Lấy về từ / captured from:  www.nguoivienxu.vietnamnet.vn  
DU KHÁCH QUỐC TẾ MỪNG 2005 TẠI TPHCM
Saigontourist: 2004 đón hơn 50.000 khách quốc tế
08:25' 02/01/2005 (GMT+7)
  http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/thongtindulich/2005/01/361579/ 

Tin, ảnh: NGÂN HƯƠNG

Du khách nước ngoài tại Vườn Thượng Uyển - khách sạn Rex

Đêm 31.12.2004, Công ty Dịch vụ – Lữ hành Saigontourist tổ chức đón mừng năm mới tại khách sạn Rex cho hơn 200 du khách Nhật, Pháp, Anh, Nga, Hoa Kỳ, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Áo, Hà Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc hiện có mặt tại TP.HCM theo chương trình tour của Công ty.

Du khách được tham dự các chương trình ẩm thực, ca nhạc Việt Nam phong phú, cùng với các hoạt động vui chơi sinh động do chính cán bộ - công nhân viên Công ty tổ chức thực hiện, thể hiện truyền thống hiếu khách của đất nước và con người Việt Nam. Đây cũng là hoạt động truyền thống hằng năm của Công ty Dịch vụ – Lữ hành Saigontourist, cùng du khách đón mừng một năm mới tốt đẹp và hạnh phúc.

Lượng khách quốc tế này là số du khách quốc tế cuối cùng trong số hơn 50.000 khách quốc tế của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đón trong năm 2004 (tăng 30% so với năm 2003). Vào ngày 01.01.2005, Ban Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist tiếp đón những du khách đầu tiên của Công ty trong năm 2005 tại sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN 826 và VN 951.

Không chỉ đạt kết quả khả quan với thị trường du lịch quốc tế, trong năm 2004,  thị trường du lịch trong nước của Saigontourist đã đạt hơn 100.000 khách với mức tăng trưởng hơn 50% so cùng kỳ 2003. Năm 2005 sẽ là cột mốc đánh dấu 30 năm hình thành và phát triển thương hiệu lữ hành Saigontourist. Phương hướng hoạt động trong năm mới của Saigontourist vẫn sẽ gắn kết với các hoạt động cộng đồng và xã hội trong và ngoài nước, với các lễ hội lớn của thành phố và đất nước nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác củng cố – xây dựng và phát triển thương hiệu Công ty; giữ vững cam kết về chất lượng Saigontourist, tập trung phát triển kinh doanh đa dạng dịch vụ lữ hành đối với thị trường trong và ngoài nước, nâng cao trình độ quản lý và phát triển nhân sự trong điều kiện thị trường và chuẩn bị hội nhập hiện nay…

N.H

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

  Trở về đầu trang

DANH THẮNG AN GIANG
Khu du lịch hồ Soài So
08:43' 10/12/2004 (GMT+7)

Mặc dù đây là một điểm du lịch mới được khai thác trong những năm gần đây, nhưng hồ Soài So luôn thu hút được rất nhiều khách du lịch tới để tham quan, cắm trại bởi phong cảnh nên thơ, hùng vĩ của ngọn núi Tô và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.

Từ xa ta có thể nghe được tiếng nước chảy của con suối Bạc đổ xuống hồ Soài So rộng 5ha, có dung tích 400.000m3. Ngoài việc phục vụ du lịch, hồ còn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 150.000 người dân thuộc khu vực thị trấn Tri Tôn. Dọc theo chân núi gần hồ còn có nhiều chùa, miếu đã làm tăng thêm sự tôn nghiêm, tĩnh lặng. Vào sâu phía bên trong hồ, du khách sẽ được đi dạo dưới bóng mát của vườn xoài, với những cây xoài đại thụ xen lẫn với những vườn rau, vườn điều do người dân trồng, góp phần tạo cho cảnh quan nơi đây càng mang nhiều sắc thái của nơi thôn dã, gây trong lòng du khách một ấn tượng khó quên.

(ST)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA
LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH?
Cần hợp tác để cạnh tranh
10:53' 27/09/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/vandecuachungta/2004/09/264256/ 
So?n: AM 152649 g?i d?n 996 d? nh?n ?nh này qua MMS

"Mặc dầu số lượng du khách đến liên tục tăng, tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ta còn kém xa"

Một đặc điểm dễ nhận thấy trong chiến lược quảng bá cho du lịch tại một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia... là mục đích đưa hình ảnh đất nước với nhiều tính độc đáo, hơn là nhấn mạnh đến bản thân mỗi doanh nghiệp.

 

Bởi lẽ, họ hiểu rằng quyền lợi bản thân mỗi doanh nghiệp chỉ thật sự tăng lên và có tính bền vững khi chiến lược quốc gia được thực hiện tốt. Họ không ngại bỏ tiền thuê tư vấn nước ngoài làm các khâu từ thiết kế logo, biểu trưng đến những chương trình quảng cáo quốc tế rầm rộ. Chính vì sự chu đáo này mà khi xem những hình ảnh tuyên truyền du lịch của các nước dễ dàng nhận thấy sự độc đáo, thân thiện và đầy sức thu hút. Hiệu quả đến từ cách nghĩ và cách làm chuyên nghiệp.

 

Ở nước ta, ngành du lịch vẫn chưa thể hiện được điều đó. Mặc dầu số lượng du khách đến liên tục tăng, tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ta còn kém xa. Có thể phải đến năm 2010 chúng ta mới đạt được con số bằng với hiện tại của các nước lân cận, trong khi tiềm lực hiện có không yếu chút nào.

 

Du khách nước ngoài đến Việt Nam phần nhiều không phải vì những thông tin có được một cách trực tiếp từ các chương trình quảng bá mà hầu hết do gián tiếp nhờ sự năng động của các công ty lữ hành nước ngoài. Trong suy nghĩ của họ, Việt Nam đồng nghĩa với đất nước sau chiến tranh, nghèo khổ… hơn là nơi có những cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ, một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Soạn: AM 152651 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

"Tỉ lệ du khách quay trở lại Việt Nam rất thấp (khoảng 15%) đã thể hiện điều đó"

Tuy nhiên kích thích sự tò mò không phải là giải pháp hay để thu hút du khách, bởi lẽ như thế chỉ có thể làm họ đến một lần rồi không trở lại, hiệu quả tuyên truyền gián tiếp đến các khách hàng tiềm năng khác sẽ không cao.

 

Tỉ lệ du khách quay trở lại Việt Nam rất thấp (khoảng 15%) đã thể hiện điều đó. Những chương trình quảng cáo của chúng ta trên các phương tiện truyền thông quốc tế còn quá ít, manh mún, trong khi đây là một kênh thông tin rất mạnh, được hàng triệu người trên toàn thế giới quan tâm.

 

Các doanh nghiệp trong ngành thì mỗi nơi làm một kiểu, không thống nhất theo một phương hướng chung nào hết. Mỗi lần ngồi lại với nhau thì chỉ nghe kiến nghị, tranh cãi, bên này đổ lỗi cho bên kia là nguyên nhân làm cho giá tour cao, kêu ca chính sách hỗ trợ... để rồi sau đó đâu lại hoàn đấy, mỗi người tự lo cho công việc kinh doanh của mình.

 

Cách nghĩ còn "ngắn hạn" đã làm cản trở không ít những cố gắng đưa hình ảnh du lịch quốc gia đến với bạn bè quốc tế. Tính cộng đồng trong quá trình làm du lịch là điều mà chúng ta còn thiếu.

 

Để góp phần nâng cao tính cạnh tranh của toàn ngành, ngoài sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp đòi hỏi phải nâng cao tính chuyên nghiệp, ý thức cộng đồng trong tuyên truyền, quảng bá, bởi lẽ những lợi ích mà quá trình này đem lại tuy không trực tiếp làm cho con số lợi nhuận tăng cao nhanh chóng nhưng có vai trò quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Hợp tác để cạnh tranh là vậy.

 

HOÀI NAM (Q.10) 

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

NHẬT BÁO MEXICO:
"Sức hút của các tuyến du lịch truyền thống Việt Nam"
www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/09/257084/ 
07:28' 09/09/2004 (GMT+7)

Hạ Long

Bài viết đăng trên "Nhật báo" của Mexico số ra ngày 07.09 nhận định rằng ngành du lịch Việt Nam đã vượt qua những thách thức của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS), dịch cúm gia cầm và những tác động tiêu cực của tình hình quốc tế để khai thác triệt để mọi tiềm năng sẵn có, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Dưới đầu đề "Việt Nam nâng cao sức hút của các tuyến du lịch truyền thống", bài báo phản ánh những đổi thay đang diễn ra tại các danh lam thắng cảnh lớn của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, miệt vườn sông Cửu Long và những di tích lịch sử như Đường mòn Hồ Chí Minh, Địa đạo Củ Chi... Bài báo nhấn mạnh chính phủ và các công ty lữ hành Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị liên doanh với nước ngoài, đang đầu tư theo chiều sâu, mở thêm các tuyến du lịch bãi biển, sinh thái, thể thao, văn hóa để tăng sức hấp dẫn cho các miền đất mới.

Chùa Thiên Mụ - Huế

Bài báo ca ngợi những thành quả của SAIGONTOURIST, đơn vị đầu đàn của ngành du lịch Việt Nam, hiện có 15.000 nhân viên, 70 khách sạn, 8 khu nghỉ mát, 26 nhà hàng và có quan hệ làm ăn với gần 300 công ty lữ hành quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2004, SAIGONTOURIST đã đạt doanh thu 114 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và hoàn toàn có khả năng vượt mục tiêu đón 1,45 triệu khách du lịch trong và ngoài nước với tổng doanh thu 209 triệu USD trong năm nay.

Bài báo khẳng định những bước tiến vững chắc của SAIGONTOURIST đã phản ánh triển vọng phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong nỗ lực duy trì mức tăng trưởng cao và bền vững.

(TTXVN)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



VIỆT KIỀU HUGH HIẾU NGUYỄN
Khám phá du lịch xứ sở “Chín Rồng“
www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/08/230102/ 
07:56' 25/08/2004 (GMT+7)

Ông Hugh Hiếu Nguyễn ( bên trái) - Việt kiều Mỹ, người tham gia Dự án phát triển du lịch xanh ở Vĩnh Long

Đi thuyền trên sông đón gió, hòa cùng cảnh sắc nước trời mây, lòng người trở nên thanh thản lâng lâng, bỗng nghe đâu đây như trong gió có tiếng đàn, câu vọng cổ ngân vang… Đó là ước mơ của ông Hugh Hiếu Nguyễn khi lần đầu về thăm quê hương (từ năm 1989), về nơi mà những năm tuổi thơ của ông tràn ngập bao kỷ niệm ở vùng đất “Chín Rồng” - vùng đất đầy ắp phù sa của đồng bằng sông Cửu Long bốn mùa cây trái đơm bông, trĩu quả.

“Chưa về đã nhớ, nỗi nhớ quê hương da diết đến “cháy lòng”, nhưng khi về rồi lại muốn ở luôn, muốn chìm đắm giữa màu xanh thiên nhiên của vùng sông nước đặc sắc Lục Tỉnh Nam Kỳ…hiếm có này“. Đó là niềm tâm sự của ông Nguyễn khi giải thích vì sao đã nhiều năm ông định cư ở Mỹ, nay là một trong số ít người đi tiên phong trong việc đầu tư phát triển Khu du lịch sinh thái đồng bằng sông Cửu Long. Phóng viên chuyên san Người Viễn Xứ có dịp được trao đổi cùng ông Hugh Hiếu Nguyễn về Dự án Đầu tư Du lịch xanh ở Cù lao An Bình thuộc địa phận Vĩnh Long.

Kế thừa - khám phá Đất Phương Nam

Nổi giữa dòng sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long là cù lao An Bình rộng 60km2 với đất đai màu mỡ, cây lành trái ngọt. Cù lao là điểm du lịch xanh thu hút khá nhiều du khách bởi vẫn còn giữ đậm nét văn hóa miệt vườn, của thời kỳ khai phá “Đất phương Nam”. Trên cù lao, kênh rạch chằng chịt như một mê cung, du khách len lỏi giữa những vườn cây trái trĩu cành… Nơi đây mang lại cho du khách bốn phương một cảm giác thanh bình, yên ả.

Du lịch sông nước Đồng bằng sông Cửu Long

Tuy nhiên để làm kinh tế, nhất là phát triển “du lịch xanh” thì… điều đó vẫn chưa đủ để thu hút khách du lịch trong nước, đặc biệt là du khách quốc tế đến với du lịch đồng bằng sông Cửu Long, mà Vĩnh Long có rất nhiều ưu thế vượt trội so với nhiều địa phương khác. Bởi lẽ, làm kinh tế du lịch không đơn giản chỉ là dẫn đường cho du khách đến xem phong cảnh thiên nhiên, rồi …nhịn đói quay về; hay là chỉ lênh đênh trên những chuyến đò du lịch giữa bốn bề sóng vỗ dọc theo con sông Cổ Chiên hiền hòa, các rạch Long Hồ, Cái Cá, Cầu Lầu…như một mê cung để rồi đến lúc mỏi mệt không thể tìm đâu ra một chỗ ngủ đạt tiêu chuẩn của “sao”. Đó cũng chính là một trong những lý do mà ông Hiếu Nguyễn muốn đầu tư vào Vĩnh Long, đặc biệt là cù lao An Bình thơ mộng và lý tưởng cho những tour du lịch của Việt kiều về thăm quê hương và cho cả du khách quốc tế.

Hồn quê - và những luồng gió mới

Dự án Đầu tư phát triển khu du lịch An Bình của ông đã được cấp phép chưa, thưa ông?

Dự án của chúng tôi đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê chuẩn và cho phép thực hiện. Việt kiều ai cũng mong muốn khi trở về quê hương tìm cho mình một mảnh đất để đầu tư, và cuối đời được sống và chết trên quê hương. Tôi cũng vậy, không ngoài niềm mơ ước đó đâu. Vĩnh Long cũng chính là quê hương, nơi “chôn rau, cắt rốn” của tôi. Vĩnh Long được chúng tôi chọn để đầu tư vì chính sách và cơ chế rất thoáng và cởi mở. Chúng tôi - Công ty H&H Enterprises có hoài bão lớn lao: Nếu dự án được thực hiện thành công, chúng tôi không chỉ thu hút du khách ở khu vực xung quanh tỉnh Vĩnh Long, mà còn thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Trung tâm du lịch của chúng tôi.

Vốn đầu tư cho dự án này là bao nhiêu? Thời gian khởi công và chế độ đền bù giải tỏa như thế nào?

Vốn đầu tư cho dự án này rất nhiều. Tuy nhiên, khi đầu tư chúng tôi chia ra 3 giai đoạn để xây dựng.

"Chợ nổi" trên sông

Giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ tiến hành trong thời gian 5 năm với diện tích 50 ha, vốn đầu tư ban đầu sẽ là 15 triệu USD. Trong đó, ưu tiên cho đền bù giải tỏa 70%. Chúng tôi tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt xây dựng khu biệt thự du lịch xanh để mời Việt kiều từ các nước muốn về quê hương sinh sống. Họ sẽ đến đây ở với sự phục vụ chu đáo và  tiện nghi hiện đại như các nước tiên tiến. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng nhà ở, khu dân cư cho thuê và có thể bán cho người có nhu cầu.

Giai đoạn 2, chúng tôi sẽ xây dựng một Trung tâm vui chơi, giải trí có diện tích 50 ha - Khu vui chơi Disneyland tại Việt Nam. Đây là điểm hẹn lý tưởng cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam sẽ đi qua khu vực này. Trung tâm giải trí Disneyland sẽ do những chuyên gia ở nước ngoài chuyên về địa ốc thiết kế.

Giai đoạn 3, cũng với diện tích 50 ha, chúng tôi sẽ thành lập một Trung tâm du lịch “Thế giới thu nhỏ”, là những mô hình tương tự như các trung tâm du lịch nổi tiếng trên thế giới. Chúng tôi sẽ xây dựng những khu phố tiêu biểu mô phỏng theo kiến trúc và văn hóa Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ… Mặc dù không thể nào đạt đến 100% là bản sao của từng khu phố nổi tiếng trên thế giới, nhưng du khách Pháp sẽ rất ấm lòng khi tìm thấy ở đây một góc phố của Paris hoa lệ. Du khách Anh sẽ rất vui khi đến đây trong niềm xúc cảm và sự thanh thản như đang dạo trên đường phố London của chính quốc…

Xin cảm ơn ông!

 

 

Miền Tây là vùng đất lý tưởng cho phát triển du lịch sông nước, đưa con người trở về gần gũi với thiên nhiên. Từng hòn đá, ngọn cỏ… cũng trở nên có hồn khi ta thực sự hiểu và biết yêu quý, trân trọng. Những ai có dịp về thăm vùng đất “địa linh, nhân kiệt” này, xin đừng quên một Long Hồ Dinh - từ thuở người xưa mang gươm đi mở nước và còn văng vẳng trong gió … tiếng lục lạc của ngựa phi.

Không ở đâu đặc biệt và đáng yêu như thiên nhiên và con người Nam Bộ…Tất cả những gì mà thiên nhiên mang đến cho du khách là nét đặc trưng không nơi nào có được. Và sẽ không có gì thú vị bằng, khi chúng ta ngồi giữa sông nước mênh mông, nghe tiếng chèo khua, tiếng mời chào rộn rã của những người đi “chợ nổi” làm vang dội cả vùng Cửu Long giang…

 

NGUYỆT QUẾ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



QUAN HỆ VIỆT- NHẬT
Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với Nhật về du lịch
www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/07/219090/ 
09:03' 24/07/2004 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Vũ Khoan và Hạ nghị sĩ Koga Makoto

Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề nghị các cơ quan hữu quan Việt Nam và Nhật Bản nhanh chóng hoàn tất thủ tục để sớm ký Hiệp định hợp tác du lịch, đồng thời bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào các khu du lịch và giúp Việt Nam đào tạo nhân lực ngành du lịch.

Tại buổi tiếp đoàn giao lưu kinh tế - văn hóa - du lịch và thể thao Nhật Bản do Hạ nghị sĩ Koga Makoto dẫn đầu, Phó Thủ tướng cho rằng tiềm năng hợp tác du lịch giữa hai nước rất lớn và Việt Nam sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực này.

Hạ nghị sĩ Koga Makoto nói hai nước cần tăng cường các hoạt động giao lưu, đặc biệt là giao lưu giữa học sinh, sinh viên và cho biết Nhật Bản đã sẵn sàng ký Hiệp định về hợp tác du lịch với Việt Nam.

Du khách đăng ký mua tour trong tháng bảy và tám tại Công ty Vietravel cũng đã đạt gần 3.000 khách. Còn Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist trong tháng sáu có 1.200 khách Nhật và đến tháng bảy sẽ đạt khoảng trên 1.500 khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty du lịch Fiditourist, cho biết sẽ có thêm hơn 1.000 khách Nhật mua tour đến VN trong hai tháng bảy và tám, trong đó có khoảng 100 khách MICE (du lịch - hội nghị).

Tại buổi tiếp, đại diện một số tập đoàn lớn của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực hàng không, đường sắt, cảng, du lịch lữ hành, đã bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hợp tác du lịch, đồng thời mong muốn nhận được sự ủng hộ từ phía Việt Nam.

Nhân dịp này, ông Koga Makoto đã tặng Phó Thủ tướng Vũ Khoan giống sen quý với hy vọng giống sen trên sẽ được nhân rộng ở Việt Nam, để nơi đây trở thành điểm thu hút du khách Nhật Bản.

(TTXVN)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



TỪ DU LỊCH MALAYSIA...
Ngẫm nghĩ về du lịch Việt Nam
http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/07/173345/ 
10:51' 06/07/2004 (GMT+7)

Cảnh đẹp Malaysia

"Chưa đến Genting Highland coi như chưa đến Malaysia"- các bạn đồng nghiệp hãng Thông tấn BERNAMA khuyến cáo như vậy - làm chúng tôi háo hức khi đặt chân đến địa danh này. Đây là khu du lịch trên núi cao 1.500 m so với mặt nước biển như là ở Tam Đảo, Sapa của Việt Nam.

Genting - khu du lịch hấp dẫn du khách

Tòa tháp ở Kualumpur

Genting nằm cách phía bắc thủ đô Kuala Lumpur theo đường chim bay khoảng 25 km, nhưng đi đường ôtô phải gần 60 km với những cua tay áo nhiều tầng lắt léo. Ở xứ nóng như Malaysia, có vùng núi cao như vậy, nhiệt độ bình quân chỉ từ 18 đến 22 độ C, là nơi có không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, Genting rất hấp dẫn khách du lịch. Đường lên Genting đã được đầu tư thành đường rải nhựa bê tông hai chiều, tấp nập xe ô tô của du khách lui tới.

Chủ khu du lịch Genting là ông Lim Goh Tong, nay 80 tuổi, là người được mệnh danh giàu thứ 4 ở Malaysia. Khu du lịch này có nhiều khách sạn, nhưng nổi bật nhất là các khách sạn 5 sao: Hotel Genting, Hotel Highland, Hotel First World.... với quy mô từ 14 đến 20 tầng. Khu du lịch này có cáp treo đưa du khách thưởng ngoạn những khu rừng nguyên sinh ở lưng chừng núi với giá vé người lớn 15 RM (tương đương hơn 4 USD). Sòng bạc ở khu du lịch này hoạt động suốt ngày đêm. Siêu thị và nhiều trò chơi ở dưới tầng hầm Hotel Genting lúc nào cũng tấp nập dòng người không ngớt. Bình quân hằng ngày có từ 3.000 đến 4.000 lượt du khách đến Genting, có lúc cao điểm lên đến 8.000 lượt du khách, trong đó 2/3 là du khách nội địa, 1/3 là du khách nước ngoài. Với lượng khách đông như vậy, giải quyết nơi để hàng nghìn xe ôtô là cả vấn đề không đơn giản. Hầu hết xe ôtô đều đỗ dưới tầng hầm các khách sạn rất an toàn.

Bãi biển đẹp ở Malaysia

Trong khu vực Đông Nam Á, không chỉ Thái Lan mà Malaysia đang là nơi hấp dẫn khách du lịch. Năm ngoái, Malaysia đã đón 10,57 triệu lượt khách quốc tế, gấp gần 5 lần so với số lượng khách đến Việt Nam. Nếu không bị ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) thì số lượng khách du lịch quốc tế đến Malaysia có lẽ còn lớn hơn nhiều. Đỉnh cao là năm 2002, Malaysia đã đón được 13,3 triệu lượt khách quốc tế mang lại thu nhập trên 6,3 tỷ USD từ du lịch. Những tháng đầu năm 2004, mặc dù dịch bệnh cúm gà có ảnh hưởng đến du lịch của khu vực, nhưng Malaysia hầu như ít bị ảnh hưởng. Bình quân mỗi tháng có từ 1,2 triệu đến hơn 1,4 triệu lượt khách quốc tế đến Malaysia, tăng hơn 30% so với năm trước. Năm nay, ngành du lịch Malaysia phấn đấu thu hút khách quốc tế vượt đỉnh cao năm 2002.

Malaysia Truly Asia

Du lịch đang là ngành kinh tế thu ngoại tệ lớn thứ 2 ở Malaysia. Hệ thống khách sạn trên phạm vi cả nước Malaysia hiện có trên 140.000 phòng với công suất khai thác đạt bình quân từ 60 đến 70% với gía bình quân 60 - 70 USD/ngày đêm. Triển vọng kinh doanh du lịch năm nay sẽ tốt đẹp hơn năm ngoái nhờ sự hỗ trợ, tiếp sức của Chính phủ trong quảng bá du lịch. Chính phủ Malaysia đã đưa ra được một khẩu hiệu quảng bá du lịch rất ấn tượng:

"Malaysia Truly Asia" (Malaysia đích thực châu Á). Khẩu hiệu này rất có hiệu quả, muốn nhắn nhủ tới du khách chỉ cần đến thăm Malaysia là có thể biết được toàn bộ châu Á. Thông điệp này có tác động rất lớn trong việc thu hút khách du lịch từ khắp các châu lục.

Thành phố Kualumpur - Malaysia

Cách quảng bá nói trên không thể chê vào đâu được, nhưng cái chính là Malaysia đã đầu tư và biết khai thác tiềm năng du lịch có hiệu quả. Ngành "công nghiệp không khói" của Malaysia đã hình thành những tour du lịch hấp dẫn khách từng châu lục. Đối với du khách châu Á, Malaysia hấp dẫn bởi những thành phố với kiến trúc hiện đại, những khu vui chơi giải trí lớn như Genting hay Sunway Lagoon. Tour du lịch mới đang được bạn quảng bá là Putrajaya, thủ đô tương lai của Malaysia với nhà ở, văn phòng, cung điện của Nhà vua, nhà thờ hồi giáo, dinh Thủ tướng mới kiến trúc nguy nga nằm xen giữa các vườn cây quanh hồ nhân tạo rộng 615 ha( gấp 1,5 lần so với Hồ Tây - Hà Nội) với một hệ thống cầu dây văng như những cánh buồm khổng lồ vươn giữa trời xanh bắc qua hồ nước cùng những công viên và đồi cây vừa được tôn tạo đẹp mắt đang được tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng và hoàn thiện. Du khách châu Âu và Bắc Mỹ lại bị hấp dẫn bởi thiên nhiên hoang dã của những khu rừng quốc gia, những khu nghỉ mát ven biển thơ mộng kéo dài từ Langkawi, Penang đến thành phố cổ Melaka.

Penang - Malaysia

Không chỉ mời chào đến với những thắng cảnh bằng những chiến dịch quảng bá khôn khéo, Malaysia còn cố gắng tạo ra trong mắt du khách nước ngoài hình ảnh là nơi mua sắm hàng hóa rẻ. Ở Kuala Lumpur, Genting hay Melaka, đâu đâu cũng có những trung tâm mua sắm khổng lồ như Twin Tower Petronas (Tháp đôi), Time Square, BB Plaza... rộng hàng chục nghìn mét vuông với đủ các loại hàng hóa mà tầng hầm của các trung tâm này có thể chứa được hàng nghìn ô tô. Trung tâm mua sắm hàng hóa nào cũng đề biển đại hạ giá (Mega Sales) từ 20-30%, thậm chí có mặt hàng đề giảm giá 70%. Cứ 3 lần trong một năm, Malaysia lại có những chiến dịch rầm rộ như vậy và đây là lần thứ 3, họ thực hiện chương trình này với ý đồ muốn biến "Malaysia thành một trung tâm mua sắm nổi tiếng"...

Sao không quảng bá "Vietnam Truly world nature heritage”?

Thoáng qua du lịch của Malaysia, ngẫm nghĩ về du lịch Việt Nam không thể không trăn trở. Tiềm năng du lịch của Việt Nam không thua kém Malaysia, nhưng lại chưa khai thác có hiệu quả. Đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển ngành du lịch của ta gần đây đã khá hơn trước rất nhiều, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu. Vấn đề không phải thiếu vốn đầu tư mà điều dễ nhận thấy ngay là phát triển du lịch của Việt Nam chưa theo quy hoạch và kế hoạch thống nhất, bền vững, vẫn mạnh ai nấy làm. Cái cần đầu tư xây dựng trước lại xây dựng sau và ngược lại nên rất lộn xộn. Các khu du lịch của ta hầu như không chú ý đầu tư xây dựng tầng hầm các khách sạn để làm hội trường hay làm bãi đỗ xe ôtô.

Đồng sen ở Đồng Tháp

Trong tương lai, khi kinh tế đất nước phát triển, đời sống tiếp tục được nâng cao, gia đình nào cũng có vài ba ôtô thay cho xe máy làm phương tiện đi lại, chắc chắn sẽ nhiều người đến các khu du lịch để nghỉ ngơi, nhưng với đầu tư xây dựng như hiện nay thì đến lúc đó sẽ không có chỗ để ôtô. Các nhà chức trách, quản lý các khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sapa (Lào Cai), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)... nếu có dịp đến thăm khu du lịch trên núi cao Genting của Malaysia sẽ rút ra nhiều bài học bổ ích về đầu tư phát triển du lịch sinh thái bền vững nên bắt đầu từ đâu. Hoặc du lịch Hồ Tây (Hà Nội) cũng nên học hỏi kinh nghiệm đầu tư, thu hút du khách của hồ Putrajaya là tâm điểm thủ đô mới của Malaysia...

Cảnh đồng quê thanh bình

Do đầu tư manh mún và dàn trải, Việt Nam chưa có khu vui chơi giải trí cỡ lớn với các sản phẩm du lịch đa dạng. Chưa bàn đến chất lượng dịch vụ, giải quyết vấn đề vệ sinh công cộng và môi trường, nhưng cứ nghĩ đến khẩu hiệu quảng bá du lịch "Welcome to VietNam" thì quá đơn giản, chẳng có gì hấp dẫn, vẫn chỉ quanh quẩn sau lũy tre làng. Việt Nam là một trong những nước có nhiều danh lam thắng cảnh, bước đầu đã được UNESCO công nhận các di sản thiên nhiên thế giới như vịnh Hạ Long (Quang Ninh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và đang tiếp tục đề nghị công nhận một số nơi khác, trong đó có Bích Động (Ninh Bình), hồ Ba Bể (Bắc Kạn)... Trên thực tế, những địa danh này đang là nơi hấp dẫn du khách trong các tour du lịch của Việt Nam. Vậy tại sao ngành du lịch của chúng ta lại không quảng bá "Vietnam Truly world nature heritage” (Việt Nam đích thực di sản thiên nhiên thế giới) để gây ấn tượng thu hút du khách.

Cất vó

Điều đáng nói nữa là nguồn nhân lực làm du lịch của Việt Nam thạo ngoại ngữ (tiếng Anh) còn rất ít nên bị hạn chế trong giao dịch và chưa có những hướng dẫn viên du lịch giỏi. Ở Malaysia, không riêng gì nhân viên ngành du lịch mà hầu như từ cán bộ công chức đến người bán hàng ở các siêu thị, lái xe taxi đều thạo tiếng Anh. Người dân Malaysia được giáo dục nên có ý thức chấp hành pháp luật, các khu du lịch đều sạch, môi trường trong lành, không hề có tình trạng ăn xin và chèo kéo khách du lịch như ở Việt Nam. Malaysia có hơn 40% du khách nước ngoài quay trở lại, nhưng đối với Việt Nam chỉ khoảng 15%. Tỷ lệ đó đáng để cho ngành du lịch Việt Nam phải suy ngẫm phấn đấu vươn lên sánh vai cùng các nước trong khu vực.

(TTXVN)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



QUẢNG TRỊ - ĐÀ NẴNG - QUẢNG NAM
Lễ hội văn hóa du lịch của rừng, biển, sông và phố
www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/07/173720/ 
13:08' 07/07/2004 (GMT+7)

Trong những ngày đầu tháng 7 này, không khí lễ hội văn hóa du lịch của rừng, biển, sông và phố đã bao trùm khắp thành phố Đà Nẵng.

Lễ hội liên tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng - Quảng Nam

Lăng vua Khải Định - Huế

Lễ hội liên tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng - Quảng Nam, tính theo thời gian sẽ bắt đầu bằng liên hoan du lịch miền biển của Đà Nẵng từ ngày 23.07 đến 01.08.

Lễ hội được khởi đầu bằng chương trình "gặp gỡ Bà Nà - núi Chúa" khơi dậy truyền thuyết Lạc Long - Âu Cơ. Tiếp đến là lễ hội cầu ngư - một truyền thống của người dân miền biển, đặc tả các làng chài Đà Nẵng ngày xưa với tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa ngư dân được mùa tôm cá tại bãi biển Nại Hiên Đông.

Núi Ngũ Hành Sơn

Trên các bãi tắm nổi tiếng như Mỹ Khê, bãi Bụt, Ngũ Hành Sơn diễn ra các hội thi thả diều, bóng chuyền trên cát, kéo co, đua thuyền lắc thúng cùng nhiều trò chơi dân gian khác, ý tưởng tái hiện câu chuyện truyền thuyết về "50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển" đi mở cõi nước Nam đã thu hút được sự chú ý của khá nhiều du khách. Sông Hàn chảy giữa lòng thành phố được chọn là điểm nhấn của lễ hội.

Trên sông luôn rực rỡ thuyền hoa lộng lẫy được sắp đặt theo kịch bản sân khấu hóa, bên cạnh các hội thi đua ghe, lắc thúng chai. Kề bên hai con đường lớn của thành phố là Bạch Đằng và Bạch Đằng Đông bên sông Hàn dưới ánh đèn lồng lung linh huyền ảo là nơi tái hiện chợ văn hóa ẩm thực, triển lãm nghệ thuật cây cảnh, cây thế, trưng bày ảnh nghệ thuật "Đà Nẵng xưa và nay", "Khoảnh khắc Việt Nam về du lịch biển", thi nghệ thuật thư pháp, truyền thần ... Truyền thuyết về Ngũ Hành Sơn được đoàn nghệ thuật thành phố biểu diễn hàng đêm ở sân khấu ngoài trời bên cạnh bảo tàng điêu khắc ChămPa. Trên các đường phố chính của thành phố diễn ra các cuộc đua xích lô du lịch và thực hiện các tour du lịch bằng xích lô đến các danh lam thắng cảnh của Đà Nẵng.

Dựa vào ưu thế cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, liên hoan là sự kết hợp lễ hội giữa rừng và biển. Cái đinh của lễ hội này là một Carnaval đường phố với 3.000 "diễn viên" quần chúng cùng hàng loạt khu du lịch, nghỉ mát lớn cũng sẽ chính thức khai trương hoạt động.

Cáp treo núi Bà Nà

Trong thời gian này "Nhịp cầu xuyên Á" của Quảng Trị cũng khởi động bằng một bữa tiệc văn hoá khá qui mô với sự tham dự của 4 quốc gia ở khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây là Thái Lan, Lào, Myanmar và Trung Quốc.

Ngoài ra, các đoàn nghệ thuật của các nước trong khu vực hành lang đông tây cũng sẽ giới thiệu du khách các điệu múa, bản nhạc và trang phục dân tộc truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc mình...

Ý tưởng mới lạ và độc đáo của các nhà tổ chức lễ hội nhằm khai thác triệt để các khu văn hóa du lịch của Đà Nẵng, kết hợp hài hòa giữa rừng, biển, sông và phố đã mang lại hiệu quả cao. Ngay từ tuần đầu lượng du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng tăng gấp nhiều lần so với tháng trước đó. Tuy vậy con số đó cũng chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số du khách của cả nước.

Manh nha cái nhìn mới trong cách "làm" du lịch

Điều đó cũng cảnh báo, ưu thế 4 di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới bao gồm kinh thành Huế, đô thị cổ Hội An, di tích Chăm Mỹ Sơn động Phong Nha chỉ có ý nghĩa hỗ trợ, tạo nền chứ không phải là yếu tố quyết định sự hơn hẳn so với các khu vực khác.

Du khách đến Hội An

Chương trình quốc gia "Con đường di sản miền Trung" với hàng loạt sản phẩm mới lần lượt ra đời như là một tất yếu. Ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho rằng, để có một thương hiệu trong kinh tế du lịch, ngoại trừ Hội An, Huế, các địa phương khác hiện đều phải đầu tư gấp đôi công sức, tiền của.

Do vậy liên hoan này nhằm tạo bước khởi động cho Năm du lịch Đà Nẵng 2005, giới thiệu toàn cảnh khả năng du lịch thành phố, đồng thời còn nhằm kêu gọi hợp tác đầu tư và cải thiện từng bước hình ảnh thành phố trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Nằm lọt giữa hai thị trường du lịch hết sức năng động là Trung Quốc và Thái Lan thì du lịch VN không thể nào không mỗi ngày một mới. Lễ hội "liên tỉnh" đã manh nha một nhìn nhận mới trong cách "làm" du lịch. Tuy nội dung lễ hội còn ít sáng tạo, trùng lặp, nặng về biểu diễn văn hóa hơn là tìm cách cho du khách tiêu tiền nhiều hơn, nhưng dù sao điều đó càng có cơ sở cho các hoạt động về sau sẽ tốt hơn. Và nhờ đó trong tương lai, trên chương trình tour của các hãng lữ hành đến miền Trung, không chỉ có đơn độc Hội An và Huế.

NHIÊN HẠ (Tổng hợp)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang



HỘI CHỢ TRIỂN LÃM DU LỊCH QUỐC TẾ - HONG KONG
Du lịch Việt Nam dưới góc nhìn của bạn bè quốc tế
http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/06/160208/ 
10:57' 12/06/2004 (GMT+7)

Phong cách phục vụ của Hãng hàng không Việt Nam gây nhiều thiện cảm đối với du khách

Ngày 10.06, Hội chợ triển lãm du lịch quốc tế lần thứ 18 đã được tổ chức tại Trung tâm hội nghị - triển lãm Hong Kong với sự tham gia của 500 đơn vị thuộc ngành du lịch, các hãng hàng không đến từ 70 quốc gia và khu vực trên thế giới. Việt Nam có hai đơn vị tham gia là Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và khách sạn Horizon. Đây là hai đơn vị đã nhiều lần tham gia hội chợ này và có uy tín với Ban tổ chức triển lãm, gây được thiện cảm và ấn tượng tốt với các đối tác và khách tham quan.

Hội chợ triển lãm năm nay được tổ chức theo ba chủ đề chính là du lịch thương mại, du lịch tự chọn và khai thác thị trường du lịch nội địa Trung Quốc. Du lịch thương mại nhằm mục đích giới thiệu thông tin tư vấn về quản lý hành chính và dự toán tài chính, tạo cơ hội giao lưu cho các nhân viên hành chính chuyên trách du lịch thương mại trong các công ty hay các hãng đại lý du lịch thương mại. Du lịch tự chọn là mô hình mới được khởi động, thích hợp với các tuyến du lịch ngắn do du khách tự lựa chọn và tự xếp đặt. Khách tham quan sẽ có nhiều thông tin để tìm hiểu các dịch vụ du lịch tự chọn phong phú từ các quốc gia và các khu vực khác nhau.

Theo nhận định của ban tổ chức, Trung Quốc là thị trường du lịch đang hứa hẹn nhiều tiềm năng và thu hút sự quan tâm của nhiều hãng du lịch Việt Nam và các nước khác.Các nước và khu vực có nhiều đơn vị tham gia hội chợ nhất là Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Ma Cao.

Du lịch Việt Nam dưới góc nhìn của bạn bè quốc tế

Du khách rất thích du lịch thưởng ngoạn như thế này! (biển Nha Trang)

Theo nhận định của các nước bạn: rào cản lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam là không có những điểm du lịch thoải mái, vì cơ sở hạ tầng vẫn còn nghèo nàn. Cụ thể: bên ngoài các thành phố và đô thị lớn, rất khó kiếm đường xá tốt và nước uống có vệ sinh. Khu nghỉ mát Furama ở Đà Nẵng là một hiện tượng đơn độc. Số lượng du khách Nhật Bản và Tây Âu vẫn còn ít. Tuy ngành du lịch Việt Nam vẫn còn kém, so với Thái Lan nhưng theo đánh giá của các nước bạn thì ngành du lịch Việt Nam có khả năng sẽ phát triển.

Tạp chí du lịch trên mạng TravelVideo cho biết số khách du lịch ngoại quốc đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay đã lên tới 933,800 người, với tỉ lệ gia tăng tính theo năm là 7,6%. Còn theo các số liệu do Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố, trong tháng 4 vừa qua, Việt Nam đã tiếp 219 ngàn lượt khách du lịch nước ngoài, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số khách du lịch đến từ Hàn Quốc đã tăng gấp ba, trong khi khách đến từ Mỹ tăng 220%, khách Pháp tăng 170% và số khách đến từ Đài Loan và Nhật bản tăng 150%.

Báo "Nhà Quản lý" của Thái Lan ngày 11.06 đăng bài và ảnh giới thiệu về Festival Huế 2004 và tiềm năng du lịch của cố đô soi mình bên dòng sông Hương thơ mộng. Qua nội dung giới thiệu về con người, cảnh quan, lịch sử và những hoạt động hấp dẫn trong 9 ngày lễ hội trong tháng 6 này ở Huế, tờ báo nêu rõ Huế là nơi có 2 danh hiệu di sản văn hóa thế giới do tổ chức UNESCO trao tặng. Những danh hiệu đó là bằng chứng hùng hồn về giá trị của nhiều công trình kiến trúc độc đáo cũng như của Nhã nhạc cung đình Huế.
Bài báo cho rằng Huế luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách thế giới.

Hạ Long - di sản văn hóa thế giới

Tường thuật của TravelVideo cũng ghi nhận rằng: hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, phi trường Cam Ranh, nơi có căn cứ hải quân qui mô lớn do Hoa kỳ xây dựng trong thời chiến tranh Việt Nam, đã chính thức đi vào hoạt động. Khách du lịch bây giờ có thể đến Cam Ranh từ thành phố Nha Trang, cách đó khoảng 50km, bằng xe buýt. Các công ty bán vé ở Nha Trang vẫn duy trì hoạt động và vé máy bay từ phi trường Cam ranh vẫn được bán bằng giá đi từ Nha Trang. Trong khi đó, thành phố du lịch nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam này cũng sắp có thêm một khu thương mại mới. Công ty Hoàn Cầu, có văn phòng chính ở thành phố Hồ chí Minh, đã khởi công xây dựng một trung tâm thương mại và khách sạn với kinh phí hơn 22 triệu đô la. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được hoàn tất vào tháng 12 năm 2006.

Trong những tháng đầu năm nay, lượng du khách đến Việt Nam tăng 8,3% so với 4 tháng đầu năm ngoái. Du khách đông nhất, là người thuộc các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Dựa trên số liệu này, Tổ chức Du Lịch Quốc tế dự báo từ nay đến năm 2015, du khách đến Việt Nam sẽ tăng 8,3% mỗi năm.

NHƯ NGUYỄN (Theo TTXVN, VOA)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang


BÁO ASHAHI NHẬT BẢN:
Giới thiệu chính sách phát triển du lịch của Việt Nam
http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/05/155419/ 
15:44' 28/05/2004 (GMT+7)

Bãi biển Nha Trang

Báo Ashahi - Nhật Bản số ra ngày 28.05 đã đăng bài giới thiệu chính sách phát triển du lịch của Chính phủ Việt Nam, trong đó có kế hoạch khai thác cảng và sân bay quân sự Cam Ranh có đường băng dài 3.000 mét phục vụ du lịch. Bài báo cũng giới thiệu những danh lam thắng cảnh ở Nha Trang, Đà Lạt... và nhấn mạnh đây là những điểm thu hút khách du lịch nước ngoài.

Vịnh Hạ Long

Bài báo viết lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đang tăng trở lại, đặc biệt là khách du lịch Mỹ và Nhật Bản, sau khi xảy ra dịch SARS và cúm gà. Năm ngoái, lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam là 219.000 người, trong khi lượng khách du lịch Nhật Bản là 209.000 người. Kể từ đầu năm đến nay đã có 97.000 khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam, tăng 7,2 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo điều tra của các Công ty Du lịch Nhật Bản, Việt Nam hiện đang trở thành điểm thu hút sự chú ý của du khách Nhật Bản vì có nhiều phong cảnh đẹp, nền văn hóa đặc sắc, con người thân thiện và giá cả sinh hoạt thấp. Tuy Tổng cục Du lịch Việt Nam đã thấy được tiềm năng to lớn của thị trường khách du lịch Nhật Bản, nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn phòng đại diện tại Nhật Bản. Việc nghiên cứu thị trường, quảng bá du lịch... vẫn chưa được thực hiện một cách sâu rộng.

(TTXVN)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang


BẾN THÀNH TOURIST:
Khai trương Trung tâm CITE
www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/04/59459/ 
11:00' 16/04/2004 (GMT+7)

Biểu tượng CITE

Trung tâm tổ chức Hội thảo - Sự kiện & Du lịch (CITE) thuộc Bến Thành Tourist đã chính thức khai trương, đánh dấu một phát triển vượt bậc trong công nghệ hội thảo kết hợp với du lịch (MICE) của TP.HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Theo ông Thân Hải Thanh - Giám đốc Bến Thành Tourist: hình thức du lịch MICE là mô hình mới đang được ngành du lịch trong nước triển khai và đã phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, năm 2004 du lịch MICE cũng đã được TP.HCM xác định là một trong những mục tiêu nhằm thu hút đa dạng khách du lịch đến với Việt Nam. Và góp phần vào sự phát triển chung đó, Bến Thành Tourist tự hào là doanh nghiệp với 15 năm kinh nghiệm trong việc tổ chức nhiều đoàn du lịch quốc tế và nhiều chương trình hội thảo kết hợp với du lịch cho các tập đoàn lớn trong nước và ngoài nước.

Đón khách tại phi trường

Sự tín nhiệm của khách hàng đối với Bến Thành Tourist đã được thể hiện qua sự thành công của hàng loạt các hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch trong thời gian vừa qua. Cụ thể từ ngày 10 - 14.04 vừa qua, Chi nhánh Hà Nội của Bến Thành Tourist đã tổ chức đoàn 300 khách Úc theo chương trình hội thảo củ Tổ chức Hỗ trợ Giáo dục Châu Á. Đây được xem là một trong những đoàn du khách du lịch quốc tế lớn nhất từ đầu năm đến nay, ghé thăm Hà Nội. Và để tiếp thêm sức mạnh cho mô hình du lịch MICE, hôm nay Bến Thành Tourist đã thành lập một Trung tâm Tổ chức Hội thảo - Sự kiện & Du lịch CITE tại số 51 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM để phục vụ quý công ty một cách hoàn hảo nhất.

Theo bà Lê Hoàng Yến - Giám đốc Trung tâm CITE: đối với nhân viên chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm, Trung tâm CITE sẽ phục vụ một cách trọn vẹn cho việc tổ chức sự kiện quý khách:

  • Lên chương trình hội thảo, sự kiện thuộc tất cả các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam và các nước trong khu vực như; Thái Lan, Singapore...

  • Tổ chức thực hiện trọn gói tất cả các công đoạn của một sự kiện từ khâu chuẩn bị cho sự kiện đến khâu phục vụ khách sau khi sự kiện kết thúc, kết hợp biểu diễn quảng bá sản phẩm của công ty tại các sân vận động trong nước.

  • Tổ chức các tour du lịch cho khách tham dự hội nghị trong nước và ngoài nước.

  • Lên các chương trình giải trí và trò chơi tập thể cho hội nghị.

  • Thiết kế các chương trình đãi tiệc theo chủ đề riêng biệt.

  • Dàn dựng những chương trình cá múa nhạc, biểu diễn thời trang.

  • Quà tặng đa dạng với logo của công ty bạn.

  • Đặt các dịch vụ du lịch, vé máy bay cho khách.

    Chương trình biểu diễn thời của CITE

Với mục tiêu phục vụ cho "Hình ảnh nổi bật một cách đáng yêu của khách hàng", chúng tôi luôn thực hiện sự kiện theo phương châm: chuyên nghiệp, sáng tạo và đầy hấp ắp nụ cười... Dự kiến từ nay đến tháng 06.2004, Trung tâm CITE sẽ tổ chức đón khoảng gần 800 - 1.000 khách trong và ngoài nước tham dự các hội nghị kết hợp du lịch trong nhiều lĩnh vực: dầu khí, y dược, thương mại... trong đó có những đoàn khách lớn như: đoàn 400 khách Malaysia tham dự hội nghị dầu khí, đoàn 200 khách Bỉ, 120 khách Indonesia...

MICE - một dịch vụ du lịch mới


 

Dịch vụ MICE viết tắt của 4 chữ Meeting (cuộc gặp gỡ), Incentive (du lịch khen thưởng), Convention (hội nghị/đại hội), Exhibition (triển lãm) đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành du lịch. Ở tầm quốc gia, theo Tổng cục Du lịch, thuật ngữ MICE là khái niệm mới mẻ đối với du lịch Việt Nam. Mặc dù trên thị trường, đã xuất hiện nhiều hoạt động kinh doanh đáp ứng được các nội dung của MICE, nhưng vẫn chưa có chiến lược chung của ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự khai thác kinh doanh MICE.

 

Ông Jacques Serpollier, tổng giám đốc Sofitel Plaza Saigon nói: “Gần đây, có xu hướng Việt Nam trở thành điểm đến mới của hoạt động MICE. Và tôi tin tưởng rằng thị trường này sẽ phát triển ở Việt Nam."


Ông Lã Quốc Khánh, trưởng phòng xúc tiến, Sở Du lịch nhận xét: "TP.HCM có vị trí trung tâm, không chỉ trong nước, mà cả khu vực, là điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ MICE. Nhưng thành phố còn thiếu cơ cở vật chất cho trung tâm hội nghị triển lãm, cũng như tổ chức lễ hội, sự kiện lớn, cả về biểu diễn nghệ thuật. Trung tâm hội chợ triển lãm HIECC ở Tân Bình chỉ đủ sức làm hội chợ chuyên ngành. Với hạ tầng hiện nay, thành phố mới đủ sức thực hiện hai loại M, I, còn C và E thì chưa. Và đó là mục tiêu cần phải phấn đấu".

KHẢ TÚ - ĐỨC HUY

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 
Trở về đầu trang


HÃNG HÀNG KHÔNG LUFTHANSA TẠI VN
Bán vé máy bay qua mạng
18:07' 01/03/2004 (GMT+7)

Theo ông Thorsten Bohg, Tổng Giám đốc Lufthansa tại Việt Nam, cho đến thời điểm hiện nay, Lufthansa là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam sử dụng hệ thống mạng để đăng ký chỗ cho khách hàng.

Máy bay của Lufthansa

Ông Thorsten Bohg cho biết thêm: đây là chương trình khuyến mãi, khách hàng có thể đăng ký qua địa chỉ www.lufthansa-vietnam.com. Giá khuyến mãi  trên tuyến bay TP.HCM – Bangkok với giá vé khứ hồi 139 USD Mỹ (khách lẻ) và 120 USD Mỹ cho khách đoàn (16 người trở lên). Chương trình này chỉ những khách hàng đăng ký vé qua mạng, cho đến hết ngày 15.5.2004. Hiện tại, Lufthansa có ba chuyến bay hàng tuần từ TP.HCM đi Bangkok và ngược lại vào thứ ba, thứ sáu và chủ nhật.

Bên cạnh đó, trong năm 2004 Lufthansa cũng là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu sản phẩm FlyNet (dịch vụ mạng điện tử trên máy bay) dành cho hành khách bay hạng nhất và hạng thương gia. Với dịch vụ này hành khách có thể truy cập internet tốc độ cao, trao đổi thông tin và thư từ qua mạng trên các chuyến bay đường dài.

Trên chuyến nay của Lufthansa

Đến Việt Nam từ những năm 1990, Lufthansa đã chịu lỗ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đến nay ông Thorsten Bohg cho biết, Việt Nam thị trường có sức tăng trưởng mạnh nhất ở Châu Á, so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ. Bởi vì, người Việt Nam bây giờ đi nước ngoài rất nhiều từ thương gia cho đến những khách du lịch. Và người Đức hiện nay cũng rất chú ý đến Việt Nam, vì đây là vùng đất rất mới đối với họ, có bờ biển đẹp, lịch sử hay và con người hòa nhã cởi mở. Đặc biệt, ai đã từng đến Việt Nam rồi, họ rất thường xuyên quay lại.

Được biết, trong năm 2003 có khoảng 40.000 người Việt Nam đã  bay cùng Lufthansa đển các nước Châu Âu. Ông Thorsten Bohg cũng cho biết thêm hiện tại 80% hành khách từ Sài Gòn đi Châu Âu đều chọn các tuyến bay của Lufthansa.

BẢO LUÂN

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

** VISA [Janpan/Korea]**

 Trở về đầu trang

Bản quyền Báo điện tử VietNamNet, được hỗ trợ bởi phần mềm VASC Orient Soft.
Công ty phần mềm và truyền thông VASC - 99 Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Tel: +844 9420798 ; Fax: +844 9420796 ; webmaster@vasc.com.vn