Ra mắt sàn giao dịch bản quyền đầu tiên tại VN
Với phiên đầu mở ngày 26/4 tại TP HCM, sàn sẽ là nơi
tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả giao lưu với công chúng, doanh
nghiệp, nhà đầu tư, nhà sưu tập để chuyển giao bản quyền tác phẩm của
mình.
Sàn giao dịch bản quyền do Công ty Vietbook,
Cục bản
quyền tác giả phối hợp tổ chức, hoạt động với mục đích thu hút đầu tư
sáng tạo, xác lập giá trị, giao dịch, ủy thác môi giới, khai thác kinh
doanh và quản lý danh mục đầu tư bản quyền. Buổi ra mắt sàn giao dịch
này cũng là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới.
Nếu "hàng hóa" giao dịch
trên sàn ý tưởng chủ yếu là
các ý tưởng thì trên sàn bản quyền là
sản phẩm, tác phẩm cụ thể. Mỗi
tác giả được chào bán một tác phẩm tâm đắc nhất trong năm, không phải
chịu phí. Mỗi giao dịch thành công sẽ trích lại 10% tổng số tiền
chuyển giao bản quyền cho Ban tổ chức. Dự kiến mỗi phiên giao dịch tập
trung 10 tác giả, tác phẩm và mỗi tác giả có 7-10 phút giới thiệu sản
phẩm của mình.
Đăng ký phiên giao dịch lần 1 hiện có kịch bản "Chạy
án" phần 2 của nhà văn Nguyễn Như Phong, một tác phẩm chọn lọc của Nhà
văn Nguyễn Mạnh Tuấn, bức phù điêu kỷ lục của tác giả Huỳnh Văn Đa,
bức tranh cát độc đáo, độc ý của nghệ nhân Ý Lan, bức tranh thêu với
150 chữ ký của kỷ lục gia Việt Nam của XQ; Bức tranh thể hiện bài hát
về Hà Nội, là sản phẩm do một họa sĩ, một nhạc sĩ, một nhà thơ và một
nhà nhiếp ảnh đồng sáng tác. Phiên giao dịch cũng đưa ra kỷ vật của
các nghệ sĩ nổi tiếng và một số Đài truyền hình sẽ đặt hàng viết các
chương trình truyền hình.
Hiện có 2 ngân hàng trực tiếp tham gia vào phiên
giao dịch là VPBank và Techcombank và 1 quỹ đầu tư mạo hiểm của Việt
Nam đang tìm đối tác. Sau khi tác giả và nhà đầu tư ký kết chuyển giao
bản quyền, sẽ thực hiện việc thanh toán tiền qua ngân hàng.
Theo nhà thơ, đồng thời là nhà báo Lê Minh Quốc, sự
ra đời của sàn giao dịch bản quyền sẽ tạo thêm động lực giúp các tác
giả, đặc biệt là nhà văn, nhà thơ sáng tạo, vì sản phẩm đưa ra chào
bán công khai, sẽ được định giá xứng đáng hơn.
"Tôi đã phải bỏ dở việc viết sách cho một nhà xuất
bản, vì đầu tư đến 3 tháng mà nhuận bút chỉ 1,5 triệu đồng. Mức thù
lao như vậy khó kích thích sáng tạo. Nếu tác phẩm được thù lao thích
đáng hơn, nhà sáng tạo sẽ có điều kiện cống hiến hết mình", ông Lê
Minh Quốc nói.
Thanh Lương |