.
Thứ hai, 16/4/2007, 14:05 GMT+7
 www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2007/04/3B9F5173/

Dự án Khí sinh học của VN đoạt giải Năng lượng toàn cầu

Ảnh: CAND.

Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi của Việt Nam đã vượt qua 700 dự án đề xuất từ khắp nơi trên thế giới và nhận giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, do Liên Hợp Quốc và một số tổ chức năng lượng hàng đầu châu Âu tổ chức.

Giải thưởng bao gồm một bức tượng nặng 17 kg và tiền thưởng trị giá 10.000 euro, đã được ông Hans - Gert Pottering, Chủ tịch Nghị viện châu Âu trao cho tiến Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Dự án khí sinh học cho ngành Chăn nuôi của Việt Nam, hôm 12/4.

Ngoài đóng góp của chương trình vào việc giảm bớt tình trạng trái đất ngày càng nóng lên, Ban giám khảo đặc biệt ca ngợi phương thức tiếp cận ngành của chương trình này.

Nhờ thu hút sự tham gia của cả nhà nước lẫn tư nhân trong công tác quảng bá và xây dựng các công trình khí sinh học, chương trình đã mang lại lợi ích cho 27.000 hộ nông dân tại 50 tỉnh, thành của Việt Nam với phương thức bền vững về kinh tế.

Bắt đầu triển khai từ năm 2003, chương trình Khí sinh học do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện thông qua Văn phòng dự án Khí sinh học, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV. Dự kiến đến năm 2010, dự án sẽ đạt mục tiêu xây dựng khoảng 167.000 công trình tại 50 tỉnh, thành.

Theo các nhà phân tích, dự án chương trình khí sinh học của Việt Nam còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn nhờ nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo (khí sinh học) được dùng để đun nấu và thắp sáng. Chi phí đầu tư cho một công trình khí sinh học, vào khoảng 200-350 euro, có thể được hoàn lại trong vòng vài ba năm.

Với kết cấu khép kín và sử dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi, sinh hoạt, công trình khí sinh học đã góp phần giải quyết một trong những vấn đề bức xúc hiện nay ở các vùng nông thôn là tình trạng ô nhiễm môi trường.

(Theo Công an Nhân dân)



Lần đầu tiên làm sạch hồ Hà Nội bằng chất thân thiện môi trường
www.vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2008/07/3BA03FB4/

Kỹ sư Tuân với ca nước được lấy từ hồ đã trong hơn rất nhiều so với trước khi xử lý bằng LTH 100. Ảnh: M.T.

Nếu đến Hồ Văn (Quốc Tử Giám, Hà Nội) 10 ngày trước, bạn phải bịt mũi vì mùi hôi thối, thì nay mùi này đã hết, nước hồ cũng trong hẳn, nhờ công nghệ phun chế phẩm hóa học LTH.

Hồ Văn trước đây nằm trong tổng thể khu di tích Văn Miếu. Đến thế kỷ 19, Pháp mới cho xây một con đường cắt ngang hồ Văn và Văn Miếu là phố Quốc Tử Giám ngày nay.

Hiện nay, khu hồ đã được lát kè, trồng liễu và hoa tạo nên cảnh quan khá đẹp mắt. Tuy nhiên, đây lại là một trong những hồ bị ô nhiễm nặng nhất của Hà Nội. Nó chẳng khác gì chiếc ao tù với nước xanh quánh, bốc mùi nồng nặc. Khắp mặt nước lềnh phềnh các loại rác thải.

Từ ngày 25/6, nhóm các nhà khoa học thuộc Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc đã tiến hành làm sạch hồ bằng công nghệ phun chế phẩm LHT 100.

LTH 100 là dạng chất lỏng, màu trắng, mùi hơi hắc, được nghiên cứu và thử nghiệm thành công trên cơ sở tận dụng các phế thải nông nghiệp. Chế phẩm được Viện Công nghệ Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá là không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào tới sự sinh trưởng của các sinh vật sinh sống trong hồ.

Dung dịch được hòa loãng với nước sau đó phun đều lên bề mặt hồ. Kỹ sư Nguyễn Phú Tuân, trưởng nhóm thực hiện cho biết, đây là chế phẩm thân thiện môi trường, có khả năng diệt hết tảo, khử mùi hôi thối, xử lý kim loại nặng (kim loại nặng sẽ kết tủa và lắng xuống đáy hồ) vì thế giúp nước hồ trong và sạch hơn.

Trước khi phun hóa chất xuống hồ, nhóm đã múc nước vào thùng phi (có thả thêm cá) rồi phun thử thuốc lên thì thấy sau một lúc, nước đã trong hơn và cá vẫn sống.

Hồ Văn lúc chưa xử lý bằng hóa chất LTH1.
Hồ Văn sau 1 tuần làm sạch.

Việc dùng LTH 100 này mở ra một hướng mới trong việc xử lý các hồ ô nhiễm ở Hà Nội. Ngoài ra, chế phẩm này có thể dùng để xử lý nước thải công nghiệp, nông nghiệp và nước thải ở các làng nghề. Mỗi lít chế phẩm có thể làm sạch 60-80 m3 nước ô nhiễm.

Để xử lý Hồ Văn cần 300 lít LHT 100, tương đương với 60 triệu đồng. Đây được coi là mức chi phí rẻ nhất có thể để xử lý hồ bằng công nghệ này, so với mức giá 400 triệu đồng nếu xử lý bằng công nghệ nước ngoài. Hiện nhóm đã phun 200 lít, dự định sẽ phun tiếp 50 lít vào 20 ngày nữa.

Đến hôm qua (1/7), sau một tuần phun hóa chất, nước hồ đã trong hơn, đặc biệt không còn mùi hôi thối, 99% tảo bị chết.

Trước hồ Văn, hai hồ Tả và Ngạn thuộc khu Văn Miếu cũng được phun hóa chất LTH. Đến thời điểm này, nước trong hai hồ cũng đã trong, sạch hơn nhiều và khách đến thăm Văn Miếu còn có thể nhìn thấy cá, rùa bơi lội.

Theo kỹ sư Tuân, muốn hồ Văn sạch hẳn thì cần đợi một tháng nữa. Ngoài ra, để cải tạo đồng bộ hồ phải tiếp tục đưa vi sinh vật xuống để xử lý hữu cơ. Và điều quan trọng nhất là người dân cần có ý thức giữ gìn, bảo vệ hồ bởi nếu cứ xử lý xong lại thải rác ra thì chẳng có cách nào làm hồ sạch hẳn được.

Nói về điều này, ông Chu Văn Hà, bảo vệ khu Văn Miếu, người sáng nào cũng mất đến 2 tiếng để vớt rác thải từ hồ thổ lộ: "Có những lần hớt rác xong mà tôi thấy rùng mình, đủ các thứ từ xác động vật đến chăn gối, bát hương, bàn thờ, thịt sống, túi nilông... Những lúc đó chẳng ai dám vào khu hồ vì không ngửi được mùi thối bốc lên".

Còn bác Nguyễn Ngọc Đông, ở phố Cát Linh, Hà Nội cho biết: Trước đây, bác chỉ dám ra hồ tập thể dục vào mùa rét vì khi nắng, nóng, mùi nồng nặc bốc lên không chịu được. "Nhưng hôm qua trời oi bức thế mà tôi đi dạo quanh hồ vẫn không thấy mùi gì", bác vui vẻ nói.

Hiện vấn đề làm đau đầu nhóm làm sạch hồ bằng công nghệ phun LTH 100 là một số cành to của cây si ở giữa hồ bị đổ ngay sau hôm phun thuốc vì mưa to, lá si rụng và thối ra khiến cho nước bị đen và khó làm sạch. Nhóm đã kiến nghị để công ty công viên cây xanh trục vớt nhưng đến nay hiện trạng vẫn còn nguyên.

Minh Thùy



Vải thiều Lục Ngạn vào mùa (Bắc Giang | Vietnam)
www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/06/3BA03AA4/

Được mùa vải thiều nhưng người dân tại Lục Ngạn (Bắc Giang) đang phải lo lắng bởi mỗi kg vải bán tại đây có giá 1.500-3.000 đồng. Năm nay, toàn tỉnh ước tính thu hơn 220.000 tấn vải tươi.

Cuối tháng 6, mùa vải thiều chín rộ. Ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), đi đâu cũng thấy những đồi vải, vườn vải chín đỏ.
Với diện tích trồng vải lên tới 40.000 ha, Bắc Giang ước tính sản lượng vải tươi lên tới hơn 220.000 tấn, tương đương với vụ được mùa năm ngoái.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở đây, được mùa cũng đồng nghĩa với rớt giá. Mỗi kg vải bán tại Bắc Giang chỉ khoảng 1.500 - 3.000 đồng. Theo tính toán, ở vụ vải năm 2007, chi phí sản xuất một kg vải lên tới 2.500 đồng.
Ngay từ sáng sớm, người dân ở đây đã tràn xuống các con đường để mua bán vài. Các xe tải, xe đông lạnh từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Lạng Sơn... tấp nập tới mua hàng.
Các cửa hàng vàng bạc cũng tạm ngừng giao dịch để nhường chỗ cho việc thu mua vải.
Để nâng cao chất lượng, đồng thời tăng giá bán của vải thiều Lục Ngạn, Bộ GD&ĐT đã cấp kinh phí cho ĐH Nông nghiệp I Hà Nội thực hiện đề tài nghiên cứu "Sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP (Sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn Việt). Nhờ đó, hiện vải sản xuất theo mô hình này được bán với giá 5.000-6.000 đồng một kg.
Nhờ có VietGAP, vải được làm chậm quá trình chín, kéo dài thời gian thu hoạch để người dân có thể bán được giá cao hơn. Mỗi héc ta vải trồng theo mô hình này thu thấp nhất là 40 triệu đồng.
Ngày 22/6, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã về Bắc Giang tìm hướng đi cho người dân vùng vải. Sắp tới, bên cạnh việc đăng ký thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn, địa phương này còn tổ chức hội nghị tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm này.

Khánh Chi

Tổng bí thư: 'Phải tạo cơ hội thăng tiến, tôn vinh nhà khoa học'
www.vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2008/06/3BA03D82/

Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động, nâng tổng mức đầu tư và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các nhà khoa học là những vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh với Bộ Khoa học và Công nghệ, sáng nay.
> 'Chỉ có khoa học và công nghệ mới đưa Việt Nam bứt phá'/ Tồn 600 tỷ đồng dành cho khoa học do luật 'trói'

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong khẳng định, thực hiện nghị quyết trung ương 2 khóa 8 và kết luận Hội nghị trung ương khóa 6, Bộ đã tập trung đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tối đa cho các tổ chức khoa học công nghệ; phát triển thị trường công nghệ và hoàn thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực này.

"Nhiều tổ chức khi được giao quyền tự chủ đã chuyển biến tích cực. Ví dụ Công ty Sơn tổng hợp Hải Phòng, trung bình mỗi công nhân một năm tạo ra doanh thu 1,5 tỷ đồng, cao hơn cả các doanh nghiệp phần mềm", ông Phong nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất tốt, nhưng nhiều tổ chức khoa học công nghệ còn phân vân, sự phối hợp giữa các bộ ngành ở trung ương tốt, nhưng ở dưới địa phương lại yếu. "Việc bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan nghiên cứu thường là nhà khoa học, làm nghiên cứu tốt, nhưng thiếu tư duy kinh tế thị trường nên ngại chuyển đổi", ông Quân giải thích.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: "Tôi rất ấn tượng với một số kết quả đạt được qua các hội chợ công nghệ". Ảnh: Hoàng Hà.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự nhìn nhận, đội ngũ khoa học hiện nay có phần lạc hậu, hệ quả là năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Ông chỉ ngay nguyên nhân: "Tiền đầu tư cho khoa học công nghệ quá ít, từ năm 2001, Quốc hội mới dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong khi lĩnh vực này cùng với giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển".

Để khoa học thực sự cất cánh, giáo sư Cự đề nghị đến năm 2010 cần tăng mức đầu tư cho khoa học công nghệ lên 1% GDP (xấp xỉ 1 tỷ USD), bên cạnh đó vay thêm vốn ODA khoảng 0,5 tỷ USD. Khoản tiền này được dùng để đào tạo các nhà khoa học, xây dựng phòng thí nghiệm quốc gia và đặc biệt là trả phụ cấp đặc biệt dựa trên những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, tránh hiện tượng cào bằng lương như hiện nay.

Chia sẻ với giáo sư Cự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Đăng Vang nói: "Trong báo cáo xóa đói giảm nghèo năm 2002, Ngân hàng thế giới đã đánh giá đầu tư một đồng cho khoa học thì thu lời gấp 10 lần so với đầu tư xã hội nói chung. Hiện nhà nước mới đầu tư 0,56% GDP, con số quá thấp so với 5,5% của Hàn Quốc và 2,8% của Mỹ".

Ông Vang đề nghị tăng mức đầu tư cho khoa học công nghệ, đặc biệt đầu tư ngay cho các trường ĐH, nơi tập trung đông nhất đội ngũ trí thức trẻ với nhiều hoài bão, để 15 năm sau họ sẽ là trụ cột của nền khoa học nước nhà. Muốn chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì trong ban giám đốc của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ nên có thành phần là nhà quản lý kinh doanh. "Các nhà khoa học vốn chỉ biết làm khoa học, không rành về kinh doanh", ông Vang giải thích.

Lắng nghe tất cả ý kiến góp ý cho chiến lược phát triển khoa học công nghệ nước nhà, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định mặc dù đầu tư cho công nghệ còn hạn chế (chỉ chiếm 0,56% GDP, 2% tổng chi ngân sách), nhưng 5 năm qua ngành khoa học đã đạt được những thành tựu ấn tượng.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (bên phải) trao đổi với Bộ trưởng Hoàng Văn Phong (đứng giữa). Ảnh: Hoàng Hà.

"Chúng ta đã nghiên cứu sản xuất thành công văcxin phòng dịch cúm gia cầm; ứng dụng kỹ thuật ghép tạng, ghép gan, mổ nội soi cho người bệnh với trình độ tương đương các nước phát triển; tạo ra giống lúa năng suất, chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Công trình thủy điện Sơn La đòi hỏi trình độ rất cao, nhưng khả năng có thể rút ngắn thời gian thi công 2 năm", Tổng bí thư nói.

Tuy nhiên, theo Tổng bí thư, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có chính sách cụ thể để sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ. Hiệu quả của công tác nghiên cứu chưa được nâng cao rõ rệt; chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Nhấn mạnh tới việc trọng dụng các nhà khoa học, Tổng bí thư nói: "Chủ nghĩa bình quân và tư duy hành chính kéo dài nhiều năm đã là một trong những nguyên nhân làm giảm sút sức sáng tạo và nhiệt huyết của các nhà khoa học. Đã đến lúc Bộ cần đề xuất một số giải pháp đột phá, cân đối nguồn kinh phí dành cho khoa học công nghệ để đầu tư tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất; có chế độ đảm bảo thu nhập thỏa đáng đối với người làm công tác khoa học kỹ thuật; tạo cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp và phải tôn vinh xứng đáng những nhà khoa học".

Hồng Khánh



 
© 
®