Thứ Tư, 26.05.2004
Ông Guy Mettan, Giám Đốc Câu Lạc Bộ Báo chí Geneva: Việt Nam là miền đất tuyệt vời để du ngoạn và khám phá
Tuần lễ kinh tế - văn hóa Hà Nội tại Geneva, hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chiến tại ba nước Đông Dương (21.7.1954 - 21.7.2004) đang diễn ra tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 24.5. Trao đổi với cộng tác viên Báo Lao Động, ông Guy Mettan, Giám đốc Câu lạc bộ Báo chí Geneva, một trong những "kiến trúc sư" của chương trình, cho biết các hoạt động này là cơ hội để thúc đẩy mối quan tâm tới Việt Nam (VN).
Thưa ông, ý tưởng tiến hành hoạt động kỷ niệm Hiệp định Geneva đến với ông như thế nào và vì sao ông lại có mối quan tâm đặc biệt đến VN?
- Tôi đến VN lần đầu tiên vào tháng 10.2002 cùng một phái đoàn doanh nghiệp và quan chức Thụy Sĩ tháp tùng Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Couchepin. Chúng tôi đã thăm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Ngay từ thời điểm ấy, tôi đã có ấn tượng sâu sắc với những người VN mà chúng tôi có dịp gặp, ấn tượng với nguồn nhiệt huyết bất tận của các bạn, những người đã tạo nên những điều kỳ diệu từ con số không. Chúng tôi cảm nhận được năng lực dồi dào trong ý chí của người VN. Vài tháng sau, tôi bắt đầu nảy ra ý tưởng về kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Geneva năm 1954 về đình chiến tại Đông Dương sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi đã đề xuất chương trình lên Hội đồng thành phố Geneva và chúng tôi quyết định khởi động các hoạt động hợp tác giữa thành phố Geneva và Hà Nội, viết sách, đăng cai một diễn đàn mở về Hiệp định Geneva và tổ chức Tuần lễ văn hóa - kinh tế tại Geneva. Tuần lễ này bắt đầu từ ngày 24 đến 29.5, do Thị trưởng Geneva Christian Ferrazzino và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Văn Ninh chủ trì.
Lần trở lại VN vào Tết Giáp Thân vừa rồi, ông khám phá được những thông tin quý về Hội nghị Geneva?
- Tôi đã tiếp cận với nhiều tư liệu từ Ban nghiên cứu lịch sử của Bộ Ngoại giao VN, gặp gỡ một nhân chứng lịch sử là ông Lê Minh Nghĩa (cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ). Tôi cũng có dịp tiếp xúc với một chính khách nguyên là Trưởng ban Biên giới chính phủ và ông đã kể cho tôi rất nhiều ghi chép cá nhân về thời kỳ lịch sử đó. Ngoài ra, thông qua một người bạn là ông Paul Trần Văn Thình, cựu Đại sứ EU tại Liên Hợp Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển cho tôi một vài tư liệu của riêng ông. Tôi đã tập hợp tất cả các thông tin quý giá này trong quyển sách "Geveva - thành phố hòa bình, từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến hợp tác quốc tế" vừa xuất bản.
Ông đã tìm thấy ý nghĩa "thành phố hòa bình" của Geneva như thế nào trong sự kiện Hội nghị Geveva 1954?
- Geneva được 4 cường quốc Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp chọn để đăng cai Hội nghị về Châu á năm 1954 tại cuộc họp ở Berlin tháng 2.1954. Nước Pháp, được ủng hộ bởi Anh và cả Liên Xô, muốn hội nghị này có thể mang lại hòa bình (ở Châu á sau cuộc chiến tranh Triều Tiên và để giải quyết các vấn đề ở Đông Dương). Nhưng phía Mỹ lại rất miễn cưỡng vì hội nghị đã đề nghị sự tham gia của nước Trung Hoa cộng sản và sau cùng là công nhận chiến thắng của Chủ tịch Mao Trạch Đông, điều mà Mỹ không hề muốn.
Với Geneva, nơi trong suốt những năm trước Đại chiến Thế giới lần II là trụ sở của LHQ, thì hội nghị là cơ hội để một lần nữa trở thành thành phố của hòa bình và trung tâm quốc tế cho các cuộc hòa đàm. Và điều đó trở thành sự thực khi các cuộc thương thuyết thành công vào ngày 21.7.1954, với việc ký kết Hiệp định Geneva về đình chiến tại Đông Dương. Mặc dù sau đó, các thế lực chính trị tại các siêu cường, đặc biệt là Mỹ, đã phá vỡ thỏa thuận của hiệp định trong những năm tiếp theo.
Từ 24 - 29.5, hàng loạt hoạt động giới thiệu văn hóa và tiềm năng kinh tế của VN diễn ra tại Geneva. Các doanh nghiệp Hà Nội tham dự Hội chợ về đầu tư của các nước Châu Âu, giới thiệu các sản phẩm kinh tế - thương mại - du lịch của VN và kêu gọi các dự án đầu tư. Hà Nội cũng sẽ giới thiệu múa rối nước, ca múa nhạc dân tộc, thời trang áo dài, triển lãm tranh Hà Nội xưa và nay... Sẽ có biểu diễn võ thuật VN của các võ sĩ Việt kiều đến từ các nước Châu Âu. Lãnh đạo Hà Nội và Geneva cũng gặp gỡ và thảo luận chi tiết về các kế hoạch hợp tác tiếp theo.
|
Thưa ông, trong hành trình tới VN tìm về quá khứ, ông có bị lôi cuốn bởi VN ngày nay, một đất nước đang nỗ lực mở cửa với bên ngoài cho đầu tư, du lịch...?
- VN là một nơi tuyệt vời để du ngoạn và khám phá ở Châu á. Đất nước các bạn có nhiều núi non, những miền quê và bãi biển tuyệt đẹp. Đặc biệt là một nền tảng lịch sử, một nền văn hóa phong phú và giàu truyền thống. Nhiều ý kiến cho rằng có thể chúng lại trở thành một "nhược điểm" trong cuộc cạnh tranh của thế giới toàn cầu hóa ngày nay. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Trong trường hợp của VN, cũng tương tự như Thụy Sĩ thì đa dạng và truyền thống là một sức mạnh chứ không phải sự bất tiện. Nhưng chúng cần được phát triển theo chiều hướng của sự cởi mở, tiến bộ, thịnh vượng và đoàn kết giữa con người và con người. Tôi thấy VN đang đi theo hướng này.
Tuy nhiên, có một thực tế là báo chí nước ngoài vẫn có thiên hướng phản ánh về VN hoặc các nước đang phát triển một cách thiếu khách quan, thậm chí bóp méo vấn đề? Là nhà báo, ông có thể nói gì?
- Một trong những vấn đề lớn của thời đại chúng ta ngày nay là báo chí và con người ở những nước giàu nhất ở Châu Âu và Châu Mỹ thường nhìn một cách méo mó về phần còn lại của thế giới. Họ hay đánh giá vội vã và phán xét các nước khác bằng những quan điểm khá hẹp hòi. Tôi thấy đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền và dân chủ. Nhân quyền và dân chủ phải được nhìn nhận như là một quá trình phát triển kinh tế, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng. Đối với tôi, điều quan trọng là luôn lưu ý rằng VN hoặc bất cứ quốc gia nào khác đều đang xây dựng nền kinh tế, mở rộng dân chủ và phát triển các khuôn khổ, giáo dục nhân dân dựa trên những nền tảng thông thường. Tôi tin chắc rằng đó là những gì đang diễn ra ở VN hôm nay. Mọi bình luận khác, nhận xét hoặc chỉ trích đều không thích đáng.
Xin cảm ơn ông.
Duy Văn thực hiện |