Lấy về từ / captured from: www.vnn.vn 
 
Sự cố ở Nhà máy xi-măng Holcim: Chưa tính xong thiệt hại
15:20' 07/09/2004 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/xahoi/doisong/2004/09/256588/ 

(VietNamNet) - Sáng nay (7/9), Công ty Liên doanh xi-măng Holcim Việt Nam xác nhận, có một người bị thương trong sự cố sập phễu chứa phụ gia nặng 1.000 tấn tại Trạm nghiền Thị Vải.

 

Toàn cảnh Trạm nghiền Thị Vải, thuộc Công ty Holcim.
Ông Martin Foreman - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, lúc 17h ngày 4/9, phễu chứa phụ gia puzzolan của Trạm nghiền Thị Vải, thuộc Công ty Liên doanh xi-măng Holcim Việt Nam (gọi tắt Công ty Holcim) có trọng lượng khoảng 1.000 tấn bất ngờ bị tuột xuống từ độ cao 7m trong khi đang vận hành thử tại KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Rất may, phễu nguyên liệu này được đặt trong khung bảo vệ kỹ thuật, được điều khiển từ xa và ở khu vực hạn chế người qua lại nên khi xảy sự cố đã không bị thiệt hại lớn về người. Tuy nhiên, toàn bộ máy móc, thiết bị đặt bên dưới phễu bị hư hại; một công nhân bị thương khi đi qua khu vực này.

 

Hiện trường vụ sập phễu chứa phụ gia.

Mặc dù sự cố xảy ra từ chiều 4/9, nhưng đến thời điểm này (7/9), sự vụ vẫn chưa được Công ty Holcim báo lên Sở hoặc Phòng LĐTB&XH địa phương, nơi đặt nhà máy. Ngoài ra, tại buổi làm việc với báo giới, lãnh đạo Công ty Holcim cho biết, không có ý định mời cơ quan chức năng của chính quyền địa phương vào cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến sự cố mà sẽ có một nhóm kỹ sư của công ty thực hiện việc này.

 

Đến sáng ngày 7/9, Ban Giám đốc Công ty Holcim vẫn chưa thể thống kê được con số thiệt hại sau vụ sập phễu chứa phụ gia. Được biết, Trạm nghiền Thị Vải (nơi xảy ra sự cố) có vốn đầu tư trên 53 triệu USD.

 

  • Phan Công
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Từ xi măng Sao Mai đến xi măng Holcim:
Đổi tên để tạo hình ảnh mới cho sản phẩm
12:04' 28/02/2004 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/kinhte/thitruong/2004/02/53064/ 

(VietNamNet) - Công ty Liên doanh Xi măng Holcim Việt Nam cho biết việc đổi tên Công ty từ Sao Mai sang Holcim đã mang lại sự tăng trưởng cao hơn và ảnh hưởng tích cực hơn tới hình ảnh và sản phẩm của Công ty.

Một buổi giới thiệu sản phẩm mới của Holcim Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: M.Q

Ông Laurent Houmard, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Công ty Liên doanh Holcim Việt Nam, nói với VietNamNet rằng kết luận này rút ra được từ một cuộc khảo sát các DN và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của Công ty trong mấy tháng qua, sau khi Công ty này chính thức đổi tên mới hồi cuối tháng 9 năm ngoái.

Công ty  Xi măng Sao Mai, là tên gọi trước đây của Holcim Việt Nam, được thành lập từ 1994. Liên doanh này đổi tên trước, sau đó đồng loạt đổi tên các sản phẩm. Việc đổi tên đối với một DN là chuyện không đơn giản, khó tránh khỏi sự tốn kém và cả thất bại khi người tiêu dùng đã quen thuộc với tên gọi cũ.

Ông Tổng Giám đốc Holcim Việt Nam, Martin Foreman  nói rằng việc đổi tên theo tên của tập đoàn xi măng thế giới nhằm tạo nên hình ảnh mới đối với sản phẩm, thông qua đó tác động vào tâm lý  người tiêu dùng trong nước vốn chuộng thương hiệu hay tên gọi quốc tế.

Cũng theo ông Hourmard, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của Công ty đang tăng khiến cho Công ty tự tin hơn vào quyết định đổi tên, đặc biệt là việc bán hàng qua mạng. Năm 2003, khoảng 2,1 triệu tấn xi măng được sản xuất và tiêu thụ so với năm 1997 là 200.000 tấn. Năm nay Công ty hy vọng sẽ sản xuất và tiêu thụ 2,6 triệu tấn. Khoảng 85% sản lượng tiêu thụ của Holcim Việt Nam được đặt hàng qua mạng, hầu hết đơn hàng từ các các đại lý và nhà phân phối. Đặt hàng qua mạng là cách kinh doanh hiệu quả đối với DN cần lưu chuyển hàng nhanh.

Holcim Việt Nam, liên doanh giữa Công ty Xi măng Hà Tiên 1 thuộc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và tập đoàn Holcim của Thụy Sỹ, hiện có nhà máy sản xuất xi măng tại Hòn Chông, tỉnh Kiên Giang và trạm đóng bao và phân phối tại Cát Lái quận 2, TP.HCM. Trạm nghiền Thị Vải - Bà Rịa Vũng Tàu đang được liên doanh xây dựng và sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2004.

Hiện nay trên cả nước có khoảng 70 nhà máy sản xuất xi măng. Nhu cầu tiêu thụ xi măng đạt trên 25 triệu tấn năm 2003, dự kiến năm 2004 sẽ tăng khoảng 13% so với năm 2003. Hầu hết nguyên liệu sản xuất xi măng nhập từ nước ngoài với số lượng khoảng 2,5-3 triệu tấn clinker/năm.

  • Minh Quang
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi





Bà Rịa - Vũng Tàu:
Nhà máy xi-măng sập bồn, 2 người bị thương nặng
08:21' 06/09/2004 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/xahoi/doisong/2004/09/255980/ 

(VietNamNet) - Ngày 5/9, ông Lê Đình Luân - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành) xác nhận với phóng viên VietNamNet về sự cố sập bồn lanker tại công trường xây dựng Nhà máy ximăng Holcim, làm ít nhất 2 người bị thương nặng phải đưa lên TP. HCM cấp cứu.

Một góc Nhà máy ximăng Holcim, nơi xảy ra sự cố chiều ngày 4/9.

Ông Lê Đình Luân cho biết, khoảng 17h ngày 4/9 tại công trường xây dựng Nhà máy xi-măng Holcim (KCN Phú Mỹ I - huyện Tân Thành) đã xảy ra sự cố sập bồn lanker làm bị thương công nhân và thiệt hại nhiều tài sản. Sáng 5/9, chính quyền địa phương đã liên lạc với chủ đầu tư để tìm hiểu sự việc nhưng bị bảo vệ từ chối cộng tác.

 

Cùng ngày, phóng viên VietNamNet cũng đã tới nơi tìm hiểu sự việc. Ông Trần Xuân Lăng - Đội trưởng Bảo vệ công trường xây dựng Nhà máy xi-măng Holcim xác nhận “có sự cố sập bồn lanker” nhưng không cho các phóng viên vào tiếp cận hiện trường với lý do “không có gì nghiêm trọng!”.

Trong khi đó, người dân sống gần khu vực xảy ra sự cố khẳng định, khoảng 17h chiều ngày 4/9, họ nghe có tiếng đổ sập rất lớn phát ra từ trong công trường xây dựng Nhà máy xi-măng Holcim. Công nhân làm việc ở đây cho biết đó là tiếng đổ sập của hai bồn lanker vừa mới được đưa vào chạy thử được khoảng 3 ngày nay. Tuy nhiên vẫn chưa xác định được số người bị thương vong vì thời điểm xảy ra sự cố thường có  đông công nhân làm việc. Do đó, có khả năng còn người bị vùi lấp trong đống đổ nát(?).

 

Thiếu tá Trần Quang Hiệp - Trưởng Công an thị trấn Phú Mỹ cho biết, không chỉ báo chí bị ngăn cản mà ngay cả cơ quan chức năng cũng chưa liên hệ được với những người có trách nhiệm của nhà máy nói trên để vào kiểm tra, xác minh vì điện thoại bị khóa. Theo ông Lê Đình Luân, sau khi sự cố xảy ra, Ban quản lý nhà máy ximăng Holcim có dấu hiệu bưng bít thông tin, mặc dù các cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần liên hệ nhưng đến trưa ngày 5/9 vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức về sự cố này. Vì thế, đến chiều tối ngày 5/9,  nguyên nhân xảy ra sự cố sập bồn lanker của nhà máy ximăng Holcim cũng như số người bị thương vong vẫn còn là “ẩn số”!

  • Thăng Long
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Xây trạm nghiền xi măng Thị Vải
14:26' 21/05/2003 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/kinhte/toancanh/2003/5/12507/ 
Lễ khởi công trạm nghiền xi măng.

Công ty Holcim Việt Nam hôm qua (20/5) đã tổ chức lễ động thổ xây dựng trạm nghiền xi măng Thị Vải, công suất 1,3 triệu tấn/năm. Số vốn đầu tư giai đoạn 1 của trạm nghiền xi măng này là 53 triệu USD, được xây trên diện tích hơn 20ha tại KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự kiến trạm nghiền xi măng Thị Vải sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2004. Sau đó, Công ty Holcim Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 và 3, nâng công suất trạm nghiền lên 3,6 triệu tấn/năm, đạt mức cao nhất ở khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Holcim Việt Nam là công ty liên doanh giữa tập đoàn Holcim (Thuỵ Sĩ) với Công ty Hà Tiên 1 của Việt Nam , có tổng vốn đầu tư 441 triệu USD, trong đó phía Thụy sĩ góp 65% vốn. Công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất xi măng Hòn Chông (Kiên Giang) và trạm đóng bao, phân phối xi măng tại Cát Lái, quận 2 (TP.HCM). Dự kiến năm nay, công ty sẽ cung cấp 2,3 triệu tấn xi măng ra thị trường.

(Theo TTXVN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 11/3
09:32' 11/03/2004 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/kinhte/diembao/2004/03/54890/ 

Những tín hiệu khả quan từ việc tăng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Theo nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trong tháng 2 tiếp tục có thêm 5 dự án đầu tư nước ngoài tăng vốn với số vốn tăng thêm là 9,8 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng số vốn tăng thêm là 274,2 triệu USD, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước. Con số này càng có ý nghĩa khi so sánh với số vốn từ 80 dự án mới trong 2 tháng là 280 triệu USD.

Liên doanh nhựa và hóa chất Phú Mỹ - Công ty FDI tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại các tỉnh và thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, số lượng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng thêm vốn để mở rộng đầu tư sản xuất chiếm đa số so với cả nước. Đặc biệt, có những công ty không chỉ tăng hơn số vốn ban đầu mà còn gấp hai, gấp ba so với ban đầu thành lập công ty. Theo thống kê của Sở KH-ĐT TP.HCM, trong giai đoạn từ năm 1999 - 2003 sau 4 lần tăng vốn, Công ty liên doanh Xi măng Holcim Việt Nam đã tăng thêm đến 207,2 triệu USD vốn đầu tư (vốn đầu tư ban đầu là 233,8 triệu USD); Công ty Pou Yuen Việt Nam có số vốn ban đầu xấp xỉ 120,3 triệu USD đã tăng thêm 167,74 triệu USD; Công ty liên doanh Xây dựng Khu chế xuất Sài Gòn Linh Trung đã tăng vốn đầu tư lên gấp 3 lần số vốn ban đầu, từ 14 triệu USD lên 41,5 triệu USD. Ở Bình Dương, Công ty Giày Vĩnh Nghĩa đã tăng vốn đầu tư từ gần 5 triệu USD lên 15 triệu USD. Ở Đồng Nai, Công ty Formosa Việt Nam có vốn đầu tư ban đầu là 270,3 triệu USD, nay tăng thêm trên 211,9 triệu USD...

Nhìn vào số vốn đầu tư tăng thêm từ các công ty FDI có thể phần nào đoán được sự thành công của họ tại Việt Nam. Với Holcim, một trong số ít công ty đến từ Thụy Sĩ, thì sự thành công này gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ông Martin Foreman, Tổng giám đốc Holcim Vietnam tỏ ra rất lạc quan về thị trường xi măng Việt Nam. Trong khi Holcim thành công nhờ vào nhu cầu ngày càng lớn của thị trường nội địa, thì Pou Yuen, một công ty chuyên sản xuất giày thể thao cho các tập đoàn Adidas, Reebok và Puma, phát triển đồng hành với tốc độ tăng trưởng các thị trường xuất khẩu của Việt Nam và trở thành nhà sản xuất giày có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, sau 7 năm hoạt động tại Việt Nam, Pou Yuen còn ấp ủ dự án xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy vi tính và một trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê...

Việc các công ty FDI tái đầu tư, mở rộng sản xuất cho thấy niềm tin của họ vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Thế nhưng không phải nhà đầu tư nào tăng vốn cũng được hoan nghênh. Câu chuyện tréo ngoe này thực tế lại xảy ra tại Long An. Một công ty nước ngoài được Bộ KH-ĐT chấp thuận cho tăng vốn đầu tư, xây dựng thêm xưởng sản xuất mới, UBND tỉnh cũng đã có công văn đồng ý cho thuê đất... Mọi chuyện tưởng chừng êm xuôi nhưng hơn một năm nay công ty vẫn chưa thể triển khai được dự án vì địa điểm xây dựng nhà máy chưa được cấp... sở đồng ý. Sự thiếu nhất quán của các cơ quan chức năng tại Long An đã khiến công ty này phải trả giá đắt: mất rất nhiều khách hàng và cơ hội kinh doanh quý báu vì xưởng sản xuất cũ không đủ công suất cho những đơn hàng mới. Mặt khác, uy tín của công ty đối với công ty mẹ cũng như trên thị trường chứng khoán ở nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề.

Việc càng ngày càng có nhiều công ty FDI tái đầu tư còn hơn ngàn lời quảng cáo cho môi trường đầu tư của Việt Nam. Nhưng cũng chỉ cần một trường hợp ở Long An kể trên cũng ảnh hưởng tệ hại đến việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

(Theo Thanh Niên)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Ấn định lãi suất trong tương lai vay tiền mua máy bay
09:41' 02/08/2003 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/kinhte/taichinhnganhang/2003/8/23221/ 
(VietNamNet) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) vừa chấp thuận cho Ngân hàng Citibank được thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất bắt đầu trong tương lai với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Corporation). Nghiệp vụ này được áp dụng đối với hợp đồng vay vốn để mua chiếc máy bay Boeing 777-200 ER được giao trong tháng 10/2004.
Máy bay Boeing 777-200 ER của Vietnam Airlines.

Nghiệp vụ này mới được SBV đưa vào áp dụng, cho phép ấn định mức lãi suất giữa người đi vay và cho vay, tránh những biến động lãi suất trên thị trường, đặc biệt đối với các khoản vay dài hạn. Cụ thể, lãi suất cho hợp đồng trên là 3,65%/năm, thời hạn Vietnam Airlines vay của Citibank là 12 năm với giá trị vay là 106,52 triệu USD.

Trước đó, ngày 1/3, Ngân hàng Citibank chi nhánh Hà Nội đã có đơn đề nghị SBV cho phép thực hiện nghiệp vụ này.

Khi công tác dự báo thị trường còn thấp và không đánh giá được khả năng biến động lãi suất trong tương lai thì DN thường muốn có một mức lãi suất cố định, nhằm tính toán được chi phí ngay từ lúc vay vốn và tránh rủi ro. Vì thế họ có thể yêu cầu NH được thực hiện nghiệp vụ hoán đổi lãi suất cho hợp đồng vay vốn.

(Theo Đầu Tư)

Citibank cũng là NH đầu tiên thực hiện hoán đổi về giá dầu với liên doanh Holcim (Xi măng Sao mai). Holcim mua dầu sản xuất xi măng, nhưng lại thoả thuận giá ấn định với  Citibank 152 USD/tấn. Do giá dầu tăng từ ảnh hưởng chiến tranh tại Iraq nên trong 4 tháng đầu năm nay, với 13.000 tấn dầu nhập, Citibank đã phải trả phần chênh lệch cho Holcim tới 397.786,36 USD.

Chiếc Boeing 777-200 ER là một trong 4 máy bay vừa được Vietnam Airlines ký hợp đồng tài chính trị giá 440 triệu USD với các ngân hàng ABN Amro và Citibank để mua. Theo hợp đồng, ABN Amro sẽ cho Vietnam Airlines vay khoảng 110 triệu USD, và Citibank sẽ cho vay khoản còn lại. Hợp đồng này đã nhận được sự bảo lãnh của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ.

Dự kiến, chiếc Boeing 777-200 ER đầu tiên trong số 4 chiếc Vietnam Airlines sẽ sở hữu được chuyển giao vào tháng 8, chiếc thứ hai vào tháng 9. Chiếc thứ ba đi vào sử dụng trong quý III/2004 và chiếc thứ tư vào năm 2005. Vietnam Airlines đã ký hợp đồng mua bốn chiếc máy bay này vào ngày 10/12/2001. Đây là hợp đồng kinh doanh đầu tiên được ký sau khi Hiệp định Thương mại song phương có hiệu lực.

  • Hồng Phúc

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




EC ủng hô Viêt Nam gia nhâp WTO
09:34' 31/08/2003 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/kinhte/hoinhapphattrien/2003/8/28007/ 

(VietNamNet) - Phó Thủ tướng Vũ Khoan vừa dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị "Việt Nam: con rồng mới của châu Á?" tại Lausanne (Thụy Sĩ). Hội nghị với hơn 1.500 đại biểu tham dự đã đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới. Thảo luận với đoàn Việt Nam, các quan chức EC tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Việt Nam trong quá trình gia nhập WTO.

Đây là hội nghị thường niên do Quỹ Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ cùng Ban Thư ký Đối ngoại nhà nước Thụy Sĩ đồng tổ chức, với chủ điểm năm nay là đất nước Việt Nam. Hội nghị diễn ra ngày 28/8.

Trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Phó Thủ tướng cho biết: "Việt Nam là đất nước đang trên đà phát triển, nên rất cần sự giúp đỡ từ những đất nước thân thiện như Thụy Sĩ. Họ đang hỗ trợ chúng tôi chuẩn bị gia nhập WTO, và chúng tôi rất coi trọng sự hỗ trợ đó". Ông hy vọng các doanh nghiệp Thụy Sĩ sẽ theo bước Nestle Holcim đầu tư vào Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey khẳng định, Thụy Sĩ sẽ tiếp tục ủng hộ quá trình cải cách và nỗ lực gia nhập WTO của Việt Nam. Bà thông báo: "Viện trợ phát triển của Thụy Sĩ đã có tác động tích cực đối với sự thay đổi kinh tế của đất nước này".

Trong chuyến thăm Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này Joseph Deiss và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Micheline Calmy-Rey với chủ điểm về quan hệ chính trị, kinh tế, hợp tác song phương và đa phương... Phó Thủ tướng cũng đến chào Tổng thống Thụy Sĩ Pascal Couchepin.

Kể từ năm 1995, Thụy Sĩ luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam. Riêng trong năm 2003, Quỹ Phát triển và Hợp tác và Ban Thư ký Đối ngoại nhà nước đã dành khoảng 12,8 triệu USD (18 triệu franc Thụy Sĩ) viện trợ cho các hoạt động tại Việt Nam, tập trung vào những lĩnh vực: quản lý các nguồn lực, cải cách hành chính, hội nhập, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và ngân hàng. Trong các nước châu Âu, Thụy Sĩ đứng thứ tư về vốn đầu tư vào Việt Nam, sau Pháp, Anh và Hà Lan, lên đến 883 triệu franc Thụy Sĩ trong năm 2002.

Ngoài Thụy Sĩ, phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Khoan dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Bỉ, Ủy ban Châu Âu (EC), Pháp, Thụy Điển và Anh.

Trong cuộc hội đàm chiều ngày 29/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Louis Michel và Cao ủy phụ trách thương mại của EC Pascal Lamy cùng nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Phó Thủ tướng Bỉ khẳng định sẽ tiếp tục dành cho Việt Nam vị trí ưu tiên trong số các nước tiếp nhận viện trợ phát triển ODA. Về phía EC, ông Pascal Lamy khẳng định EC tích cực ủng hộ VN gia nhập WTO, thúc đẩy hợp tác với Liên minh châu Âu (EU).

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
 




"Dùng sức" - kinh tế bấp bênh, "tự hành" sẽ bền vững
Bài 2: Kinh tế "dùng sức": Không có đà
11:33' 16/02/2005 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/kinhte/2005/02/377177/ 
(VietNamNet) - "Dùng sức" kinh tế phát triển theo đúng kế hoạch nhưng không bền vững, chỉ khi tạo ra nền kinh tế "tự hành" thì sự phát triển mới vững chắc.

Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển lớn trong những năm gần đây, tuy nhiên chưa vững chắc. Nền kinh tế quốc gia vận hành theo lối "dùng sức" hơn là nền tảng "tự hành". Tại sao lại như thế? Ông Huy Nam, chuyên gia kinh tế và thị trường chứng khoán TP.HCM có những nhận định cũng như những lý giải riêng về điều này. Đồng thời, ông "phác họa" nền kinh tế bền vững mà theo quan điểm của ông Việt Nam nên hướng đến để có thể là nước Nhật của những năm 1970-1980...

Bài 2: Kinh tế "dùng sức": Không có đà

Ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng lợi nhuận thấp vì chủ yếu làm gia công.

Mặc dù tăng trưởng liên tục, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy yếu tố bền vững trong phát triển kinh tế nước nhà vẫn chưa rõ ràng. Hay có thể nói, kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua một thời kỳ phát triển tốn nhiều sức. Sự phát triển tốn nhiều sức hay kinh tế dùng sức ở đây diễn đạt cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chẳng hạn, việc xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế, gia công, sản phẩm có độ tinh không cao, hàm lượng chất xám ít... sẽ cho hệ quả về giá trị thặng dư thấp, hiệu quả kinh tế kém, chỉ là lấy công hay thậm chí ‘ép’ công làm lời.

Phát triển tốn nhiều sức cũng thể hiện từ thực tế vận dụng, vận động, phải thúc và đẩy liên tục với nhiều ‘biện pháp’ khác nhau; và nếu ngừng thúc đẩy thì kết quả có thể lập tức bị ảnh hưởng... Nền kinh tế như vậy chưa có được một động cơ tự hành. Quá trình thúc và đẩy đôi khi lại căng thẳng, nhất là vào giai đoạn nước rút (càng về cuối năm), nôm na là phải ‘chạy kế hoạch’.

Sự tập trung cho kinh tế là bình thường, nhưng quá tập trung lại có thể ảnh hưởng đến yêu cầu quân bình đối với việc điều hành vĩ mô. Nhiều lĩnh vực quan trọng khác (nhiệm vụ Nhà nước) có thể bị xem nhẹ hay ít được chú trọng. Kinh tế dùng sức còn là sự khai thác thái quá các điều kiện thiên nhiên, để canh tác và làm hạ tầng sản xuất, mà hiệu quả – về vật chất hay lạc phúc – có thể không bù đắp được các di hại tiềm ẩn. Phản ứng từ dự án ‘Life Resort’ trên Đồi Vọng Cảnh (sông Hương, Thừa Thiên - Huế) và nhiều thực tế khác là ví dụ. Mặt khác, sự cạnh tranh thu hút đầu tư hay tự đầu tư giữa các địa phương nhỏ lẻ, không đủ tầm hay ít có điều kiện chọn lựa, cũng dễ cho tình trạng hiệu quả thấp, chưa nói các hệ lụy...

Chúng ta thường nhắc đến cái đà, nhưng thực tế phát triển ‘vất vả’ (hay chật vật) trong nhiều năm qua có thể nói chưa cho ‘cái đà’ đủ vững nào. Vừa thở phào ‘hoàn thành’ năm này thì lại lo ngay ngáy ‘chạy’ cho năm tới. Không có cái đà và chưa có cái nền, việc thực hiện kế hoạch thường giống như ‘ăn đong’, nhất là trong tình hình có nhiều bất trắc khách quan. Nội dung thuộc về chất lượng phát triển, bối cảnh và quá trình bất ổn này đã được thừa nhận và nhắc tới tại nhiều diễn đàn.

Hãy lấy năm 2004 để soi xét. Cho dù đây là năm đạt thành tựu đáng mừng, quá trình để có thành tựu đó lại rất phập phồng. Đó là gì? Là vấn đề dịch cúm gà và du lịch, là giá tiêu dùng bứt lên, sự bất ổn ‘lợi hại’ của giá dầu cao (lợi xuất khẩu dầu thô, nhưng hại và bị ảnh hưởng dây chuyền khi nhập xăng dầu thành phẩm), đồ gỗ lên ngôi nhờ gặp hên (từ việc Trung Quốc bị áp thuế), là cái rủi con tôm, cái may kiều hối... Chưa nói các nỗi lo nội bộ khác như ‘vấn đề quota’, các trường hợp ‘hạn chế về trình độ’ dẫn đến sự cố làm nghèo DNNN, tình trạng ‘bộ máy hư hỏng’* trong quá trình ‘dùng sức’ (quá trình tham gia ‘thúc đẩy’ ở khu vực hành chính và điều hành kinh tế)... Mặt khác, các diễn biến phức tạp liên quan đến tình hình thế giới cũng đã làm ta lên ruột: Lò lửa Trung Đông, đồng đô la Mỹ xuống/EUR lên, vàng nóng... những thứ dễ có ảnh hưởng nội tại đến kết quả tính toán giá trị tổng sản lượng của ta.

Đánh giá bất lợi của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) về khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước ta, sụt 17 hạng trong năm 2004, ít nhiều cũng là một phản ảnh  thực trạng. Trước những phập phồng mỗi năm mỗi lo như vậy, năm 2005 cũng đã đến với ít tình huống tương tự: Dịch cúm gia cầm lan rộng, giá tiêu dùng hứa hẹn lên cao (có dự đoán Qúi I/2005 sẽ tăng 3,5%, bằng cả năm 2003), dệt may bị thử thách do thế giới (WTO, AFTA, FTA) tháo bỏ hạn ngạch mà Việt Nam sẽ tiếp tục còn bị đứng ngoài...

Nghiêm túc để nhìn nhận có thể thấy, bên cạnh những ảnh hưởng khách quan, nền kinh tế còn nhiều trì trệ chủ quan chưa được tháo gỡ. Vậy là... nếu người ta lo một thì mình có thể phải lo hai hay hơn. Bởi, cho dù tác động ngoại lai hay khách quan (chuyện ở đâu và thời nào cũng có) là khó tránh, kinh tế một nước vẫn có khả năng phát triển vững nếu có một cái nền tự hành đủ vững.

Cái nền tự hành này nằm ở đội ngũ doanh nghiệp trong nền kinh tế. Đội ngũ doanh nghiệp ở ta lại có sự phân biệt rõ là tư nhân, Nhà nước, nước ngoài... gọi là các ‘thành phần kinh tế’, có luật điều chỉnh riêng. Trong khi ‘quốc doanh’ được giao nhiệm vụ chủ đạo, thì quá trình vận động theo quy luật cạnh tranh lâu nay cho thấy thành phần này đã tỏ ra đuối sức.

Dệt may, mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của thành phố.

Đã có quá nhiều sự cố và vấn đề, từ những bất minh tai tiếng, phí phạm, đến bế tắc, lụi tàn. Nhiều DNNN đang tồn tại thì hiệu quả chỉ là cầm cự, dưới lãi ngân hàng; chưa nói lỗ. Kết quả kiểm toán 47 DNNN thuộc 9 Tổng công ty (loại có bề dày, nhiều lợi thế) được công bố hồi tháng 10/2004 cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình chỉ là 7,6%. Nếu là các công ty cổ phần mà lợi nhuận kiểu này thì chắc đã gặp "sóng gió" ! DNNN lại nắm đến 60% tổng tài sản doanh nghiệp trong nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp vào GDP ít hơn 40%.

Về hiệu quả và ý nghĩa đầu tư từ vốn nhà nước, nhận xét mới đây của bà Phạm Chi Lan (Ban Nghiên cứu cạnh Thủ tướng Chính phủ) cho một góc nhìn sâu hơn: “Đầu tư 1 triệu USD cho sản xuất hàng xuất khẩu có thể tạo ra 3.000 việc làm. Trong khi Chính phủ chi 230 triệu USD xây nhà máy xi măng thì chỉ cho có 700 việc làm. Mặt khác, sản phẩm do nhà máy xi măng đầu tư bằng vốn nhà nước làm ra có chi phí đến 50 USD/tấn, so với 12 USD/tấn của Chinfon và 17 USD/tấn của Holcim. Do được khuyến nghị và thực tế nhiều trường hợp đầu tư vốn nhà nước kém hiệu quả, thời gian qua rất nhiều dự án đã bị ách lại, các dự án Giấy Thanh Hóa (1637 tỷ đồng), Giấy Kontum (2400 tỷ đồng)... là những ví dụ.

Cho dù không thể phủ nhận nỗ lực cải cách DNNN của Chính phủ, kinh nghiệm thế giới và thực tế ở ta cho thấy, thành tố DNNN khó đảm đương vai trò ‘chủ đạo’ trước các áp lực khách quan trong quá trình tạo lập nề nếp vận động theo cơ chế thị trường, nhất là để đáp ứng các yêu cầu hội nhập. Điều này có thể kiểm chứng qua mức độ xoay chuyển, năng động thích ứng, tổ chức điều hành... là những hạn chế về quản trị hiệu quả; cũng như cung cách hành xử bao cấp, thói quen ỷ lại, dựa dẫm, quan hệ đan xen... là các hạn chế về minh bạch.

Thêm nữa, kết quả thực hiện còn tùy vào năng lực và đạo đức cá nhân nên thường may rủi, có ít tính bền. Suy cho cùng, sự vận hành nặng nề của thành phần DNNN như vậy là một biểu hiện khác của kinh tế dùng sức. Đã vậy, nhiều ngành kinh tế hiện nay lại hầu như chỉ có ‘hai người’ trên sân chơi, là DNNN và đầu tư nước ngoài (xi măng, sắt thép, hàng không, đường sắt...). Đây có thể là mối lo, là điều đáng suy nghĩ...

  • Huy Nam, chuyên gia kinh tế và thị trường chứng khoán (TP.HCM)

*Ý này đã được TT Phan Văn Khải dùng trong phát biểu nhân dịp găp gỡ doanh nhân tại TP.HCM ngày 14/10/2004

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Học nghề chưa đảm bảo được hành nghề
16:47' 31/12/2003 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/giaoduc/vande/2003/12/42133/ 

Việt Nam hiện vẫn thiếu công nhân kỹ thuật cao.

(VietNamNet) - Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐTBXH), hàng năm ở nước ta, cung vẫn vượt cầu về lao động. Có một thực tế là tuy tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng tình trạng thiếu lao động lại diễn ra gay gắt tại các vùng tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước.

 

Cần thay đổi cách thức học và dạy nghề

Lâu nay, khái niệm học nghề thường được hiểu theo nghĩa hẹp là đào tạo ngắn hạn công nhân kỹ thuật (CNKT) bậc thấp. Hình ảnh tương lai của những học sinh học nghề luôn gắn liền với người công nhân áo xanh, tay chân dính đầy dầu mỡ, bụi bặm... Không ít người còn cho rằng học nghề là con đường lựa chọn cuối cùng nếu… thi mãi mà vẫn không vào được đại học. Hiện nay hiệu suất đào tạo nghề ở những thành phố lớn rất thấp và chỉ đạt trên 50%. Thế nhưng, trong khi các trường nghề loay hoay với việc không thực hiện đủ chỉ tiêu đào tạo CNKT, định mức tuyển sinh không đạt yêu cầu thì kết quả dạy nghề lại không đạt được như mong muốn. Cái xã hội cần thì trường nghề không đào tạo và ngược lại cái xã hội không cần thì lại đào tạo dư thừa. Theo các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết năm 2003 của ngành LĐTBXH, hiện nay, chất lượng dạy nghề trên cả nước chưa gắn liền với nhu cầu tuyển dụng, chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.

Trong xu thế hiện nay, cùng với việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật cao và thay thế lao động chân tay bằng dây chuyền sản xuất hiện đại, các doanh nghiệp không cần sử dụng nhiều công nhân. Yêu cầu của các nhà sử dụng lao động là những công-nhân-kỹ-sư tay nghề cao, có thể học hỏi nhanh, ứng dụng thành thạo công nghệ kỹ thuật mới. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hằng cho rằng, ngoài việc huy động vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, các trường dạy nghề cần đổi mới phương pháp, chương trình, giáo trình giảng dạy và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch dạy nghề thích hợp với hoạt động kinh tế, xã hội của địa bàn, ưu tiên dạy nghề dài hạn.

Nghề mới… chưa có nơi đào tạo

Cùng tốc độ phát triển của nền kinh tế, xã hội, ngày càng xuất hiện nhiều nghề mới, đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Thế nhưng, hầu như ngành dạy nghề không những không đón đầu mà còn chưa bắt kịp nhịp để đào tạo một cách bài bản những yêu cầu mới này.

Nhiều giáo viên dạy nghề cho biết, nhà trường rất muốn mở lớp đào tạo các ngành nghề mới nhưng để xin được giấy phép thì rất lâu. Có khi đến lúc ấy, ngành nghề đó đã… hết mới. Sở dĩ học sinh quay lưng với trường nghề một phần là do nội dung và phương thức đào tạo nghề chậm đổi mới. Hiện nay, bình quân 5 năm Tổng Cục Dạy nghề mới tiến hành bổ sung mã số ngành nghề mới. Như thế, nếu “cầm đèn chạy trước ô tô” thì nhà trường sẽ “mắc tội” đào tạo chui.

Công nhân của Dệt may Thành Công được đào tạo nghề trực tiếp tại công ty.

Để tự “cứu” mình, hiện nay, một số doanh nghiệp và khu công nghiệp (KCN) như Công ty Holcim Việt Nam, Dệt may Thành Công, Việt Tiến đã chủ động “tự giác” đào tạo nghề cho công nhân của mình. Qua đó, không chỉ giải quyết được tình trạng khan hiếm lao động mà còn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất của từng doanh nghiệp. Trung tâm Nghiên cứu đào tạo ngành may của Công ty Dệt may Thành Công sau một năm thành lập đã đào tạo 600 học viên, khoảng 50% trong số này đang làm việc tại công ty. Công ty Holcim Việt Nam thì liên kết với Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang để tuyển sinh và đào tạo lao động. Học viên trúng tuyển sẽ được miễn học phí trong suốt thời gian học, và thực hành tiếp cận với máy móc, kỹ thuật trên trang thiết bị của công ty này. Có thể thấy, mô hình mới này đảm bảo kỹ năng thực hành của học viên cao hơn nhiều so với cách thức dạy nghề tại phần lớn các trường hiện nay.

Hàng năm, nước ta có thêm 1,2 triệu người vào độ tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp hàng năm luôn vẫn là thách thức lớn đối với ngành LĐTBXH Việt Nam . Thế nhưng, thách thức lớn hơn là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao không phải do thiếu việc làm mà phần lớn do không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nguyên nhân vì đâu?

  • Linh Trúc   
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Thông tin kinh tế trên các báo ra ngày 7/9
09:25' 07/09/2004 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/kinhte/diembao/2004/09/256364/#11 

Dự trữ 1 triệu tấn clinker bình ổn thị trường

Tổng công ty xi măng Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục tìm nguồn để nhập khẩu thêm clinker,nhằm dự trữ 1 triệu tấn clinker, 150.000 tấn xi măng rời và 200.000 tấn xi măng bao để kịp thời cung ứng ra thị trường khi có biến động.

Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải cũng đang triển khai chương trình vận chuyển 1,8 triệu tấn xi măng từ Bắc vào Nam để bù đắp thiếu hụt ở phía Nam trong những tháng cuối năm.

Công ty Holcim cũng đang gấp rút hoàn thành nhà máy xi măng Thị Vải để cung cấp thêm 100.000 tấn/tháng cho thị trường phía Nam. Theo Bộ TM, trong 8 tháng qua, cả nước đã NK 2,739 triệu tấn clinker, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

(Theo TBKTVN) 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồ




Chi 5 tỷ đồng cho ý tưởng bảo vệ môi trường
07:24' 14/06/2005 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/xahoi/doisong/2005/06/452671/ 

(VietNamNet) - 54 trên 240 đề án bảo vệ môi trường sẽ tham gia vòng chung kết cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam 2005 tại Hà Nội. Dự kiến sẽ có ít nhất 33 giải thưởng với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng được trao trong cuộc thi này.

Mỗi đề án này sẽ trưng bày các ý tưởng sáng tạo của họ trong một gian hàng được đặt trong một "hội chợ mini". Ban Giám khảo sẽ đi thăm từng gian hàng, trao đổi với tác giả của ý tưởng sáng tạo và sau đó sẽ chọn ra những người đoạt giải.

Soạn: AM 441259 gửi đến 996 để nhận ảnh này
WB kêu gọi, hãy bảo vệ chính môi trường sống quanh bạn.

Cuộc thi Sáng tạo và Diễn đàn Tri thức thuộc chương trình Ngày sáng tạo Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức thường niên. Cuộc thi năm nay sẽ diễn ra ngày 15 và 16/6/2005 tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội.

 

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác bảo vệ môi trường thông qua hơn 10 năm thực hiện luật Bảo vệ môi trường.

Tuy đã có tiến bộ, nhưng công việc này cho đến nay vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập: việc nhận thức về môi trường của xã hội và cộng đồng nói chung, bất cập về trình độ hiểu biết cần thiết của người dân và năng lực của họ trong việc tham gia một cách tự giác và hiệu quả đối với hoạt động bảo vệ thiên nhiên và môi trường.

Chủ đề của Chương trình năm nay là "Hành động vì môi trường" với 3 chủ đề nhỏ: Quản lý chất thải rắn, Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và Thu hút sự tham gia của cộng đồng trong việc kiểm soát những vấn đề môi trường.

Ba Diễn đàn tri thức: Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường; Tuổi trẻ với kiểm soát và bảo vệ môi trường và Doanh nghiệp và môi trường cũng sẽ diễn ra vào ngày 16/6.

Đây sẽ là nơi để các chuyên gia cùng giới trẻ trao đổi kinh nghiệm trong việc thu hút sự tham gia của cộng đồng một cách tự giác và hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại hiện có và các biện pháp để tạo ra sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Chương trình này do Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài nguyên Môi trường đồng tổ chức. Đồng tài trợ là Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia, Quỹ Canada, Đại sứ quán Đan Mạch, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV, Công ty Quản lý tài nguyên môi trường ERM, Xi măng Holcim, Công ty Mercedes-Benz Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế New Zealand, Đại sứ quán Hà Lan, Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển, Quỹ Môi trường SIDA, Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sỹ, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, Hàng không quốc gia Việt Nam, Báo điện tử VietNam Net và WWF Đông Dương.

  • Hồng Phúc 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 4/8
08:57' 04/08/2004 (GMT+7)
 http://www.vnn.vn/kinhte/diembao/2004/08/222988/ 

Thiếu hụt gần 2 triệu tấn xi măng

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong những tháng cuối năm, nguy cơ thiếu hụt xi măng trên địa bàn cả nước là rất lớn. Nghiêm trọng nhất là khu vực phía Nam thiếu hụt đến gần 2 triệu tấn. Nếu xét về nhu cầu, thì từ nay đến cuối năm khu vực phía Nam cần khoảng 6 triệu tấn xi măng, trong khi khả năng của các nguồn cung ứng chỉ mới khoảng 4,2 triệu tấn. Vậy làm thế nào để có đủ lượng xi măng bù đắp vào khoảng trống thiếu hụt này?

Theo ông Thiện, không còn cách nào khác là các DN vẫn phải tiếp tục nhập khẩu clinke về để sản xuất xi măng phục vụ nhu cầu trong nước (sắp tới, thuế nhập khẩu clinke trong khu vực ASEAN từ 20% có khả năng sẽ được Chính phủ giảm xuống còn 15%), các DN cần phải tận dụng cơ hội này để gia tăng nhập khẩu, dự trữ clinke đồng thời đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường phía Nam khi vào mùa cao điểm (quý IV-2004).

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Thông, Vụ Công nghiệp (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cũng cho rằng, đa số các liên doanh xi măng ở Việt Nam đều có nguồn cung cấp clinke từ đối tác nước ngoài, do vậy trong tình hình khó khăn như hiện nay, các liên doanh cần phải thể hiện trách nhiệm của mình với thị trường trong nước, cần phải chia sẻ khó khăn trong việc gia tăng nguồn cung ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, liên doanh Xi măng Holcim cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà máy sản xuất Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), công suất 1,3 triệu tấn/năm vào cuối tháng 8-2004, để đầu tháng 9-2004 tới đây sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 100.000tấn/tháng.

Cùng với việc nỗ lực gia tăng nhập khẩu climke và chạy hết công suất để tăng sản lượng xi măng cho thị trường phía Nam, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông-vận tải thực hiện tốt việc vận chuyển xi măng từ phía Bắc vào Nam. Bởi lẽ, từ nay đến cuối năm, nhu cầu thị trường phía Bắc không tăng, trong khi ở phía Nam lại tăng đột biến (do vào mùa khô và có rất nhiều công trình của TPHCM đang cần tăng tốc để hoàn thành kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị năm 2004).

Nếu tận dụng hết các cơ hội, thực hiện tốt các biện pháp nêu trên thì chắc chắn thị trường xi măng sẽ tránh được những biến động lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xây dựng các công trình và nền kinh tế.

(Theo SGGP)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi




Sửa luật để thu hút đầu tư NN: Tôi rất nóng ruột...
00:21' 16/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy với báo giới về việc chậm sửa đổi các quy định pháp luật để giữ ưu đãi thuế cho nhà đầu tư. Phó Thủ tướng cho biết: khả năng đầu tư nước ngoài thời gian tới có triển vọng tốt. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo chí.

- Tại Hội nghị Diễn đàn DN 2004, nhiều nhà đầu tư cho rằng Chính phủ ban hành các nghị định 164, 158/2003 giảm các ưu đãi về thuế, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã đồng ý sửa đổi nhưng tại sao đến bây giờ vẫn chưa xong?

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc:

- Bộ trưởng đánh giá như thế nào khi nhiều nhà đầu tư đang đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam đang kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực?

- Điều đó hoàn toàn không phải! Trong hội nghị Diễn đàn Doanh nghiệp 2004 người ta đánh giá rất tốt. So sánh từng chỉ tiêu một thì đúng là có một số mặt nào đó chúng ta thua kém các nước trong khu vực nhưng nhiều mặt chúng ta có lợi thế. Hiện nay, các điều tra của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) xếp chúng ta là một trong những nước có môi trường đầu tư hấp dẫn thứ 4 trên thế giới.

Có một số lĩnh vực chúng ta cần phải xem xét. Đó là giá cả một số sản phẩm dịch vụ. Chẳng hạn, giá điện của chúng ta còn cao hơn 6% so với bình quân chung của giá điện trong khu vực là không hợp lý! Cái này trong lộ trình Chính phủ sẽ điều chỉnh. Hay giá cước viễn thông, riêng điện thoại đường dài từ Việt Nam đến một số nước; chi phí về thuê văn phòng, về đất đai còn cao hơn. Chính phủ đang xem xét những vấn đề này để có điều chỉnh đảm bảo môi trường đầu tư cạnh tranh.

- Hiện nay chúng ta vẫn thu hút đầu tư theo quy hoạch của các ngành. Mà các ngành thường lựa chọn ra những dự án kém tính hấp dẫn để thu hút đầu tư...?

- Chúng tôi đang có những biện pháp để sửa đổi. Chúng tôi bảo đảm môi trường đầu tư bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước. Tất cả những ngành, lĩnh vực nào cần thu hút đầu tư thì cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước lựa chọn như nhau. Trước đây có tình trạng chúng ta dùng quy hoạch để hạn chế đầu tư. Nhưng có một số dự án đầu tư có khả năng mở rộng đầu tư, sản xuất như xi măng Nghi Sơn, xi măng Chinfon thì ta dùng quy hoạch để xếp lại những dự án đó ở thứ hạng ưu tiên sau để đưa các dự án khác thu hút đầu tư trong nước của các DN nhà nước. Nhưng vừa rồi Chính phủ đã có điều chỉnh. Hiện nay một số dự án như xi măng Hải Phòng, xi măng Nghi Sơn... đã được bổ sung và có sự điều chỉnh để đầu tư.

- Các dự án gần đây về nước sạch cũng nằm trong diện quy hoạch hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài?

- Dự án về nước chúng tôi hoàn toàn kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng có thực tế là giá nước của chúng ta quá thấp, cho nên khi các nhà đầu tư vào không cạnh tranh nổi, họ đã không đầu tư!

- Nghị định 158/2003 hướng dẫn thực hiện luật thuế VAT, Nghị định 164/2003 hướng dẫn thuế thu nhập DN có những điểm không phù hợp. Chính phủ đã yêu cầu sửa ngay. Nhưng theo Luật ban hành văn bản pháp quy của mình, muốn sửa nghị định không phải Thủ tướng ký ''rẹt'' là xong! Phải lập ban soạn thảo để sửa đổi, soạn thảo xong thì Bộ Tư pháp thẩm định. Thẩm định xong phải lấy biểu quyết của các thành viên Chính phủ. Hiện các văn bản này đang ở giai đoạn thẩm định. Các văn bản này chậm tôi rất nóng ruột!

- 5 tháng đầu năm 2004, số dự án đầu tư nước ngoài giảm 34%, số vốn giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây có phải là thêm một bước thụt lùi...?

- Thực trạng này là tích tụ nhiều nguyên nhân, trong đó có phần như đã nói trên. Nguyên nhân nhân khách quan là vốn đầu tư vào các nước đang phát triển đang có sự cạnh tranh rất lớn. Đây là một cuộc cạnh tranh khốc liệt cả trong khu vực. Mình cải thiện đầu tư thì các nước cũng cải thiện!

- Nhưng cải thiện môi trường đầu tư của ta vẫn chưa đủ hấp dẫn để nâng quy mô đầu tư?

- Chúng ta đang rất tích cực cải thiện môi trường đầu tư. Môi trường đầu tư phải hiểu là bắt đầu từ thể chế, chính sách, luật pháp rồi mới đến thủ tục và các điều kiện cơ bản về hạ tầng. Có người nói thủ tục mình làm chậm thì đang cải tiến, cố gắng làm nhanh. Có người nói môi trường đầu tư không hấp dẫn vì giá cước viễn thông cao, thì chúng ta đang phấn đấu giảm bằng khu vực. Có người nói giá cước vận tải đắt quá! Vận tải từ khu công nghiệp Singapore đến cảng Sài Gòn đắt hơn từ cảng Sài Gòn đi Singapore. Vì hạ tầng của chúng ta như thế! Từ khu công nghiệp Singapore vào cảng Sài Gòn không được chở bằng tàu lớn mà tàu nhỏ chở thì cước phí cao. Chính phủ đang tính toán làm cảng nước sâu cho cả khu vực Vân Phong (Khánh Hoà).

Chúng ta mới hội nhập, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Việt Nam đã gia nhập AFTA, APEC, ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ và 72 nước. Quyết tâm gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì trước hết chúng ta phải đàm phán và chấp nhận nguyên tắc chung, thể chế chung về đầu tư, thương mại, dịch vụ... Khi đó mới hình thành những chính sách cơ bản gắn liền với những nguyên tắc và thể chế của tổ chức này.

- Hiện nay có phải chúng ta đang hạn chế đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực như nước sạch, xi măng...?

- Tôi khẳng định không có chuyện đó. Hiện nay chúng ta vẫn khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xi măng. Tập đoàn Holcim đang tiếp tục trình dự án khai thác ở Thạch Mỹ (Quảng Nam), sản xuất xi măng 2,5 triệu tấn/năm. Cái tin lấy quy hoạch ngăn đầu tư nước ngoài, hạn chế một số lĩnh vực là không có, hiểu không đúng! Vừa qua nhược điểm của ta là thiếu quy hoạch, tính hiệu lực và hiệu quả của quy hoạch không cao. Trong lĩnh vực sản xuất xi măng chưa làm rõ được chỗ nào cho làm, chỗ nào chưa cho làm. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng thảo luận lại.

Còn đầu tư vào nước sạch đầu tư không có gì cao siêu cả! Những dự án ở TP.HCM nếu thực hiện thuận lợi, mỗi năm chúng ta phải trả tiền sử dụng nước chuyển ra ngoài không dưới 200 triệu USD. Trong lúc cán cân thanh toán của ta rất khó khăn, xuất khẩu kiếm từng đồng. Lĩnh vực này chúng ta không cấm nước ngoài nhưng khuyến khích đầu tư trong nước. Chính phủ nói rõ cho vay ưu đãi làm cái này.

Chúng ta phải tính lợi ích quốc gia nên không thể chấp nhận ''nhập khẩu'' nước để tiêu dùng, trong khi hoàn toàn có thể tự làm lấy và làm rẻ hơn nhiều. Nếu Chính phủ chưa làm được là có khuyết điểm với dân!

- Có nhà đầu tư nước ngoài nói " không 'thích'' thị trường Việt Nam vì cái gì cũng thiếu nhưng đầu tư thêm một chút vào thì thừa. Phó Thủ tướng nhận xét như thế nào?

- Thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng với 80 triệu dân. Nhưng đang trong quá trình ''tiềm năng'' vì sức mua thấp, bình quân đầu người là 500 USD, nằm trong số 40 nước nghèo nhất thế giới. Chẳng hạn, 80 triệu dân tiêu dùng 1 triệu tấn đường là vừa. Nhưng làm lên 1,2 triệu tấn đường là thừa vì sức mua thấp chứ không phải vì nhu cầu. Sức ''ăn đường'' của người Việt Nam còn lớn lắm! Cho nên chiến lược của Việt Nam vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa thay thế nhập khẩu có hiệu quả. Mình mới mở khu công nghiệp, khu chế xuất để nhập khẩu nguyên vật liệu, sử dụng lao động của mình vào tạo ra giá trị gia tăng để xuất khẩu.

- Dự đoán của Phó Thủ tướng về thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới?

- Theo tôi, khả năng thời gian tới có triển vọng tốt. Bởi vì chúng ta đang cải tiến đồng bộ các lĩnh vực về thể chế, luật pháp, về thủ tục hành chính, về các điều kiện dịch vụ, kể cả nguồn nhân lực... Tôi cũng rất mừng khi nghe các tổ chức quốc tế ở Việt Nam như IMF, WB, ADB... đánh giá chúng ta có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư.

  • Văn Tiến
    ghi
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi