Nếu chất lượng phục vụ tốt và biết khai thác tiềm năng du lịch, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn du khách.

"Đối với khách có thu nhập khá như châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, chất lượng phục vụ mới là quan tâm hàng đầu. Việt Nam có những di sản văn hóa, danh thắng độc đáo. Đây là cơ hội để chúng ta phát triển loại hình du lịch - văn hóa, du lịch - mạo hiểm, tạo sự khác biệt so với các nước trong khu vực", ông Vinh nhận xét

Việt Anh



Thứ tư, 1/9/2004, 09:11 GMT+7
http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/09/3B9D604E/ 

Du khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn du khách. 

Theo Tổng cục Du lịch, hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài thị trường truyền thống châu Âu, Bắc Mỹ, lượng khách châu Á cũng tăng mạnh sau khi Việt Nam dỡ bỏ "rào cản" visa.

Chỉ riêng Hàn Quốc, trong 8 tháng đầu năm đã có 125.000 lượt khách đến Việt Nam, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách Đài Loan cũng đạt con số lý tưởng: 168.000 lượt người, tăng 45%. Đáng chú ý là một số thị trường khách có khả năng chi trả lớn như Mỹ, Canada cũng tăng vọt. Hơn 188.000 lượt khách Mỹ đã đến tham quan các danh thắng của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2004, Việt Nam có nhiều sự kiện du lịch lớn như "Năm du lịch Điện Biên", chương trình "Con đường di sản miền Trung" và mới đây là Lễ kỷ niệm 5 năm Hội An - Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đây chính là những điểm nhấn thu hút bạn bè quốc tế. Ngoài ra, việc miễn thị thực nhập cảnh cho khách Nhật, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.

Tuy nhiên, giá tour, giá phòng khách sạn tại Việt Nam còn cao so với các nước trong khu vực. Chi phí lưu trú 1 ngày tại khách sạn 3 sao ở Việt Nam là 35 USD, cao hơn 5-10 USD so với một số nước khu vực Đông Nam Á. Đây được coi là một trong những rào cản giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Việt Anh



 Chủ nhật, 29/8/2004, 15:00 GMT+7
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/08/3B9D5F02/  

Du lịch Con đường di sản: Hợp tác hay chia phần?

Click vào ảnh.
Thợ thủ công tại Hội An hướng dẫn trẻ em Nhật Bản làm đèn lồng.

Hôm qua, tại Hội An, lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã ngồi bàn với nhau về cách thức hợp tác du lịch trên “con đường di sản”, và phát hiện ra một điều: Lâu nay, vẫn chỉ mạnh ai nấy làm.

Tập trung đến 5 trong số 6 di sản thế giới của cả nước, miền Trung có tài nguyên du lịch nổi trội. Miền Trung của Việt Nam được đánh giá là điểm đến chính, ngang hàng với Langkawi của Malaysia, Cebu ở Philippines và Hải Nam của Trung Quốc. Để khai thác lợi thế tài nguyên này, “con đường di sản thế giới” đi qua 14 tỉnh miền Trung đã ra đời. Con đường di sản miền Trung 2004 đã mở đầu bằng lễ công bố di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, nối tiếp là Festival Huế, lễ hội nhịp cầu Xuyên Á, chương trình Cảm xúc mùa hè Hội An, liên hoan văn hoá du lịch Đà Nẵng, lễ hội 5 năm di sản thế giới Mỹ Sơn - Hội An và sắp tới sẽ là Festival biển Nha Trang. Như vậy đã hình thành chuỗi hoạt động khá đặc sắc trên “con đường di sản”.

Các địa phương đều nhận thấy sự hợp tác là cần thiết, do mỗi nơi có một lợi thế riêng, thậm chí sau này cần gắn kết cả với du lịch TP HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc kết hợp đó lại khá lỏng lẻo. Tình trạng này, theo Sở Du lịch Quảng Nam và Đà Nẵng, là “hoạt động trong thế độc lập tương đối” hay “mạnh ai nấy làm”. Đã có một số hoạt động phối hợp về xúc tiến du lịch, tour kết hợp, nâng cao chất lượng dịch vụ... nhưng phần lớn đều là tự phát của các doanh nghiệp, chưa có cơ chế hoạt động phối hợp cũng như chưa có sự tác động từ các cơ quan cao hơn, như Tổng cục Du lịch.

Click vào ảnh.
Trẻ em Việt Nam học nghệ thuật gấp giấy từ thanh niên Nhật Bản.
Không những thế, theo nhận định của Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Lương Minh Sâm, thì tình trạng “bất hợp tác không phải không có”. Đã xuất hiện hiện tượng 3 tỉnh có 3 cảng biển cạnh tranh về du lịch biển (loại hình đang “lên”), không có các thông tin về sản phẩm du lịch, quy hoạch du lịch của nhau dẫn đến đầu tư lãng phí.

Tuy nhiên, dường như việc tìm ra một cách thức gắn kết hiệu quả vẫn còn là vấn đề thời gian. Các địa phương phải lo trước mắt tới lợi ích của mình, khai thác thế mạnh và giữ khách cho mình. Với cảng hàng không quốc tế lớn nhất của khu vực, Đà Nẵng tỏ ý muốn làm cánh cửa vào ngôi nhà di sản miền Trung. Nhưng Huế cũng có sân bay Phú Bài để trực tiếp đón khách mà không phải lo ngóng xem khách xuống sân bay Đà Nẵng sẽ đi Huế hay Hội An.

Liên kết là cách tất yếu để đẩy mạnh hoạt động du lịch ở miền Trung. Cho dù các nhà quản lý còn bàn bạc và đề xuất cơ chế họp hành, thông tin hay mong chờ sự tham gia điều phối của cấp cao hơn (tin chắc rằng cuối cùng thì những đề xuất đó sẽ đều thực hiện được), thì mạng lưới liên kết cũng đã hình thành và hoạt động ở các doanh nghiệp du lịch rồi. Đó là sự hình thành tự phát, nhưng hiệu quả cho doanh nghiệp, giải quyết được nhu cầu phát triển hoạt động du lịch.

Q. Hà (từ Quảng Nam)



 Thứ tư, 30/6/2004, 11:18 GMT+7 
 http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/06/3B9D4083/ 

Du khách nước ngoài chật vật tìm thông tin về VN

Khách nu?c ngoài gi?i khát sau khi di b? tham thành ph?
Khách du lịch giải khát sau cả ngày du lịch quanh TP HCM. Ảnh: Thanh Lê

Mike Jessee, du khách người Canada trước khi sang Việt Nam đã dành khá nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin về địa điểm tham quan, giá phòng, bản đồ du lịch Việt Nam..., nhưng anh hoàn toàn thất vọng.

Mike kể: "Tôi đã vào google, phát hiện địa chỉ www.vietnamtourism.com để tìm kiếm, nhưng nó làm tôi chán nản. Các bài viết về điểm du lịch trên website rất dài, trong khi không có thông tin về đường đi, giá vé, thời tiết của địa phương đó. Cũng không thấy có địa chỉ để liên lạc". Cuối cùng anh phải nhờ đến sự giúp đỡ của một người bạn ở Việt Nam. 

Trường hợp của Mike không phải ngoại lệ. Julien Delord và Carole Baudin, đôi bạn đến từ Paris cũng lúng túng trong việc chọn lựa điểm đến và các tour du lịch. "Chúng tôi chọn Việt Nam là điểm đến thay cho Thái Lan, Indonesia vì đất nước này được biết đến nhiều qua các cuộc chiến. Đáng tiếc là thông tin chủ yếu chúng tôi có được lại là từ các cuốn sách du lịch của nước ngoài, nhưng những hướng dẫn về đường đi, phương tiện đi lại, đặc điểm văn hoá và con người ở từng địa phương hầu hết rất mù mờ".

Anh Graham Carnaffan, du khách Anh, cho rằng, thông tin ở các cuốn hướng dẫn du lịch như Lonely Planet hoặc Rough Guide không phải lúc nào cũng chính xác vì chỉ cập nhật mỗi năm một lần. "Tôi đã đến Hà Nội và đi Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là địa điểm du lịch thú vị nhưng không có trên bản đồ du lịch của Lonely Planet".

Tuy nhiên, "có còn hơn không", James Brown - du khách người Anh khẳng định. Các cuốn guide book có đôi chỗ không chính xác nhưng với anh nó rất hữu ích. Theo James, Việt Nam cần tham khảo để xây dựng những cuốn sách tương tự và có được một website du lịch chuyên nghiệp hơn. "Chúng tôi cần bản đồ du lịch Việt Nam và từng khu vực. Khi liên kết với các trang web khu vực như TP HCM, Huế, Đà Nẵng, thông tin cần nhất là thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm); địa điểm (ảnh nơi tham quan, khu vực ẩm thực, đặt phòng khách sạn, khu vực vui chơi); giao thông (mất bao lâu đến địa điểm tham quan, phương tiện đi lại, chi phí); các thủ tục (thời gian làm visa, chi phí); dịch vụ đặt vé máy bay...".

Còn theo Graham: "Nếu tôi là người thiết kế website du lịch cho một địa phương của Việt Nam, chẳng hạn như TP HCM, tôi sẽ liệt kê các địa điểm shopping, khu vực ẩm thực, tranh ảnh của các điểm tham quan, những đặc trưng văn hoá khác biệt của thành phố. Những hình ảnh về làng nghề cũng là điều gây cho tôi nhiều thích thú".

Những khó khăn trong tìm kiếm thông tin du lịch đang là trở ngại lớn của Việt Nam trong quảng bá và thu hút khách du lịch quốc tế. Đây cũng là tình trạng chung của các nước trong khu vực như Lào, Campuchia.

"Chính phủ Việt Nam cần tạo nhiều kênh thông tin để giới thiệu hình ảnh Việt Nam cho toàn thế giới. Chúng tôi tin với sự hiếu khách và thiên nhiên ưu đãi, du lịch của đất nước các bạn sẽ rất phát triển. Bản thân tôi rất hài lòng vì đã chọn Việt Nam làm điểm dừng chân trong chuyến đi này" - anh Graham nói.

Lê Thanh



© 
®