Đàm phán WTO khó đáp ứng hết yêu cầu
của Mỹ
Theo Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng Phái
đoàn Đại diện Việt Nam tại Geneva, phía Mỹ luôn
thể hiện thiện chí song cũng thường thắc mắc và đặt
nhiều câu hỏi trong đàm phán đa phương cũng như song
phương. Để đáp ứng hết yêu cầu đó, Việt Nam
phải là một nước phát triển ở trình độ rất cao.
|
Đại sứ Ngô Quang Xuân vừa về
nước để tham dự Hội thảo Việt Nam gia
nhập WTO: Cơ hội và Thách thức, diễn ra tại
Hà Nội hôm nay, 6/10. |
- Đàm phán song phương với Mỹ về vấn đề Việt
Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
vẫn chưa đi đến hồi kết. Ông nhìn nhận thế nào
về thái độ của phía Mỹ trong vấn đề này?
- Tôi nghĩ là có sự khẳng định từ
cấp lãnh đạo Mỹ, rằng họ ủng hộ rất cao việc
đàm phán và gia nhập WTO của Việt Nam. Họ luôn tuyên
bố sự ủng hộ đó như một thiện chí trong toàn bộ
quá trình làm việc với Việt Nam. Nhân dịp chuyến thăm
của Thủ tướng Phan Văn Khải hồi tháng 7, Tổng
thống George Bush cũng tái
khẳng định điều này, như một động lực giúp
hai đoàn đàm phán tích cực gặp nhau và giải quyết các
vấn đề còn tồn tại.
Tuy nhiên, dư luận trong và ngoài nước
đều cho rằng trong đàm phán của Việt Nam, Mỹ vẫn là
đối
tác khó khăn nhất. Tôi nghĩ chuyện này cũng bình
thường và dễ hiểu. Có lẽ người ta thấy Việt Nam
có tiềm năng rất lớn, và khi vào WTO rồi, sẽ là
một nền thương mại có sức cạnh tranh. Vì vậy, họ
cũng muốn làm rõ rất nhiều vấn đề, nhất là các
vấn đề liên quan đến chính sách thương mại toàn
diện trước khi Việt Nam trở thành thành viên tổ
chức này.
- Nộp đơn xin gia nhập từ tháng
1/1995, đến nay, Việt Nam đã có 10 phiên làm
việc chính thức và 1 phiên trù bị với Ban Công
tác.
- Việt Nam đã kết thúc đàm
phán song phương về vấn đề gia nhập WTO
với 21 đối tác. 6 đối tác còn lại là
Australia, Honduras, Dominican, Mexico, New Zealand và
Mỹ.
|
- Vậy theo ông, đâu là vướng mắc lớn nhất trong
quá trình đàm phán giữa hai bên?
- Trong cả hai lĩnh vực đàm phán, hàng
hoá và dịch vụ, phía Mỹ đều rất quan tâm và nêu
rất nhiều câu hỏi. Tại các phiên đàm phán đa phương,
họ thường là đối tác nêu nhiều câu hỏi nhất,
nhiều thắc mắc nhất với đoàn đàm phán Việt Nam. Các
phiên song phương cũng vậy. Theo tôi, ở nền kinh tế
đang chuyển đổi như Việt Nam, có một số điểm còn
tương đối nhạy cảm. Quyền thương mại là một ví
dụ. Phía Mỹ rất quan tâm tới vấn đề này, đặc
biệt là những điều liên quan tới doanh nghiệp Nhà nước.
Mỗi khi gặp nhau, chúng tôi đều giải thích rằng
nếu phía bạn yêu cầu quá cao về điều này thì
Việt Nam rất khó đáp ứng ngay, phải có thời gian
nhất định.
Còn nhiều vấn đề phức tạp khác
trong đàm phán song phương Việt Mỹ. Song tôi nghĩ, chính
sự chênh về trình độ phát triển, chênh nhau về hệ
thống luật lệ, về mức độ tham gia thị trường
quốc tế đã làm nảy sinh những khó khăn. Mỹ đang
hỗ trợ Việt Nam rất nhiều, song cũng yêu cầu rất
cao. Rất khó để có thể mở cửa toàn bộ thị trường
cho mọi thành viên WTO. Nếu đáp ứng được hết các
yêu cầu của Mỹ thì Việt Nam đã là một nước phát
triển rất cao rồi. Theo tôi, các nhà đàm phán hai bên
cần hiểu rõ nhau và nếu phía Mỹ thông cảm thì cũng
bớt phức tạp cho Việt Nam.
- Lần gặp tiếp
theo sẽ vào dịp nào, thưa ông?
- Hai bên đang sắp xếp để có thể
gặp lại nhau trong tháng 10. Kết thúc phiên đa phương
thứ 10 vừa qua tại Geneva, vị Chủ tịch Ban Công tác
về vấn đề Việt Nam gia nhập WTO đã nói thời điểm
cho phiên đa phương tiếp theo vẫn để mở. Ông cũng kêu
gọi các nước còn những vấn đề gì trong đàm phán
song phương thì tích cực gặp Việt Nam để giải
quyết, giúp thúc đẩy quá trình gia nhập nhanh hơn.
- Một số ý kiến
cho rằng, các đối tác còn lại vẫn chờ Việt Nam
kết thúc với Mỹ rồi mới lên lịch gặp và kết thúc
đàm phán song phương. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đúng là có dư luận như vậy. Cái đó
đúng mà cũng không đúng. Đến nay, chúng ta đã kết
thúc với 21 đối tác. Các đối tác còn lại cũng
chỉ còn vướng mắc một số vấn đề song phương.
Tất nhiên, theo tôi, nếu chúng ta kết thúc đàm phán
với Mỹ sẽ thuận lợi hơn khi giải quyết nốt các
vấn đề với các đối tác còn lại.
Song
Linh
|