captured from: www.nguoivienxu.vietnamnet.vn

 
 

 Trở về đầu trang

 
"MÊ THẢO - THỜI VANG BÓNG" ĂN KHÁCH TẠI PHÁP
Cạnh tranh với 80 phim nước ngoài tại Paris!
11:02' 14/01/2005 (GMT+7)
 http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/dangviet/2005/01/365437/ 

HÀ THI

Cảnh trong phim “Mê Thảo – Thời vang bóng”

Bộ phim Việt Nam "Mê Thảo-Thời vang bóng" của nữ đạo diễn Việt Linh được khán giả Pháp đánh giá rất cao từ nội dung đến kỹ thuật phối cảnh và nghệ thuật diễn xuất của các diễn viên - sau khi bộ phim này được chiếu với thời gian kỷ lục: suốt 6 tuần tại Paris (từ ngày 08.12), 5 tuần tại TP Lyon, Pháp và nhiều TP khác: Nime, Orleans, ngoại ô Paris. Lúc đầu, bộ phim được chiếu tới 5 suất/ngày mà vẫn chật kín rạp!

So?n: AM 244856 g?i d?n 996 d? nh?n ?nh này qua MMS

Cảnh trong phim “Mê Thảo – Thời vang bóng”

“Mê Thảo – Thời vang bóng” (Đạo diễn: Việt Linh, kịch bản: Phạm Thùy Nhân, Việt Linh, Serge Le Peron. Quay phim: Phạm Hoàng Nam. Hoạ sĩ: Phạm Hồng Phong. Nhạc sĩ: Văn Dung. Diễn viên: Dũng Nhi, Minh Trang, Đơn Dương, Thuý Nga...)được phỏng theo tiểu thuyết “Chùa đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân. Thời điểm của phim là miền Bắc Việt Nam đầu thế kỷ XX dưới chế độ thực dân Pháp, cụ thể là ấp Mê Thảo. Nội dung phim là bi kịch cuộc đời của Nguyễn, chủ ấp Mê Thảo. Nguyễn đắm chìm trong quá khứ, trong men rượu sau khi vợ qua đời, đến khi trở về thực tại thì anh mất đi Tam, người bạn, người quản lý tận tâm. Câu chuyện kết thúc trong tiếng ca ai oán lẫn tiếng khóc nghẹn ngào của Tơ, cô đầu nổi tiếng và là tình nhân của Tam. Những cảnh trong phim quen thuộc, gần gũi với đời sống vùng quê miền Bắc thời đó. Đầm sen, đường làng, nhà cổ... tạo nên một góc quê hương Việt Nam.

Cảnh trong phim “Mê Thảo – Thời vang bóng”

Khi bộ phim chiếu ra mắt ở TPHCM (6.2004), đạo diễn Việt Linh đã tâm sự: “Niềm hạnh phúc của tôi là được nhìn thấy áp phích phim Việt Nam dựng trên đường phố châu Âu và khán giả châu Âu biết đến văn hóa Việt Nam qua điện ảnh, một cảnh miền Bắc cổ trong phim này”. "Niềm hạnh phúc" ấy của người nữ đạo diễn giờ không những đã trở thành hiện thực mà, chắc chắn, còn được nhân lên gấp nhiều lần khi mà "Mê Thảo-Thời vang bóng" từng đoạt giải Bông hồng Vàng của Liên hoan phim Bergamo (Italia), giải nhì của Quỹ cổ động phát hành quốc tế (Promotion Internationale des Films du Sud) và nay lại được chào đón quá sức nồng nhiệt bời khán giả Pháp vốn rất khó tính!

Soạn: AM 245040 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Cảnh trong phim “Mê Thảo – Thời vang bóng”

"Bộ phim là sự phối hợp tuyệt vời giữa hình ảnh và âm nhạc truyền thống" - Đó là nhận định của các tờ báo điện ảnh của Pháp. Hiện nay, ở Pháp hàng tuần lại phát hành trên dưới 15 phim mới; riêng ở Paris "Mê Thảo-Thời vang bóng" phải cạnh tranh với hơn 80 bộ phim nước ngoài khác đang trình chiếu đồng thời! Đứng được lâu trên thị trường phim ảnh Pháp như thế đã là một thành công quá bất ngờ đối với "Mê Thảo-Thời vang bóng". Phải chăng hiện tượng độc đáo này của "Mê Thảo-Thời vang bóng" cho thấy phim Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường điện ảnh Pháp?

H.T

BA CÁI NHẤT CỦA NỮ ĐẠO DIỄN VIỆT LINH

- Có lẽ là nghệ sĩ đến Hà Nội chậm nhất: Nữ đạo diễn Việt Linh là người phụ nữ Nam bộ chính gốc; mãi đến 1988 bà mới đặt chân đến Hà Nội và đã đi khắp các ngõ ngách Hà Nội để cảm nhận nét xưa, tìm khung cảnh cho kịch bản “Mê Thảo - Thời vang bóng”.

- Là phụ nữ Việt Nam duy nhất... tốt nghiệp đạo diễn trường Đại học điện ảnh Liên Xô cũ (khoá 1979 - 1985), Việt Linh từng bước khẳng định mình qua các phim như Dấu ấn của quỷ, Gánh xiếc rong, Chung cư, Mùa ổi… và gần đây nhất là Mê Thảo - Thời vang bóng.

- Người nữ đạo diễn có duyên với các giải thưởng quốc tế nhất:  Ngoài các phim trước từng đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, chỉ riêng “Mê Thảo – Thời vang bóng” được mời dự gần 10 liên hoan phim, đoạt giải Bông Hồng Vàng tại Liên hoan phim Bergamo (Ý, 2003) và giải II của quỹ cổ động phát hành quốc tế 2003 Francsphonie (Promotion Internationale des Films du Sud)...

H.T

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

GS-TS TRẦN VĂN KHÊ
Tặng VN hơn 460 kiện hiện vật, tư liệu âm nhạc
10:42' 13/12/2004 (GMT+7)
 http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/nhacviet/2004/12/355657/ 

VÂN TRINH

Chiều 09.12.2004, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đã đưa trên 462 kiện hiện vật quý của riêng ông từ Pháp về TPHCM, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc, tài liệu âm nhạc. Sở VHTT TPHCM sẽ giúp việc chuyển tư liệu tiếng nói từ băng cassette sang đĩa CD, hình ảnh, âm thanh từ video ra DVD để lưu giữ lâu dài.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê

GS-TS Trần Văn Khê có nguyện vọng được sống và làm việc tại Việt Nam đến cuối đời và sẽ hiến tặng cho thành phố toàn bộ số hiện vật, tài liệu âm nhạc trên - tài sản vô giá của cả cuộc đời hoạt động khoa học âm nhạc của ông. Trong số hiện vật GS-TS Trần Văn Khê chuyển về VN lần này gồm: các loại đàn tranh, nhị, gáo, tỳ bà, hàng trăm quyển sổ tay, rất nhiều băng cassette, dĩa hát, tài liệu nghiên cứu âm nhạc… của cá nhân ông. Phát biểu với báo chí, GS.TS Trần Văn Khê cho biết: sau này, khi mãn phần, ông sẽ hiến tặng tất cả hiện vật, tư liệu này cho Nhà nước để phục vụ nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà.

GS-TS Trần Văn Khê luôn là người đem lại sự hấp dẫn với công chúng VN đối với ngay chính âm nhạc truyền thống Việt. Ông luôn cho rằng: Do yếu tố lịch sử, thời kỳ đất nước bị đô hộ thì ngoại bang đưa văn hóa họ lên làm cho người Việt Nam tự ti mặc cảm thấy cái gì cũng thua họ. Thực ra văn hóa Việt vừa phong phú, vừa sáng ngời nét đẹp Việt Nam, mang tính nhân văn cao cả. Về yếu tố kinh tế, học nhạc dân tộc rất công phu nhưng khi hành nghề lại không có tiền nên thực tế có tình trạng âm nhạc không còn là nghệ thuật phục vụ mà biến thành một món hàng mua bán. Khi ra đồng không còn nghe câu hò, điệu lý mà thay vào đó là máy thâu thanh phát nhạc. Ở nhà trẻ ít thấy tiếng hát ru. Những người mẹ trẻ ít còn ru con bằng những câu hát tình tự quê hương như trước. Vì vậy, bây giờ phải làm thay đổi tư duy này cùng với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, học tập, đào tạo, bồi dưỡng về âm nhạc dân tộc một cách căn cơ, bài bản.

Sở Văn hóa Thông tin đang trình UBND TP tìm một căn nhà phù hợp để trưng bày số hiện vật quý này, đồng thời tạo điều kiện tổ chức giới thiệu số hiện vật trên với các nhà nghiên cứu, giới yêu thích âm nhạc, sinh viên, học sinh.

V.T (Theo TTXVN, SGGP...)

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

 
MỸ THUẬT
Hồn Việt của 5 hoạ sĩ tại Metropolitan
11:08' 12/12/2004 (GMT+7)
 http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/dangviet/2004/12/355448/ 

HOÀNG CÔNG CHƯƠNG

Đó là triển lãm của 5 hoạ sĩ: Nguyễn Thanh Bình, Trần Huy Hoan, Đỗ Duy Tuấn, Hứa Thanh Bình và Phùng Quốc Trí, khai mạc vào chiều 10.12.2004 tại tiền sảnh toà nhà Metropolitan (235 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) do Gallery Particular tổ chức.

Tranh "Nữ Sinh" - HS Nguyen Thanh Binh

Đến với triển lãm Hồn Việt, người xem sẽ được thưởng thức những bức tranh thể hiện nét đẹp lúc ẩn, lúc hiện của người phụ nữ Việt Nam cũng như những nét đẹp truyền thống khác. Với những gam màu trắng là chủ yếu, hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình như muốn lột tả hết những nét đẹp tinh khiết và thanh lịch của thiếu nữ Việt Nam trong những tà áo trắng thướt tha. Với tranh của hoạ sĩ Trần Huy Hoan, người xem có thể thấy phảng phất nét buồn sâu lắng. Với những gam màu trắng, xám, pha chút hồng nhạt nét cọ Trần Huy Hoan thể hiện khá độc đáo vẻ đẹp hoài cổ của các thiếu nữ, người xem như bắt gặp một cái gì đó rất mới mẻ mà cũng khá quen thuộc…

Đến từ Hà Nội, hoạ sĩ Phùng Quốc Trí làm phong phú thêm cho triển lãm Hồn Việt với những tác phẩm mang đậm chất dân gian như: Nông thôn mùa đông, Sửa soạn bàn thờ… Với góc nhìn và ý tưởng sáng tạo, Phùng Quốc Trí như muốn đưa tất cả những hình ảnh dân dã và nét truyền thống Việt Nam vào trong tác phẩm của mình. Cùng một đích đến, nhưng với một tâm thế khác, hoạ sĩ Hứa Thanh Bình cũng diễn tả một miền quê nhưng đó là những hình ảnh của Bà cụ, Cổng làng, Ngựa… trong lối sáng tạo riêng của mình. Nếu tinh ý một chút người xem có thể thấy nét cọ rất hiện đại của Hứa Thanh Bình đang trong tâm trạng hoài niệm, xa xôi với những hình ảnh quá đỗi gần gũi với những miền quê trên khắp Việt Nam.

Vẻ đẹp của nữ giới, quả là một điều bí ẩn nên hầu hết các nghệ sĩ đều “dấn thân” khám phá và mỗi người có một góc nhìn khác nhau. Bằng nét cọ điêu luyện, hoạ sĩ Đỗ Duy Tuấn mang đến cho người xem một cảm giác bâng khuâng, dịu vợi khó tả với những hình ảnh Thiếu nữ với lồng chim, Thiếu nữ với sen… Có cái gì đó rất Huế trong tác phẩm của anh!

Dạo một vòng qua phòng triển lãm Hồn Việt của 5 hoạ sĩ, người xem có dịp bắt gặp sự hoà trộn của cổ kim vào trong từng nét cọ. Triển lãm kéo dài đến 17.12.2004, sau đó các tác phẩm sẽ được trưng bày tại Gallery Particular (Lầu 3, Kim Đô Business Center, 123 Lê Lợi, Q.1 TP.HCM) hoặc có thể truy cập vào website: www.vietnamartist.com để tham khảo.

H.C.C

 

Tranh "Thiếu Nữ" - HS Đỗ Duy Tuấn

 

Tranh "Không gian ưua" -HS  Hứa Thanh Bình

 

Tranh "Người nông dân" - HS Phùng Quốc Trí

 

Tranh "Thiếu Nữ" - HS Đỗ Duy Tuấn

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

 
CHUYÊN TIẾNG ME ĐẺ
NGƯỜI NƯỚC NGOÀI VÀ TIẾNG VIỆT
Học Tiếng Việt càng lâu càng thấy khó!
08:40' 12/12/2004 (GMT+7)

Bài & ảnh: THU PHONG

Soạn: AM 217761 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Chị Linda tại lớp học tiếng Việt

Đó là cảm nhận chung của đa số người nước ngoài đến học tiếng Việt tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á – trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM.

Tại một lớp học tiếng Việt nâng cao (đã học tiếng Việt được 1 năm rưỡi) chúng tôi có dịp làm quen với bốn học viên của lớp: chị Linda Daoust, người Canada, vợ chồng anh Lee Hee Jeong, Hàn Quốc và cô sinh viên ngành Việt Nam học của đại học ngoại ngữ Osaka (Nhật Bản): Terue Kanai. Trong bài học ngày hôm đó, chỉ một từ của bài đọc: “nhà thầu”, các bạn đã được làm quen với một loạt từ liên quan như: gói thầu, đấu thầu, trúng thầu (cô sinh viên Nhật liên hệ ngay đến từ”trúng số”), chỉ định thầu…rồi nào là “hoa hồng”, “tiền cò”, “lại quả”… thật rắc rối, không chỉ trong ý nghĩa và cách thức vận dụng mà còn là tính biểu cảm và tình huống sử dụng từ ngữ sao cho thật phù hợp, cho thật giống người Việt!

Đối với chị Linda, một giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ em Việt Nam đã bốn năm, thì ngữ pháp tiếng Việt không khó lắm nhưng từ vựng và phát âm thì vô cùng khó, học mãi vẫn thấy có nhiều từ mình chưa biết quá! Còn theo vợ chồng anh Lee và cô sinh viên Terue, ngữ pháp vẫn khó hơn cả, còn từ vựng thì vì trong tiếng Việt có rất nhiều từ Hán – Việt nên có thể đoán được ý nghĩa. Tuy khó thế nhưng mọi người vẫn muốn học thật giỏi tiếng Việt vì hầu như tất cả đều muốn chọn nơi này là quê hương thứ hai của mình.

Lớp học tiếng Việt: ngồi trước là Terue, ngồi sau là vợ chồng anh Lee

Chị Linda cùng chồng và hai con đã sống ở Việt Nam hơn 4 năm. Càng ngày chị càng cảm thấy gắn bó hơn với mảnh đất này. Khi chúng tôi bày tỏ sự ngạc nhiên khi gia đình chị lại chọn một nơi mà rõ ràng điều kiện sống thua kém hơn nhiều so với quê hương của mình (Canada), chị trả lời thật đơn giản: vì chúng tôi thích Việt Nam, chúng tôi muốn được sống một cuộc mới mẻ hơn, thế thôi. Còn anh Lee, vốn là bác sĩ phẫu thuật tim tại Hàn Quốc cùng vợ đã tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh đã chuyển cả gia đình sang Việt Nam sinh sống từ nhiều năm nay với nhiều lý do, trong đó một lý do quan trọng là cuộc sống ở đây thoải mái hơn, các con sẽ hiểu biết được nhiều hơn về các nền văn hóa khác nhau…Hiện anh chị đang chuẩn bị mở một phòng khám đa khoa tại vùng ngoại ô Sài Gòn. Cô sinh viên Nhật Terue sẽ trở về Nhật thi tốt nghiệp đại học và bày tỏ nguyện vọng muốn được trở sang Việt Nam làm việc cho một công ty nào đó của Nhật ở Việt Nam.

Vào dịp lễ Giáng sinh và Năm mới, ai cũng có những dự định riêng. Gia đình chị Linda đã từng đón ba cái Tết Dương lịch ở Việt Nam, nên năm nay, cả nhà sẽ sang Thái Lan để thay đổi không khí. Chị tâm sự:cứ hễ đến Giáng sinh là chị lại buồn vì nhớ nhà, nhớ tuyết trắng, nhớ mùa đông Canada… Nhưng cũng chỉ thoáng qua thôi vì các em nhỏ học sinh của chị không bao giờ để chị phải buồn lâu, chúng rất thông minh và tình cảm, chỉ nhìn thấy chúng là chị thấy vui ngay. Còn anh Lee thì sẽ đi Campuchia trong một chương trình khám chữa bệnh cho người nghèo đến tận sau Tết Âm lịch, đó cũng là một cách đón Xuân có ý nghĩa…

Còn rất nhiều bạn trẻ người nước ngoài khác đang theo học ngành Việt Nam học mà chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu sau… Tất cả đều đang vượt qua tất cả những trở ngại, khó khăn khi sống trên một đất nước còn thiếu thốn đủ mọi bề, đang vui vẻ, tự nguyện đánh vật với những bài học tiếng Việt thật khó với mong muốn hòa nhập thật nhanh với những con người Việt Nam thân thiện, hiền hòa. Bộ mặt đất nước đang ngày càng thay đổi, đang trở thành nơi “đất lành chim đậu”, điều đó hoàn toàn dễ nhận ra khi chúng ta tiếp xúc với những “người viễn xứ” đang chọn Việt Nam làm nơi sinh sống lâu dài.

T.P 

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

WEBSITE VĂN NGHỆ SÔNG CỬU LONG
Cuộc hôn phối giữa nhà văn và tin học
11:23' 11/12/2004 (GMT+7)
 http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/butviet/2004/12/355234/ 

GIÁP NGUYỄN

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng về văn hóa nghệ thuật lại có khoảng cách khá xa so với cả nước. Xuất phát từ đó, những người làm văn học ở khu vực ĐBSCL đã cho ra đời một website và được giới thiệu vừa qua tại khách sạn Sài Gòn.
 
Ra đời vì tình yêu văn chương
 

Trang web văn học nghệ thuật của ĐBSCL

Wesite: http://www.vannghesongcuulong.org ra đời từ tinh thần của những người yêu văn học, trong đó có nhà văn Nguyễn Trọng Tín (thư ký toà soạn tuần tin EChíp), nhà thơ Lê Chí, Trưởng ban liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL, nhà văn Vũ Hồng... Nhưng người tài trợ lại là một nhà kỹ thuật: ông Nguyễn Hòa, Tổng giám đốc Công ty ITI. Và các tranh minh họa trong trang web là của Võ Thanh Hùng, một hoạ sĩ gốc Đồng Tháp đang hoạt động ở TPHCM.
 
Theo ông Nguyễn Hòa: "Website văn học Đồng bằng Sông Cửu Long có 600 đề mục nhưng mới chỉ sử dụng có 20 đề mục vì chưa nhận được sự cộng tác từ phía các nhà văn, các tác giả của ĐBSCL, các tác giả khác viết về vùng đất này. Do vậy, trang web chưa thật sự hoàn chỉnh, trong tương lai chúng tôi sẽ tính toán để trả nhuận bút cho các tác giả gởi bài đến nhưng trước hết hãy vì sự sống còn của trang web này rất mong nhận được sự cộng tác".
 
Nhà thơ Nguyễn Duy lạc quan cho rằng: “Cuộc gặp mặt văn học và kỹ thuật tin học, đây là cuộc hôn phối giữa tin học và văn học. Tôi cũng là một nhà văn nhưng chưa bao giờ được dự cuộc gặp gỡ về văn học nào như hôm nay. Do vậy những nhà văn nào không tham dự hôm nay coi như bị thiệt thòi. Đây là trang web đầu tiên của cả nước vì Hội Nhà văn đã tốn kém khá nhiều nhưng vẫn chưa hoàn thành, một số ngành chuyên môn của Bộ Văn hóa có làm nhưng rất sơ sài. Như nhà thơ Hữu Thỉnh tại Bàn tròn Văn xuôi ĐBSCL lần thứ I đã đánh giá “ĐBSCL khó khăn nhất, xa nhất, làm được nhiều việc nhất, hay ho nhất và đi đầu trong website văn học”.
 
Nhà văn Nguyễn Trọng Tín - người khởi xướng thành lập trang web tâm sự: "Có lẽ cái khó của Ban Liên lạc và công ty ITI đã vượt qua cách đầu là công nghệ đóng góp nội dung, tôi không trình bày gì thêm. Tôi nghĩ “cơ may” rất lớn của các nhà văn ĐBSCL đó là đã gặp được anh Nguyễn Hòa không những là nhà kỹ thuật, mà là một người am tường, có kiến văn sâu rộng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Chính vì có được điều đó và có sự yêu văn học nghệ thuật anh đã làm được. Đây là một điển hình không thể nhân rộng được mà phải quá nhân rộng. Về phương diện lập trình là hết sức chuyên nghiệp về phương diện quản trị rất ư là… không chuyên nghiệp. Nói rõ ràng như vậy mà các anh vẫn “ráp” được với nhau".
 
Tâm tình nhà văn cùng bàn phím
 
Nhiều nhà văn lớn tuổi cũng đã bày tỏ cảm xúc của mình như nhà thơ Lê Giang: “Đây có lẽ là mục “Tìm người thân” và tôi đến đây để tìm người thân. Bởi, tôi là gốc Cà Mau và cũng rất hiếm khi đi dự hội nghị và hôm nay tôi đến đây có cảm giác như đi tìm người thân. Tôi cảm ơn và biết ơn những người đề xướng ra trang web nay. Nói nôm na tôi không biết gì về intrenet, "meo mèo" gì cả, đến giờ vẫn viết lách trên bàn giấy, nhưng tôi tự hào mình sẽ đóng góp được. Trong đề mục kho tàng lưu trữ, chỉ nói riêng về dân ca, về văn hóa Khơmer, Chăm... tôi đã làm nhiều rồi nhưng (trăn trở) không ai bảo tôi đưa tài liệu cả, mà chỉ có Đoàn TNCS HCM TPHCM bảo: “Chừng nào cô mất đi, cô để lại cho tụi con đem về thư viện”. Bây giờ tôi sẽ đưa cho các bạn, nói nhà quê vậy đó chứ muốn có đĩa là có liền, mình phải hội nhập được cái hồn, cái xác với thời đại ngày nay. Còn chuyện tiền bạc, mình nghèo quen rồi, mình làm chuyện này không giàu có gì hết chỉ biết đóng góp thôi". 
 

Nhà thơ Nguyễn Duy giới thiệu buổi họp mặt về trang web

Nhà văn Trần Kim Trắc đánh giá cao: "Tôi suy nghĩ như thế này, trang web này có hai nội dung: đây là tờ báo điện tử, hai là một kho lưu trữ tư liệu của ĐBSCL, cái này mới vĩ đại. Thí dụ, bây giờ tôi muốn nghiên cứu về con người và tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, tôi bấm lên là có toàn bộ tác phẩm của ông. Cái yêu cầu là như thế nhưng khi đặt vần đề thì nó lớn lắm và vĩ đại lắm. Bản thân tôi muốn gia nhập vào mạng này thì tôi lên mạng gia nhập hay tôi gởi tư liệu? Hình thức gởi như thế nào và gởI cho ai vì có thể sang năm là tôi “nghẽo củ tỏi” rồi. Vấn đề cấp bách là khi vào trang web này chỉ có thế này thôi ư, vậy thì làm sao cái gì có của ĐBSCL thì nhập vô, vấn đề cốt lõi này là vai trò của Hội VHNT các tỉnh ĐBSCL".
 
Dường như đây là ý kiến được nhiều văn nghệ sĩ tán thành nhất và cũng là vấn đề khúc mắc nhất khi liên hệ để gởi tác phẩm. Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Lưu Trọng Văn đặt thẳng vấn đề: “Đây không phải là nhiệm vụ của Ban Liên lạc mà là cách nhìn của các nhà chức trách ở ĐBSCL chứ không thể của Hội VHNT. Nếu mà các Ban Văn xã HĐND các tỉnh (13 tỉnh – PV), Sở VHTT, Ban Tư tưởng Văn hóa của 13 tỉnh nhìn nhận đây là vấn đề cực kỳ lớn của ĐBSCL thì bắt tay vào và hỗ trợ. Tôi xin lỗi, các nhà văn ít biết về vi tính làm sao để đưa tác phẩm lên mạng và phải có những người có trách nhiệm làm việc này”.
 
Những bức xúc về văn hóa
 
Đồng tình với những nỗi niềm trăn trở của nhà kỹ thuật Nguyễn Hòa, nhà thơ Hoài Vũ đã thẳng thắn đặt vần đề: “Chúng ta nên đầu tư cho nền văn học ĐBSCL vì nói về kinh tế thì đây là vựa lúa lớn nhất nuôi sống cả nước, nhưng một trang web ra đời mà không có một tổ chức hẳn hoi, thiếu tư cách pháp nhân thì thật đáng buồn và xấu hổ. Tôi đề nghị rằng, đại hội Nhà văn sắp tới nên đem vấn đề này vào thảo luận, và ai có tâm huyết, quyết tâm về vấn đề này, tôi và chúng ta bỏ phiếu tín nhiệm vào Ban chấp hành, còn không thì gạt bỏ. Bởi xưa nay cứ nói hay hơn làm, vần đề đưa nghị quyết về văn hóa là ở chỗ này, cứ học nghị quyết rồi không thực hiện thì buồn lắm, đây mới là vấn đề của nghị quyết đây. Và, một vấn đề lớn nữa là, đã ba mươi năm rồi, Văn nghệ giải phóng dường như chìm vào quên lãng, chúng ta phải nhắc tới và phải làm vì nó là một thời kỳ lịch sử, phải làm thôi”.
 
Tuy nhiên nhiều trăn trở bất cập lớn nhất của trang web này là chưa "danh chính ngôn thuận" để nhận được sự tài trợ nuôi sống trang web. Bởi, Hội Nhà văn chưa quan tâm đúng mức như chưa cấp giấy phép, con dấu...

G.N

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

DÁNG VIÊT
NGÀNH VĂN HOÁ
5 năm: 300 tỷ đồng dành cho các di tích
10:55' 02/10/2004 (GMT+7)
 www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/dangviet/2004/10/274120/ 

Năm năm qua, Nhà nước đã đầu tư gần 300 tỷ đồng hỗ trợ, tu bổ chống xuống cấp 418 di tích. Ngày 01.10, tại hội nghị "Quán triệt kết luận Hội nghị TW 10 (khóa IX) và chuẩn bị triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch năm 2005 ngành văn hóa thông tin", Bộ Văn hóa Thông tin cho biết thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của nhân dân, 50% các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt cũng đã được tu bổ, giữ gìn.

Soạn: AM 158833 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Các thiết bị hiện đại và chuyên dụng được đưa vào phục vụ trùng tu khu tháp Mỹ Sơn - di sản văn hoá thế giới

Các dự án điều tra, sưu tầm, nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền; điều tra, bảo tồn một số làng, bản, phum sóc tiêu biểu và lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc ít người cũng được Nhà nước đặc biệt chú trọng.

Năm 2005, với tổng ngân sách Nhà nước cấp khoảng 715 tỷ đồng, cùng với việc đầu tư chống xuống cấp và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, ngành văn hóa thông tin sẽ đầu tư 1,6 tỷ đồng tổ chức 8 lễ hội truyền thống và tuyển chọn 10 làng tiêu biểu nhất để lập dự án bảo tồn.

Ngành sẽ thực hiện 85 dự án hoàn thiện thiết bị cho ngân hàng dữ liệu, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở cấp làng, thôn, xã, phường, các tụ điểm văn hóa ở các làng có hoàn cảnh đặc biệt.

Riêng trong lĩnh vực điện ảnh, ngành tiếp tục hoàn chỉnh công nghệ hiện đại cho sản xuất phim, đầu tư thiết bị chuyển đổi phim nhựa sang CD-ROM để lưu giữ; đầu tư cho các đội chiếu bóng lưu động; đào tạo ngắn hạn tiếp thu công nghệ mới và nâng cao trình độ đạo diễn, biên kịch, quay phim.

(Theo TTXVN)

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

NGHỆ SĨ TÔN NỮ NGUYỆT MINH
Chương trình biểu diễn độc tấu Piano
15:29' 14/09/2004 (GMT+7)
 http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/nhacviet/2004/09/259049/ 

Nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh

Nữ nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh được học piano từ nhỏ cùng mẹ là bà Vũ Thị Hiền, chị tốt nghiệp xuất sắc nghiên cứu sinh nhạc viện Moscow và cũng là người đã từng nhận được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế như: nhận bằng khen danh dự tại cuộc thi âm nhạc quốc tế danh tiếng Tchaikovsky năm 1974, giải ba cuộc thi piano quốc tế B.Smetana (Tiệp Khắc) năm 1982, huy chương bạc cuộc thi Viotti (Ý) năm 1984…Từ năm 1985, Nguyệt Minh giảng dạy tại Đại học Âm nhạc Hanns Eisler tại Berlin (Đức).

Nguyệt Minh đã trình diễn thành công trên 20 nước (Nga, Ucraina, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Phần Lan, Tiệp, Slovakia, Hungary, Bulgaria, Lithuania, Geogia, Latvia, Armenia, Cuba, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam…) và biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Đức, Nga, Cuba, Việt Nam các bản Concerto số 3, số 5 của Beethoven, concerto số 1 của Chopin, concerto số 3 của Prokofiev, concerto “Việt Nam” của K. Schwaen… Trong lần về thăm quê hương lần này, chị sẽ tham gia biểu diễn tại Nhạc viện TPHCM lúc 20 giờ ngày 17.09.2004. Chương trình sẽ gồm các tác phẩm chọn lọc của Mozart, Chopin, Liszt, Debussy và Scriabine. Các bạn yêu thích nhạc cổ điển có thể liên hệ tại:

1. Trung tâm Biểu diễn – Nhạc viện TP HCM, 112 Nguyễn Du, Quận I. ĐT: 8.243.774.

2. Minh Nguyên Piano Boutique, 82 và 94 A Nguyễn Đình Chiểu, quận I. ĐT: 8.237.691.

THU THỦY

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

MATTHEW TAYLOR, NHÀ SẢN XUẤT CỦA GIẢI THƯỞNG ÂM NHẠC HÒA BÌNH THẾ GIỚI
“Việt Nam là hình mẫu về sự yêu thương và tha thứ”
12:32' 13/02/2004 (GMT+7)
 http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/thegioihomnay/2004/02/51687/ 

Được sự đồng ý của Chính phủ, tối 26.6 tới đây Cục Nghệ thuật biểu diễn của Bộ Văn hóa – Thông tin sẽ phối hợp với Tổ chức Giải thưởng Âm nhạc Hòa bình thế giới (WPMA) tổ chức buổi biểu diễn lớn nhân lễ đón nhận giải thưởng “Sự nghiệp Hoà bình” mà WPMA trao cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn qua e – mail với ông Matthew Taylor (ảnh) – người phụ trách chương trình này của WPMA.

Thưa ông, tại sao các ông lại có ý tưởng tôn vinh các nhạc sĩ vì hòa bình?

Matthew Taylor, nhà sản xuất của Giải thưởng Âm nhạc Hòa bình thế giới

- Tôi đã được chứng kiến nhiều cuộc tuần hành vì hòa bình trên thế giới. Hàng vạn người sát cánh bên nhau bày tỏ mối quan ngại của họ về thế giới bất ổn mà chúng ta đang sống. Tôi luôn nhìn thấy mọi người mặc những chiếc áo phông in hình ảnh các nhạc sĩ, hát vang những bài hát ca ngợi hòa bình như “Hãy cho hòa bình một cơ hội” (Give Peace A Chance), Tưởng tượng (Imagine)… Chính các nhạc sĩ là những người thể hiện tiếng nói của những ai quan tâm đến tương lai. Và năm nào khi xem công bố trao giải Nobel Hòa bình, tôi đều chờ tên một nhạc sĩ được xướng lên, nhưng chưa bao giờ điều đó xảy ra. Trên thực tế, vai trò của các nhạc sĩ trong xã hội chưa được đánh giá đúng mức. Tôi chưa bao giờ thấy hình ảnh của những người đoạt giải Nobel Hòa bình in trên áo phông, những lời phát biểu của họ được trích dẫn bởi hàng vạn người cầu mong hòa bình. Chẳng nhẽ chúng ta phải đợi đến lúc họ qua đời mới nói từ “Cảm ơn”?

WPMA là một tổ chức phi lợi nhuận đa quốc gia do những tình nguyện viên hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc sáng lập ra nhằm tuyên truyền về hòa bình qua âm nhạc và tôn vinh những nhạc sĩ có đóng góp cho nhân loại. Thông điệp về hòa bình có thể vượt ra khỏi mọi biên giới, tôn giáo, văn hóa và chủng tộc. Chúng tôi tin rằng WPMA đang trở thành một sàn diễn quan trọng nơi mà các nhạc sĩ trên toàn thế giới có thể nói lên tiếng nói và đoàn kết mọi người cho một lý tưởng duy nhất: Hòa bình.

Tại sao WPMA lại chọn VN làm nơi tổ chức buổi biểu diễn năm 2004?

- Có một số nguyên nhân khiến Ủy ban tuyển chọn của WPMA chọn VN làm địa điểm tổ chức chương trình biểu diễn của WPMA 2004. Chúng tôi luôn chọn những nước đã phải nếm trải nỗi buồn chiến tranh, đặc biệt là những nước đã biết vươn mình đứng dậy sau chiến tranh. Tôi nghĩ rằng không có một nước nào trên thế giới phải chịu cuộc chiến tranh ác liệt như VN. Và sau 30 năm VN đã trở thành một tấm gương sáng chói và đầy tự hào về lòng quả cảm, phẩm giá và lòng yêu thương con người. Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố Hòa bình”, còn nhân dân VN thì đã chọn lẽ sống cho mình là yêu thương và tha thứ, chứ không khư khư ôm mối hận trong lòng. Đó chính là hình mẫu mà tổ chức WPMA sinh ra để tôn vinh.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người được nhận giải "Sự nghiệp Hoà bình" của WPMA

WPMA nhìn nhận thế nào về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

- Trong số 6 nhạc sĩ được nhận giải “Sự nghiệp Hòa bình” (Life of Peace) năm nay có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của VN. Ông đã thể hiện rất rõ tình yêu đối với cuộc sống, nhân loại và đất nước trong các tác phẩm của mình. Ông là một trong số những nhạc sĩ xuất sắc của VN bằng lao động của mình góp phần củng cố khối đoàn kết dân tộc. Đến với mỗi tâm hồn người Việt sống tản mác khắp thế giới sau chiến tranh, các tác phẩm của ông khiến họ nhớ rằng họ có chung một bà mẹ, chung một dòng máu và cùng xuất thân từ “cái bọc trăm trứng”. Và cũng chính bởi vì ông là nhạc sĩ duy nhất được tôn vinh sau khi đã khuất, nên việc chọn quê hương ông làm nơi tổ chức buổi biểu diễn WPMA là thích hợp hơn cả.

Xin ông cho biết rõ hơn về buổi biểu diễn của WPMA sẽ diễn ra tại Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) vào tối 26.6 tới đây?

Buổi biểu diễn WPMA sẽ được ghi hình bằng công nghệ mới nhất là High – Definition (độ nét cao). Nhóm sản xuất chương trình bao gồm thành viên của nhiều nước sẽ hợp tác với các chuyên gia của VN để phát sóng một chương trình hòa nhạc vô cùng độc đáo. Những nghệ sĩ lớn từ 30 nước sẽ cùng hát những bài ca nổi tiếng mà ai cũng biết và cả những bài hát còn ít người biết đến.

Buổi biểu diễn WPMA sẽ được truyền hình trực tiếp đi khắp thế giới và điều đó sẽ giúp VN có thêm cơ hội tỏa sáng trên phạm vi toàn cầu. Việc nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến VN sẽ có ảnh hưởng tích cực đến du lịch VN trong nhiều năm tới, và tình hữu nghị nảy nở tại VN sẽ còn tồn tại lâu hơn. Điều quan trọng nhất, theo chúng tôi, đó là tình cảm tự hào mà mọi người VN trên toàn thế giới có được khi lần đầu cùng nhau ca ngợi hòa bình, dẫu là chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ. Đây cũng là một cơ hội nữa để thế giới có một cái nhìn khác về VN, mà cụ thể là một dân tộc biết tự trọng, đoàn kết, yêu hòa bình và giàu lòng nhân ái.

Xin cảm ơn ông.

(Theo báo Lao động)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi

 Trở về đầu trang

Bản quyền Báo điện tử VietNamNet, được hỗ trợ bởi phần mềm VASC Orient Soft.
Công ty phần mềm và truyền thông VASC - 99 Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Tel: +844 9420798 ; Fax: +844 9420796 ; webmaster@vasc.com.vn