Vietnam by 2020 / Vietnam vào năm 2020


Thứ ba, 19/5/2009, 15:15 GMT+7

Doanh nghiệp ngoại 'chê' chất lượng lao động Việt Nam

Nhân lực Việt Nam từng là lợi thế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhờ đức tính cần cù, chi phí nhân công thấp, nhưng nay đang bị chê vì thiếu hụt trình độ chuyên môn.

Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 18/5, nhiều doanh nghiệp khẳng định Việt Nam là một trong những nước được ưa thích nhất trong khu vực Đông Nam Á, song sự thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề đang là vấn đề đáng lo ngại. Các doanh nghiệp ngoại đang phải cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút ứng cử viên xuất sắc trong thị trường lao động. Tuy nhiên chỉ những công ty lớn thắng cuộc bởi họ có đủ tiềm lực để giữ chân người tài.

Lao động Việt Nam cần cù, khéo léo nhưng chất lượng làm việc còn chưa cao. Ngay cả lao động làm các công việc phổ thông như thợ điện, thợ sửa ống nước, nhân viên phục vụ... để tìm ra người lành nghề không hề dễ.

Đội ngũ nhân công tay nghề cao còn thiếu nhiều. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Harry Beirnaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bỉ-Luxembourg tại Việt Nam nói tới hiện tượng phổ biến ở các tòa nhà mới xây là chất lượng công trình nhanh xuống cấp, hệ thống điện, điều hòa kém chất lượng. Ông Harry Beirnaert cho rằng đây không chỉ là lỗi của người giám sát công trình mà còn do sự thiếu tay nghề của công nhân.

Chất lượng nhân lực không được đào tạo tốt còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ. Đây sẽ là một thiệt thòi lớn khi ViệtNam vốn được coi là điểm đến hấp dẫn thu hút các khách du lịch nước ngoài. "Nhân lực kém chất lượng tưởng như là vấn đề nhỏ hóa ra lại tác động rất lớn lên nhiều khu vực có liên quan khác, đặc biệt là du lịch. Nhân viên không được đào tào tốt, ngành du lịch dịch vụ sẽ khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế", ông Harry Beirnaert nói.

Thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối đầu là xác định kỹ năng cần thiết của những ngành "hot" tại Việt Nam trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp cho rằng hệ thống giáo dục đang vận hành khá tốt nhưng lại theo đuổi những mục tiêu đã lạc hậu. Bởi vậy, phương pháp dạy và học phù hợp với việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường là vấn đề cần quan tâm

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu đưa ra ví dụ, giả sử trong tương lại ngành tài chính ngân hàng có khoảng 50.000-60.000 người theo học, kỳ vọng có khoảng 15.000 người song thưc tế chỉ có 5.000 người đáp ứng được những kỹ năng cần thiết. "Số lượng như vậy là quá ít. Để đỡ lãng phí, doanh nghiệp cần đào tạo cho các đối tượng này những kỹ năng cơ bản gì để họ đáp ứng được",vị đại diện này nói.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 230 trường đang đào tạo khoảng hơn 1,3 triệu sinh viên. Nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra ngỡ ngàng khi chứng kiến có nhân viên tốt nghiệp đại học không thể làm được một phép toán đơn giản. "Tôi có cảm giác nhiều sinh viên ra trường chưa sẵn sàng để làm việc, khả năng làm theo nhóm còn chưa cao", ông Andrew Yeo, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Singapore nói.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam thừa nhận lao động Việt Nam dồi dào, cần cù, trẻ, năng động, nhưng chưa tận dụng được hết ưu thế. Việt Nam thiếu đội ngũ kỹ thuật cao, người lao động chủ yếu cung cấp bởi khu vực nông nghiệp nông thôn. Trong khi các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến tác phong công nghiệp, ý thức kinh doanh thì lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.

Ông Lộc cho rằng cần đào tạo theo nhu cầu xã hội, chất lượng giáo dục không chỉ cần chú trọng ở bậc đại học, mà còn ở việc dạy nghề, giáo dục cơ bản và tiểu học. Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo để xác định nhu cầu nhân lực, chuyên môn, đồng thời đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và tạo điều kiện để lao động có điều kiện thực hành. "Tôi cho rằng đã đến lúc giáo dục bắt tay với doanh nghiệp để hợp tác đào tạo nhằm cung ứng cho thị trường những lao động chất lượng nhất", ông Lộc nhấn mạnh.

Hoàng Lan